Vết sẹo dó bầu - tập truyện ngắn về bộ đội làm kinh tế và lính Trường Sơn
VẾT SẸO DÓ BẦU
TẬP TRUYỆN NGẮN VỀ BỘ ĐỘI LÀM KINH TẾ VÀ LÍNH TRƯỜNG SƠN.
Sau chiến tranh chống Mỹ, toàn bộ Binh đoàn Trường Sơn chuyển thành Tổng cục Xây dựng kinh tế. Bởi vậy, những người lính Trường Sơn trong thời bình trở thành những người lính kinh tế. Đọc xong tập truyện ngắn Vết sẹo dó bầu tôi rất vui vì lần đầu tiên được đọc một tập truyện ngắn mà mọi câu chuyện đều thấy bóng dáng thân thuộc của bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh và bộ đội trên mặt trận kinh tế.
Tác giả tập truyện ngắn là là Đại tá Vũ Trình Tường, Trưởng Ban lịch sử của Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Anh cũng là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn. Ngoài những tác phẩm riêng hoặc chủ biên về Lịch sử bộ đội Trường Sơn như cuốn “131 di tích và địa danh Trường Sơn” và cuốn “5 trục dọc, 21 trục ngang đường Trường Sơn”…, tôi đã được đọc một số tác phẩm văn học của anh: Người con làng Cổ Du, Đông tây ký sự, Bộ Tư lệnh Trường Sơn- những bước đi trong chiến tranh chống Mỹ… Vũ Trình Tường vốn là kỹ sư Xây dựng của bộ đội Trường Sơn. Từ khi nhập ngũ đến khi nghỉ hưu anh vẫn gắn bó với nghiệp xây dựng. Các câu chuyện anh viết rất đời thực và chính xác về nghề nghiệp. Những cụm từ như Dự án, Đường 279, trồng cà phê, đơn vị khảo sát thiết kế, lán tạm bợ của những người lính nông trường… Rồi những việc như lửa hàn bắn vào làm đứt dây dù bảo hiểm, gác barie bảo vệ khu vực nổ mìn, quan hệ chủ đầu tư với nhà thầu,.. luôn gợi nhớ công việc của những người lính kinh tế.
Theo cách nói của Tô Hoài: Truyện ngắn là cắt lấy một khúc của đời sống, thì bảy truyện ngắn trong tập truyện này là bảy lát cắt trong đời thường bình dị của những người lao động. Trong mỗi truyện đều có nhân vật liên quan đến quân đội xây dựng kinh tế hoặc bộ đội Trường Sơn thời chiến tranh chống Mỹ. Nhưng điều quan trọng của truyện ngắn, nói như Constantin Pautopsky: Trong truyện ngắn, “Cái không bình thường được hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường được hiện ra như một cái gì đó không bình thường”, thì trong tập truyện này có những truyện, tôi cho rằng đã đạt được tới cảnh giới ấy, đặc biệt là truyện ngắn Vết sẹo dó bầu.
Đọc hết tập truyện ngắn, ta có thể nhận ra ngay Vết sẹo dó bầu là câu chuyện tác giả tâm đắc nhất. Anh đã nung nấu câu chuyện này tới hơn mười năm. Lấy cảm hứng từ cây dó bầu, một loài cây rất đặc biệt: Từ những vết thương trên thân, cây dó phản vệ tiết ra chất làm nên trầm hương, một hương liệu quý, thơm mà những người thợ tìm trầm nhiều khi bất chấp cả hiểm nguy tính mạng để săn tìm được nó. Tác giả đã nâng hiện tượng này lên thành triết lý trong cuộc sống: Mọi vết thương đều có thể liền sẹo, nhưng trong đó, có những vết sẹo lại tạo ra những tinh tuý mới trong cuộc đời. Nói một cách bình dị hơn: Trong cuộc sống, nếu vấp ngã, bạn hãy tự tin đứng dậy, và nếu mình quyết chí vươn lên, thì chính sự vấp ngã có thể là động lực cho những điều tốt đẹp trong phần sau của cuộc đời.
Trong Vết sẹo gió bầu, chỉ có cô Đào Kim Huệ - vợ thầy giáo Trần Đắc Vinh là “quái chiêu”, có thể coi là nhân vật phản diện, còn lại đều là những người thiện tâm. Trong đó, một số người vì những lý do khác nhau, họ đã bị đẩy vào cuộc sống phải đấu tranh sinh tồn, và trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy đã làm nên bản lĩnh, tính cách của họ. Cô nữ sinh Trầm Hương vì một “tai nạn” không mong muốn đã phải bỏ thị trấn lên một bản xa, rồi tự mình tìm thấy hướng đi mới cho cuộc đời và tìm thấy hạnh phúc. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đắc Vinh vì ký quyết định kỷ luật oan ức đối với Trầm Hương mà tự dằn vặt, xin từ chức, rời thị trấn, làm lại cuộc đời, rồi từ đó gặt hái những thành công mới trong cuộc sống và tìm lại được người mình yêu thương. Cô sinh viên Thạch Thu Lan khi biết mình có thai với Nguyễn Đắc Vinh đã chọn cách rời trường về quê làm mẹ đơn thân, âm thầm nuôi hai đứa con sinh đôi để giữ danh dự cho người yêu. Tấm lòng trong sáng vị tha của cô đã được số phận đền đáp: cô có một cuộc sống tốt đẹp và được đoàn tụ với người yêu…Vết sẹo dó bầu dài tới bảy mươi trang, có thể xếp vào truyện vừa. Kết cấu câu chuyện chặt chẽ. Các nhân vật xuất hiện đều hợp lý và kết thúc chuyện có hậu một cách không khiên cưỡng. Nếu dụng công thêm, câu chuyện hoàn toàn có thể viết thành tiểu thuyết.
Như tác giả đã nói trong lời giới thiệu, bảy câu chuyện trong cuốn sách đều có những nhân vật chính là những người con gái. Tính cách của họ rất đa dạng: Luôn khao khát đàn ông (Hồ ly nữ), vị tha và mạnh mẽ (Vết sẹo dó bầu, Truyền thuyết xứ Cùa, Hiền hoi), mang đầy đủ tính cách phụ nữ cả xấu, cả tốt như tục ngữ từ ngàn xưa (Giặc bên Ngô), chịu nhiều bất hạnh cuộc đời (Thay máu), đài các và sống hết mình (Đen và trắng)… Những nhân vật nữ ấy đã phần nào phác hoạ trải nghiệm của những người lính khi đi qua chiến tranh và bước vào mặt trận kinh tế.
Hầu hết trong các câu chuyện đều có những nhân vật từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ trên Trường Sơn. Bởi vậy, có thể nói Vết sẹo dó bầu là một cái gạch nối quá khứ hào hùng và hiện tại gian khó nhưng vinh quang, cao đẹp của những người lính Trường Sơn.
Đặt cuốn sách xuống, không thể không nói lời cảm ơn với nhà văn Vũ Trình Tường.
Tháng 3/2025
Hồ Sỹ Hậu