Chuyện từ đại ngàn Trường Sơn - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 11:39 06/07/2024 Lượt xem: 222
 CHUYỆN TỪ ĐẠI NGÀN TRƯỜNG SƠN  
 
                                                                NB-NV Phạm Thành Long
 
          Ở Trường Sơn, ngoài bom đạn của Mỹ ngụy đêm ngày đe dọa tính mạng của bộ đội, thanh niên xung phong thì còn có rất nhiều cạm bẫy đến từ đại ngàn.
           Xin kể vài câu chuyện xảy ra trong cuộc sống của người lính đến từ đại ngàn Trường Sơn.
 

          Vắt chui vào mũi
 
          Trong một lần đi công tác, cậu liên lạc của đại đội tôi vốc nước suối để rửa mặt. Không ngờ, câu ấy vốc luôn cả một con vắt nước. Con vắt nhanh chóng chui vào mũi mà cậu ta không hề biết. Con vắt nước đã “làm tổ” trong mũi của cậu ta. Mũi cậu ta ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Đến khi máu và mủ chảy ra từ mũi thì cậu ta mới nhờ y tá xem giúp. Y tá đã phát hiện ra một con vắt đã chui vào mũi cậu liên lạc. Y tá dùng banh y tế để gắt con vắt ra mà không được. Khi banh chạm vào, nó liền chui sâu vào trong mũi. Theo mách nước của đại đội trưởng, y tá đơn vị phải cạo bồ hóng ở bếp ăn trộn với xà phòng và cồn 90 thành một thứ hỗn hợp “dân gian” rồi dùng xi lanh bơm vào mũi “bệnh nhân”. Chờ cho con vắt “ngấm” hỗn hợp, cậu liên lạc xì mạnh bên mũi có vắt. Con vắt “ranh ma” này mới chịu bắn ra ngoài!
 
          Voi quật không chết!
 
          Cậu Hà nhận nhiệm vụ gùi rau cho binh trạm bộ. Con đường từ đại đội đến Binh trạm bộ phải băng qua một khu rừng lâu nay có khá nhiều phân voi. Nhiều người đã gặp voi đi ăn. Có người gặp cả một đoàn voi hơn một chục con. Có người gặp đàn voi chỉ ba bốn con… Vì thế, cậu rất cảnh giác.
          Mùa mưa nên voi thường di chuyển nhiều. Vừa tháo quai gùi rau xuống định ngồi nghỉ bên cây gỗ đổ bên đường thì Hà phát hiện một đàn voi đang đứng ở vạt rừng trống bên tay phải của mình. Con voi gần nhất cách nơi Hà đứng chỉ mấy chục mét. Quá bất ngờ, Hà đánh rơi cả gùi rau xuống cây gỗ. Tiếng động phát ra. Con voi đứng gần nhất đã phát hiện ra Hà. Nó “phi” lại phía Hà. Hà bỏ chạy. Theo kinh nghiệm được phổ biến: Khi bị voi đuổi thì chớ chạy xuống dốc hoặc lên dốc mà chạy ngang sườn đồi…Đoạn này rừng khá bằng phẳng. Mình chết chắc! Vừa chạy, Hà vừa nghĩ. Bất ngờ, Hà nhìn thấy phía gần bờ suối có một cây cổ thụ rất to ngã đổ xuống mặt đất. Hà vội chạy tới. Câu ta nép sát người vào chiều dọc cây gỗ đổ. Con voi đã chạy tới. Nó dùng cái đầu rất to của nó ra sức húc vào thân cây đổ. Cái cây to quá nên không có sự di chuyển nào. Trong nỗi sợ hãi, Hà cố hé mắt để nhìn. Thì ra đây là một con voi đực đã trưởng thành. Hèn nào mà nó hung dữ thế.. Con voi lại dùng cái vòi to và mạnh mẽ của nó cố móc Hà ra khỏi cái cây nhưng đều thất bại. Tuy nhiên toàn bộ thân người của Hà đều bị xây xát vì cái vòi của nó. Hồi lâu, không làm được gì, con voi đực này mới tức tối bỏ đi.
          Phải mươi phút sau Hà mới dám lóp ngóp lăn ra. Toàn thân đau ê ẩm. Hà vội khoác súng lên vai, cố chạy lại chỗ gùi rau bỏ lại. May quá, lũ voi không phát hiện ra gùi rau. Hà không còn sức nào để gùi tiếp về Binh trạm bộ. Anh nâng súng bóp cò bắn báo hiệu cấp cứu. Vị trí này chỉ còn cách bếp Binh trạm bộ hơn mười hút cuốc bộ. Hà tin sẽ có người ra cấp cứu. Ôm súng ngồi chờ. Ít phút sau có một tốp ba chiến sĩ cảnh vệ chạy tới. Sau khi biết Hà vừa bị voi “quật” mà không chết, ba chiến sĩ giúp anh gùi rau về Binh trạm. Hà định quay lại đơn vị nhưng không đủ sức đi. Một chiến sĩ gùi rau còn hai chiến sĩ đã dìu anh về Bệnh xá Binh trạm để xử lý vết thương…
 
          Hổ vồ không trúng.
 

