"Của Thiên trả Địa" - Truyện của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 09:17 11/06/2024 Lượt xem: 51
CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA!
Truyện của Phạm Thành Long

 
       Một nông dân nọ tuy người vợ chẳng may chết sớm nhưng do chịu khó làm lụng lại ăn dè hà tiện nên ông ta cũng có một gia tài kha khá trong vùng. Vợ chồng ông chỉ có một người con trai duy nhất. Với mong muốn đứa con sau này sẽ có cuộc đời sung sướng, nên ông đã đặt tên cho con là Sướng. Trước khi qua đời, ông gọi Sướng đến dặn dò:
-Cha cả đời làm lụng, tích cóp vất vả, chỉ để lại cho con được ba mẫu ruộng, một ngôi nhà ba gian, một ao cá và một mảnh vườn nhỏ thôi. Con hãy chịu khó làm ăn thì với chừng ấy của cải cũng đủ để con có cuộc sống sung túc. Cha chỉ khuyên con phải chăm chỉ làm ăn mới no đủ, giàu có được. Đừng bao giờ trông chờ vào của cải từ trên trời rơi xuống con ạ. Ham chơi mà không chịu làm thì “miệng ăn núi lở” đấy…
       Sau khi cha mất, Sướng lấy vợ. Với ý nghĩ, mình đã có tên là Sướng rồi, nhất định phải tìm được cô gái nào có tên là Nhàn để cưới làm vợ. Sướng và Nhàn thì quá tuyệt vời rồi! Chắc chắn cuộc sống của vợ chồng sẽ “mong được ước thấy” thôi.
       Thế là cô gái có tên là Nhàn ở làng bên đã được Sướng hỏi cưới về làm vợ. Cô vợ Nhàn của anh ta là con một gia đình cũng có của ăn của để. Vì thế cô ta đã quen với việc “biết ăn nhưng không biết làm”.
       Sẵn có của cải cha mẹ để lại, vợ chồng Sướng không thiết gì chuyện làm ăn. Một năm sau kể từ khi lấy vợ, Sướng đã phải bán đi 3 mẫu ruộng. Cô vợ Nhàn của anh ta bảo chồng: Tội gì phải cấy hái cho vất vả. Chúng ta hãy tìm việc khác mà làm. Việc khác thì chưa thấy đâu, nhưng tiền bán ba mẫu ruộng thì cứ vơi dần, vơi dần.
       Một hôm ra thăm vườn, thấy cây khế cành lá sum suê mà không có quả, Sướng lấy dao định chặt hạ cây khế cho rộng vườn. Vợ anh ta phát hiện thấy cây khế đang ra hoa liền ngăn chồng lại.
-Mùa này đâu phải mùa đậu quả. Em thấy cây đang có hoa đấy. Đừng chặt mà phí anh ạ.
       Nghe vợ, Sướng không chặt cây khế nữa.


(Tranh minh họa)
 
