"Trở lại Sư đoàn 968 Anh hùng Quân tình nguyện Nam Lào" - Ghi chép của Lê Lợi

Ngày đăng: 05:46 16/06/2023 Lượt xem: 92
TRỞ LẠI SƯ ĐOÀN 968 ANH HÙNG QUÂN TÌNH NGUYỆN NAM LÀO
Ghi chép
TTUT-BsCKI Lê Lợi, CCB F968
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam


       
       Để khởi động cho kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Sư đoàn 968 (28/6/1968-28/6/2023) Tôi xin giới thiệu ghi chép đợt kỷ niệm cách đây 5 năm (2018) khi về dự kỷ niệm 50 năm. Bài dài, tác giả xin đăng tải bằng nhiều kỳ.


KHỞI HÀNH
       Biết là năm 2018, sư đoàn 968 tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vậy mà công việc chuẩn bị đi dự ngày vui tôi cũng phải đắn đo và sắp xếp mãi. Đồng đội ngày trước cùng ở bên Lào, người bằng tuổi có, người nhiều hơn và cả những người thế hệ sau ít hơn tuổi liên hệ thúc giục, hẹn hò từ trước cả hàng năm trời nhưng bởi tôi đang còn công tác nên việc xin nghỉ và đi cả tuần là không hề đơn giản. Chính vì vậy mà sau khi cầm tờ giấy cơ quan đồng ý cho nghỉ phép tôi mới quyết định sử dụng tầu hỏa là phương tiện để di chuyển từ Nam Định vào thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ của Quảng Trị nơi mà sư đoàn bộ 968 đang đóng quân. Cùng đi có năm anh chị em cựu chiến binh đều ở Nam Định. Lớn tuổi nhất có chị Bình đã gần 70 tuổi, chị sinh năm 1952, nhập ngũ từ năm 1971 nguyên là văn công của đội Tuyên văn sư đoàn 968 những năm 1971-1974 ở Hạ Lào. Chị đi được là cả sự cố gắng không nhỏ bởi di chứng của tai biến mạch máu não, bước chân còn tập tễnh nhưng vẫn hăng hái tham gia và anh Quyền (em trai chị Bình) cũng từng là lính, nhưng là lính của một đơn vị ở mặt trận Hà Giang trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Còn lại ba người trẻ hơn là Soái, nguyên lính tiểu đoàn 20 Trinh sát; Chính, nguyên lính của tiểu đoàn 17 Công binh và tôi nguyên là lính của tiểu đoàn 18 Thông tin. Trước đó thì đoàn cựu chiến binh F968 của tỉnh Thái Bình cũng có lời mời đi cùng xe ô tô với họ, các anh thuê xe chạy từ Thái Bình qua để đón cánh Nam Định chúng tôi nhưng vì sát đến tận ngày đi tôi mới bố trí nghỉ phép và đi được nên phải đi riêng. Chúng tôi chọn phương tiện di chuyển bằng tàu hỏa, dẫu sao thì với dân Nam Định đi tầu hỏa có cái thuận tiện của nó, nhà ga ở ngay thành phố và tầu hỏa nay cũng đúng giờ cũng như đi tầu hỏa thì độ an toàn vẫn cao hơn các phương tiện khác.
