NHỮNG MẨU CHUYỆN THÚ VỊ, BẤT NGỜ KHI ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI.
Nhà báo – Nhà văn Phạm Thành Long
Tìm Sư đoàn trưởng Phạm Lê Hoàng
Đầu tháng 2 năm 1976, từ Sư đoàn bộ ở Đồng Đế, Nha Trang, tôi vào nhập viện Quân y 175 Sài Gòn. Từ đó tôi đã rời Sư đoàn 471 thân yêu của mình hơn 16 năm rồi. Nhưng bao sự kiện, bao gương mặt những đồng đội vẫn luôn hằn sâu trong tôi. Là một nhà báo, tôi có điều kiện đi tới nhiều nơi trong cả nước. Tôi luôn ấp ủ: Cố gắng tìm gặp những chỉ huy, những đồng đội thân yêu của mình.
Đầu tháng 4 năm 1991, lúc ấy tôi là Phó Tổng Biên tập Thường trực của báo Thiếu niên tiền phong dẫn đầu một nhóm phóng viên thực hiện chuyến công tác lên Cao Bằng chuẩn bị cho việc tuyên truyền kỷ niệm “Mừng Đội ta 50 mùa hoa”.
Năm 1973, báo Thiếu niên Tiền phong tiếp nhận chiếc Com măng ca “đít tròn” Gat 69 của Liên Xô. Đây là chiếc xe mà Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã sử dụng nhiều năm trong chiến tranh chống Mỹ “thải ra”. Chiếc xe tuy cũ nhưng đã phục vụ cán bộ, các phóng viên Tòa soạn đến hầu hết các tỉnh thành phí Bắc, vào tuyến lửa Quảng Bình, vào Quảng Trị vừa được giải phóng…Chiếc Gats 69 đã quá niên hạn sử dụng, chúng tôi quyết định phải thay nó bằng chiếc ô tô mới. Lúc ấy Tòa soạn vừa mua được chiếc xe U.Woat mới toanh của Liên Xô, giá 80 triệu đồng. Số tiền này vào thời điểm ấy khá lớn so với Tòa soạn báo chúng tôi. Đây là chuyến công tác đầu tiên mà chiếc U.Woat lăn bánh.
Đoàn công tác do tôi dẫn đầu. Cùng đi có phóng viên Huy Thuấn, phóng viên nhiếp ảnh Xuân Tiến và lái xe Đỗ Phượng – một tay lái xe tecs của Phòng Hậu cần Sư đoàn 308 chuyển ngành về Tòa soạn năm 1983. Lúc lên Cao Bằng, chúng tôi đi đường Thái Nguyên qua Bắc Cạn.
Tại Nà Mạ, Hà Quảng, quê hương anh Kim Đồng. Chúng tôi quyết định làm một phóng sự ảnh về quê hương Kim Đồng – nơi ra đời Đội Nhi đồng Cứu quốc – tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh ngày nay. Chúng tôi đã tìm gặp được anh Thanh Minh – Người phụ trách đầu tiên của Kim Đồng và anh Thanh Sơn – đồng đội của Kim Đồng, một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội ta. Chúng tôi đã mời hai anh lên thăm quả đồi nơi mà ngày 15/5/1941 đã ra đời của Đội Nhi đồng Cứu quốc. Cùng đi có hơn mười em đội viên tiêu biểu của trường THCS xã Trường Hà. Bên tấm bia khắc ghi sự kiện quan trọng này của Đội, hai anh đã kể chuyện ngày thành lập Đội, hoạt động đầu tiên của Đội cho các em thiếu nhi hôm nay nghe… Rồi tất cả chúng tôi xuống thăm Khu di tích Kim Đồng cách đó không xa. Nơi đây có tượng đài Kim Đồng, Mộ anh Kim Đồng, Mộ mẹ anh Kim Đồng…được xây dựng trong một khuôn viên rộng đẹp dưới chân núi và bên con suối Lênin – nơi anh Kim Đồng hy sinh ngày 13/3/1941 khi làm nhiệm vụ canh gác cho cuộc họp bí mật của Đoàn thể cách mạng… Công trình này là kết quả của phong trào thiếu nhi cả nước làm Kế hoạch nhỏ xây dựng Khu di tích Lịch sử Kim Đồng do báo Thiếu niên Tiền phong phát động năm 1985… Những hình ảnh, những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ măng non trên quê hương Kim Đồng đã được chúng tôi thu vào ống kính, được ghi chép đầy sổ tay công tác…
Rời xã Trường Hà, chúng tôi xuôi về huyện Hòa An. Tại đây, chúng tôi được đồng chí Trưởng phòng Giáo dục (quê gốc Thái Bình. Gia đình anh lên vùng kinh tế mới Cao Bằng từ năm 1960) dẫn đi thăm và làm việc tại trường THCS Hòa An, thị trấn Nước Hai…
Trời tắt nắng. Trong lúc ngồi nghỉ tại một quán nước ven đường, đoàn chúng tôi mới có dịp trò chuyện, hỏi han thông tin của các anh.
Tôi thăm dò đồng chí Trưởng phòng Giáo dục:
-Tôi có một thủ trưởng sư đoàn ngày còn chiến đấu ở Trường Sơn tên là Phạm Lê Hoàng, sinh năm 1928, người dân tộc Tày, quê ở thị trấn Nước Hai này. Anh có biết cụ ấy không?
-Có có anh ơi. Vợ cụ ấy là cô giáo dạy cấp 3 đấy. Hai ông bà giờ đều nghỉ hưu cả rồi. Cả thị trấn Nước Hai này ai cũng biết cụ Hoàng. Bác Phạm Lê Hoàng là Đại tá, Sư đoàn trưởng trước khi nghỉ hưu.
Nghe thế, tôi mừng quá. Thông tin của anh Trưởng phòng khiến tôi như bắt được vàng.
-Cám ơn anh. Anh cho tôi địa chỉ nhé.
-Vâng anh. Tôi rất sẵn lòng. Căn nhà của cụ Hoàng rất dễ tìm anh ạ. Tôi không nhớ số nhà nhưng anh cứ đến ngã ba từ TX. Cao Bằng lên Nước Hai, gặp ngôi nhà một tầng mới xây ở ngay bên phải ngã ba, là nhà của cụ ấy đấy.
Vui quá nên tôi liền kể với anh vài nét về người thủ trưởng cũ của mình: Cụ Phạm Lê Hoàng dáng người cao to, đẹp trai. Tướng mạo rất ngon lành. Những năm giặc Mỹ bắn phá Thủ đô, cụ ấy là Phó Tham mưu trưởng sư đoàn phòng không Hà Nội (sư đoàn 361). Cụ ấy thường ngồi trên nóc Nhà hát Lớn để quan sát, chỉ huy phòng không Hà Nội. Đầu năm 1971, cụ ấy được điều vào làm Phó phòng Tác chiến Phòng không Trường Sơn đánh trả máy bay Mỹ. Đến giữa năm 1972, cụ ấy được điều vào làm Tham mưu trưởng Tác chiến Sư đoàn 471. Tháng 12 năm 1972 được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn. Tháng 2 năm 1976 cụ ấy được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng 471 và dẫn đoàn quân hùng hậu lên Gia Nghĩa (Đắc Lắc) làm kinh tế lâm nông nghiệp và chống Phunrô trên Tây Nguyên. Khi Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc, cụ ấy được Bộ điều gấp ra Cao Bằng làm Sư đoàn trưởng 390 chống Tàu tại đây. Từ đấy tôi không có thông tin về cụ ấy nữa…
Chúng tôi quay trở lại ngã ba đầu thị trấn Nước Hai vào 20 giờ tối với túi quà mộc mạc chỉ là hai hộp sữa Ông Thọ và hai kí đường kính, một hộp bánh.
Tôi gõ cửa. Người mở cửa là cụ Phạm Lê Hoàng. Dù đã hơn 16 năm xa cách, giờ gặp lại nhưng hình ảnh Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh Phạm Lê Hoàng vẫn hằn sâu trong tôi. Tôi ôm chầm lấy người thủ trưởng năm xưa của mình. Hành động của tôi khiến cụ Phạm Lê Hoàng vô cùng ngạc nhiên. Cụ chưa nhận ra tôi. Tôi vội lên tiếng:
-Em là Phạm Thành Long, Tuyên huấn 471 đây thủ trưởng. Dưới ánh điện vàng vọt, yếu ớt của thời kỳ thiếu điện trầm trọng ngày ấy, cụ ngắm tôi một lúc rồi chợt kêu lên:
-Nhớ rồi! Mày chụp ảnh và làm bản tin sư đoàn mà!
