Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
TRỞ VỀ SAU CHIẾN TRANH
Truyện ngắn: Hoàng Văn Kính
I-Trước khi lên xe bà còn níu lại dặn: Lên đấy ông đừng gọi taxi, gặp người quê họ chạy lòng vòng rồi móc sạch túi thì khổ, không còn tiền mà về đâu - Bà yên tâm, cũng chẳng vội vã gì, đã lâu lắm rồi hôm nay mới được lên Hà Nội, tôi gọi xích lô vừa an toàn lại thong dong thoải mái nhìn ngắm phố phường - Xích lô cũng phải nhìn mặt mà gọi, ông là chúa chủ quan đấy.
Xe vừa đến bến đã thấy cả chục “bác tài”, già trẻ, đàn ông, đàn bà chen nhau chỉ trỏ xí phần: Ông com lê của tớ. Bà váy đen của tao. Lão hói đeo cái túi xách nâu của tao…ồn ào, xô bồ loạn cả lên. Một lão tầm chung chung tuổi sán lại dí cái mũ bảo hiểm vào tay tôi, gạ gẫm…
-Cảm ơn chú, tôi đi xich lô - Ông lạc hậu bỏ mẹ, thời buổi văn minh lịch sự ai lại ngồi xích lô. Một đoạn đường đáng bao nhiêu tiền, xích lô làm quái gì vừa bụi bẩn lại chậm rề rề. Mãi thấy khách không mặn mà, hắn quay mặt nhổ toẹt một cái, chửi đổng mấy câu rồi lẳng lặng bỏ đi. Ngồi xe gần 3 tiếng đồng hồ, người đau ế ẩm, tôi lang thang định vào hàng ghế đá dưới bóng mấy cây sấu ngồi nghỉ thì gặp một lão cũng tầm tuổi mình đeo cái khẩu trang trễ xuống đang lau bụi trên yên chiếc xích lô còn mới cóng - Bác đi em chở. Thấy lão cũng có vẻ thật thà, tôi gật đầu: Vâng, nhờ ông cho tôi đến bệnh viện 108. Giá bao nhiêu - Chắc bác mới ở quê lên, người ta lấy 100.000 – 120.000đ, em chỉ xin bác bẩy chục thôi. Thấy tôi còn đang chần chừ, lão bảo: Chỉ đủ mấy vại bia thôi, nào mời bác lên xe mình đi luôn, em còn tranh thủ làm thêm cuốc nữa.
Thấy giá cả thế là hợp lý, tôi ngồi lên xe, lão cẩn thận kéo cái mui che nắng – Ta đi bác nhé - Thân hình lằng khằng, mỗi bước đạp phải dướn người lên nhưng lão rất nhanh nhẹn, tính tình sởi lởi, dễ gần. Xe lướt đến đâu đều vui vẻ giới thiệu như một hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình và rất chuyên nghiệp.
II-Vui chuyện tôi tò mò hỏi: Chú tên là gì, ở tỉnh khác đến làm ăn hay người thành phố - Cảm ơn bác, em tên là Hải, quê Ninh Bình, cũng do hoàn cảnh éo le nên đã bằng nay tuổi mà vẫn phải gò lưng kiếm cơm đấy bác ạ. Chắc bác cũng là bộ đội về hưu, trông bác em biết. Em cũng là lính, đợt tổng động viên năm 1969, lúc ấy chưa đủ tuổi nhưng hăng máu em viết đơn tình nguyện rồi được điều thẳng vào Đường 20-Quyết thắng -Thế à, tôi tên là Thành, cũng lính 559, chốt giữ ở ngầm Ta-lê giai đoạn từ năm 1971- 1973.
