------------------------------------------------------------------
NHÀ SÀN THẤP THOÁNG
Tản văn của Lê Lợi
Trại viết lần hai của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn được tổ chức ở bản làng Thái Hải (Xã Thịnh Cường, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Nơi trước đây là vùng đất hoang sơ, cằn cỗi, hơn hai mươi năm nay dưới bàn tay của 150 đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ và Kinh đã trở thành một miền xanh tươi (Đúng ra lúc cao điểm có tới 200 người nhưng rồi do Covid-19, bản làng không có khách đến nên mấy chục người phải rời đi mưu sinh nơi khác). Xung quang đồi núi được phủ xanh các loại cây như keo, xoài, vầu, cọ…và những đồi chè, bưởi, ổi, vườn rau. Người dân ở đây chăn thả gia súc, nuôi cá, gà, cấy lúa, trồng rau, trồng và chế bến chè xanh theo kiểu dân tộc. Phần lớn là phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của dân bản và du khách. Đây thực sự là một khu bảo tồn dân tộc Tày cả vật thể lẫn phi vật thể.
Những khi không lên lớp hoặc tự sáng tác, tôi lang thang trong không gian xanh mướt, rừng ở đây tuy là trồng mới nhưng đang mùa mưa nên lá các loại cây cứ xanh nõn nà. Thích nhất là thấy thấp thoáng bóng nhà sàn ẩn mình trong những vòm cây. Mấy chục ngôi nhà sàn có tuổi đời lên tới hàng trăm năm được bà trưởng bản Nguyễn Thị Thanh Hải mua và đưa về từ ATK (An toàn khu) Định Hóa, Thái Nguyên phục dựng nguyên bản để giữ gìn và bảo tồn. Mái lợp bằng lá cọ khai thác tại chỗ, những cây cọ được trồng trên những ngọn đồi, ở lối đi để “xòe ô che nắng, râm mát đường em đi”. Những cây cột và cả vách của nhà sàn được làm từ gỗ. Vài ngôi nhà có sàn bằng nứa đan thành phên, có phải là để cho các chàng trai đến chọc gậy nhà sàn chăng.
Một "áo chàm", một "Nhà sàn" - Những mảnh ghép hóa thành "Thấp thoáng"...
Nhìn nhà sàn thấp thoáng ở bản làng Thái Hải, tôi lại nhớ đến nôn nao những bản ở Nam Lào khi tôi còn là anh lính tình nguyện của những năm 80 của thế kỷ trước. Cũng sàn gỗ trên những cây cột, cũng thưng vách bằng gỗ nhưng mái nhà sàn của người Lào lại lợp ngói làm bằng gỗ, nhìn những tấm ngói gỗ xám xịt màu thời gian, hỏi thì biết tuổi thọ mái gỗ nghe nói đến trên dưới bảy chục năm. Bên trên là người ở, bên dưới là chỗ cối giã gạo, để xe bò kéo, chỗ buộc trâu, bò, lợn, gà…những con vật này cứ ỉa, đái tùm lum để lại mùi hôi. Ngay cả nhà “na” (ruộng) cũng làm thành nhà sàn, người Lào thường dựng nhà nhỏ ở những nương, rẫy có thể cách xa nơi ở đến hàng chục cây số. Bé thôi, chừng đôi chục mét vuông, cũng làm bằng gỗ. Vào mùa, đây là nơi nghỉ ngơi, chứa dụng cụ, chứa thóc…bên dưới sàn là chỗ cột trâu bò, lợn, gà. Có khi họ về bản mấy ngày còn mọi thứ ở nhà na cứ để đấy mà không sợ bị mất cắp…Đã có những lần chúng tôi khi đi công tác, nhỡ bữa là lên nhà na dùng lương thực ở đấy và chỉ cần để lại dấu hiệu là bộ đội Việt Nam đã sử dụng hoặc để lại chút tiền kip Lào là ổn.
Bản làng Thái Hải chia làm nhiều khu vực nằm trong thung lũng và lấy khu hành chính lễ tân làm trung tâm. Khu bảo tồn có nhiều ngôi nhà sàn, có nhà sàn làm nơi thờ cúng chung, có nhà sàn bán thuốc dân tộc, có nhà sàn chứa đựng và bảo quản hàng vài trăm chum rượu dưới gầm sàn…Với nhà sàn ở khu nghỉ dưỡng thì du khách có thể đến ở với người dân của bản như là homstay. Xen kẽ trong những khu rừng là khu lưu trú của làng, ở đó có các nhà sàn truyền thống biệt lập với không gian thoáng mát. Là nhà sàn, không thể kín như nhà beton, nhà kính nhưng cũng có các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện hiện đại như máy điều hòa, quạt…tiện lợi.
Nhìn cầu thang gỗ nhẵn bóng và thấy các nhà sàn không hề có khóa cửa lại nhớ đến một lần đi công tác lẻ, tôi bị lên cơn sốt rét. Sốt rét rừng Lào mấy ai mà không trải qua, đầu tiên là những cơn ớn lạnh, đau đầu, sốt đến vã mồ hôi mà người cứ lạnh toát…Cố gắng gượng đi tới nhà na bám cầu thang gỗ leo lên và nằm vật ra sàn, trước đó không quên lẩy bẩy đứng dậy để giấu khẩu AK báng gấp lên mái nhà sàn bởi nhà có hai mái. Cũng không còn sức mà để ý xem ở cầu thang lên nhà có cành lá hay không (nếu có cành lá ở cầu thang là dấu hiệu không cho người lạ lên nhà). Trong cơn mê man dường như thấy có chút nước chảy vào họng và có tiếng gọi cuống quýt “Tà hán Việt, Bộ đội Việt”… Thế rồi một lúc sau không biết có phải vì bàn tay dịu dàng, nhẹ nhàng đặt cái khăn ướt lên trán, lên cổ của tôi của một người con gái Lào mà tôi dứt cơn sốt sau đó tìm đường trở về đơn vị. Đến giờ vẫn ân hận và tiếc nuối vì đã không nhớ ra để hỏi tên của phù sao Lào. Mà cũng thật may là gặp em gái Lào chứ mà gặp phỉ lúc đó thì làm sao mà bây giờ còn ngồi gõ máy tính mà mơ mộng về cái bản Noongkuang xa tít ở Nam Lào ấy nữa.
Nhà sàn bản làng Thái Hải được làm chỉn chu, tinh tế, độc đáo mang đậm nét văn hóa của người Tày, Nùng. Nhà sàn nào cũng vậy, dưới gầm sạch sẽ, có vài nhà chứa rượu của bản, dễ đến vài trăm cái chum da lươn nâu bóng mang mầu của thời gian, mỗi chum chứa hàng trăm lít. Là tài sản chung của bản, giống như ở đây toàn bộ dân bản ăn “chung một nồi, tiêu chung một túi tiền”, chứ không phải riêng của một cá nhân nào. Trong không gian thoáng đãng, tôi cố hít thở nhưng không thấy cái thoang thoảng của bỗng rượu như những nơi chứa rượu khác.
Bên dưới gầm nhà sàn của người Lào thường để cái cối giã gạo và nhiều vât dụng khác, ở doanh trại những hôm nghỉ mà nghỉ hiếm lắm cả tuần chỉ có buổi chiều chủ nhật, tôi vào bản Noongkuang cách chừng ba cây số để giao tiếp với bằng tiếng Lào với dân bản. Tôi quen ở đó một gia đình, nhà có hai chị em rất xinh. Cô chị tên là sao Tằn chừng mười tám, đôi mươi còn cô em là sao Chan tuổi chừng mười bốn, mười lăm. Cả hai chị em người mảnh mai, khuôn mặt trái xoan, có đôi mắt như biết cười và có làn da trắng là một điều hiếm thấy bởi người Lào ngay từ khi còn bé họ đã phải đi làm na (ruộng). Tôi lúc thì giúp cô chị giã gạo, khi thì ngồi chỉ bảo cho cô em làm toán ngay dưới nhà sàn. Ít khi gặp phò, me (bố, mẹ) của họ bởi ông, bà đi làm na cách cả chục cây số. Cả hai chị em đều quý mến bộ đội Việt Nam. Chỉ tiếc là sau bốn năm tôi rời đất Lào và cho đến tận bây giờ tôi cũng không có thông tin về họ.
Đến bản làng Thái Hải gặp mọi người ở đây có cuộc sống mộc mạc, hồn hậu với sắc phục áo chàm luôn tươi cười chào hỏi khách làm tôi càng nhớ đến người dân Lào chất phác ở bản Noongkuang.
Một tuần ở Thái Hải được tận hưởng dư vị thiên nhiên thoáng đãng, thấy cộng đồng người của năm dân tộc anh em sống chung ở đây mộc mạc, thật thà, thấm đẫm tình người dành cho nhau thật đáng trân trọng. Lòng đã thầm mong sẽ có ngày trở lại…
Chúng tôi những mong ngày trở lại nơi đây...
Tháng 9/2023.
TTUT.BsCKI Lê Lợi
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn