Bài thơ “Em tắm” của Bạc Văn Ùi và lời bình của Thạc sỹ Lê Sử, Giảng viên Trường Đại học Vinh

Ngày đăng: 09:04 27/05/2024 Lượt xem: 64
Bài thơ “Em tắm” của Bạc Văn Ùi
và lời bình của Thạc sỹ Lê Sử, Giảng viên Trường Đại học Vinh

 
EM TẮM

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha

Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương

Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả

Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương

Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường.


(Bài thơ được in trên Báo Độc Lập năm 1957 bằng cả tiếng dân tộc Thái và tiếng quốc ngữ. Bài thơ được xếp vào tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX do Hội nhà văn tổ chức bình chọn năm 2005)

LỜI BÌNH CỦA THẠC SỸ LÊ SỬ

       Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, dân tộc Thái, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi. Đây quả đúng là một thi phẩm rất độc đáo và hiện đại.
        Bài thơ đã vẽ lên bức tranh khoả thân của cô gái Mường đang tắm giữa suối rừng bằng ngôn từ nghệ thuật: Da của em ngần trắng- Da của mẹ của cha… Nó gợi ta nhớ tới những câu thơ bất hủ của Nguyễn Du thể hiện vẻ đẹp của Thuý Kiều lúc nàng tắm:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
        Hay là những vần thơ táo bạo của Hồ Xuân Hương vẽ lên bức tranh “thiếu nữ ngủ ngày”:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào để trễ dưới lưng ong
Đôi gò bồng đảo gương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông…
        Nhưng đâu là sự khác nhau giữa thơ Bạc Văn Ùi với những câu thơ cùng đề tài, chúng ta vừa dẫn. Thuý Kiều hay cô thiếu nữ trong thơ Hồ Xân Hương đều là những đối tượng bị quan sát từ bên ngoài, họ không thể biết mình đang trở thành một đối tượng được thể hiện, một người mẫu cho hoạ sĩ, nếu theo cách hiểu hiện đại. Còn trong bài thơ của Bạc Văn Ùi cô gái tự cảm nhận, tự nói về vẻ đẹp của mình. Nó làm cho bức tranh thơ kia mang vẻ đẹp thuần khiết. Hơn nữa, tâm điểm chú ý của độc giả không phải là ở bức tranh mà là vẻ đẹp tâm hồn, là cái đặc biệt trong cách nói của cô gái miền núi về chính bản thân.
        Tuy nhiên, nếu tự nói về vẻ đẹp của mình lúc đang tắm thì hoá ra thiếu tế nhị. Ở đây, cô gái nói trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là lời nói với chồng hay là người yêu, những lời chỉ nói riêng với nhau nghe thôi, chứ không phải ở chỗ đông người. Những lời vợ chồng nói với nhau trong khoảnh khắc riêng tư. Và chỉ trong văn cảnh như thế người ta mới có một ngôn ngữ riêng, một giọng riêng. Giọng cô gái trong bài thơ này là cái giọng đặc biệt như thế. Cũng vì thế cô gái giữ được ngữ khí tự nhiên, bộc lộ đúng vẻ đẹp bản chất của mình. Đấy trước hết là vẻ đẹp thân thể:
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha
Và cô đặc biệt chú ý đến đôi tay:
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
        Có thể hiểu đấy là đôi bàn tay lao động cần cù, vất vả. Đôi bàn tay ấy gắn bó mật thiết với rừng để làm nên sự sống. Ở đây, các câu thơ Da của mẹ, của cha và Tay của rừng của núi - Tay của đất của nương; đều cùng hình thức diễn đạt. Hoá ra, em không những chỉ là sản phẩm của mẹ cha mà còn là sản phẩm của cả núi rừng. Cho nên, khi em tắm xon
Vẫn ngát thơm hoa rừng
        Em là bông hoa đẹp nhất của núi rừng, là đoá hoa đang toả ngát hương thơm bên suối.
        Cho nên cả núi rừng như nâng niu em:
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
        Và tất cả vẻ đẹp của em là thuộc về anh, nhiệm vụ của anh là phải “canh giữ”, “chớ để Tây đến Mường”. Bài thơ đột ngột chuyển hướng một cách bất ngờ, đang trong không khí riêng tư nhất bổng chuyển sang việc đánh Tây, giữ Mường; nhưng trên thực tế thì nó liên quan rất mật thiết với nhau. Cái ý vị của bức tranh thơ này là bên cạnh cô gái tắm suối giữa rừng trong bầu không khí bình yên là anh thanh niên đang bồng súng canh giữ kẻ thù bảo vệ quê hương. Đây là một ý thơ độc đáo và cũng là điểm khác biệt giữa bài thơ của Bạc Văn Ùi với tất cả những bài thơ khác cùng đề tài.

 
Th.s Lê Sử
Giảng viên Khoa Ngữ văn- Đại học Vinh

tin tức liên quan