“Trại viết Đồ Sơn nơi truyền cảm hứng cho tôi sáng tác” - Bút ký thay cho lời giới thiệu tác phẩm mới của Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 05:42 05/07/2023 Lượt xem: 456
-------------------------------

       Nguyễn Đại Duẫn sinh năm 1958 tại Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Thường trú tại Thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình. Nhập ngũ năm 1982, xuất ngũ năm 1984. Cấp bậc Trung sỹ. Trình độ đào tạo: Đại học Sư phạm. Hiện là hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Bình; hội viên Hội VHNT Trường Sơn.

       Tác phẩm đã xuất bản:
       -Truyện ngắn “Hoa sứ nở trái mùa” – Nhà xuất bản Thuận Hoá – Huế, tháng 8 năm 2021.
       -Ký và tạp văn “ Ký ức Tây Trường Sơn” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 5 năm 2023.
       Giải thưởng VHNT: Giải tư cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn” do Báo CCB Việt Nam phối hợp với Hội Trường Sơn Việt Nam tổ chức năm 2019; Giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi viết “Nữ chiến sỹ Trường Sơn ngày ấy bây giờ” do Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam tổ chức năm 2021; Giải ba Cuộc thi viết truyện ngắn “ Tiếng vọng thời đại” do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức năm 2022.
       Ban Biên tập Trường Sơn vừa nhận được tập Ký và tạp văn “ Ký ức Tây Trường Sơn” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 5 năm 2023 do tác giả Nguyễn Đại Duẫn gửi về.

       Thay cho lời giới thiệu tác phẩm – Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài bút ký trong cuốn sách này – Bài bút ký mang tựa đề “Trại viết Đồ Sơn nơi truyền cảm hứng cho tôi sáng tác”

        Xin trân trọng!

 

