“Lão gàn và tình đồng đội” – TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 06:20 12/11/2023 Lượt xem: 73
LÃO GÀN VÀ TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Hoàng Văn Kính

 
          Khác hẳn với mọi ngày, hôm nay lão thức dậy sớm hơn lượn ra lượn vào  trước gương, thi thoảng lại đưa tay vuốt vuốt  cái đầu hói chỉ còn vài sợ tóc lưa thưa nửa bạc chảy xuống dưới cổ áo, miệng tủm tỉm cười trong bộ quân phục chỉnh tề, cầu vai quân hàm, huân huy chương đeo trễ ngực. Bà vợ đang nấu nồi cám lợn trong bếp linh cảm chắc lại có chuyện gì, sống với nhau gần bốn chục năm, bà không còn lạ gì tính cách của chồng.
         -Hôm nay có phải ngày lễ lạt gì đâu, ông được mời đi hội nghị à, thế mà chả nói trước để tôi dậy sớm nấu tạm món gì cho ông ăn.
         -Hội với nghị cái gì, còn đầu óc đâu mà ăn với uống – Lão cằn nhằn – Tôi lên xã hỏi mấy thằng cán bộ xem tại sao mãi mà nó không kí giấy cho mình làm nhà. Lũ ranh con bố láo, nó dám coi thường mình.
          -Thì họ chẳng đã thông báo kết luận đất nhà mình  không đủ điều kiện để cấp phép làm nhà kiên cố, ông cũng đã biết rồi còn gì.
          -Hôm nay tôi phải làm cho rõ trắng đen. Lúc mình đi đánh Mỹ sống chết với đạn bom chúng nó mới nứt mắt ra, ai mang lại hòa bình để chúng nó có được cuộc sống đủ đầy hôm nay. Mới có một tý quyền lực trong tay mà đã lên mặt, đồ vô ơn bạc nghĩa – Nói rồi lão hùng hùng hổ hổ mở khóa dắt cái xe máy ra cổng.
         Bà van nài: Thôi ông ơi, tôi xin ông đừng làm thế thiên hạ họ cười cho, có mỗi việc ấy họ đã trả lời mấy lần rồi, ông còn cố nài nỉ làm gì, chỉ hạ thấp mình thôi.
      - Chẳng phải xin xỏ, nài nỉ đứa nào cả, đất của tao tao làm, quyền lợi của tao tao hưởng. Đứa nào dám cười tao vạc mặt ra.
         Là Cựu chiến binh từng tham gia đánh Mĩ trên đường mòn Hồ Chí Minh, nhập ngũ lúc còn rất trẻ, chưa đủ tuổi nên phải viết đơn bằng máu mới được chấp nhận. Từ một người lính, lão trưởng thành, lập nhiều chiến công xuất sắc, được thăng hàm cấp Đại tá, 2 lần hưởng lương tướng, được tặng nhiều danh hiệu, huân huy chương các loại, cũng bởi thế nhiều lần lão vỗ ngực khoe mình là tướng. Khi về địa phương được mọi người kính nể, là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo học tập. Lúc mới về, hội nghi nào lão cũng được mời dự, sao gách ngay ngắn chỉnh tề ngồi ghế danh dự trên đoàn Chủ tịch, được mời phát biểu, hùng hồn múa tay chém gió oai lắm, chúng ta phải thế này, phải thế kia... Cũng phải thôi vì  cả cái xã này có đến mấy trăm người trực tiếp cầm súng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hơn năm chục Liệt sỹ đang yên giấc trong nghĩa trang  và hơn hai chục Liệt sỹ khác chưa tìm được hài cốt nhưng duy nhất chỉ mình lão mang hàm Đại tá. To nhất xã, ở cái địa phương khỉ ho cò gáy này như thế là oách lắm rồi. Mà cũng chẳng cứ hội họp gì, hễ có việc phải lên xã, lên huyện là bao giờ lão cũng oai vệ như thế.
