"Dáng thon Kinh Bắc" Qua thơ Nguyễn Hữu Quý. Cảm nhận của Nguyễn Phương Anh

Ngày đăng: 07:43 28/03/2024 Lượt xem: 331


“DÁNG THON KINH BẮC” QUA THƠ NGUYỄN HỮU QUÝ
 
BẮC GIANG
 
Bắc Giang, anh yêu cái nhấp nhô
của đồi núi sau dáng thon Kinh Bắc
gió cũng như anh mượn sông Cầu để gặp
mắt lá răm sau canh hát Thổ Hà
 
Giá được sông Thương phải lòng để thương người lạ
lại rất quen trong quan họ dùng dằng
Bắc Giang ấy là em đằng đẵng
nỗi nhớ trong anh một thập kỷ đi - về
 
Anh từ Trường Sơn ra Phượng Hoàng không bể
lắng nghe lưng trời tiếng sóng Trúc Lâm
đất không bão chữ Nôm vào mộc bản
vằng vặc trăng khuya soi tĩnh mịch mái chùa
 
Nói làm sao rượu mềm môi lửa
em làng Vân mây ghé chiếu la đà
cạn chén bắt tay chạm vào men lá
quên đường về, nhớ níu náu Bắc Giang
 
Thôi, thì cứ dập dìu bè bạn
cứ là em đâu đó...hình dung
sông Thương chảy đôi dòng mưa nắng
vẫn một bóng hình năm tháng đợi người lên... 

