Mất và không mất - truyện ngắn của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 10:34 27/10/2017 Lượt xem: 1.475

                      MẤT VÀ KHÔNG MẤT

                                  Truyện ngắn của Phạm Thành Long
 
    Một gia đình nọ có bốn người con trai. Bố mẹ họ chăm chỉ, lại sống tằm tiện nên cũng có của ăn của để. Tuy vậy, trong bốn người con, có người lại ham chơi hơn ham học hành, làm việc. Ông bố đã nhiều lần khuyên giải nhưng xem ra chưa chuyển biến là bao. Một hôm, ông gọi các con đến bên.
- Cha mẹ đã già rồi, chắc không còn sống được bao lâu nữa. Của cải cha mẹ chỉ có chừng ấy, các con đã biết. Vì vậy, cha khuyên các con phải chú tâm vào học hành và làm việc. Ở đời, có những điều ta cứ tưởng là mất nhưng lại không mất. Nhưng, có những điều tưởng không bao giờ mất nhưng lại là mất. Cái đã mất thì không tiền bạc nào có thể mua lại được...
Nghe đến đây, cậu con cả sốt ruột thưa:
-  Có điều gì thì xin cha cứ dạy ạ.
- Được. Hôm nay cha hỏi các con một điều. Nếu ai trả lời được sẽ là người thay mặt cha mẹ quản lý gia sản. Bây giờ, các con hãy cho cha biết, có cái gì mất đi mà không thể lấy lại được không?
- Nhiều lắm ạ. Ví dụ, một đồ vật mà bị vỡ thì không bao giờ có thể lấy lại được. Cậu con Cả nhanh nhẩu thưa.
- Chưa đúng. Đồ vật bị vỡ nhưng nó có thể được đem đi tái chế lại. Như thế không thể coi là bị mất được. Thế còn cậu Hai nào?
- Nếu con có một túi tiền mà bị bọn ăn cắp lấy đi thì đương nhiên là mất đứt rồi còn lấy lại thế nào được nữa ạ. Cậu con thứ Hai trả lời một cách tự tin.
- Con cũng bị nhầm. Túi tiền tuy bị ăn cắp nhưng không mất đi, trừ phi bọn cướp đem số tiền ăn cắp ấy đốt hoặc xé nát chúng ra. Nhưng chắc chắn chúng không ngu dốt làm chuyện đó. Bọn cướp sẽ tiếp tục tiêu pha những đồng tiền ăn cắp của con. Những đồng tiền ấy vẫn được lưu thông. Trên thực tế nó đâu có mất. Nào, bây giờ, bố muốn nghe ý kiến của anh Ba?
- Đạo đức có thể bị mất không ạ? Cậu Ba hỏi lại.
- Trong thực tế có lúc người ta đã để mất nó. Ông bố trả lời.
- Thế thì một người sống thiếu đạo đức với mọi người xung quanh thì chính là anh ta đã đánh mất đạo đức mà không thể lấy lại được trong mắt mọi người ạ.
- Con cũng lại bị nhầm rồi. Tuy lúc này anh ta đánh mất đạo đức trong con mắt của mọi người xung quanh. Nhưng, nếu anh ta tu tỉnh lại và sống tốt với mọi người thì anh ta lại lấy lại được đạo đức đã mất. Đạo đức là cái có thể làm lại, lấy lại được nếu lỡ “đánh mất” nó. Còn con, bố muốn nghe ý kiến của con? Ông bố quay sang phía cậu con thứ Tư – một đứa thông minh và chăm chỉ nhất trong bốn người con của ông.
- Con nghĩ rằng lời nói mà đã nói ra thì không bao giờ có thể lấy lại được. Như thế có thể coi là bị mất không ạ?
     Ông tỏ ra hài lòng nhìn cậu Út trả lời. Nhưng rồi ông lại phân tích:
- Đúng là lời nói đã phát ra thì không ai có thể lấy nó quay trở lại trong miệng được. Nhưng lời nói được người nghe tiếp nhận. Có những lời nói trở thành danh ngôn, châm ngôn được người đời ghi chép lại và truyền dạy cho người đời sau. Lời nói không thể bị coi là mất nếu lời nói ấy có ý nghĩa.
Lần lượt nhìn các con, ông ân cần tâm sự:
- Các con ạ. Các con đều nhầm lẫn những cái tưởng là mất nhưng thực ra là không mất. Nhưng lại có một thứ mà các con không nhận ra nó đang bị các con đánh mất. Mà nếu để mất nó, thì không tiền bạc, châu báu nào có thể mua lại được. Đó là Thời gian.
Thời gian là thứ mà tạo hóa đã ban tặng một cách công bằng cho tất cả mọi người trên Trái Đất này. Thời gian luôn trôi về quá khứ. Thời gian không chờ đợi một ai. Lãng phí một ngày là vĩnh viễn mất đi một ngày. Nếu các con không biết tận dụng thời gian để học hành và làm việc có ích cho cuộc đời thì các con đã đánh mất những gì quí giá nhất...
     Ông lại nhìn các con. Tất cả chúng đang cúi đầu, không đứa nào dám ngẩng lên nhìn ông. Có lẽ chúng đang suy ngẫm về cái quí báu nhất mà bấy lâu nay chúng đã và đang để mất.
 
 
 
tin tức liên quan