Bỗng chiếc xích lô đi chậm lại rồi rẽ ngang tấp hẳn vào lề đường. Chưa hiểu chuyện gì thì thấy Hải tháo vội khẩu trang, bước lên giơ 2 tay đón tôi xuống rồi nghẹn ngào: Anh ơi, có phải anh là Thành, Trung đội trưởng không, em chào anh, em là lính A2, anh có nhận ra em không ạ? Khẽ đẩy Hải ra, nhìn thẳng vảo mắt, phải lục lọi trong trí nhớ một lúc tôi mới láng máng nhận ra. Có phải Hải một người lính quả cảm cùng đơn vị với tôi những năm tháng đánh mỹ trên đường 20-Quyết thắng đấy không? Khác xưa quá, Hải hôm nay già đi nhiều gầy và đen, dáng người khắc khổ, hai mắt thâm quầng, trũng sâu. Đúng rồi, đúng Hải rồi, vẫn giọng nói ấy, vẫn ánh mắt ấy…Chẳng để ý những người xung quanh, hai người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường năm xưa ôm lấy nhau giữa tiếng xe cộ ồn ào, những giọt nước mắt cứ thế chảy dài trên gò má mặc cho mọi người đi đường tò mò ngó nhìn. Tôi bảo lên thăm ông Tình, vết thương trên đầu bị tái phát đang điều trị ở Quân y viện 108. Hải hỏi: Có phải anh Tình người nhỏ nhắn, nom rất thư sinh, hôm ấy cả đơn vị đang kè ngầm Ta-lê thì bị bom nổ chậm, cột nước xô anh xuống hạ lưu, cả Tiểu đội hớt hải chạy dọc 2 bờ sông tìm mãi mới thấy, lúc vớt được lên bụng đã đầy nước, may mà còn sống anh nhỉ - Rồi Hải giục: Thôi lên xe đi anh, kẻo muộn giờ.
Dọc đường đi, ký ức của một thời đánh Mỹ trên đường 20-Quyết thắng ùa về. Những đêm cả Trung đội phải dầm mình dưới nước làm hàng cọc tiêu sống cho trong tiết trời mùa động giá buốt, trên đầu là hàng chục quả pháo sáng, tiếng máy bay gầm rú; những lần lao vào lửa cứu xe, cứu hàng, cứu thương binh trong sự đánh phá của máy bay địch; cái lần cả Trung đội chịu trận nằm phơi mình giữa bãi bom B52, tiếng nổ rền vang, khói bụi mù mịt, đồng đội người còn, người bị thương, người hy sinh… những khoảnh khắc bi tráng ấy vẫn còn sống mãi với thời gian, sống mãi trong tâm thức của mỗi chúng tôi.
III-Đến bệnh viện, nài nỉ mãi nhưng chú bảo vệ dứt khoát không bấm thang máy cho lên tầng 14 nơi Tình đang nằm điều trị vì lý do đã quá giờ và không có thẻ theo quy định. Tôi đành hẹn Hải sẽ gặp lại nhau khi nào Tình ra viện. Hải không chịu, dứt khoát giữ tôi lại: Mấy chục năm rồi, nhờ giời mà anh em mình còn được gặp lại nhau, em rất nhớ các anh, có nhiều chuyên để nói, anh phải ở lại với em chỉ một đêm nay thôi. Hải nhiệt tình quá làm tôi không nỡ về nên quyết định ngủ lại trong gian nhà trọ cấp bốn tuềnh toàng, Hải bảo: Có mỗi mình, ở trọ cho tiện việc đi khách, cái nghề làm đầy tớ cho thiên hạ lọ mọ chẳng có giờ giấc nào anh ạ. Anh ngồi nghỉ để em tranh thủ nấu cơm. – Lát nữa chạy ra ngõ mua cái gì về chén, ăn mấy nấu nướng làm gì – Tôi ngắm nghía rồi sờ mó lên cái xích lô khen đẹp - Chú mới mua à. -Em mua đồ thải tân trang lại, khách bây giờ, nhất là khách Tây họ thích tham quan trải nghiệm bằng xich-lô nhưng phải đẹp, không phải xe nào họ cũng đi.
-Anh phục chú, phải có đôi bàn tay vàng, tính tỷ mỷ và thật sự yêu nghề thì mới có thể hóa phép thành chiếc xe như mới lại sạch đẹp thế này.
