Nơi cửa rừng - Truyện ký: Nguyễn Thanh Duyên

Ngày đăng: 04:28 01/06/2024 Lượt xem: 60
      NƠI CỬA RỪNG
                                                                                                                                  Truyện ký

       Chính ngẩng đầu nhìn trời qua mịt mùng tán lá, trời đã về chiều. Buổi trưa vượt qua con suối nhỏ lũ đổ về bất ngờ làm ướt ba lô trong đó đựng điện thoại, đồng hồ với bộ quần áo dự phòng. Muôn ngàn tán lá xanh đen đại ngàn che không thấy trời đâu, theo kinh nghiệm anh khẳng định lúc này khoảng bốn giờ chiều, nhìn vào mênh mang rừng đang dần tối sẫm mà tính: Từ đây đi ra đường mòn về xóm Bống cũng phải ba tiếng đồng hồ, thế thì không kịp rồi, đành ở lại rừng thôi! Ở lại mai tìm theo dấu tích đôi vọoc quần đùi trắng thả vào rừng đợt trước, một con có tín hiệu bị thương, có lẽ phải trợ giúp nó. Hai con vọoc này đã gắn bó với anh trong khu bán hoang dã cả hơn năm trời, nhớ ngày đầu mới được đưa về trung tâm chúng không hề biết kiếm tìm thức ăn và rất gần gũi với con người, hẳn nó đã sinh ra từ một vườn cảnh, đã quá lệ thuộc và mất đi bản năng loài vọoc trong thiên nhiên. Nhiệm vụ của Chính cũng như toàn anh em trong trung tâm là dần đưa chúng trở lại thích nghi với cuộc sống hoang dã trong thiên nhiên và trả chúng về với thiên nhiên.
        Trèo lên một chạc cây lớn, anh bắc hai tay làm loa hú vài hồi lớn, nếu anh em nào ở gần có thể nghe thấy cũng là cách "đánh dấu địa bàn" như "cư dân" đại ngàn. Chỉ có tiếng rừng u u dội về, không có đồng đội, phải nhanh chóng tìm chỗ trú qua đêm. Sau một hồi Chính tìm ra được chòi đi tuần ở địa bàn C6, rừng đã sập tối. Anh mở cửa chòi trèo lên sàn, nan ken bằng tre nứa đã khô ải, mái lá lợp tàu núng náng, tàu dừa  xỉn nâu lia xia cọng rủ. Mặt sàn thoảng mùi hôi nồng từ dưới bốc lên, có lẽ một hai con khỉ nào đó đã vào dạo chơi ở dưới chòi. Ngó ra khoảng rừng đen trước mặt tối mịt mù nhưng xa tít kia có hai đốm sáng xanh nhỏ như hạt đỗ, căng mắt  nhìn kĩ Chính thấy vài đốm sáng nữa, có tiếng khẹc khẹc vọng lại. " Đúng là bọn khỉ ấy đã vào tá túc nhà ta, biết đâu là hai con vọoc ấy nhỉ”. Nghĩ thế thôi chứ anh biết mỗi loài trong rừng đều có “lãnh địa” cả, liệu ngoài lũ khỉ ra còn có con hổ, báo hay đười ươi nào không?
           Âm vang của đêm rừng đã trỗi dậy từ lúc nào. Trong màn đen mịt của cây cối, của đất đá, chằng chịt dây leo, những đốm sáng nhấp nháy, nhấp nháy, thoắt ẩn thoắt hiện. Con thú đi ăn đêm đấy, nghe rõ cả tiếng bước chân đạp trên cành củi mục kêu lắc cắc. Loài linh trưởng sau một ngày kiếm ăn, tối đến tụ tập về vắt vẻo với nhau trên cành lớn, có lẽ chúng cảm nhận có “người nhà” đến nên cứ đu dây cành này sang cành khác lân la dần đến cái chòi nhỏ. Nhưng chúng cũng rất thận trọng giữ một khoảng cách vừa đủ ngoài kia rồi hấp háy nhìn vào. Tiếng lịch kịch dưới chân chòi, Chính nhìn xuống có bầy sóc đã đến như mọi khi chúng nhặt vụn bánh mì hay hạt cơm rơi.
    Ngủ lại trong rừng là chuyện thường tình của những người làm công tác chăm sóc và cứu hộ động vật hoang dã như Chính, anh cẩn thận buông màn, kéo cửa lán kín lại kẻo đêm có “em” trăn nào lần vào ngủ chung thì phiền. Nằm nghe tiếng rừng thầm thì, như thấy cả tiếng vỏ cây cựa mình tách chồi non, tiếng nai gọi bạn và bầy ong khoái vù vù đập cánh trong đêm, có lẽ chúng thông khí vào tổ. Rồi anh lại thấy như đâu đây tiếng bước chân đạp trên lớp lá khô, tiếng bước chân khi gần sát bên vách nứa, khi lại bì bõm dưới suối. Chính thổn thức, anh nhỏm người dậy mở cánh liếp nhìn ra đêm rừng hoang lung như cảm thấy một điều thân thuộc vừa chợt đến, mơ hồ, hy vọng, nhưng anh tự nhủ mình: “ Không, không còn bố đâu, không phải…bố ơi!” Nhìn rừng đêm bao la một màu đen mông lung xào xạc một lần nữa rồi khẽ kéo liếp, anh quay vào nằm yên như thả tất cả tâm hồn, thể xâc về người cha thân thương nơi rừng đại ngàn.
                                         *******************
   
           Ông bà Bảo mới chuyển về quê độ dăm năm gần đây, ngày trẻ ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm 1960 khu bảo tồn rừng nguyên sinh Cúc Phương được thành lập, ông là lớp cán bộ công nhân viên đầu tiên chuyển đến, gắn bó với rừng mấy chục năm. Bà Bảo từ chị văn thư rồi học dần lên trở thành bác sĩ thú y của rừng. Chẳng biết có phải do khí hậu, môi trường rừng tốt mà nước da bà trắng hồng, răng đen rưng rức, dáng nhanh nhẹn tất bật, hay cười hay nói. Ông Bảo thì ngược lại dáng người to khỏe vai gù, đi như con gấu, trán cao sói đến đỉnh lơ thơ vài sợi tóc trắng rải quanh đầu, nói năng chậm rãi hiền lành. Ông bà còn một người con trai, khi đang học đại học tổng hợp năm thứ ba là lúc cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam vào thời kì ác liệt nhất, anh sinh viên trường đại học Tổng hợp đã lấy máu mình viết đơn xin ra chiến trường. Người mà mọi người trong thôn hôm nay đến chia vui và cũng cả tò mò muốn biết về anh. Trăng chưa lên, trên đường làng thấp thoáng ánh sáng của chiếc đèn chai thắp dầu ma-rút, tiếng người gọi nhau từ ngõ này sang ngõ khác, người trong xóm cười nói í ới.
     - Đâu rồi, anh bộ đội đâu rồi, chúng tôi đến thăm anh đây. Giọng ông Hoà hồ hởi từ ngoài cổng. Trong nhà một anh con trai cao lớn lừ lừ đi ra. Bà Bảo theo sau con, đưa con ra với mọi người.
    - Cháu chào các ông bà, cô chú đi con!
    - Thủ trưởng ra mệnh lệnh chứ?
     Đoàn quay sang bà mẹ, bà Bảo như sực nhớ ra bà đổi giọng đon đả :
    - À, à, đồng bào đã tới, ra đón tiếp đồng bào anh em ơi!
    Đoàn vụt trở nên nhanh nhẹn, rập hai gót chân vào nhau, thẳng chân, ưỡn ngực, tay đưa lên trán:
   - Nghiêm! Chào tất cả các đồng chí!
 - Chào anh thương binh, nhân dân chào anh nhé.
 Anh Đoàn hồ hởi như đứa trẻ, cười phô hàm rắng trắng lấp loá rồi bỗng chốc sắc mặt trở nên lạnh lẽo, hai tay bám đu lấy cột hàng hiên, thõng thẹo hỏi với ra:
   - Anh, anh chiến sĩ giải phóng quân chứ!
Bà Bảo nhanh nhẹn nối lời: Anh giải phóng quân đã trở về, ra chào bà con cô bác đi anh ơi!
   Thoắt cái anh Đoàn trở lại vẻ vui tươi, anh dập hai chân, nghiêm người chào bà con theo kiểu nhà binh, mọi người ồ lên vui vẻ kéo vào trong nhà. Tiếng cười nói bên chén chè xanh sóng sánh, cái sóng sánh như còn ánh lên cái chao bóng đèn làm sáng ra sân ra vườn xanh mướt lá chè kia. Anh Đoàn dáng cao lớn, da trắng hồng như con gái, gật gật đầu như thái độ cử chỉ thường ngày. Cánh tay có những vạt thịt bị lõm vào vết khâu xám xịt và chằng chéo. Trên đầu một đám da trắng không mọc tóc, đó là những vết thương để lại di chứng tổn thất nhiều về thần kinh. Sau nhiều đợt điều trị anh được giám định thương tật và điều về an dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh thần kinh. Đợt nào sức khoẻ của anh khá ổn thì ban giám đốc trại cho phép gia đình đón về chơi vài ngày.
     Bà Bảo vẫn tuân thủ cho con uống thuốc đều đặn. Nhìn con trai ngày ra trận là chàng thư sinh tuấn tú cao một mét bẩy tám, vai nở như cánh đại bàng, bước đi của chàng sơn cước tựa bước hổ vờn, báo chạy. Nay đất nước hoà bình may mắn là con vẫn được trở về, vẫn cao lớn hình hài nhưng vết thương vào đầu đã lấy đi của anh trí thông thái của cậu sinh viên, anh nhiều khi không điều khiển được suy nghĩ của mình. Với anh bây giờ nhớ nhớ, quên quên. ngây ngây dại dại, không làm chủ được cảm xúc và bản thân, phải điều trị ở khoa Tâm thần kích động. Khi trái gió trở trời hay gặp tác động bên ngoài là những mảnh đạn, những vết thương trong đầu làm anh đau đớn vật vã, la hét đập phá và lúc ấy trước mắt anh là cảnh chiến trường đấy khói bom, rồi anh chạy băng băng tay cầm cành cây băng băng tiến lên phía trước, miệng hô vang: Xung phong, các đồng chí xung phong!  Bò lết, trườn toàn khắp vườn lại ra ngõ ngách trong xóm, có khi lội sấn xuống ao bèo ướt hét áo quần, khi thì chìm nghỉm may mà lần nào cũng có người kịp nhận ra để kéo anh lên.
     Lúc bình thường thì anh rõ thư sinh hiền hậu, tay cầm cuốn sổ thơ nhỏ ghi chép vẽ, sơ đồ trận đánh, những bài văn thơ anh yêu thích, rồi đọc thơ, bình văn ra dáng một thày giáo, anh đọc vanh vách những bài thơ của Tố Hữu, Huy Cận, lúc lại tỉ mẩn ngồi vuốt vuốt từng cái móng tay, nói thẩm thỉ thầm thì một mình. Trại có rất nhiều thương binh chấn thương nặng ở trạng thái kích động, tâm thần phân liệt nên chỉ cần một người la hét là những thương binh còn lại lập tức bị kích động phản ứng. Người thì lột quần áo chạy ra bể nước múc xối ào ào lên người, hay tự hành hạ đánh đập bản thân mình, la hét, gào rú, đánh lẫn nhau mà cứ tưởng là đang chiến đấu chống quân thù; rồi chạy lung tung ra ngoài đường có khi nhảy lên một cái xe tải đang băng băng trên quốc lộ hay trốn vào bờ bụi, vào rừng để các nhân viên, hộ lý đi tìm rất cơ cực.
       Với Đoàn có lẽ là do không khí trong lành, môi trường yên tĩnh nên sức khoẻ Đoàn tiến bộ nhiều. Các cơn kích động giảm đi, anh bình an, vui vẻ hơn. Ông bà Bảo đã già, nhìn nhà người ta cháu con ríu rít mình cũng buồn buồn. Có lần bà bảo ông:
   - Ông ạ, nhà mình tính hỏi vợ cho con đi nhỉ?
Ông Bảo ậm ừ:
    - Con mình chẳng giúp gì được cho vợ, lại làm cho vợ nó thêm vất vả; vết thương trong đầu nó liệu có ảnh hưởng cho thế hệ con cái mai sau không?
    Bà gạt đi bảo:
    - Ông này, con mình sinh viên trường tổng hợp cao ráo đẹp đẽ, nó bị thương ở chiến trường thì đau mình nó chịu, chứ cớ gì mà ảnh hưởng con nó. Cháu nội tôi nhất định là thông minh sáng sủa.
           Tính đi tính lại trong làng ngoài xã, bà cũng không thấy ai được người vừa nết như Liên và lòng người mẹ nào mà chẳng mong con có đôi có lứa. Nghĩ vậy bà lại càng củng cố cho quyết định của mình. Chọn ngày lành tháng tốt bà đưa Đoàn xuống nhà Liên chơi. Cái tin anh Đoàn hỏi vợ là cô Liên làng dưới chả mấy chốc mà lan cả xóm, khắp làng. Liên cũng nghĩ mông lung lắm. Vừa tốt nghiệp sư phạm Khánh Nhạc, ra trường cô được phân đi dạy học ngoài Kim Bảng. Bố thì vừa mất, cái Hân em Liên đã đi lấy chồng năm trước; thằng em Nam vừa mười bảy đã xung phong đi bộ đội, mấy đứa em lít nhít bên dưới cả tiểu đội. Ở xóm đạo này người ta đẻ năm một vậy. Bà mẹ Liên ngồi đun cám lợn dưới bếp, bóng bà hắt chập chờn trên vách nhập nhoà. Bà bảo:
     Bây giờ mày đi dạy tận Kim Bảng thì ai cấy ruộng cho bu đây!
       Thế là Liên cất cái bằng sư phạm xuống đáy hòm gỗ thông. Trở lại làm cô gái làng cày cấy mùa hai vụ. Ông chủ nhiệm đến nhà nói mấy lần, bu mới chịu cho Liên lên trụ sở hợp tác xã làm kế toán. Ngày hai chiều ôm sổ sách đi về, tóc mỗi mùa dài thêm, trên con đường làng bóng Liên với dải tóc nghiêng nghiêng, không biết bóng dài hơn hay tóc dài hơn. Xóm đạo người ta lấy chồng tự lúc mười sáu tuổi, hai mươi tuổi chưa lấy chồng là coi như đã bị gọi là ê sắc ế, bạn bè cùng trang lứa đã con bồng, con mang. Liên bây giờ với tấm bằng sư phạm đã được gọi là: Cô gái có học. Xung quanh người ta chỉ đi thuyền, quăng chài, kéo vó, cấy ruộng, quê nghèo ngập nước đồng chua nên trai tráng đi ra ngoài đều bám trụ lại quê mới.  Liên vẫn lẻ bóng với những vết chân chim mỗi ngày tụ về.
           Nay ông bà bảo đưa anh Đoàn đến, là thương binh thần kinh, liệu có chung sống với nhau thế nào? Thương thì thương anh vì dân vì nước mới thành ra thế chứ; anh không bị ảnh hưởng chiến tranh thì hôm nay anh đã thành kĩ sư, thành giảng viên đại học rồi. Người hiền lành đẹp đẽ mà lại chịu đau đớn thương tật. Và rồi mình có đảm đang được khi vết thương tái phát hành hạ anh ấy không, dù đã có nhà nước lo lắng; xong mình cũng  phải có trách nhiệm và thời gian chăm lo anh! Còn mẹ già yếu sau này, lòng Liên rối như lụa vò. Vậy rồi sau những lần xuống nhà chơi luôn có người nhà đi cùng ấy, cô nghĩ rằng mình không phải chỉ yêu mà còn thương một tình thương với người lính đã hy sinh một phần xương máu, trí óc, sức lực ngoài chiến trường.
           Cô đồng ý nên duyên, ông bà Bảo và anh Đoàn vui ra mặt, niềm hạnh phúc làm những cơn đau vụt biến mất, trí nhớ của anh trở về gần như một người bình thường. Anh thực sự là một chú rể hào hoa phong độ đi bên cô dâu bẽn lẽn, chàng trai đại học tổng hợp văn khoa ấy nay như mới hai mươi tuổi; mối tình đầu với cô thôn nữ tóc dài xinh đẹp dịu dàng. Sau đám cưới cô Liên vẫn ngày hai buổi đi làm tại trụ sở hợp tác, mỗi chiều về đã thấy anh chồng thương binh nghộ nghĩnh đứng trước cổng chờ vợ. Đôi tân hôn sống trong tình yêu muộn và đầy phấp phỏng của Liên, của ông bà Bảo, trong sự vui vẻ trong lành của Đoàn. Ngày qua tháng lại cũng được hơn tháng.
           Một buổi mưa bão thời tiết thay đổi nhanh Đoàn bất chợt bị đau buốt đỉnh đầu và rơi luôn vào mê man bất tỉnh, mọi người vội vã đưa đi viện 5 và báo lên trại an dưỡng. Đoàn bơ phờ vật vã không nhận ra người thân bên mình, chạy phăng phăng trong khuôn viên bệnh viện, hết hô xung phong lại nhảy lên tầng thượng cởi tung áo ra làm cờ phất ào ào, giơ tay bắn súng AK rầm rập. Mãi tới khi anh quá mệt xỉu đi, các hộ lý, y tá mới đưa được anh về giường.
          Từ buổi ấy, anh lại phải trở về trung tâm điều dưỡng thương binh thần kinh để các bác sĩ theo dõi điều trị. Gia đình bố mẹ và vợ chỉ được lên thăm theo định kì và chỉ định của bác sĩ điều dưỡng. Nhưng sức khoẻ và tinh thần anh vẫn hồi phục rất chậm. Mãi tới hai năm sau Đoàn mới lại được phép về nhà chơi, đón xuân năm mới mấy ngày Tết. Cuối năm Liên sinh một thằng cu kháu khỉnh y hệt bố, được đặt tên là Chính (cái tên mà mỗi lần bà bảo lên thăm con, khoe với Đoàn là vợ anh đã có thai thì Đoàn nhắc đi nhắc lại rằng: Sau này sinh ra con nhất định đặt tên là Chính). Cu Chính được bốn tháng thì bố cậu được về thăm nhà, việc đầu tiên là anh bước xăm xăm vào nhà bế bổng cu Chính lên như một của quí vô giá. Anh nựng, anh bế bổng lên, làm bà Bảo phải bám sát sao con trai, lo anh lỡ động mạnh thằng bé. Ngôi nhà cổ với hàng hiên dài rộng lâu ngày xập xệ, nay bừng lên sinh khí mới! Ông bà Bảo mừng vui vô kể, Liên như trẻ lại mười tuổi, những hy sinh của cô đã được đền đáp!
            Nào ai biết đâu để có được đứa con này những lần vợ chồng gần gũi nhau, Bà Bảo phải canh nghóng cùng con dâu, tiếng lục cục, hơi thở gấp sau mảnh ri-đô kia khiến bà hồi hộp, lo lắng, dõi theo trông ngóng. Bà phải lấy cái ghế đẩu, để cái gậy bên cạnh ngồi bên ngoài canh chừng lỡ con trai mình bỗng nhiên bị vết thương tái phát, Đoàn không thể kiểm soát được hành động, anh đã từng bóp cổ, đấm đá Liên. Chả thế mà sau này có những lần Liên phải trốn chồng mỗi khi Đoàn được về nhà. Cây cầu tre cô đi quá là lắt lẻo đôi khi đã  rùng mình sợ hãi tự hỏi sao mình lại có thể đi được như thế!
           Bà bàn với con dâu xin đi dạy học trở lại bởi bà biết đấy là niềm mơ ước của cô, cô được phân công về dạy học tại xã nhà. Liên mừng vui vô cùng cô đã được làm đúng nghề mình yêu thích, đã có một cậu con trai kháu khỉnh, có một gia đình chồng hết mực yêu thương và san sẻ đồng hành cùng cô. Nghĩ đến chồng Liên lại thấy, nếu để anh ở hẳn trên trại điều dưỡng thì cũng thương anh ít được sống trong tình cảm gia đình, đón anh về nhà thường xuyên thì bệnh tật không cho phép. Bởi vậy cô bàn với bố mẹ chồng:
            Bố mẹ ạ, con nhận thấy nếu con xin dạy học gần trại điều dưỡng thương binh, rồi nhà mình lại chuyển lên đó, mỗi tuần đều có thể đón anh Đoàn về nhà chơi tốt cho sức khoẻ anh ấy, gia đình lại tiện xum vầy.
          Còn gì hơn nữa, thuận đúng ý ông bà, vậy là một lần nữa ông bà lại trở lại cửa rừng. Uỷ ban nhân dân xã cấp cho một mảnh đất khu định cư, cùng con dâu cất nhà. Tháng đôi lần bà dắt con trai và cháu trai vào khu bảo tồn động vật hoang dã  bởi Chính rất thích xem các con thú và bà cùng giúp đồng nghiệp điều trị bệnh cho những con thú mới được mang về khu bảo tồn. Amh Đoàn mỗi khi vào vườn rừng tinh thần anh phấn chấn hẳn lên. Các cơn động kinh, những trận đau đầu, mất ngủ lui dần. Lên lớp ba, lớp bốn Chính đã có thể dẫn bố vào rừng chơi, hai bố con tha thẩn qua khu hồ Mạc, vào tận bản Bống. Ngày tháng dệt lụa đưa thoi. Ông bà Bảo tuy thêm tuổi nhưng vẫn mạnh khoẻ, trồng vườn, chăm con. Chính thừa hưởng sự thông minh của cả bố và mẹ, cậu luôn luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Từ khi ra học trường nội trú cậu con trai thưa những buổi vào rừng chơi cùng bố, anh Đoàn hay ngồi trầm ngâm miệng lẩm bẩm điều gì đó, mắt mơ hồ nhìn xa đâu đâu, rồi anh hay đi lang thang một mình. Có nhiều hôm bố mẹ và vợ đi tìm khắp các ngả. Vào cả rừng tìm, nhưng con đường độc đạo hơn hai mươi km có đơn giản đâu, vả lại biết anh đi đâu, đi hướng nào. Cô Liên từng mò mẫm tìm cả trong lõi rừng, có lần thấy anh ngồi thu lu bó gối trong cái lán của anh em đội tuần tra, đội bảo tồn dộng vật hoang dã dùng làm chỗ nghỉ chân. Vừa mừng, vừa sợ, mang hết lời nhẹ nhàng ra tỉ tê nhưng Đoàn nhất quyết không chịu về, cứ cầm cành cây kim giao như một báng súng, bảo vợ:
        Đồng chí về đơn vị gọi anh em lên lấy xác tử sĩ về, đồng đội mình hy sinh nhiều quá.
Liên kéo áo chồng năn nỉ pha nỗi sợ hãi
      Làm gì có ai chết đâu, anh dừng doạ em, đây không phải là chiến trường, là rừng bình yên, vợ chồng mình về đi có tối rồi.
Đoàn bỗng ấn đầu vợ thụp xuống, bản thân nằm xoài ra giọng thầm thì:
     Đồng chí, địch lại lên đấy, lực lượng ta còn ít, tôi ra lệnh đồng chí rút về để tôi ở lại trận địa yểm trợ, đi đi!
Liên đành đi ra khỏi khỏi tầm nhìn của Đoàn, nép vào một hốc cây gần đó mắt không rời khỏi cái lán nhỏ sập xệ, đợi lúc sau Đoàn trấn tĩnh rồi cô quay trở lại, giọng hổn hển:
     Báo cáo đại đội trưởng, ah em đã quy tập hết các tử thi, địch rút rồi, công lệnh trên chỉ đạo đại đội ta về cứ điểm mới.
 
          Bấy giờ Đoàn mới nghe lời vợ đi về, dụ dỗ được chồng thì trời cũng đổ tối mịt mò, lại mưa tầm tã, hai vợ chồng đành trú ngụ qua đêm trong hang động người xưa. Hôm sau, Liên phải đưa chồng trở lại trung tâm điều dưỡng để các bác sĩ theo dõi điều trị tại chỗ. Rồi một buổi tối nữ hộ lý Khoa không thấy anh trong phòng lại nghĩ rằng chắc anh được quản lý khoa cho về thăm nhà. Ai ngờ đâu lúc biết sự việc thì anh đã không ở trại mấy ngày.
           Những ngày sau, những ngày sau, rồi những ngày sau nhân viên của trại đi tìm mãi không thấy anh đâu. Cả gia đình anh em họ hàng, hai mẹ con Liên đã đi, đã tìm khắp nơi, nghe nơi nào phong phanh có tin là đến. Chính đã nghỉ hẳn hai tháng trời không đến lớp để đi tìm bố, dù xa xôi như Cao Bằng, Bắc Cạn, rồi xuôi Thanh Hoá, Nghệ An cũng đã mòn chân rồi. Rừng nguyên sinh là nơi mẹ con Liên vào nhiều nhất. Liên vẫn thảng thốt nhận ra đâu đây mùi mồ hôi quen thuộc trên áo anh, cả cái mùi thuốc mà anh uống hàng ngày. Một buổi Chính nhặt được cuốn sổ trên đường mòn trong khu C7. Cuốn sổ đã ngấm mưa và bào mòn hợt nhạt, các trang sách dính vào nhau bê bết bùn, mục rữa chỉ còn là một di cảo mãi Chính mới nhận ra! Chính nhìn khắp khu rừng với ánh mắt đau thương: Bố ơi, bố đâu rồi, bố đi về phương nào đây, làm sao để con tìm được bố. Chính bất lực đưa hai tay lên miệng hú lên từng hồi dài, gầm vang vọng vào thân cây, vọng vào vách đá, rồi tiếng vọng bật ra vang xa…âm âm, day dứt, thống thiết… Chỉ có tiếng đáp lại âm u của núi rừng.
 Đã gần đến ngày thi, Chính đành trở lại trường nội trú. Với sức học của học sinh đứng đầu đội tuyển, được giải nhì quốc gia môn Hoá, các thày cô gợi ý cho em  đăng kí vào top trường trên nhưng em lựa chọn nghành bác sĩ thú y với ý định mai sau trở về rừng công tác, em nói với các bạn:
   -  Rừng nguyên sinh đã gắn bó với gia đình tớ như một phần cuộc sống. Tớ yêu đại ngàn và luôn mong được gắn bó cuộc đời này cùng rừng.   
         Đêm nay Chính ở lại trong rừng không về chắc mẹ Liên ngóng con trai lắm đây. Chính suy nghĩ miên man và thiếp đi trong mơ anh thấy bóng của bố thấp thoáng phía mỏn đá trắng, anh nhào về phía ấy; rồi anh trượt chân vào mảng sáng dưới chân, nhận ra một vật bạc phếch như những vụn giấy, cúi xuống cầm lên là một cuốn sổ đã cũ mỏng còn lại  một chút giấy dính tệp vào nhau. Vụn giấy mong manh ấy thoắt phút chốc biến thành mơ hồ bao cánh bướm bay lên, bay lên dập dềnh như dòng sông Ngân Hà, cuối dòng sông kia, anh lại thấy thấp thoáng vai áo bạc màu của bố anh đang đi miết vào trong rừng, anh nhoài người vào dòng Ngân Hà ấy, tan ra, bồng bềnh, bồng bềnh…
     Chính choàng tỉnh bởi có con gì đang gặm nhấm ngón chân, ra là con sóc đuôi vàng. Trời đã sáng, dàn hợp xướng của muôn loài đua chen nhau, đáng kể nhất là họ nhà chim, rồi muông thú líu lo xa gần, anh lấy nhật kí tuần tra của lán ghi chép. Xuống suối rửa mặt, tìm cây vả hái mấy quả chín lót dạ bữa sáng. Có tiếng rích réc của bầy khỉ, ra là chúng đang đu nhau buồng chuối rừng chín, anh đi lại gần, chúng ôm buồng chuối chạy biến đi..
      Nắng đã chiếu sáng trên các cành lá  tít tắp trên kia. Anh đi tiếp đến gần khu C7 chỗ này có nhiều núi đá, anh cảm nhận được hai con vọoc kia đang ở quanh đây. Tìm vị trí thích hợp anh đợi chờ chúng, sử lý vết thương cho nó, chắc chắn sau lần gặp gỡ này chúng sẽ khoẻ mạnh thích nghi với cuộc sống trong thiên nhiên.
                                                
                          Ninh Bình 10/8/2023
                            Nguyễn Thanh Duyên
Địa chỉ: Cụm dân cư số 1- phố Thống Nhất – Thị trấn Me – Gia Viễn – Ninh Bình

 
 

tin tức liên quan