Còn mãi hào khí Trường Sơn

Ngày đăng: 05:35 20/12/2023 Lượt xem: 80
 
    CÒN MÃI HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN
 
      Hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024) và nhân dịp chào mừng Đại  hội lần thứ III Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh, Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh đã biên tập và xuất bản tập sách “Kí ức Trường Sơn”. Tập sách có sự góp mặt của 25 tác giả với hơn 200 bài thơ, kí sự, ghi chép … của các hội viên là cựu chiến binh Trường Sơn, đã đem lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc về những năm tháng hào hùng sống, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và lịch sử.
     Tập sách được cấu trúc gồm hai phần lớn: Phần một là những Kí ức về Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; phần hai là những bài thơ được sáng tác trong những năm tháng trở lại với đời thường, sau chiến tranh của những người lính Trường Sơn năm xưa.
      Kí ức Trường Sơn có thể coi là những dòng hồi kí ghi chép lại những kí ức hào hùng về một thời chiến đấu oanh liệt “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của những người lính đã từng sống, chiến đấu và cống hiến hy sinh tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình trên tuyến đường Trường Sơn.
       Phần một của tập thơ, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về những người con của vùng quê Kinh Bắc tham gia Đoàn 559 đã chiến đấu anh dũng, gan dạ trên các tuyến đường “máu lửa”, góp phần viết nên bản trường ca hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Con đường hào hùng và anh dũng ấy không chỉ được miêu tả chân thực qua những trận đánh, qua những chiến công, qua những tấm gương quả cảm mà còn lắng đọng qua những vần thơ còn mãi với thời gian:
Anh người Kinh Bắc – Bắc Ninh
Gặp em nơi ấy nhớ tình nước non
Hôm nay trở lại Trường Sơn
Trong vui lại thấy nỗi buồn nhớ em.
(Bây giờ em ở đâu – Lê Ba)
       Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường mang tên đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh gắn với biết bao chiến công hiển hách; mỗi cung đường, mỗi ngọn núi, trạm giao liên, lối vượt ngầm, vượt suối…là một phần kí ức của những người lính Trường Sơn năm xưa, không thể nguôi quên… những con người, những bài thơ của những người lính năm xưa viết về đường Trường Sơn của thời hoa lửa sẽ vẫn còn mãi với thời gian và lịch sử.
Trường Sơn với lính lái xe
Đêm mơ vẫn thấy suối, khe, núi, đồi
Ùng oàng trọng điểm bom rơi
Ì ầm xê một ba mươi (C130) xin thùng
(Nhớ Trường Sơn – Bùi Xuân Chúc)
       Chúng ta tự hào về đường Trường Sơn huyền thoại và anh hùng, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, con đường bạt núi giữa pháo sáng với đạn bom, con đường có núi cao mấy tầng, con đường say chiến đấu, ghi chiến công lẫy lừng, đường soi sáng để các đoàn xe của ta luôn thẳng tới; đường mang bao nghĩa tình, đường Nam - Bắc yêu thương.
Bầu trời vọng tiếng máy bay
Dưới chân đất đá đạn cầy xới tung.
Lòng gan dạ sắt kiên trung
Đội quân kia vẫn ung dung mở đường
(Cô gái mở đường – Nguyễn Quốc Lập)
       Đọc Kí ức Trường Sơn ta như sống lại một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Những người lính Trường Sơn đã bỏ lại sau lưng tất cả, lên đường cống hiến trí tuệ, sức lực và tuổi thanh xuân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất bởi trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc và sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm...
Núi rừng sương gió phai mòn.
Thời gian đi mãi vẫn còn nỗi đau.
Trường Sơn đồng đội thương nhau
Sử vàng chói loị đời sau mãi còn
(Nguyễn Tất Đình Vân)
       Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch đầy chông gai thử thách. Con đường máu lửa đã phải đối phó với các loại thiết bị tinh vi, hiện đại bậc nhất của nền quốc phòng Mỹ, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn Miền Nam. Nhắc đến tuyến đường ấy, không thể không nhắc đến sự đóng góp của những cô gái Trường Sơn và những yêu thương trân trọng người con gái ở chiến trường, từ những cô gái thanh niên xung phong mở đường, bảo đảm giao thông đến văn công, phục vụ y tế… Họ đã gác tình riêng, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ vì thắng lợi chung của cách mạng. Nhiều tấm gương đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong số hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin… có nhiều phụ nữ. Đó là những nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên tuyến đường.
Em người con gái Trường Sơn
Bom cày, đạn xới đâu sờn sắc xuân
Bãi kho tập kết tới gần
Hàng giao đầy đủ mười phân vẹn mười
(Em người lái xe Trường Sơn – Lê Ba)
       Nhưng cũng bằng sự đóng góp vô giá đó, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Trường Sơn qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng, dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310 ngàn thương binh, bệnh binh. Đó là một kỳ tích. Kí ức Trường Sơn có thể coi là hình ảnh thu gọn của một Trường Sơn lịch sử của một thời chiến tranh khói lửa.
         Đi vào vườn thơ của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, chúng ta bắt gặp những anh bộ đội lái xe quả cảm vượt ngầm chở hàng ra tiền tuyến dưới trời bom đất lửa, những chiến sĩ công binh mở đường cần cù gan
góc, những cô gái thanh niên xung phong vẫn hồn nhiên trước bóng tử thần, hay những người lính coi kho quên cửa nhà, xa làng phố,… Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược:
Ngày mai anh ra trận
Bóng hình em đâu rồi?
Chỉ còn vang tiếng hát
Đường hành quân xa xôi…
(Em gái Trường Sơn – Phạm Đăng Kiểm)
       Cuộc sống hiện thực của những chiến sĩ có mặt nơi tuyến lửa Trường Sơn đã giúp cho các nhà thơ không chuyên sở hữu được những vần thơ mịt mùng khói súng, ầm ỉ tiếng bom mà vẫn ấm nồng hơi thở đồng đội, đồng thời cũng kề cận nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết, cùng chiến đấu trong tình anh em ruột thịt. Các chiến sĩ Trường Sơn có thể coi là chứng nhân sống, những chiến sĩ – họa sĩ đã vẽ lại bằng ngòi bút thơ chân thực của mình những hình ảnh cao đẹp và phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng trên con đường huyền thoại Trường Sơn kỳ vĩ, anh hùng.
Cái ngày tết ở Trường Sơn
Hành quân ngang dốc mây vờn dưới chân
Tiếng gà rừng gáy xa gần
Bông hoa ngàn nở trắng ngần lối đi
(Tết ở Trường Sơn – Trần Công Sản)
        Đó là chân lý sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ Việt Nam và niềm tin sắt son vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đọc lại những vần thơ viết về Trường Sơn, nhắc lại lịch sử để chúng ta hiểu sâu hơn giá trị tuyệt vời mà những người con anh dũng, kiên cường của Tổ quốc ta đã góp phần làm nên.
     Phần hai của tập thơ với tiêu đề “Về miền Quan họ” là những bài thơ được sáng tác trong những năm tháng sau chiến tranh, trở lại với đời thường của những người lính Trường Sơn năm xưa. Đặc biệt tình cảm của những người lính Trường Sơn với miền quê quan họ đã được các nhà thơ thể hiện một cách sâu sắc, đậm chất dân ca qua những vần thơ mang đậm hồn quê Kinh Bắc.
Chiều về nắng rơi lúng liếng
Ngất ngây lưng chén rượu đào
Hoàng hôn má em ửng chín
Ngọt lừ cánh nón quai thao
(Về miền quan họ - Nguyễn Đình Triển)
        Chất liệu cuộc sống vốn đầy ắp chất thơ của miền quê Quan họ đã được các nhà thơ không chuyên phổ vào vần điệu bằng tâm hồn, bằng tấm lòng mộc mạc, chân chất như ruộng lúa bờ tre, nhưng cũng thơ mộng như dòng sông Đuống“Nghiêng nghiêng bãi mía bờ tre, ngô khoai biêng biếc” trong thơ Hoàng Cầm. Đọc xong tập thơ, độc giả là người Kinh Bắc sẽ thấy kính phục và tự hào về những thế hệ chiến sĩ Trường Sơn của quê hương mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ hy sinh; sẽ càng yêu quê, yêu người Kinh Bắc hơn. Đặc biệt, bạn bè ở xa đọc phần hai: “Về miền Quan họ” sẽ biết thêm bao điều thú vị về lịch sử vùng quê này, càng yêu quý thêm tấm lòng nhân hậu, đằm thắm của con người ở một vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, để thêm yêu quê hương đất nước hơn.
“Dòng trăng” đã chảy thành tên
Vương câu Quan họ thành miền…lơ thơ
Ai đưa em đến Chợ Chờ
Mắc câu thơ, vướng câu thơ…chẳng về
(Nhị Hà)
Hay:
Mắt em sắc lẹm như dao
Trầu têm cánh phượng đi vào hồn thơ…
Tháng ba như một giấc mơ
Để câu “giã bạn” ngẩn ngơ lối về…
(Nguyễn Đình Sinh)
      Có thể nói, cho đến hôm nay, những bài thơ trong Kí ức Trường Sơn vẫn có sức sống vượt không gian thời gian, tái hiện lại nghĩa tình đồng đội gắn bó keo sơn và niềm tự hào trong sáng nồng ấm mỗi khi nhớ lại những kí ức hào hùng về Trường Sơn lịch sử hào hùng…
          Gấp lại tập sách Kí ức Trường Sơn độc giả cũng hiểu thêm nhiều điều về lịch sử, văn hóa, phong cảnh và con người,… của miền quan họ Kinh Bắc, và cũng không phải thất vọng khi đã bỏ chút thời gian đọc tập thơ này. Có thể độc giả khi đọc tập thơ còn có chỗ này, chỗ khác chưa thật ưng ý, nhưng nhìn chung những người lính Trường Sơn vùng Kinh Bắc đã không làm phụ lòng độc giả.
 
            Nguyễn Đình Triển
Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh

 
 


tin tức liên quan