SÔNG QUÊ CHẢY NHỮNG MÙA HOA DẠI
Tản văn Nguyễn Hữu Quý
Bên những cánh đồng van vát miền Trung, gập ghềnh các con sông đổ mau ra biển Việt. Chẳng kể hết có bao nhiêu oa oa đã cất lên từ đó, rồi những lẫm chẫm trong gió lào nắng lửa, những i tờ líu lo dưới mái tranh nghèo, nhón bước ra đi và bấm chân trở lại, nụ cười trong bóng nón, cái hôn đầu tiên nóng lịm tâm hồn…Sông. Đời sông. Người. Đời người. Ngỡ khác biệt mà sao đồng điệu vậy. Dòng chảy nào cũng mang trong đó những biến dịch, quanh co; bấy nhiêu khúc đận thăng trầm trải nghiệm đậm phai. Đầy vơi và sấp ngửa. Chao ôi, sông có khúc, người có lúc, mà…
Đến bây giờ, tôi còn yêu những man mác trong dấu vết của quá khứ. Chẳng biết như thế là già hay trẻ. Đi tới bao nhiêu vùng đất, khỏa nước bao nhiêu dòng chảy rồi cuối cùng lại trở về soi mặt vào sông quê và thầm thỉ với mùa hoa dại của thời chưa được yêu em. Sông là ai? Hoa dại là ai? Tôi, một chiều vu vơ hỏi. Sông cười lấp lánh. Hoa cười rung rinh. Cơn gió ký ức bay qua lăn tăn sóng. Cơn gió ký ức bay qua những nụ cành. Tôi lạc vào xưa cũ và hoang vu. Bờ sông dịu nắng. Cát cũng ngày xưa. Ơ kìa! Xuyến chi. Cỏ may. Tứ quý…Bao nhiêu là mênh mang và bé dại.
Cuộc đối thoại với sông quê, tôi đã từng. Chỉ là nhắc lại thôi, sông nhé! Cũng như người thuộc về nhau vậy, nói bao nhiêu lần chữ “Yêu” nghĩ vẫn không thừa. Phận nghèo chỉ có chữ Yêu/ Không mua, không bán, càng tiêu, càng đầy. Tình yêu và cuộc đời đã cho tôi câu thơ ấy…Sông à, đời sông, ngỡ mông lung mơ hồ nhưng cũng thật cụ thể. Đó là cuộc chuyển động một chiều mang những kích thước, tốc độ khác nhau, có giới hạn và không giới hạn. Đôi bờ cũng chỉ là một quy ước tạm thời đối với dòng chảy tự do thôi. Sông bao nhiêu nước cho vừa. Tức nước vỡ bờ luôn là một ẩn dụ về thế thái nhân tình. Với sông, đời giản dị hơn rất nhiều, chảy, chảy và chảy trong sự đầy vơi hay cạn kiệt bởi mưa nắng của đất trời, đồng hành với lớp lớp phận người chìm nổi theo dòng lịch sử.
Đời sông như đời mẹ chắt chiu, tảo tần bồi đắp, kết tụ phù sa, lặng lẽ làm nên cánh đồng thẳng cách cò bay, bờ xôi ruộng mật, vựa vườn sum suê cây trái. Ân nghĩa sông, ân nghĩa mẹ, thiết nghĩ nói bao nhiêu cũng không hết. Sông ơi, có sông sẽ có bến. Cây đa, bến nước, con đò. Mạn nắng ban mai, vệt trăng khuya khoắt. Những dấu chân đi và về; chia ly và đoàn tụ. Đất nước này chiến tranh nối chiến tranh. Đã từng như thế, mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, em tiễn anh ra trận. Những cuộc chiến kéo dài đằng đẵng, bến nào cũng bến chia ly, bến nào cũng bến không chồng. Bởi, "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Đời sông mặn mòi nước mắt Việt...
Tôi từng nói với em, sông thật lớn lao và sông cũng bé bỏng lắm khi sông chảy bên mỗi mùa hoa dại. Chẳng nghi ngờ gì nữa, sông mang phẩm tính thi nhân, chăm chút và lãng mạn. Chăm chút bằng phù sa dung dưỡng và lãng mạn bởi ánh xạ sóng và lang thang gió. Hoa dại mọc đôi bờ là phần ký ức hồn nhiên của tuổi thơ, cũng là đắm đuối hay tiếc nuối của tuổi vào đời. Những chặng đời trong trẻo nhất có lẽ đều miên man hoa dại. Cũng là hoa dại đấy nhưng chả hiểu sao khi các bạn ấy chọn bờ sông để cư trú thì lại có cái gì đó thật nên thơ. Sông làm cho hoa nên thơ hay hoa làm cho sông trữ tình hơn nhỉ? Có lẽ đừng nên hỏi câu đó làm gì, bởi sông yêu hoa và hoa cũng yêu sông. Chỉ cần yêu nhau đã là vĩ đại. Càng bình dị bao nhiêu càng vĩ đại bấy nhiêu bởi nó được bảo hiểm bằng tình yêu. Chỉ có tình yêu mới cứu rỗi được thế giới này.
Em đã theo chồng và tôi…Về quê, chiều nay tha thẩn ra sông. Một mình. Sông dường như không rộng rãi quá như thời mình con nít. Gió từ đâu tới mà mang mang nhiều hoài niệm vậy. Hoa vẫn là hoa của thế kỷ trước. Hay xa xăm hơn nữa, hoa là cổ tích buồn còn lưu lại bên sông. Em là xuyến chi…Tôi nghe rõ thầm thì từ những bông hoa ba cánh, hay năm cánh bé xinh trắng dịu bao quanh đài nhụy màu vàng. Hoa xuyến chi như những chiếc cúc áo đính trên cuống dài có lá đơn mọc rất cân đối. Cô bé láng giềng của tôi thời nhỏ rất thích hoa xuyến chi. Em hay rủ tôi ra bờ sông chơi với xuyến chi. Tôi còn nhớ những hạt hoa nhỏ bám vào áo em, tóc em. Em cười, búi tóc đuôi gà ngúng nguẩy trông ngồ ngộ. Khi làn áo mỏng của em nhú lên đôi núm chũm cau trên ngực thì tôi đã biết câu chuyện xa xưa về hoa xuyến chi. Tôi kể cho em nghe sự tích về loài hoa này…Ngày xưa có một cô gái hát rất hay nhưng nhan sắc kém cỏi. Bao nhiêu chàng trai mê giọng hát mượt mà của nàng nhưng chưa có ai ngỏ lời yêu thương cả. Một ngày kia, có chàng lữ khách qua sông nghe tiếng hát của cô bèn dừng lại. Sau đó, chàng trai đem lòng yêu cô gái. Tưởng rằng, tình yêu đẹp đẽ đã đến và sẽ ở lại mãi mãi với mình, cô gái hết lòng chăm chút cho người tình. Giọng hát của cô càng nồng nàn hơn khi có chàng bên cạnh. Nào ngờ, vào một ngày mùa xuân ấm áp, chàng trai bỏ nhà ra đi. Một ngày, hai ngày và lâu lắm chẳng trở lại. Cô gái chờ, chờ mãi với hy vọng người yêu sẽ trở về. Nỗi buồn và sự vô vọng đã làm cho cô gục xuống nơi hai người lần đầu gặp nhau. Dòng sông nức nở bên thi thể cô gái xấu số. Nơi cô gái ngã xuống mọc lên loài hoa có những cánh trắng ôm lấy nhụy vàng. Hoa có những hạt nhỏ hay bám áo quần của người qua đường. Người ta gọi loại hoa ấy là xuyến chi. Em khóc. “Chỉ là câu chuyện ngày xưa thôi mà”, tôi dỗ dành lâu lâu em mới nín. Những giọt nước mắt trong trẻo đọng trên gương mặt trái xoan có lúm đồng tiền. Sau này, tôi cứ ân hận mãi, sao mình lại gieo vào em nỗi buồn sớm vậy. Nỗi buồn xuyến chi, nỗi buồn sông, nỗi buồn tuổi thơ…biết bao giờ mới vơi cạn.
