Bản tình ca - Thơm thảo quê nhà - Bình văn: Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 09:09 29/10/2024 Lượt xem: 36
BẢN TÌNH CA – THẢO THƠM QUÊ NHÀ 
(Viết về cuốn tản văn Thảo thơm quê nhà của nhà văn Nguyễn Bổng – Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
                                                                    
                                                                  
          ‘Sách là thế giới”. Tôi đã từng nghe ai đó nói như vậy. Mỗi cuốn sách đều như một thế giới thu nhỏ cho ta cảm nhận mọi điều. Đối với tôi, cuốn tản văn Thảo thơm quê nhà của nhà văn Nguyễn Bổng như một thế giới thu nhỏ về làng quê anh. Con người sinh ra từ bùn đất, hơn ba mươi năm trong vai trò Bí thư Đảng ủy, chủ tịch xã Hải Tây đem tài năng, sức lực cống hiến cho quê hương, để chất liệu đồng quê ngồn ngộn trên từng trang viết của anh. Nếu trong các tập truyện ngắn Dế ra đồng, Của thiên trả địa, Nguyễn Bổng xông xáo vào mọi ngóc ngách đời sống nơi làng quê bình dị vạch trần những mưu mô toan tính, những cơn sóng ngầm của những kẻ lợi dụng chức quyền, làm giàu trên mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc thì với Thảo thơm quê nhà, anh đã tấu lên bản nhạc đồng quê với những nốt nhạc trong trẻo, ngọt ngào.
          Tập Tản văn Thảo thơm quê nhà gồm 47 tác phẩm được nhà văn chọn ra từ hơn 100 bài viết với các thể ký, tùy bút, ghi chép, tản văn từ năm 1980 đến nay 2020 đã đăng trên các báo Trung ương và địa phương. Có bài được vào giải của các cuộc thi của các báo nên tập sách này là tập hợp nhiều thể loại, đan xen tản văn, ký, tùy bút. Mỗi bài viết như dẫn dụ người đọc về với mảnh đất nơi đầu sóng, mê mải nương theo khúc nhạc đồng quê. Khúc nhạc ấy đưa ta về với ngày xuân xôn xao trong những làn mưa xuân phơi phới bay để Đụng lợn ăn Tết mà thấy hương vị của chiều ba mươi ngọt nơi đầu lưỡi, rồi lan man xà vào, ngắm nghía những chú gà chọi mà nhớ về Thú chơi gà chọi ngày xưa. Ngày xuân, không thể không nói đến thú chơi hoa. Thì đây, hãy cùng nhà văn Thưởng tiệc lan, nghe anh Ngày xuân tản mạn về lan đào cơ, ngắm nhìn những cánh hoa Lan hoàng vũ: “là loài lan trong bộ “Ngũ lan vương giả”, quý phái, nhuần nhị, lá trường lườn cong đều, đuôi khẽ vặn uốn mềm mại ôm đều công bằng quanh vành chậu, màu sáng đẹp, chắc nanh, ăn khỏe, đẻ ngoan, tỏi mẩy, bệ bền, áo cao. Khi sinh thực, cần hoa vừa phải lao thẳng vững vàng, không quá mập như đại mặc, thoát trần không ngất như hoàng cẩm tố, không thấp tè ẩn hoa như tứ quý, đại kiều, thanh vũ, đào cơ. Hoa màu vàng chanh sáng, đài khỏe, hương dai, hoa khi nở bung đều cả năm cánh và cũng là hoa lớn nhất so với các loài lan. Cánh hoa thiết kế hợp lý, thường nở cánh thứ hai trong cần hoa tính từ dưới lên. Hai cánh chủ như mũ cánh chuồn, xuôn vai, luồn thêm tả hữu đối xứng đôi tai, môi lưỡi có độ cong đầy đặn, phấn dầy, ngọc tỏ, bền hương sống động kiêu sa, vừa kín đáo cúi  chào vừa gợi mở từ khi bổng tép, hàm tiếu đến mãn khai.” Người bình thường chỉ khen hương, khen sắc của hoa. Còn anh như thấy được cả gốc rễ ẩn sâu dưới lòng đất đang cựa quậy, thấy cánh hoa nở bung như đang thầm thì với anh những gì nó có, để viết được những câu văn tài tình đến thế.
