Nguyễn Xuân Điềm -Đôi điều cảm nghĩ về tập 9 thơ “Trường Sơn-một thời để nhớ” của Câu lạc bộ Thơ Trường Sơn huyện Thạch Thất năm 2024

Ngày đăng: 09:18 29/05/2024 Lượt xem: 72
       “Tại buổi giới thiệu tập thơ đã có 2 bài phát biểu của các hội viên Câu lạc bộ, rất ấn tượng khi nghe hội viên Nguyễn Xuân Điềm (tuổi 85) trình bày cảm nghĩ của mình về tập thơ mới - “ Trường Sơn - một thời để nhớ” tập 9 – Với 4 trang viết không hẳn chỉ là cảm nghĩ mà có thể coi đây là một áng “phê bình Văn học”, hội viên Nguyễn Xuân Điềm đã đưa mọi người nhìn thấy cái diện mạo mới, cái hồn và cái đặc biệt của “ Trường Sơn - một thời để nhớ” tập 9”.
       Ban Biên tập Trường Sơn

 
 
ĐÔI ĐIỀU CẢM NGHĨ VỀ TẬP THƠ 9 “ TRƯỜNG SƠN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ”
(Lời phát biểu cảm nghĩ của tác giả Nguyễn Xuân Điềm, hội viên Câu lạc bộ Thơ Trường Sơn huyện Thạch Thất. Trong buổi giới thiệu tập thơ mới - “ Trường Sơn - một thời để nhớ” tập 9 của Câu lạc bộ Thơ Trường Sơn huyện Thạch Thất.)
 
       Cầm tập thơ dày 232 trang của nhà xuất bản Hội Nhà văn với 177 bài thơ của 21 tác giả, toàn là những cựu chiến sỹ Trường sơn huyện Thạch Thất, mà lòng bồi hồi xúc động. Tập thơ đã phản ánh ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường, của các chiến sỹ bảo vệ tuyến đường Lịch sử. Trường Sơn chi viện cho miền Nam, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, để làm nên kỳ tich huyền thoại là thống nhất Đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà với ngày đại thắng 30 tháng 4 năm 1975. Tập thơ còn phản ánh tâm tình của các tác giả, khi đã trở về với cuộc sống đời thường.
       Trường Sơn là một dải núi chạy dài, suốt từ miền Bắc Việt nam, qua miền Trung “núi choài ra Biển”, biên giới tự nhiên với Lào, chạy tới Tây Nguyên giáp Căm-Pu-chia, tới miền Tây Nam bộ. Không tỉ mỉ cụ thể như những trang văn, hình ảnh Trường sơn chỉ là những câu thơ mang tính khái quát “Trường Sơn mây Trắng mịt mù”, “gió vào xoa mắt đắng” với các địa danh nổi tiếng như đèo “Phu li nhích”, “Ngầm TaLê”, “cua Tay Áo”...
       Đồng chí Nguyễn Sơn Hải-người có công rất lớn, trong việc ra đời tập thơ thứ 9 này, thì Trường Sơn hiện lên trong tháng 3-tháng giao mùa, giữa mùa khô và mùa mưa với hinh ảnh :
 “Nắng thì khô bụi, mưa tuôn nát đường
  Công binh nhiệm vụ đảm đương”
       Trường sơn trong thơ ông còn neo vào lòng độc giả, vị đắng của các loại măng trong bữa ăn thường nhật:
Anh ơi măng củ em đào
Măng giang, măng nứa, măng vàu Trường Sơn”.
       Thơ ông như phảng phất dư vị của bài ca dao cổ, viết về cuộc sống của người lính thú năm xưa:
“Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa, lấy ai bạn cùng.”
       Nhưng ông hơn hẳn người lính thú năm xưa, là ông đã tìm được người bạn đời yêu quý, vừa là bạn chiến đấu, người đồng ngũ, đồng nhiệm. Tức là bà Phạm Thị An hiện nay. Bà là người của quê hương 5 tấn Thái Bình. Nếu như ngày xưa, thời kháng chiến chống Pháp, người nữ du kích Thái Bình hiện lên với hình ảnh:
Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn 
Hễ ai hỏi chuyện chồng con
Lắc đầu nguây nguẩy : em còn đánh Tây”
       Thì thời chống Mỹ, người nữ chiến sỹ Thái Bình....đã tìm được người bạn đời: ông Nguyễn Sơn Hải người con trai Xứ Đoài “Đất sỏi, đá ong”. Bà là lớp sau của “Chị em du kích Thái Bình”. Có khác chăng là chị em du kích Thái Bình xưa thì”Ca lô đội lệch”; còn bà-nữ chiến sĩ Trường Sơn thời chống Mỹ- đội mũ tai bèo, duyên dáng mà kiên cường, mạnh mẽ.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, ông bà đã nên duyên cầm sắt. Bà đã tìm được bến đậu cuộc đời mình, là xóm Chùa Chuông xã Hương Ngải, Xứ Đoài.
       Với tác giả Đỗ Thị Toan thì Trường Sơn hiện lên với hình ảnh:
Mây vờn qua lưng đèo
Trèo leo lên dốc đá
Đêm hành quân vất vả
Sương pha lẫn mồ hôi”
       Thơ 5 tiếng tả thực, như hiện lên cuộc hành quân, cảnh một đơn vị lính Trường sơn, quả thật là gian nan. Có thể nói hình ảnh Trường Sơn, trong tập thơ này, chỉ có vài nét chấm phá. Còn chủ yếu là nét sinh hoạt, là tình cảm của các cựu chiến sĩ chúng ta, là tình cảm gia đình, tình đồng ngũ thời hậu chiến. bởi vì cuộc sống chiến đấu ở Trường Sơn, đã lùi xa 49 năm rồi ! Các cựu chiến sĩ Trường Sơn chúng ta, đã nên ông nên bà, không ít đồng chí đã lên chức Cụ, với hình ảnh “Râu phơ, tóc bạc”. Về phục viên xuất ngũ, cựu chiến sĩ Trường Sơn chúng ta, lại gặp nhau trong những ngày Kỷ niệm, trong Hội thơ ca. Đồng chí Khuất Duy Ất đã viết:
“Nào ai được biết hôm nay
Còn ngồi uống rượu gọi mày gọi tao
Mà nghe thân thiết ngọt ngào
Vẫn như thuở ấy đẹp sao chữ Tình”
       Không còn hỏi nhau giàu nghèo vinh nhục, chỉ còn biết:
Ơn trời phù hộ cho mình gặp nhau
Cao niên như thể là giàu
Cầu mong đến hẹn năm sau đủ đầy” !
       Chữ “Tình” trong Hội cựu chiến sĩ Trường Sơn huyện ta, sao mà ấm áp, mà đẹp đẽ, mà lung linh đến thế !
       Do phân bố lại địa hình, một vài bản người Mường của tỉnh Hòa Bình, sáp nhập vào huyện Thạch Thất chúng ta, nên có thêm một số cựu chiến sĩ Trường Sơn người Mường, tham gia Câu lạc bộ thơ, có bài trong tập thơ này, làm cho tập thơ có thêm một số giọng điệu mới. Đồng chí Bùi Thu Thung trong bài “Nét đẹp quê tôi” có đoạn:
"Tiến Xuân nét đẹp quê tôi
Bà Sơn sừng sững núi đồi bao la
Thác Mơ nước chảy hiền hòa
Suối Tiên uốn lượn đậm đà yêu thương
       Phong cảnh một bản Mường-xã Tiến Xuân được tác giả miêu tả với những địa danh: Bà Sơn thì “sừng sững núi đồi”,Thác Mơ thì “Nước chảy hiền hòa”, Suối Tiên thì “Uốn lượn”, đâu có kém cảnh Ao Vua của Ba Vì !
       Đó là nét đẹp thiên nhiên của một xã miền núi. nhưng đẹp hơn là nét đep của tình cảm gia đình, tình chị em. Đồng chí Bùi Thu Thung có người em là Liệt sĩ. Đồng chí cùng gia đình đi đón hài cốt người em trai về quê Mẹ. Bài thơ tự sự mà cảm động với nhan đề:
Đón em về quê Mẹ
Hạnh ơi! nằm ở nơi nao
Nơi em yên nghỉ lối vào ở đâu? 
Đến đây lòng xót, dạ cầu
Đây rồi ngôi mộ đứng đầu hàng ba
Nghiêm trang khúc “Tiến Quân ca”
Đón em về tại quê nhà “Hạnh ơi”!
Để hồn em được thảnh thơi
Để hồn em được thăm chơi mọi nhà.
       Ngôn từ điêu luyện, âm điệu lục bát mượt mà, tình cảm chân thành cảm động như lời thơ của một người Kinh làm thơ lục bát lão luyện, làm cho độc giả càng thấm thía tình cảm chị em ruột thịt.
       Trong tập thơ này, chúng ta được đọc 24 bài thơ của tác giả Ngọc Thăng-một trong hai tác giả có số lượng nhiều bài thơ nhất trong tập thơ. Hầu như các bài thơ của ông đều viết theo thơ Dân tộc; khi lục bát, khi song thất lục bát. Ta bắt gặp một tâm hồn lãng tử, một giọng thơ đa tình trong thơ Ngọc Thăng. Sự độc đáo trong thơ Ngọc Thăng là lối chơi chữ “Khoán thủ y đề”. Ông đã tách từng chữ trong tiêu đề của bài thơ thành chữ đầu tiên của cả một đoạn thơ. Bài thơ có 4 đoạn và đoạn cuối cùng 4 chữ lại là 4 chữ đầu tiên của 4 câu thơ kết.
       Tiêu đề của bài thơ “Mùa Thu nhớ Bác”có 4 từ, được diễn đạt 4 đoạn thơ, mỗi đoạn thơ có một chữ của đề bài thơ.
       Đặc biệt tâm hồn đa tình, lãng tử của ông, biểu hiện trong hai bài thơ “Bến không chồng”. Cảm thông chia sẻ hay xót thương? Tùy độc giả cảm nhận. Trong bài “Về Thạch Thất cùng Anh”, ông Ngọc Thăng đã thay đổi giọng thơ: nhịp điệu khỏe khoắn, mang âm hưởng của “Thơ mới”. Với câu thơ 8 tiếng và 7 đoạn, ông đã giới thiệu được nét văn hóa đặc sắc, quê hương ông là “múa rối làng Cầu”. Và chỉ với câu thơ “Mùa hoa cà nở rộ giữa tháng ba”, người đọc hiểu được ông đã khéo léo giới thiệu ngày Lễ Hội Chùa Tây Phương với câu ca dao “Ăn cơm với cà đi Hội Chùa tây”.
       Nét văn hóa ẩm thực cũng được ông giới thiệu:
“Bánh chè Lam ngọt đường phên bỏng nếp
Bánh đa vừng cùng nhau nhai tóp tép
Quạt lá đề chóp chép vị bánh đa”
       Người đọc như được sống lại thời thơ ấu, khi Mẹ đi chợ về, mua cho chút quà quê, từ chiếc bánh đa vừng và miếng chè lam ngọt lịm đầu lưỡi.
       Đặc sắc nhất là chúng ta được đọc bài thơ “Cảm xúc về Mẹ”, của tác giả Đỗ Thị Toan:
Nhớ những ngày Đông sang giá lạnh
Áo tơi choàng lựa tránh gió lùa
Khăn choàng một mảnh sớm trưa
Mẹ tôi gánh cả bốn mùa gió sương”
       Sự đối lập tương phản của “khăn choàng một mảnh”, mà gánh được cả “Bốn mùa gió sương”, hình ảnh Mẹ của tác giả, hiện lên vừa bình dị, vừa Anh hùng. Cái thực và cái ảo của nghệ thuật ngôn từ, được tác giả thể hiện, vừa độc đáo, vừa sành điệu.
       Với 177 bài thơ của 21 tác giả, là các cựu chiến sĩ Trường Sơn, bài này mới chỉ giới thiệu được vài nét, về cuộc sống chiến đấu, với những hy sinh thầm lặng, của các cựu chiến sĩ Trường Sơn huyện Thạch Thất chúng ta, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và trong cuộc sống đời thường, thời hậu chiến ngày nay, với bao bộn bề lo toan. Còn nhiều bài hay, người viết bài này, chưa thể giới thiệu hết được.
           Thành thật mong sự lượng thứ của các đồng đội và độc giả!

Hương Ngải ngày 22 tháng 5 năm 2024
Nguyễn Xuân Điềm (tuổi 85)

tin tức liên quan