TRÊN TẦU HỎA
       Cái háo hức của việc gặp lại đồng đội các thế hệ của sư đoàn 968 sau mấy chục năm trời đã trôi qua làm câu chuyện trên tàu hỏa được nổ như pháo rang. Lúc 21 giờ 30 lên tầu thì chỉ một lát sau chúng tôi đã quây quần nhấm nháp đồ ăn với rượu nếp cái hoa vàng được mang theo cùng với bao nhiêu chuyện cũ. Rằng, cái năm mới nhập ngũ 1981, cả nước mình đói lắm, khi ấy có gì ăn nấy, mì sợi, mì nắm, bo bo, ngô, khoai, sắn …thôi thì đủ cả. Ngày 26/3/1981, đám tân binh chúng tôi tập trung ở nhà hát Nhân Dân ở thành phố Nam Định (Giờ nhà hát này đã biến mất thành nhà cửa từ khi nào tôi cũng không rõ và giờ có nhắc đến tên chắc cũng không mấy ai còn nhớ là thành phố Nam Định từng có một Nhà hát ngoài trời mang tên Nhân Dân) nghe lãnh đạo Thành phố phát biểu động viên đại loại rằng: Các đồng chí nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ Quốc là vinh dự và trách nhiệm, là nghĩa vụ của thanh niên, rằng sau khi trở về sẽ được bố trí việc làm….nhưng hầu hết chả ai nghe bởi còn đang bận rộn chia tay người nhà: cha, mẹ, bạn bè, người yêu. Giờ nói chuyện với nhau mới té ra rằng ngay từ hồi ấy các bác lãnh đạo đã khéo động viên bởi trong số hàng ngàn thanh niên nhập ngũ ngày đó, không thấy có ai là con của lãnh đạo kể cả từ cấp thấp nhất là tiểu khu (phường), xã…Rằng những người lính chúng tôi may mắn trở về cũng chả có ai được bố trí việc làm cả, toàn tự thân vận động kiếm việc. Nhiều đồng đội tôi bây giờ gần tuổi 60 rồi vẫn còn làm xe ôm hoặc đạp xe cyclo. Bản thân tôi sau hơn bốn năm trời lăn lộn chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Nam Lào, dù là Đảng viên được kết nạp ở chiến trường C (trong quyết định ghi rõ như vậy) cầm mấy tờ giấy giới thiệu xin việc do Chỉ huy sư đoàn ký mà lọ mọ mãi, gõ cửa nhiều nơi, kể cả các xí nghiệp, nhà máy của quân đội có địa điểm ở tỉnh nhà Hà Nam Ninh mà cũng chả xin được việc gì, đành đi thi và đỗ rồi học Đại học Y Thái Bình vậy. Sau khi nhận bàn giao, chỉ huy sư đoàn 341 huấn luyện cho chúng tôi nghỉ thêm 2 ngày vì chưa có phương tiện vận chuyển và rồi sau một đêm ngồi chờ ở sân ga để muỗi đốt sưng cả mặt mũi, chân, tay thì cái đám lính mới chúng tôi được lên tàu hỏa ở ga Nam Định để xuống ga Thị Long (Nông Cống, Thanh Hóa).
       Khách đi tầu hồi ấy rất đông, chen lấn, các toa tầu dường như chật chội hơn bởi chủ yếu là dân buôn chuyến, thôi thì trên tầu có đủ loại hàng hóa có cả gia cầm như gà, lợn, ngan, ngỗng, chó, mèo… Ai đã từng đi tàu Bắc - Nam thập niên 70, 80 của thế kỷ trước chắc chắn không thể quên nỗi khổ cực, nhọc nhằn suốt mấy ngày trời trên tầu từ việc hành khách tự lo ăn uống, khoang tầu chật chội, chen chúc đứng, ngồi, muốn nằm ngả lưng thì chỉ có cách trải tấm nilon hoặc tấm bìa mà nằm xuống sàn tầu hôi hám. Hầu như ai cũng bị rệp và rận, chúng nhiều vô kể, ngoài việc hút máu còn làm con người ngứa ngáy rất khó chịu. Hành khách toa ghế ngồi chen xếp lớp với nhau ngột ngạt và với hàng hóa. Nhiều người mang theo chiếc võng dù, họ mắc võng qua hai cái giá để hàng ở phía trên thế là có chỗ nằm đong đưa mặc kệ người qua lại phải lom khom chui dưới lưng mình!
       Chuyến tầu hỏa chúng tôi đi có một số toa được treo biển màu đỏ đề là toa Quân sự, vì vậy không bị nhân viên tầu hoặc các lực lượng nào kiểm tra, không có một hành khách nào khác ngoài đám tân binh chúng tôi đang súng sính trong bộ quân phục mới. Sau khi xuống ga Thị Long của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi hành quân bộ về doanh trại của tiểu đoàn 12 của sư đoàn 348 ở chân núi Các Sơn huyện Tĩnh Gia để huấn luyện, và rồi sau khi huấn luyện gần hai tháng thì lại tiếp tục hành quân bằng tàu hỏa để vào Đông Hà của cái tỉnh Bình Trị Thiên chờ xe ô tô chở sang đơn vị chiến đấu ở Nam Lào.