         Theo chân Nguyễn Bổng, ta về với những Chiều vơi xa lắm, ngắm vũ điệu của những làn Khói bếp. Mà lạ. Những làn khói trong cái nhìn của nhà văn hình như cũng có số phận với bao thăng trầm của cuộc đời: “Này nhé, người đơn thân ăn uống chả là bao, ngọn khói cũng co ro hắt hiu, gầy yếu, chỉ đủ sức dựa hời hợt, run rẩy, rụt rè mon men trên mái rạ rồi lặn dần. Khói nhà giàu thì: “…đậm đặc hơn, xoáy tròn cuộn thành những đường cong xấn xổ vời ra tận cửa, liếm bò hết mái, thừa thãi lòa ra tận giàn bí giàn bầu nhảy múa phiêu bồng.” Từ căn bếp đến Ao quê  chỉ vài bước chân, nơi lưu giữ một trời kỉ niệm: “Cái ao, với tuổi thơ tôi như một cổ tích, như một huyền thoại. Nhón móng cò đội nắng bắt con chuồn chuồn ngô cắn rốn đến chảy máu, để tôi như chú ếch con tập nhoài trên cây chuối, rồi buông tập lặn, tập bơi đến sặc nước, mắt đỏ như cá rói mới vượt qua cái ao mươi bước. Những ngày hè nóng nực, ao đục như bát đất bởi lũ chúng tôi quần thảo, lặn ngụp, mò con ốc con cua, có lúc hứng lên còn sơn bùn lên đầu làm quỷ, giả ma chỉ hở hai con mắt, rồi cứ trần truồng giồng cây chuối hoặc trèo lên cây sung, mồm hô một, hai, ba, và cùng nhau nhảy cắm đầu xuống nước.”  Rồi tản mạn qua từng ngõ xóm rợp bóng tre xanh, dừng chân trên bến Sông quê mà thấy: “Tôi như mảnh trăng đầu tháng, như chú chim ra ràng, như con thuyền nhỏ giữa mênh mông mênh mông sông nước, vẫn còn nghe xào xạc lũy tre làng, nhớ dáng mẹ nón mê lặn lội đồng sâu ruộng hạn, vai áo vá của cha bạc màu nắng gió, những đường cày một nắng hai sương. Dẫu mùa màng chưa no đủ, hạt cơm vẫn là hạt ngọc, hạt thóc là hạt vàng, có mồ hôi cha, có bồ đầy ca dao của mẹ thấm đẫm phù sa ru ta thành người, sao ta có quyền gì nỡ bội bạc lãng quên sông!” Rời bến sông quê, ta lặng yên cùng anh tìm về với tiếng giã gạo canh khuya trong thổn thức Cối giã gạo ơi khi một trời kỉ niệm ùa về, lắng nghe Tiếng gọi con cuốc cuốc não lòng mà sao thấy trống vắng, lẻ loi, thấy một kiếp người trong tiếng rao: Ai cối không?
          Bản giao hưởng đồng quê ngân nga, sâu lắng hơn trong tập tản văn với hương vị ngọt ngào của những món ăn. Hình như anh nắm bắt được cái hồn vía của vùng đất Hải Hậu. Mỗi tản văn của anh, dù viết về bất cứ điều gì cũng mang thần thái, linh hồn với những đắng cay, ngọt bùi của con người, như bức thông điệp gửi đất trời. Những tấm bánh của vùng đất này sao thấm đượm ân tình đến thế. Bởi nó như được chắt lọc từ năm nắng, mười sương, thấm đẫm hương vị của đất trời. Này đây tấm Bánh chưng bà Thìn: “ Sau lớp lá lành đùm lá rách của dong là những hạt ngọc bọc nhân, bọc cái hồn của đất, cái hảo tâm ban tặng của trời, cái nền nếp tảo tần, cẩn trọng của người làm ra”.  Này đây một miếng Bánh nhãn Hải Hậu “giòn tan, ngọt mát với chất liệu chắt lọc từ hồn đất, hương trời…bé xíu thôi nhưng: “… biết giữ cái hồn của đất, cái linh khí tinh khiết của trời đã nhuần nhuyễn trong hương lúa tám, luá nếp để sáng tạo, làm nên bản sắc văn hóa cho riêng mình.” Và đây nữa, món Bánh đúc dân dã, thơm thảo của tuổi thơ anh “Có thể để cả gạo hạt cho ninh nhừ tới độ, tra thêm ít nước vôi, hàn the, búng thêm nhúm muối đánh thật nhuyễn đổ ra dần sàng có lót lá chuối ngay từ tối... Mầu xanh in hình gân lá chuối, vị thơm nồng của vôi, ngòn ngọt mằn mặn nằng nặng đặc trưng của mắm, lựt sựt dai dai của hàn the, ăn kèm rau cải già muối dưa, hoặc ngọn muống, ngọn lang luộc là xong bữa sáng dân dã.” Những tấm bánh ấy không chỉ là món quà tặng tuyệt vời thấm đẫm hương đồng gió nội hòa quyện vào nhau mà còn là một phần hồn của miền quê Hải Hậu.
