Gặp những cây bút Xứ Kinh Bắc - Ghi chép của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 04:05 22/11/2017 Lượt xem: 3.080
     GẶP CÁC CÂY VIẾT XỨ KINH BẮC
                                                           
                                Ghi chép của Phạm Thành Long
 

         Cách đây gần 10 ngày, nhà thơ Phạm Đăng Kiểm – người đoạt giải Nhất cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn” nhắn tin cho tôi: “Anh em viết Sứ Kinh Bắc gặp mặt tại nhà tôi. Mong anh Thành Long lên dự…Thời gian ưu tiên để anh sắp xếp, vì biết anh rất bận”…
        Tôi vội bấm tin nhắn: “Cám ơn các anh. Nhưng các anh cứ chủ động sắp xếp thời gian đi. Tôi sẽ thông tin lại”. Ngay hôm sau, tôi nhận được thông tin cuộc gặp mặt sẽ được tiến hành  vào 9 giờ sáng chủ nhật 19-11-2017 tại nhà anh Phạm Đăng Kiểm, số 55 phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, TX. Từ Sơn, Bắc Ninh.
        Trong tin nhắn, anh Kiểm còn thông báo: Khách mời có cả anh Nguyễn Chí – Nguyên Viện trưởng Viện quân y 103 và anh Nguyễn Hữu Biên nữa. Hai anh đều người quen cùng ở Binh trạm 35 với tôi.
        Từ lâu, mấy lần hẹn lên thăm vợ chồng anh Phạm Đăng Kiểm nhưng tôi chưa thực hiện được. Vợ anh Phạm Đăng Kiểm là chị Phạm Thị Nhung. Chị cũng là nhà thơ đã đoạt giải Khuyến kích số 1 của cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” với bài thơ “Kết nạp Đảng ở Trường Sơn”. Cách đây gần 47 năm, chị là người đã nhiều lần tiêm mông điều trị sốt rét cho tôi trong đợt tôi phải nằm điều trị nhiều ngày tại Đội Điều trị Binh trạm 35. Ngày ấy chị Nhung – một y sĩ, hoa khôi của Binh trạm phụ trách điều trị. Còn anh Nguyễn Chí lúc ấy đang là Đội trưởng Đội Điều trị. Tôi quen anh Chí trong một trường hợp khác. Cuối tháng 5 năm 1971, tôi được điều lên Tuyên huấn Binh trạm để tổ chức Đại hội mừng công Binh trạm. Vì chữ đẹp lại biết vẽ nên tôi được điều lên kẻ vẽ, làm các pano tuyên truyền cho Đại hội. Giờ giải lao, tôi thấy một cán bộ hí hoáy ký hoạ khung cảnh hội trường vào giờ giải lao. Chỉ với mấy nét vẽ rất nhanh, một bức ký họa về mái lợp nứa của chiếc hội trường lớn nép mình dưới bóng những gốc cây cổ thụ rất đẹp. Tôi lân la bắt chuyện thì mới biết anh là Trung úy quân y Nguyễn Chí, Đội trưởng Đội điều trị của Binh trạm mà hồi tháng 2 tôi đã nằm điều trị ở đó… Tôi được biết anh Nguyễn Chí đã vẽ khá nhiều ở Trường Sơn. Cuối mùa mưa năm 1971, anh được điều ra Bắc để sang Liên Xô học Phó Tiến sĩ về phẫu thuật thần kinh. Sau này anh là Giáo sư – Tiến sĩ – Thầy thuốc Nhân dân, Giám đốc Quân y Viện 103 nhiều năm. Khi họp mặt Sư đoàn 471, hai anh em có gặp lại nhau một đôi lần. Anh Chí là một bác sĩ quân y có tâm hồn nghệ sĩ. Không chỉ giỏi vẽ, anh còn làm thơ hay. Anh có một chùm thơ được lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn”. Đã có lần anh Phạm Đăng Kiểm chuyển cho tôi đăng trên Trang Trường Sơn một chùm thơ của anh Nguyễn Chí…


            Sáng chủ nhật. Trời trở gió đông bắc và có mưa phùn. Khi bắt đầu vào địa phận của TX. Từ Sơn thì đồng hồ đã chỉ 9 giờ. Hỏi thăm mãi, vẫn chưa tìm được phố Dương Lôi. Thế là đành phải thuê một ông bạn xe ôm đi trước dẫn đường. Đúng là từ làng lên phố nên tìm tới địa chỉ nhà anh chị Kiểm Nhung không dễ chút nào.
            Đón tôi ở đầu ngõ 55 phố Dương Lôi không phải là chủ nhà mà là anh Nguyễn Trung Phụng.
-Ông Kiểm đang phi ra bến xe để đón anh Nguyễn Chính Tâm từ phố Hiến lên. Chắc giờ này cũng sắp về rồi. Anh Phụng thông báo với tôi.
Vợ chồng tôi bước vào nhà đã thấy các anh: Bùi Xuân Chúc, Nguyễn Quốc Lập, Nguyễn Doãn Thiết và anh Nguyễn Hữu Biên từ trong nhà ùa ra đón. Tay bắt mặt mừng. Tôi phải lần lượt giới thiệu để bà vợ tôi được biết. Vì đây là lần đầu tiên, vợ tôi mới được gặp những người bạn Trường Sơn của tôi ở Bắc Ninh. Giới thiệu với em:
-Anh Bùi Xuân Chúc, Chủ tịch Hội TS tỉnh Bắc Ninh. Anh ấy làm thơ và là Hội viên Hội VHNT Trường Sơn của bọn anh. Đây là anh Nguyễn Trung Phụng. Trên fây có tên là Quang Minh. Anh ấy viết báo và thơ. Anh Phụng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội TS Bắc Ninh, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội VHNT TS Bắc Ninh. Vì, con gái và con rể của bác sĩ Anh hùng Trường Sơn Tạ Lưu chơi bóng bàn với vợ chồng tôi tại CLB Thái Hà, nên tôi giới thiệu luôn: - Anh Phụng trước đây là Phó Viện trưởng về chính trị Viện quân y 110 ở Bắc Ninh, nên anh ấy là chủ hôn đám cưới cho Hoa và Bình đấy. Bà xã tôi à lên một cách thích thú. - Còn đây là nhà thơ Nguyễn Doãn Thiết, Ủy viên BCH Hội VHNT TS Bắc Ninh. Anh vốn là một người lính quân tình nguyện Việt Lào Sư đoàn 968 Trường Sơn. Đây là anh Nguyễn Quốc Lập. Ngày trước là Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 đấy. Anh Lập là Phó Chủ tịch Hội TS tỉnh Bắc Ninh và là Chủ tịch Hội VHNT TS Bắc Ninh. Anh Lập vừa viết truyện vừa làm thơ. Còn đây là anh Nguyễn Hữu Biên, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn xe 59 Anh hùng của Sư đoàn 471. Anh Biên ở Đông Mai, Yên Phong, Bắc Ninh – giáp với TP. Bắc Ninh. Mình đã về chơi nhà anh Biên rồi, chắc em còn nhớ? Bà xã tôi có nhắc chuyện vào làng anh Biên các gia đình toàn làm đồ gỗ…
-Thế bà chủ nhà đâu rồi? Nhìn chưa thấy chị Nhung đâu, tôi hỏi. Lúc này chị Nhung từ dưới bếp đi lên.
-Giới thiệu với em, đây là nhà thơ Phạm Thị Nhung. Gần 47 năm trước, chị Nhung đã nhiều lần tiêm mông điều trị sốt rét cho anh ở Trường Sơn đấy.
-Gớm cái ông này nhớ thế! Chị Nhung cười.
-Tôi phải giới thiệu chân thật “kiểu” Trường Sơn thế để bà xã tôi bà ấy hiểu. Chị Nhung bằng tuổi anh. Tốt nghiệp trường y sĩ Hà Bắc năm 1968. Cùng năm đó chị ấy đã có mặt ở Trường Sơn rồi. À mà anh quên chưa giới thiệu: Ngày ấy, chị Nhung là hoa khôi của Binh trạm 35 tụi anh đấy.
- Hoa khôi gì. Hoa ôi thì có! Chị Nhung đế vào. Tất cả chúng tôi cùng cười vang.
Lúc này tôi mới kịp ngắm ngôi nhà của vợ chồng 2 nhà thơ Trường Sơn. Trên diện tích 150 mét vuông, anh chị để lại cái sân khá rộng. Ngôi nhà 3 tầng xây theo kiểu chữ e lờ rộng rãi và thoáng đãng. Gian chính tầng một anh chị để phòng thờ và tiếp khách khá rộng. Cơ ngơi của anh chị là ước mơ của nhiều người lính Trường Sơn khi trở về…


            Đúng lúc ấy thì chiếc xe máy của anh Phạm Đăng Kiểm phi vào sân. Ngồi sau xe là một người lạ nhưng khá quen. Hình như tôi đã gặp ở đâu đó rồi.
-Anh Nguyễn Chính Tâm, bác sĩ quân y - nhà văn Trường Sơn từ Phố Hiến Hưng Yên lên đây với anh em mình đấy. Anh Kiểm giới thiệu với chúng tôi.
-Tôi nhìn anh quen quá? Tôi bắt tay và hỏi anh Chính Tâm.
-Chào anh Thành Long. Tôi ở Trung đoàn 32 mà. Tôi là Chủ nhiệm quân y Trung đoàn. Thỉnh thoảng có gặp anh ở những cuộc họp mặt Sư đoàn 471 mà. Tôi vội kêu lên:
-Thảo nào mà nhìn anh quen mà không nhớ tên. Tôi cười và lần nữa nắm chặt tay anh Chính Tâm.
            Nghe anh Tâm nhắc đến Trung đoàn ô tô 32, anh Phạm Đăng Kiểm liền khoe:
-Ông Nguyễn Thuận Quảng và bà Nguyễn Thị Chung đã về đây rồi đấy. Bà Chung là bạn thân cùng lớp, cùng vào Trường Sơn với bà Nhung nhà tôi mà.
Tôi chợt như nhớ ra: Họ cùng quê cùng học y sĩ Hà Bắc mà. Thảo nào? Chợt anh Chính Tâm ghé vào tai tôi:
-Nhờ có bọn tôi xe duyên mà bà Chung mới lấy ông Quảng năm bảy ba đấy! Nghe thế, tôi liền cự lại:
-Anh Quảng ngày ấy cao to, đẹp trai và rất trắng, lại là một cán bộ có tài. Cô nào chả chết!
-Thích là chuyện khác. Nhưng lấy nhau lại là chuyện khác. Mấu chốt là ở chỗ anh Quảng hơn bà Chung những 10 tuổi cơ!
Anh Nguyễn Hữu Biên khoác tay tôi kéo vào nhà. Vừa đi anh vừa hỏi:
-Thế chú dạo này bệnh tật thế nào? Khỏe chứ?
-Em khỏe. Hàng ngày phải chăm tập luyện lắm mới được thế này anh ạ! Tôi khoe với anh việc tập khí công hàng ngày để chữa bệnh.

 
        Chúng tôi ngồi quây quần bên bàn nước. Anh Phụng làm thủ tục giới thiệu mọi người với anh Nguyễn Chính Tâm – Vị khách đặc biệt đến từ Phố Hiến. Rồi anh Nguyễn Doãn Thiết trình bày lý do có cuộc gặp mặt thân mật hôm nay giữa Ban Chấp hành Hội VHNT Trường Sơn Bắc Ninh… “Thực hiện chương trình hoạt động của Hội VHNT TS Bắc Ninh, vừa qua chúng tôi lập ra nhóm Văn học nghệ thuật Trường Sơn Bắc Ninh trên facebook do tôi phụ trách. Anh Kiểm muốn lập Analog cơ. Xong chúng tôi thấy thời điểm này chưa thích hợp. Rất mong các anh cùng chung tay để sự lan tỏa của văn học nghệ thuật Trường Sơn nhanh chóng có chỗ đứng trong lòng bạn bè và những người yêu mến Trường Sơn…”
        Anh Bùi Xuân Chúc, anh Phạm Đăng Kiểm, anh Nguyễn Quốc Lập, rồi anh Nguyễn Chính Tâm đều phát biểu những điều tâm huyết muốn trao đổi. Anh Nguyễn Doãn Thiết mời tôi phát biểu. Tôi chân tình:
-Thưa các anh. Xin cám ơn các anh đã mời vợ chồng tôi tham dự cuộc họp mặt đầy ý nghĩa này của các cây viết Trường Sơn Xứ Kinh Bắc. Tôi xem cuộc họp mặt này như một hoạt động rất ý nghĩa của Hội VHNT TS Bắc Ninh. Tiện đây, tôi xin thông báo nhanh đến các anh hoạt động của Hội VHNT Trường Sơn chúng ta. Như các anh đã biết: Đại hội thành lập Hội VHNT Trường Sơn được tổ chức ngày 22/3/2017. Hội ra đời đã thỏa mãn mong ước của những cây viết và hoạt động văn học nghệ thuật của Bộ đội Trường Sơn trong cả nước. Đại hội chúng ta với sự có mặt của 87 hội viên sáng lập. Ngày 20/8/2017, Hội lại công nhận Hội viên tập thể cho CLB Thơ Trường Sơn của Hội TS huyện Thạch Thất, Hà Nội với 30 hội viên. Ngay hôm trao quyết định, CLB Thơ Trường Sơn Thạch Thất đã cho ra mắt cuốn thơ “Trường Sơn một thời để nhớ” Tập 2. Đây là một nỗ lực lớn của Ban Chủ nhiệm. Tại Đại hội thành lập Hội VHNT TS Bắc Ninh ngày 27/8/2017, Hội đã kết nạp thêm 25 hội viên cá nhân và 1 Hội viên Tập thể là CLB Thơ Ca phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh, với 10 thành viên. Ngày 23/11/2017, Chi hội VHNT TS Hải Phòng sẽ ra mắt với 7 hội viên mới vừa được BCH quyết định kết nạp và 4 hội viên sáng lập. BCH còn kết nạp thêm 32 hội viên mới của các địa phương trong cả nước. Nâng toàn bộ hội viên hiện có trong cả nước là 151 hội viên cá nhân và 2 Hội viên Tập thể với 40 thành viên. Điều đáng nói là sau Đại hội, chúng ta có thêm 8 tác phẩm mới xuất bản: Cuốn “Ký ức Trường Sơn” thơ của nhiều tác giả của Hội TS tỉnh Bắc Ninh; cuốn “Trường Sơn một thời để nhớ” tập 2 của CLB Thơ Trường Sơn Thạch Thất, Hà Nội; cuốn: “Tâm tình người lính” – thơ của Nguyễn Trung Phụng; cuốn: “Lính Trường Sơn” – thơ của Nguyễn Quốc Lập; cuốn: “Trường Sa trong ta” – Ký của Lê Khanh và Phạm Huy Chương, Bắc Ninh; cuốn: “Chiều hạ” – Thơ của Nguyễn Ngọc Phát, Hải Phòng; cuốn: “Trường Sơn thuở ấy – bây giờ” - văn học nghệ thuật chọn lọc của hội viên Trường Sơn, do Hội VHNT Trường Sơn xuất bản; cuốn sách mới nhất được xuất bản là cuốn: “Vinh quang Trường Sơn Anh hùng” – thơ và văn của Hội TS huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của các hội viên và Hội VHNT Trường Sơn chúng ta, nhất là của giới văn nghệ Trường Sơn Bắc Ninh – một địa phương có nhiều cây viết Trường Sơn nhất cả nước hiện nay.
Hôm nay các anh cho ra mắt một địa chỉ Nhóm Văn học nghệ thuật Trường Sơn Bắc Ninh trên Facebook. Một việc làm đáng ghi nhận nữa. Tôi tin là địa chỉ facebook này sẽ nhanh chóng quảng bá cho văn học nghệ thuật Trường Sơn và được những người yêu mến Trường Sơn đón đọc. Tôi nghĩ việc làm trên facebook của các anh khá phù hợp với điều kiện hiện nay. Nếu mở analog sẽ phức tạp hơn, bởi phải có người giỏi mạng, phải mất kinh phí, phải xin giấy phép khá phức tạp…
Anh Chính Tâm, bộc bạch với mọi người:
-Tôi được khá nhiều người mời mọc tham gia nhóm này, hội kia. Song tôi đều chưa gật ai và tham gia ở đâu cả. Tuy nhiên, với các anh thì tôi đồng ý ngay với lý do: Đây là “hội” của những đồng đội Trường Sơn, thật sự yêu thơ văn và phải nói các anh là những người viết được, viết đứng đắn…
Anh Phạm Đăng Kiểm rất tâm đắc với các chi tiết trong bài viết của anh Chính Tâm – một người “Đặc cách”. Anh Kiểm đề nghị anh Chính Tâm lấy cái tít: “Đặc cách làm liệt sĩ” đặt cho bài viết của anh Chính Tâm – chi tiết mà đơn vị và đồng đội đã “chôn” Chính Tâm cùng hai đồng đội khác hy sinh ở trọng điểm Thà Khống năm nào!
Câu chuyện của chúng tôi hết kể về những kỷ niệm ở chiến trường lại chuyển sang chuyện viết văn, làm thơ. Nhiều người đã đọc lại những bài thơ viết từ thời chiến tranh cho nhau nghe. Những người lính Trường Sơn ở bên nhau thì chuyện không bao giờ muốn dứt. Những người cầm bút ở Trường Sơn lại càng lắm chuyện để nói, để kể cho nhau nghe.
Nhìn đồng hồ đã 11 giờ trưa, chị Phạm Thị Nhung vội kêu lên:
-          Thôi thôi các anh ơi. Ngồi vào mâm đi chứ! Tất cả nguội hết bây giờ.
           Khi ngôi vào mâm, chị Nhung giới thiệu:
-Thịt gà là gia đình tôi nuôi thả đấy. Gà sạch 100%. Còn bánh tẻ là do vợ anh Biên tự tay gói gửi biếu chúng ta. Món thịt bò hầm là anh Doãn Thiết vừa phi xe về nhà mang sang đấy! Tất cả chúng tôi đều à lên.
Tôi nói vui:
-Trên fây có nhóm Văn học nghệ thuật Trường Sơn. Còn hôm nay trên bàn tiệc có “liên doanh” các móm ngon!
Mọi người cùng cười vui.
Chúng tôi vừa ăn vừa truyện trò và chúc nhau sức khỏe, chúc nhau thêm nhiều tác phẩm mới…


    Trên xe về Hà Nội, bà xã tôi cứ khen mãi:
- Những đồng đội Trường Sơn – bạn viết của anh ở Bắc Ninh vui và chân thật thế!
Tôi cười:
- Bạn Trường Sơn của anh ai cũng thế cả mà nhất là những người cầm bút hôm nay !



Thứ tự từ trái qua phải: Nhà báo - nhà văn Phạm Thành Long, Nhà thơ Bùi Xuân Chúc, Nhà thơ Phạm Thị Nhung, nhà thơ Nguyễn Hữu Biên, nhà thơ Phạm Đăng Kiểm, nhà thơ kiêm nhà báo Nguyễn Quốc Lập, Nhà thơ Nguyễn Trung Phụng, Nhà thơ Nguyễn Doãn Thiết và nhà văn Nguyễn Chính Tâm.



Phạm Đăng Kiểm và Nguyễn Chính Tâm



Nguyễn Doãn Thiết và Nguyễn Quốc Lập.



Những người bạn viết Trường Sơn Xứ Kinh Bắc bên bàn trà tại phòng khách của vợ chồng nhà thơ Phạm Đăng Kiểm và Phạm Thị Nhung, số 55 phố Dương Lôi, Phường Tân Hồng, TX Từ Sơn, Bắc Ninh.


 
tin tức liên quan