Đỗ Ngọc Thứ - Cảm nhận về bài thơ " Thái Hải như lòng ta yêu dấu" của Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 03:35 17/10/2023 Lượt xem: 1.305

ĐỌC “THÁI HẢI NHƯ LÒNG TA YÊU DẤU”
CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN HỮU QUÝ

Đỗ Ngọc Thứ
                                                             
       Trên suốt chiều dài của hành trình suy tưởng, có lẽ hiếm nhà thơ gạo cội nào lại không hơn một lần “cưa sừng làm nghé” để con tim mình được rung nhịp đồng điệu với những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, người có nhiều năm làm công tác biên tập tại Tạp chí VNQĐ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ai nghĩ rằng, trái tim đã có phần “héo úa” của một “Bố già” như anh lại có thể ngân lên những nhịp đập thổn thức của “kẻ” đang yêu, giúp anh chóng vánh hoàn thành bài thơ tình với câu từ trẻ trung, da diết đến vậy.
       Tình yêu vốn là câu chuyện dài. Nó là “mảnh đất” màu mỡ, giúp các thi nhân “gieo cấy” những mầm thơ xanh tốt. Tình yêu nào mà chẳng để lại những xốn xang, để rồi khi xa, người ta luôn thổn thức nhớ, thổn thức buồn.“Thái Hải như lòng ta yêu dấu” là một bài thơ tình được Nguyễn Hữu Quý viết trên cơ sở “cưa sừng làm nghé” để được trở về với lứa tuổi đang yêu, biến mình thành “gã si tình” trước người con gái Tày trong bộ váy chàm mộc mạc, duyên dáng với đôi lúm đồng tiền “chết người”. Một câu chuyện tình nhẹ nhàng được nhà thơ kể lại với thứ ngôn từ dung dị, đời thường nhưng giàu nội cảm. Đúng hơn là anh mượn cảm xúc của tình yêu lứa đôi để bày tỏ tình yêu mãnh liệt của mình với nét văn hoá Tày được bảo tồn, lưu giữ tại bản làng Thái Hải - Thái Nguyên - Nơi Hội Trường Sơn, đường Hồ Chí minh Việt Nam tổ chức trại viết năm 2023.
       Vẫn biết rằng, tình yêu luôn là nguồn năng lượng tích cực làm xôn xao tâm hồn các thi nhân, khơi dậy trong họ lòng khát khao sáng tạo. Tuy nhiên, giữa một “khu vườn” có “trăm hoa đua nở”, việc hình thành một phong cách biểu đạt riêng biệt, độc đáo, được đông đảo bạn đọc đón nhận là không dễ dàng.
       Ở khổ thơ đầu, tác giả đã lựa chọn lối mở đầu trực khởi để đưa độc giả nhanh chóng đến với nội dung cần truyền tải:
“Hai mươi năm rồi ư, sao ta mới lần đầu
Về Thái Hải gặp mường người thanh thoát
Trời thu ướt, đất cọ xoè xanh mát
Áo chàm ơi, như thể đã lâu rồi”.
       Khổ thơ tưởng chừng như giản đơn, mộc mạc ấy không chỉ cho độc giả biết rõ nội dung cần truyền tải mà ẩn chứa trong đó cả một nghệ thuật tu từ kỳ diệu. Tác giả đã khéo léo gieo vào lòng độc giả sự ngỡ ngàng, nuối tiếc khi biết bản làng sinh thái huyền diệu này đã hình thành và phát triển 20 năm, vậy mà lần đầu anh biết, lần đầu anh đến. Dù vậy, với ánh nhìn thân thiện từ người con gái dịu dàng, thanh thoát đã nhanh chóng xua đi cái ngỡ ngàng, tạo ra sự gần gũi, thân thương “như thể đã lâu rồi”.
       Đến khổ thứ hai, thi sĩ đã khéo léo cho ta thấy lý do làm thi sỹ nuối tiếc; lý do làm thi sỹ “phải lòng” với miền đất này. Dường như tác giả đã dùng thơ để vẽ nên một bức tranh thuỷ mặc huyền ảo và lung linh:
“Như thể nhà sàn trở lại buổi chơi vơi
Bếp củi ấm khói chiều bay lưng núi
Giếng bản ngọt như lòng ai gắm gửi
Em rót vào ta lúng liếng lúm đồng tiền”.
       Tác giả muốn treo lên một bức tranh tuyệt đẹp về bản làng sinh thái này ư? Vâng. Nhưng đó chỉ là “phân nổi của tảng băng chìm”. Thiết nghĩ, với khổ thơ này, tác giả có thừa sự tinh tế để “bật mí” cho độc giả biết về nhân cách, về triết lý cuộc sống của mình. Rằng “chàng” không khát thèm sự hào nhoáng mà nhạt nhoà, sự giàu sang mà trống rỗng. “Chàng” yêu nếp sống giản dị, chân tình, hiền hoà, gần gũi như mái nhà sàn, bếp củi, khói chiều, nước giếng… Và yêu hơn là đôi lúm đồng tiền trên gương mặt hiền hậu với đôi mắt lúng liếng như muốn gửi trao.
       Đến khổ thứ ba, tác giả như muốn làm sáng tỏ hơn nguyên do làm “chàng” yêu đến say đắm. Cũng bình dị thôi, đó là nắm “xôi trám dẻo”, là “tiếng đàn tính trong ngần” ngân lên từ đôi tay người con gái. Giá như là mùa xuân, “chàng” sẽ ném quả còn xuyên qua vòng tròn định mệnh để bay về phía người con gái ấy. Người con gái ấy là ai? Anh muốn gửi gắm nỗi niềm gì… thì chỉ mình anh biết. Còn tôi cũng như các độc giả chỉ là những kẻ mù loà.
“Đã tới xuân đâu để ta ném quả còn lên
Xôi trám dẻo nỗi niềm gì chưa tỏ
Xuống cầu thang mới biết mình dang dở
Ở phía em tiếng đàn tính trong ngần”.
       Đến khổ thứ tư, tác giả đã mang đến cho độc giả một khám phá nhỏ về văn hoá Tày. Rằng người Tày coi mỗi cành cây, ngọn cỏ cũng có linh hồn, cũng có tình yêu. Để đẵn một cái cây, để hái một nhành lá, người Tày cũng thì thầm, trò chuyện để nó tự nguyện dâng hiến những gì tinh tuý. Rồi bằng cái chắp tay trước ngực, người Tày đã gửi tới mọi người sự thân thiện, cho dù quen hay lạ. Và chính nó đã mang đến cho tác giả một cảm xúc dâng trào:
“Sống là yêu từng ngọn lá mong manh
Chắp tay chào nhau chẳng nề hà quen lạ
Cái xưa cũ bỗng nhiên gần gũi quá
Một ánh nhìn trời đất cũng giao thoa”.
 
 Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tại bản Thái Hải, Thái Nguyên
 
       Đến khổ kết, tác giả đã không giấu diếm bộc lộ chân tình những cảm xúc và tình yêu của mình trước người con gái nơi đây, đúng hơn là trước nét văn hoá Tày đáng trân trọng. Cần nói thêm rằng, người Tày quan niệm thế giới có ba Mường (Mường trời, Mường đất, Mường người). Khi Mường người được tác giả gọi là Mường em, nghĩa là tình yêu đó nó lớn lao, được tôn vinh đến độ tuyệt đối, là một trong ba Mường không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày. Và tình yêu đó đã mang đến cho tác giả những rung cảm đặc biệt, giúp tác giả viết nên những vần thơ chân thực mà chất chứa nỗi niềm:
“Thì em nhé, cho ta thành hòn đá
Về lặng im dưới chín bậc cầu thang
Nghe em bước dáng Tày lung linh nắng
Giữa mường trời, mường đất có mường…em”.
Ôi chao! Một cái kết mới hay và da diết làm sao. Đọc xong mà dư âm còn lắng lại. Day dứt, bâng khuâng.
Chỉ bằng những ngôn từ mộc mạc, chân tình nhưng nhiều khi đã chạm đến những triết lý về đạo đức, về văn hoá trong tình yêu. Điều đó cho thấy, Nguyễn Hữu Quý đã rất thành công với cách tiếp cận, cách thể hiện độc đáo, khác biệt về những xúc cảm đối với một vùng đất, một nét văn hoá đáng giữ gìn. Thước đo giá trị của “Thái Hải như lòng ta yêu dấu” chính là sự bình dị của ngôn từ và sự chân thành của cảm xúc. Tình yêu ấy đã mang đến cho thi sĩ đa cảm này một nỗi mong mỏi, ước vọng. Và chính nó đã đem lại cho anh một cảm xúc lớn lao, đã đánh thức nơi anh lòng khát khao sáng tạo, giúp anh viết nên những câu thơ giàu hình tượng, nặng trĩu nỗi niềm. Dưới thể thơ tự do, nhà thơ không cầu kỳ gọt giũa để khoác cho bài thơ chiếc áo ngôn ngữ bóng bẩy. Nhưng qua ngòi bút sắc sảo đầy biến hoá của tác giả, người đọc có thể đắm chìm trong cảm xúc với một tình yêu được thi vị hoá bằng ngôn ngữ văn học đậm chất lãng mạn. Đấy chính là khả năng lao động sáng tạo của một thi sĩ đa tài, đa cảm và giàu kinh nghiệm như anh. Thiết nghĩ, bài thơ ngắn gọn nhưng giàu cảm xúc, đủ để bao người hiểu hơn, yêu hơn văn hoá Tày. Và như ai đó đã nói: “Văn hoá không phai, đất nước mãi trường tồn”. 
       Trân trọng./.
                                                                                                     
Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ
SĐT:0984782652
Email:
ngocthuhvktqs@gmai.com
Nhà riêng: Số 545, đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắ, quận Sơn Trà, T/P Đà Nẵng

tin tức liên quan