       Muốn hưởng thức món ăn Hải Hậu để hiểu nó đến tận cùng không phải theo lời hẹn để khi đến là ngồi vào mâm, mà phải tỉ mẩn cùng anh lang thang từng góc ruộng, bờ tre, hái từng chiếc lá làm bánh, cất từng vó tép, câu từng con cáy, đào từng củ Dong riềng quê tôi, cùng đi Cất tép đồng, nhưng nhớ là: “Khi tiếp cận gần vó, khẽ luồn đầu cần dưới óc vó và vừa cất, vừa kéo vó vào lòng thật gọn nhanh, chiếc cần khẽ vòng xuống, chờ cho rốn vó sắp lên khỏi mặt nước ta dằn cần lại, như mớm phanh có độ dừng, để vó không tâng bung lên hất tép ra ngoài.” Cùng đi câu cáy, nhưng nhớ là phải: “ nhẹ nhàng, khéo léo nhón chân, mắt dõi theo sự cảnh giác di chuyển của mục tiêu. Từ từ buông và nhắp cần câu, nâng lên, hạ xuống mồi nhử, làm động tác như con mồi còn sống, vô tình khiêu khích sự tò mò của hai mắt cáy hình que đang dương lên ngọ nguậy như đôi ăng ten chuyên dùng. Khi thấy chắc ăn, cáy khẽ di chuyển tiếp cận con mồi. Nó dừng một lát như để kiểm tra độ tin cậy, cho đến khi hai cái mắt kia dựng đứng là đôi càng chắc khỏe như máy chém sẽ quyết định thực hiện bản năng vồ mồi quen thuộc chỉ trong chớp mắt.” Cáy đã đầy giỏ, trong chiều đông nơi đồng quê, cùng hít hà hương vị của Khoai lang nướng mà thấy cái nghệ thuật nướng khoai của nhà văn sinh ra từ bùn đất sao điệu nghệ đến thế: “Ta nhẹ nhàng tặng cho mỗi củ một tờ giấy, cuộn lại, vặn xắn kín hai đầu củ như cái kẹo. Đống rấm trấu hoặc rơm rạ đã đốt sẵn đang ủ trong mình độ nóng âm ỷ, ta vùi sâu từng củ khoai vào đó. Dặt thật chặt lớp tro nóng sao cho cháy âm ỷ để khoai chín dần, chín dần. Phần nước đã cạn kiệt trong củ sẽ làm biến đổi thần kỳ chất bột đường cô đặc lại hóa thân thành một mùi thơm ngòn ngọt, ngầy ngậy, bùi bùi quyến rũ đến thổn thức. Trình độ tay nghề phải đạt, vừa chín nhục trong ruột, nhưng không cháy áo ngoài, vỏ khoai chuyển mầu vàng nhăn nheo rồi đóng giáp vàng sậm ta mới cời ra.”