-Vết thương đã lấy đi sự khéo léo của đôi bàn tay nên em không thể theo nghề truyền thống, mặc dù ở quê em có nhiều làng nghề nức tiếng cả nước đã tồn tại hàng trăm năm như: Thêu Ren Văn Lâm, Mỹ Nghệ Cói Kim Sơn, nghề Mộc Phúc Lộc, Đan Cót Vân Long, Hoa man La Mai, Non bộ Bình Khang,…Khi nào có nhu cầu mua xắm đồ mỹ nghệ chạm khắc bằng đá mời bác về Ninh Vân, cái gì cũng có vừa tinh, vừa đẹp, vừa bền giá cả lại rất hợp lí.
-Chở khách Tây có khó không – Tôi hỏi.
-Họ không vặt vãnh, điều quan trọng là mình phải thật thà, tận tình, chu đáo và biết ngoại ngữ để giao tiếp. Từ ngày làm cái nghề này, ngày nào em cũng học, cứ lúc rỗi lại mở sách ra học, rồi chịu khó chuyện trò với họ, mỗi ngày chỉ một vài từ thế mà đến hôm nay nói được sõi anh ạ, mấy ông bà Tây OK, gật đầu lia lịa – Rồi Hải đưa cho tôi xem mấy quyển sách học tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga đã cũ, sờn cả gáy. Tối thán phục nghị lực và ý chí vươn lên của Hải.
Tối hôm ấy anh em chuyện trò đến quá nửa đêm, Hải kể: Hồi ấy địch đánh phá ác liệt quá, Sau cái đêm anh bị mảnh bom phải đi cấp cứu thì em bị bỏng nặng ở cánh tay phải lúc đang cứu xe hàng bị địch bắn cháy ngay ở đoạn đường dẫn xuống ngầm. Do vết bỏng quá nặng em được đưa thẳng ra tuyến sau chữa trị nên anh em mình không còn được gặp nhau – Hải kéo tay áo lên, tôi sờ vào vết sẹo thâm tím ngoằn ngoèo ăn sâu tận xương chạy dài từ khủy xuống đến cổ bàn tay. Xoa nhẹ vào, tôi rùng mình, nó xù xì, nham nhám, cảm giác như chỉ còn một lớp da bọc bên ngoài phần xương - Còn đau không? - Bình thường không sao nhưng những lúc trái gió trở trời thì đau nhức, nhiều đêm không sao ngủ được. Sau khi điều trị vết thương tạm ổn, em được đưa đi trại điều dưỡng, cuối năm 1974 thì ra quân. Một chiếc ba lô lèo tèo vài bộ quần áo cũ và một cánh tay treo trước ngực. Về đến nhà mới biết bố đã mất vì bị tai nạn khi đi lấy thuốc cho mẹ, mẹ vì thương bố, thương con trai biền biệt đi mãi chẳng có tin tức gì khóc nhiều quá nên cả 2 mắt bị lòa không nhìn thấy gì, người rệu rã như tầu lá héo.
IV-Sau ngày em gái đi lấy chồng xa mãi bên Nam Định. Còn hai mẹ con, em kê chiếc giường nhỏ cạnh giường mẹ, thay em gái ngày đêm chăm mẹ. Rồi hai năm sau qua một người họ hàng mai mối em lấy vợ ở ngay xã bên, mẹ vui người cũng khỏe ra. Vợ em tên là Dung, xinh xắn, đảm đang nhưng chẳng hiểu sao cả ba lần mang bầu đều không giữ nồi cái thai trong bụng. Vét trong nhà có thứ gì ra tiền chúng em bán hết, hễ cứ nghe ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi xa mấy vợ chồng cũng dắt nhau lặn lội đến thăm khám, chữa trị. Hồi ấy em còn trẻ, mặc dù bị thương tật nhưng sức khỏe vẫn còn tốt nên ai cũng nghĩ nguyên do ở phía vợ em, đến một hôm vết thương tái phát em phải đi cấp cứu thì mới phát hiện ra bệnh ở mình do bị phơi nhiễm chất độc da cam Đio-xin hồi ở chiến trường nên không thể có con. Nghe Hải kể, tôi sực nhớ ra cái buổi chiều một ngày tháng 2 năm 1972, bầu trời xám xịt, khi cả Trung đội tôi đang san lấp hố bom ở đoạn đường dẫn xuống ngầm Ta-lê thì bỗng đâu một chiếc máy bay lao đến, xà thấp xuống phun ra một lớp sương mù rồi bay vút đi. Lớp sương ấy thấm vào người tạo cảm giác lạnh lạnh, chẳng ai biết nó là cái gì, mãi sau này khi có bệnh, đi khám tôi mới biết đấy là chất độc da cam Điô-xin. Hôm ấy cả Trung đội người nặng, người nhẹ ai cũng bị dính cái thứ chất độc giết người thầm lặng ấy. Hải tâm sự tiếp: Mặc dù vợ chồng em đã dấu kín nhưng chẳng hiểu sao mẹ lại biết, cụ chẳng ăn uống gì, đêm nào cũng úp mặt vào gối, vật vã cả tuần rồi đột ngột ra đi.
