Phạm Văn Đoàn - Người "Nợ Trường Sơn" đã đi xa

Ngày đăng: 09:34 22/02/2018 Lượt xem: 827
 Phạm Văn Đoan- người “Nợ Trường Sơn” đã đi xa

                                                * Nghiêm Thị Hằng
 
     Sáng muồng 4 Tết  Mậu Tuất (2018) tôi vào Facebook đáp lời chúc mừng năm mới của bạn bè người thân. Vào Facebook của nhà thơ Phạm Văn Đoan, bỗng tôi sững sờ thấy Đặng Hà My viết “ Cầu hương hồn anh Đoan siêu thoát cõi vĩnh hằng”. Tôi không tin đó là sự thật,  tin dữ ngày đầu xuân, thế nên đóng Facebook lại. Quá trưa thấy lòng dạ nôn nao, đầu giờ chiều  tôi lại vào Facebook nhắn
Đặng Hà My “cho hỏi thăm anh Phạm Văn Đoan đã về cõi vĩnh hằng hôm nào, mình là bạn nhưng không biết tin này”. Đặng Hà My không hồi âm, vì tôi lại vào chính trang Facebook của nhà thơ Phạm Văn Đoan thì làm sao Hà My hồi âm được. Sự im lặng thật linh thiêng, làm sao Phạm Văn Đoan có thể mở trang Facebook để trả  lời  bạn bè được, khi anh đã từ giã cõi trần.
     Vì chưa tin Phạm Văn Đoan đã từ giã cõi trần, nên tôi lại gõ goole hỏi  tin và lần này thì tôi nhận được thông tin đầy đủ từ trang Facebook của nhà thơ Trần Nhương : TIN BUỒN: NHÀ THƠ PHẠM VĂN ĐOAN TẠ THẾ
đưa tin TN và Vũ Nho, Chủ nhật ngày 18/2/2018  lúc 6:02 PM
Nhà thơ Phạm Văn Đoan sinh năm 1953 tại Thái Bình. Ông là cựu cán bộ Tập đoàn Dầu khí, Hội viên Hội Nhà văn VN, cựu chiến sĩ Trường Sơn. Do trọng bệnh ông đã từ trần hồi 8 giờ 40 ngày 18/2/2018 tức ngày Mồng Ba Tết Mậu Tuất tại Vũng Tầu. Tang lễ sẽ tổ chức tại Vũng Tầu.
Lễ viếng từ 14 giờ ngày 18-2-2018, lễ truy điệu hồi 6 giờ15 ngày 20/2/2018. An táng tại nghĩa trang Bà Rịa
       Thế là không còn nghi ngờ gì nữa nhà thơ Phạm Văn Đoan, người đồng hương quê lúa Thái Bình, người lính Trường Sơn,  người có duyên nợ tình thơ với tôi, đã nhanh chân kịp chuyến tàu đầu xuân về thế giới bên kia.
      Ngày 20/2 ( tức ngày muồng 5 tết), ở phía trời Nam, gia đình bạn bè, thân hữu  vĩnh biệt  đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, thì  nơi phương Bắc từ Hà Nội, tôi viết những hồi tưởng về anh, về cái thời tuổi thanh xuân trang lứa chúng tôi “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”  để rồi nên tình thân hữu, nặng duyên thơ. Những tình cảm ấy thay lời ly biệt, thay nén tâm hương, tiễn đưa anh trở về đất Phật.
     Nhớ năm 2014, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tập thơ  “NỢ TRƯỜNG SƠN” của Phạm Văn Đoan. Giới thiệu tập thơ này tác giả Vũ Nho viết “Là người lính của đơn vị 559, một thời máu lửa gắn bó với Trường Sơn hùng vĩ, Phạm Văn Đoan cảm thấy mình mắc nợ với đồng đội, bạn bè, mắc nợ với Trường Sơn. Ta canh cánh món nợ đời lớn vậy/ Càng nghĩ càng xa, càng lắc càng đầy.(Nợ Trường Sơn).  Đọc hết tập thơ này nhận thấy người thơ Phạm Văn Đoan mắc những ba món nợ lớn, với Trường Sơn, với quê lúa Thái Bình và với ngành Dầu khí. Và có thể kể thêm một món nợ không hề nho nhỏ với Em trên đường đời hữu ý hay tình cờ bắt gặp”.
     Món nợ với em trên đường đời, đường thơ chỉ có riêng nhà thơ Phạm Văn Đoan mới nhớ hết, kể hết. Nay anh đã thành người của ngày xưa mất rồi và tôi cũng chỉ kể câu ngày xưa để tưởng nhớ về anh.
     Thời ấy anh là lính lái xe Trường Sơn, còn chúng tôi những chiến sĩ gái ở Nhà in Trường Sơn. Sau thống nhất nước nhà, Bộ Tư lệnh Trường Sơn của chúng tôi kéo quân ra Bắc thành lập Binh đoàn 12, đóng quân ở Ba La-Bông Đỏ (gần thị xã Hà Đông). Vào mùa thu năm 1977 Nhà in Trường Sơn chỉ còn 3 chiến sĩ gái chưa ra quân, là tôi, chị Phan Thị Giáp và em Nguyễn Thị Thuật. Có một chiến sĩ lái xe quê ở Thái Bình thường hay ghé vào chơi với chị em ở nhà in, đó là Phạm Văn Đoan. Anh chàng khỏe mạnh, đôn hậu và vui tính. Lúc  bấy giờ tôi và Thuật đều đã có bạn trai chỉ có chị Giáp là chưa có người yêu. Thế là tôi và em Thuật rất vô tư, chắp mối và vun vén tình duyên cho hai người. Mấy tháng sau tôi ra quân, từ đó không được biết tin tức gì về mối nhân duyên của anh Đoan và chị Giáp. Hai năm  sau, chị Giáp mời tôi về dự đám cưới, chú rể không phải là anh Đoan. Hỏi thăm mới biết sau đó anh Đoan chuyển vào Vũng Tàu làm dầu khí. Chuyện của chúng tôi quen biết chỉ thế thôi cũng dễ quên, nếu như sau này tôi và anh Phạm Văn Đoan không gặp nhau ở duyên thơ  thì không thể có thêm tình  bạn, tình thơ đến bây giờ.
      Tôi chuyển ngành, sau đó học khóa 2 trường Viết văn Nguyễn Du và trở thành người làm thơ. Tình cờ một lần trên báo Văn Nghệ đăng thơ của tôi và anh Phạm Văn Đoan. Tôi không biết sự tình cờ này lại là nhịp cầu chắp nối để bạn thơ tìm nhau. Biết tôi đang công tác ở Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Đoan chủ động gọi điện hỏi thăm tôi, nhưng không gặp. Anh nhắn tin có người làm thơ đang công tác ở Dầu khí Vũng Tàu hỏi thăm Nghiêm Thị Hằng. Nhận tin nhắn này tôi sửng sốt, lục tìm trong trí nhớ, họ hàng gia đình tôi không có ai ở Vũng Tàu và chẳng có ai làm Dầu khí, càng không quen biết ai tên Đoan làm thơ. Không chờ tôi gọi điện lại, anh Đoan chủ động gọi điện từ Vũng Tàu ra và lần này gặp tôi. Qua trò chuyện, anh bảo quen biết tôi hồi còn ở Ba La-Bông Đỏ, tên anh là Phạm Văn Đoan. Tôi vẫn không hình dung ra anh là ai, nên khéo nói “Lâu ngày không gặp nhau chắc bây giờ gặp lại chẳng nhận ra ai. Nếu được thì gửi cho em một tấm hình nhé”. Anh đã gửi hình cho tôi, lúc này tôi mới nhớ ra - anh là Phạm Văn Đoan lái xe Trường Sơn, người mà tôi và em Thuật  định mai mối cho chị Giáp.
      Sau  này tôi và anh còn có duyên một đôi lần cùng in thơ trên báo Văn nghệ. Qua điện thoại chuyện trò, anh hẹn nếu ra Hà Nội công tác sẽ ghé qua nhà  tôi chơi và đấy là lần đầu tiên khoảng năm 1982, tôi gặp lại anh. Hai chúng tôi đã có buổi trò chuyện về những ngày xưa ấy, thủa còn là người lính Trường Sơn ở  Ba La-Bông Đỏ. Lúc này anh mới hé cho tôi biết chuyện ngày ấy trong 3 cô gái ở nhà in, anh chỉ để ý đến tôi thôi. Thế mà tôi là vô tư không biết chuyện này, cứ vun cho chị Giáp với anh. Sau khi tôi chuyển ngành anh cũng chuyển về Vũng Tàu làm ở ngành Dầu khí và có thơ đăng. Anh vẫn nhớ tôi và duyên thơ cho chúng tôi  gặp lại nhau. Sau câu chuyện này của Phạm Văn Đoan, tôi có bài thơ “Ngày xưa” để tạ lỗi cùng anh. Bài thơ ấy được viết năm 1984 khi tôi đang học Trường Viết Văn Nguyễn Du khóa 2. “Ngày xưa, em trả anh rồi/Câu thơ còn nợ, tình đời còn mang/ Ngày xưa thương con Dã tràng/Một mình xe cát đã tàn tháng năm/Ngày xưa một thuở xa xăm/Em đi hái lá chăn tằm ươm tơ/Tơ em hong nắng đến giờ/Áo tơ chưa mặc, còn chờ mùa đông/Ngày xưa em chưa lấy chồng/Sao anh không gói nắng hồng sang chơi/Ngày xưa giờ đã xa rồi/Gặp nhau lại ước một thời ngày xưa”.
      Từ đó tình bạn, tình thơ giữa tôi và anh Phạm Văn Đoan và chân tình vừa lãng mạng như thơ. Tôi cũng đã đến thăm gia đình anh ở Vũng Tàu và những lần anh ra Hà Nội công tác nếu có điều kiện thường gọi đện cho tôi và chúng tôi cùng đến thăm bạn bè Trường Sơn trong đó có anh Hà Văn Sỹ.
      Tháng 5 năm ngoái (2017), tôi dự trại sáng tác của Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức tại nhà sáng tác Thùy Vân, TP Vũng Tàu. Qua bạn bè, anh biết tôi dự trại, nên chủ động gọi điện hẹn đến thăm tôi. Nhưng chiều ấy anh lỡ hẹn không đến.  Duyên cớ ấy cho tôi một tứ thơ, tôi đã chép bài thơ tặng anh.  Hôm sau anh đến, tôi đọc cho anh nghe bài “Biển gọi” mới viết. “Chiều nay anh ở đâu?/Bãi Trước hay bãi Sau/Hẹn em rồi quên đến/Hoàng hôn buông Vũng Tàu/Người chờ thành Núi Lớn/Biển đợi đến bây giờ/Lẻ loi chiều cánh én/Sóng lặn tìm hồn thơ/Có duyên mà không nợ/Núi Lớn thành đơn côi/Tình thành tình dang dở/Còn nhớ thương mà thôi/Anh ở đâu, ở đâu? Thùy Vân hay Bãi Dâu/Để sóng xô biển gọi/Nợ duyên thương Vũng Tàu”.
     Không ngờ lần gặp ấy là lần cuối, không ngờ bài thơ viết tặng anh cũng là bài thơ cuối với anh đầy linh cảm chỉ còn là “Biển gọi, sóng xô”… Mới thoáng đấy mà anh đã là người của ngày xưa mất rồi.
   Tiễn ra về cõi vĩnh hằng, những bài thơ viết tặng anh, xin gửi anh “câu thơ còn nợ” để “tình đời còn mang”, thay nén tâm hương, thay lời ly biệt.
 
 
 

tin tức liên quan