        Bây giờ bữa tiệc của ta bắt đầu bằng chai Rượu Xương Điền “Cái mùi thơm quyến rũ khẽ xông lên mũi, tráng qua khoang xoang lên trán, khi rượu ngấm vào chân răng, lan ra vòm miệng cùng độ nhạy cảm của đầu lưỡi thẩm định giữ lại rồi mới từ từ lan sâu vào mãi, sau cùng mới là cái khà nhẹ.”  tỏa mùi thơm quyến rũ trong văn vắt bên tràn ngập các món ăn từ cá. Những món ăn mà chỉ cần gọi tên thôi cũng khiến bao người thèm muốn. Này đây đĩa Cá mè nướng, Cá trạch kho tộ đặt cạnh đĩa Nem Tung. Đĩa Nộm hoa chuối bắt mắt bên đĩa Rau muống xào cua rạm chỉ riêng đất Hải Hậu mới có cách chế biến độc đáo. Này đây bát Canh dưa nấu cá trê, Canh cải nấu cá rô, Bánh đa cua đặt cạnh nồi Lẩu cá khoai, đặc sản của vùng biển sáng Hải Hậu. Đây là bát canh khoaidẻo nhuyễn sền sệt đang biến đổi kỳ diệu với ngầy ngậy của mỡ, cay nóng ấm của gừng, thơm nưng nức của hành, mát lành hắc nhẹ của ngổ, thìa là, giòn của rau bớp, cái dai giòn lựt sựt của ruột ốc, dẻo quẹn của khoai, sự réo gọi của dạ dầy không làm ta kìm chế được nữa.”Rồi cái món chuột đồng, mới nghe tên đã thấy sợ, nhưng hãy nghe cách kể, cách tả của nhà văn, ta lại tò mò, muốn thử xem sao: “Thịt chắc mà không khô, mềm mà không nhũn, béo mà không ngấy, giòn ngọt mà không cứng sắc. Đưa một hớp rượu nếp miếng ngon làm thổn thức cả lục phủ ngũ tạng, sướng râm ran như đang chơi vơi thả hồn theo giọng hò mái dài mái đẩy trên sông Hương thơ mộng gió mát trăng thanh, như câu vọng cổ xuống xề, như câu hò lướt thướt tha vời vợi vùng sông nước Cửu Long.” Không hiểu sao đến đây, tôi chợt câu ca dao cổ:“Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng” Chỉ một câu trong bài ca dao, nhà văn đã bày ra trước mắt người đọc một món ăn sang trọng với “Miếng thịt đùi cầy tơ, cái đuôi luộc béo ngọt, giòn thái còn nóng hổi, gắp chấm mắm tôm chanh ớt tưởng đã đủ, nào ngờ đôi đũa ông nào cũng huơ lên, múa mãi trong mâm, gảy đống rau thơm mà tìm miếng riềng nếp bánh tẻ sống cắn một miếng. Mùi riềng gọi nước miếng tứa ra, xông lên khoang mũi cay cay, thơm rất riêng làm cho miếng da giòn giòn, miếng thịt càng nhuyễn ra trong khoang miệng rồi từ từ trôi vào huyết quản. Cái mùi thịt chó mà quyện mùi riềng, mẻ, mắm nó hỗ trợ, tương tác, tôn nhau cùng tợp rượu quốc lủi đội mũ lá sẽ thăng hoa lên tới đỉnh làm lấng khấng đầu não, đánh rão chân tay, đánh tê dạ dầy, đánh nóng mạch máu, nó làm ta sướng âm ỷ, ngân nga trong bộ ba ấy, nếu thiếu đi một thứ mà nhất là riềng thì khác gì nghe giọng nghệ sỹ Linh Nhâm ngâm thơ không có tiếng độc huyền hóa thân vào đó.” Ôi. Đơn giản vậy thôi mà sao nhắc đến người ta dường như cảm nhận được cái sức hút mê hồn của món ăn nơi đầu lưỡi. Những món ăn dân dã mới nhìn đã thấy muốn ăn. Chưa ăn đã thấy nhớ bởi người đầu bếp tài ba Nguyễn Bổng thổi hồn mình vào đó, thiên biến vạn hóa, để mỗi món ăn không phải những món sơn hào hải vị mà là những món thổ hào thổ địa, thấm đẫm hương đồng cỏ nội mà còn ẩn chứa cả tình người trong đó.  Hơn nữa, bằng tài năng thuyết minh, giới thiệu không ai sánh bằng, nhà văn Nguyễn Bổng đã chỉ cho ta cách nâng niu tận hưởng hương vị đặc biệt của từng món ăn với những nguyên liệu từ lúc còn phôi thai đến cả quá trình chế biến để cảm nhận hết cái hương đất, tình người Hải Hậu trong đó.
