BÀI THƠ “LỠ” CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG VÀ CẢM NHẬN CỦA NGUYỄN PHƯƠNG ANH
LỠ
(Thơ tặng tuổi thơ, NXB Kim Đồng, 2022)
Bố hứa bắt cho con con Ve
Ve chưa kịp bắt đã qua hè
Mùa sau, con lớn, chơi trò khác
Bố một mình, bên cây, lắng nghe.
Vũ Quần Phương
Lỡ là một bài thơ tứ tuyệt hiện đại, một thể thơ ngắn.
Tiêu đề như đã gieo vào lòng người đọc một cảm xúc tiếc nuối.
Bài thơ kể lại câu chuyện về lời hứa bắt ve cho con của người bố. Mùa hè ấy người bố đã không kịp làm, và có lẽ ông đinh ninh đến mùa sau sẽ thực hiện được. Nhưng quay một vòng tuần hoàn đến mùa sau thì đứa trẻ đã không còn muốn chơi trò đó nữa, con ve dường như không còn hiện hữu trong thế giới của nó và ông đã không còn cơ hội thực hiện lời hứa của mình.
Đây là bài thơ khai thác một yếu tố tâm lý của con người. Việc bắt con ve là một việc rất nhỏ, nên thường ta nghĩ làm lúc nào cũng được, nhưng rồi người ta quên đi, đến lúc nhớ ra thì thời điểm đó qua rồi và cái nhu cầu đó đã không còn nữa. Ở đây là lời hứa của một việc nhỏ, nên khi không thực hiện được cũng chẳng ai nỡ trách ông bố không giữ lời hứa. Cái đứa trẻ rồi nó cũng quên đi. Bản năng tự nhiên của nó sẽ có những ham muốn mới, những khám phá mới và nó không còn nhớ tới chuyện đó nữa. Nhưng thực ra trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ đã có một lần bị tổn thương, bởi vì nó đợi mãi mà không thấy bố bắt ve cho mình. Đến một lúc nào đó đứa trẻ không cần nữa, rồi nó nghĩ rằng lời hứa của bố nó cũng chẳng phải là cái gì quan trọng. Như vậy là tự nhiên ông bố làm mất đi sự tín nhiệm, làm mất cái cái chữ thiêng liêng của những lời mình nói trong cuộc đời.
Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ thật gần gũi, cả bài thơ như những lời trò chuyện hàng ngày trong cuộc sống. Trong nhịp chữ bình dị ấy, làm sao để có thể chuyển nó thành một bài thơ và truyền tải được thông điệp là một điều rất khó, nhất là với thể thơ ngắn.
Mở đầu bằng hai câu thuần là câu kể, câu tả. Câu đầu có hai nhân vật là bố và con. Mặc dù vậy, ta như thấy hai bố con đang trò chuyện và cậu bé ngước nhìn bố với đôi mắt sáng đầy chờ đợi:
Bố hứa bắt cho con con Ve
Câu thứ hai đã manh nha cho chúng ta biết về một “sự cố”.
Ve chưa kịp bắt đã qua hè
Đây chính là sự cố mà ông bố đã để tuột mất thời điểm thực hiện.
Câu thứ ba cũng là câu kể. Nhưng ta để ý bắt đầu có sự ngắt nhịp ở đây:
Mùa sau, con lớn, chơi trò khác
Với nhịp chậm rãi 2/ 2/ 3, ta nhận thấy có sự trầm ngâm trong lòng người bố, sự thay đổi của câu chuyện, ta cũng thấy cả sự hồn nhiên của đứa trẻ dù không xuất hiện. Người bố đứng đó với cái điều mà ông đã không ngờ tới, đó là trò chơi năm trước đứa con rất thích thì giờ đây nó đã không còn đoái hoài đến nữa. Sự suy tưởng do câu thơ mang lại càng tăng lên bởi chỉ có mình nhân vật bố đứng đó.
Và câu kết:
Bố một mình, bên cây, lắng nghe.
Đây cũng là một câu kể, câu tả với những ngôn từ rất bình dị hàng ngày. Nhưng chỉ với hai từ chốt là lắng nghe, tác giả đã lật một cách ngoạn mục toàn bộ dòng theo dõi của chúng ta thành một bài thơ hay và ngay lập tức mang đến một hình ảnh vô cùng gợi. Nó làm cho ta liên tưởng tới cái sự nghe của tác giả. Ở đây tác giả lắng nghe cái gì? Theo mạch tả thực của bài thơ, có lẽ người bố đang lắng nghe tiếng ve bởi ông ra đứng bên cái cây năm trước để bắt ve cho con. Nhưng người con đã chạy đi chơi trò khác cùng lũ bạn, nên không chỉ đơn thuần là lắng nghe tiếng ve mà ông còn lắng nghe những điều gì nữa? Với nhịp 3/ 2/ 2 chậm rãi hơn câu trước, ta cũng thấy như mình đang trầm ngâm cùng người bố. Lúc này ông nói rõ, hay ông thú nhận chỉ có một mình. Ông ở đó lắng nghe thiên nhiên, lắng nghe tâm hồn đứa trẻ. Chỉ có mình ông với tiếng ve, chỉ có mình ông đứng tiếc nuối điều đã không thực hiện được với con. Và có thể trong cuộc đời mình, cứ một mùa nào có tiếng ve chợt vang lên là ông lại nhớ đến câu chuyện lỡ hẹn này. Ngay cả khi đứa con đã năm mươi, sáu mươi tuổi rồi có thể ông vẫn còn nhớ đến điều đó.
Cái tài tình của bài thơ chính ở hai từ kết. Ta thử tưởng tượng nếu thay bằng hai từ khác, giả như: “Bố một mình, bên cây, buồn bã”. Thế thì nó chỉ tả được mỗi tâm trạng mà thôi. Nhưng hai từ lắng nghe không chỉ tả mà nó còn gợi. Ta như nghe thấy tiếng nhạc. Tiếng nhạc ở đây cũng chính là tiếng ve, tiếng của con ve mà bố đã hứa bắt cho con từ mùa trước. Lại cũng chính là lắng nghe lời hứa đã tuột mất của mình vang lên như một khúc nhạc buồn. Rồi lắng nghe tiếng nói trong trẻo hồn nhiên của đứa trẻ. Một sự lắng nghe đầy tiếc nuối. Cái tiếc nuối chìm vào nỗi ân hận không nói ra nhưng thấm thía biết nhường nào. Cái tiếc nuối ngân lên trong tiếng ve. Tiếng ve vẫn còn đấy, vẫn ở đây, nhưng cái mong muốn của đứa con đã chạy theo phương trời khác. Vì thế, người cha chỉ còn biết đứng một mình bên gốc cây năm xưa với nỗi day dứt không kịp mang đến cho con mình niềm vui để nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ của nó. Và thế là tưởng như rất đơn giản, nhưng chỉ một lần Lỡ là không bao giờ còn cơ hội thực hiện nữa. Mà điều này nhà thơ đã nói đùa với tôi khi trò chuyện về bài thơ: “một lần lỡ là phải đợi sang kiếp sau”.
Bài thơ chỉ nói về một câu chuyện nhỏ, câu chuyện của con trẻ nhưng nó gợi cho ta bao điều suy tưởng ẩn phía sau. Những điều vẫn thường hay xảy ra đâu đây, quanh ta và trong chính chúng ta. Nó giúp cho tác giả, giúp cho bạn đọc suy nghĩ kỹ hơn, sống kỹ hơn, trân trọng hơn những điều nhỏ bé để không bị tuột mất một câu chuyện đẹp, một bức tranh đẹp, một giấc mơ đẹp.
Bài thơ ngắn mà dung dị nên ý nghĩa của nó dễ đi vào lòng người. Tác giả viết cho con trẻ nhưng lại cũng viết cho cả người lớn.
Và, cho đến phút cuối này, tôi phải thú nhận rằng tôi đã khóc không chỉ một lần khi đọc bài Lỡ của nhà thơ Vũ Quần Phương.
Hà Nội, hè 2023
Nguyễn Phương Anh
Bút danh: KHUÊ ANH
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
E-mail : phuonganh617@gmail.com