Bên sông còn có những vạt cỏ may. Cái màu tím bàng bạc của muôn vàn nhánh hoa cỏ may bé xíu mà sắc nhọn vẫn thường dẫn đưa ta về nẻo cũ. Cỏ may chưa hết găm chi chít lên gấu quần khi ta lội qua dĩ vãng. Tôi bồi hồi mường tượng lại khoảng hoang vắng miên man trên đầu ngọn cỏ may. Những khoảng lặng mơ hồ nhưng rất quấn quýt và vô cùng khó gỡ khỏi ký ức của ta. Những khoảng lặng lan tỏa và dâng ngợp như khi ta xa cách người thương. Loanh quanh thế nào rồi cũng khứ hồi tuổi thơ. Con tàu gió dằng dặc lại đưa tôi về với em. Ven sông, cỏ may lợp mái nhà thơ ấu chở che đôi “vợ chồng” bé nhỏ trong trò chơi đáng kể nhất cuộc đời. Tuổi chín, mười chỉ biết lấy cỏ may khâu túi một gang đựng những đồng tiền lá mít có mệnh giá vô cùng. Em đã dùng đồng tiền ấy mua về cho tôi miền tuổi thơ mát lành…
Tôi đã đuổi theo cỏ mặt trời trên lăn tăn cát giữa những khóm hoa tứ quý có năm cánh hồng thắm. Hoa này, có tên khác là dừa cạn nhưng quê tôi vẫn thường gọi tứ quý. Có lẽ vì hoa nở suốt bốn mùa trên cát bất chấp nắng lửa, mưa dầm. Tôi coi tứ quý là tứ thơ giản dị của cát. Những chấm hồng tươi rung rinh trên toan trắng là cát trong bức tranh tuyệt đẹp bên sông. Lòng tôi rung rinh theo những cánh hoa ấy khi nghe lưng trời vọng xuống tiếng chim chiền chiền hót. Âm thanh và màu sắc trộn hòa vào nhau trong cái tổng phổ bao la được định danh miền sông. Nhớ. Lại nhớ mùi nắng trên tóc em. Nắng tinh khôi mà tôi được thẩm thấu khi bắt kịp em trong giấc mơ đầy hoa tứ quý. Hổn hển và ríu rít trong miền sông quê xa lắc, xa lơ. Cặp chũm cau e thẹn cũng đã lớn rồi, con sông trở thành thiếu nữ trong vẻo trong veo. Sông trở thành ẩn dụ của khát khao, bỗng nhiên muốn tức nước vỡ bờ và hoa trở thành những cánh buồm nhấp nhô trên sóng.
Những con chữ đang trôi theo sông, theo hoa. Tôi thấy mình trẻ lại. Em đừng cười nhé. Vu vơ kéo em vào hồi ức. Tự dưng là thế hay đương nhiên phải thế, cũng không rõ lắm. Chỉ biết rằng, nhớ sông, nhớ những mùa hoa dại ven bờ là nhớ em. Quay quắt nhớ như thời trai trẻ ấy. Sông chảy. Hoa nở. Tự nhiên thế chứ có khôn dại gì đâu nhỉ. Đời sông. Đời hoa. Dài. Ngắn.Tự nhiên trôi theo dòng thời gian bất tận. Tôi nghĩ, cả sông và hoa đều không vô giác, vô tri. Thực thể nào cũng mang những cảm thức vũ trụ cả. Cái rộng dài và cái bé bỏng đều mang lại cho con người những cảm xúc lâu bền. Đất nước, quê nhà có một phần trong đó. Và nghĩ sâu xa hơn, trong đó luôn ẩn chứa minh triết tồn tại của vạn vật. Đó là sự bình dị. Bình dị để quên mình đi cho dễ thoát ra khỏi lòng tham. Tôi nghĩ, con người ta bớt khôn đi chắc cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Sống như cách thiên nhiên đã sống, đang sống, sẽ sống chắc nhẹ nhàng hơn nhiều. Sống như ta là một phần của sông nước, đất đai, cây cỏ…Sống để có cơ hội luân hồi trong yêu thương vô tận!