         Thảo thơm quê nhà được hoài thai từ khi theo chân người lính mới 17 tuổi đã xung phong ra trận với bao ngày ăn gió nằm sương, chịu bao mưa bom bão đạn, khi rời quân ngũ, anh trở thành người cán bộ trong suốt hơn 30 năm hết lòng vì dân không quản ngày đêm lặn lội trên đồng cạn, dưới đồng sâu để thuộc từng ngõ ngách, rõ từng gốc cây, ngọn cỏ, để  tích lũy biết bao kinh nghiệm, bao bài học đắt giá. Nhưng nói gì thì nói, cái chất nhà nông vẫn ăn sâu trong từng tế bào của anh, tỏa ra trên từng trang sách trong mạch cảm xúc đằm thắm sâu lắng tình người với những câu văn khi dài khi ngắn, lúc trầm lắng khi dạt dào cảm xúc với cách kể chuyện như lời thủ thỉ tâm tình. Trên mỗi trang viết  là hình ảnh một Hải Hậu nguyên sơ với những con người chân chất mộc mạc, với những cảnh sắc đơn sơ, giản dị giữa không gian êm ả, thanh bình quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Vốn sống trong những trang viết của anh ngồn ngộn, chứa đầy cảm thức thời gian, thế thái nhân tình. Đắm chìm một tình yêu thuần khiết với làng quê, từ con tép, con cáy, hạt lúa rụng rơi đến nhưng ngọn khói lam chiều vương trên mái rạ, anh tạo dựng cả một không gian yên bình của làng quê Hải Hậu khiến ta thêm mến, thêm yêu, thêm mong ước một lần được thưởng thức những món ăn dân dã nơi đây.
        Thảo thơm quê nhà là tâm hồn, là trái tim Nguyễn Bổng dành trọn vẹn cho nơi anh gắn bó cả cuộc đời mình. Anh như người nghệ sỹ tài hoa trong nhiều vai trò khác nhau. Đang là nhà thơ với những câu thơ văn xuôi man mác trên dòng sông quê, nơi ao quê, thoắt cái anh đã trở thành nhà hiền triết với những suy tư  mang tính triết lý qua những ngọn khói lam chiều quấn quít, có hương sắc, có số phận. Đôi khi chỉ cần vài ba dòng, vài ba câu mà gợi được cả hình ảnh Hải Hậu xưa, không phải ở những khung cảnh sôi động, ồn ào, không phải ở những vấn đề xã hội gay gắt mà ở một góc khuất lặng lẽ nào đó, và chỉ người nào gắn bó lắm, yêu lắm mới có thể nhận ra. Với lối hành văn mộc mạc, nhẹ nhàng, thanh thoát, Nguyễn Bổng đã làm đẹp hơn, làm lung linh những cái tưởng chừng bình thường, thể hiện tấm lòng trân trọng của nhà văn đối với văn hoá và quá khứ của Hải Hậu. Anh đủng đỉnh, trầm tĩnh tìm lại mình từ cái thuở chân đất đầu trần(Giỗ bố) với những còn-mất-được-thua kí thác, gửi gắm vào từng ngôn từ mộc mạc, chân thành, đầy ắp nghĩa tình  đa mang, đa sự, đa cảm, đa tình. Anh viết bằng cả sự rung cảm của trái tim một đời gắn với đất đai. Anh hóa thân vào đất trời, cỏ cây hoa lá để quan sát, lắng nghe, chiêm nghiệm. Anh lắng nghe tiếng cựa mình của đất, tiếng thì thầm của hoa lá, cỏ cây, tiếng thở của dòng sông, ao làng cùng với sự thăm thẳm của những suy tư, chiêm nghiệm để  những trang viết luôn đan xen giữa hai bờ quá khứ, hiện tại. Anh khao khát tìm lại quá khứ đã ngủ yên, quay quắt trước những gì đã mai một, đắng đót vị đời.
          Với Thảo thơm quê nhà, Nguyễn Bổng đã tặng độc giả một tấm vé đặc biệt. Tấm vé đó nhuốm màu dĩ vãng của vùng đất anh hùng, địa linh nhân kiệt, chứa đựng hơi thở vừa rêu phong, cổ kính, vừa hiện đại, dễ gần, dễ mến, đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi nghiệm ra chỉ có sống thật, sống tốt, sống bằng cả những trải nghiệm rút ra từ cuộc đời mình mới có thể viết được những trang văn mà ở đó ta thấy vị hăng nồng của đồng ruộng đang hoai, của muối mặn gừng cay, vị đắng đót của dâu bể. Và trên tất cả là cuộc sống đang cựa quậy, sinh sôi.

         Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan