ẢO VỌNG

Ngày đăng: 10:36 28/11/2024 Lượt xem: 8
ẢO VỌNG
          Lâu lắm, rất là lâu rồi nó mới quay lại nơi này- Cái nơi mà gần một trăm đứa con gái nông thôn tụ lại thành đại đội Thanh niên xung phong, ở giữa trọng điểm, xao xác như đàn chim non gặp bão. Ngày ấy, rừng còn rậm lắm và cũng nhộn nhịp lắm. Bom rơi ban ngày, đạn cắm lúc nửa đêm. Cả một khu rừng lúc nào cũng ồn ã với tất cả các loại âm thanh quyện vào nhau ầm ầm, ào ào. Bây giờ yên ắng quá. Rừng cũng thưa nhiều. Nhưng có vẻ âm u hơn. Gió thổi cũng xao xác, lạnh lẽo hơn. Cây búng báng, rau tầu bay- một thời là thức ăn không thể thiếu, giờ mọc tràn lan, chả ai thèm để ý.
          - Em đây. Em về với các anh, các chị đây. Các anh, các chị ơi.
          Từ hốc đá, trên cây cao, dưới khe sâu bật lên những bước chân rậm rịch.     - Mày mất hút suốt từ ngày ấy. Chúng tao chờ, chờ mãi. Chờ đến vô vọng. - Em có quên đâu, nhưng em không thể nào thoát ra khỏi ngôi mộ ốp đá màu mận chín, giữa nghĩa trang liệt sỹ hoành tráng. Cứ nghĩ được về với quê hương, được thắp hương thờ cúng thì có thể đi muôn nơi, có thể đến báo cho gia đình các anh, các chị, thậm chí có thể dẫn họ đến đây. Nhưng không phải thế. Em chưa thể ra khỏi đó, bởi những lỗi em mắc phải. Mới hôm qua em mới được siêu thoát, được tự do và hôm nay em đã đến đây. Đến với những người thương yêu cũng như căm ghét em.
          - Chúng tao chả trách mày. Cũng không trách những người còn sống. Họ hứa đấy nhưng còn biết bao nhiêu thứ ràng buộc. Với lại, chúng tao cũng quen rồi. Ở đây đã thành bản làng. Thích thì về ở với nhau. Chỉ tiếc là không thể sinh con. Mày kể đi, ngoài đó thế nào? Đã hoàn thành chỉ tiêu chưa? Có thương yêu nhau không? Hàng loạt những câu hỏi bủa vây nó. Nó không biết phải trả lời thế nào.
          Gã lên tiếng gỡ thế bí cho nó: “Thôi nào. Để cho em nó nghỉ. Từ từ rồi sẽ biết hết”. “Em về nhà anh”.- Gã quay sang nó.- “Nhà” anh ở bên kia.- Gã chỉ sang chiếc hang có chiếc cửa đen ngòm như khoang miệng của mụ phù thủy già rụng hết răng. Nó lập bập bước theo. Giật bắn mình, nước suối lạnh toát thốn từ chân ngược lên tới óc. Nó đưa mắt nhìn. Gã vẫn lội phăm phăm, phởn chí còn giơ chân đá, nước bắn tung tóe. “Trót...th..ì..bóp. Trót...r..ồ..i... th...ì...b..ó..p...đ..i...”. “Bắt ..cô.. trói.. cột”. Bắt... ngay...trói...cột”. “Giết, giết”. “Ha...há”. “Đoác... đoác”. Những âm thanh ma quái, rùng rợn, trộn lẫn mùi tanh tưởi, lạnh lẽo bay từ hang ra, từ rừng sâu tới. “Từ hôm nay con không còn là ma, nhưng cũng chưa thoát kiếp”.- Hòa thượng sau khi đọc kinh cầu siêu cho nó đã nói như thế... Con suối này nó biết, không khác so với mấy chục năm trước. Nước trong leo lẻo, không có sự sống. Chất khai quang, những lớp lá mục có độc tố đã giết chết mọi sinh vật. Vậy mà, những người phụ nữ vẫn ngày ngày đằm mình, múc nước nấu ăn. Chỉ một thời gian, những lọn tóc thi nhau rơi xuống. Có một điều kì lạ, dường như ăn, uống thứ nước ấy, ham muốn lại tăng lên. Họ ôm nhau, khi cười, lúc khóc.