     Hôm Đại hội CCB cấp huyện, lão được đề cử vào Ban chấp hành khóa mới nhưng chỉ nhận được số phiếu thấp nhất thế là lão cáo đau bụng đùng đùng bỏ về, cũng từ đấy tính cách lão thay đổi hẳn, coi trời bằng vung, chẳng xem ai ra gì – Tất cả chúng nó đều là đồ ngu – Lão xửng cồ với mấy ông hàng xóm rồi tuyên bố dí thèm vào tham gia các Hội Đoàn – Lão nói với vợ: Vào đấy hóa ra mình cũng chỉ bằng vai phải lứa với chúng nó thêm ngu người ra, chỉ khi nào có cái Hội cán bộ cao cấp thì tao mới tham gia.
         Phóng thẳng xe vào sân cơ quan, chú bảo vệ vội chạy ra ngăn lại: Bác vào đâu đấy ạ?
          -Mày là ai mà dám ngăn cản, tao vào gặp Chủ tịch.
          -Em là bảo vệ, bác ơi hôm nay không phải ngày Chủ tịch tiếp dân đâu ạ.
         -Sao lại quan quách thế, không có dân thì lãnh đạo ai – Nói rồi lão dựng xe đi thẳng vào phòng làm việc của Chủ tịch, mặc anh bảo vệ nài nỉ, ngăn cản.
          -Chủ tịch đây rồi. Sao lại không kí giấy cho tôi làm nhà?
         -Thưa bác việc này đã được giải quyết xong rồi, chúng cháu đã có thông báo cả bằng miệng và công văn gửi xuống gia đình bác. Chắc bận bác chưa xem, đây cháu xin gửi tiếp bác.
          -Giấy tờ vớ vẩn, không cho tao cứ làm. Hơn chục năm đánh Mỹ trong chiến trường, thương tật đầy người, bom đạn tao còn chẳng sợ, sợ đếch gì cái tờ giấy này – Nói rồi lão vo tròn tờ giấy lại nhét vào túi quần, quay phắt đi không thèm nghe giải thích.
      Chuyện kiện tụng của lão bà con ở cả cái xã này ai cũng biết, nhưng họ đều lắc đầu, tặc lưỡi rỉ tai nhau: Đến cán bộ huyện, xã còn phải tránh mặt lão, mình chớ có dại mà dây vào cái loại Chí Phèo ấy lơ mơ là rước họa vào thân. Đấy như cái hôm tranh chấp có mấy tấc đất với nhà hàng xóm liền kề mà lão lăn đùng ra ăn vạ đòi bồi thường, may quá đi xét nghiệm trên người chẳng có thương tích gì thế là lão lại làm đơn kiện gửi đến các cấp đòi phải bồi thường danh dự vì dám đôi co làm ngã, sỉ nhục  cán bộ cao cấp
         Chẳng sợ đếch đứa nào, nói là làm. Quá trình lão tập kết vật liệu, chẳng thấy có động tĩnh gì, mấy nhà liền kề đứng nhìn, chỉ trỏ nhưng cứ thấy mặt lão là biến tăm, chẳng đứa nào dám ho he đụng vao cái lông chân hắn, thế là lão đắc chí tưởng đã thắng,  càng quyết tâm làm bằng được. Hội Cựu chiến binh xã cử cán bộ đến trao đổi, thuyết phục nhưng lão không thèm tiếp: Chúng mày đến làm gì tao thừa biết, chỉ tốn nước trà, mất thời gian – Lão nghĩ thế - Nếu có ai vì nghĩ đến cái tình, cái nghĩa mà can ngăn lão chẳng thèm nghe, lườm nguýt cho mấy cái rồi bỏ hết ngoài tai, miệng lẩm bẩm: đồ trẻ ranh, mới nứt mắt ra biết cái gì. Lúc tao đi đánh giặc, sống chết trong gang tấc làm gì có cái luật ấy. Bây giờ cơm no bò cưỡi, bò đủ rồi lại vẽ chuyện, muốn làm gì chả được sao cứ phải chèn ép, gây khó dễ - Nghe thế họ ngao ngán lắc đầu bỏ đi.
