Mềm lòng - Truyện ngắn của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 03:27 01/08/2017 Lượt xem: 701
                                                        MỀM LÒNG
                                       Truyện ngắn của Phạm Thành Long
 
          Một sáng đầu thu. Trời bỗng se lạnh khác thường. Con phố vẫn nhộn nhịp như vốn có của nó. Rồi bỗng nhiên có rất nhiều chiếc xe thương binh 3 bánh, từ hai đầu con phố rú máy ầm ầm lao đến đỗ kín trước ngôi nhà số 13. Không biết hôm nay nhà ấy có chuyện gì mà huy động nhiều xe thương binh đến vậy? Nghe nói, chủ ngôi nhà 13 trước đây cũng là lính chiến trường. Trở về, vợ chồng anh ta mở công ty làm ăn cũng được lắm. Nhưng chẳng hiểu sao, mấy tháng nay, nhà ấy không thấy hoạt động kinh doanh gì nữa. Tấm biển đề tên công ty thì vẫn còn nhưng cửa thì khép lại. Hàng phố không còn thấy cảnh xe máy, ô tô ra vào liên hệ tấp nập như mấy tháng trước nữa.
          Bà Lan bước vào quán phở. Vừa nhìn thấy ông Hồng đang ngồi ăn sáng, bà vội thông báo ngay:
          - Ơ ông Hồng! Ông bạn bộ đội của ông ở nhà số 13 không biết có chuyện gì mà xe thương binh kéo đến đông lắm.
          - Tin đồn hay chính bà nhìn thấy đấy? Ông Hồng nghi ngờ hỏi lại.
          - Thì tôi vừa đi ngang qua đấy mà lỵ.
          - Cám ơn bà. Nói rồi ông Hồng vội trả tiền, bước nhanh ra cửa.
                                                     
                                                              ***
          - Chủ nhà đâu. Mở cửa mau! Một người trung niên, mặc chiếc áo bay cũ từ trên thùng một chiếc xe thương binh bước xuống. Anh ta đập mạnh vào cánh cửa ngôi nhà số 13. Một lát sau, cánh cửa hé mở. Một cô bé đầu tóc rối bời chưa kịp chải, ló đầu qua cánh cửa chưa mở hẳn. Cô quan sát nhanh người gõ cửa. Mặt mũi ông ta không thuộc loại bặm chợn nên cô bình tĩnh hỏi lại:
          - Dạ chú hỏi ai ạ?
          - Chủ nhà đâu? Mời ông ta ra đây nói chuyện nợ nần. Người trung niên lúc nãy ra lệnh.
          - Dạ, bố cháu... Cô bé chưa kịp nói hết câu thì cánh cửa nhà mở hẳn ra. Một người đàn ông chừng hơn 60 tuổi đột ngột mở cửa bước ra.
          - Tôi đây. Anh cần việc gì?
          Lúc này, một người đàn ông nhỏ thó, miệng nhai bánh mỳ, rời chiếc xe thương binh, tiến lại phía chủ nhà. Vừa đi, anh ta vừa hất hàm hỏi:
          - Ông là Hùng phải không ?
          Ông Hùng - chủ nhà nhìn anh ta từ đầu đến chân rồi từ tốn gật đầu đáp:
          - Phải. Tôi là Hùng đây.
          - Ông mau thu xếp trả tiền ngay cho bà chị tôi. Hôm nay là cuộc hẹn cuối cùng đấy. Cứ gọi tôi là Dũng. Dũng sẹo. Nói xong, anh ta lại cắn tiếp miếng bánh mỳ kẹp thịt. Nhìn nhanh, ông Hùng thấy đuôi phía trên con mắt trái của người này có một vết sẹo khá to. Cái sẹo kéo con mắt trái của anh ta hơi bị sếch lên, làm cho bộ mặt của anh ta không bình thường.
          - Nhưng tôi không biết anh là ai. Vả lại bà chị của anh là ai, tôi cũng không biết. Ông Hùng phân trần.
