"Trường Sơn còn vọng đến mai sau" - Lê Lợi

Ngày đăng: 05:09 15/02/2018 Lượt xem: 620


TRƯỜNG SƠN CÒN VỌNG ĐẾN MAI SAU
 
         
       Những ngày đầu năm mới 2018, những người lính từng ở Trường Sơn năm xưa hiện sống tại Nam Định cùng nhau biên soạn và cho ra đời cuốn sách: “Vang vọng Trường Sơn”. Cuốn sách là sự tập hợp các bài văn, thơ, nhạc, họa của những người con Nam Định đã để lại một phần tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình ở những cánh rừng Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Qua các bài thơ, bài ký, truyện, ghi chép, bản nhạc,... mặc dù câu chữ vẫn còn mộc mạc, chúng ta thấy Trường Sơn vẫn còn tươi rói trong suy nghĩ và tâm hồn của người thành Nam, những người đã từng nghe lời kêu gọi thiêng liêng của đất nước: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm nào.
     Vẫn như thấy âm hưởng hào hùng của chiến tranh năm xưa trong các dòng chữ, các chiến sỹ Bộ binh, Công binh, Pháo binh, Thông tin, lái xe vận tải những cô gái Thanh niên xung phong ngày đêm bám đường cho thông tuyến xe qua, chở vũ khí và lương thực cho các mặt trận, người Nam Định hiện lên với sự dũng cảm, kiên cường trước kẻ thù nhưng cũng rất nhân văn với đồng đội, nhân dân nơi đóng quân. Lối viết chân thực (tuy có phần dễ dãi) của phần lớn những người cầm bút không chuyên qua các lời kể chuyện của những người thật, việc thật đã giúp nhiều đồng đội tìm lại chính mình, đặc biệt hơn đó là giúp các thế hệ sau hiểu được thêm khốc liệt của cuộc chiến mà ông bà, cha, mẹ, anh chị mình đã trải qua.
         Một số bài viết trong cuốn sách này đã từng đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học do Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tổ chức. Tại cuộc thi Ký ức Trường Sơn năm 2013 - 2014, bài thơ “Cây bồ kết bên đường” của Phạm Trọng Thanh đạt giải Nhất, Nguyễn Văn Bổng giải Nhì với truyện ngắn “Tập kỷ yếu dang dở”. Các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo còn có: “Kỷ vật Trường Sơn” của Nguyễn Văn Bổng; “Cô gái mở đường Trường Sơn Tây” của Trần Đức Tài; “Thời gian xanh”, của Trần Thị Bích Liên; “Chị tôi” của Trần Trọng Nghiêm; “Chị tôi” của Nguyễn Thị Lúng; “Cô gái chống lầy” của Nguyễn Thanh Hải. Tại cuộc thi Lục bát Trường Sơn tổ chức năm 2015-2016, bài thơ “Đời mẹ” của Vương Văn Kiểm được giải 3; “Ký ức Trường Sơn” của Nguyễn Ngọc Hoài, “Vào hội Trường Sơn” của Hoàng Kiền được trao giải khuyến khích. Nhiều tác phẩm của các tác giả cũng được chọn vào chung khảo và được in vào sách của Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh: “Cánh võng Trường Sơn”, của Vương Văn Kiểm; “Chợ Viềng” của Lê Lợi; “Chuyện cô tôi” của Ngô Xuân Thanh; “Một nét bình yên” của Nguyễn Ngọc Hoài; “Anh ở đâu” của Trần Thị Nhật Tân; “Đợi” của Trần Văn Giai; “Hành trang ra trận” của Vũ Quách Thinh, “Anh nghe em hát chầu văn” của Nguyễn Đình Thảo…
       Chúng ta bắt gặp trong cuốn sách những nhân vật và một số hình ảnh của những Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong, những anh hùng của đoàn 559 xưa kia, ngày nay lại đang tích cực trong mặt trận kinh tế, những người đang đóng góp công sức vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tích cực hoạt động vì nghĩa tình đồng đội.
       Thật đáng tiếc nếu không nói đến các bức tranh của người lính quân tình nguyện Việt Nam tại Lào trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, họa sĩ Lê Minh Châu người từng đoạt các giải thưởng của Quốc gia và Khu vực đã tái hiện lại chiến trường những năm tháng chiến tranh và cả công cuộc bảo vệ biển đảo quê hương.
       Hy vọng cuốn sách “Vang vọng Trường Sơn” của các tác giả người Nam Định đã từng đi qua cuộc chiến, thực hiện bởi những người không chuyên được đông đảo bạn đọc đón chào nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018 và chào mừng Đại hội lần thứ II của Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định.
 
Lê Lợi

tin tức liên quan