          Một lần cậu Hộ “bột” cùng tiểu đội đi lấy gạo ở Huội Mơn. Con đường từ đơn vị ra kho gạo toàn lau lách. Tiểu đội trưởng đã phổ biến: Tất cả đều phải vác súng trên vai, đề phòng hổ vồ.
          Cậu Hộ được đi sau ngay sát Tiểu đội trưởng. Đi được một đoạn, mọi người đã ngửi thấy mùi hôi thối trong gió thổi từ phía trước bay lại. Với kinh nghiệm nhiều năm ở Trường Sơn, Tiểu đội trưởng vội hô: Phía trước có hổ! Vừa nói dứt câu thì anh đã nhìn thấy một con hổ lớn, mặt to hơn cái nắp xoong 20 ngồi chình ình trước mặt. Hộ “bột” nắm chặt khẩu AK trong tay, miệng nói: Để em. Tức thì một loạt đạn AK nổi liên hồi. Thì ra cậu ta không kịp điều chỉnh nấc liên thanh, cứ thế bóp cò. Hộ “bột” bị giật mình, không kịp phản ứng. Khẩu súng giật mạnh về phía sau khiến cậu ta ngã ngửa ra sau. Những viên đạn đỏ lừ từ nòng súng lia qua đầu một loạt đồng đội phía sau. May mà không ai bị dính đạn. Mặt cậu ta bình thường đã trắng giờ nhìn cậu Hộ mặt tái nhợt như tờ giấy.
          Theo phản xạ. Con hổ hoảng hồn trước loạt nổ chát chúa của băng đạn AK. Theo phản xạ, nó chồm nhảy về phía trước, bay qua đầu mấy chàng lính đi trước để vọt vào đám lau mất hút. Thật hú vía!
 
         
          Giẫm phải trăn.
 
          Một ngày của mùa mưa năm 1971. Buổi sáng, Chính ủy Binh trạm 35 Nguyễn Tam Anh lên giao ban tác chiến sớm hơn mọi ngày. Đường hào từ nhà hầm của ông dẫn vào hầm giao ban tác chiến khá tối. Đang mãi suy nghĩ, chân ông như dẫm phải một khúc gỗ, khiến bàn chân bị trượt xuống. Ông bấm đèn pin. Trời! Dưới chân ông không phải là một khúc gỗ mà là một con trăn rất lớn. Nó khá dài. Rất may là do đường hào hẹp, con trăn lại lớn nên nó không thể quay đầu lại mà tấn công ông. Chính ủy vội lùi nhanh về phía sau. Ông kêu cậu lính cảnh vệ đang đứng gác trên mặt đất. Con trăn nhanh chóng bị lính cảnh vệ bắn hạ. Hôm ấy nhà bếp Ban 5 cân con trăn được hơn 20 kg. Mùa mưa năm ấy cả Binh trạm bị đói. Bộ đội phải ăn sắn khô, măng tươi và rau rừng. Thịt trăn trưa hôm ấy trở thành bữa ăn tươi cho cả Binh trạm bộ.
 