-Dạ đúng rồi ạ!
-Thế còn ở lính không? Đi đâu lên đây vậy? Vừa nói cụ vừa kéo tôi vào nhà. Tôi giới thiệu với cụ về ba đồng nghiệp của mình. Cụ bắt tay từng người và mời ngồi.
Tôi tranh thủ giới thiệu vắn tắt về sự thay đổi của mình:
-Em rời căn cứ Sư đoàn bộ ở Đồng Đế, Nha Trang đầu tháng 2 năm 1976 để vào Viện quân y 175 Sài Gòn. Ngày 15/2 năm ấy em được chuyển viện ra Bắc điều trị. Đầu tháng 4 năm 1976, được cụ Nguyễn Lạn (từ Sư đoàn ra làm Cục trưởng Cục Sản xuất vật liệu, Tổng cục Xây dựng Kinh tế) “gọi về” làm tuyên huấn của Cục. Ngày 30/4/1977, em xin chuyển ngành về làm phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong ạ. Chiến tranh biên giới nổ ra, vì là sĩ quan dưới 30 tuổi, em được lệnh Tổng động viên về Quân khu Thủ đô công tác. Tình hình biên giới bớt căng thẳng, em được Quân khu “trả về” cơ quan cũ (ngày 12/11/1980)… Chúng em từ Hà Nội lên công tác, hỏi thăm và biết được nhà Tư lệnh ở đây.
Lúc này phu nhân cụ Phạm Lê Hoàng từ trong buồng bước ra. Một bà giáo trên dưới sáu mươi tuổi có khuôn mặt đẹp và phúc hậu. Tôi lên tiếng chào và khoe:
-Chúng em tìm được nhà hai bác là nhờ học trò cũ của bác gái đấy. Anh Trưởng phòng Giáo dục huyện ạ.
-Tôi nhớ rồi. Cậu ấy từ năm lớp 8 đến lớp 10 do tôi làm chủ nhiệm đấy. Nói rồi bác gái đon đả rót nước mời chúng tôi. Lúc này tôi mới quan sát nhanh phòng khách. Đơn sơ quá. Căn phòng không có đồ đạc gì có giá trị ngoài cái ti vi Sony…Thế mới biết, một Sư đoàn trưởng bao nhiêu năm mà cơ ngơi chỉ có ngôi nhà xây cấp bốn, đồ đạc chả có giá trị gì…
Cụ Phạm Lê Hoàng nghe tôi nhắc đến chiến tranh biên giới năm 1979, liền nói:
-Chiến tranh nổ ra, lúc ấy tớ đang là Sư đoàn trưởng 471 ở Gia Nghĩa, được Bộ điều gấp ra Cao Bằng.
-Và cụ làm Sư đoàn trưởng 390 bảo vệ Cao Bằng.
-Sao cậu biết?
-Dạ chúng em vẫn theo dõi thông tin về các thủ trưởng sư đoàn đấy ạ.
-Này cậu có biết thông tin về anh Nguyễn Lạn (nguyên Sư đoàn trưởng), và các anh lãnh đạo Sư đoàn không? Từ ngày rời Sư đoàn, ở trên này tớ không có thông tin nào về các anh ấy.
-Dạ, Sau khi giải thể Tổng cục Xây dựng Kinh tế, cụ Nguyễn Lạn chuyển về làm Cục trưởng Cục Sản xuất, Tổng cục Hậu cần. Năm 1980, cụ được phong hàm Đại tá. Cụ ấy nghỉ hưu năm 1989 ạ. Nhà vẫn ở Khu tập thể số 5 Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội. Cụ Ngô Mạnh Thu, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn thì chuyển từ Sư đoàn ra Phòng Tổng kết chiến tranh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn rồi của Tổng cục Xây dựng Kinh tế. Cụ về hưu từ đấy năm 1987. Nhà cụ Thu cùng khu tập thể với cụ Nguyễn Lạn. Còn cụ Lê Huy Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị chuyển ra làm Chủ nhiệm Chính trị Cục Sản xuất Vật liệu của em. Sau đó cụ chuyển về làm Trưởng ban Thanh tra Binh đoàn 11. Nhà ở tập thể Binh đoàn 11, phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Cụ Tưởng là Thượng tá, mới về hưu năm 1990 ạ. Cụ Đỗ Doãn Tần, Tham mưu trưởng nghỉ hưu là Đại tá, làm Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội. Còn Phó Chính ủy Phan Biên và Phó Tư lệnh Nguyễn Văn Toàn thì được Bộ bổ nhiệm làm Chính ủy và Tư lệnh Sư đoàn 391 ở Sơn La. Từ đấy, em không có tin tức nào về hai cụ nữa. Anh Nguyễn Thuận Quảng, Phó Tư lệnh, năm 1979 cũng được Bộ điều ra làm Sư đoàn phó Sư đoàn bộ binh cơ giới 320. Sau này, anh ấy về làm giảng viên Học viện Quốc phòng. Chưa nghỉ hưu ạ.
Tôi ngừng lại và thông báo tiếp:
-Tháng 9 năm 1988, sau khi tổ chức lại thành Đoàn 471 mở đường và chiến đấu ở Campuchia thì trở về Việt Nam, Sư đoàn của chúng ta đã kết thúc lịch sử của một Sư đoàn Anh hùng “cụ” ạ.
- Tiếc quá! Một Sư đoàn Anh hùng của Trường Sơn mà bị “xóa sổ” phiên hiệu trong biên chế của Quân đội ta thì tiếc thật đấy. Ở trên này xa xôi quá, điện thoại lại chưa có! Mù mịt tin tức anh em ở Sư đoàn! Khi nào gặp các anh ấy cậu cho tớ gửi lời hỏi thăm nhé…
Đêm đã muộn. Chúng tôi tạm biệt vợ chồng Sư đoàn trưởng Phạm Lê Hoàng về nhà nghỉ.
Đêm ở nhà khách thật yên tĩnh. Bao ký ức Trường Sơn ùa về sau cuộc gặp, khiến tôi trằn trọc mãi không ngủ…
Ngày chủ nhật 23/4/1995, cuộc họp mặt đầu tiên của các CCB Sư đoàn 471 tại Hà Nội được tổ chức. Ban Liên lạc CCB Sư đoàn đã được thành lập do nguyên Sư đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Lạn làm Trưởng ban. Tôi được phân công làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc. 5 ngày trước cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này, tôi đã gửi bức điện tín mời cụ Phạm Lê Hoàng về dự cuộc họp mặt. Ngay sau đó, cụ đã gửi điện tín cho tôi. Bức điện (số 39201050), ghi: “Vì sức khỏe không về dự gặp mặt được. Xin chân thành cám ơn và gửi các anh tình cảm sâu đậm 471”. Tôi đã đọc bức điện này cho tất cả anh em cùng nghe…
Đi tìm tay đàn Acoocdeon Nguyễn Văn Chiến.
Chúng tôi tiếp tục chương trình của chuyến công tác. Từ Nước Hai, Đoàn xuôi về TX. Cao Bằng.
Chúng tôi nghỉ lại tại Nhà khách của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Đến TX. Cao Bằng, tôi nhớ ngay đến Nguyễn Văn Chiến, tay kéo đàn Accoocdeon cừ khôi của Văn công Sư đoàn. Thông tin tôi biết về Chiến hiện nay rất ít ỏi. Chiến là một chàng trai dân tộc Tày nhỏ nhắn, hiền lành và trắng trẻo như con gái, Chiến có chiếc răng bọc vàng nhìn khá rất có duyên. Ngày Sư đoàn ở căn cứ Bến Giàng, huyện Nam Giang, Quảng Nam, Ban Tuyên huấn chúng tôi có tới 46 cán bộ, nhân viên. Tôi là Chi ủy viên Chi bộ Ban Tuyên huấn, kiêm Bí thư Liên chi đoàn của ban. Liên chi đoàn có ba chi đoàn: Chi đoàn Ban, Chi đoàn Liên đội điện ảnh và Chi đoàn Đội Tuyên văn. Ngày ấy ở Bến Giàng vui lắm. Ngoài giờ làm việc anh em đội Tuyên văn, Liên đội Điện ảnh thường xuống Ban chơi với tụi lính trẻ chúng tôi ở Ban. Nguyễn Văn Chiến rất ít nói…
Qua thông tin của nhạc sỹ Vũ Minh Vỹ, nguyên cán bộ sáng tác của Văn công Sư đoàn thì đầu năm 1976, rời Nha Trang, Chiến được Sư đoàn cho đi học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ra trường, Chiến về lại quê hương Cao Bằng công tác. Bây giờ Nguyễn Văn Chiến đang là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng…
Tôi hỏi thăm mãi mới được một cô nhân viên Nhà khách biết Nguyễn Văn Chiến. Cô vẽ đường cho chúng tôi đến nhà riêng của anh. Nhà Chiến ở bên con sông Bằng Giang chạy qua Thị xã. Tìm mãi cũng tới được ngôi nhà nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, nhìn ra sông. Đón chúng tôi là vợ của Chiến. Chờ vợ Chiến pha nước, tôi bước nhanh tới khung treo ảnh của gia đình để tìm ảnh Chiến. Nhìn tấm ảnh anh chụp chung cùng vợ con, tôi mừng là mình đã tìm đến đúng nhà đồng đội năm xưa Nguyễn Văn Chiến “răng vàng” rồi. Nhưng thật buồn, vợ Chiến thông báo:
-Tối nay thứ bảy, nhà em đi đánh cá không có nhà các anh ạ.
-Bao giờ Chiến mới về nhà? Tôi hỏi.
-Nhà em bơi thuyền xuôi sông Bằng từ hơn năm giờ chiều. Thuyền đi xa lắm, Sáng mai mới về nhà ạ. Vợ Chiến trả lời.
-Mỗi đêm Chiến bắt được nhiều cá không? Tôi tiếp tục hỏi.
-Dạ cũng được mươi cân. Hôm nào hên thì được hơn hai mươi ký ạ. Cô thật thà khoe. Tôi vô cùng ngạc nhiên, nên hỏi lại:
-Nhiều thế ư? Phó Giám đốc Sở mà phải vất vả kiếm sống thế sao?
Vợ Chiến bẽn lẽn cười:
-Anh ấy nhà em chịu khó lắm ạ. Đêm thứ bảy nào cũng đi thả lưới. Vừa cải thiện bữa ăn vừa có thêm thu nhập anh ạ. Ở trên này bọn em vất vả, chứ không sướng như các anh ở Thủ đô đâu.
Tôi quan sát nhanh ngôi nhà và đồ đạc bày biện trong căn phòng khách, tôi đã phần nào hình dung ra cuộc sống của bạn. Mừng cho đồng đội không giàu lên “đột xuất” như những một số quan chức bây giờ…
Tôi lấy giấy viết mấy lời gửi Chiến: “Mình là Thành Long, Tuyên huấn 471 đây. Tớ lên nhà mà không gặp bạn, vì bạn đi đánh cá cải thiện rồi. Mình đang ở nhà khách Ủy ban Nhân dân tỉnh. Có thời gian ghé qua Nhà khách, chúng ta gặp nhau nhé! Mong bạn!”
Buổi sáng hôm sau, đoàn chúng tôi vừa ăn sáng xong thì Chiến phi xe máy đến. Anh em ôm chầm lấy nhau. Chiến của tôi bây giờ béo hơn ngày ở Trường Sơn nhiều. Vì thế khuôn mặt Chiến nhìn càng tròn. Cậu ta trắng hơn ngày xưa. Thế rồi hai chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều chuyện về ngày ở Trường Sơn, về những năm tháng đã qua và hôm nay… Chiến kém tôi ba tuổi nên từ ngày ở Trường Sơn chúng tôi vẫn xưng anh em khi nói chuyện với nhau. Chiến khoe: Sau khi ra trường, em về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Cao Bằng. Từ Giám đốc Đoàn Ca múa nhạc em được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở…
Sau này, ngày 31/5/2012, Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Văn Chiến được bầu làm Phó Chủ tịch Hội…
Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh Trương Quang Bách.
Vào Trường Sơn, tôi được phân về Đại đội 2 Hậu cần, Binh trạm 35. Lúc này đơn vị đóng ở bản Hạt Vi, bên kia sông Bạc thuộc tỉnh Tà Ven Oọc (nay là tỉnh Sê Công, Nam Lào). Ba tháng sau, tôi được kéo lên làm thống kê Ban Tăng gia. Ở đây, chỉ một thời gian ngắn, tháng tư năm một chín bảy mốt tôi được điều sang làm nhân viên Tuyên huấn Binh trạm.
Trưởng tiểu ban Tuyên huấn lúc này là trung úy Trương Quang Bách. Anh sinh năm 1941, quê Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Cán bộ tuyên huấn lúc đó còn có trung úy Thái Doãn Điền, sinh năm 1942. Quê anh ở Hoa Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Hai anh là một trong 600 chiến sĩ nghĩa vụ đầu tiên từ Nghệ An, Hà Tĩnh bổ sung cho Đoàn 559, năm 1962. Các anh đã từng nhiều năm gùi thồ, điều khiển xe đạp thồ thồ hàng vượt đại ngàn Trường Sơn chi viện cho chiến trường. Nghe các anh kể, tôi vô cùng khâm phục ý chí vượt qua gian khó cùng cực của thời kỳ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” của các anh. Anh Thái Doãn Điền là người có thâm niên của Tuyên huấn Binh trạm. Anh Huỳnh Văn Trà là người rời Binh trạm 35 lên Ban Tuyên huấn Sư đoàn đầu tiên, sau đó tới tôi. Ngay sau đó, anh Thái Doãn Điền cũng có quyết định đi là Trưởng tiểu ban Tuyên huấn Binh trạm 47. Tháng 12 năm 1972, anh Điền có quyết định được điều về làm trợ lý giáo dục Tuyên huấn Sư đoàn. Thế là cả ba anh em cùng họp mặt tại Tuyên huấn Sư đoàn. Tháng 10 năm 1973, anh Điền được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn…Sau này anh làm Phó Trưởng Phòng Tuyên huấn Binh đoàn 12. Năm 1984 vợ anh là công nhân mỏ đá Đô Lương bị đá văng vào đầu. Chị bị trấn thương sọ não, lúc nhớ, lúc quên. Hai con anh lúc này còn nhỏ. Vì thế anh phải xin nghỉ hưu sớm về quê Hoa Sơn để có điều kiện chăm sóc vợ và nuôi hai con nhỏ. Về quê, anh tham gia công tác Đảng ủy địa phương…
Anh Trương Quang Bách người dong dỏng, hơi gầy, da trắng. Tính anh khá gần gần và luôn nở nụ cười rất tươi. Anh Thái Doãn, người tầm thước, da ngăm đen. Anh nói giọng Nghệ khá nặng. Trợ lý Câu lạc bộ là trung úy Huỳnh Văn Trà. Anh sinh năm 1940, quê thị xã Mỹ Tho. Anh Trà dáng gầy, đi hơi bị còng. Anh là học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp trung cấp xây dựng, anh công tác tại Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần. Năm 1968, anh được bổ sung vào Trường Sơn và ở Binh trạm 35 cho tới giờ…
Khi tôi về tiểu ban Tuyên huấn thì Binh trạm bộ mới chuyển từ khu vực H2, Nam Bạc về thung lũng Phù Trường, gần với Trạm giao liên 54.
Tiểu ban Tuyên huấn sau này còn có chuẩn úy Nguyễn Văn Luyến, sinh năm 1946, cùng quê Thạch Đài với anh Trương Quang Bách. Anh Luyến đang là trợ lý chính trị của tiểu đoàn 6 cao xạ bảo về ngầm Bạc, được kéo về làm trợ lý tuyên huấn. Đầu năm 1972, tiểu ban còn được bổ sung thêm một trung úy trẻ nữa là anh Đào Hữu Ái, sinh năm 1947, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa. Anh là lính B2, hàm “Đại đội bậc trưởng” được ra miền Bắc học tập rồi bổ sung cho Trường Sơn. Anh Đào Hữu Ái có người anh ruột là anh Đào Minh Kính, là Trưởng ban 5 Binh trạm bộ. Anh Kính vào Trường Sơn từ năm 1964, đang là một Chuẩn úy…
Thời gian gần một năm sống với anh Trương Quang Bách và các anh trong tiểu ban, trước khi được điều lên Tuyên huấn Sư đoàn, tôi học được rất nhiều điều ở các anh, đặc biệt là tình yêu thương đồng đội. Năm 1971 là năm Binh trạm 35 trải qua một mùa mưa thiếu đó cùng cực.
