Nỗi buồn của mẹ - Truyện ngắn: Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 08:15 17/09/2024 Lượt xem: 41
NỖI BUỒN CỦA MẸ


 
          Nhân ngày tết độc lập, đại gia đình chúng tôi về thăm mẹ; mẹ tôi năm nay đã 90 tuổi. Cả nhà cùng ăn bữa cơm trưa đầm ấm, vui vẻ với mẹ. Sau đó mẹ chuẩn bị đồ dùng để đi cùng xe con trai về Hà Nội, thăm cô cháu gái mới ở nước ngoài về Việt Nam thăm gia đình.
          Trước lúc ra xe, mẹ chợt nhớ ra điều gì, vào trong nhà tìm chiếc nón để đi ra phố? Mẹ tìm mãi không thấy… Tôi hỏi: Thế mẹ có nhớ, thường ngày mẹ hay để nón ở chỗ nào không ạ? Mẹ tôi chỉ vào chiếc giá góc cầu thang, hôm qua mẹ vừa để ở đây mà bây giờ tìm không thấy ? Mẹ tìm nón để đi đâu ạ?
          Mẹ muốn đến gặp bà cùng “Đạo tràng”, để báo ngày mai mẹ không đi lễ chùa cùng các cụ được; có gì các bà ứng lễ giúp, lúc về mẹ trả tiền.
          Mẹ có đi xa không ạ? Để con lấy xe đưa mẹ đi, mẹ đi bộ một tí, ngay trong phố thôi. Cô con gái tôi tìm nón giúp bà cũng không thấy, liền lấy chiếc ô cho bà che nắng. Mẹ tôi cầm ô che nắng, cố gắng tỏ vẻ nhanh nhẹn để đi ra phố như trước đây… Tôi nhìn theo mẹ tất tưởi ra đi như hồi còn trẻ, nhưng bây giờ đã chậm hơn nhiều.  Trong lòng, lính tính cho thấy có gì đó không ổn; tôi lặng lẽ đi theo mẹ một khoảng cách không xa.
          Đi đến cuối phố, dường như cũng có lính tính mách bảo thế nào ấy; mẹ tôi quay lại, thấy tôi đi ở phía sau. Mẹ nói: Con đi theo mẹ làm gì, mẹ đi được!
          Nhà bà cùng đạo tràng với mẹ ở đâu ạ? Nhà bà ấy ở “Khu Nhà Dần”. Ôi, Khu Nhà Dần cách nhà mình đến gần 3 cây số làm sao mẹ đi được? Mẹ định đi đến Rạp chiếu bóng thì gọi xe ôm. Hôm nay ngày nghỉ Lễ, làm gì có xe ôm. Thôi mẹ ngồi đây, để con về lấy xe ô tô đưa mẹ đi. Thôi không sao đâu, mẹ đi được. Con cứ về nghỉ đi, tí nữa con còn phải lái xe đường dài.
          Tôi quay về lấy xe, mẹ tôi cũng đi cùng với tôi quay về lên xe để đi. Trên xe tôi hỏi mẹ: Thế mẹ có số điện thoại của bà Thoa không? Mẹ có, nhưng mẹ tìm lâu lắm nên cũng ngại. Vả lại đến gặp bà ấy nói được cụ thể hơn, nói qua điện thoại tiếng được, tiếng mất; không biết bà ấy có nghe rõ không…? Mẹ có nhớ số nhà của bà Thoa không? Số nhà thì mẹ không nhớ, nhưng mẹ nhớ vị trí nhà bà ấy.
          Xe đến Khu Nhà Dần, tôi lái xe đi thật chậm, mở cửa kính để mẹ tôi nhìn cho rõ… Đi hết phố mà mẹ tôi không nhận ra nhà bà Thoa ở đâu? Tôi dừng xe, hai mẹ con xuống xe đi bộ để hỏi nhà bà Thoa. Hỏi rất nhiều người trên phố mà không ai biết nhà bà Thoa ở đâu? Tôi nói hay mẹ nhớ nhầm, nhà bà Thoa không ở khu phố này. Mẹ nói: Bà Thoa ở với con gái, thế con gái bà ấy tên là gì ạ?
          Mẹ không biết tên con gái bà ấy! Tôi hỏi tiếp vài người nữa, cũng không ai biết nhà bà Thoa ở đâu? Thế là hai mẹ con lại phải lên xe quay về nhà. Vẻ mặt của mẹ tôi rất buồn, mẹ than: Đúng là tuổi già lẩm cẩm, hôm nọ vừa mới đến nhà thăm bà ấy ốm, thế mà; hôm nay quên tìm không thấy, thế có chán không chứ! 
          Mẹ về đến nhà, nhìn thấy cô cháu gái 5 tuổi, gọi mẹ tôi bằng Cụ; đang bầy đồ hàng nấu ăn ra chơi trên bàn uống nước, rất say mê. Mẹ cháu nhắc: Cốm con, dọn đồ chơi cất đi, để cụ ngồi uống nước. Cháu gái vừa phải dọn đồ chơi, vừa khóc vì tiếc “bữa nấu ăn” vừa xong, chưa kịp bưng lên mời mọi người, lại phải dọn ngay…
          Mẹ tôi rất buồn, vì không nhớ được nhà bà Thoa và tên con gái của bà ấy. Mẹ không yên tâm, và không muốn đi Hà Nội nữa… Tôi nói mẹ đưa tôi điện thoại của mẹ, để tôi tìm số điện thoại của bà Thoa. Mẹ đưa điện thoại cho tôi, nhưng điện thoại của mẹ quen dùng phím bấm. Tôi quen dùng smat phôn, nên loay hoay mãi mà không thể tìm được tên của bà Thoa trong điện thoại. Rất may cậu con rể tôi biết cách tìm tên trong điện thoại bấm phím, nên tìm được số điện thoại của bà Thoa.
          Tôi bấm máy để mẹ tôi nói chuyện với bà Thoa. Mẹ tôi nói chuyện khá lâu với bà Thoa trên điện thoại, dặn dò rất tỷ mỷ và hỏi lại bà Thoa đã nghe rõ những điều mẹ tôi nói chưa? Bà Thoa nói: Tôi nghe rõ rồi, bà cứ yên tâm về Hà nội mà chơi với các cháu…   
          Thế là mẹ tôi vui vẻ lên xe về Hà Nội chơi với các cháu. Trên xe cô cháu gái 5 tuổi của tôi vui vẻ, nói chuyện với cụ. Cháu hỏi: Cụ ơi sao lúc nãy con thấy vẻ mặt của cụ buồn thế?
          À cụ buồn, vì lúc nãy cụ quên mất số nhà của bạn cụ; nhưng bây giờ cụ gọi điện thoại được cho cụ ấy rồi, cụ không buồn nữa. Sao cháu biết vẻ mặt cụ buồn, vì lúc ấy cháu đang khóc mà? Con khóc, nhưng con vẫn liếc nhìn thấy cụ buồn. Cụ ơi đừng buồn nữa nhé! Con cũng hay quên mà, hôm qua con đi học về; quên không nhận phiếu “Bé ngoan” đấy!
          Cụ xoa đầu cháu, nói: Cháu của cụ thông minh lắm và quay sang phía mẹ cháu nói:
           Các cụ ngày xưa nói cấm có sai: “Cái gai nhọn, thì nhọn từ bé…”!

         
 Phan Vĩnh Điển
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
              
 
         
 
tin tức liên quan