Ngày thành phố - Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 10:28 11/10/2023 Lượt xem: 459
         Người thành phố
                                                                            Truyện ngắn Hoàng Minh Đức   
        
          Bác gái tôi là vợ liệt sĩ, bác có một đứa con gái là chị Hiệp. Ngày bác trai bị giặc Pháp giết hại trên đồn, chị Hiệp còn nằm trong bụng mẹ. Suốt cuộc đời bác gái ở vậy nuôi con. Chị Hiệp tôi cũng vậy, chị không có chồng mà có con. Chị yêu một anh chàng kỹ sư trên thành phố về làng xây dựng công trình thủy lợi. Anh ta hứa sẽ đưa chị về ra mắt với bố mẹ, ai ngờ khi chị có bầu, hắn mới cao chạy xa bay. Anh ta đã có vợ con đề huề. Chị đành ngậm ngùi làm mẹ đơn thân. Thằng cu Huy lớn lên nó cũng bắt ốc mò cua, hái củi, đốt than như cuộc đời của chị. Ai cũng tưởng nó sẽ mãi mãi là một người nhà quê. Cũng may, trời phú cho nó có một bộ óc thông minh, học đâu hiểu đấy. Tốt nghiệp đại học, nó học tiếp cao học rồi vào dạy ở một trường đại học phía Nam. Hai năm sau, nó được đi nghiên cứu sinh có học bổng toàn phần ở nước ngoài.
          “Bây giờ lấy vợ đi là vừa con ạ. Nay mẹ đã già rồi, mai mốt không có người chăm bẳm, cháu của bà sẽ khổ”. Chị Hiệp nói với con trai. Bác gái tôi cũng giục: “Cháu lấy vợ nhanh nhanh để bà kịp nhìn mặt chắt đích tôn”.           
          Mấy tháng sau, Huy cưới con của một đại gia trong thành phố, nhà ở gần trường. Ban đầu thấy con dâu về làng chào hỏi bà con xung quanh rất lễ phép, chị tôi vui lắm. Chị khoe với mọi người, con trai chị lấy được vợ nhà giàu, bố nó là giám đốc công ty. Chị hãnh diện với anh em trong dòng họ. Chị muốn bù lại những năm tháng bị miệt thị, coi thường không chồng mà chửa, nuôi con một mình. Lúc này nhiều người xoắn xít quanh chị: “Chị xin cho thằng con em đi làm công nhân với nhé”. Chị Hiệp vui vẻ nhận lời.  
         Ngày con dâu ở cử, chị vào thành phố chăm cháu, nuôi con. Chị vào được một năm thì xảy ra nạn dịch covid 19. Bác gái tôi ở nhà bị cảm. Ai cũng tưởng bác bị F0. Hàng ngày tôi phải đeo khẩu trang đưa cơm đến cho bác. Trong làng tôi, ai cũng lo lắng hỏi han. Người nhà quê mình giàu tình nghĩa lắm.
         Test nhanh. May. Âm tính. Bác tôi chỉ mới được tiêm một mũi vaccine. Tôi gọi điện trách chị: “Bác đã 92 tuổi rồi sao chị nỡ để bác ở nhà một mình”.
         Bác tiêm xong mũi 4, chị về quê đón mẹ vào Sài Gòn.
         Ở được vài tháng, bác tôi đòi về. Từ ngày mẹ chồng đón bà cụ vào thành phố, vợ chồng thằng Huy sinh ra cãi vã nhau. Con vợ nó nói: “Đúng là nhà quê. Tưởng học lên đến giáo sư, tiến sĩ thì có suy nghĩ khác, ai ngờ quê một cục”. Nó còn cạnh khóe đến việc thằng Huy không có bố, ba đời nghèo rớt mồng tơi. Nó nói với chồng nó, nhưng cố ý cho chị nghe thấy. Ai đời mẹ chồng đi làm dâu cho vợ của đứa con trai. Chị gắng ở lại cho thằng cháu đích tôn đủ ba tuổi đi nhà trẻ, chị sẽ về với mẹ già. Bác gái tôi nhiều lúc nhớ nhớ quên quên. Đi vệ sinh xong, quên cả việc xả nước trong bồn cầu. Đã thế ăn trầu bà không nhổ gọn vào trong cái bô, cứ vương vãi ra cả nền nhà. Đó là cái lý do để đứa cháu dâu đay nghiến thằng chồng, cháu đích tôn của bà.
         Thằng cu Huy lén đưa tiền cho bà thuê một chuyến xe tắc xi chở về tận nhà. Bác gái lại về quê lọ mọ nấu cơm ăn một mình. Mãi sau này tôi mới biết nguyên nhân. Bác nói “mình đã già, lẫm cẩm rồi, con cháu nó nói sao bác cũng chịu, nhưng phải sống với con cháu của thằng Huỳnh bác không chịu được”.   