Tôi nhớ nhất là lần nấu cháo gà mà không được ăn. Chuyện là thế này. Đầu mùa mưa 1971, anh Huỳnh Trà được ra Bắc. Anh kịp cưới cô vợ người Hà Nội. Chị Minh vợ anh là con một bà giáo Trường Nghệ thuật Hà Nội. Trên đường vào lại Trường Sơn, anh được ngồi theo xe chở hàng câu lạc bộ của Binh trạm, như: Đài Oriongton, các loại giấy, sổ sách, pin đài, máy in roneo… Trên xe còn chở theo nhiều bao tải ngô xay phục vụ chiến trường. Đến kho, sau khi dỡ hàng, anh thấy trên sàn xe còn vương vãi một ít ngô xay. Tiếc của, anh Huỳnh Trà dùng tay vét đám ngô xay này mang về…Một tối cuối tháng 11, chúng tôi đói quá không ngủ được. Anh Trương Quang Bách vùng dậy. Anh bảo bắt gà, nấu cháo ăn thôi. Ai cũng hưởng ứng. Nhưng tôi hỏi: Lấy đâu ra gạo hả anh? Anh bảo: Lấy đám ngô xay anh Trà mang về ấy. Mọi người thấy có lý nên triển khai ngay. Chúng tôi nuôi hai con gà, một trống, một mái. Cách đây ít tháng xuống Tiểu đoàn 41 công binh công tác, anh đồng hương Nguyễn Văn Hiện của tôi đã cho hai con gà nhỏ làm giống mang về nuôi. Sau gần ba tháng, giờ chúng đã phổng phao. “Bắt con gà trống thịt!” anh Bách ra lệnh. Anh Trà nhanh chóng lấy cái bao đựng ngô xay trên nóc hầm mang ra suối đãi sạch. Cái đèn khò bằng đồng của ban được sử dụng. Gà được ninh chung với ngô xay. Hơn một giờ sau, gà và ngô xay đã nhừ. Chúng tôi bắt đầu chia nhau ăn. Tôi là đứa háu đói nên gắp miếng thịt gà đã nhừ cho vào miệng. Gì thế này? Miếng thịt gà lạo xạo trong miệng. Tôi nhè vội ra.
-Sạn quá các anh ơi! Tôi la lên.
-Sao lại sạn? Anh Thái Doãn Điền hỏi lại.
-Các anh kiểm tra mà xem. Ngay lập tức, dưới ánh sáng của 2 chiếc đèn pin của anh Bách, anh Điền, chiếc môi bằng đuya ra xác máy bay anh Luyến mang từ Tiểu đoàn 6 mang về được múc cháo kiểm tra. Trời ơi, đám ngô xay lẫn rất nhiều sạn màu đỏ. Do tối trời chúng tôi đã không phát hiện ra. Nhấm thử trên miệng một ít cháo ngô, anh Bách vội nhè ra.
-Nhiều sạn quá, không ăn nổi!
-Làm sao bây giờ anh? Tôi hỏi.
-Thì đổ đi chứ sao nữa. Nuốt thứ này vô bụng là bể bụng vì sỏi đấy! Anh Điền khẳng định.
-Bây giờ ta vớt thịt gà ra, đem rửa sạch cho hết sạn, vẫn ăn được. Bỏ đi tiếc lắm!
Theo hướng dẫn của anh Bách, tôi và anh Luyến mang nồi cháo ngô và thịt gà xuống suối. Chúng tôi vớt các miếng thịt ra, rửa thật sạch. Chiếc xoong 10 được múc thêm ít nước suối mang lên. Tôi soi đèn pin kiểm tra thật kỹ thịt gà và nước suối để bảo đảm không còn vấn đề gì.
Sau khi đun nước sôi, chúng tôi bỏ thịt gà vào xoong. Cho thêm ít muối rồi bắc ra. Thịt gà sao mà nhạt nhẽo thế. Bao bổ béo của nó đã “nhả” gần hết ra nồi cháo rồi. Bây giờ lại bị rửa trôi, miếng thịt gà chỉ còn “cái xác”. Thế mà chúng tôi vẫn chia nhau sì sụp, bụng đang cồn cào còn hơn đổ đi…Bữa cháo ngô thịt gà ngày ấy khiến chúng tôi nhớ đời…
Một buổi tối giữa năm 2003, tôi nhận được cuộc gọi từ Hà Tĩnh. Bên kia máy một giọng nói Hà Tĩnh nhẹn nhàng vang lên:
-Thành Long có nhớ ai đây không? Ai nhỉ? Tôi tự hỏi, rồi chợt reo lên:
-Có phải anh Trương Quang Bách không?
-Bách đây! Ngần ấy năm mà Thành Long còn nhận ra giọng của anh. Giỏi đấy!
-Giọng anh em quên làm sao được. Anh đang gọi cho em từ đâu vậy? Tôi hỏi.
-Từ gia đình anh ở thị xã Hà Tĩnh. Em khỏe không? Gia đình thế nào rồi?
-Dạ em khỏe anh. Em có hai con gái. Cháu lớn lấy chồng năm 2002. Còn anh?
-Con trai anh đang còn học. Cháu gái đã có gia đình rồi. Anh đã nghỉ hưu, giờ đang làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh.
-Sao anh có số điện thoại của em?
-Em có nhớ, năm 1982, tình cờ anh em mình gặp nhau trên phố Hàng Bột không? Ngày ấy tốt nghiệp Học viện Chính trị, anh về công tác ở Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Còn em bảo em chuyển ngành về làm phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong. Vừa rồi, tình cờ anh đọc báo Thiếu niên Tiền phong của đứa cháu ngoại thấy tên Tổng Biên tập là Phạm Thành Long. Anh nghĩ chắc là em rồi? Anh gọi điện thoại đến Tòa soạn. Để chắc chắn, anh hỏi: “Có phải Tổng Biên tập Phạm Thành Long của báo từng là lính Trường Sơn không?” Cậu thường trực nói: “Đúng rồi anh ạ!”. Rồi cậu ấy cho số điện thoại của em…
Từ đấy, anh em chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Tôi được biết: Từ Văn phòng Quân ủy Trung ương, anh Trương Quang Bách được điều vào Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 4. Từ đây, anh được điều xuống cơ sở làm Phó Chính ủy, rồi Chính ủy Sư đoàn 341. Nghỉ hưu, anh được bầu làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh.
Đầu tháng 10 năm 2004, nhân 90 năm Ngày sinh anh Lý Tự Trọng, tôi vào Hà Tĩnh dự lễ khánh thành ngôi nhà mà Tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong của tôi xây tặng cho em gái ruột của anh Lý Tử Trọng – Bà Nguyễn Thị Bảy (mẹ liệt sĩ) và dự Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của anh.