-Tội quá, hoàn cảnh như thế sao chú nỡ để mình cô ở nhà.
-Đấy là một nỗi đau. Đi làm thì chớ hễ về đến nhà nhìn thấy vợ lòng em thắt lại, mặc cảm, tự ty, xót xa ân hận. Em buồn bã dầy vò tự trách mình, nhiều đêm dằn vặt không ngủ được, đã có lúc em muốn buông bỏ tất cả nhưng may mắn em còn có Dung. Em biết Dung cũng rất buồn nhưng không bao giờ thể hiện ra bên ngoài, cũng không hề móc máy, thậm chí còn luôn động viên an ủi em, tạo không khí thoải mái yên ấm trong gia đình. Là người có lỗi em không đành lòng, có lần hai vợ chồng tâm sự, em động viên Dung kiếm một đứa con do cô ấy tự đẻ, miễn phải giữ kín không để cho ai biết. Dung ôm em khóc rất nhiều, cô ấy quả quyết chỉ yêu có mình em nên điều ấy sẽ không bao giờ xẩy ra và ra điều kiện với em: nếu còn yêu Dung thì không bao giờ được nhắc lại chuyện ấy nữa. Cuối cùng em đành “trở mặt” đòi chia tay, Dung bảo nếu phải như thế thì hai vợ chồng cùng ra sông Đáy trói chặt tay nhau lại để mãi mãi được ở bên nhau. Nhờ anh em, bạn bè và cả ông bà bên vợ thuyết phục cũng không được, em nuốt nước mắt để lại một lá thư từ biệt, sổ chế độ thương binh, nạn nhân chất độc da cam rồi thắp hương, kính cẩn xin phép bố mẹ được dứt áo ra đi… Xót xa lắm anh ạ, nhưng phải đành lòng để Dung cơ hội tìm bờ vai khác hoàn hảo hơn khỏi bỏ lỡ một đời làm mẹ.
V-Tha hương với hai bàn tay trắng, từ đấy em phiêu bạt nhiều nơi, ai thuê gì cũng làm miễn kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Mất gần một năm lang thang đầu tắt mặt tôi mà chẳng đâu vào đâu cuối cùng em quyết định lên Hà Nội bởi nghĩ rằng ở Thủ đô sẽ dễ kiếm việc, dễ kiếm tiền hơn các nơi khác. Lúc đầu đi phụ vữa, sau một tuần chủ xây dựng cắt hợp đồng, em dạt vào chợ Long Biên làm phu khuôn vác nhưng cũng chỉ được mấy ngày không chịu nổi vì quá lao lực, thời gian lao động quá khắt khe nên em phải bỏ và chọn xích lô làm sinh kế lâu dài, được cái nghề này cũng thoải mái lại chủ động được thời gian.
Tôi thật sự ái ngại cho Hải: Thế chú định cứ sống tạm bợ, lánh mặt mãi ở đây không về quê à. Làm ăn chẳng có giờ giấc gì, một sương hai năng thu nhập một tháng có đủ sống không?
-Bố mẹ sinh được hai anh em, cái Thắm em gai đã yên phận nên em chẳng phải lo nghĩ gì. Còn đủ, biết thế nào là đủ hả anh. Cứ chịu khó cầy ngày cũng được dăm bẩy trăm. - Thế cơ à. Anh tưởng tằn tiện chỉ đủ ăn thôi.
-Trong khoản tiền ấy có một phần của khách, chắc thấy mình thật thà, chất phát nên họ bo thêm, người thì hai chục, năm chục, có người cho cả trăm ngàn. Chỉ giữ lại đủ để trả tiền nhà, điện nước và sinh hoạt cá nhân, còn lại em nhặt nhạnh cho đủ mỗi tháng 2 triệu mang góp vào quỹ từ thiện. Của ít lòng nhiều anh ạ. Rồi Hải kể cho tôi nghe một câu chuyện thương tâm như một động lực thôi thúc Hải “ dấn thân” vào làm từ thiện:
-Buổi trưa hôm ấy trời nóng như đổ lửa, em đang hối hả guồng xe về thì bắt gặp một cụ bà cũng chạc tuổi mẹ mình đang ngồi dưới bóng cây cạnh vỉa hè với chiếc nón rách, tay cầm cái gậy cứ khua khua. Thấy tội quá em ghé lại định biếu cụ mấy chục nhưng cụ không lấy, kêu đau chân và nhờ em chở về nhà ở ngoài bãi sông Hồng phía sau chợ Long Bên. Trên đường đi, cụ kể: Chồng mất sớm, có mỗi anh con trai vừa học hết cấp III thì đi đánh Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất được xuất ngũ về quê, giục mãi mới lấy vợ. Vợ chồng sinh được hai đứa con nhưng đều bị tàn tật, lúc đứa lớn được năm tuổi, đứa bé hai tuổi thì mẹ nó bỏ đi biệt tăm, buồn quá anh con trai sa đà vào rượu chè chẳng ai ngăn được rồi mắc bệnh gan chết, thế là từ đấy bà nội phải nuôi hai đứa cháu tật nguyền bằng cái nghề ăn xin. Ngôi nhà ba bà cháu ở là một túp lều được lợp bằng giấy dầu, bao quanh là những chiếc bao tải dứa, vật dụng trong nhà chỉ duy nhất một chiếc giường, mấy cái bát, cái xong vất chỏng trơ. Thấy em, hai đứa trẻ chỉ còn da bọc xương, mình trần, ú ớ vỗ tay vào đùi rồi cười khanh khách…Khoảng hai tháng sau em quay lại địa chỉ ấy nhưng không thấy ai, hàng xóm bảo cụ đã mất, hai đứa trẻ tật nguyền được người ở quê lên đưa về cách đấy hơn tháng. Đau quá anh ạ. Rồi em tha thẩn đi quanh cái khu ổ chuột ấy, toàn dân tứ xứ, trong đó có cả những người lính thất cơ lỡ vận họ sống chen chúc, tạm bợ, bẩn thỉu, hoàn cảnh nào cũng bi thương, từ đấy em ngộ ra dẫu bất hạnh nhưng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, trên đời này còn có nhiều mảnh đời rách nát, khốn khó hơn mình, họ rất cần được chia sẻ, cưu mang. Tôi nhắc: Làm từ thiện chú cũng phải cẩn thân, gửi đúng chỗ kẻo nơi đáng đến thì tiền chẳng đến là mang tội đấy.
- Em làm từ thiện vào quỹ Từ thiện của Hội Chữ thập đỏ. Ngay từ đầu em đã có quy ước với ban quản lí quỹ một nguyên tắc: Chỉ kí xác nhận để bào đảm tính minh bạch, không được nêu tên em ở bắt cứ đâu, dưới bất cứ hình thức nào. Của cho không bằng cách cho phải không anh. Tôi không sao cầm được lòng mình, ôm chặt Hải, trong đầu vương vấn mãi ý nghĩ: Có lẽ chỉ những người lính sống trong tột cùng của sự đau khổ mới thấu hiểu được sự đau khổ của người khác và có những nghĩa cử cao cả như vậy.
VI- Hải vẫn thủ thỉ kể: Một hôm em đang hí hoáy đẩy cái xích lô ra cổng thì bỗng thấy Dung đứng ngay trước mặt, phía sau là một người đàn ông chững chạc tay xách hai túi to, sát bên cạnh là cậu bé chừng 6 tuổi. Chưa kịp phản ứng thì Dung chạy ào đến ôm chặt lấy em khóc tức tưởi. Người đàn ông tiến lại dìu cả Dung và em vào trong nhà. Lúc mọi người đã yên vị, Dung giới thiệu đấy là Bắc chồng Dung. Dung kể: Cách đây ba ngày có người làng phát hiện thấy em, họ lẳng lặng lần theo dấu vết rồi về mách bảo, lúc ấy Dung mới biết em còn sống và thuê trọ ở đây. Bắc hơn em 2 tuổi nhưng vẫn một điều anh, hai điều em, còn cậu bé kháu khỉnh là con trai của hai vợ chồng, Dung đang mang bầu cháu thứ hai. Trưa hôm ấy cả nhà ăn bữa cơm thịnh soạn, tất cả đều do vợ chồng Dung mang đến, cậu con trai cứ lân la nghiêng ngó sờ mó vết sẹo bỏng trên cánh tay bác. Kí ức ùa về, có những khoảng lặng như chìm xuống, thương mình, thương người, nước mắt ngậm ngùi xót xa rồi vợ chồng Dung động viên, nài nỉ em về quê sống. Bắc bảo: Anh cứ về, đấy là quê hương mình, là nơi ông bà đang yên nghỉ, ở đấy còn có anh em họ hàng, tình làng nghĩa xóm chứ không thể ở mãi đây được.
-Sợ thiên hạ… - Anh đừng ngại, miễn anh em mình hiểu, thông cảm và thật sự quý trọng nhau. Đất bố mẹ để lại rộng rãi, cỏ mọc đầy vườn, nhà lâu ngày không người ở nên đã xuống cấp, vợ chồng em sẽ đầu tư sửa sang lại cho thật đàng hoàng, bác không phải lăn tăn gì cả.
-Cảm ơn cô chú, anh sẽ về nhưng không phải hôm nay…
-Anh ạ - Dung nài nỉ - Tuổi ngày một cao, sức khỏe ngày một suy giảm anh không thể theo mãi cái nghề này được, mình đã có tâm thì ở đâu cũng làm từ thiện được. Mình có nghề, anh về mở một cơ sở chế tác đá, gặp khó khăn gì chúng em sẽ hỗ trợ. Hải trầm ngâm rồi thở dài: Có lẽ cũng phải vậy.
VII-Sớm hôm sau, Hải ra phố mua mỗi anh em một bát phở, lúc ăn xong ngồi uống nước tôi rút ví dúi vào tay Hải một nắm tiền: Anh không mang nhiều, chú cầm tạm để trang trải thêm, lúc nào cũng phải có một khoản đề phòng những khi trái gió trở trời chứ. - Em có thiếu đâu mà anh phải cho.
-Có mấy triệu bạc thôi, chẳng nhiều nhặn gì chú cứ cầm cho anh vui. Hải chối đây đẩy: Em chỉ có một mình, tiền lao động hàng ngày cũng đủ tiêu, anh không phải lo.
Hai anh em cứ dùng dằng mãi, cuối cùng Hải nói: Thôi thế này, anh cho thì em xin nhận, nhưng số tiền này ngay sáng mai em sẽ mang nộp vào qũy từ thiện và ghi tên của anh. Biết tính Hải, có đôi co cũng chẳng được tôi đành phải nói: Tiền là của chú, cái đó tùy chú, thế nào cũng được, anh ủng hộ cả hai tay.
Hải đạp xe đưa tôi ra bến, hai anh em hẹn nhau khi nào Tình ra viện anh a-lô là chú phải bố trí về ngay, anh em mình sẽ có buổi hội ngộ.
Hải ôm tôi rồi giục:Thôi anh về đi kẻo chị và các cháu mong.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn