"Hương nồng mùa Hạ" - TG: Hà Kim Quy

Ngày đăng: 08:32 30/08/2024 Lượt xem: 40
-------------------

HƯƠNG NỒNG MÙA HẠ

       Một ngày hè đang đi trên đường, bất chợt mùi hương thơm đánh thức trái tim thời thơ bé của tôi ùa dậy. Hương gì mà thơm đến thế?
       Không ngọt ngào như mộc hương, chẳng ngan ngát như hoa cau mà nồng nàn, rất riêng, rất lạ. Tôi đưa mắt tìm các loài cây bên đường chẳng thấy cây gì nổi bật ngoài các loài cây dại. Phải rồi, tôi nhớ ra đó là mùi hương dứa dại đang nở đâu đây!
       Quê tôi, mọi người thường gọi đó là cây dứa ông. Cây mọc hoang khắp chốn với sức sống mãnh liệt, phi thường. Có nhiều nhà đem trồng cây thành hàng rào bảo vệ vườn cho trâu, bò khỏi phá.
       Cây dứa ông chả có gì đặc biệt ngoài cái lá xanh mướt, bóng bẩy và hai bên mép lá chi chít là gai nhọn như mép lưỡi cưa. Hễ ai định vượt vào vườn là mép lưỡi cưa đó mắc vào quần áo mà kéo lại. Từ khi nhú ra nó đã có đầy gai. Gai lớn và cứng cáp dần theo lá. Nếu lá dài một mét thì có đến hai mét gai. Mỗi cây có vài chục chiếc lá nên gai nhiều vô kể. Cây chẳng đem làm vào việc gì nên chẳng ai động đến nó. Ấy thế mà cây dứa dại lại là người bạn thân của những đứa trẻ thôn quê một thời.
       Kỷ niệm tuổi thơ là những buổi trưa trốn mẹ len lén ra khỏi nhà cùng mấy đứa bạn để chơi cùng với dứa. Hàng rào dứa nhà ông Tứ ở ngõ nhà tôi là tâm điểm của bọn trẻ, bởi nơi đó có bóng tre râm mát lại gần nhà, mẹ có gọi là chạy vụt về được.
       Muốn làm đồ chơi, chúng tôi phải lựa những lá dứa hơi già một chút rồi dùng hai tay đặt vào hai bên mép lá, từ từ kéo lá ra khỏi thân cây. Ngắt đuôi lá, lấy chính phần gai làm “chiếc cưa”, rọc hết phần gai hai bên mép lá và gân lá để chia đều lá dứa thành hai phần mềm mại tha hồ biến tấu thành những đồ chơi của trẻ thơ.
       Nam là đứa hay trốn nhà ra chơi cùng tôi với cái Thư, thằng Tuấn. Một buổi trưa, cả bọn đang vui vẻ róc lá dứa và kết thành những đồ chơi màu xanh rất đẹp thì mẹ Nam đã dắt sẵn cái roi tre đến bên cạnh. Một cơn mưa roi vào mông thằng bé, mỗi cái roi lại kèm theo tiếng mắng: “Trốn này! Trốn không ngủ trưa đi nghịch này!”. Nó ôm mông khóc chạy về bỏ cái kèn xinh xắn còn đang cuộn dở. Lũ chúng tôi hết muốn chơi, thu gọn chiến trường, bỏ cả đồng hồ, kính, chong chóng... rồi cũng bỏ về, mặt đứa nào đứa ấy buồn rười rượi. Trưa mai, cứ tưởng thằng Nam không ra nữa, nhưng không, nó là đứa ra sớm nhất vì nó còn dang dở ý định làm cái kèn to như cái tù và hôm trước. Tôi nhớ mãi tiếng kèn lá dứa của nó, kêu tu tu, trầm trầm, vang khắp xóm. Mà lạ thật, làm kèn có muốn giấu cũng chả được vì ai làm xong thì bao giờ cũng phải thổi xem kèn có kêu như mình muốn không để còn chỉnh sửa. Bất giác, tôi lại nghĩ nếu mẹ nó nghe được tiếng kèn thì cái mông nó lại lằn lên những con lươn mất!

       Cây dứa ông rất ít ra hoa. Bà tôi bảo, có cây trăm năm mới ra hoa một lần, có những cây không bao giờ ra hoa. Chỉ những cây già, cỗi mọc ở xó xỉnh những gồ, vườn hoang bao đời, thành chà, chạnh mới nở hoa. Ban đầu, phía ngọn cây nảy lên lớp lá màu trắng ngà, rồi hoa trổ ra giống như bắp ngô. Mùi hương hoa dứa ông thơm đặc biệt, cách vài chục mét cũng có thể ngửi thấy. Chẳng hiểu sao, một cây dứa dại, chi chít, gai mọc nơi xó xỉnh mà mùi hương ấn tượng với tôi đến thế. Hoa dứa chẳng ai lấy về để chơi, cứ để nó nở với sương đêm cùng nắng gió, để tỏa hương bay khắp bốn phương trời. Mùi hương hoa nào có thể quên, nhưng tôi tin mùi hoa dứa dại ai đã ngửi một lần thời thơ ấu chắc sẽ không bao giờ quên được. Bà tôi bảo ai gặp hoa dứa ông sẽ rất may vì dứa dại rất ít nở hoa... Cây ra hoa rồi có khi kết trái. Quả dứa ông màu cam còn là vị thuốc chữa bệnh cho con người.
       Nỗi nhớ quê hương cứ nhẹ nhàng len lỏi trong tôi từ những điều rất nhỏ, như mùi hương dứa dại chiều nay. Đôi khi, những điều tưởng chẳng đáng nhớ nhưng chỉ cần chạm nhẹ vào, nó lại đánh thức tâm hồn ta da diết, mãnh liệt. Dứa ông vẫn còn đó mà bạn bè đứa mất, đứa còn.
       Tôi hít hà mùi hoa nồng nồng, thơm ấn tượng như mùi nước hoa lạ mà quen. Chẳng biết lời bà nói có đúng hay không, nhưng điều may mắn là nỗi nhớ quê nhà với mùa hương dứa dại vẫn vẹn nguyên trong tôi.

Hà Kim Quy
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định

 
tin tức liên quan