Lang thang miền Giáo đường - Lê Lợi

Ngày đăng: 09:23 16/07/2017 Lượt xem: 1.436
LANG THANG MIỀN GIÁO ĐƯỜNG
 
Bs Lê Lợi
 
         Cuộc đi chơi của nhóm bạn không còn trẻ thật ngẫu hứng, vào tối một ngày gần cuối tuần, tôi nhận được tin nhắn của Liên, một Bác sỹ,vừa là người bạn thân thiết, vừa là người em quý mến từ hơn hai chục năm, giờ công tác ở Hà Nội, rằng: Không biết ở Nam Định có nơi nào để thư giãn không, em và mấy bạn muốn về đó1 ngày. Sau một chút suy nghĩ, tôi bảo Nam Định vốn là vùng đất cổ, nhiều địa danh Lịch sử, có nhiều danh lam, thắng cảnh đặc biệt là có nhiều Xứ đạo hay là mời các em đi thăm các nhà thờ Thiên chúa. Tôi nói với các em rằng, Nam Định không chỉ là nơi đầu tiên Thiên chúa giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm 1533, mà đây còn là một trong những tỉnh có nhiều nhà thờ đẹp nhất trên cả nước.
         Thế là chỉ sau có hơn một ngày, vào ngày cuối tuần đầu hạ, 3 kiều nữ đã từ Hà thành xuôi về Nam Định. Cái háo hức về vùng đất xa lạ cùng việc đi từ sớm đã làm các em ăn điểm tâm sáng bằng món bánh cuốn chả thật ngon lành ở phố Hoàng Hữu Nam, một con phố nhỏ chỉ dài khoảng hơn trăm mét nối hai phố Hàng Tiện và Quang Trung. Bánh cuốn ở đây thật ngon, được tráng bằng bột gạo, mỏng tang, từng lá, từng lá được thoa nhẹ bởi nước mỡ, hành phi cháy cạnh và được chấm bằng thứ nước chấm pha với chanh, ớt cùng chút hạt tiêu. Cả hội kéo nhau làm ly Café ở phố Lê Hồng Phong, bên cạnh hồ Vị Xuyên, ngắm những hàng cây khoe lá mơn mởn của một buổi sớm ở thành phố cổ kính, êm đềm trong tiếng nhạc nhè nhẹ. Hồ Vị Xuyên vốn dĩ là một khúc sông Vị Hoàng còn sót lại sau khi sao dời, vật đổi, nó trở nên nổi tiếng bởi bài thơ Sông Lấp chỉ có 4 câu của nhà thơ Tú Xương của những năm đầu thế kỷ trước
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhàcửa, chỗ trồng ngô, khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình, còn tưởng tiếng ai gọi đò.
         Dường như trong buổi sáng êm đềm và thơ mộng, thật đông người đến uống giải khát nhưng tất cả đều khẽ khàng…làm không gian càng thêm trầm mặc.
         Trước khi rời khỏi thành phố Nam Định để về vùng biển, các kiều nữ Hà Nội, gốc xứ Thanh đồng hương với tôi đã mê mẩn với kiến trúc của nhà thờ Khoái Đồng, tọa lạc bên công viên Vị Xuyên

 

          Nhà thờ Khoái Đồng được xây dựng vào năm 1934 theo kiến trúc Gotic cổ độc đáo nhất ở Việt Nam, có mái vòm cong, trên những bức tường có tạc các vị thánh…ngọn tháp chuông cao cổ kính mới đây đã và đang được trùng tu nhưng vẫn mang nguyên vẹn dấu tích xa xưa.
 
 
         Xe qua cầu Đò Quan, xuôi về Nghĩa Hưng, đã thấy nhiều Nhà thờ ở 2 bên đường thuộc huyện Nam Trực và Trực Ninh, to có, nhỏ có, thấp thoáng sau lũy tre xanh, nổi bật trên những cánh đồng lúa đang trổ đòng. Buổi trưa, chúng tôi dừng chân tại Khu sinh thái ven biển Nghĩa Hưng, mấy anh em đắm chìm bởi thiên nhiên hoang dã. Gọi là khu sinh thái nhưng còn hoang sơ, mới có 2 quán hải sản bên mép biển, trong rừng phi lao vi vút. Nước triều đang xuống, bãi cát non màu nâu đen chạy dài ra xa, nhũng con sóng bạc đã bắt đầu nhấp nhô mời gọi. Kể cũng lạ, bên kia đại dương là vùng Cựu Kim Sơn (San Francisco) ở xứ Cờ Hoa văn minh, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, còn bờ Đại dương bên này, mấy anh em thảnh thơi ngả lưng trên những chiếc võng đong đưa, lắng nghe tiếng chim lảnh lót ở vùng hoang dã. Hoang dã đến độ, trước khi thưởng thức những món hải sản tươi rói của vùng biển, ngao, sò, mực trứng … Liên còn tranh thủ điệu đàng với những quả dưa hấu nằm trên bãi cát của các cây dưa nhỏ xíu dưới rặng phi lao ven biển

 
  
         Trong cái nắng, cái gió có vị mặn mòi, chúng tôi ăn món hải sản nướng và nhâm nhi với một chút rượu nếp cái hoa vàng, loại rượu mà khi uống từng ngụm nhỏ khi hết vẫn còn thấy cái vị ngọt ở họng mới đã. Rượu nơi đây được người dân nấu một cách cầu kỳ, từ khâu chọn gạo nếp cao cây của vụ mùa đủ nước cho cây lúa, đến việc ủ men ta và nấu vào mùa lạnh. Phải ủ mùa lạnh để nhiệt độ ổn định không làm hỏng mẻ rượu và phải sử dụng nguồn nước nhiều phù sa cửa Ba Lạt của sông Hồng, cửa Lạch Giang của sông Ninh Cơ hay cửa Đáy, có phải vậy không mà từ xưa, rượu nếp Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã lừng danh mọi chốn.
         Rời Nghĩa Hưng qua cửa Lạch Giang mênh mang của sông Ninh Cơ trên chiếc phà nhỏ bé, chúng tôi tới thị trấn Thịnh Long của huyện Hải Hậu, đây là một trong hai bãi tắm ở biển Nam Định. Sóng to, nước biển xanh, trong nhưng có lẽ vào đầu giờ chiều nên ít người tắm biển. Ngay trung tâm thị trấn du lịch biển là nhà thờ Giáo Xứ Phú Hóa mới được trùng tu và khánh thành năm 2015.

 
 
         Trên đường về thị trấn Cồn, hai bên đường là nhà thờ san sát với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, chúng tôi dừng lại nhà thờ Phương Chính nằm ngay bên đường( Quốc lộ 21) thuộc xã Hải Triều. Nhà thờ được xây dựng mới năm 1998, mang phong cách Roccoco Đông Dương.

 

         Trong hành trình không định trước, khi xe đến thị trấn Cồn, tự nhiên tôi nhớ đến Nhà thờ đổ nổi tiếng ở bờ biển xã Hải Lý gần đó - Hải Lý nơi có đồng muối Văn Lý mà ở thập kỷ 60 -70 của Thế kỷ trước đã đi vào những trang sách giáo khoa với bài học “ Đồng muối Văn Lý”, nói thật là tôi cũng chưa đến ngôi Nhà thờ đổ đó bao giờ mặc dù cũng đã đôi lần về Hải Lý công tác, thế là mọi người lại hào hứng rẽ ngang ra biển lần nữa. Thật may, du khách chiều không đông lắm vả lại nắng tuyệt đẹp. Đây là Nhà thờ mang kiến trúc Gothic Pháp và Tây Ban Nha nhưng vào năm 1996 bị đổ và trở nên hoang tàn do nước biển xâm lấn.
 

         Chạy thêm hơn chục cây số, chúng tôi vào Đền thánh Quần Phương tại thị trấn Yên Định, huyện lỵ của Hải Hậu. Nhà thờ này trước thế kỷ XVI, còn được gọi là Quần Anh, được xây dựng theo kiến trúc Gothique đặc trưng.Thật tình cờ, khi nói chuyện trên xe mọi người giờ mới biết đây là quê của 2 người làm Văn nghệ nổi tiếng, là Bác sỹ, Nhà thơ Vũ Quần Phương và Nhạc sỹ Vũ Thành An với các tình khúc Không tên bất hủ.
 
 
         Đi tiếp khoảng 3 km, là nhà thờ Nhà thờ Hưng Nghĩa thuộc xã Hải Hưng như một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ với những chi tiết tinh xảo. Nhà thờ cũ được xây dựng năm 1927 xuống cấp và Nhà thờ hiện nay được khánh thành năm 2007.

 
  
 
         Thời gian buổi chiều không còn nhiều, chúng tôi về Xuân Trường để đến Tòa giám mục Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc. Được xây dựng từ năm 1885, Tòa giám mục Bùi Chu là một trong những Nhà thờ cổ còn giữ nguyên lối kiến trúc đầu thế kỷ XVIII.Trông cũ kỹ nhưng vẫn toát vẻ uy nghiêm của một thời là thủ phủ Công giáo ở Việt Nam.Trong giáo đường, Kim Cương ngồi nghỉ trên hàng ghế bằng gỗ lim chẳng biết làm từ bao giờ, ghế đen bóng còn Liên thì chọn cách ghi lại khoảng khắc với nhà thờ rêu phong cổ kính đã có 132 tuổi.

 
   
 
         Cách đó không xa, tại xã Xuân Phương là Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai là một trong những Giáo Xứ lâu đời nhất của Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Nhà Thờ cổ kính đã trải qua 5 lần trùng tu xây dựng, lần đầu vào khoảng thế kỷ XVIII, và lần gần nhất là năm 1933. Nhà thờ hiện tại dài 80m, rộng 27m, cao 30m, hai tòa tháp cao 44m.

 
  
 
         Cũng cần nói thêm rằng, không biết vì lý do gì mà từ sáng đến tận lúc này trên xe không hề mở nhạc, mãi tận lúc đi ở vùng Hải Hậu-Xuân Trường dầy đặc những tháp chuông cao vút của các Giáo đường, chúng tôi mới bật nhạc và chìm lắng trong giai điệu của Bài Thánh ca buồn, nhạc và lời Nguyên Vũ qua giọng ca mượt mà đầy truyền cảm Elvis Phương “Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”. Chợt Thu Hà lên tiếng sau một hồi băn khoăn rằng em sẽ lấy câu này làm tiêu đề cho seri ảnh của cuộc du ngoạn. Bạn đọc vào FB của Thu Hà có bài viết Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu trên nhé. Tôi thì cho rằng chỉ cần lấy tên là Lang thang qua miền Giáo đường là đủ và đây là đầu đề của bài tản văn kiêm phóng sự ảnh mà tôi thực hiện.
        Điểm cuối cùng dừng chân trong ngày lang thang miền Giáo đường, chúng tôi như đắm chìm trong tiếng chuông chiều của nhà thờ Giáo Xứ Phong Lộc (ảnh14,15) tọa lạc bên cầu Đò Quan tỏa bóng xuống sông Đào Nam Định. Từng tiếng chuông thong thả, ngân dài, chúng tôi ngắm các Thiên thần áo trắng tinh khôi nhẹ bước sau buổi kinh chiều. Hoa phượng đầu hè buông từng chùm rực rỡ, càng làm chúng tôi nhớ về một thời đã xa..

 
  

         Vậy là trọn một ngày, dù chỉ cưỡi ngựa, xem hoa, dù mới chỉ chiêm ngưỡng một phần rất nhỏ trong hàng ngàn Nhà thờ của thủ phủ Công giáo Nam Định nhưng chúng tôi đều cảm nhận rằng con người Xứ đạo thật hiền lành, thân thiện. Tất cả các Giáo đường đều uy nghiêm, sạch sẽ, luôn rộng mở cửa đón khách.
          Riêng tôi, qua chuyến đi này từ nay lại có thêm những người bạn mới từ cố hương, xứ Thanh.
 
Lê Lợi
CCB Sư đoàn 968 – Bộ đội Trường Sơn
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
tin tức liên quan