Nhà báo Nguyễn Văn Vinh đã ra đi.

Ngày đăng: 03:20 02/12/2024 Lượt xem: 26
   
NHÀ BÁO NGUYỄN VĂN VINH ĐÃ RA ĐI



     2 giờ 22 phút ngày 24/11/2024, nhà báo Nguyễn Văn Vinh, Cố vấn Truyền thông Đối ngoại của Hội Trường Sơn Việt Nam đã ngừng đập.
     Nhà báo Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1950, tại xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, nay là Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã say mê và ao ước được tự mình lái xe, được chụp ảnh, được bay đến những vùng đất mới, được chứng kiến những điều khác lạ. Ra trường năm 1970, ông đã bước đầu thực hiện được ước nguyện đó khi may mắn là một trong số ít thành viên đầu tiên làm việc trong Ban Truyền hình (Nay là Đài Truyền hình Việt Nam), lúc đó thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã trở thành phóng viên ít tuổi nhất có mặt trong buổi phát sóng đầu tiên của Truyền hình Cách mạng Việt Nam. Bộ ảnh độc nhất vô nhị của ông về sự kiện đó đã trở thành tư liệu quý của Đài Truyền hình Việt Nam.
      Là một phóng viên thời sự, Nguyễn Văn Vinh đã đặt chân đến nhiều điểm nóng lịch sử cả trong nước, khu vực và trên thế giới: có mặt tại Sài Gòn chỉ vài giờ sau khi cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975; chiến tranh biên giới Tây Nam; chiến tranh biên giới phía Bắc; trong đoàn phóng viên đầu tiên ra Trường Sa ngay sau khi đảo Gạc Ma bị chiếm giữ (1988). Sau này, khi làm việc tại hãng tin Reuters, nhiều đồng nghiệp lại nhìn thấy Nguyễn Văn Vinh tại các điểm nóng xung đột, biểu tình, bạo động hay những khu vực hứng chịu siêu bão, sóng thần… của khu vực và thế giới.
      Một điều mà hiếm nhà báo nào có được trong cuộc đời làm nghề: Nguyễn Văn Vinh là phóng viên tham gia đưa tin trong 9 kỳ Đại hội Đảng liên tiếp, từ đại hội IV (năm 1976) đến đại hội XII (năm 2016). Chi tiết thú vị này về ông được một số đồng nghiệp trong nước phát hiện và viết bài.
      Nghề báo cũng đã không ít lần cuốn ông vào lằn ranh giữa sự sống và cái chết: 2 lần rơi trực thăng, lật xe ở Campuchia do trúng B40, hoàn toàn mất liên lạc 1 tuần khi vùng chiến sự ác liệt ở Afghanistan hứng chịu thêm trận động đất… Vậy mà khi liên lạc được về nhà, ông chỉ cười và nói với vợ: “Em đừng lo, đạn nó tự tránh anh mà, còn động đất thì yên rồi!”.
      Nguyễn Văn Vinh cũng là phóng viên may mắn ghi được hình ảnh lá cờ Mỹ được kéo lên tại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Đó là một cơ hội hiếm hoi với bất kỳ người làm báo nào. Có lẽ ông còn là người đầu tiên quay được cảnh đẹp đất nước nhìn từ trên cao bằng máy bay trực thăng. Những hình ảnh về một Việt Nam tươi đẹp, cởi mở, thân thiện đã góp phần giúp thế giới hiểu thêm về đất nước ta trong những năm đầu đổi mới.
     Lòng đam mê với nghề, bề dày kinh nghiệm và thái độ chuyên nghiệp cũng mang đến cho nhà báo Nguyễn Văn Vinh cơ duyên được chia sẻ những trải nghiệm tác nghiệp của mình với nhiều phóng viên truyền hình trong nước. Chuyện nghề của ông là những câu chuyện sinh động, bất tận từ bục giảng đến quán bia hơi Hà Nội, đã cuốn hút nhiều đồng nghiệp có chút máu say nghề như ông.
      Yêu mến Trường Sơn huyền thoại, từ giữa năm 2015, ông đã tham gia Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam với tư cách là Cố vấn Truyền thông đối ngoại của Hội. Ông đã làm 3 bộ phim với 8 tập về Trường Sơn và Hội Trường Sơn Việt Nam tiêu biểu như phim “Vị tướng và con đường”, “Trường Sơn huyền thoại”…
      Một phần những hình ảnh đắt giá trong kho tư liệu đồ sộ của mình đã được nhà báo Nguyễn Văn Vinh giới thiệu qua các bộ phim tài liệu mà ông làm đạo diễn, được phát sóng trên nhiều đài truyền hình cả nước như: phim Người đi tìm sự thật; phim Nam Lào - ký ức không phai; phim Điện Biên Phủ - điểm hẹn hòa bình; phim Cuộc hòa đàm thế kỷ; phim Nick Út - người  chuyển thông điệp hòa bình; phim Cuộc đọ sức 12 ngày đêm; phim Kết thúc chiến tranh Việt Nam; phim Việt Nam chiến thắng; phim 25 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, hòa giải và phát triển. Một số phim được giải thưởng của Ban tổ chức cấp Nhà nước và Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại.
      Những đóng góp của ông được ghi nhận một phần qua các tấm Huy chương: huy chương "Vì sự nghiệp Truyền hình"; huy chương "Vì sự nghiệp Thông tấn"; huy chương "Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ".
      Thật đáng tiếc, ông chưa hề chuẩn bị cho sự dừng lại trong nghề báo của mình. Kho tư liệu quý giá mà ông tích lũy sau hơn nửa thế kỷ và những dự định, những kế hoạch làm phim vẫn đầy ắp trong bộ óc nhiệt huyết của ông.
     Nhưng vẫn hạnh phúc cho ông và gia đình, nhà báo Nguyễn Văn Vinh minh mẫn đến phút cuối cùng và trút hơi thở nhẹ nhàng trong vòng tay vợ con yêu quý. 

(Trích Điếu văn Nhà báo Nguyễn Văn Vinh) 
 
 

tin tức liên quan