Ngay buổi chiều vào tới Hà Tĩnh, tôi chủ trì cùng Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh làm lễ cắt băng khánh thành ngôi nhà “tình nghĩa” tặng cho em gái anh Lý Tử Trọng. Ngôi nhà xây rộng 35 mét vuông có trần hiên rộng rãi, mái đổ trần bê tông vững chãi. Ngôi nhà được lắp 3 quạt trần Điện cơ…
Ngay buổi tối hôm ấy, tôi đã tới thăm gia đình anh Trương Quang Bách. Anh chị ở ngôi nhà trên con phố trục chính đi vào thị xã. Vì đã hẹn trước, anh mời cả anh Nguyễn Văn Luyến ở Thạch Đài tới nhà. Gặp nhau, ba anh em: tôi, anh Bách, anh Luyến ôm chầm lấy nhau. Anh Luyến không khác ngày xưa là mấy. Giờ anh đang làm Bí thư Đảng ủy Thạch Đài. Tôi tranh thủ tặng quà anh Bách, chị Bách và anh Luyến. Chúng tôi kể cho nhau về thời gian rời Binh trạm 35, rời Trường Sơn và về gia đình của nhau. Và không quên kể cho nhau về đồng đội của cả ba anh em. Tôi kể cho vợ chồng anh Bách và anh Luyến về chuyến đi công tác của mình… Thật xúc động. Chả ai tin là hôm nay anh em chúng tôi lại được gặp nhau trên quê hương anh Lý Tự Trọng…
Sáng hôm sau, đoàn công tác của báo Thiếu niên Tiền phong của chúng tôi tham dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh anh Lý Tử Trọng do Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh kết hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức. Anh Hoàng Bình Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn tham dự. Sau buổi lễ, tôi đang vừa đi vừa báo cáo nhanh với anh Hoàng Bình Quân về việc khánh thành ngôi nhà tình nghĩa báo Thiếu niên Tiền phong tặng em gái anh Lý Tử Trọng thì anh Trương Quang Bách đi tới. Tôi giới thiệu anh Bách với anh Hoàng Bình Quân. Anh Bách cười rất tươi.
-Anh Phạm Thành Long là lính của tôi ngày ở Trường Sơn. Hai anh em nhiều ngày cùng ngủ một hầm với nhau, anh ạ.
-Các anh ngủ hầm với nhau ở Trường Sơn mà còn được gặp nhau hôm nay thế này là quý lắm ạ…
Năm sau, anh Trương Quang Bách điện cho tôi từ Viện 108. Anh ra điều trị ung thư phổi. Tôi vào thăm anh. Vốn đã gầy, giờ nhìn anh Trương Quang Bách gầy tọp đi. Tôi động viên anh gắng điều trị. Tôi không ngờ đây là lần gặp cuối cùng giữa anh và tôi. Mấy tháng sau anh ra đi mãi mãi…
Gặp cụ Nguyễn Liệu và và cụ Huỳnh Phiếu ở TP. Quảng Ngãi.
Đầu tháng 4 năm 1996, tôi dẫn hai phóng viên bay từ Hà Nội vào Nha Trang. Tại đây, tôi “kéo” phóng viên Lê Đức Dương, phóng viên thường trú của báo tại Khánh Hòa nhập vào đoàn công tác của chúng tôi. Khi ra Quảng Ngãi, tôi quyết định chia làm hai mũi. Trưởng ban Văn nghệ Nguyễn Công Kiệt và cán bộ Quản Kim Cương vượt sóng trùng dương ra đảo Lý Sơn. Còn tôi và Lê Đức Dương thì thuê xe ôm lên xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh. Hai anh em ngồi sau hai chiếc Honda 67. Lê Đức Dương vừa đi vừa giới thiệu với tôi về cụm tượng đài Chiến thắng Ba Gia nổi tiếng thuộc xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh năm xưa. Nghe Lê Đức Dương nhắc tới chiến thắng Ba Gia, vốn kiến thức lịch sử của tôi được đánh thức. Tôi nói với Lê Đức Dương: Ngày 29/5/1965, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chơn, ta đã đánh tan Tiểu đoàn 1 quân ngụy tại đây. Lần đầu tiên ta xóa sổ một tiểu đoàn quân ngụy được trang bị rất mạnh vũ khi, trang bị của Mỹ… Đây là quê hương của cụ Huỳnh Phiếu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 471 Trường Sơn của anh đấy. Không biết bây giờ cụ ấy có về sống ở quê hương Ba Gia không? Tôi nói với Dương: Ở Quảng Ngãi còn có ông Chính ủy Binh trạm 38 của Sư đoàn mình đấy. Cụ ấy là Nguyễn Liệu…
Vui miệng, tôi hỏi Lê Đức Dương:
-Em có biết Sơn Tịnh có bao nhiêu tướng quân đội không?
-Em chỉ nghe nói Sơn Tịnh là một huyện nhiều tướng nhất Việt Nam nhưng có bao nhiêu vị thì em chịu.
-11 vị tướng tất cả, em ạ. Trong đó có những vị tướng nổi tiếng như Tướng Nguyễn Chánh, Trần Văn Trà, Trần Quý Hai, Phạm Kiệt, Võ Thứ, Nguyễn Đôn…Đặc biệt tướng Võ Bẩm là Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn của anh đấy! Thiếu tướng Phạm Quang Tiệp, quê xã Tịnh Sơn cũng là một vị tướng của Trường Sơn.
-Sơn Tịnh là một huyện đặc biệt anh nhỉ!
-Đúng thế! Đợt này về Quảng Ngãi, anh có nguyện vọng tìm gặp được hai vị cán bộ Sư đoàn 471 của anh.
-Anh có địa chỉ gia đình các cụ ấy không?
-Không có!
-Thế tìm kiểu gì anh?
-Tìm theo cách của các nhà báo chúng ta, em ạ…
Từ Tịnh Khê chúng tôi trở về TP. Quảng Ngãi. Tôi suy nghĩ mãi về Trung tá Chính ủy Nguyễn Liệu. Ông là một trong số gần 500 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên được Đoàn trưởng Võ Bẩm dẫn đầu hành quân vào Trường Sơn mở lối chi viện chiến trường miền Nam. Ông là Chính ủy Binh trạm 38 – một trong 5 binh trạm và 3 trung đoàn đầu tiên của khi thành lập Sư đoàn 471 của chúng tôi. Tháng 9 năm 1974 khi Bộ Tư lệnh 471 tổ chức lại thành Sư đoàn ô tô, từ đấy tôi không còn có tin tức gì về ông. Ngày ở Phù Trường, nhất là ở căn cứ Bến Giàng, Nam Giang, Quảng Đà, lên họp Sư đoàn, bao giờ ông cũng ghé qua Ban Tuyên huấn chúng tôi. Lúc thì ông xin thêm giấy viết, lúc thì xin thêm pin nghe đài. Đặc biệt là chiếc đài National 3 băng của ông đã dùng nhiều năm. Cái triết áp bị bẩn nên bị sột soạt rất khó chịu. Ông ghé qua để “mấy thằng” cơ công của tuyên huấn sửa giúp. Ông cao to và khá vui vẻ.
Ngày ấy, cụ Nguyễn Liệu có một giai thoại rất vui. Anh em trong đơn vị thường gọi ông với một biệt danh: “Cụ éc”. Chuyện là thế này. Từ sau năm 1969, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ bất kể ở đâu, bao giờ ông cũng trích câu thơ của Bác “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!”. Ông là người nói tiếng Quảng Ngãi đặc sệt nên câu chúc của ông nghe thành: Chúc các đồng chí: “Tiếng lơng toàn théng éc về ta!” Từ đấy anh em đùa vui và gán cho ông một níc nêm: “Cụ éc”!
Đầu năm 1973, ông được một người bạn cùng quê báo tin: vợ ông – một cán bộ không đi tập kết ở lại hoạt động tại địa phương. Bà bị địch bắt và đã hy sinh trong tù. Ông rất đau buồn. Chia sẻ hoàn cảnh của ông, tháng 9 năm 1973, ông được cấp trên cho ra Bắc để tìm hạnh phúc mới. Chiếc xe Gát 63 của ông đậu ở nhà khách Sư đoàn. Chiếc kính phía sau xe đã phủ lên một lớp bụi. Cánh lính trẻ liền lấy ngón tay viết dòng chữ lên lớp bụi: “Xe ra Bắc cưới vợ”. Ông biết chỉ cười hề hề trước trò đùa nghịch hóm của mấy đứa lính trẻ.
