Đôi dòng chia sẻ của tác giả:
Ngày ấy tháng 10 năm 1972: chúng tôi những chàng trai “Sức dài vai rộng” bị “Cối xay thịt” Quảng Trị vần vũ, quăng quật…thừa sống, thiếu chết, được đưa về điều trị ở Quân y viện 112, Quảng Ninh, Quảng Bình. Tại đây chúng tôi đã gặp đoàn chiến binh toàn là…con gái. Các em – những phụ nữ anh hùng, tuổi đời 18 đôi mươi… vô tư đi vào “Cối xay thịt” thay thế các anh. Hình ảnh đó khiến lòng tôi bâng khuâng, thổn thức mãi tới bây giờ.
Tại đây tôi đã viết bài thơ CUỘC CHIA TAY MẦU LỬA, để nhớ về những năm tháng hào hùng đó của dân tộc ta, nhớ về thế hệ phụ nữ anh hùng của chúng ta. Các em gái tươi xinh, rực rỡ như bông hoa rừng ấy đã sớm xa mẹ, xa cha… đầm mình trong cuộc chiến, liệu ai còn, ai mất, các em ơi!?
CUỘC CHIA TAY MẦU LỬA
(Yêu quý tặng Lê Thị Kim Liên
và các nữ chiến binh HT: 830120 TQ90)
Dính mảnh bom thù thôi đành ra Bắc
Miền Trung yêu thương dằng dặc ân tình
Một chiều khói bom xạm đất Quảng Bình
Gặp đoàn chiến binh toàn là…con gái
Nhốn nháo nói cười các em xin…ngủ lại
Lán Thương binh ngắn ngủi mấy ngày
Căn hầm rung lên…ăm ắp tiếng cười
Vui quá nơi đây toàn nhà lính cả
Một ngày lính - một ngày kì lạ
Một đêm hầm - hai võng…chạm vào đâu?!
Khúc khích, nhỏ, to, chẳng dấu gì nhau:
“Kì Thư nhà em đất nghèo xơ xác
Gái làng em quê mùa, “lười nhác”
Học hết Mười là vô lính Trường Sơn(!)”
Chuyện về quê hương suốt sáng, thâu đêm
Nhớ nhà muốn nghe à ơi…bé khóc
Em không ngủ đêm chia tay thao thức
Mai xa rồi kẻ Bắc, người Nam…
Em thơ ngây, em hồn nhiên, ồn ào sức sống
Phút chia tay sao không nói một lời?
Lặng lẽ trao nhau…hơi ấm, nụ cười
Yêu thương. Đậm đà. Tha thiết
Ơi bàn tay em nhỏ xinh, dịu mát
Vẫn rụt rè trong trái tim anh
Chúng mình chia tay một sớm bình minh
Biển hồng hào, em tươi xinh, rực rỡ
Pháo địch đỏ trời. Cuộc chia tay mầu lửa
Các em đi về phía có quân thù…
Ghi ở hầm Quân Y Viện 112
Chiều 16 Tháng 10 năm 1972
Phạm Đăng Kiểm
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Bắc Ninh