TRẠI VIẾT ĐỒ SƠN – NƠI TRUYỀN CẢM HỨNG CHO TÔI SÁNG TÁC

Bút
 
        Thật vui khi tôi có trong danh sách hội viên tham gia Trại viết Đồ Sơn do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Trường Sơn - Việt Nam tổ chức. Tôi chuẩn bị hành lí, sẽ  vượt hơn 600 km để về họp mặt tại  thành phố “Hoa phượng đỏ”.
       5 giờ, sáng ngày 30 tháng 9 năm 2019 xe đưa tôi đến Hà Nội. Đang ở bến xe Mỹ Đình tìm chỗ nghỉ ngơi, chiều về Hải Phòng theo lịch của “Trại viết 2019 - Hội VHNT Trường Sơn”, tôi dạo quanh dưới góc phố ngắm nhìn Hà Nội buổi sáng trời thu. Chợt nhớ bài hát - Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn: “… cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”. Như có mùi hoa sữa đâu đây thoảng về thơm ngát trong từng ngọn gió. Chợt nhớ đến Hồ Tây buổi chiều chia tay bịn rịn với cô bạn cùng đơn vị sau 35 năm gặp lại. Thật như: “Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người,  lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai…?”.    Hà Nội mùa thu chớm lạnh, dịu dàng trong yên tĩnh.  Phố xá đầu ngày, xe cộ đang còn thưa thớt. Tiếng ồn ào, chen chúc như đang còn chìm trong giấc ngủ. “Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta”. Những nốt nhạc vút lên lãng mạn biết bao, để rồi khi lên xe lòng vẫn còn ngẩn ngơ với bao điều...
       Vượt chặng đường hơn 60 km, xe đến Hải Dương. Những hàng xà cừ cao vút cứ lao nhanh theo con đường êm ả. Những cánh đồng lúa chín vàng đang chờ gặt hái, gợi lên khung cảnh ấm áp thanh bình. Những cánh đồng ngô tít tắp trong ngọn gió chiều thoang thoảng mùi hương trong mùa trổ bông. Thành phố Hải Dương hiện lên san sát tòa nhà cao tầng kiểu mới. Bên cạnh những tòa nhà là hồ sen với những búp hoa màu tím hồng nhô lên mặt nước. Đến Hải Dương, đến với những khu di tích nỗi tiếng: Bàn Cờ Tiên, Đền Kiếp Bạc, Giếng Ngọc, Chùa Côn Sơn với cây đại ở sân chùa 600 tuổỉ, trước những thăng trầm đang sừng sững thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt. Và điều không thể không nhắc đến là những món đặc sản  nổi tiếng với bánh đậu xanh, bánh gai, bún cá rô, bánh cuốn, rươi… mới chỉ nghe thôi cũng đã thấy thèm, cứ muốn xe dừng lại để thưởng thức một chầu cho thỏa thích. 
       Đang mơ màng, bác tài nhắc nhở xe đã đến thành phố Hải Phòng. Ven đường quốc lộ, hoa phượng còn sót lại vẫn rực lên một màu lửa. Cứ ngỡ rằng “tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ”. Vậy mà, đã cuối tháng Chín, hoa  vẫn cứ lung linh trong ánh nắng thu, gợi nhớ đến một thành phố hoang tàn trong chiến tranh giờ đang tràn đầy sức sống. Nhìn sang bên kia bờ sông Cấm, một Hải Phòng năng động với sức sống mãnh liệt làm rộn ràng trái tim của mỗi người dân thành phố, của du khách đến thăm. Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái, khu đô thị mới Bắc sông Cấm gắn với Khu trung tâm hành chính chính trị Hải Phòng đã và đang làm thay đổi diện mạo mở ra hướng phát triển mới của thành phố Hải Phòng với sức bật vô cùng mạnh mẽ. Hải Phòng sẽ có nhiều công trình, dự án lớn hơn nữa, làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, tạo nên một sức sống mới mãnh liệt. 
       15h, xe dừng ở Bến Thốc - Đồ Sơn. Cảm giác  đầu tiên hòa vào cơ thể là được thưởng thức ngọn gió chiều mát rượi. Lắng nghe tiếng rì rào của sóng. Khi hoàng hôn dần buông, biển Đồ Sơn đang trải một màu vàng dịu dàng. Phía bên đường, những hàng phượng vĩ lấp ló chùm hoa nở muộn, như muốn làm duyên với chúng tôi.
       Người đầu tiên tôi bắt gặp là anh Bùi Hoằng - Hội Trường Sơn Thanh Hóa. Tôi đã quen anh trong lần gặp mặt Cộng tác viên hồi tháng Sáu, cùng với anh Nguyễn Viết Lợi và các anh ở Hội Trường Sơn Nghệ An. Vừa lúc đó anh Phạm Thành Long - Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn - cũng kịp đến. Anh tươi cười hỏi han tình hình đi lại của chúng tôi và cho biết, anh đã đến lúc trưa để làm công tác đón đoàn. Vừa chụp ảnh ghi lại những hình ảnh cho đồng đội anh vừa giới thiệu về bến Thốc. Trại viết đặt địa điểm tại “Trại hè thanh thiếu niên - Đồ Sơn”. Đã vào thu, trại “hè” trở nên yên tĩnh rất phù hợp cho sáng tác và mọi sinh hoạt. Anh Phạm Thành Long còn cho biết, nơi đây anh đã từng gắn bó khi làm Tổng Biên tập Báo Thiếu niên tiền  phong. Xa xa ngoài bãi biển Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - Chủ nhiệm trại viết - đang đưa ánh mắt xa xăm về phía biển cả. Có lẻ anh đang liên tưởng đến nhà giàn DK1 trong chuyến công tác trải nghiệm của anh. Với bài bút ký : “Nhà giàn, ngày bình yên”  anh đã cho chúng tôi hiểu phần nào về cuộc sống của người lính biển đảo. Anh chầm chậm cúi xuống vốc một nắm cát, hình như anh đang so sánh cát trầm tích ở Bến Thốc với cát biển quê anh.
       Chiếc xe buýt dừng lại. Đoàn người lần lượt xuống xe, những lời chào, những tiếng vâng, dạ râm ran của các đồng đội từ Bắc - Trung - Nam hội tụ về. Có người tôi quen, có người chỉ biết qua trang Bản tin của Hội Trường Sơn, vậy mà giờ đây trở nên thân mật lạ thường. Với nụ cười tươi, Anh Quý bước đến, bắt tay chào đón và chụp ảnh chung với mọi người. Không thấy anh Phạm Sinh, Phó Tổng ban biên tập Trang tin & Bản tin Trường Sơn, tôi hỏi anh Quý: “Vậy anh Sinh đâu mà em chưa thấy?”. Anh Quý nhìn tôi với vẻ thông cảm: “Anh Sinh đang chuẩn bị công tác hậu cần cho đoàn. Thế nào chốc nữa cũng gặp mà.”
       Chúng tôi về phòng nghỉ của mình trong tâm trạng hồ hỡi, vui vẻ. Mấy phút sau, chúng tôi được đón Thiếu tướng Võ Sở và các anh cùng đi trong đoàn của Trung ương Hội Trường Sơn. Ỏ  tuổi 92 của Thiếu tướng Võ Sở, nhìn dáng đi, vẻ mặt ai cũng cảm phục sức khỏe đầy dẻo dai, tinh thần thoải mái của người “lính Trường Sơn”; về tấm lòng của một người lãnh đạo tận tụy trong thời chiến cũng như thời bình. Ngẫu hứng tôi buột ra mấy câu thơ: “Gặp nhau trên thành phố cảng/  Rì rào sóng vỗ triều lên/ Thu về thắm sắc phượng đỏ/ Đồ sơn cứ mãi làm duyên…”. Đọc chưa xong, các anh  đã rủ đi ngắm biển. “Thời gian còn nhiều tha hồ mà đọc, tha hồ mà viết sợ không có sức thôi!”. Ngồi trước  biển trong đêm, mỗi người một suy tư, nhưng ai cũng có điểm chung là đang nghĩ đến những gì sẽ diễn ra ở trại viết. Ngọn gió thu thoảng qua, tôi như đang lâng lâng hồn mình trong ngọn gió mơn man. Ngày mai, sẽ là một ngày đẹp trời mở đầu cho sự tốt đẹp đến với Trại viết của Hội VHNT Trường Sơn.
       Sáng ngày 01 tháng 10 năm 2019, trại sáng tác Văn học Nghệ thuật của Hội VHNT Trường Sơn khai mạc. Lần đầu tiên trại sáng tác văn học của Hội được tổ chức tại “Khách sạn khăn quàng đỏ”, Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là Hội của những Cựu chiến binh Trường Sơn hoạt động trong lĩnh vực Văn học, Nghệ thuật. Hội mới thành lập cách đây hai năm, còn khá xa lạ với nhiều người. Về tham dự trại viết này, 36 hội viên chưa qua trường lớp đào tạo cơ bản nào về kỹ năng cầm bút hay bồi dưỡng lý luận sáng tác văn học. Họ chỉ có vốn sống, sự từng trải trong đời lính và niềm say mê viết. Những cây bút tham dự trại viết đều là Cựu chiến binh, họ là những người lính từ trận mạc: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Thơ Tố Hữu). Trở về đời thường họ đã mang trong lòng mình thực tế chiến trường, bằng cảm xúc họ viết nên những áng văn, thơ để ghi lại những ký ức năm tháng chiến trường.
        Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn (Nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên tiền phong) Trưởng Ban tổ chức, phụ trách trại sáng tác. Chủ nhiệm trại sáng tác là Đại tá nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, người phụ trách về công tác chuyên môn. Trại viết còn mời nhà thơ Đại tá Vương Trọng, nhà thơ Trần Quang Quý về trao đổi chuyên môn. 
       Đại tá Nhà thơ Vương Trọng, người được trại viết mời lên lớp về sáng tác thơ và đọc thẩm định tác phẩm nói rằng: “Tôi đã đi nhiều trại viết nhưng chưa thấy ở đâu tất cả các cây bút tham dự đều là cựu chiến binh cao tuổi và họ lại hăm hở viết, cần cù viết như ở đây”. Sau các buổi lên lớp, một số trại viên thốt lên: “Trước đây, bọn tôi cứ viết ào ào, nay nghe các thầy giảng dạy bỗng nhiên thấy sợ sáng tác văn chương...”.
       Sau mỗi ngày học, khi màn đêm buông xuống, ánh điện lung linh tỏa sáng trên bờ biển, các đồng đội lại bách bộ ngắm biền. Lần đầu tiên đến với Bến Thốc, tôi đang cảm nhận được hơi thở  của biển. Ngọn gió hây hẩy làm dịu mát tâm hồn. Tiếng sóng êm ả trong đêm đang dìu dặt vỗ về bờ đá. Nhẹ nhàng như bàn tay cô gái đang xoa dịu lòng chàng trai sau một ngày lênh đênh trên biển trở về. Bến Thốc không có cái xô bồ, ồn ào của đô thị, nó mang âm hưởng của một miền quê thanh bình, đầy ấn tượng.
       Rồi những ngày tiếp theo, Trại viết tổ chức cho trại viên giao lưu học hỏi với anh chị em văn nghệ sỹ Hội VHNT Hải Phòng để có thêm nguồn cảm hứng sáng tác. Trại cho hội viên đi thực tế tham quan di tích lịch sử, thắng cảnh tăng thêm nguồn tư liệu để những bài viết của mình sinh động hơn. Và đặc biệt chúng tôi được về tham quan Bến Nghiêng, bến tàu không số. Được biết, nơi  đây đã ghi lại những chứng tích tự hào, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại của dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bến Nghiêng một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ vận tải tiếp tế hàng hóa cho đèn biển Hòn Dấu đẫn đường cho tàu ra vào cảng Hải Phòng.
        Mười ngày ở trại sáng tác rồi cũng kết thúc. Trong những ngày tham gia trại sáng tác, tôi đã được nghe các nhà thơ “có tiếng” hướng dẫn cho cách viết thơ. Quá trình sáng tác một bài thơ phải có kết cấu, đó là: Tập kết “nguyên liệu”, thiết kế, tổng hợp (tô vẽ). Thế mới hay: “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, lâu nay tôi làm thơ cứ theo ngẫu hứng, thích gì viết nấy. Đại tá nhà thơ Nguyễn Hữu Quý dạy cho chúng tôi cách viết bút ký, truyện ngắn. Tuy là một nhà thơ nổi tiếng, đã từng là Biên tập trang thơ, Báo Quân đội Nhân dân nhưng anh cũng viết nhiều bút ký, truyện ngắn, tản văn hay. Anh nói đùa với lớp: “Đây là trại viết 2 trong 1, vừa bồi dưỡng phương pháp sáng tác vừa viết văn, thơ”.
       Được nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long hướng dẫn cách làm báo tôi mới càng thấm thía hơn về cách viết báo. Tôi cũng có viết bài cho một số báo địa phương, báo Người cao tuổi. Nhưng bài được đăng rất ít, bài nào được đăng thì Ban biên tập phải sửa nhiều. Từ khi được học nghiệp vụ tôi mới nghiệm ra rằng: Viết báo không cần viết dài, mà cần cập nhật chính xác sự kiện, diễn biến và tính tư tưởng. Không làm rời rạc mờ nhạt sự thật. Ngoài ra chúng tôi còn được hướng dẫn cách chụp ảnh để lấy tư liệu. Thế mới hiểu, viết được một truyện ngắn, bút ký, bài thơ, một bài báo là không dễ chút nào.
       Trại viết Đồ Sơn kết thúc tốt đẹp. 7 hội viên được nhận giải thưởng sáng tác bài viết xuất sắc, trong đó có tôi. Thật vinh dự tự hào. Thật vui mừng vì nghĩ rằng mình cùng với đồng đội đã làm được điều có ích cho Trường Sơn hôm qua và Hội VHNT Trường Sơn hôm nay. Những năm tháng của một thời đạn bom oanh liệt ấy không làm mất đi phẩm chất người lính, không bị lãng quên giữa dòng đời ào ạt, bon chen, xô bồ mà đã mang lại niềm tin cho người cầm bút.


Ấm áp trước giờ chia tay... (Ảnh minh hoạ)
 
       Từ trại viết trở về tôi đã học được nhiều điều về cách viết văn, viết báo của các thầy đã dạy cho. Tôi đem những kiến thức học được, kinh nghiệm qua các bài viết để rèn luyện nâng cao tay nghề. Tôi say sưa đọc, học hỏi và viết. Các bài viết được các trang báo đăng nhiều hơn, ít sửa lỗi hơn. Những bài báo tôi viết chủ yếu gương người tốt việc tốt, những mô hình làm giàu, cuộc sống của người lính sau khi trở về với đời thường. Các bài viết được trang Báo Người cao tuổi, Báo CCB Việt Nam, Báo địa phương đón nhận. Rồi các truyện ngắn, bút ký, tản văn của tôi cũng lần lượt xuất hiện trên các Tạp chí.
       Qua trại sáng tác của Hội VHNT Trường Sơn ở Đồ Sơn tôi học được rất nhiều thứ. Học về cách viết văn, cách làm báo. Học về cách sống của những người đồng đội đã một thời trận mạc. Và cái thu hoạch lớn nhất từ trại viết là tình cảm đồng chí, đồng đội đã để lại trong tôi dấu ấn không bao giờ quên. Cảm ơn trại viết Đồ Sơn đã truyền cảm hứng cho tôi sáng tác.
       Và để rồi, Tập truyện ngắn “Hoa sứ nở trái mùa” được ra mắt bạn đọc sau đó (2021). Và giờ đây, tuyển tập bút ký, tản văn “Ký ức Tây Trường Sơn” đã được xuất bản (2023) sẽ mang đến cho bạn đọc những kỷ niệm về người lính ở Trường Sơn Tây thời bình cũng không kém phần khó khăn, vất vả.  Nhưng dù bất cứ ở đâu, người lính Cụ Hồ luôn vượt qua những khó khăn, gian khổ và chiến thắng. Mang đến cho bạn đọc dòng suy tư về cuộc sống mà tác giả đã trải nghiệm…
                  
Trại viết Đồ Sơn, tháng 10 năm 2019
Quán Hàu, tháng 5 năm 2023 
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 

tin tức liên quan