Xe của ông ra Bắc được ít ngày thì vợ bị địch bắt tù đày được chính quyền Sài Gòn trao trả. Sau đấy, bà được Khu ủy Khu 5 cho ra Bắc nghỉ dưỡng. Trên đường ra Bắc, nghe được tin chồng mình đã ra Bắc “cưới vợ”, bà đã xin ở lại quê hương tiếp tục công tác…
Thông tin về người vợ chưa chết và được Sài gòn trao trả đã không tới được với Chính ủy Nguyễn Liệu. Ông được bạn bè mai mối cho một bác sĩ quê Hải Phòng, đang công tác tại Hà Hội. Đám cưới được tổ chức mau lẹ theo kiểu thời chiến. Ông được Bộ phân cho một căn phòng tập thể tại Khu tập thể quân đội ở Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Sau cưới ít ngày, ông lại vội vã trở lại Trường Sơn…
Tôi nghĩ, giờ thì ông đã nghỉ hưu. Rất có thể đang sống tại TP. Quảng Ngãi. Đầu giờ chiều, tôi tìm đến Phòng Lao động thương binh xã hội Thành phố. Tôi chìa Thẻ Nhà báo, bày tỏ nguyện vọng muốn tìm địa chỉ gia đình một cán bộ quân đội tên là Nguyễn Liệu, có vợ được ngụy Sài Gòn trao trả năm 1973. Chỉ mới nghe đến đấy, chị cán bộ tiếp tôi nói ngay:
-Dạ chú Nguyễn Liệu ạ. Chú ấy giờ là Đại tá Chủ tịch Hội CCB của tỉnh, anh ạ. Nói rồi chị giở sổ. Chưa đầy một phút sau, chị đã ghi cho tôi địa chỉ gia đình Đại tá Nguyễn Liệu.
-Anh quen chú Nguyễn Liệu ạ? Chị hỏi tôi.
-Ngày còn ở Trường Sơn, cụ Nguyễn Liệu là Chính ủy một Binh trạm của đơn vị tôi. Vào công tác tại đây, tôi tìm và gặp cụ ấy. Gần 20 năm chúng tôi không gặp nhau rồi, chị.
-Dạ thế thì quý lắm ạ. Chúc anh gặp được chú Nguyễn Liệu ạ.
Rời Phòng Lao động Thương binh xã hội Thành phố, tôi tìm đến nhà Đại tá Nguyễn Liệu với một túi quà nhỏ trên tay: Bánh kẹo, sữa hộp, đường kính, mì chính…
Mở cửa nhà cho tôi vào là bà vợ “được trao trả” năm nào. Bà đã hơn 60, người cao và gầy, khuôn mặt khá đẹp và cương nghị.
-Em từ Hà Nội vào công tác, tới thăm Chính ủy Nguyễn Liệu ạ?
-Chú cùng đơn vị nhà tôi hả?
-Vâng. Ngày trước ở Trường Sơn, em ở Phòng Chính trị Sư đoàn, còn cụ Nguyễn Liệu là Chính ủy một Binh trạm của Sư đoàn ạ. Nhân có chuyến công tác vào thăm ạ. Em vừa vào Phòng Lao động Thành phố để xin địa chỉ của hai bác đấy.
-Ôi thế thì mất công quá nhỉ? Rất tiếc là ông nhà tôi có cuộc họp ở Đà Nẵng, chiều nay mới về.
Tôi bị hơi bị hẫng hụt. Ngồi nói chuyện một lát thì xin phép ra về. Trước khi chia tay, bà hỏi lại tôi:
-Chú bây giờ nghỉ ở đâu?
-Bọn em ở Nhà khách Tỉnh ủy ạ.
-Rồi! Khi nhà tôi về tôi sẽ nói ông ấy tới thăm các chú.
Chúng tôi vừa ăn tối xong đang nghỉ thì Đại tá Nguyễn Liệu đã tìm tới thăm. Đi cùng với ông là Phó Chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn Huỳnh Phiếu. Ba chúng tôi ôm nhau mãi không rời. Cụ Huỳnh Phiếu với tôi có rất nhiều kỷ niệm. Khi tôi công tác ở Tiểu ban Tăng gia cụ ấy là Thiếu tá Chủ nhiệm hậu cần Binh trạm. Mùa đói năm 1971, cụ Huỳnh Phiếu có sáng kiến tổ chức Hội thao hậu cần Binh trạm. Qua Hội thao phát hiện nhiều sáng kiến cải thiện bữa ăn cho bộ đội sáng tạo và rất ấn tượng…Khi tôi lên sư đoàn công tác thì cụ ấy được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn. Từ đấy tôi gặp cụ Huỳnh Phiếu nhiều hơn…
-Mày vô đây khi nào? Cụ Huỳnh Phiếu lên tiếng hỏi.
-Dạ được mấy ngày rồi cụ. Mấy ngày trước lên Tịnh Khê, có đi qua quê Tịnh Bắc, em có khoe với cậu này (tôi chỉ sang phóng viên Lê Đức Dương): Ba Gia là quê hương của thủ trưởng anh ở Trường Sơn. Cứ nghĩ là cụ về sinh sống ở quê. May quá gặp được cụ ở đây.
-Ông ấy mấy hôm nay lên thăm con ở thành phố. Tao đến nhà kéo ông ấy đến thăm mày luôn. Tao biết ngày trước mày còn ở 35 với ông ấy, phải không? Cụ Nguyễn Liệu lên tiếng.
-Dạ phải. Lâu quá giờ mới được gặp lại các cụ. Nhìn các cụ khỏe thế này là mừng lắm rồi! Rồi tôi kể vắn tắt về tôi cho hai cụ nghe. Hai cụ tiến tới bắt chặt tay tôi lần nữa.
-Mừng cho mày. Tiến bộ thế là tụi tao mừng lắm. Ráng nhé!
-Dạ vâng ạ. Tôi trả lời. Cậu Lê Đức Dương vội lên tiếng:
-Hai bác yên tâm ạ. Anh ấy được Trường Sơn rèn luyện nên vững vàng và rất có uy tín ạ.
Tôi tranh thủ kể về những lãnh đạo sư đoàn, lãnh đạo các đơn vị mà tôi biết. Kể về các đồng đội ở Ban Tuyên huấn của tôi và của Phòng Chính trị, kể về một số anh em ở Phòng Hậu cần của cụ Huỳnh Phiếu, một số anh em ở Binh trạm 38 của cụ Nguyễn Liệu…
Các cụ rất vui trước thông tin của tôi. Tôi còn khoe: Năm ngoái, lần đầu tiên họp mặt CCB Sư đoàn và thành lập Ban Liên lạc. Vui lắm! Khi nào có điều kiện kính mời các cụ ra dự họp mặt.
-Tao có khả năng, vì kết hợp ra họp BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam. Rồi ông quay sang cụ Huỳnh Phiếu:
-Anh ra Hà Nội gặp đồng đội không?
-Gần bảy mươi rồi. Sức khỏe bị Trường Sơn nó cướp mất nhiều quá. Không hẹn trước được đâu.
-Ở Ba Gia, cụ có ruộng vườn nhiều không? Tôi hỏi cụ Huỳnh Phiếu.
-Có chút à. Ngày trước ông bà già nghèo lắm. Có gì đâu. Mà có thì sức tớ làm gì được.
Nghe cụ Huỳnh Phiếu nói, tôi hoàn toàn chia sẻ với cụ ấy. Ngày ở Trường Sơn cụ ấy gầy và xanh lắm. Giờ có béo hơn tý chút nhưng nhìn cụ ấy không toát lên sức lực như nhiều người khác.
-Bao giờ mày về Hà Nội? Cụ Nguyễn Liệu hỏi.
-Dạ chưa. Sáng sớm ngày mốt bịn em đáp xe đò ra Đà Nẵng công tác ít ngày rồi mới bay ra Hà Nội ạ.
-Ra Đà Nẵng, mày có điều kiện đến thăm ông Nguyễn Bang nhé. Để tao ghi địa chỉ nhà của ông ấy cho. Sư đoàn mình ngoài Đà Nẵng có ông Nguyễn Bang (Binh trạm trưởng 47), ông Dương Văn Hòa (Phó Chính ủy), ông Nguyễn Văn Liên, Trưởng ban Tuyên huấn của mày ngày xưa đấy.
-Thế ạ. Thể nào tôi cũng tìm và đến thăm các cụ ấy.
Cụ Nguyễn Liệu còn cho tôi địa chỉ gia đình chị Nguyễn Thị Mai, vợ anh Võ Văn Sung, Trưởng ban Tuyên huấn của tôi (ngày ấy anh Sung làm Trưởng ban thay cụ Liên xuống Trung đoàn 10 làm Phó Chính ủy, tháng 9 năm 1973). Ba chúng tôi nói chuyện tới hơn 21 giờ mới chia tay nhau. Tối hôm sau tôi đến ngay nhà chị Mai. Tới nơi, tôi mới biết anh Võ Văn Sung đã mất vì ung thư năm 1984 khi còn đang là Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 5.
Chị hỏi:
-Chú còn nhớ cháu Hùng không?
-Em quên làm sao được. Trong an bum của em có bức ảnh màu em bế cháu Hùng chụp tại Long Bình đấy. Ngày chị và cháu Hùng từ Hà Nội vào thăm ba Võ Văn Sung ở Tổng kho Long Bình, tháng 7 năm 1975.
-Cháu mất năm trước rồi chú. Cháu làm cán bộ công ty Điện lực Quảng Ngãi. Một tối cháu đi làm về gặp đống đá người ta mới đổ xuống để sửa đường. Cháu phanh không kịp. Chiếc xe máy của cháu Hùng lao vào đống đá. Cháu bị trấn thương sọ não và mất sau đó ít bữa chú Thành Long ạ.
-Trời ơi, sao cháu xấu số thế! Em xin chia buồn với chị. Thế cháu Hùng đã lấy vợ chưa chị?
-Cháu chưa có vợ đâu chú. Chị chỉ còn cháu Thu Hương thôi. Cháu đang học lớp 10…
Tôi chợt nghĩ tới số phận của hai con người có một thời vô cùng oanh liệt. Anh Võ Văn Sung và chị Nguyễn Thị Mai có số phận thật đặc biệt. Anh Võ Văn Sung thuộc loại “to con”, đôi tai rất to. Dái tai dày và to như tai Phật. Dáng đi của anh rất có tướng. Anh Sung sinh năm 1939 tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Anh nhập ngũ cuối năm 1953. Anh không đi tập kết mà được phân công bí mật ở lại địa phương hoạt động. Năm 1967-1968, anh là Tiểu đoàn trưởng của Tỉnh đội Phú Yên. Anh đã chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng tại địa phương. Anh ba lần bị thương, trong đó còn mảnh đạn ở lồng ngực. Năm 1969, anh ra Bắc điều trị vết thương, rồi tốt nghiệp lớp cán bộ trung cao, Trường Sĩ quan Chính trị. Trong thời gian điều dưỡng ở miền Bắc, anh quen với chị Nguyễn Thị Mai. Chị quê ở thị xã Quảng Ngãi. Chị là cán bộ biệt động tỉnh. Chị Mai từng bị địch bắt. Tình yêu đã đến với họ. Năm 1970, anh chị kết hôn. Giữa năm 1971, anh Võ Văn Sung được điều vào Trường Sơn. Anh được bổ nhiệm làm Phó ban Tuyên huấn sư đoàn. Tháng 9/1973 anh được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Tháng 6 năm 1976 Sư đoàn hành quân lên Gia Nghĩa thì Thiếu tá Võ Văn Sung được tăng cường cán bộ cho Quân khu 5. Từ Phó Chính ủy, anh được đề bạt làm Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu…
Cháu Võ Văn Hùng đã chào đời khi anh đang hành quân vào Trường Sơn.
Thế mà khi đang ở tuổi 23 cháu đã sớm đi gặp người ba không may mắn của mình. (Anh Võ Văn Sung mất năm 1984 khi mới 55 tuổi bởi căn bệnh ung thư khi đang là Chính ủy Cục Hận cần Quân khu 5). Tôi không bao giờ quên chuyến đi cùng anh về thăm gia đình ngay sau giải phóng Sài Gòn. Từ Tổng kho Long Bình, Đồng Nai, anh Võ Văn Sung được chỉ huy Sư đoàn cho về thăm gia đình. Ba mẹ anh đã mất. Hiện anh chỉ còn người anh trai đã rời quê hương Đồng Xuân, Phú Yên vào sinh sống tại Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Anh mời tôi và Chí Công (họa sĩ) đi cùng anh. Chúng tôi đi chiếc xe Jeep (chiến lợi phẩm thu được của địch từ Buôn Ma Thuột) mà Ban Tuyên huấn được trang bị. Tôi chứng kiến tình cảm anh em anh sau bao năm xa cách thật cảm động. Anh trai anh rất tự hào về người em trai của mình, giờ đã là Đại úy quân Giải phóng…
Cuộc gặp gỡ cụ Nguyễn Bang và Nguyễn Văn Liên
Ra Đà Nẵng, khi mọi công việc chuyên môn đã xong, tôi lần theo địa chỉ gia đình cụ Nguyễn Bang do cụ Nguyễn Liệu cung cấp. Cụ Nguyễn Bang sinh năm 1928 tại Cam Lộ, Quảng Trị. Ông thuộc lớp cán bộ mở đường của Đoàn 559. Trước khi thành lập Sư đoàn, ông là Binh trạm phó 38. Khi thành lập Binh trạm 47, ông được bổ nhiệm làm Binh trạm trưởng. Giữa năm 1973, Bộ đội Trường Sơn tăng cường giúp Quân khu 5 xây dựng hệ thống hậu cần, ông được Bộ điều động vào làm Binh trạm trưởng Binh trạm 70 Quân khu. Tháng 9 năm 1973, tôi đi cùng Phó Chính ủy Sư đoàn Hoàng Văn Thám vào Binh trạm 70 của Binh trạm trưởng 70. Lúc này Binh trạm 70 đang đứng chân ở rừng Phước Sơn, Quảng Nam. Phó Chính ủy vào bàn công tác phối hợp tiếp nhận chi viện giữa Bộ Tư lệnh Sư đoàn và Binh trạm 70, trong đó có việc Sư đoàn giúp Binh trạm 70 mở đường kín vào các kho của Binh trạm, giúp và hướng dẫn xây dựng các cụm kho dã chiến…
Nhà cụ Bang ở khu tập thể của Viện Kiểm soát thành phố. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hồng, quê Quảng Bình. Trước khi nghỉ hưu, bà là Viện phó Kiểm sát. Rất buồn là cụ Nguyễn Bang đi công chuyện không có nhà. Tôi để lại địa chỉ tại khách sạn Thanh Thanh trên đường Phan Chu Trinh nơi đoàn chúng tôi đang ở.
Gần 11 giờ trưa, chúng tôi vừa đi cơ sở trở về Khách sạn thì cụ Nguyễn Bang xuất hiện. Về nhà nhận được tin nhắn của tôi ông phi ngay xe máy đến khách sạn. Gần 20 năm gặp lại, cụ Nguyễn Bang vẫn phong độ như ngày nào. Da mặt cụ đỏ au. Khi nghỉ hưu, cụ là Đại tá, Cục trưởng Hậu cần Quân khu.
Chúng tôi trao đổi nhiều thông tin về những cán bộ sư đoàn và các đơn vị. Cụ Nguyễn Bang nói:
-Ở Đà Nẵng này, tớ chỉ biết có ông Dương Văn Hòa, Phó Chính ủy Sư đoàn; ông Nguyễn Văn Liên cựu Trưởng ban Tuyên huấn của cậu. Cậu còn nhớ ông ấy không?
-Dạ nhớ chứ cụ. Ban Tuyên huấn mầy lần chuyển nhà, lần nào em cũng “vinh dự” được nằm cạnh giường, chung cái bàn nứa với Trưởng ban trong nhà hầm. Quên làm sao cụ. Tôi còn nhớ vợ cụ Liên ngày ở Bắc là Hội trưởng Phụ nữ Thị xã Sơn Tây mà!
-Vào Đà Nẵng, bà ấy tiếp tục công tác ở Hội phụ nữ Thành phố. Cũng nghỉ hưu mấy năm rồi. Hết giờ chiều, tớ đưa cậu đến thăm cụ Liên nhé. Cũng gần thôi mà.
-Vâng, nhất định tôi phải thăm cụ Liên rồi. Tôi khẳng định với cụ Nguyễn Bang.
Buổi trưa hôm ấy anh em chúng tôi mời cơm cụ Bang ở khách sạn. Cụ định từ chối nhưng chúng tôi không chịu nên của đành nhận lời…
Buổi chiều, tôi và cụ Bang đi xe ôm đến thăm cụ Liên. Nhà cụ nằm trong khu tập thể của Hội Phụ nữ Thành phố. Từ xa, tôi đã phát hiện ra một ông già mặc sà lỏn, áo lót dệt kim Đông Xuân có tay, dáng đi hơi còng như ngày xưa đang đứng trước sân nhà.
-Anh Liên ơi. Tôi mang khách quý đến cho anh đây này! Anh có nhận ra ai đây không? Cụ Liên nhìn cụ Bang rồi nhìn tôi rất lâu. Cụ đang đeo một cái kính lão khá to. Cụ Bang giục:
-Anh nhận ra ai chưa? Cụ Liên lắc đầu:
-Không nhận ra.
-Nó trước là lính của anh ở Tuyên huấn 471 đấy? Cụ Bang tiếp tục gợi ý. Cụ Liên lắc đầu:
-Không nhớ nó là đứa nào! Lúc này tôi vội lên tiếng:
-Em là Phạm Thành Long, chụp ảnh, làm Bản tin đây cụ? Cụ Liên nhìn tôi một chập rồi à lên:
-Giờ mới nhớ. Thằng này trước đẹp trai nhất Ban. Lúc này tay tôi vẫn cầm gói quà chạy lại ôm chầm lấy cụ Nguyễn Liên.
-Thằng Thành Long đã chuyển ngành. Giờ là Phó Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong đấy. Cụ Bang giới thiệu.
-Dạ em đang ở Hà Nội. Có chuyến công tác miền Trung. Nhờ cụ Bang mới biết cụ ở đây. Vui quá! Được gặp lại cụ sau ngầy ấy năm là mừng lắm. Tôi nghĩ thầm: Tuổi tác đã làm cho trí nhớ của các cụ sa sút quá! Những năm tháng lăn lộn ở Trường Sơn càng làm cho tuổi già của các cụ đến nhanh thật…
Ngày ở Trường Sơn, cả Ban không ai muốn ngủ gần cụ Liên, bởi cụ ấy rất kỹ tính. Lúc nào mọi người cũng phân công tôi ngủ cạnh và chung bàn viết với cụ Liên. Ngày còn ở căn cứ Keng Nhang - Phù Trường, ban đêm cụ Liên rất chăm nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Cụ ấy sử sụng chiếc National 2 băng khá nhỏ. Nghe nói cái đài này cụ dùng từ ngày làm Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 34. Vì cũ nên cái triết áp bị bụi bẩn. Nó thường xuyên “loẹt xoẹt” rất khó chịu. Đêm ấy mưa lớn nên sóng radio rất yếu. Gần 23 giờ đêm, cụ Liên vẫn chưa dò được sóng để nghe bản tin cuối ngày. Cái triết áp liên tục “xột xoạt” khiến cụ rất bực. Dò mãi chưa được, cụ lẩm bẩm: “Này thì ẹc ẹc! “Này thì ẹc ẹc này!” Rồi tiếp sau đó chúng tôi nghe có tiếng va chạm ở cửa hầm. Tiếng xoẹt xoẹt im bặt. Thì ra cụ ấy tức khí đã ném chiếc đài ra cửa hầm. Cả ban không một ai dám lên tiếng. Sáng hôm sau, cậu Thắng cơ công dậy rất sớm. Nó ra nhặt cái đài nằm chỏng trơ trước cửa hầm. Rất may là cái ném của cụ Liên chưa làm cái đài văng ra vượt qua mái che của cửa hầm. Nếu không thì mưa to đêm qua nó đã được uống no nước rồi!
Ngay trong buổi sáng hôm ấy cậu Thắng đã tháo cái triết áp ra lau rửa sạch sẽ và lau chùi toàn bộ cái đài ngon lành. May là cái vỏ bao da của cái đài rất chắc. Cụ Liên ném nó văng ra xa mà cái đài không hề hấn gì. Đồ của Nhật có khác. Từ trái nhà sửa đài, cậu Thắng mở to đài đi vào bàn làm việc của cụ Liên. Nó trịnh trọng:
-Xin gửi Trưởng ban chiếc đài mới ạ.
Cụ Liên ngẩng đầu ngơ ngác:
-Đài của ai vậy? Cậu Thắng vẻ mặt rất nghiêm túc:
-Dạ không biết của ai, sáng nay tôi nhặt được trước cửa hầm. Đài nghe tốt thế này mà vứt đi phí của giời thật. Cậu Thành Long bảo của cụ, nên tôi mang vào trả lại cụ. Đây nhé, to nhỏ vặn vô tư, dò băng dễ dàng nhé!
Thấy cái đài của mình trên tay cậu Thắng vẫn nghe tốt, cụ Liên vô cùng ngạc nhiên. Thấy thế tôi vội lên tiếng:
-Nhà mình có “bác sĩ” giỏi chữa mọi loại bệnh cho radio mà cụ không nhờ lại ném đi thật phí!
Cụ Liên biết mình nóng tính nên không nói gì, miệng chỉ “ề ề”. Và hỏi lại Thắng:
-Thế nó còn roẹt roẹt không đấy!
-Cụ cứ vặn thoải mái đi. Nghe theo Thắng, cụ Liên lấy tay vặn cái triết áp đài nhiều lần mà không thấy nó phát ra tiếng roẹt roẹt nào nữa. Cụ mừng ra mặt và cất tiếng khen:
-Giỏi!...
Lần khác, vào giờ nghỉ trưa. Cậu Lê Hùng liên lạc của Tiều đoàn Huấn luyện 15 lên chơi với cậu Chí Công, họa sĩ của Ban. Đinh Hữu Nghiêm và Bùi Văn Sơn, hai cơ công vôi sà đến góp vui. Theo đề nghị, cậu Hùng liền trổ tài bắt trước tiếng cụ Lê Duẩn đọc điếu văn trong lễ tang Bác Hồ. Dù Lê Hùng đã giảm “triết áp” nhưng ở đầu nhà bên kia, cụ Liên đang ngủ trưa vẫn bị đánh thức. Cụ nói vọng sang:
-Giờ nghỉ trưa rồi mà đứa nào còn mở đài thế hả. Có tắt đi không!
Chúng tôi đứa nào cũng ôm miệng cười khục khục. Hóa ra trò “khẩu thuật” của thằng Hùng siêu thật!...
Tuy tôi chỉ sống với cụ Nguyễn Văn Liên hơn một năm nhưng có rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên…
Chia tay cụ Liên. Trên đường về, tôi nói với cụ Nguyễn Bang:
-Cảm ơn cụ đã đưa tôi đến thăm cụ Liên.
-Tớ cũng buồn không hiểu sao ông Liên trí nhớ giờ kém quá!
Tôi bảo:
-Năm tháng Trường Sơn đã “bào mòn” sức khỏe và trí nhớ của cụ ấy!
Cụ Nguyễn Bang gật gật đầu:
-Đúng thế!
Hơn 32 năm làm báo, có thể nói, tôi đã đi tới nhiều miền quê cả nước. Tận dụng cơ hội ấy, tôi đã tìm được thông tin về họa sĩ Nguyễn Chí Công chuyển về Sài Gòn sinh sống; về Bùi Xuân Sơn (cơ công) quê ở Quảng Tân, Quảng Xương, Thanh Hóa cùng gia đình chuyển vào TX. Lagi, Bình Thuận sinh sống; Nguyễn Trung Thắng (cơ công) quê ở Nam Trực, Nam Định; về Nguyễn Văn Tuyến (điện ảnh), ở TX Bỉm Sơn, Thanh Hóa; Nguyễn Văn Lộc (điện ảnh) ở Nam Trực, Nam Định; Nguyễn Đô Lương (công vụ Chủ nhiệm Chính trị), quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ; Lê Ngọc Hùng, liên lạc tiểu đoàn 15, đi học và chuyển ngành làm Bí thư huyện Đoàn rồi làm Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, Thanh Hóa…Tôi có nhiều ấn tượng và những kỷ niệm cảm động về họ. Đó là nguồn cảm hứng cho những sáng tác văn học của mình. Tôi mới chỉ kịp viết hai truyện ký: “Câu chuyện được giấu kín nửa thế kỷ” (viết về mối tình kỳ lạ của Nguyễn Đô Lương) và “Một người lính có nhiều sự cố đặc biệt” viết về Lê Ngọc Hùng. Hai truyện này được in trong tập sách “Những chuyện lạ về lính Trường Sơn”.
Tôi hy vọng sẽ viết tiếp những câu chuyện thú vị về họ - những đồng đội một thời ở Sư đoàn 471 thân yêu.
Hà Nội mùa đông Giáp Thìn, 2024.