       Mùa ấy, cây khế đã cho lứa quả đầu tiên. Cây khế chỉ bói đúng chín quả. Quả khế lớn nhanh như thổi. Nhưng lạ thay, quả khế lại to gấp ba bốn lần quả khế bình thường. Mỗi quả phải to gần bằng một quả bưởi đã chín. Vợ chồng Sướng mừng lắm. Sáng sớm hôm ấy, anh ta mang sào ra định hái khế về ăn. Vừa giơ sào lên cây, chợt anh ta phát hiện ra một con chim Phượng hoàng. Nó to hơn con chim Công. Con chim đang chén ngon lành những quả khế của anh ta. Thấy thế Sướng vội lấy sào định xua chim đi thì lạ thay, Phượng Hoàng cất tiếng nói:
-Ta ăn khế chín sẽ trả lại vàng! Sướng vô cùng ngạc nhiên. Anh ta nghĩ nhanh trong đầu “Chả nhẽ chuyện cổ tích mà bà nội mình kể năm nào hôm nay lại linh ứng với mình thật ư? Nhưng chim Phượng hoàng trong chuyện cổ tích bà kể là một con chim khổng lồ. Nó cõng được người và cả một túi vàng cơ mà. Đằng này con Phượng hoàng đang ăn khế trên cây kia chỉ to hơn con Công một chút. Làm sao mà cõng ta bay đi lấy vàng được”?. Chưa tin lời Phượng hoàng nói, nhưng anh ta không vội đuổi chim đi. Sướng kiên nhẫn chờ chim Phượng hoàng ăn khế xong. Khi ăn xong quả khế cuối cùng, Phượng hoàng mới cất tiếng nói:
-Anh hãy đào đúng hướng bắc, cách gốc khế bốn gang tay sẽ thấy vàng! Nói rồi Phượng hoàng vỗ cánh bay đi.
       Sướng chạy vội về nhà kể với người vợ toàn bộ câu chuyện “cổ tích mới”. Người vợ anh ta không tin, nghĩ chồng lừa mình cho vui liền bảo:
- Anh có ngủ mê giữa ban ngày không đấy?
- Anh lừa em để làm gì. Chuyện thật một trăm phần trăm đấy. Không tin thì một mình anh sẽ ra đào vàng đây.
       Lúc này vợ Sướng mới tin chồng nói thật. Cô ta mừng rỡ bảo chồng:
-Cha mẹ linh thiêng nên đã để lại cho vợ chồng mình cây khế thiêng anh ạ. Nói rồi vợ chồng anh ta vội vào nhà thắp hương khấn vái tạ ơn tổ tiên, tạ ơn cha mẹ và Trời Phật đã cho lộc. Rồi hai vợ chồng mang cuốc thuổng ra gốc khế đào bới theo lời dặn của chim Phượng hoàng. Đào sâu chừng nữa mét thì một chiếc hòm gỗ hiện ra. Anh ta mang chiếc hòm gỗ lên mặt đất, mở ra thì thấy bên trong có một chiếc bình cổ. Tìm cả bên trong chiếc bình và trong hòm gỗ đều không thấy vàng đâu. Sự thất vọng hiện ra trên mặt cả hai vợ chồng. Vừa lau chùi chiếc bình, anh ta vừa nói:
- Con chim này lừa ta rồi! Làm gì có vàng kia chứ!
       Chiếc bình sau khi lau chùi hiện ra màu ngũ sắc vô cùng đẹp. Người vợ thấy vậy bảo chồng:
-Con chim ấy không lừa chúng ta đâu. Cái bình cổ này rất giá trị đấy mình ạ. Bán đi cũng được một món tiền lớn. Vàng đấy chứ đâu!
       Nghe vợ nói, anh chồng bỗng phá lên cười:
-Có thế mà ta cũng không nghĩ ra nhỉ?
       Thế là hôm sau Sướng đánh tiếng bán chiếc bình cổ. Một nhà sưu tầm tìm đến. Ông ta trả hai mươi cây vàng. Nghe ông ta ra giá mà chàng Sướng rụng rời chân tay. Anh ta đâu nghĩ chiếc bình lại có giá lớn đến như vậy. Thế là anh ta vội gật đầu.
       Từ khi có vàng, vợ chồng Sướng tha hồ ăn chơi nhảy múa. Chả mấy nỗi, hai mươi cây vàng đã “đội nón ra đi”. Và điều kỳ lạ là chim Phượng hoàng cũng không thấy xuất hiện trở lại. Còn cây khế cũng không ra quả nữa.
       Khi vợ chồng Sướng tiêu hết vàng thì cây khế lại ra đúng chín quả như năm đầu tiên. Quả khế vẫn to như thế. Khế chín, Phượng hoàng lại bay đến ăn quả. Lần này Phượng hoàng chỉ cho anh ta đào đúng hướng nam để lấy vàng.
       Cũng giống như lần trước, vợ chồng Sướng đã tìm thấy chiếc bình cổ thứ hai. Chiếc bình cổ này to và đẹp hơn chiếc bình lần trước. Vợ chồng Sướng lại bán chiếc bình. Lần này chiếc bình có giá ba mươi cây vàng. Anh ta sung sướng nói với vợ:
-Vợ chồng mình đúng là Sướng và Nhàn. Đội ơn cha mẹ đã đặt tên.
       Ngay ngày hôm sau bán chiếc bình cổ, lòng tham bốc lên, vợ chồng Sướng – Nhàn lại mang cuốc, thuổng ra gốc khế. Lần trước đào phía bắc. Lần vừa rồi là đào phía nam đều được hai chiếc bình, vợ chồng anh ta đinh ninh rằng phía tây và phía đông gốc khế thể nào cũng có của chôn dưới đó. Sướng - Nhàn hăm hở đào bới nhưng mãi vẫn không tìm thấy chiếc hòm gỗ hay bất cứ một vật nào được chôn cất dưới đất. Người vợ liền nhắc chồng: Đào sâu xuống, đào rộng ra và sát vào gốc khế ấy!
       Làm theo lời vợ, anh chồng ra sức đào nhưng vẫn không thấy bất cứ một vật nào. Hai vợ chồng vô cùng thất vọng. Vì đào bới sát gốc khế cả bốn phía, cây khế đột nhiên ngã đổ. Do chạy không kịp người vợ đã bị cây khế đè gãy một bên chân.
       Mấy ngày hôm sau, cây khế héo dần rồi chết khô.
***
       Vợ chồng Sướng và Nhàn nhanh chóng quên đi chuyện cây khế, chim Phượng hoàng và những chiếc bình cổ.
       Hai vợ chồng vốn quen ăn mà không quen làm, vì thế của nả từ tiền bán chiếc bình cổ thứ hai cũng nhanh chóng ra đi. Vợ chồng anh ta phải đi vay mượn để tiếp tục sống. Ngôi nhà và mảnh vườn cuối cùng cũng phải bán đi để trả nợ. Hai vợ chồng phải sống trong một túp lều tạm bợ, siêu vẹo.
       Nằm bẹp ở xó lều, bụng đói Sướng không sao ngủ được. Lúc này lời cha anh ta chăng chối trước lúc ra đi cứ vang lên trong đầu: “Nếu không chăm chỉ làm việc thì dù có cả một núi vàng cũng mau hết, con ạ! Người xưa đã dạy: “Miệng ăn núi lở” mà. Con cũng đừng mong đào được vàng. Chả tốt đẹp gì đâu, vì “của thiên sẽ trả địa” đấy”!...
       Nhớ lại những chuyện đã xảy ra với chính vợ chồng mình, anh ta mới thấm thía lời cha. Đúng là “của thiên sẽ trả địa” thật.
       Tiếc rằng, khi anh ta nhận ra được triết lý ấy thì đã quá muộn!

tin tức liên quan