          - Này! Dũng sẹo bước sấn tới trước mặt ông Hùng, dằn giọng - Đừng có giở trò! Ông còn nợ bà Hiền, chị gái tôi hai tỷ đồng, ông quên rồi sao?
          - Tôi và bà Hiền còn nhiều khúc mắc trong việc kinh doanh lắm. Hai chúng tôi đã giải quyết xong đâu. Bà ấy góp vốn vào công ty tại sao lại nói tôi nợ tiền bà ấy. Vì thế, tôi muốn trực tiếp gặp bà ấy để hai bên thống nhất giải quyết các khoản tiền. Ông Hùng giải thích.
          - Đừng có quanh co, mất thì giờ. Nói rồi anh ta rút từ trong ngực áo ra một tờ giấy.
          - Thế đây là chữ ký của ông hay của thằng chó đẻ nào hả? Nói xong anh ta như dán tờ giấy lên ngực ông Hùng rồi bỏ tay ra. Đọc đi! Anh ta ra lệnh.
          Chưa kịp cầm tờ giấy thì nó đã rơi xuống đất, ông Hùng cúi xuống nhặt lên đọc. Thì ra đây là tờ giấy mà ông đã ký và đóng dấu công ty xác nhận về khoản đầu tư hai tỷ đồng của bà Hiền vào công ty của ông. Nhưng cũng chính bà ta là người giới thiệu đối tác làm ăn khiến công ty của ông vướng vào một vụ bị đối tác lừa đảo chiếm đoạt lô hàng mười công-te-nơ đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu trị giá hơn hai trăm tỷ đồng. Vụ này khiến công ty của ông đứng bên bờ phá sản. Cầm tờ giấy trên tay, ông biết mình đang phải đối mặt với một con người không bình thường. Nghe cách nói năng của anh ta, ông biết người này có thể bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Nghĩ rồi, ông Hùng chấn tĩnh nói với Dũng sẹo:
          - Anh chờ tôi 5 phút. Tôi cũng có một tờ giấy khác để anh xem.
          Không để ông Hùng bỏ vào nhà, Dũng sẹo liền túm ngực áo ông Hùng.
          - Chuồn vào nhà hở. Không dễ thế đâu. Cần giấy tờ gì, bảo con bé kia lên lấy xuống đây. Vừa túm ngực áo ông Hùng, Dũng sẹo vừa dứ nắm đấm lên mặt ông.
          - Bộ dạng của ông không chịu được một quả đấm này đâu. Đừng để tôi phải ra tay.
          - Á! Dũng sẹo bỗng la lên. Một bàn tay bất ngờ bóp vào cái huyệt giữa khe ngón cái và ngón trỏ của anh ta khiến bàn tay Dũng sẹo rời ra khỏi ngực áo ông Hùng. Theo phản xạ, Dũng sẹo vội dùng cánh tay còn lại thoi một nắm về phía người vừa bóp huyệt tay mình. Nhanh như cắt, người đàn ông kia vội chụp lấy nắm đấm của anh ta.
          - Anh không được làm bậy.
          Ông Hồng từ lúc nãy đứng ngoài theo dõi diễn biến của câu chuyện. Khi người tự xưng là Dũng sẹo kia định hành hung người bạn cùng nhập ngũ một ngày với ông thì ông Hồng đã nhảy vào. Tuổi tác không làm sự nhanh nhẹn của một đại đội trưởng trinh sát năm xưa trong ông mất đi nhiều.
          - Các anh hãy bình tĩnh cùng nhau giải quyết một cách có lý, có tình và có văn hoá chứ không phải bằng nắm đấm. Nói rồi ông từ từ buông tay ra khỏi bàn tay của Dũng sẹo.
          "Mình đã gặp phải một tay có chút võ nghệ đây". Dũng sẹo nghĩ thế. Anh ta chằm chằm nhìn thẳng vào mặt người vừa dám can thiệp ngang hông mình. Mắt anh ta chớp chớp rồi vội kêu lên:
          - Có phải anh Hồng không?
