Con dâu - Truyện ngắn của Lê Hứa Huyền Trân

Ngày đăng: 04:52 08/03/2024 Lượt xem: 90
CON DÂU
 
Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

            Ngày mợ bước chân vào nhà tôi, tôi vẫn hay nghĩ tại sao một người phụ nữ xinh đẹp như mợ lại chấp nhận lấy cậu. Tuy là cháu nhưng tôi biết cậu là một người đàn ông khó chịu, thường sa vào những trận nhậu nhẹt không hồi kết và về đập phá đồ đạc trong nhà. Cậu có rất nhiều điều tiếng xấu, và mợ cũng không phải là người mợ đầu tiên của tôi. Không chỉ thế, cậu dường như chỉ là một phần lí do tôi nói vậy, bà ngoại mới chính là người phụ nữ khó chịu nhất tôi từng gặp. Ngoại tuy là phụ nữ nhưng lại là chủ gia đình, một tay ngoại gầy dựng nên sự lớn mạnh của dòng họ tôi ở quê, tuy ngoại ngày càng lớn tuổi nhưng vẫn vô cùng minh mẫn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều phải thông qua ngoại. Người lớn trong nhà nghe lời ngoại răm rắp, và ngoại cũng với cương vị chủ gia đình cũng là người phụ nữ vô cùng nghiêm khắc và khó chịu.
            Ngày mợ được rước về nhà, ngoại ngồi trên tấm phản to để giữa nhà, người lớn trong nhà ngồi rải rác xung quanh. Ngay khi thấy mợ bước qua bục cửa cao, dáng vẻ đoan trang và bờ vai nhỏ xíu ấy chợt run bần bật, thay vì một lời nhẹ nhàng ngoại chỉ ngước lên nói giọng đầy lạnh lùng:
            - Trông tôi đáng sợ đến vậy sao?
            Mọi người im bặt, dường như ngay cả thở cũng không dám. Ngay cả tôi cũng chỉ biết nép mình một góc, giống như mọi người, cố gắng thu mình lại đến mức không tồn tại để khỏi phải vô tình hứng chịu “cơn đạn lạc” nào đó từ ngoại. Mợ ngẩng đôi mắt ươn ướt lên nhìn qua cậu như tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng đổi lại chỉ là sự thờ ơ lạnh nhạt. Và dường như cũng ý thức được mọi lời giải thích chỉ là vô nghĩa, mợ nói thật khẽ:
            - Con xin lỗi mẹ.
            Nghe qua thì có vẻ ngoại hơi phong kiến nhưng thực ra với cương vị chủ gia đình thì ngoại cần phải hà khắc để chỉnh đốn một gia đình lớn. Ngoại cũng không có tư tưởng là trọng nam khinh nữ, sau khi lấy mợ về, ngoại vẫn để mợ tiếp tục việc học lên thạc sĩ vì biết thành tích học tập của mợ rất tốt. Về hôn nhân của cậu và mợ, tôi chỉ được nghe người lớn loáng thoáng nói với nhau về việc gia đình mợ thiếu nợ... Mợ nhỏ hơn cậu dễ đến gần mười lăm tuổi, và trong suốt khoảng thời gian bảy năm sau đó hai người sống chung, dường như mỗi ngày tôi chưa bao giờ thấy hai người nói với nhau quá mười câu mỗi ngày. Sau khi học xong thạc sĩ, mợ đi dạy tại trường, cậu vẫn tiếp tục với những công việc làm nông, hai thế giới dường như không va chạm vào nhau và cũng không có tiếng nói chung để mà chia sẻ. Thậm chí họa hoằn lắm những ngày nói với nhau nhiều hơn mười câu lại là những lúc cậu nhậu say về, xấu tính đánh đập chửi mắng mợ.
            Tôi dường như là người bạn thân duy nhất của mợ vì chúng tôi chênh lệch chỉ vài tuổi và cũng vì sau này khi tôi vào đại học lại học đúng chuyên ngành của mợ nên mợ thường giúp tôi giảng giải những vấn đề tôi không hiểu. Ngoại ở trong sảnh lớn của căn nhà gỗ to ở quê, căn nhà rất lớn nhưng chỉ có ngoại, hai vợ chồng cậu và tôi cùng một số người làm ở. Ngoại chia đất ra thành nhiều phần, chia cho các gia đình con cháu, quây quần ở xung quanh nhưng ngoại nhất quyết chia đất rõ ra chứ không cho chung sân với nhà ngoại. Ba mẹ tôi mất trong một tai nạn nên tôi được ngoại nuôi từ nhỏ, còn cậu là con út trong nhà và vì theo như tôi biết ngoại nói cậu lớn nhưng “chưa trưởng thành” nên ngoại mới giữ cậu lại bên cạnh.
            Những năm đầu khi ngoại còn minh mẫn thì mọi thứ trong nhà vẫn đi đúng đường của nó. Người lớn sợ ngoại một phép, vì thế gần như mọi việc lớn nhỏ trong nhà ngoại nắm cả, không ai dám trái ý. Nhưng khi tuổi tác ngày một lớn ngoại bắt đầu trở nên trái tính, nếu trước kia có khó thì cũng có lý, sau dần vô lý khiến ai cũng muốn tránh xa. Duy chỉ có mợ, người con gái trẻ ấy vẫn một mực làm đủ phận dâu con trong nhà.
  • Ngoại vừa la tìm mợ đấy, ngoại nói sáng nay mợ không mua đồ ăn sáng
cho ngoại.
Tôi vốn biết công việc mỗi sáng của mợ là dậy từ rất sớm, không nấu ăn sáng
thì cũng sẽ mua đồ ăn cho ngoại, chu toàn mọi việc trước khi đến trường dạy. Nhưng khi ngoại bắt đầu quên dần mọi thứ, tính khó lên, ngoại luôn tìm mọi lí do để bắt bẻ mợ và những người xung quanh. Tôi đã gần như bắt gặp hình ảnh mợ thường xuyên chạy đôn chạy đáo từ trường về nhà ngày mấy bận chỉ để lo cho ngoại vì gần như không ai chịu được ngoại và cũng vì mợ thực sự lo cho ngoại.
            Ít năm sau, khi ngoại bắt đầu không đủ sức quán xuyến mọi việc trong nhà nữa, cậu cả bắt đầu đứng ra dành quyền quản lí. Lúc này, các dì cậu tranh giành nhau từng thửa đất, đấu đá, gièm pha, chỉ sau ít năm gần như những thứ vốn là “tài sản của ngoại” chỉ còn độc cái nhà lớn ngoại đang ở. Thế nhưng, ngay cả nơi ấy cũng bị người lớn để mắt đến, chỉ chực chờ khi ngoại nằm xuống là tranh giành, ngày nào tôi cũng nghe các người lớn bảo ngoại lập di chúc, người này người kia lại quan tâm ngoại sau từng ấy năm bỏ bê.
            Năm ấy, cậu tôi mất, mợ ở tuổi hơn ba mươi một chút đã thành góa bụa. Người con gái ấy dẫu đã qua xuân thì vẫn là đóa hoa khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp mặn mà và đức hạnh. Cái đức hạnh vốn được xây nên từ việc chăm sóc một người như ngoại tôi suốt những năm tháng dài đằng đẵng khi không ai chịu nổi. Cũng có rất nhiều người đến hỏi mợ, dẫu mợ đã qua một đời chồng nhưng mợ luôn dùng cách khéo léo để từ chối cả. Năm mợ ba lăm tuổi, tôi cũng bắt đầu xa nhà học và ở lại trên phố để làm, họa hoằn lắm mới về quê. Mỗi khi về khi nhìn gương mặt của người phụ nữ dường như bị thời gian lãng quên ấy tôi lại thấy có phần tiếc nuối. Khi còn rất trẻ đã về làm dâu nhà cậu, vừa bước qua xuân thì chồng đã mất mà còn phải một mình chăm lo mẹ chồng khó tính. Nhiều lần, tôi khuyên mợ:
  • Hay mợ đi bước nữa? Điều kiện của mợ vẫn rất tốt, mợ ở một mình như
này con lo lắm.
  • Bậy bạ cái miệng hà, mợ còn ngoại con mà.
Tôi biết mợ mồ côi từ sớm nên mợ thực sự đã xem ngoại như mẹ của mình
ngay từ những ngày đầu về làm dâu dù ngoại rất khó. Suốt những năm về làm dâu dù ngoại hà khắc như thế nào, dù bị các dì cậu điều tiếng vì nghĩ mợ cố tình lo cho ngoại để dành mảnh đất cuối cùng thì dì cũng không hề hé răng nửa lời. Những năm sau đó, ngoại tôi bị bệnh tuổi già, sức khỏe yếu hẳn, mợ tất bật hơn chăm lo từng chút. Sau đó, ngoại nằm liệt giường, mợ xin nghỉ làm một thời gian dài chỉ để lo cho bà, sống nhờ từng chút bằng tiền mợ để dành không dám tiêu xài.
            Ngày ngoại mất, cháu con đủ cả. Chỉ có mợ đứng một góc thật xa như cái cách người lớn đối xử với người ngoài. Lạ thay, dù yếu ớt nhưng ngoại như dùng chút sức tàn vẫy mợ vào, mợ ngồi bên giường nắm chặt tay ngoại, ngoại thều thào:
  • Gả vào cái nhà này là thiệt con rồi. Bao năm qua cũng không bao giờ lên
tiếng oán than, chồng mất sớm cũng không rời xa vì vướng bận mẹ. Lại không đòi hỏi gì. Tâm nguyện cuối cùng của mẹ là con có thể tìm được hạnh phúc mới, mẹ cũng không có món quà gì cho con cả.
           Ngoại dúi vào tay mợ một cuốn sổ và dường như ai cũng biết đó là gì, mợ chỉ biết khóc…
***
            Tôi về dự đám cưới mợ ít năm sau đó, mợ vẫn chịu tang ngoại tôi đúng ba năm mới đi bước nữa. Chồng mới của mợ cũng là thầy giáo cùng trường, tôi nghe được cũng rất tốt. Ngày mợ cưới tôi nhìn thấy nụ cười hiếm hoi của mợ, tôi hi vọng người mang nụ cười ấy có thể được hạnh phúc suốt cuộc đời, dù hạnh phúc ấy có thể là quá muộn…
 
 
 

tin tức liên quan