"Năm Thìn nói chuyện Rồng" - TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:48 10/02/2024 Lượt xem: 112
------------------------
 
NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG
Hoàng Văn Kính

 
       Theo lịch âm, năm 2024 là năm Giáp Thìn, năm cầm tinh con Rồng, chi thứ 5 trong 12 con giáp. Rồng còn được gọi là Long, trong kinh phật là một trong tám bộ Thiên Long. Ở cả phương Đông và phương Tây Rồng là biểu tượng cho loài linh vật huyền thoại, cũng bởi vậy mà ngày nay nhiều gia đình có sở thích trưng bầy tượng Long Phụng hy vọng mang lại nhiều điều may mắn, thành công, tài lộc và hạnh phúc viên mãn. Cũng chính vì thế mà những đứa trẻ được sinh ra trong năm Thìn bao giờ cũng là niềm vui khôn tả, là kỳ vọng của gia đình và cả dòng tộc.
       Huyền bí và linh thiêng, rồng được sinh ra theo trí tưởng tượng của con người. Từ ngàn xưa rồng đã xuất hiện trong đời sống tâm linh, hiện diện trong các huyền sử, huyền thoại, truyền thuyết, ca dao tục ngữ, tích chuyện dân gian… Rồng có nhiều loại: Rồng có cánh gọi là Ứng Long. Rồng có sừng là Cù Long. Rồng không sừng là Ly Long. Rồng có vảy  là Giao Long. Rồng sống được 500 tuổi thì có sừng, sống được 1.000 tuổi thì có cánh, chưa biết bay gọi là Bàn Long. Một con rồng chuẩn thân phải mang mình rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hưu, mắt tôm hùm, bụng con sò, gang bàn chân của hổ, vuốt móng của chim ưng, mũi bờm đuôi của sư tử. Được coi là một trong những con giáp hùng mạnh nhất, nên người ta cũng quan niệm những người mang tuổi rồng thường cao thượng, quảng đại, vị tha, thông minh và có tài làm quan, dễ tạo ảnh hưởng với bạn bè, thường là trung tâm gây chú ý trong cộng đồng.
       Đứng đầu bộ tứ: Long, Ly, Quy, Phượng. Rồng là linh vật cao quí tượng trưng cho Vua Chúa, cho sự sang trọng và quyền uy. Dưới các triều đại phong kiến, Vua Chúa luôn tự xem mình là Rồng. Là biểu hiện của chân mệnh thiên tử, trên long bào của vua được thêu 9 con Rồng thể hiện quyền uy của bậc “cửu ngũ chí tôn”. Cái gì dính dáng đến vua đều được tôn xưng bằng chữ Long ( Rồng ). Mặt vua được gọi là Long nhan, ghế vua ngồi là Long ỷ, áo vua mặc là Long bào, giường vua nằm là Long sàng, cơ thể vua là Long thể, cái bụng bầu vua tạo ra cho hoàng hậu hay đám phi tần thì gọi là Long thai, Long chủng… Cũng bởi cái uy và sự sùng bái nên nhiều danh từ được gán thêm chữ Rồng như: Múa rồng, cây xương rồng, cây lưỡi rồng, đậu rồng, cá rồng rồng .. hoặc “duyên cỡi rồng” để ám chỉ các cô gái lành gặp được chồng tốt. Người ta cũng thích dùng chữ Long-Rồng  để đặt tên cho các công trình, các địa danh như: Hàm Rồng, Hàm Long, Long Hải, sông Cửu Long, thành Thăng Long, Long Biên, Vịnh Hạ-Long, Bình Long, Phước Long, Long Thành, Long Khánh, Long Hải, Long Bình, Long An, Long Hồ, Long Mỹ, Thới Long, Vĩnh Long, Long Xuyên vv...
       Rồng còn được khắc, chạm công phu ở những nơi trang nghiêm như bàn thờ gia tiên, đình, chùa, miếu, đền… trong các cung điện nhà Vua, ở các kiến trúc văn hóa, công viên công cộng,  nơi vui chơi giải trí. Từ lâu đời người Việt luôn coi Rồng là vị thần linh, là chủ của nguồn nước mang lại sự tốt tươi cho mùa màng, cuộc sống ấm no cho muôn nhà.
       Trong văn học Rồng cũng là một hình tượng không thể thiếu và được nhắc đến nhiều như: "Rồng bay phượng múa"  ám chỉ những nét chữ viết lả lơi, bay lượn có tính thẩm mỹ cao hoặc trong thuyết giảng đến lúc hùng hồn, trong ca múa nhạc có những cử chỉ bay bổng, lả lướt . "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" là ám chỉ những người ăn nhiều, nói năng huyên thuyên thao thao bất tuyệt, nhưng khi làm thì đùn đẩy, lười biếng. Đón khách đến thăm chủ nhà hay nói câu "Rồng đến nhà tôm" để thay cho lời chào và ám chỉ sự trân trọng của gia chủ. Đúc rút từ kinh nghiệm làm ruộng ca dao có câu: "Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa”, "Rồng nằm bể cạn phơi râu, mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi” là lời nhắc nhở mỗi người hãy sống chân thực, đừng có dối trá, lèo lái điêu toa.
       Theo truyền thuyết: Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai, sau đó mẹ Âu cơ mang 50 người con xuống biển, cha Lạc Long Quân mang 50 con lên núi. Những người con tỏa đi khắp nơi và trở thành tổ tiên của người Bách Việt (  là người Việt ngày nay ). Con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua đất Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Qua 18 đời trị vì nối tiếp nhau được gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.
                             Dù ai đi ngược về xuôi
                Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba 
    Câu chuyện dẫn dắt mỗi chúng ta về với cội nguồn xa xưa của người Việt cổ, qua đó in sâu vào tiềm thức mỗi người một niềm tin: Đã là người Việt Nam dù ở đâu, làm gì, lớn bé hay già trẻ đều chung một giống nòi,  chung một nguồn cuội. Các giá trị cốt lõi của dân tộc se được chân quý một cách bền vững đó là lòng tự hào, sự tri ân và biết ơn tổ tiên, ông cha ta đã tạo ra hình hài đất nước. Là tình yêu thương, sự gắn kết giữa những người “ đồng bào” cùng sinh ra từ bọc trăm trứng rồng tiên. Là ý thức về đất nước mình vừa có rừng, có biển cùng những tài nguyên và không gian sống mà con người phải luôn biết quý trọng, bảo vệ và gìn giữ.
       Ý thức được điều đó nên người Việt Nam từ xa xưa đã biết chân quý và luôn coi trọng nghĩa đồng bào, tình làng nghĩa xóm
                             Bầu ơi thương lấy bí cùng
            Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
       Tự hào là dòng giống Lạc Hồng. Bước sanh năm Giáp Thìn năm của con Rồng chúng ta hãy đoàn kết, nhân ái, yêu thương giúp đỡ nhau, tổ chức cuộc sống gia đình và xã hội thật hài hòa để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc xứng danh là “Con Rồng Cháu Tiên”.


Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn

 

tin tức liên quan