         “Huỳnh là thằng nào hả bác?”. Tôi tròn xoe con mắt.
         “Thằng lý trưởng làng mình ấy”.  Mắt bác tôi đỏ ngầu.
                                                             *
         Mối thâm thù của thằng Huỳnh với bác Chuể tôi có từ trước ngày cách mạng tháng Tám. Hồi đó làng tôi có cánh đồng Lăng Bạc để hoang. Bây giờ là vựa lúa của cả làng, năng suất cao nhất huyện. Ngày ấy Lăng Bạc đồng chua nước mặn, chỉ có cỏ năn với cỏ lác mới sống nổi. Mùa mưa, nước lũ tràn về bằng lăng. Các loài cá tôm trên nguồn theo dòng nước bạc lên đồng đẻ trứng.  
         Ông Quản Cù lập cái hội đơm cá gần một chục người. Đó là một cái hội nhỏ, biến tướng của nông hội đỏ. Những ngày hè họ đánh trần ra đắp một con đập nối làng Lệ với làng Đoàn. Họ cải tạo cánh đồng hoang trồng được lúa nước hai. Lúa nước hai là giống lúa chịu được nước lợ.
         Từ ngày có đập, mùa xuân tha hồ mà đơm tép và cá bạc. Mùa lúa trổ đòng, khi động trời, tôm cá đi râm cả trộ. Những con tép lừ lừ như những cỗ xe tăng, mỗi khi cặp râu đụng vào nan tre chúng cứ nhảy tanh tách trên cái tôi mợng(1).
         Mùa tháng tư, tháng năm, nước trên đồng đất cạn dần. Cá lóc, cá rô vượt bờ làn xuống đồng sâu. Cò ở đâu về nhiều lắm. Trên đồng xanh chấp chới cánh cò. Những con cò lặn lội, lần hồi ăn con tép con tôm bên bờ ruộng. Người ta giơ tay xua đuổi chúng chẳng thèm bay. Buổi trưa, trời nắng chang chang. Cá lóc dúi đầu xuống bùn, cá rô rúc đầu vào gốc lúa.
         Một hôm bác Chuể cùng cha tôi đi đơm mợng. Đó là một đêm mưa gió, rét mướt. Hai người nằm luồn chân vào một cái bì đay trong trại. Phía ngoài cửa che hai chiếc áo tơi. Gió vi vút thổi. Nước ở trộ que chảy róc rách. Thỉnh thoảng có tiếng cá quẫy khi đụng vào tôi mợng. Có tiếng muỗi vo ve. Bác Chuể xòe que diêm châm lửa hút thuốc. Bỗng bác nghe tiếng chân người đi lép nhép. Vén chiếc áo tơi lên, bác thấy ba bóng đen. Chúng đứng một chặp rồi thì thầm với nhau điều gì đó. Một bóng đen nhảy xuống trộ que. Hắn rút hai cái cọc chống chéo hai bên tôi mợng. Hai người khác nắm hai đầu mợng kéo lên. Bác Chuể tôi dặng hắng mấy tiếng:
        -   E hèm! Ai làm gì đó. Mợng mới đổ xong chưa có gì đâu? Giọng bác có phần giễu cợt.
         Ngoài trại có tiếng người:
        -  Tổng Trúc đây. Ai cho phép mày đơm trên đồng đất của tau? Trúc đứng dạng háng hai chân, tay chống nạnh.
        - Ai bảo đây là đồng đất của ông. Cái đập này là của tui. Ai đắp được thì người đấy đơm.
       - Nhưng tau là chánh tổng. Tau nói cái đập này của tau là nó phải thuộc về tau. Nói rồi Trúc hất hàm:
        - Đổ đi tụi bay!
        Bác thấy thằng Huỳnh mở cái oi chơng. Thằng Đình dựng cái mợng cọi lên. Cái mợng cọi cao quá đầu người, đầy cá óc ách. Bác tôi xông ra, giữ chặt tay của hắn. Tổng Trúc cầm que vụt tới tấp xuống đầu bác. Vì trong bóng tối nên hắn sả trúng vai bác Chuể. Bác thả thằng Đình ra, lấy chân trái làm trụ, co chân phải lên đá bay thằng chánh tổng ra giữa ruộng lúa. Cả hai thằng quay người lại thì nhanh như cắt, cha tôi giật lấy cái cọc cắm trộ que đưa cho bác Chuể. Bác quất ngang quất dọc. Cả hai thằng chạy té khói. Trúc lóp ngóp bò dưới ruộng lên. Lão chánh tổng chạy theo đàn em, còn ngoái đầu lại đe: “Được rồi. Sẽ biết tay ông”. Cha tôi bốc vội một nắm đất bùn ném về phía hắn.  
                                                                     *
          Chánh tổng Trúc là con ông Bộ Tham giàu có nhất làng Lệ. Bộ Tham có 3 người con trai. Ông bỏ tiền ra mua chức chánh tổng Thuận Thị cho thằng Trúc. Thằng Huỳnh, đứa con thứ hai, vào học trong Huế, cầm chắc cái bằng tú tài bán phần trong tay. Thằng Đình học xong Primaire ở nhà cùng cha cai quản ruộng đất trong làng. Thằng Trúc tuy ít học nhưng lắm mưu nhiều kế. Hắn đang toan tính chiếm cánh đồng Lăng Bạc thì cách mạng về. Cả làng tôi đứng lên khởi nghĩa. Bác Chuể cùng cha tôi xuống Ba Đồn, huyện lỵ Quảng Trạch cướp chính quyền. Tri phủ Đặng Hiếu An phải nộp hồ sơ sổ sách, triện đồng cho cách mạng. Những ngày đầu thành lập chính quyền, ông Quản Cù làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời. Thằng Huỳnh là người công giáo, lại học hành cao nhất xã nên được cử làm Phó Chủ tịch. Bác Chuể tôi làm thôn đội trưởng. Chính sách đoàn kết của Cụ Hồ xóa bỏ mọi hận thù, xóa bỏ những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến để xây dựng lại đất nước.  
         Năm 1947, giặc Pháp đánh ra Quảng Bình. Ủy ban hành chính xã rút lên chiến khu Đồng Lào. Bác Chuể và cha tôi rút vào hoạt động bí mật. Máy bay bà già rải truyền đơn ai có bằng tú tài thì sẽ được làm tỉnh trưởng. Thằng Huỳnh đang đêm bỏ ủy ban lần đường vào Đồng Hới. Hắn cầm tờ truyền đơn làm giấy thông hành. Du kích làng tôi đón đường bắt được. Hắn bị giam trên Trại Tranh hai tháng rồi được thả về.
         Giặc Pháp chiếm đóng vùng Nam Quảng Trạch, một vùng đất nằm giữa hai nhánh của con sông Gianh. Chúng đóng đồn trên một ngọn đồi gọi là “đồn bảo vệ”. Toàn là lính Việt Binh đoàn. Xung quanh là những đồn bốt vệ tinh. Hai khẩu đại bác 105 li đặt trên đồi có thể bắn ra đến Đèo Ngang, Hà Tĩnh.
                                                                   *
         Tháng ba. Những giọt sương đêm rơi lành lạnh. Thỉnh thoảng những ngọn gió bấc sót lại phía Đèo Ngang thổi về. Cả làng đang chìm trong giấc ngủ thì có tiếng đạn móoc - chê trên đồn rót xuống. Các toán lính “bảo vệ quân” tràn vào từng nhà sục sạo. Đạn nổ, nhà cháy, chó sủa, tiếng người gọi nhau thất thanh chạy xuống đồng Cửa Nương. Bỗng dưới những rãnh khoai đồng Cửa Nương mọc lên những bóng đen đầu đội ngọn khoai lăm lăm tay súng. Chúng dàn hàng ngang bao vây dòng người chạy loạn rồi tập trung lại bãi đất hoang. Thằng Huỳnh cùng bọn hương vệ trong làng đi điểm mặt từng người. Huỳnh được thằng Tôn Thất Xứng, đồn trưởng đồn bảo vệ bố trí làm lý trưởng. Hắn lập “đồn hương vệ” Chợ Mới hỗ trợ cho đồn bảo vệ trên đồi. Tôn Thất Xứng là người Huế. Hắn nói:
        -  Thằng nào là Trương Hoành?.
          Bác Chuể tôi đứng phắt dậy:
         -  Là tôi đây.  
          - Mày là xã đội trưởng ?
          - Vâng!.
          Mọi người im phăng phắc. Hôm sau chúng thả tất cả mọi người ra, trong đó có cả ông Trương Hoành, xã đội trưởng. Thằng Huỳnh cùng bọn hương vệ lên đồn bảo vệ:
          - Quan lớn thả mất thằng Trương Hoành rồi. Đây là Thằng Chuể.
         Thằng Xứng tức tối lắm. Hắn sai bọn lính bảo vệ treo ngược hai chân bác tôi lên xà nhà. Chúng lấy nước vôi hòa với ớt bột đổ vào mắt, mũi bác. Bác tôi vẫn cắn răng chịu đựng không khai một nửa lời. Cuối cùng hai đứa ở hai đầu lấy chân đá thúc vào bụng bác như người ta đập bì bông.