          Ông Hồng cũng ngạc nhiên không kém. Ông nhìn thẳng vào mặt Dũng sẹo. Chả lẽ đây là cậu Dũng quắt lính đại đội ông năm xưa ở Trường Sơn ư? Vết sẹo và dấu ấn thời gian đã làm thay đổi khuôn mặt của Dũng quắt, khiến ông không nhận ra.
          Thấy Dũng sẹo bị ngăn cản, năm sáu người trên mấy chiếc xe thương binh vội lao tới. Thấy vậy, Dũng sẹo vội dơ tay ra ngăn lại.
          - Đây là đại đội trưởng cũ của tớ. Hơn 30 năm bây giờ anh em mới lại gặp nhau. Không có vấn đề gì đâu.
          Ông Hồng nhìn Dũng quắt năm xưa, giờ có tên là Dũng sẹo đang đứng trước mặt mình. Quá khứ ập về...
                                                               ***
          Đầu năm 1971, đại đội trinh sát binh trạm của ông được bổ sung thêm hai mươi lính mới quê ở Hà Nam Ninh. Dũng là một trong số lính mới ấy. Nguyễn Văn Dũng - tên đầy đủ của cậu ta - người bé nhỏ nên anh em trong đại đội đặt cho cậu ta biệt danh là Dũng quắt. Gọi như thế để dễ phân biệt với cậu Nguyễn Văn Dũng quê Hà Tây, vào Trường Sơn cuối năm 1969.
          Thời gian huấn luyện tân binh gấp gáp ở miền Bắc, Dũng và số tân binh Hà Nam Ninh bổ sung cho đại đội ông không được huấn luyện những kỹ năng của một chiến sĩ trinh sát. Vì thế, ông và đơn vị phải huấn luyện cấp tốc kỹ thuật, võ thuật và nghiệp vụ trinh sát cho số lính mới này. Dũng quắt nhanh nhẹn nên tiếp thu khá nhanh, nhất là võ thuật.
          Với người lính trinh sát, thì yêu cầu đầu tiên ngoài sự gan dạ phải là tính kỷ luật. Nhưng với Dũng quắt lại không thế. Cậu ta có tính tự do hơn người. Chỉ sau nửa năm mà cậu ta đã 3 lần vi phạm kỷ luật của đơn vị. Ông nhớ, theo báo cáo của cậu Hà, trung đội trưởng thì lần đầu tiên Dũng quắt trốn đơn vị đi thăm một bạn gái đồng hương bên đơn vị công binh mới vào Trường Sơn. Lần thứ hai, đi lấy gạo, cậu ta lại tự động ghé vào đơn vị giao liên gặp bạn cùng quê, cùng đơn vị huấn luyện ở miền Bắc để chơi. Anh em đã gùi gạo về đơn vị, nhưng phải 3 giờ sau cậu ta mới mò về. Lần thứ 3 cũng là lần để lại hậu quả tai hại vì sự vô kỷ luật của Dũng quắt. Hôm ấy không xin phép đơn vị nhưng cậu ta đã tự động đi vào bản của đồng bào Lào xin dưa ăn. Bản của đồng bào gần giáp gianh với lực lượng phản động Lào nên thường xuyên có biệt kích về hoạt động. Hôm ấy, trên đường vào gần tới bản thì Dũng quắt bất ngờ phát hiện ra một tốp biệt kích. Dũng quắt quay đầu chạy thục mạng. Thấy động và phát hiện chỉ có một mình Dũng quắt, tụi biệt kích đuổi theo bắn xối xả. Một tốp trinh sát của đơn vị đang làm nhiệm vụ tuần tra gần đó thấy súng nổ liền nhanh chóng tiếp cận. Khi phát hiện ra Dũng quắt bị biệt kích truy kích, tốp trinh sát đã nhanh chóng nổ súng đánh trả. Hôm ấy, hai trong số năm tên của nhóm biệt kích đã bị tiêu diệt. Nhưng một đồng chí trong nhóm trinh sát của đơn vị đã bị thương. Dũng quắt bị cảnh cáo trước toàn đại đội về hành động vô kỷ luật này.
          Cuối năm ấy đơn vị anh nhận được thông báo từ Ban Tham mưu Binh trạm: "Cách Sở chỉ huy Binh trạm chừng ba cây số về phía tây, xuất hiện một đài phát tin của địch đang hoạt động. Cần phải truy tìm gấp!". Nguyễn Hồng  đã  trực tiếp chỉ huy lực lượng của đơn vị đi truy lùng.
          Rừng Trường Sơn vào giữa mùa khô nước ở các con suối bắt đầu cạn dần. Nhiều đoạn suối nước chỉ còn một dòng chảy nhỏ. Đơn vị luồn lách dọc theo bờ phải một con suối nhỏ. Đến chân một ngọn đồi thì các anh phát hiện ra dấu vết lạ. Anh ra hiệu cho các nhóm trinh sát của đơn vị bí mật dừng lại. Nhóm biệt kích nguỵ Lào chừng hơn một chục tên đang lấp ló sau một tảng đá lớn bên bờ suối. Một tên đang xuống suối múc nước. Anh cho anh em bí mật triển khai bao vây toán biệt kích này. Nhóm trinh sát bốn người trong tiểu đội của Dũng quắt do anh trực tiếp chỉ huy bí mật tiến sát mục tiêu. Nhưng một điều không ngờ đã xảy đến. Hai tên biệt kích có lẽ sau khi đi trinh sát đang trên đường trở về nơi tập kết thì bất ngờ phát hiện ra nhóm trinh sát của ta ở bên trái con suối. Hai tên này vội nổ súng. Chúng bắn xối xả về phía nhóm trinh sát. Rất may, không chiến sĩ nào thương vong. Anh lập tức ra hiệu cho nhóm trinh sát đang cùng mình bao vây phía chính diện nổ súng yểm trợ. Một trong hai tên biệt kích bị các anh hạ gục tại chỗ. Tên còn lại cũng bị thương ở chân cố tháo chạy vào rừng. Nhóm biệt kích ở phía sau tảng đá cũng nổ súng dữ dội về phía các anh. Dũng quắt lúc này nằm cạnh anh sau một tảng đá mặt xanh như đít nhái. Khẩu AK trong tay cậu ta cứ run lên bần bật. Biết Dũng quắt lần đầu tiên ra trận nên bị ngợp và hồi hộp, anh vội chấn an:
          - Cứ bình tĩnh. Không việc gì phải sợ như thế. Cậu hít thở thật sâu vào, một lúc sẽ hết run thôi. Chú ý quan sát địch cho kỹ. Cứ bám sát bên tay phải anh. Nguyễn Hồng nghĩ nhanh "cậu ta run thế này, nếu nằm ở phía sau mình rất dễ cậu ta lại bắn trúng mình hoặc đồng đội ở phía trước". Anh vội khuề tay ra lệnh cho Dũng quắt tiến lên phía bên phải mình.
          Sau khi giải quyết xong hai tên biệt kích xuất hiện bất ngờ từ phía sau, các mũi của đơn vị tập trung đối phó với toán biệt kích sau tảng đá. Hai nhóm trinh sát từ hai bên tạo nên hai gọng kìm bao vây toán biệt kích. Chúng không thể rút chạy về phía sau vì sau lưng chúng là một vách đá. Đây là sai lầm chết người của toán biệt kích. Không hiểu tại sao chúng lại chọn địa hình như vậy để dừng chân. Nguyễn Hồng quyết định chia nhóm trinh sát đi cùng với mình thành hai tốp để tăng cường hỗ trợ cho hai cánh. Anh và cậu Hùng liên lạc đại đội tiếp tục tiếp cận toán biệt kích từ hướng chính diện nhưng hơi chếch về phía cánh phải. Dũng quắt lúc này lại tụt lại ngay phía sau lưng của anh. Anh phải luôn mồn nhắc Dũng quắt bám sát bên phải anh, không tụt lại phía sau như thế. Toán biệt kích vẫn điên cuồng nổ súng. Hòn đá lớn chỉ che đạn được cho bọn chúng từ phía chính diện. Chúng hoàn toàn bị hở sườn trước hoả lực của hai nhóm trinh sát bao vây từ hai bên. Nhóm biệt kích bắn như vãi đạn về phía các anh. Những viên đạn găm vào đá toé lửa. Do chủ động, lại có nhiều tảng đá làm nơi ẩn nấp nên các chiến sĩ trinh sát của đơn vị lúc này vẫn khá an toàn.   
          Sau mười lăm phút chiến đấu, tám tên trong toán biệt kích đã bị tiêu diệt. Bốn tên còn lại biết không thể chạy thoát đã dơ tay xin hàng. Đơn vị anh thu được toàn bộ trang thiết bị của chúng mang theo, trong đó có một máy thông tin 15W, một máy bộ đàm sóng ngắn. Nguyễn Hồng trực tiếp hỏi mấy tên biệt kích bị bắt bằng tiếng Lào. Chúng khai được cử đến từ căn cứ của địch ở Viêng Thoong. Nhóm biệt kích này được phái đi trinh sát con đường kín mà bộ đội ta mới mở trong mùa mưa vừa qua. Nhìn sơ đồ mà chúng vẽ tay, anh biết nhóm biệt kích này chưa phát hiện được điều gì quan trọng về hệ thống kho tàng và căn cứ tác chiến của Binh trạm.
          Hưng và Hoà, hai chiến sĩ trinh sát bị thương. Vết thương không nặng lắm. Anh em nhanh chóng băng bó vết thương cho hai chiến sĩ. Nguyễn Hồng đảo mắt để tìm Dũng quắt. Anh định phân công cậu ta dìu cậu Hà, còn cậu Hùng liên lạc đại đội thì dìu cậu Hưng. Không nhìn thấy Dũng quắt đâu, anh hỏi Sơn tiểu đội trưởng:
          - Cậu Dũng đâu rồi ? Sơn cũng ngơ ngác nhìn quanh rồi đáp:
          - Dạ em không biết ạ.
          Đại đội trưởng Nguyễn Hồng quay sang hỏi trung đội trưởng Hà:
          - Cậu có phân công cậu ấy đi đâu không ?
          - Dạ không ạ. Lúc nãy em còn thấy cậu ấy nấp ở phía sau anh kia mà!
          - Lạ nhỉ? Không nhẽ...
          - Không nhẽ gì hả anh? Trung đội trưởng Hà hỏi lại Nguyễn Hồng. Anh phẩy tay, nói:
          - Không có gì. Nào đi thôi! Cậu phân công anh em áp giải tù binh cho cẩn thận nhé.
          Sau khoảng hơn mười phút luồn rừng trở về, các anh phát hiện ra Dũng quắt đang nằm bất tỉnh cạnh một tảng đá lớn bên bờ suối. Anh em vội chạy lại lật cậu ta lên. Máu đầm đìa một bên mặt cậu ta. Lay mãi, Dũng quắt mới từ từ mở mắt.
          - Sao mày lại ở đây? Bị dính đạn à? Cậu Ngà, cùng tiểu đội với Dũng quắt liên tiếp hỏi.
          Dũng quắt đưa mắt nhìn mọi người với con mắt chưa hết sợ sệt. Miệng cậu ta liên tục rên "Đa...ư quá!" Nguyễn Hồng ra lệnh cho anh em nhanh chóng băng bó vết thương cho Dũng quắt rồi phân công hai chiến sĩ dìu cậu ta về quân y đơn vị.
          Trên đường về, Nguyễn Hồng cứ suy nghĩ mãi về trường hợp bị thương của Dũng quắt. Có phải cậu ta bị địch bắn bị thương nên sợ quá mà bỏ chạy không? Hay cậu ta vì quá hoảng sợ mà bỏ chạy về phía sau rồi vấp ngã nên bị thương? Những biểu hiện của cậu ta trong quá tình chiến đấu khiến anh nghĩ nhiều đến trường hợp thứ hai. Địch bắn rát, mấy lần cậu ta cứ tụt lại phía sau khiến anh phải nhắc nhở cậu ta: "Bám sát bên phải anh đây này!" Lính mới, cậu nào chả run khi lần đầu tiên vào trận. Nhưng với Dũng quắt thì anh thấy hơi bất bình thường. Mặt cậu ta tái dại đi. Tay cầm súng thì run lên bần bật vì sợ. Trường hợp của Dũng quắt khiến anh nhớ lại cậu Thành răng vàng cùng tiểu đội với anh ngày nào. Ngày ấy, mới hành quân vào tới trạm giao liên số 5 thì cả tiểu đoàn của anh bất ngờ bị máy bay trinh sát Mỹ phát hiện và bắn đạn khói, bắn tên lửa xuống đội hình hành quân. Có hai chiến sĩ bị thương. Thành răng vàng là một lái xe, nhập ngũ cùng đợt với anh. Cậu ta sống tự do và ngang tàng kiểu dân lái xe quen rồi nhưng lại rất rát. Khi đội hình hành quân của đơn vị bị bắn, sợ quá, cậu ta khoác ba lô chạy ngược đường giao liên chốn ra Bắc. Đơn vị phải cử người đuổi theo tóm cậu ta quay trở lại. Vào Binh trạm 35, cậu ta được phân về Tiểu đoàn 6 cao xạ. Ba tháng sau anh được tin Thành răng vàng hy sinh trong một trận đánh trả máy bay ở Ngầm Bạc… Rất có thể vì quá sợ mà Dũng quắt đã bỏ chạy. Nếu thế thì tội cậu ta quá to rồi. Nhưng trong sâu thẳm, một câu hỏi suất hiện trong anh "nhỡ cậu ta bị địch bắn bị thương rồi chạy về phía sau thì sao?" Nếu thế thì còn đỡ...
          Dũng quắt được đơn vị chuyển thẳng lên Bệnh xá Binh trạm để điều trị. Vết thương ở gần bên mắt trái cậu ta tuy không sâu nhưng bị bay mất một miếng thịt, nên xử lý cũng khá phức tạp. Xương mặt bị rạn. Y tá Nguyễn Quyết được anh cử lên Bệnh xá gặp bác sĩ điều trị trực tiếp cho Dũng quắt để tìm hiểu về vết thương của cậu ta. Sau khi nghe quân y báo cáo, anh biết suy nghĩ ban đầu của mình đã đúng.
          Do quá trình điều trị bị nhiễm trùng nên vết thương của Dũng quắt phải hơn hai mươi ngày sau mới ổn định.
          Ngày thứ hai khi Dũng quắt trở về đơn vị, anh cho gọi lên nói chuyện.
          - Sau, bây giờ cậu đã hết sợ chưa ? Anh vừa hỏi vừa trêu Dũng.
          - Có gì đâu thủ trưởng. Dũng quắt gượng gạo trả lời.
          - Sao cậu sợ đến mức ấy kia à?
          - Thủ trưởng bảo gì kia ạ? Dũng quắt cố lảng tránh câu hỏi của anh.
          - Cậu hãy nói sự thật về chuyện cậu bị thương xem nào! Nguyễn Hồng hỏi thẳng.
          - Dạ...lúc đó em bị trúng đạn, máu chảy nhiều quá nên em vội chạy về phía sau...
          - Thôi! Nguyễn Hồng quát to khiến Dũng quắt giật bắn người lên. - Cậu đừng có bịa. Theo báo cáo của bác sĩ điều trị cho biết: Vết thương của cậu không phải bị thương do trúng đạn địch mà do bị va đập phải một vật cứng. Nếu bị đạn bắn sượt qua ở vị trí ấy, thì bác sĩ bảo cậu sẽ bay thêm một miếng tai nữa kia. Chắc chắn cậu bị ngã và va đập phải đá. Cậu không lừa dối được chuyên môn đâu.
          Dũng quắt cúi đầu không nói. Cậu ta biết không thể che mắt được những bác sĩ rày rạn kinh nghiệm điều trị chấn thương ở Trường Sơn. Bỗng nhiên, Dũng quắt tu tu khóc:
          - Thủ trưởng thương em với thủ trưởng ơi! Em quá sợ nên...đã dại dột...tha cho em thủ trưởng ơi. Hu hu...
          Nhìn Dũng quắt khóc dù trong lòng anh rất giận nhưng anh cũng mủi lòng. Cậu ta đúng bằng tuổi thằng Hùng em út của anh ở nhà, năm nay cũng mới mười chín tuổi. Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới của các cậu ấy mà bây giờ phải đối mặt với cái sống cái chết giữa chiến trường, nghĩ cũng tội...
          - Thôi, cậu cứ về đi.
          Anh báo cáo sự việc của Dũng quắt ra cuộc họp của Ban Chỉ huy đại đội. Chính trị viên Lê Hoàng khá bức súc. Đây là lần đầu tiên đại đội xuất hiện trường hợp của Dũng quắt. Xử lý cậu ta thế nào cho phù hợp thật không dễ dàng. Sau khi nghe Nguyễn Hồng trình bày tình tiết sự việc, Nguyễn Hồng hỏi Chính trị viên Lê Hoàng:
          - Quan điểm của anh thế nào ?
          - Tôi vừa giận và vừa thương cậu ta. Tôi thấy tội nghiệp cậu ta nhiều hơn... Cậu ấy chỉ hơn đứa con trai của tôi năm sáu tuổi thôi... Lê Hoàng dừng lại một lúc rồi hỏi lại Nguyễn Hồng: - Anh là người trực tiếp chỉ huy và biết rõ sự việc, tôi muốn biết hướng xử lý của anh trước.
          - Lỗi lầm của Dũng quắt thì rõ rồi. Nguyên nhân theo tôi không phải do lập trường hay quan điểm gì cả. Chỉ vì quá sợ mà cậu ta có hành động bản năng như vậy. Hành động của cậu ta chỉ gây hậu quả cho chính bản thân, không ảnh hưởng gì tới đồng đội hoặc đơn vị. Ta chỉ nên cảnh cáo thôi. Tôi nghĩ, với thể trạng thần kinh của Dũng quắt, cậu ta không thích hợp với nhiệm vụ làm lính trinh sát ở đại đội chúng ta. Tôi đề nghị chúng ta làm việc với quân lực Binh trạm để chuyển cậu ta về làm vệ binh Trạm khách Binh trạm bộ là phù hợp... Riêng đại đội phó Nguyễn Hữu Quý thì cương quyết đề nghị xử lý cảnh cáo và báo cáo sự thật về trường hợp bị thương của Dũng quắt với Tham mưu trưởng Binh trạm và Chủ nhiệm quân y Binh trạm để xin hướng xử lý tiếp theo.
          Cuối cùng Chính trị viên đề nghị cảnh cáo Dũng quắt. Việc chứng thương, giao cho Đại đội trưởng giải quyết theo hướng "giơ cao đánh khẽ" vì Dũng quắt còn quá trẻ. Chính trị viên Lê Hoàng cũng giao cho anh làm thủ tục xin điều chuyển Dũng quắt sang đơn vị mới. Thế là ngay ngày hôm sau, anh đã trực tiếp viết xác nhận và gặp bác sĩ Bệnh xá trưởng làm thủ tục xác nhận chứng thương cho Dũng quắt...
          Kể từ đầu năm bảy hai anh không gặp lại Dũng quắt lần nào nữa.
 
                                                              ***
          Ông Hồng nhìn Dũng quắt bây giờ với cái tên mới: Dũng sẹo.
          - Thế lâu nay cậu làm gì và ở đâu ? Ông hỏi Dũng sẹo.
          - Năm bảy bảy em ra quân rồi về quê anh ạ. Từ năm chín mươi em đưa vợ con lên Hà Nội sinh sống. Vợ em bán hàng rau ở chợ Long Biên, còn em thì chạy xe. Hôm nay gặp anh em bất ngờ quá! Gần bốn chục năm rồi em mới gặp lại anh.
          - Sao cậu lại đi đòi nợ thuê như thế nhỉ? Nguyễn Hồng hỏi thẳng. Dũng sẹo bối rối nhìn người thủ trưởng cũ của mình. Rồi cậu ta lí nhí trình bày:
          - Dạ đâu có chuyện đó, anh. Bà chị em nhờ em đến thúc ông Hùng trả nợ tiền ấy mà...
          - Bà Hiền quan hệ thế nào với cậu? Ông Hồng tiếp tục hỏi.
          - Chị ấy là chị họ với em ạ. Dũng sẹo trả lời.
          - Bà Hiền quê gốc ở Nhổn. Còn cậu ở Bình Lục, Hà Nam dây mơ rễ má gì mà chị em? Tớ và ông Hùng cùng làm ăn với bà Hiền lâu rồi, chúng tớ biết hết gốc tích của nhau chứ. Tớ phải nói với cậu rằng "bà chị" hờ của cậu là một mụ lừa đảo. Bọn tớ đang nhờ an ninh kinh tế xác minh mối quan hệ giữa bà ta với một đối tác làm ăn ở nước ngoài đã lừa đảo, chiếm đoạt mười công-te-nơ hàng xuất khẩu của công ty chúng tớ. Tớ hỏi thật cậu, bà Hiền trả cho cậu bao nhiêu phần trăm trong vụ đòi nợ này?
          - Dạ đâu có chuyện đó anh. Đúng là ... Dũng quắt ấp úng một lúc - chị ấy... có họ với...bên vợ của em mà. Dũng sẹo cố phân trần.
          - Bây giờ cậu lại chuyển mối quan hệ sang vợ của cậu à! Thôi! Cậu đừng cố nguỵ biện như chuyện bị thương của cậu ngày xưa nữa. Cậu không che mắt được tụi tớ đâu. Chứng kiến hành động của cậu hôm nay, tớ thấy hối hận về hành động thương hại cậu ngày xưa của tớ. Ngày ấy, chỉ vì thương cậu mà tớ và anh Lê Hoàng đã mền lòng đặt bút xác nhận sai trái về vết thương của cậu, rồi còn xin quân y chứng thương cho cậu. Hôm nay, cậu đã lợi dụng danh nghĩa thương binh - cái danh hiệu cao quý ấy mà thực chất không thuộc về cậu để cậu làm một việc bất chính. Tớ không biết cậu đã thực hiện bao nhiêu vụ đòi nợ thuê rồi? Để có tiền, cậu đã để người ta lợi dụng, biến cậu thành công cụ đi đòi nợ thuê cho họ. Hèn quá! Đau sót quá khi cậu đã từng có ngần ấy năm khoác áo lính ở Trường Sơn!
          Những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má nhăm nheo của ông Hồng. Lén nhìn bàn tay bị thương của vị đại đội trưởng ngày nào đưa lên quệt những giọt nước mắt,  Dũng sẹo vội quay đi. Trong đầu Dũng sẹo bỗng nhiên nhớ lại bài thơ "Đồng tiền" của Đại đội trưởng Nguyễn Hồng năm xưa. Dũng sẹo đã chép vào sổ tay và thuộc làu bài thơ này:
 
ĐỒNG TIỀN
 
Đồng tiền không biết nói
Và không biết tư duy
Đừng nói gì có mắt
Thế mà bao sự thật
Phơi ra trước cuộc đời
Vì đồng tiền em ơi
Bởi đồng tiền biết nói
Đánh thức và khêu gợi
Bao ý nghĩ thấp hèn
Lướt quan tình anh em
Tình cha, con chồng vợ
Ôi nghĩ mà ghê sợ
Khi trong tay bao người
Tiền lạnh lắm tiền ơi !
Trường Sơn 1973

 
Cậu ta cũng quệt nhanh những giọt nước mắt để không ai nhìn thấy rồi bước nhanh ra xe. Dũng sẹo khoát tay ra hiệu, mấy thương binh cùng rút nhanh ra xe.
          Bốn chiếc xe ba bánh nổ máy ầm ầm rồi mất hút rất nhanh nơi cuối phố.
           
 
         
           
tin tức liên quan