          Gã là số ít con trai trong đại đội. Gã phát cuồng khi nhìn thấy nó đẩy xe cút kít. Đôi mắt lúng liếng, rừng rực như thiêu đốt. Bộ ngực “thả rông”, lắc sang trái, lăng sang phải, lúc nâng lên, khi hạ xuống. Không phải “khiêu khích” mà vì nó không thể mặc cái gọi là xu chiêng quân nhu- loại được chần nhiều lớp như những đường bình độ đan khít, cứng như mo cau. Một lần ngồi xuống giường, gã vô tình ngồi phải đã bật nhẩy lên tưởng như ngồi phải mảnh bom. Gã có cảm tình với nó. Nó cũng vậy. Cả hai đều giấu sự bồn chồn, thấp thỏm trong từng lời nói, bước đi, nhưng nó biết chỉ còn vấn đề thời gian. Không biết gã có dám dũng cảm nói ra hay không? Gã là của hiếm trong cộng đồng phụ nữ ấy. Lúc nào cũng bị cả trăm đôi mắt bủa vây. Nhiều người tỏ ra thích gã ra mặt, có phần lộ liễu, thô ráp nhưng chỉ cần khác ý hoặc ai đó muốn độc chiếm, là lập tức xảy ra chuyện. Là người phụ trách gã hiểu rõ hơn ai hết. Thói đời, càng kiềm chế, càng day dứt như lò xo bị ép, như lò hơi bị nén. Gã đã phạm sai lầm khi cùng một người con gái mắc kẹt trong hang, khi con lũ dâng cao bất thường.
          - Này em! Đến tận lúc này anh vẫn không thể nào hiểu được tại sao bỗng dưng em lại lạnh lùng với anh như thế.- Gã lên tiếng.
          - Anh có làm điều gì khuất tất với em không?
          Gã ngần ngừ: “Kể ra cũng có, nhưng không cố ý”.
          - Ngày ấy, em vô tình chứng kiến hai người trong hang này.- Nó thì thầm. Em nhìn rõ cô ấy nằm giang tay giữa hang, hai vạt áo phanh ra. Vạt áo thâm thâm, da thịt trắng, trắng lắm, chỉ có hai núm đen đen và hình như cũng to quá cỡ. Em rùng mình nghĩ đến con lợn bị phanh ra. Em thầm cầu mong anh cũng liên tưởng như thế và sẽ vượt qua được ham muốn. Nhưng không. Anh chồm lên, áp chặt môi vào miệng rồi ngậm chặt lấy cái núm đen, to quá cỡ ấy. Hai tay anh nhồi lên thụt xuống. Cái lưng của anh chuyển động bất thường, hai chân cào cào như bơi cạn. Em giật mình khi cô ấy gào lên một tiếng chói tai, vội vàng bỏ chạy qua một cửa hang khác. Lang thang trong rừng, giữa lúc cơn mưa đổ xuống rầm rầm. Ngọn thác ngày thường êm dịu, du dương như tiếng đàn môi, giờ gầm rít, tung bọt như trăm ngàn con ngựa đang tung vó. Em bịt chặt tai, dường như vẫn nghe tiếng gào thét của hai người. Ba ngày sau em mới trở về đơn vị. Anh thi hành kỉ luật em, đưa em ra gác trọng điểm- chỗ được gọi là nơi trú ngụ của tử thần. Không sai, nhưng em không phục. Em không nói với ai, chuyện nhìn thấy trong hang. Em tránh mặt anh, đơn giản vì anh không xứng đáng là thần tượng của em nữa. Vậy nhưng đôi lúc em vẫn cồn cào, tuy không còn xao xuyến, nhiều lúc còn hơi ớn lạnh nữa. “À! Vừa rồi em có ý tìm mà không thấy cái Duyên? Duyên được đưa về rồi à? Mừng cho nó”. Hôm lôi nó từ trong hầm ra. Mặt mũi nó tím bầm. Vậy mà khi mở mắt, nó hỏi: “Mặt tao có sao không? Tao còn đẹp không? Tao chưa được ai ôm. Chết mà chưa được biết mùi đời. Khổ lắm”. Nó nói xong rồi mất. Lời nói của nó ám ảnh em, nhất là khi nhìn những người lính trẻ măng hành quân qua trọng điểm lướt qua cửa hầm- nơi em làm nhiệm vụ quan sát. Em nhìn lom lom vào mặt từng người, thầm hỏi: “Ai trong số các anh đã biết mùi đàn bà?”. Chắc chắn không nhiều. “Cám ơn chị đã cho chúng tôi thành người đàn ông thực thụ. Nếu chẳng may chúng tôi nằm xuống sẽ chẳng còn tiếc nuối ân hận gì nữa.” Tin đồn ra rất nhanh. Anh cau có, trách phạt, nói rất nhiều lời xúc phạm đến em. Em im lặng, sinh ra tật hay đi lang thang trong rừng. Hết ca trực em lại đi, và lần nào cũng ghé qua chiếc hang đó. Hôm đó trời cũng mưa, mưa to lắm, gió thổi hun hút qua cửa hang tạo lên âm thanh như ma kêu, quỷ rú. Em hoảng loạn bíu chặt vào nhũ đá. Bầy dơi hoảng hốt kêu rít bay vù vù. Em định lao ra thì thấy anh... một lần nữa em trở thành người chứng kiến bất đắc dĩ. Người con gái ôm cứng lấy anh sụt sùi: “Anh ơi. Em có mang rồi.” Ở trên cao em không nhìn thấy vẻ mặt của anh lúc ấy, chỉ thấy một vầng đen che kín nên không rõ anh buồn hay vui. “Chuyện này lộ ra, chắc chắn hai người sẽ bị kỉ luật”. Ngực trái em nhói lên một cái. Cảm xúc lẫn lộn. Nửa như thỏa thuê, nửa như căm giận, oán trách. Không thật rõ ràng nhưng nỗi buồn là có thật. Buồn lắm, buồn âm u, buốt xót. Cô gái đó thà chịu kỉ luật chứ nhất định không chịu khai ra anh. Em khinh anh, khinh con người hèn nhát của anh. Tự thấy mình còn may mắn không gắn bó với anh. Ngày ngày em nguyện cầu để vĩnh viễn không phải nhìn thấy mặt anh, không nghe thấy tiếng nói của anh. Điều đó đã đến thật. Em đã bị “câu lưu”, tức là không được luân hồi thêm mười năm vì tội đó.
          Gã giơ tay định kéo nó vào lòng nhưng cứ trượt qua như người đuổi hình bắt bóng. “Đừng cố gắng vô ích. Em chưa thành người dương nhưng cũng không còn ở cõi âm, không chạm được vào nhau đâu”.
          - Lâu quá rồi anh không muốn nhắc lại nữa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng anh yêu em. Thật lòng, anh không muốn đưa em đến chỗ nguy hiểm đó. Nhưng trách nhiệm của anh, uy tín của anh, kỉ luật của đơn vị, khiến anh phải làm thế. Còn một việc nữa. Anh sợ em biết việc làm không đàng hoàng ấy... Em đi. Anh nấp sau khe cửa. Trời hôm ấy nắng lắm, đỏ quạch như máu, bóng của em đổ dài, xiêu xiêu, phật phờ cũng nhuốm màu khé đỏ. Vẫn ý thức được quan hệ với cô ấy là không chính đáng, là phản bội em. Anh đấu tranh tư tưởng dữ lắm, dằn vặt lương tâm ghê lắm. Nhiều khi ngồi bên bờ con suối lúc xanh ngăn ngắt, lúc ngầu ngầu đỏ. Anh lại nhớ đến em. Tự hành hạ mình nhưng không thể lấy lại được nữa. Cô ấy nói với anh là mình có thai. Anh càng rối tợn. Thế rồi anh cũng tìm ra được cách đưa cô ấy về hậu phương. Anh định điều em trở lại thì xảy ra trận bom. Em “nằm” xuống, sự đau đớn hiện trên nét mặt. Anh tự mình làm tất cả. Thân thể em, trước mắt anh: Nõn nà nhưng câm lặng. Em còn trinh nguyên như khi mẹ sinh ra. Anh căm ghét mình. Mà em ghét anh thế sao vẫn quay lại đây tìm anh?
          - Em đã nguyền rủa anh, theo lẽ thường tình thì sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau nữa. Nhưng hôm em bị bom vùi. Anh là người đầu tiên lao đến, hai bàn tay tướp máu. Máu đó thấm vào da thịt em. Nếu em lại được làm người thì vết máu ấy thành vết son không thể phai mờ. Anh khóc, những giọt nước mắt thấm qua làn da, sẽ thành những mụn cơm trên thân thể em. Ngồi trên cây, em nhìn rõ những giọt nước mắt tròn xoe như con số không vô nghĩa. Rồi anh tắm rửa, thay quần áo, khâm liệm và chôn cất em. Đôi mắt anh ve vuốt thân thể em. Tự nhiên em không còn giận anh nữa. Trạng thái của em lúc này không kéo dài được lâu nên em đến đây để nói: “Em tha thứ cho anh”.
          - Anh bị trúng nguyên một trái bom. Thịt xương tan nát. Suốt đời phải ở lại nơi này, thành linh hồn phiêu dạt. Thật không phải, nhưng anh vẫn muốn nhờ em. Em hãy đến nhà cô ấy. Xem mẹ con cô ấy sống thế nào. Và có thể em hãy nói: “Anh ân hận lắm. Cầu mong mẹ con cô ấy tha thứ”.
          Cả hai cùng im lặng. Im lặng vì chẳng còn gì để nói. Gã gục mặt xuống mỏm đá, hai vai rung lắc liên tục. Nó nhìn ra cửa hang, lơ đãng. Chiều xuống thật nhanh, những đám mây phật phờ qua lại, bay lên lại thụt xuống, như mụ phù thủy già bập bập điếu thuốc rê...
          Thực hiện lời hứa với gã. Nó trở về miền quê ấy. Căn nhà tưởng như không có gì xập xệ hơn thế. Ngồi trong nhà nhìn rõ mảng trời xanh lồng lộng. Dụng cụ cũng không vì thế mà khá hơn. Chiếc ban thờ còn ba chân rưỡi, trông không khác gì người cụt một chân còng lưng, chống nạng. Người đàn bà tóc rụng một nửa, bạc một nửa. Đôi mắt bàng bạc, cùi nhãn. Bộ ngực phẳng dưới lớp áo vá nhiều màu chồng lên nhau. Thời gian thật kinh khủng. Đâu rồi người con gái phốp pháp nhất đội. Đâu rồi đôi mắt trong veo, luôn chớp chớp như ngạc nhiên. Đâu rồi mái tóc mượt dài chấm gót. Nó bật tiếng thở dài khi nhìn người đàn bà đang đánh vật với tờ đơn: “Xin xác nhận là con liệt sỹ”.
          - Mày lại đi hả con?- Một người đàn bà còn thảm hơn lên tiếng, sau hồi ho sù sụ.
          - Con vẫn đi. Thằng bé không từ lỗ nẻ chui lên được.
          - Biết bao lần mày lên xuống rồi có được đâu.
          - Vâng. Con còn đi nhiều lần nữa. Đến khi nào được thì thôi.
          Đứng trước bàn thờ, mãi vẫn không đưa được ba que hương qua cái lỗ của bóng đèn. Ngọn lửa đèn dầu như con đom đóm, lắc qua lắc lại như trêu ngươi. Bàn tay run dữ dội, tàn hương văng tung tóe. Ngọn khói ngoằn ngoèo, xanh lét, ngắc ngứ không thoát lên được.
          - Anh ơi! Gần hai chục năm em nuôi con và chờ anh. Chờ mãi. Chờ để anh đứng tên làm bố. Nhưng anh không về. Con đi học nhưng người ta không chịu chứng nhận. Thành ra có lí lịch không rõ ràng. Anh về đi, về để nói rõ anh với em trong cái hang lạnh lẽo ở rừng Trường Sơn. Dù anh đã viết giấy để làm tin. Dù bạn bè ngày ấy còn sống trở về, ký kín đặc cả trang giấy mà không cấp có thẩm quyền nào cấp cho con một tờ giấy khai sinh có đầy đủ tên cha, tên mẹ. Bây giờ em lên tỉnh. Anh sống khôn, chết thiêng đi cùng em. Anh ơi!
           Người đàn bà chân trần, bước thấp bước cao trên con đường gập ghềnh đầy sỏi đá. Chiếc bị cói thủng một lỗ, trễ một bên vai. Trông như kẻ tử tù vác cây cột ra bãi hành hình.
          - Lại là nhà chị à? Tôi đã nói với chị biết bao nhiêu lần rồi, việc ấy không thể làm được. Ai đời, công nhân công trường mà đòi là liệt sỹ. Và biết các bà “ăn cỗ lúc nào”.- Y cười lên khùng khục, tự thưởng cho mình câu nói mà y cho là chí lí và hài hước nhất.
          Nó bật lên, nhập vào người đàn bà khốn khổ. Hất tung lọ mực Cửu Long trên bàn vào chiếc áo pha nilon trắng của tên nhân viên canh cổng ủy ban.
          - Ừ. Cứ cho là công trường đi. Nhưng công trường này có bom rơi trên đầu, đạn nổ dưới đất. Các công nhân công trường đội bom vá đường, vác bom chưa nổ lăn xuống vực. Làm cọc tiêu sống để xe qua ngầm... Và nhiều thứ nữa, để cho những thằng như mày sống trong hòa bình. Mày chế nhạo tao thì được nhưng khinh thường những người đã nằm xuống là không xong. Hiểu chưa? Hiểu rồi hả? Hiểu rồi thì mang những giấy tờ này đưa cho người có trách nhiệm.
          Luồng gió lạnh toát, tanh mùi tử khí xộc vào mũi, lan khắp thân thể tên “gác cổng ủy ban”. Y run bần bật. Y không ngờ người đàn bà tiều tụy luôn cúi mặt trước y, hôm nay lại “hung hăng” như thế. Y cuống quýt vơ đống giấy tờ chạy vào. Nó bay theo hét vào tai người có trách nhiệm đang lật giở: “Các ông làm thế nào cũng được. Nhưng thằng bé phải được đi học. Nếu không các ông không thể sống yên lành”. Không biết ông ta có nghe được không, nhưng thấy ông ta rút bút ghi vào tờ đơn giao cho tên nhân viên xuống văn thư đóng dấu.
          - Tao biết mày đã đến và đã đi theo tao. Nhờ đó thằng bé được chứng nhận. Chưa thỏa mãn nhưng ít nhất lí lịch đã rõ ràng, nó đã có bố tuy chưa đứng tên trên giấy khai sinh. Tao cám ơn mày. Mày không ghét, khi tao cướp anh ấy của mày? Tao biết như thế là không phải. Nhưng trong chuyện này ai có thể tình nguyện nhường cho ai. Mày trẻ đẹp, sẽ có rất nhiều cơ hội. Tao thì không. Nên phải tìm mọi cách độc chiếm anh ấy. Tao đã “đánh cắp” của anh ấy một phần máu thịt. Tao vẫn đinh ninh rằng: Anh ấy nhất định sẽ trở về. Tao chờ, chờ mãi, chờ đến vô vọng. Sau này mới biết anh ấy đã hy sinh. Tao lặn lội khắp nơi để tìm cách “đòi” lại cha cho con tao. Nhưng không đâu chịu giải quyết cả. Thằng bé mặc cảm nghe lời rủ rê đi đào vàng ở một bãi nào đó. Mày giúp tao, giúp anh ấy đưa thằng bé về. Muôn đời tao đội ơn mày.
          Việc tìm chỗ của thằng bé không khó với những thân phận như nó. Nó bay là là, đậu lên vai một tên hầm hố ngự trên chiếc xe gắn máy, tiếng nổ pành pành như đại liên siết liên thanh. Mùi tử khí bốc lên tanh lộn mửa. Trộn vào đó là mùi nghèo khó, phẫn uất, đĩ điếm, ma túy. “Ở đây không sớm thì muộn cũng nhanh chóng trở thành mồi ngon của thần chết hoặc nếu còn sống thì cũng thân tàn ma dại, là nô lệ cho các loại tệ nạn”. Không khó để nhận ra thằng bé đang còng lưng vác bao đất xuống suối, nước đỏ đọc như máu. Cần mẫn lia từng vốc đất trên chiếc sàng chuyên dùng. Hết cả bao mà không hề có lấy một “vẩy” gọi là. Thằng bé nhẫn nại, chui vào chiếc hang trông như địa đạo thời chiến. Những con người chen chúc. Ánh sáng lờ mờ chiếu ra từ chiếc đèn treo trên trán. Hệt như những công nhân hầm mỏ nhưng tiều tụy hơn, thảm hại hơn.
          Tiếng ầm ầm như động đất vọng dần tới. Mọi người từ các ngóc ngách túa ra. “Sập hầm rồi”. Nó nhanh tay đẩy thằng bé tránh được hòn đá to như con trâu mộng rơi xuống nhưng vẫn bị cả đống đất đá đè phủ lên. Thằng bé ngáp ngáp, nhè ra cả đống đất lẫn dớt dãi, máu me. Ho khùng khục, dang tay nằm thở.
          - Này chàng trai. Tại sao lại bỏ nhà bỏ cửa, bỏ lại bà mẹ ngày đêm mong nhớ để lên cái đất khỉ ho cò gáy này.- Nó gào vào mặt thằng bé.
          - Ngươi thì biết gì. Tôi là đứa con vô thừa nhận. Bị khinh rẻ vì nghèo. Tôi không thể làm gì để mẹ sung sướng hơn. Tôi phải làm, làm để đổi đời.
          - Có làm được không?
          - Thì cũng...- Chàng trai ngắc ngứ.
          - Cũng gì? Cả tháng ở đây đã được gì? Hay chỉ có đói khát và cái chết rình chờ?
          - Nhưng ít nhất còn có cái để mà hy vọng.
          - Nhầm rồi con ơi. Ngoài kia mẹ con không quản khó khăn, đi gõ tất cả các cánh cửa để con có thể ngẩng cao đầu bước vào giảng đường đại học. Đó mới là chỗ của con. Con không phải là đứa trẻ vô thừa nhận. Con là con của người anh hùng. Tình yêu của mẹ, cốt nhục của cha đã tạo lên con- một người con trai rắn rỏi. Mẹ con dành cả tuổi thanh xuân nuôi dưỡng. Lẽ nào con bỏ lại tất cả? Ta vừa đi gặp cha con về. Cha vẫn đau đáu, mong muốn con nên người. Tiếc rằng thời hạn cha con phải ở dưới đó còn dài. Nhưng ta tin khi được ra khỏi, cha con sẽ về tìm lại mẹ con con.
          - Ta cũng đã gặp tên bưởng trưởng. Xung quanh hắn là một lũ ma quỷ. Kẻ có ma quỷ đi cùng không bao giờ tốt đẹp cả. Hãy tỉnh lại và về đi. Mẹ đang chờ con. Ta muốn nói với con nhiều, nhưng thời hạn không còn nhiều nữa. Ta đi đây. Hãy nhớ lời ta.
          Nó khom người bước ra. Một vừng dương rực lên. Ai đó gọi tên nó. Tự nhiên nó quên. Quên hết. Thân thể nhẹ bỗng. Bay bay. 
             Trương Ngọc Hùng- Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định

tin tức liên quan