"Chiến công của Hồ Súng" - Truyện ngắn- Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 07:41 24/09/2024 Lượt xem: 31
CHIẾN CÔNG CỦA HỒ SÚNG
Truyện ngắn- Nguyễn Đại Duẫn
Truyện  đoạt giải khuyến khích Cuộc vận động sáng tác VHNT
Kỷ niệm 420 năm hình thàh tỉnh Quảng Bình(1604-2024)
75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024)
35 năm Ngày tái lập tỉnh(1/7/1989-1/7/2024)
 
       Thằng Súng ra tù, hắn lầm lũi bước đi thật nhanh như cố thoát khỏi nơi đã giam chân hắn mấy năm, những năm tháng tuổi bay nhảy của hắn. Không có ai đón, hắn nói trong sự chống chếnh: “Đếch cần, thằng tù có gì oai phong mà đón  với rước”. Quê hắn ở xã Trường Xuân thuộc xã miền núi xa xôi, nghèo khó, bố mẹ hắn có muốn đón cũng chẳng biết đâu mà lần. Bốn năm ở tù, bố hắn đến thăm chỉ có ba lần. Lần nào đến thăm bố hắn cũng xách theo những cái bao nặng trịch toàn bắp với sắn luộc. Nhưng ở cái miền sơn cước “khỉ ho cò gáy” như quê hắn thì đào đâu ra những thứ cao lương mỹ vị. Thấy thế Súng đuổi khéo bố về bằng giọng nói nặng nề: “Lần sau ông đừng đến nữa!”. Hết giờ thăm phạm nhân, Giám thị trại giam đưa hắn trở lại buồng giam. Bố hắn nghẹn lòng nhìn chằm chằm vào cái cửa chết tiệt đã đóng lại, một lúc rồi trèo lên chiếc xe máy cà tàng. Chiếc xe đưa bố hắn xa dần, xa dần để lại từ phía sau xe một luồng khói dài như khói của chiếc máy cày. Hắn nhìn vợi bố qua cửa sổ buồng giam. Biết gia cảnh nhà vất vả, ra tù hắn chẳng báo cho ai biết, hắn bắt chiếc xe ôm ngược về đường 15A, lên phường Kim Sen quê hắn.
       Ông Sơn dắt chiếc xe máy dựng dưới bóng cây nhãn trước sân. Nghe tiếng kêu “ò… b… ò” rất thảm thương. Ông đi ra vườn. Con bê đầy một năm tuổi, nghếch cái mũi khịt khịt. Nó phì ra một hơi thật dài, nước dãi chảy xuống đầy mép. Cái đầu nó cạ cạ vào dóng gỗ bên chuồng nghe lộc cộc, giương đôi mắt thèm cỏ nhìn ông. Ông Sơn vất cho nó một ôm cỏ khô, múc cho con bê chậu nước. Con bê nhìn ông vẫy vẫy đôi tai như có vẻ cảm ơn rồi vục đầu vào đống cỏ. Ông Sơn đi vào nhà miệng lẩm bẩm: “Lạ nhỉ! Bà nhà đi đâu mà vắng thế này?”. Như sực nhớ, lật đật bỏ vội chiếc mủ lên bàn, ông chạy vào buồng, gọi: “Bà nó đâu rồi. Còn mệt không dậy nổi à?”. Chiều nay, trước khi đi làm ông nghe bà bảo khó thở, tưng tức vùng ngực. Sáng nay trời trở gió, bà Sa ra vườn sớm. Khi trở vào nhà bà rùng mình ớn lạnh, cơn hen phế quản mỗi lúc trở trời lại hành hạ bà. Nghe tiếng chồng về, bà Sa trở mình ngồi dậy. Mới ốm có một ngày mà đôi mắt bà đã trũng sâu tưởng chừng đổ lấp cả bơ gạo. Từ sáng đến giờ bà mới húp được bát cháo loãng. Ông Sơn nhìn vợ, lòng thấy thương bà hơn. Từ ngày thằng Súng vào tù bà ít ăn, ít ngủ già sọm đi, công việc đồng áng trong chừng bê trễ. Ông Sơn ra vườn hái nắm lá hẹ vào để nấu bát cháo trứng cho bà ăn tạm. Bát cháo trứng sền sệt, màu vàng nhạt trên tay đang bốc hơi. Ông đưa miệng phù phù thổi từng thìa đút cho bà. Mùi hẹ quyện với mùi trứng bốc lên thơm lừng, ông lặng đi giây lát nhìn vợ.
       Ông Sơn đang loay hoay dọn dẹp thì nghe tiếng chân người đi nhanh vào nhà. Thằng Súng vất cái túi xách lên bàn nhìn ông Sơn khẽ chào. Hắn ngó quanh quất rồi cất giọng: “Mẹ con đâu?”. Ông Sơn nhìn Súng như lạ lẫm rồi lên tiếng: “Mẹ mày đang ốm nằm trong giường đó”. Súng chạy vào giường nhìn mẹ, hắn cúi xuống nắm bàn tay xương xẩu của bà rồi thở dài: “Khổ thân!”. Bà Sa nghe tiếng thằng Súng về, bà vùng dậy, tươi tỉnh.
       Bữa tối xong, ông Sơn gọi Súng ra bàn trà cất tiếng: “Sao không nhắn tin để bố đi đón mà lặn lội về một mình khổ sở thế này!”. “Tôi đi tù về, đón với rước làm gì!”. Ông Sơn nhìn Súng mắng: “Cái thằng! Mày ăn nói gì vậy? Có là thằng tù thì mày cũng là con của bố. Mà mày cải tạo tốt thì người ta mới cho về trước hạn chứ!”.
       Thằng Súng nhìn thẳng vào mắt ông Sơn thành một tia không chớp: “Tôi là con ông à? Trong tù, tôi nghe người ta nói tôi không phải con của bố mẹ. Tôi là con hoang!”. Bà Sa nãy giờ nghe hai bố con tranh cãi mà lòng bà như lửa đốt. Bà thấy như đang đứng trước bờ vực nếu thằng Súng biết sự thật này. Bà vịn ghế ngồi xuống nhìn thằng Súng: “Ai bảo với con vậy? Bố mẹ là bố mẹ của con mà”. Thằng Súng đứng lên: “Hai người nói đi. Tôi là con ai? Đừng lừa dối tôi nữa”. Nói rồi nó chạy ra vườn. Những giọt nước mắt với những tức tối kìm hãm lâu ngày trong người nó bật lên. Tiếng khóc nghe ồ ồ như đứa mới vỡ giọng. Trong nhà, hai người lặng nhìn nhau.  Nỗi lòng Hồ Sơn giờ đây như có điều gì thật khó tả, ký ức ngày nào chợt ùa về.
       Hồ Sơn lớn lên trên dòng sông Kim Sen. Bản người Vân Kiều nằm bên sườn núi nằm cách xa làng người Kinh một ngoẹo tay. Dân cư thưa thớt, nhà sàn mái tranh chen lẫn mái tôn loang lổ như bàn cờ. Con đường đất lô nhô đá sỏi. Về mùa mưa, những lớp bùn chảy từ trên đồi xuống, nhão nhoét bám đầy chân. Bù lại, quê Sơn có sông núi hữu tình. Mỗi mùa sim chín, đồi sim như ngày hội. Trẻ con, người lớn gùi mang trên lưng thi nhau bứt những quả sim chín mọng, đen sẫm về xuôi bán. Chiều chiều trên bờ đê, những chú bò đủng đỉnh về chuồng. Chiếc mõ buộc ở cổ cất tiếng lốc cốc như đang kéo hoàng hôn xuống núi. Mỗi tối, Sơn chèo chiếc thuyền con cùng với mớ chài lưới lướt nhẹ trên sông. Bóng trăng lồng bóng núi in hình trên dòng sông trong xanh, những vì sao nhấp nháy lung linh. Bên kia bờ văng vẵng tiếng hò khoan của cô thiếu nữ đang níu kéo anh với chiếc thuyền sang bến. Thanh Xuân là công nhân Lâm trường trồng rừng, ở bên kia dòng sông Kim Sen. Xuân thùy mị, xinh đẹp với đường cong của cơ thể đang thì khao khát yêu đương. Xuân thích Sơn từ thân thể cường tráng, bắp tay cuồn cuộn của dân chài lưới. Đêm về, Sơn chèo thuyền sang đón Xuân cùng đi thả lưới. Dưới ánh trăng thanh đôi chân trắng ngần của Xuân đang khỏa sóng làm cho Sơn rạo rực. Khi lưới kéo lên, hai người ngồi bên nhau cùng gỡ cá. Mùi con gái từ ngực Xuân phả hương nồng nàn làm cho Sơn không cưỡng lại được. Những nụ hôn vụng về trao nhau ngọt ngào như dòng nước sông Kim Sen.
       Sơn nhập ngũ vào Bộ đội nơi biên giới xa xôi. Phương tiện đi lại khó khăn, vài tháng hai người chỉ gặp nhau đôi lần. Rồi, một ngày Sơn về phép để ra mắt họ nhà gái thì nghe tin Xuân đã theo chồng về xuôi. Chồng Xuân là ông “sếp” to nơi Lâm trường của cô. Nghe đâu ông ta đã dùng uy quyền ép lấy Xuân về làm lẽ vì ông không có con trai nối dõi. Ông ta mua nhà riêng cho Xuân và lén lút qua lại kẻo sợ bà vợ ghen tuông làm điều dữ. Sống với ông ta mấy năm chui lủi như tội phạm, Xuân thấy tủi nhục trăm phần. Trong lòng Xuân nỗi niềm thương nhớ Sơn khôn tả. Hình bóng Sơn luôn hiện về trong nỗi cô đơn của Xuân, như còn đó nụ hôn ngây ngất ngày nào dưới đêm trăng trên dòng sông hiu hiu gió. Thấy Xuân ngày càng tỏ ra lạnh nhạt, ông ta hành hạ Xuân đủ điều. Mấy lần sẩy thai, biết khó sinh con, ông ta kiếm cớ đuổi Xuân ra khỏi nhà. Ông ta không cần hay biết khi đó Xuân đang mang bầu. Rồi Xuân sinh con thiếu tháng, đứa con sinh ngược nên rất khó. Người yếu, không đủ sức khỏe, sinh con ra thì Xuân băng huyết qua đời.
       Hết nghĩa vụ quân sự, Sơn xuất ngũ về quê. Buồn bã, vì tình duyên không suôn sẽ, theo bạn đi trầm, Sơn bị rắn cắn chân sưng vù. May sao gặp Sa, người ở bản bên đi nấu cơm phục vụ cho “cội trầm” đã cứu giúp, hai người bén duyên và thành vợ thành chồng.
       Bà Sa biết câu chuyện tình của anh chài bên dòng sông Kim Sen, không nên duyên với cô thiếu nữ lâm trường, giờ đây biết Xuân đã mất, đứa con mới sinh ra đã mồ côi làm cho bà thương tình. Bà Sa bàn với ông Sơn và thuyết phục ông đưa thằng bé về nuôi cho vui cửa vui nhà vì hai người đã gần xế bóng mà chưa có mụn con nào. Thằng Súng đó. Hai người thương yêu thằng Súng coi nó như con đẻ. Vậy mà giờ đây nghe thằng Súng hỏi vậy ông Sơn không biết trả lời sao, còn bà Sa thì thấy choáng váng.
       Từ ngày dịch Covid - 19 bùng phát, thanh niên bản Hang Dơi không có việc làm nên thường rủ nhau tụ tập nơi nhà Súng đánh bài. Có ly rượu, bọn chúng sát phạt nhau làm ồn ào cả góc bản đang bình yên. Hắn nói với mấy thanh niên bản: “Chúng mày thích gì cứ chơi cho xã láng. Ông Lợi Công an xã là chú tao, ông ấy không làm gì tao đâu”.
        Nghe tin Súng bị tai nạn xe máy, ông Lợi đến nhà thăm cháu, từ ngoài ngõ ông đã cất tiếng: “Súng đâu rồi? Cháu có bị làm sao không?”. Thằng Súng không nhìn chú, hắn vẫn quay mặt vào vách: “Cháu không sao! Mà chú thăm cháu làm gì cơ chứ. Cháu là thằng tù mà”. “Cháu đừng nói vậy. Tù mà cải tạo tốt là được. Nhưng dạo này chú thấy cháu có những việc làm chưa tốt. Chú nhắc nhở cháu cần thay đổi, nếu không gây tiếng xấu cho ba mẹ, cho chú là không được đâu!”. Như có điều ấm ức trong lòng từ lâu, Súng quay nhìn ông Lợi và tâm sự: “Cháu ra tù, mọi người nhìn cháu với ánh mắt khác lạ. Mà cháu có tội tình gì đâu, chẳng qua là một sự cố ngoài ý muốn. Bây giờ đi đâu họ cũng bảo cháu là đồ thằng tù. Cháu buồn, cháu chán nản nên muốn quậy phá cho hả giận”. Ống Lợi nhìn vào khuôn mặt thật thà và với những tâm sự của Súng, ông đã thấu hiểu nỗi lòng của nó. Ông dịu giọng nói với đứa cháu đáng thương hơn là đáng trách: “Thôi! Chú hiểu, mọi chuyện rồi sẽ qua. Giờ điều trị vết thương cho lành rồi chú giao việc cho làm.”. Ông Sơn nghe hai chú cháu tâm tình lòng ông thấy vui, góp vào: “Phải rồi! Chú phải giúp thằng Súng. Nó không phải con đẻ của tôi nhưng nó mang họ Hồ nhà ta. Đã lỡ vào tù vì tội ham súng đạn, bây giờ ra tù lại lêu lổng, hư hỏng thì nhà ta mang tiếng với bản cả đời”.
       Thực ra tên nó là Ngược, ông Sơn đặt tên cho nó vậy để nhớ đến sự vượt cạn của mẹ nó sau khi sinh ngược. Sở dĩ nó có tên là Súng vì nó hay sưu tầm súng đạn nên người ta gọi mãi thành quen. Có người vui miệng gọi nó là “Súng Ngược”. Khi có lệnh thu hồi súng trong thôn bản, nó vẫn giấu một khẩu. Một sáng mờ sương nó vào rừng để săn thú. Không biết đoảng thế nào nó nhắm bắn vào bụi cây đang động đậy. Tưởng là con thú đi ăn đêm về muộn, ai ngờ trúng một bà đi củi sớm, thế là nó vào tù. 
       Ông Sơn đã tâm sự tất cả sự thật về bố mẹ đẻ cho Súng biết. Từ ngày thằng Súng biết được tung tích và thân phận của mình nó trở nên lầm lì, ít nói. Nhưng nó tỏ ra vâng lời, gần gủi quý trọng bố mẹ nuôi hơn. Ông Sơn  thấy vui cái bụng: “Có thế chứ! Thằng Súng là đứa con ngoan mà. Nó không phải là tội phạm, trộm cướp hay “hút hít”. Chẳng qua là một sự cố do không làm chủ bản thân”.
       Được sự nhất trí của lãnh đạo xã qua sự giới thiệu và bảo đảm của ông Lợi, Súng được phân công vào tổ xung kích an ninh về công tác phòng chống Covid - 19. Công việc đơn giản là gác chắn, kiểm tra người qua lại vùng dịch. Tuy vậy công việc đòi hỏi sự kiên quyết, bản lĩnh và có một ít chuyên môn về thủ tục, giấy tờ. Súng tự nhủ thầm: “Rồi mình sẽ hỏi chú Lợi. Việc gì không hiểu thì hỏi, làm rồi sẽ quen.” Từ ngày có việc làm Súng luôn bận rộn, đám bạn nhậu xa dần. Mấy thanh niên do Súng lôi kéo cờ bài cũng tìm việc để làm. Súng tự hào lắm, đi đâu cũng nghe một tiếng “anh Súng”, hai tiếng “chú Súng”, người nhờ việc này, việc nọ. Ngày đêm Súng say sưa với công việc, quên cả nắng hè nóng bỏng trong lều bạt dựng tạm, có khi lỡ bữa, quên cả đói. Súng cùng với tổ An ninh bản đã ngăn chặn không biết bao vụ vượt chắn trái phép từ vùng đỏ sang vùng xanh và ngược lại; ngăn chặn người vượt biên trái phép từ bên Lào sang, không cho dịch bệnh lây truyền. Việc an toàn vùng dịch trong các thôn bản có nề nếp quy củ, được lãnh đạo xã biểu dương.
       Sau những thành tích tham gia phòng chống Covid -19, Súng được lãnh đạo xã tin tưởng giao việc và cử đi dự lớp tập huấn về nghiệp vụ an ninh do Công an huyện vừa mở. Đợt tập huấn kết thúc, Súng cầm tờ giấy chứng nhận thành tích học tập về khoe với chú Lợi: “Chú xem thành tích học tập loại tốt của cháu đây này. Được chứ chú!” Xong Súng vội cất tờ giấy như sợ ai lấy mất. Súng tích cực công tác thôn bản và được lãnh đạo xã cho tham gia vào “Tổ Nhân dân tự quản về an ninh, trật tự” của bản.
      Một hôm Súng vội vàng tìm gặp ông Lợi để trao đổi một chuyện quan trọng. Giọng hắn vừa dứt khoát nhưng vẫn bộc lộ sự lo lắng: “Chú này! Cháu mới nghe thằng Núi bên bản Hang Chuồn nói, sắp đến hắn sẽ đưa một số người vượt biên. Nói là đi làm việc bên kia biên giới với “việc nhàn, lương cao”. Nhưng khi sang đó bọn chúng sẽ bán cho bọn buôn người”. Ông Lợi dỏng tai, trán nhăn lại, miệng chậc chậc: “Nguy thật! Phải ngăn chặn việc này lại ngay, nếu không mấy người nhẹ dạ kia sẽ không biết hậu quả như thế nào. Vậy theo cháu phải làm sao?”. “Cháu cũng chưa nghĩ  ra. Nhưng việc này phải bí mật chú ạ! Thằng Núi nói với cháu, việc này mà lộ ra thì cháu sẽ mất đầu”. Ông Lợi nhìn đứa cháu với giọng vừa thương cảm vừa trấn an: “Đừng lo! Chú sẽ báo việc này với lãnh đạo xã rồi tìm cách”.
       Một sáng sớm tinh sương, khi con gà rừng đầu bản cất tiếng gáy le te, đoàn công tác gồm có Công an huyện, Bộ đội Biên phòng và công an viên của xã Trường Xuân đã có mặt và triển khai nhiệm vụ. Đội công tác đã nghe tiếng xe máy nổ rì rì trên con đường mòn qua vùng biên giới. Năm chiếc xe máy phân khối lớn chở các đối tượng đang đi vào vòng vây của đội công tác. Hai chiến sĩ biên phòng đóng dân bản đi làm nương sớm đang giả say rượu, vừa đi chếnh choáng giữa đường, vừa giả văng tục để ngăn bọn chúng. Một thằng dẫn đầu dừng xe lại đến cầm tay “lão già”: “Ê! Tránh ra cho bọn này đi, không thì ăn đòn đấy”. Nói vừa dứt lời hắn vung tay đấm vào mặt lão già. Nhanh như cắt, người đóng lão già né đòn, chụp tay hắn bẻ quặt ra sau. Biết bị lộ, bọn còn lại quay xe định chạy thoát. Chưa kịp nổ máy những họng súng đã chỉa về bọn chúng, cả bọn bị bắt gọn một cách nhanh chóng.
       Được khen thưởng về chiến công bắt bọn vượt biên, bán người Súng phấn chấn vô cùng. Sáng nay, Súng chở người yêu xuống phố huyện để mua sắm tư trang. Dựng xe bên đường, Súng thấy có một người quen quen bên chiếc xe ô tô sang trọng đậu gần đó. Quên mất có người yêu đi cùng, Súng lân la đến xin lửa hút thuốc và hai người nhận ra nhau. Thằng này có tên là Lái, một tay chuyên buôn bán “hàng trắng”, hai người quen nhau trong trại tù. Ngựa quen đường cũ, ra tù hắn không chịu bỏ “nghề” mà tiếp tục làm ăn phi pháp. Hai đứa nhắc lại những chuyện trong tù cho đến việc làm ăn… Sau khi bàn bạc, Súng nhận lời dẫn đường cho Lái vượt biên qua xã Trường Xuân để vận chuyển heroin từ Lào sang rồi đưa về thành phố tiêu thụ. Lái tin Súng vì hắn biết tính Súng đã hứa là làm. Và ngày  giờ đã định…
       Cuộc họp khẩn cấp giữa Công an xã Trường Xuân, Công an huyện và Bộ  đội Biên phòng được triển khai. Lực lượng Công an xã phối hợp với Công an huyện và Bộ đôi Biên phòng thực hiện theo phương án đã vạch ra.
Súng và Lái sang Lào đã mấy bữa. Như kế hoạch, hôm nay Súng và Lái sẽ mang hàng về Việt Nam, hai đứa mang gùi ăn mặc theo trang phục người Lào đi từ biên giới về, phía sau hai đứa có thêm mấy người Lào cùng đi. Thấy thằng Lái điềm tĩnh, vừa đi vừa huýt sáo, Súng tự hỏi, không biết thằng Lái làm điều gì trắc ẩn đây? Mà “hàng trắng” hắn bỏ chỗ nào hay giấu trong người hắn, Súng không thể biết. Súng giả vờ vấp hòn đá ngồi xuống xoa xuýt đau để xem thằng Lái có biểu hiện gì. Thằng Lái bước đến lấy chân đá vào mông cuả Súng, hắn nói: “Chuyện nhỏ, đi tiếp thôi!”. Khi bình tĩnh trở lại, Súng nói với Lái như để thăm dò: “Tao thấy như có điều gì bất an Lái ạ. Nghe chú tao bảo hôm nay có đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng đi kiểm tra biên giới”. Thằng Lái tỉnh bơ: “Không có gì phải lo! Rồi việc đâu sẽ vào đấy”.
       Vừa đặt chân lên đất Việt Nam, những họng súng đen ngòm đã ngăn đoàn người dừng lại. Mấy người đi phía sau bỏ chạy, nhưng cũng không thoát được sự vây bắt. Súng thấy chột dạ, không biết có chuyện gì đây mà thằng Lái vẫn bình tỉnh, ung dung. Khi đoàn công tác đến kiểm tra hành lý của mọi người, ai cũng ngơ ngác, ngạc nhiên. Không có gì ngoài mấy bộ quần áo, dụng cụ làm nương. Thằng Lái bình thản trước đội công tác của Bộ đội Biên phòng: “Chúng tôi đi làm ăn về, có giấy tờ hẵn hoi. Các ông thả người để chúng tôi đi”.
       Đội công tác của Công an Huyện, Bộ đội Biên phòng và Công an xã họp bàn, đánh giá sự lanh ma của thằng Lái. Nó là thằng dạn dày trong việc làm ăn phi pháp nên tinh khôn như con cáo già. Rồi mọi người cùng nhau rút kinh nghiệm bàn bạc kế hoạch mới.
       Vài hôm sau, Lái tìm gặp Súng nó hí hững: “Đấy mày thấy chưa! Đối với công an phải biết đánh lừa, để họ không để ý gì đến mình. Thế mới cao thủ”. Rồi hai đứa thầm thì to nhỏ chuyện gì đó.
       Sau khi nghe Súng báo cáo tình hình, ngày giờ và kế hoạch qua Lào mua  heroin của Lái, Công an huyện, Bộ đội  Biên phòng, Công an xã lại một lần nữa họp bàn phương án hành động và thành lập “Đội công tác đặc biệt”.
       Không biết có chuyện gì, tối nay thằng Lái bí mật đến gặp Súng. Thằng Lái to nhỏ kế hoạch với Súng, một lúc nó bảo: “Chúng ta thay đổi kế hoạch, phải đi ngay đêm nay không chờ đến tuần sau nữa. Chúng ta không đi theo đường tắt nơi Hang Dơi như đã bàn mà đi theo lối mòn từ đường Hang Chuồn”. Súng nghe Lái nói xong, mặt trắng bệch ra. May trời đang tranh tối, tranh sáng nếu không cũng bị thằng Lái phát hiện. Làm sao để báo cho “Đội công tác đặc biệt” biết thằng Lái đã thay đổi kế hoạch bây giờ. Súng phấp phỏm lo âu nhưng chưa nghĩ ra cách gì. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, nó bảo với thằng Lái là đi vệ sinh kẻo nó đang mót quá. Vào nhà vệ sinh, Súng đổ cả bao bột xà phòng xuống nền nhà tắm và viết mấy chữ: “Bố báo chú Lợi biết, tối nay con đi…”.
       Hai đứa lầm lũi đi trong đêm tối, nhẹ nhàng cẩn trọng. Thỉnh thoảng con chó nhà ai đánh hơi cất tiếng sủa đổng. Bóng hai đứa xa dần, chìm vào sương khuya. Thằng Lái nói với Súng: “Chắc khoảng ba, bốn giờ sáng là nhận hàng, và chúng ta  quay về xã Trường Xuân khoảng năm giờ tối. Thời gian đó chẳng ai nghi ngờ, nếu gặp ai thì nói đi nương về muộn”. Rồi thằng Lái nhìn Súng với vẻ thận trọng: “Mày có chắc không ai theo dõi chứ? Tao tin mày mới giao nhiệm vụ  này. Xong việc tao sẽ thưởng cho mày tiền, rất nhiều tiền. Nhưng mà vụ này lộ ra thì - hắn đưa khẩu súng sau lưng cho Súng xem - thì thưởng cho mày một viên làm kỷ niệm”. Thằng Súng bình thản đáp: “Mày yên tâm đi, không sao đâu, chúng mình làm được mà”.
       Tim thằng Súng giờ đây đập thùng thình như muốn văng ra ngoài. Không biết chú Lợi đã biết tin chưa? Các anh trong “Đội công tác đặc biệt” đã biết thằng Lái thay đổi kế hoạch chưa? Bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu Súng. Đúng là thằng này tinh quái thật. Đi được một quãng, thằng Lái lục túi quần của Súng xem có vũ khí gì không, rồi nó lấy chiếc điện thoại của Súng vứt vào bụi.
       Sau khi nhận được tin báo của ông Lợi, “Đội công tác đặc biệt” thực hiện phương án mới và triển khai hành động. Núi rừng đang chìm đắm trong mịt mù sương khuya. Chỉ có tiếng gió thỉnh thoảng thoáng qua xào xạc lá cây rừng. Mọi cảnh vật im lìm trong giấc ngủ. Chỉ có các chiến sĩ trong “Đội công tác đặc biệt” mắt thao láo chờ đợi sự xuất hiện của bọn buôn bán “hàng trắng”.
       Lái và Súng đã đến biên giới Việt - Lào, tín hiệu giao hàng được thực hiện. Một đứa trong bọn bán heroin bên phía Lào tay lăm lăm súng ngắn, một đứa xách túi hàng. Bên này thằng Lái tay cũng giữ chặt súng, còn Súng thì cầm túi xách tiền. Khi hai bên đang trao hàng và giao tiền thì nhiều ánh đèn pin sáng lóa bật lên, có tiếng quát to: “Tất cả đứng im! Chúng mày đã bị bao vây”. Mấy tên người Lào bỏ chạy nhưng không thoát nòng súng của Bộ đội Biên phòng. Thằng Laí rút súng chỉa vào mặt Súng, hắn trợn mắt, tay run run: “Đồ phản bội”. Súng nhanh chân quay lưng bỏ chạy. Lái nhắm theo bóng Súng qua ánh đèn pin bóp cò. “Đoàng”, viên đạn cắm phập vào bắp tay của Súng. Mọi người chạy lại cấp cứu băng bó cho Súng. Thằng Lái lựa thế bỏ chạy. Nhưng không kịp nữa rồi, một hòn đá to bằng quả xoài từ tay ông Lợi bay vèo trúng đầu Lái, một tia máu phụt ra, Thằng Lái ôm đầu nằm vật xuống.
 
***
       Súng xuất viện sau gần một tháng điều trị vết thương. Ngày mai, súng được Công an huyện mời dự và báo cáo thành tích trong hội nghị tổng kết công tác “Tổ Nhân dân tự quản về an ninh, trật tự” của huyện. Súng rất phấn khởi và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình cùng đồng đội đã vượt qua những tháng ngày vất vả mới có được thành tích hôm nay. Khuôn mặt rạng rỡ hiện lên như ngày nào được vào “Tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự” của bản. Lòng Súng đang rạo rực ngồi bên trang giấy, anh phân vân chưa biết mình nên viết gì để ngày mai báo cáo trước hội nghị.
       Ngoài kia ngọn gió xuân đang rung rinh cành mai. Những cánh hoa vàng  theo giói rơi nhè nhẹ như đàn bướm trước hiên nhà. Tiếng chim họa mi lảnh lót đầu vườn đang báo hiệu một ngày xuân đẹp trời.
 
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐT : 0977194533.

tin tức liên quan