Nguyễn Hữu Quý
  
 ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN CỦA NGUYỄN PHƯƠNG ANH


Chân dung tác giả 
       Đọc “Bắc Giang” thơ của Nguyễn Hữu Quý, ta như thấy cái men say của rượu làng Vân trong từng hơi thở. Cái men say tình của người đang yêu. Cuốn ta đi, từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng để rồi ta ngẩn ngơ sau ba dấu chấm lửng ở cuối bài. Nhà thơ đang yêu chăng? Này, một “dáng thon Kinh Bắc” mà chứa cả trời đất Bắc Giang, cả núi sông, cả hồn văn hóa, cả những trầm tích lịch sử của mảnh đất tứ trấn tự ngàn xưa.
       Hai câu đầu tiên ta đã gặp ngay một vẻ đẹp thật dịu dàng của vệt quê quan họ:
“Bắc Giang, anh yêu cái nhấp nhô
của đồi núi sau dáng thon Kinh Bắc”
       Nhà thơ say cái “dáng thon”, hẳn là “dáng thon Kinh Bắc” nhé. Tự ngàn xưa cho đến nay, lần đầu tiên ta gặp Nguyễn Hữu Quý đưa cái “dáng thon” lên thành tên gọi, mà tên gọi “dáng thon Kinh Bắc” rất riêng ấy mới duyên dáng, mới thắm đượm làm sao.
       Không biết Nhà thơ say một tà áo mớ bảy mớ ba, hay say cái “nhấp nhô” của miền thượng xứ Bắc này, hay là say mà Nhà thơ không phân định được, khi cái dáng ong kia của người quan họ cứ lẫn vào đồi núi, vào sông nước Trung du.
       Chẳng ai “khôn” như nhà thơ. Anh lấy cớ có “gió” cũng như mình, mượn “sông Cầu” để gặp cái niềm si mê ấy. Con sông Cầu “nước chảy lơ thơ”(1), con sông nuôi dưỡng những mạch nguồn câu ca Kinh Bắc, con sông gắn liền với những làn điệu dân ca “khuôn vàng thước ngọc” của liền anh, liền chị mà Bắc Giang nằm trên triền bắc của dòng sông quan họ ấy.
       Có lẽ phút giây này đã định hình rõ hơn. Ấy là con mắt lá răm” kia. Mà lại là con “mắt lá răm” sau “canh hát” của làng Thổ Hà. Thế thì “chết người” lắm. Cái con mắt lúng liếng trao tình những đêm trăng Quan họ giữa độ giêng hai. Chẳng biết tình yêu nào đưa đường dẫn lối để Nhà thơ tinh tường thế, bởi “canh hát Thổ Hà” được xếp vào một trong những canh  hát Quan họ cổ độc đáo đến mức có thể xem là “độc nhất vô nhị”. Trai Thổ Hà chuyên nghề thổ, mộc. Gốm Thổ Hà nổi tiếng muôn phương. Gái Thổ Hà trồng dâu nuôi tằm, khăn đen mỏ quạ, thắt đáy lưng ong. Chả thế mà trên đình Thổ Hà các nghệ nhân đã khắc chạm vô vàn hình ảnh “tiên nữ Thổ Hà”. Đẹp từ vóc dáng, mái tóc, đuôi mày lại còn í a quan họ nữa, hỏi sao mà biết bao trai tráng mọi miền, trong đó có nhà thơ Nguyễn Hữu Quý của chúng ta không đắm say cho được. Nên là khéo lắm, tinh tế lắm:
“gió cũng như anh mượn sông Cầu để gặp
mắt lá răm sau canh hát Thổ Hà”.
       Chẳng dừng ở sông Cầu, người lại “vơ” tiếp ”sông Thương” vào cái ”phải lòng” của mình. Là sông “Thương” nhé. Cái dòng sông bên đục bên trong để biết bao người thương nhớ, để là cội nguồn cho những cảm hứng vô bờ của tao nhân mặc khách, trên những bến Chia Ly(2), những khúc sông nước chảy đôi dòng Nhật Đức(2). Con sông êm đềm ai chẳng biết tên, “quen” lắm đấy nhưng cũng là “lạ” với khách thập phương. Lạ sông hay lạ người chưa quen biết mà đã muốn tỏ, để rồi có lẽ Nhà thơ dùng lối chơi chữ, mượn tên con sông mà thổ lộ nỗi niềm khi người cứ “dùng dằng” bởi câu quan họ:
“Giá được sông Thương phải lòng để thương người lạ
lại rất quen trong quan họ dùng dằng”
       Cái ý tứ, cái tế nhị, cái xa xôi dồn nén lại. Nhà thơ không kìm được lòng mình nữa và đến lúc này anh phải bật lên:
“Bắc Giang ấy là em đằng đẵng
nỗi nhớ trong anh một thập kỷ đi - về”
       Nhà thơ thú nhận tiếp, và ta bàng hoàng trước cái tình của anh với Bắc Giang:
“Anh từ Trường Sơn ra Phượng Hoàng không bể
lắng nghe lưng trời tiếng sóng Trúc Lâm”.
       Dãy Trường Sơn là xương sống của nước Việt. Vậy anh từ Trường Sơn ra, hay anh cũng chính là hồn trai đất Việt. Đến với đất Bắc Giang “không bể”, lên đỉnh Phượng Hoàng nằm trong dãy núi Nham Biền, nơi có chín mươi chín ngọn thiêng non xanh quấn quýt. Ấy thế mà giữa “lưng trời” anh nghe “tiếng sóng Trúc Lâm”. Có lẽ nhà thơ nghe được từ tiếng chuông của chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà chăng? Cái âm vang sông núi vọng về như “sóng” của tư tưởng thiền phái Trúc Lâm đậm đà bản sắc dân tộc, có sức lan tỏa thật mạnh mẽ mấy trăm năm nay, hành đạo đến đời, đưa đạo giúp đời. Yêu người hay yêu Bắc Giang đến độ nào, mà Nhà thơ hiểu rõ mảnh “đất không bão” này đến thế, hiểu lịch sử Bắc  Giang đến thế. Để biết rằng trong những ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi, chứa đựng những dấu tích lịch sử quý giá của non sông, được công nhận là “di sản tư liệu ký ức thế giới”(3). Trong đó có bộ mộc bản gốc, duy nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm kia, mà cái sự hiểu chỉ gói vỏn vẹn trong có tám chữ:
“đất không bão chữ Nôm vào mộc bản”.
       Cái hồn thiêng của những dấu tích ấy lắng lại sau những thăng trầm của dân tộc, im lìm đứng trong không gian cổ kính rêu phong của những ngôi chùa danh lam cổ tự trên đất Bắc Giang. Mà trong không gian “tĩnh mịch” của thiền phái Trúc Lâm hôm nay, Nhà thơ còn nghe ngân vang bài thơ “Nguyệt” của Trần Nhân Tông:
“vằng vặc trăng khuya soi tĩnh mịch mái chùa”.
       Mới hay, yêu Bắc Giang hay yêu con người nơi ấy, sẽ hiểu thêm về mảnh đất này nhiều lắm. Để rồi cái hồn Nhà thơ cứ “níu náu” lại, để người muốn tỏ lòng lắm mà lại “nói làm sao” khi rượu “làng Vân” cứ “mềm môi lửa”. Cái “môi lửa” chắc là nồng cháy lắm. Nồng cháy cùng “em làng Vân” khi “mây ghé chiếu la đà”. Lối chơi chữ “Vân – mây, mây – Vân” đủ cho ta thấy cái sự chuếnh choáng đến mức nào, mà thấy cả đất trời sà xuống, thấy mây bay qua chén tửu khi Nhà thơ uống rượu. Để mà khi trở về, khi bắt tay vẫn cố tình “chạm vào men lá” “quên đường về”:
“Nói làm sao rượu mềm môi lửa
em làng Vân mây ghé chiếu la đà
cạn chén bắt tay chạm vào men lá
quên đường về, nhớ níu náu Bắc Giang”.
       Chẳng hiểu Nhà thơ đậu bến nào ở Kinh Bắc Bắc Giang, để mà toàn bài thơ là trọn cái đẹp, cái hồn của người, của cảnh, của nắng mưa, của dập dìu quan họ. Say người hay say đất. Thật là quấn quýt, đan xen khó mà phân biệt. Để rồi đọc xong, ta cũng thấy đắm đuối với một Bắc Giang xanh núi mây trời, một Bắc Giang trữ tình trong nét văn hóa riêng biệt, để rồi ta cũng muốn về nơi ấy mà “Thương”, mà “đợi”, mà mong:
“Thôi, thì cứ dập dìu bè bạn
cứ là em đâu đó...hình dung
sông Thương chảy đôi dòng mưa nắng
vẫn một bóng hình năm tháng đợi người lên...”
       Mượn một bài thơ tình, hay mượn một bóng hình đã vương vấn để viết nên bài thơ chỉ có năm khổ, mà chứa đựng hết cả những địa danh sông núi nổi tiếng, đến những trầm tích lịch sử, rồi cái hồn văn hóa đậm đà miền Kinh Bắc, những vẻ đẹp của làng nghề truyền thống, những dấu thiêng lịch sử Bắc Giang. Cái bút pháp điêu luyện, nhiều ẩn dụ với những ngôn từ chắt lọc, tinh túy ấy, cho thấy chắc không bởi chỉ mình Nhà thơ yêu Bắc Giang, mà tin rằng Bắc Giang cũng yêu nhà thơ lắm lắm.
 
ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN HỮU QUÝ:

       Đại tá - Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý là một người con của đất Quảng Bình, sinh năm 1956. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã đạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó nổi bật là tác phẩm "Khát vọng Trường Sơn" đạt giải nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 (cuộc thi không có giải nhất). Anh đã ba lần đạt giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra anh còn đạt các giải thưởng văn học của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn, các giải thưởng viết cho thiếu nhi... Đến nay, anh đã xuất bản trên 20 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ và 4 trường ca…
       Gần đây - Trong một chuyến đi thực tế theo lời mời của Báo Bắc Giang. Ngoài việc tác nghiệp để mang lại cho địa phương này những tác phẩm Văn học Nghệ thuật đặc sắc vùng miền và cũng rất đặc biệt… Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý đã “tranh thủ” đơm neo vào mình và vào mảnh đất này một “Dáng thon”…  
        Vâng – Cái “Dáng thon” ấy nó đã cho tôi cảm xúc để bộc lộ đôi dòng cảm nhận này.


Nguyễn Phương Anh 
Bút danh: Khuê Anh
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

E-mail: 
phuonganh617@gmail.com

* Chú thích:
(1): Dân ca quan họ.
(2): bến Chia Ly, Nhật Đức: địa danh và tên gọi cổ của sông Thương.
(3): Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012.

 


 

tin tức liên quan