"Gặp Nhà thơ Vũ Quần Phương trên đất Quần Phương" - Ghi chép của Bs Lê Lợi

Ngày đăng: 09:26 16/11/2023 Lượt xem: 100
GẶP NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG TRÊN ĐẤT QUẦN PHƯƠNG
Ghi chép.
Bs Lê Lợi.

 
       Thật ngẫu nhiên khi mấy anh chị em của hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn (Hội Trường Sơn Việt Nam) trong chuyến đi về Nam Định được gặp gỡ, giao lưu với nhà thơ Vũ Quần Phương tại quê nhà của ông. Nhà thơ từ Hà Nội về dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và đại hội lần IV nhiệm kỳ 2023-2028 của Câu lạc bộ thơ Quần Phương tổ chức tại UBND huyện Hải Hậu. Tôi rất xúc động bởi trên dưới 50 năm nay đã đọc thơ và các bài phê bình thơ của ông từ khi còn là cậu học sinh phổ thông. Đến sau này khi biết ông từng là bác sĩ, tôi càng ao ước gặp mặt dù chỉ một lần nhưng đến bây giờ mới được hội ngộ. Buổi tối hôm trước đại hội, câu lạc bộ thơ Quần Phương có tổ chức buổi giao lưu với các đại biểu vậy là tôi có dịp đến làm quen và trò chuyện với nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông là người dễ gần, năm nay đã 83 mùa xuân mà đôi mắt vẫn tinh anh đầy thần thái.
       Khi nghe tôi giới thiệu rằng em cũng là bác sĩ như anh nhưng học sau anh nhiều đến hơn hai chục năm, ông cười hiền hậu và cởi mở khi trò chuyện, dường như có sợi dây đồng cảm giữa các thế hệ Y khoa. Cứ rù rà, rủ rỉ với nhau từ tối hôm trước rồi đến sáng hôm sau gặp lại cùng ăn sáng ở gần cầu Yên Định cho đến khi nghe ông được trân trọng mời phát biểu tại đại hội, dần dà trong tôi, người bác sĩ, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương cứ hiện lên thật rõ nét.


Tác giả Lê Lợi (trái) cùng với nhà thơ Vũ Quần Phương
 
       Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc, ông sinh năm 1940 tại quê mẹ ở Hà Nội. Khi lên sáu tuổi thì cha ông mất, ông sống với mẹ và hai em trai đến khi Pháp tái chiếm Hà Nội ngày 19/12/1946 thì ông về sống với bà nội ở Hải Hậu gần bốn năm, Nam Định lúc này là vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp. Chỉ bốn năm sống ở quê nội Quần Phương Trung, nay là Hải Trung (Hải Hậu), tình cảm với xóm làng, với những người dân chân chất ở quê hương sâu đậm trong ký ức của đứa trẻ ở lúa tuổi thiếu nhi để rồi sau này ông lấy tên của quê hương đặt cho bút danh của mình, Vũ Quần Phương.
       Anh bạn bác sĩ ở xã Hải Trung khi tôi có lần về công tác ở địa phương rất hãnh diện và quả quyết giới thiệu với tôi cây cầu bắc qua sông Múc ở địa phận Hải Trung, con sông này có đầu nguồn là nhánh của sông Ninh Cơ chảy qua Hải Trung, Hải Bắc, Yên Định…và xuôi về biển, rằng đây chính là cây cầu mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã sáng tác bài “Đợi” nổi tiếng. Lại một anh bạn khác quê xã Hải Anh quả quyết với tôi rằng, cái cây cầu ngói chợ Lương có tuổi đời trên năm trăm năm ở xã mình mới là nơi mà Vũ Quần Phương viết tặng cô bạn gái “Em đứng trên cầu, đợi anh”…Và, mỗi nơi tôi đều được các bạn đãi một bữa nhậu ra trò để rồi cũng chả biết cây cầu nào mà cô gái đứng để thương, để nhớ cho nhà thơ và biết bao nhiêu anh chàng như tôi mê mẩn bởi con gái vùng này rất đẹp.
       Thế rồi trong những lúc trò chuyện, tôi lựa lời hỏi nhà thơ rằng cây cầu nào ở vùng này mới đích thực là cây cầu mà tác giả đã viết trong bài thơ “Đợi” để em còn thông tin cho mấy cậu bạn kiếm bữa rượu, rằng để em về nhà kể cho vợ của em là giáo viên dạy văn cấp 3 biết xuất xứ của một bài thơ ngắn, có ngôn từ đẹp đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc thành bài hát. Ông mủm mỉm mà rằng không có cây cầu cụ thể nào đâu, cây cầu ấy là sản phẩm của sự tưởng tượng khi ông nhớ về quê hương khi sáng tác…
       Chả biết câu hỏi của tôi có đánh thức những kỷ niệm xa xưa của ông hay không mà sớm hôm sau khi cùng nhau ăn sáng, mấy nhà thơ ở câu lạc bộ thơ Quần Phương nói nhỏ với tôi là đêm qua sau khi giao lưu về nhà khách của UBND huyện Hải Hậu để nghỉ ngơi, một chốc ông đi bộ ra ngoài và ngồi rất lâu ở sảnh nhà văn hóa huyện Hải Hậu nằm bên cạnh con sông Múc có cây cầu Yên Định, lặng lẽ nhìn hướng về phía quê nhà ông, Hải Trung cách đó không bao xa…
       Vũ Quần Phương thi đỗ và học sáu năm tại Đại học Y Hà Nội, ông là người đứng đầu trong số 350 bác sĩ khi thi tốt nghiệp năm 1965. Ông cũng là người duy nhất được chọn về công tác ở Bộ Y tế ngay sau khi tốt nghiệp.
       Phát biểu tại đại hội lần IV nhiệm kỳ 2023-2028 của Câu lạc bộ thơ Quần Phương, không đao to, búa lớn, không hùng hồn, không lên trầm, xuống bổng, giọng nói của ông cứ nhỏ nhẹ, rủ rỉ tâm sự những lời của bậc đàn anh lớn tuổi với những đứa em quê hương. Ông kể, ông lấy tên quê hương làm bút danh mặc dù sống ở quê thời gian không dài, có mấy năm thôi mà khi ấy chỉ còn là đứa trẻ và rằng sau này “dù bị quê hương ruồng bỏ”. Thấy mọi người ngạc nhiên, ông giải thích rằng khi bố ông còn sống gia đình có chút khá giả, thế là cái định kiến lý lịch của một thời cứ đeo bám mỗi khi được tổ chức về quê hương thẩm tra lý lịch định kết nạp vào đảng cộng sản mà không xong, kể cả khi ông đã làm lãnh đạo ở một cơ quan. Mà không phải là đảng viên cho nên ông mặc dù công tác ở một cơ quan trung ương là Bộ Y tế nhưng hồi ấy có thông tin đến tai ông rằng, dù có phấn đấu đến mấy cũng chỉ được làm chức phó phòng…
       Sau khi công tác ở Bộ Y tế bảy năm với bao đắn đo, suy nghĩ đến năm 1972 ông quyết định chuyển ngành từ ngành Y sang viết văn chuyên nghiệp. Dù không phải là đảng viên nhưng ông từng là Trưởng ban biên tập chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những buổi tiếng thơ lúc 22 giờ mỗi ngày chủ nhật hàng tuần với giọng ngâm thơ tuyệt vời của Linh Nhâm, Trần Thị Tuyết…trên sóng phát thanh. Ông lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Biên tập văn học hiện đại của Nhà xuất bản Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du; Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam (tiếng Pháp).
       Nhà thơ Vũ Quần Phương là Đại biểu Quốc hội khóa IX, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Năm 2007 ông được tặng thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Cũng may cái thời ông còn công tác, tổ chức chưa đặt nặng tiêu chí muốn được bổ nhiệm làm lãnh đạo phải là đảng viên, phải có các bằng cấp lý luận chính trị …như hiện nay.
       Với cách nói chuyện hóm hỉnh, xâu chuỗi các sự kiện, dẫn chứng cụ thể và phong phú, ông làm cả hội trường yên lặng lắng nghe, không thấy tiếng rì rầm nói chuyện, tiếng bấm phím, tiếng chuông điện thoại thường thấy ở các hội nghị hiện nay. Ông chân thành chia sẻ những kinh nghiệm viết thơ, phê bình thơ và đặc biệt là những ý kiến góp ý cho quê hương, dù rằng xa quê lâu nhưng tấm lòng của ông vẫn đau đáu về quê hương.
       Nhân sự có mặt của bà Lưu Thị Nghiêm, Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND Huyện Hải Hậu, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng hiện nay việc dạy văn, học văn ở nhà trường đã xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy nên chăng huyện Hải Hậu có giải pháp cho ngành giáo dục như là chỉ đạo các trường khi tổ chức các buổi học ngoại khóa thì có thể mời các tác giả nổi tiếng người Hải Hậu về nói chuyện để giúp các thầy, cô, các em học sinh trong việc học văn.
       Ông góp ý với Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định, NSUT, đạo diễn Kiều Dư rằng, cần báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định quan tâm khẩn trương tu sửa, nâng cấp và cải tạo nhà lưu niệm nhà thơ Trần Tế Xương ở thành phố Nam Định bởi ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, tỉnh nên đứng ra tổ chức mời các văn, nghệ sĩ người Nam Định đang sống và công tác ở các cơ quan Trung ương và các địa phương khác về gặp mặt, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác có như vậy thì mới nâng được trình độ của đội ngũ sáng tác của văn, nghệ sĩ địa phương.
       Ông đánh giá cao câu lạc bộ thơ Quần Phương trong ba mươi năm hình thành và phát triển, các tác giả đã có những tác phẩm vượt qua tầm địa phương để đạt được nhiều giải thưởng của quốc gia, của tỉnh. Nhiều người là hội viên hội nhà văn Việt Nam, hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định, hội viên hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn Việt Nam…


Nhà thơ Vũ Quần Phương (ngồi thứ 4 trái sang) và đoàn Hội VHNT Trường Sơn
chụp ảnh lưu niệm cùng một số anh chị em CLB Thơ Hải Hậu
 
       Tôi liếc nhìn thấy đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu đang chăm chú ghi chép, thi thoảng lại thấy chị ngẩng lên, gật gù, tâm đắc bởi ý kiến phát biểu của ông rất chân thành, gần gũi, hấp dẫn và kiến thức của ông thật sâu rộng, không chỉ có văn thơ cho nên có sức cuốn hút người nghe…Những trăn trở, góp ý vô cùng thiết thực của ông vừa có tính bao quát, vừa thiết thực với địa phương. Có thể nói, bài nói chuyện của ông thật xúc tích, ngắn mà nhiều hàm lượng khiến người nghe phải suy ngẫm. Chợt nghĩ, ở ông có hai đặc điểm nổi trội khi viết và khi nói. Tôi cứ băn khoăn và rồi tự lý giải cho mình rằng phải chăng quãng đời 13 năm kể từ khi là chàng sinh viên Y khoa học ở giảng đường và đi lâm sàng bệnh viện đến khi trở thành bác sĩ công tác tại Bộ Y tế luôn thực hiện các văn bản chỉ đạo đã rèn cho ông cẩn trọng với từng con chữ, lý giải vì sao ông viết thơ và phê bình thơ rất rõ ràng, chính xác và cô đọng, trí tuệ và có tính khoa học. Mặt khác khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ ở bệnh viện giúp ông lựa chọn từ ngữ, cử chỉ để giải thích bệnh tật cho họ và từ đó hình thành được kỹ năng tư vấn, kỹ năng nói chuyện trước đám đông cho mọi đối tượng xuyên suốt cuộc đời của ông sau này.
       Được gặp ông, thấy nhà thơ Vũ Quần Phương là con người lịch lãm. Dự hội nghị, ông chỉn chu với bộ comple, caravat.
       Xứ Quần Phương Trung xưa, Hải Trung nay như tôi biết có hai văn nghệ sĩ tài danh mà tên tuổi các ông đã vượt khỏi biên giới, các ông trạc tuổi nhau đó là nhà thơ Vũ Quần Phương và nhạc sĩ Vũ Thành An với các nhạc phẩm “Không tên” nổi tiếng. Cầu chúc cho các ông luôn có nhiều sức khỏe, tiếp tục thực hiện những đam mê của mình.

30/10/2023.
Lê Lợi
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn

 
 

tin tức liên quan