       Cái ga Nam Định hồi ấy thật nổi tiếng, có lẽ là nổi tiếng nhất cả nước bởi các tệ nạn như trộm cắp, móc túi, trấn lột, lừa đảo ví dụ như bán bánh chưng nhỏ cho khách nhưng khi bóc ra là đất sét hay cái nạn cân điêu có nghĩa là mấy lạng thành một cân... chắc xuất phát bởi những năm sau giải phóng cả nước rơi vào khủng hoảng kinh tế. Ga Nam Định còn nổi tiếng bởi cái nhà vệ sinh công cộng có hố xí thùng. Nghe thì lạ nhưng kết cấu rất đơn giản, bởi dưới bệ xí là cái thùng bằng tôn, sắt hoặc chẳng có gì cả, phân cứ thế tuôn thẳng xuống nền. Cứ vài ngày công nhân vệ sinh lại đến đổi thùng mới đưa thùng cũ ra sau đó các thùng được tập kết ở đầu phố chờ xe ô tô đến chở đi. Hố xí thùng là loại hố xí phổ biến ở Việt Nam ngày ấy vì có nhiệm vụ rất lớn là cung cấp nguồn phân tươi phục vụ nông nghiệp. Đã có những vụ đánh nhau vì tranh giành lấy thùng phân. Cái nhà xí công cộng ở ga Nam Định tọa lạc hướng nam, phía trước, bên phải của nhà ga lúc nào cũng bốc mùi khai, mùi thối nồng nặc. Ấy thế mà sau này sang Lào nghe mấy anh sĩ quan kể chuyện không biết có thật hay không rằng anh Hùng  là Trung đội trưởng ở Đại đội 2 Hữu tuyến điện thuộc Tiểu đoàn 18 Thông tin chúng tôi (chả là một mắt anh ấy bé hơn mắt kia một chút xíu), khi trả phép được chị vợ lai chồng bằng xe đạp, vì anh chồng bé hơn cô vợ hơn 30 cây số từ nhà ở huyện Ý Yên ra ga Nam Định chờ tầu, mà tầu hỏa hồi đó khi nào mà chả bị chậm, có chuyến chậm hàng nửa ngày đến cả ngày là bình thường, vậy là anh Hùng đưa cô vợ vào khu nhà xí khai mù ấy mà tranh thủ... Sau này khi vui chuyện, chúng tôi thường nhắc lại cái thằng cu, cái hĩm đẻ thêm thời kỳ đó có phải là chiến công của anh chị trong cái nhà xí vừa thối, vừa khai ấy không, anh cứ chối đây đẩy. Hồi ấy, hành khách đi tàu, kể cả tàu Thống Nhất lẫn tầu chợ khi sắp đến ga Nam Định đã nháo nhác, nhắc nhở nhau cảnh giác nhưng vẫn bị mất cắp.
       Đêm về khuya, cái tiếng rình rình của đoàn tàu lửa di chuyển trên đường ray có từ thời thuộc Pháp làm cho mọi người buồn ngủ. Tôi không sao quên được cái lần đi công tác được về nước cuối năm 1984. Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong quãng đời quân ngũ tôi được về nước, về Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thời kỳ này đang đóng quân ở trên địa bàn huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ Tĩnh. Nói thêm một chút là trong những năm tháng đầy biến động ấy, thực hiện Hiệp định hợp tác toàn diện giữa Đảng và Nhà nước Việt Nam và Lào, binh đoàn 678 Quân tình nguyện Việt Nam được thành lập vào tháng 6/1978 để làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, cơ quan Binh đoàn ở Từ Liêm (Hà Nội) còn các đơn vị cấp sư đoàn thì hoạt động khắp nước Lào như sư đoàn 968 ở Hạ Lào, sư đoàn 324 ở Vientiane, mặt trận 379 ở Thượng Lào và Lữ đoàn 176 bảo vệ Thakhek ở Trung Lào. Binh đoàn có một sư đoàn làm nhiệm vụ huấn luyện quân ở trong nước, đó là sư đoàn 348 ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa mà chúng tôi đã huấn luyện ở đó trước khi sang Lào. Đến tháng 4/1984 theo yêu cầu nhiệm vụ mới, Binh đoàn 678 quân tình nguyện giải thể, sư đoàn 968 được điều động trở lại Quân khu 4. Lần đi công tác về nước đầu tiên và duy nhất này, tôi từ Lào về Quân khu 4 là đi nhờ xe của đoàn vận tải H.13. Tôi cùng đại úy Nguyễn Xuân Khôi người tỉnh Hà Bắc, cán bộ Ban Tổ chức thuộc Phòng Chính trị Sư đoàn áp giải một phạm nhân về Quân khu 4 để ra tòa án binh. Cảm giác thật lạ, lạ từ khi đi ngang Lệ Thủy của tỉnh Bình Trị Thiên, ngồi trên thùng xe với phạm nhân nhìn các em nữ sinh mặc áo trắng tinh khôi tan trường lai nhau bằng cái xe đạp tàng tàng, vẫy nón tươi cười chào các chú bộ đội mà tôi chỉ muốn dùng súng AK bắn mấy loạt đạn lên trời chào mừng cho thỏa (Giải phạm nhân nên phải mang súng, sau đó về bàn giao khẩu AK báng gấp lại cho Quân khu 4). Chính là lúc này tôi quyết định sẽ rời quân ngũ về sống cuộc đời thường dân bởi sau bốn năm đóng quân ở nước ngoài giờ mới được về nước thấy mình trở nên lạc lõng. Mặc dù đã mấy lần được cấp trên vận động bổ nhiệm sĩ quan rồi sau này cho đi học các trường sĩ quan nhưng trong tôi lúc ấy cái cảm giác tự do ngắm trời, ngắm biển và mơ ước đặt chân vào trường Đại học lại ùa về.
       Và trong thời gian về Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ở Nam Đàn, một sáng sớm trời rét quá không ngủ được tôi lang thang ra ngoài doanh trại. Khu doanh trại của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 lúc này cũng tàm tạm vậy thôi, chưa hoành tráng và quy củ như ở thành phố Vinh bây giờ, việc canh gác của vệ binh cũng đơn giản, chính vì vậy khi ra ngoài tôi phát hiện một nhà dân gần đấy có ánh lửa bèn rẽ vào. Bên ánh lửa bập bùng là một thiếu nữ, em đang nấu kẹo cu-đơ, cái loại kẹo nổi tiếng của xứ Nghệ được làm bằng lạc, nha và đường cùng bánh tráng ép vào nhau. Gió mùa đông bắc cứ lùa nhưng lúc này lòng tôi thật ấm áp bởi cái ngọt, cái giòn, cái bùi và ngậy của miếng kẹo nóng hổi, bởi tiếng nói ríu rít, đôi má bầu bĩnh ửng hồng vương lọn tóc của em gái Nam Đàn. Thật lạ lùng khi ấy, trong cái mờ sương, trong buổi sớm mai tinh khiết mà chúng tôi, một bên là anh lính khỏe mạnh, một bên là cô thôn nữ xinh đẹp mà chỉ nói chuyện bâng quơ, chuyện không đầu không cuối, không dám hỏi tên chứ chưa nói đến chuyện cầm tay. Có lẽ những điều kỷ luật của quân đội được đọc mỗi sáng thứ Hai chào cờ và tối Chủ nhật điểm danh hàng tuần cùng công tác dân vận đã ngấm sâu vào mình mất rồi.
       Bây giờ nhớ lại nghĩ mình thật là nhút nhát. Lúc ấy ngồi bên em gái mà chỉ nhớ đến những câu thơ mà tôi từng được đọc, đến giờ cũng không biết là của tác giả nào, mở đầu là những câu thật là hợp cảnh với xứ Nghệ ngày đó:
"Ngày mai anh đi
Em rủ anh sang thăm nhà Bác.
Nhà Bác cao cao vườn bóng mát,
Chúng mình ngồi, thơ thẩn dưới vòm cây.
Hai mươi năm mưa nắng mảnh vườn này,
Hàng khuynh diệp cùng em hai mươi tuổi…"
       (Bạn đọc nếu có ai biết bài thơ này, xin gửi hộ nhé, rất cám ơn).