         Từ ngày lão động thổ đến lúc đổ mái tầng một đã 3 lần thanh tra xây dựng đến làm viêc, lập biên bản đình chỉ nhưng nhất quyết lão không kí. Lần nào cũng vậy lão nghênh đón đoàn bằng bộ quân phục của thời chiến tranh với đầy đủ sao gạch và huân huy chương treo trên ngực. Lão chửi những đứa tò mò chỉ trỏ đứng xem, lão chửi cái lũ cán bộ vắt mũi chưa sạch chỉ giỏi ức hiếp dân, lão chửi ông trời bạc bẽo rồi lão tuyên bố với đoàn thanh tra: Đất của tao, tao cứ  làm, đố chúng mày đụng vào, rồi lão thách thức: có giỏi thì cứ đến cưỡng chế.
         Thấy căng quá, đội thanh tra lẳng lặng ra về. Trước khi về họ đưa cho lão một tờ giấy thông báo hẹn thời gian để gia đình  tự tháo dỡ, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Chẳng cần đọc xem trong đó viết gì, lão vứt xuống đất rồi lấy chân di di trước mặt đoàn thanh tra.
    Đêm hôm ấy lão uất ức không sao ngủ được,  giận cái lũ cán bộ vô ơn bạc nghĩa, ăn cháo đá bát dám coi thường lão…rồi lẳng lặng cầm chai rượu ra hè một mình ngồi uống xuông tri kỉ với “ cái Hằng”. Bỗng nghe tiếng động mạnh, bà vợ vội tung màn chạy ra, hốt hoảng thấy lão đang nằm vật ra hè, tay chân co quắp, sùi bọt mép. Bà con lối xóm chạy đến mỗi người một chân một tay đưa lão đi viện. Hai hôm sau lão tắt thở, bác sỹ bảo: Nguyên nhân do đầu óc quá căng thẳng cộng với thời tiết nắng nóng bất thường lại bị sốc rượu nên dẫn đến đột quỵ.
       Sự việc xẩy ra quá đột ngột, cả nhà cứ quýnh lên chẳng biết phải làm gì, chẳng dám nhờ vả ai, bà vợ lão sụt sùi nói với các con: Bố chúng mày ăn ở với bà con lối xóm, với bạn bè đồng đội như thế, mẹ xấu hồ lắm không dám mở miệng ra nhờ, thôi gia đình mình tự lo các con ạ.
       Thấy vậy Hội Cựu chiến binh xã đứng ra nhận lo toàn bộ các khâu, làm các thủ tục mai tang theo phong tục, tập quán của địa phương. Lúc đầu cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người bức xúc không đồng tình vì ông này đã bỏ sinh hoạt cả chục năm, không còn là hội viện Hội CCB thì Hội không có trách nhiệm. Người thì bảo: Đành rằng cấp hàm ông ấy cao nhất xã, có nhiều công lao, thành tích trong chiến tranh nhưng khi về với đời thường lại luôn vỗ ngực công thần, không chơi với ai, chẳng coi ai ra gì, buông bỏ tất cả đồng đội, đồng chí. thậm chí còn có ý định đứng ra thành lập Hội Sỹ quan Cao cấp nằm ngoài Hội CCB… Nhưng cuối cùng mọi người cũng đi đến thống nhất: Nghĩa tử là nghĩa tận, cùng là anh em, đồng chí đồng đội, vì cái tình, cái nghĩa giữa những người lính đã từng vào sinh ra tử với nhau, nên Hội phải có trách nhiệm đứng ra tổ chức tang lễ cho đồng đội của mình thật trang trọng.
     Quan tài được phủ Quân kì Quyết-thắng mầu đỏ có ngôi sao vàng ở giữa, đội tiêu binh mặc lễ phục màu trắng đứng nghiêm bốn góc quan tài, Chủ tịch Hội đọc lời điếu nêu bật những hy sinh, cống hiến của lão trong suốt hơn bốn mươi năm tại ngũ…
    Mọi người đến dự tang lễ đều cảm động: Đúng là bộ đội “ Cụ Hồ”, không phân biệt dù đồng đội mình là ai,  trong hoàn cảnh nào, sống ra sao cũng vẫn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau cho đến những giây phút cuối cùng.

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan