"Tiếng đàn thương nhớ" - Truyện thơ của Hoàng Đại Nhân (Tiếp theo và hết)

Ngày đăng: 12:18 22/03/2024 Lượt xem: 23

Truyện thơ:
TIẾNG ĐÀN THƯƠNG NHỚ 
Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Hữu Đạt,
đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 1031, tháng 02 năm 2024.

(Kỳ 2) 
(Tiếp theo và hết)
...
Một lúc sau, khi lời ca vừa dứt
Dũng rất lanh, chủ động hỏi ngay Huỳnh:
- Sao ông thích bài ca này đến vậy?
Bài ca này từ ngoài Bắc, nha ông
 
Viên sĩ quan ngồi ngả người trên ghế
Hắn trả lời: “Bởi nơi ấy quê tôi”
Dũng tròn mắt: “Ông là người miền Bắc?”
- “Tôi ở Vĩnh Sơn nhưng biệt xứ lâu rồi”
 
Ông có biết, người đệm đàn bài hát
Là chính tôi, trong một buổi liên hoan
Còn người hát- người tôi yêu, sắp cưới
Cớ sao ông có đĩa hát trên bàn?
 
Huỳnh nói thẳng: “Cái chuyện này đâu khó
Khi “Chương trình địch vận” của các ông
Phát trên đài thì bên tôi ghi lại
Chuyện giản đơn, chả đáng phải bận lòng”
 
Vài ngày sau, chúng kêu anh lên tiếp
Không hỏi cung mà nhờ chuyện dạy đàn
Cho bé Duyên- cô bé mười lăm tuổi
Nơi học đàn cũng gần với trại giam
 
Các bạn tù, ban đầu coi thấy lạ
Họ rất nghi là Dũng đã chiêu hồi
Sao an phận dạy đàn con đại úy?
Sau, thấy rằng anh chỉ dạy đàn thôi
 
Thời gian tập luyện đàn qua mấy tháng
Thấy bé Duyên quá mê mẩn đàn bầu
Mê thầy dạy, rồi mở lòng quyến rũ
Dũng vững vàng, chẳng lay chuyển được đâu
 
Rất kinh nghiệm, là sĩ quan tâm lí
Huỳnh nhận ra con gái đã xiêu lòng
Nếu “chiêu hồi” được một tên Việt Cộng
Thì hiển nhiên hắn cũng lập chiến công
 
Huỳnh yêu cầu Dũng và con gái hắn
Cùng tham gia diễn văn nghệ liên hoan
Không thể cưỡng nên Dũng đành chấp thuận
Bài “Xa khơi”, Duyên và Dũng cùng đàn
 
Huỳnh cho người ghi âm và chụp ảnh
Cảnh Dũng, Duyên cùng biểu diễn đánh đàn
Rồi chúng in truyền đơn và các báo
Coi đây là một “công trạng vẻ vang”.

Năm bảy ba (1973) Hiệp định vừa ký kết
Là tù binh, đợt một Dũng được trao
Sau thời gian được dưỡng thương, chữa bệnh
Dũng về quê, niềm hạnh phúc dâng trào
 
Ban Chính trị mời Dũng lên làm rõ
Tấm ảnh anh cùng cô gái trong đêm
Trên những truyền đơn và trên báo địch
Hai người đàn phục vụ lính ngụy xem
 
Anh trung thực báo cáo rành sự việc
Rồi bao người nhân chứng sống còn đây
Mọi nghi vấn được họ tường trình tỏ
Dũng được minh oan làm rõ việc này
 
Dũng nhanh chân khoác ba lô trở lại
Nơi đóng quân xưa mong gặp lại Hồng
Anh tưởng tượng Hồng sững sờ lao tới
Ôm lấy anh. Nhưng sự thật là… không
 
Khi anh mới bước vô khu tập thể
Của giáo viên trong giờ nghỉ, ăn trưa
Hồng hét lên: “Cút đi, đồ phản bội”
Em lao ra trong ào ạt gió mưa
 
Rồi Dũng vội, phải sớm về đơn vị
Lại hành quân kịp theo hướng chiến trường.
Ngày non sông vui khúc ca thống nhất
Dũng lại về Tân Mỹ kiếm người thương
 
Dũng tê tái, nghe tin như sét đánh:
“Hồng lấy chồng, cùng về xứ Nghệ An”
Lòng hụt hẫng, thôi cũng đành chấp nhận
Lại xốc ba lô lên biên giới vội vàng.
*
* *
Buổi gặp ấy, Duyên hết lòng mời Dũng
Ra thành Vinh dự văn nghệ cùng cô
Duyên lên hát, Dũng đánh đàn hòa nhịp
“Câu hò…” xưa…, bài hay đến bất ngờ.
 
Lời ca dứt, Hồng bước lên sân khấu
Tặng đóa hoa đã làm Dũng sững sờ
Rồi trân trọng, Hồng mời Duyên và Dũng
Ghé nhà chơi, vui với vợ chồng cô
 
Bác sĩ Dũng an nhiên ngồi trò chuyện
Anh chân tình: “Mình chẳng trách cứ ai
Cuộc đời anh, cứu người là bổn phận
Nhưng TIẾNG ĐÀN THƯƠNG NHỚ chẳng hề phai”.



(Ảnh minh họa)

Thủ Đức - TP HCM, 16/3/2024
Hoàng Đại Nhân
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
tin tức liên quan