Ở TUỔI 70, “TÔI ĐƯỢC CẦM BÚT”…
Nguyễn Kim Chúc
Tôi là Nguyễn Kim Chúc, nhưng có lúc tôi lấy bút danh là Nguyễn Hoàng. Đời tôi là thế: Khởi nghiệp là thầy giáo dạy văn – sử cấp II mặc áo lính và cũng “mất dạy” luôn từ đấy. Tôi yêu những trang viết ghi lại những bước chân người lính. Vào lính tôi là chiến sỹ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 11 pháo 105 ly trong đội hình của Sư đoàn 316 đóng quân trên Cao nguyên Mộc Châu. Tôi mê những khẩu pháo 105 ly của Đại đội tôi. Nghe kể: Những khẩu pháo của Đại đội tôi đã nã những loạt đạn đầu tiên vào căn cứ Him Lam ở Điện Biên Phủ.
Những năm 1965, 1966 tôi đã tìm đến tờ báo “Chiến sỹ Tây Bắc”. Vừa mới “bén duyên” với nó, tôi đã phải gửi lại những ghi chép cùng quân tư trang; Ký giấy để lại cho mẹ ở quê nhà xuất lương chuẩn úy, thần tốc kéo pháo đi B tham gia những trận chiến Mậu Thân (1968) ở Quảng Nam. Những ghi chép của tôi thời gian này cũng thất lạc luôn. Tôi tiếc vì không còn những trang viết ấy.
Những năm 1968 đến năm 1973 là những năm tháng cực nhọc nhất của chúng tôi ở chiến trường Trung trung bộ và Nam Lào. Tôi vẫn mải mê ghi chép về cuộc sống và chiến đấu. Hiệp định Pa ri về Việt Nam được ký kết ngày 27.1.1973. Bộ Tư lệnh 471 chúng tôi được lệnh lật cánh từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn. Cuộc hành quân lật cánh bằng cơ giới được thực hiện suôn sẻ. Riêng tôi lại bị mất hết tài liệu cá nhân. Trong đó có những cuốn sổ ghi chép những năm tháng tôi ở khu 5 và Nam Lào với những tên đất, tên người, những sự kiện quan trọng đời lính. Đặc biệt tấm bản đồ 1/100.000 vùng Nam Lào mà tôi cùng đồng đội đoạt được trong một trận đánh ở tỉnh Tàven oọc (Lào) vô cùng hữu ích với tôi cũng mất luôn.
Lần thứ hai mất những ghi chép, tôi buồn lắm. Những năm 1968 - 1973 này tôi đọc và ghi chép không ngừng nghỉ. Quả thật ở chiến trường mà sao dễ kiếm sách đọc đến thế. Sách theo ba lô của chiến sỹ ra trận. Sách được gửi từ miền Bắc vào theo những kiện hàng quân y. Sách do in ấn ngay tại chiến trường … Tôi đã đọc và ghi chép nhiều bộ sách dày cộp: “Chiến tranh và hòa bình”, “Bộ Tổng Tham mưu Xô Viết trong chiến tranh”, “Nhớ lại và suy nghĩ”,“Bảo vệ Diên An”, “Rừng thắm tuyết dày”, “Những người khốn khổ”, “Tổ tiên ta đánh giặc”,“Người mẹ cầm súng”, “Bất khuất”, “Thiên tài quân sự Nguyễn Trãi” …
Trong mười năm 1964 - 1973 hai lần bị mất hết ghi chép tôi đâm nản. Tôi nghĩ: nghề viết sẽ không đến với tôi. Tôi không có duyên với nó. Cứ tiếc mãi những ghi chép của thời lửa đạn nên tôi quên luôn thực hiện mơ ước “cầm bút”. Mà cũng có thể tại cái khó của thời: “đặt mình mơ cơm áo” đã lôi kéo con người vào chốn mưu sinh nên quên đi những miền ký ức …
Cho đến khi ở tuổi 70 vào một ngày giữa tháng 3 năm 2016, tôi gặp Song Thanh (bút danh của một phóng viên phòng biên tập Nguyệt san “Sự kiện và Nhân chứng”). Hôm ấy tôi, họa sỹ Đức Dụ và nhiếp ảnh gia Hồng Huân tụ tập nhau ở nhà “Người đổi chỗ”. Song Thanh tới lấy tài liệu để viết về: “Chàng trai Hà thành năm ấy…”. Song Thanh tự lái xe tới. Cô bước lên lầu gặp chúng tôi đầy tự tin, tỏ rõ một phóng viên đầy kinh nghiệm khi tiếp xúc với bậc cao niên. Cô lái xe đưa bọn tôi đi thăm cơ sở của Nguyễn Thanh Hà - nhân vật chính bài viết của cô trong “Chàng trai Hà thành năm ấy …”. Khi chia tay Song Thanh nói với tôi:
- Chú có bài viết nào gửi cho bọn cháu nhé.
Tôi gật đầu cho qua chuyện. Song Thanh lái xe đi rồi, tôi mới biết cô là một người đặc biệt cũng có thể gọi là nổi tiếng. Về nhà tôi vào mạng, “lang thang” tìm kiếm về nhân vật 8x này. Một nữ đại úy xinh xắn hiện ra, cùng với những trang cá nhân cuốn hút tôi. Cô trải lòng về nghề lái - phi công chiến đấu, lái những chiếc máy bay SU hiện đại - niềm tự hào của quân đội ta. Thì ra gần mười năm trước cô mất đi người chồng thân yêu của mình - một đại úy lái máy bay SU hiện đại trong một lần bay làm nhiệm vụ … Cô trải lòng về ngày 27.7 ngày Thương binh - Liệt sỹ, cũng chính ngày này cô nhập viện sinh em bé … Có nỗi niềm nào như thế không.
Từ chỗ cảm nhận về Song Thanh một cô gái ưa nhìn, giỏi giang … Tôi lại thấy cô rất đẹp trong sắc phục quân nhân. Tôi tìm đọc: Sự kiện và Nhân chứng, đọc kỹ những bài viết của Song Thanh. Tôi tâm đắc với những bài cô viết về tình yêu người lính như bài “Mãi mãi một tình yêu”; “Niềm thương canh cánh bên lòng”; “Em đồng ý - anh cứ lấy đi” … của cô. Cô tả thực mà tinh tế, thấm đẫm tính nhân văn. Song Thanh viết khỏe, bài nào cũng đặc sắc. Cô “mất mát” như thế mà vẫn vững vàng với nghề viết. Cô gặp gỡ tiếp xúc với những người đều ở tuổi “cổ lai hi”, nổi tiếng kỹ tính thế mà ai cũng quý mến, sẵn sàng trải lòng, nhất là cánh lính Trường Sơn chúng tôi. Chuyên mục nào cô viết cũng hay, phải là người giàu nghị lực và sự trẻ trung mới làm được như thế.
Qua “Sự kiện và Nhân chứng” và những ấn phẩm trên mạng của báo Quân đội nhân dân, tôi vỡ ra nhiều điều và thôi thúc tôi đến với những trang viết. Tôi cầm bút viết, có lúc viết như chưa bao giờ được viết. Tôi không viết được trên bàn phím. Vẫn giấy dùng lại, bút bi các cháu vất đi lượm lại viết. Viết xong lại phải gửi đi đánh máy. Bài đầu tiên gửi cho Song Thanh tôi như đứa trẻ mới học viết. Cầm bút hăm hở nghí ngoáy trên trang giấy. Viết xong không dám đọc lại, sợ đọc lại thấy kém lại xé đi. Đánh máy xong gửi đi liền cũng không dám đọc lại và hồi hộp chờ đợi.
Ít ngày sau, Song Thanh thông báo với tôi: bài viết của tôi được “Sự kiện và Nhân chứng” số tới sử dụng. Tôi lại hồi hộp chờ đợi. Hôm cầm được tờ “Sự kiện và Nhân chứng” có bài viết của tôi, tôi mừng vô cùng. Mừng vì ước nguyện khi xưa - khi còn là anh linh binh nhì của tôi đã được thực hiện. Bình tâm tôi giở lại bản thảo và bản in thấy khác một chút. Bản thảo đầy lỗi. Tôi thầm cảm ơn Song Thanh đã bỏ công sức với bài viết của tôi. Tôi gọi Song Thanh là “Sư phụ”.
Từ sau bài viết đầu tiên ấy, Song Thanh thường xuyên liên hệ, khuyến khích tôi viết. Tôi lục lại “miền ký ức” được “cất giữ” trong đầu. Nghĩ lại về cái thời đánh Mỹ ở Trung trung bộ, tôi có “Cô giao liên không mang súng”, “Những đứa trẻ vùng ven”; về cái thời ở Nam Lào tôi có: “Chuyện tình Lân Tôn”, “Sống lại một thời tuổi trẻ”; “Tất cả cho trận đánh quyết định” … gửi Song Thanh. Có bài đã được sử dụng, có bài chưa. Song tôi lấy làm mãn nguyện lắm gặp được Song Thanh, được “Sự kiện và Nhân chứng” chấp nhận tôi thực hiện được mơ ước của mình.
NKC