       Sau khi bàn giao phạm nhân cho Quân khu 4, tôi tranh thủ về thăm nhà được mấy ngày cuối tháng 12/1984 đúng vào dịp có giải bóng đá Quân đội của các nước Xã hội chủ nghĩa (SKDA). Đang mùa khô oi nóng ở Hạ Lào, về gặp mưa phùn, gió bấc ở miền Bắc Việt Nam cảm giác thật sung sướng. Nghỉ mấy ngày đúng dịp đám cưới anh trai sau rồi đúng tối 30/12/1984 lại lên tầu Thống Nhất từ Nam Định trở lại Đông Hà chờ đi nhờ xe vận tải quá cảnh để sang đơn vị ở bên Lào. Năm ấy rét lắm, gió lạnh cứ hun hút, cái lạnh làm nản lòng cả những dân buôn chở hàng bằng tầu hỏa. Gần như cả toa tầu chợ có mỗi mình tôi, áo quần phong phanh không đủ ấm phải quấn cả cái vỏ chăn bộ đội màu cỏ úa mỏng tang mà vấn không hết rét. Cái lạnh tê tái như muốn cắt da, cắt thịt, rét như từ trong bụng đói chui ra, đã thế khi tàu đến khu vực rừng núi Quảng Bình lại dừng lại hơn nửa ngày do sự cố gì đó, tầu bị dừng giữa đường xung quanh mênh mông rừng núi và tất nhiên cũng chả có cái gì để mà ăn. Việc ăn uống thì hành khách tự lo, cho nên cái bụng cứ rỗng tuếch trong cái giá rét. Cuối cùng, sau khi chạy hai đêm và một ngày, đến sáng ngày đầu tiên của năm 1985, mồng Một Tết Dương lịch chuyến tầu hỏa mới đưa tôi đến ga Đông Hà. Nhớ lại thời gian tầu hỏa chạy thời đó, từ Hà Nội vào Sài Gòn phải ít nhất là bốn đến năm ngày còn mới giải phóng năm 1975 thì tầu còn chạy mất năm đêm sáu ngày. Ngoài việc do đầu máy tầu lửa cũ kỹ mà chúng tôi hay bảo là hình như có từ thời kỳ Napoleon còn cởi truồng thì còn một lý do để tầu chạy chậm vì tuyến đường sắt luôn cải tạo, chất lượng chưa ổn định. Tầu cứ khật khà, khật khừ chạy mươi cây số lại giật đùng đùng dừng ở một ga nào đó. Tầu dừng ở các ga rõ chậm, có lẽ là để bốc hàng lên, dỡ hàng xuống theo yêu cầu của đám buôn chuyến chăng. Cái tiếng của nhà ga thông báo cũng rề rà, khê nồng và buồn tẻ: “Đoàn tầu Thống Nhất sắp vào ga Nam Định, hành khách xuống ga Nam Định chuẩn bị hành lý rời tầu…” Bây giờ, sau mấy chục năm vẫn còn nhớ mãi chuyến đi lịch sử đó, nó như mới xảy ra ngày hôm qua. Vẫn nhớ mãi lũ trẻ con ở mọi miền quê khi tầu chầm chậm chạy qua lại chạy theo hò reo, vẫy tay hớn hở Tầu đến! Tàu hỏa ngày nay khác hẳn, toa tàu lịch sự hơn, có cả những toa tàu Vip, có điều hòa, thôi thì ghế cứng, ghế mềm, giường nằm... đủ cả. Tất nhiên cái nhà ga Nam Định nhếch nhác và bẩn thỉu ngày xưa cũng đã trở thành dĩ vãng, ngày nay khang trang và sạch sẽ hơn rất nhiều.
       Tầu chạy cả đêm, sáng hôm sau ngày 16/6 chúng tôi tới Đông Hà. Thuê xe 7 chỗ, chúng tôi đến nhà Thượng tá Đinh Thanh Niên, Trưởng Ban liên lạc CCB sư đoàn 968 ở Quảng Trị. Nhà anh tọa lạc trên mảnh đất của hậu cứ sư đoàn trước đây. Tại đây phu nhân của mấy anh đang tất bật vào bếp, chuẩn bị các món ăn để tiếp anh chị em Nam Định và vài đoàn CCB các tỉnh khác.

 
(Còn nữa).
 

tin tức liên quan