          Con voi bị bom
 
          Thung lũng Phù Trường (Saravan, Nam Lào) có rất nhiều voi rừng. Phân voi rải khắp rừng. Mặt đất có rất nhiều đường nòn voi đi. Voi rất thích đằm bùn. Vì thế mà khi nó đi qua, có rất nhiều vết bùn voi để trên thân cây rừng. Nhiều vết bùn cao cách mặt đất hơn hai mét. Nhìn những vết bùn trên thân cây, chúng tôi nhẩm tính: Vết bùn này chính là bùn ở bụng voi khi đi qua để lại. Vết bùn cao trên hai mét thì chúng ta có thể hình dung ra chú voi này cao lớn đến thế nào?
          Đầu tháng 7 năm 1972, tuy là mùa mưa nhưng máy bay Mỹ liên tục đánh phá khu vực ngầm 22 và 17 để tìm căn cứ của ta. Bộ đội cao xạ của sư đoàn 471 đánh trả quyết liệt. Trên đường bay trở về căn cứ, còn bom, máy bay Mỹ đã quăng hết xuống cánh rừng dưới cánh bay. Vì thế mà muông thú ở cánh rừng này đã vô tình hứng đủ bom Mỹ. Một hôm, các chiến sĩ đại đội 7 bộ binh bảo vệ khu vực cơ quan Sư đoàn bộ trên đường tuần tra đã phát hiện thấy một con voi bị thương ở chân trước. Máu ra rất nhiều. Các chiến sĩ bám theo sau. Đi được một đoạn, chú voi gục xuống. Máu từ chân của nó chảy ra xối xả.
          Được tin báo có voi rừng bị bom cách Sư đoàn bộ chừng hơn mười phút, sáu cơ quan sư đoàn bộ đều cử người đi lấy thịt voi. Mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy trước mắt mình là một chú voi rừng vô cùng to lớn. Nó to đến mức người đứng bên này không nhìn thấy người đứng bên kia chú voi nằm.
          Mấy ngày liền, cả Sư đoàn bộ được ăn thịt voi. Thịt voi ăn không hết, cánh lính chúng tôi có sáng kiến lấy dây rừng buộc thịt voi rồi ngâm dưới suối. Hai ba ngày sau vớt lên xào nấu vẫn ngon lành. Nước suối là chiếc “tủ lạnh” bảo quản thịt voi vô cùng tuyệt vời. Và cái chính là thịt voi ăn rất lành. Không một ai bị tiêu chảy khi ăn thịt voi vớt lên từ chiếc “tủ lạnh” như thế!.
 
            Hổ canh giấc ngủ!
 
          Hai bên bờ sông Bạc (Nam Lào) đều là rừng nguyên sinh nên có rất nhiều hổ. Lần ấy hai chiến sĩ của C2 hậu cần đi công tác. Về đến bờ sông ở phía bắc Bạc thì trời sập tối. Hai chiến sĩ phải mắc tăng võng nghỉ lại. Đến nửa đêm một con hổ xuống sông uống nước bất ngờ thấy có hai chiếc tăng võng mắc chình ình giữa lỗi đi uống nước của nó. Nó không biết vật gì. Nó đi đi lại lại nhiều vòng quanh vị trí hai chiến sĩ ta nằm.
          Mờ sáng hôm sau một chiến sĩ vung màn ngồi dậy và gọi to đồng đội: Dậy thôi! Với động tác vung màn kèm theo tiếng hô ấy đã làm con hổ giật mình khi nó đang ngồi rình bên hai chiếc võng. Hoảng hồn, con hổ nhảy vọt về phía trước. Sau một tiếng “roạt”. cả màn và chiếc tăng của cậu Dũng bị cuốn phăng đi theo con hổ. Cả hai đều không biết có chuyện gì xảy ra với mình. Sau một lúc hoàn hồn, hai chiến sĩ Trường Sơn mới dám nhảy khỏi võng. Trời ơi! Vết chân hổ to như miệng bát ô tô chằng chịt quanh hai chiếc võng của họ. Thì ra đêm qua họ đã bị một con hổ lớn ngồi rình mà không hề hay biết.
          Sau vụ hú hồn này, hai chiến sĩ đã rút ra cho mình kinh nghiệm: Hãy quan sát thật kỹ địa hình, địa vật trước khi mắc võng. Đêm qua, họ đã mắc võng đúng vào lối mòn đi xuống sông uống nước của hổ mà không biết! Thật hút chết!
 
          Lợn ăn trăn.
 
          Chỉ một thời gian ngắn mà gà rồi cả lợn con của các phòng ban Viện quân y 46 (Sư đoàn 471) “không cánh mà bay”. Ai cũng bảo bị cáo bắt. Nhưng cáo chỉ bắt gà thôi chứ.  Chẳng lẽ bó tay? Mấy anh em ở Ban Dược có mấy “thợ săn” tỏ ra khá sốt ruột. Lại một chú lợn con của hậu cần bị mất. Thế là ngay buổi chiều hôm ấy mấy anh em xách súng ngược suối đi sâu vào rừng. Không ngờ, đi cách Viện khoảng hơn hai trăm mét, họ phát hiện ra một chú trăn lớn nằm vắt ngang trên một cái cây sát bên dòng suối. Bụng nó phình to bất thường. Thủ phạm đây rồi! Đích thị chú lợn con đang nằm trong bụng con trăn này. Một phát đạn chui ra khỏi nòng khẩu cacbin găm trung đầu con trăn. Hai chàng dược tá khệ nệ khiêng con trăn về Viện.
          Sau khi báo cáo lãnh đạo Viện, con trăn được Ban Dược tiến hành nấu cao toàn tính để phục vụ thương bệnh binh.
          Hai ngày hai đêm thức nấu cao, chảo cao trăn toàn tính đã được bắc xuống đổ vào khay nhôm cho nguội. Thế rồi họ lăn ra ngủ. Tỉnh dậy, họ hoảng hồn khi thấy một góc khay cao vẹt đi trông thấy. Rõ ràng là cao đã bị “múc” trộm. Vậy ai đã múc trộm? Quan sát anh em thấy cao trăn rớt ra mặt đất. Cách đấy hơn chục mét, một chú ỉn của ban hậu cần nằm ngủ. Miệng nó còn dính cao. Hóa ra tên “Trư bát giới” này đã ăn vụng cao.
          Sự việc được báo cáo đơn vị. Chú ỉn ăn vụng này một thời gian sau lớn rất nhanh. Chú ta béo múp míp…Khi chú lợn ăn vụng cao trăn nặng bảy tám chục ký, lãnh đạo Viện quyết định cho thịt để phục vụ thương bệnh binh. Chú lợn này khi mổ ra chỉ toàn thấy mỡ, rất ít thịt nạc. Anh em hậu cần rán được đầy một thùng lương khô mỡ.
 
          Bắt sống con mang
 
          Chiều cuối năm, Hùng (chiến sĩ Đại đội 1 hậu cần Binh trạm 35) đi phát rẫy trở về. Anh khoác áo ra suối tắm. Để tránh máy bay địch, khu nhà hầm của đại đội làm cách suối hơn năm phút cuốc bộ.
          Đi gần tới bờ suối, bỗng Hùng nghe thấy tiếng “toác” của mang. Tiếng “toác” rất gần. Hùng thận trọng tiến về phía trước. Trời! Có một con mang khá lớn đang ngửa cổ lên trời “toác, toác” liên hồi. Ôi chao, đây là một con mang đực đang lên cơn say gọi bạn tình! Con mang chắc vừa uống nước suối, rồi nó hứng tình ngửa cổ kêu gọi bạn tình. Phải tóm sống con mang này! Ý nghĩ xuất hiện nhanh trong đầu. Hùng vứt chiếc áo bên đường rồi bí mật tiến về phía con mang. Khi cách con mang gần hai mét mà nó vẫn chưa hay biết. Nó vẫn ngửa lên trời “toác, toác!”. Hùng lấy hết sức lao về phía trước. Tay anh đã tóm được một chân sau của con mang. Con mang giật mình theo phản xạ nhảy lên và lao nhanh về phía trước. Hai bàn tay của Hùng ghì chặt vào chân mang. Sức mạnh của con mang kéo luôn Hùng xuống suối. Hùng nhanh chóng lựa thế đứng được dậy. Cái chân sau của con mang đạp loạn sạ. Nhiều cú đạp trúng người Hùng đau điếng. Nhưng anh gắng chịu đau cố gắng kéo chân sau con mang lên cao, lựa thế quật nó ngã xuống suối. Khi cả hai đã đều đã ở dưới suối thì lúc này sức mạnh đã thuộc về Hùng. Con mang đã bị Hùng quật ngã. Hai tay Hùng vẫn ghì chặt chiếc chân sau của con mang, rồi anh nằm đè lên con mang. Miệng anh hô to “Cứu với! Cứu với!” Năm phút vật nhau với con mang, cuối cùng đã có một tốp ba đồng đội đi tắm xuất hiện. Nghe tiếng kêu cứu, họ chạy nhanh về phía con suối. Một hình ảnh vô cùng kinh ngạc diễn ra trước mắt họ. Cả ba đồng đội đã lao vào hỗ trợ Hùng tóm gọn chú mang. Khi đồng đội trói chặt chú mang bằng dây rừng thì Hùng ngã vật xuống suối. Ngực, đùi của anh bê bết máu. Móng chân sau của con mang trong quá trình rãy đạp để thoát thân đã làm đùi, ngực của anh bị thương.
Bữa cơm tất niên năm ấy cả đại đội vô cùng phấn khởi được chén thịt mang. Với Hùng thật hẩm hiu. Anh được đồng đội cáng lên bệnh xá Binh trạm để điều trị vết thương!
 
         Nuôi trăn, nuôi sóc
 
Một lần, cậu công vụ của Chính ủy Võ Sở (Binh trạm 41 Trường Sơn) bắt được một con trăn. Nó nặng chưa đến chục kí.
Cậu ta lấy sợi dây thép cột cổ con trăn lại và buộc vào một chiếc cột của giàn mái che mưa nắng trước cửa nhà hầm. Cậu từng nghe mấy anh lính có thâm niên ở Trường Sơn rỉ tai nhau: “Nếu nuôi trăn thì nhà sẽ không có chuột”. Thế là cậu vội chạy sang tìm cậu công vụ của Binh trạm trưởng, bàn chuyện xử lý chú trăn này. Khi cả hai cậu công vụ trở về thì con trăn đã biến mất. Cái cột đỡ giàn che mưa nắng trước cửa nhà hầm đã bị bật lên khiến cả cái giàn che bị siêu vẹo.
          Cả hai vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh của con trăn nhỏ này. Nó đã truờn đi và kéo đổ cây cột chống giàn che mưa, che nắng trước cửa nhà hầm.
          Việc định nuôi trăn để lũ chống chuột trong nhà hầm đã thất bại.
          Sau đó, một lần theo Chính ủy xuống kiểm tra trọng điểm. Hai thầy trò đi qua một đơn vị công binh. Thấy một chiến sĩ đang nuôi một con sóc nâu, cậu công vụ ngỏ lời xin con sóc về nuôi. Chiến sĩ công binh vui vẻ tặng cho cậu với lời dặn: Con sóc này khá bạo dạn đấy. Cố làm quen với nó rồi thả nó ra nhà hầm. Có nó ở trong nhà hầm thì chuột sợ chạy mất dép đấy!
          Và thế là chú sóc nâu nhanh chóng được làm bạn với cả cậu công vụ và Chính ủy.
Thật kỳ lạ. Từ khi nuôi chú sóc nâu, chuột trong nhà hầm tự nhiên biến mất. Chúng không còn “hỏi thăm” hai chiếc ba lô của hai thầy trò nữa.
Sự truyền miệng trong dân gian về việc “nuôi sóc chống chuột” là hiện thực ở Trường Sơn!
 
         Hai chú gấu ngựa
 
Mùa mưa năm 1971 là một mùa mưa thật lạ. Tháng 7 mưa như trút nước liên tục gần hai mươi lăm ngày. Cả Binh trạm 35 bị đói. Măng và rau, củ trong rừng là cứu cánh của bộ đội.
Hôm ấy hai anh nuôi của binh trạm bộ khoác súng, mang dao, xẻng gập, túi gùi vào rừng đào măng.
Rừng le chỉ cách binh trạm bộ chừng mười lăm phút luồn rừng. Trời đổ mưa không ngớt. Cả hai mải mê đào măng. Họ đã lấy được nửa gùi. Bất chợt, cậu Tiến ngẩng lên gạt nước mưa và quay đầu quan sát. Anh hoảng hồn thấy một con gấu cao lớn đang đứng phía sau lưng mình. Con gấu cách hai chiến sĩ nuôi quân chỉ bốn năm mét. Nó đứng hai chân chuẩn bị tiến công con mồi. Chỉ kịp kêu lên “có gấu!”, Tiến vội kéo nhanh khẩu AK đang đeo trên lưng. Không kịp ngắm vì mưa vẫn không ngớt, Tiến hướng nòng súng về phía con gấu rồi bóp cò. Ngay từ viên đạn đầu tiên, con gấu đã bị khựng lại. Tiến bóp cò lần thứ hai thì con gấu đổ vật xuống. Trời ơi, ở phía sau lại hiện ra con gấu thứ hai nhưng nhỏ hơn. Sau khi con gấu đi trước ngã xuống thì chỉ một lúc sau con gấu phía sau cũng đổ ập xuống. Ôi, như vậy là hai viện đạn từ khẩu AK của anh đều đã xuyên táo hai con gấu!     
Tiến chống khẩu AK xuống đất. Cậu quỵ xuống sau sự kiện kinh hoàng vừa xảy ra.
Thật hú vía! Chỉ chậm một chút, cả hai đứa đã bị hai con gấu này xé xác rồi!  
           
P.T.L
----------------------------------------------------
Nhà báo Phạm Thành Long, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Địa chỉ: Phòng A1906, chung cư 229 Tây Sơn, Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 0984 108 450. Email:
thanhlong1949@gmail.com    

tin tức liên quan