          Thằng Huỳnh nói:
           - Quan lớn cứ giao thằng này cho em. Em sẽ cạy được răng nó ra. Tôn Thất Xứng gật đầu:
           -  Ông làm thế nào mà bắt hắn khai hết bọn Việt Minh và các căn hầm bí mật ở trong làng ra.
         Thằng Huỳnh trổ tài trước quan thầy. Hắn đã từng bắt được hai chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 18 tên là Phong và Đồng bỏ vào trong rọ lợn thả xuống dòng sông Nan. Ba ngày sau xác của các anh trôi lên trôi xuống trên bến đò Chợ Mới. Hắn bảo hai thằng hương vệ đặt thanh tà vẹt lên bụng của bác tôi rồi đứng hai đầu mà nhún. Phân, máu bác trào ra hậu môn, phọt lên tận mồm. Hai ngày sau thì bác tôi chết. Thằng Huỳnh kéo xác bác vắt lên hàng rào rồi bắn ba phát. Hắn khai với thằng Xứng, bác Chuể vượt rào dây thép gai chạy trốn.  
          Năm 1950, Tiểu đoàn 418 về đánh đồn hương vệ làng Đoàn. Toàn bộ hương vệ nộp súng xin hàng. Riêng thằng Huỳnh trốn thoát. Từ ngày bộ đội chủ lực về nhổ đồn hương vệ Chợ Mới, anh em hắn ra nhập vào đồn hương vệ làng Đoàn. Hắn nằm trong chiếc quan tài của một người dân mà không ai biết. Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, Trúc, Huỳnh đem cả gia đình vào Đà Nẵng. Hắn làm đến Trung tá của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Khi quân ta mở chiến dịch Quảng - Đà, hắn đem cả vợ con chạy vào Sài Gòn. Hết chiến tranh, những người ở phía bên kia sau khi được cải tạo lần lượt trở về thăm quê nhưng Huỳnh chẳng dám. Huỳnh giấu nhẹm quê quán với vợ con vì có nhiều nợ máu với người dân làng Lệ.
                                                                      *
         Tôi hỏi bác: “Sao mà biết con dâu của bác là cháu của thằng Huỳnh”.
         “Tình cờ thôi. Hôm gia đình thông gia mời bác và Hiệp đến ăn giỗ bác mới biết ông ta là người ngoài mình. Ông ta sinh sau năm 1954 nên cũng chẳng biết gốc gác ở làng nào. Nhìn qua thấy vóc dáng mặt mũi hơi giống thằng Huỳnh bác đã hơi ngờ ngợ. Nhìn lên tấm ảnh thờ, bác khẳng định đích thị đây là tấm ảnh của thằng Huỳnh. Cái sẹo hắn bị thương bên má thì bác không bao giờ quên được”.  Bác nói.
          Nhân ngày Tết Độc lập, thằng Huy dẫn cả gia đình bố vợ về thăm làng Lệ. Ông thông gia và vợ thằng Huy quỳ sụp xuống trước bàn thờ xin bác Chuể xá tội. Ông ta thay mặt cho người cha tội lỗi của mình xin bác tôi tha thứ cho tội ác đã gây ra.  
         Tôi nói với bác gái và cố cho mọi người nghe: “Độc lập rồi, hòa bình rồi, hòa hợp dân tộc rồi, mình cũng nên tha thứ cho nhau bác ạ. Người trong Nam hay ngoài Bắc cũng đều là con dân nước Việt cả thôi. Giá trị đích thực của cuộc sống không nằm trong cái giàu sang hay nghèo khó, người thành phố hay người nhà quê. Những người được trân trọng, được xã hội vinh danh là những người đóng góp cho non sông đất nước. Những người sống đúng đạo hiếu của dân tộc Việt Nam ”.
         Đúng ngày lễ mùng 2 tháng 9, thằng Huy chở cả nhà xuống cầu Quảng Hải xem hội đua thuyền. Hai bên bờ sông Gianh người xem đứng chật kín. Những con thuyền của các xã thi nhau lao đi trong gió. Trước mũi thuyền trống giục liên hồi. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm. Đứng trên bờ mọi người hò reo cổ vũ. Thật là hạnh phúc cho đất nước và gia đình bác tôi ngày hôm nay.
(1) Dụng cụ đơm cá đan bằng tre già, có cái tôi to để hứng cá vào phần thân. Đằng sau có nút rơm hay cái rổ buộc kín để giữ cá lại.
                                                                                              H.M.Đ   
Địa chỉ liên lạc: Hoàng Minh Đức, Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Điện thoại: 0379872648. Số tài khoản VNĐ: 3804215024643. AGRIBANK. Số CMT: 194049681
 

tin tức liên quan