Học tính tiết kiệm từ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 09:56 11/04/2018 Lượt xem: 815
 

                 Học tính tiết kiệm từ Chủ tịch Hồ Chí Minh
 

            Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về tiết kiệm rất ngắn gọn và xác đáng: "Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực".
       
             Soi vào cuộc sống hôm nay, dù kinh tế nước ta đã phát triển tích cực nhưng đi kèm đó còn rất nhiều trường hợp lãng phí, xa xỉ. Nhất là giới quý tộc, nghệ sĩ, họ không ngần ngại chi hàng tỉ đồng chỉ để mua một bộ cánh đắt tiền, trang sức hay túi xách… mà chỉ dùng một, hai lần rồi cất vào tủ. Hoặc có những đại gia chi tiền như nước chỉ để mua chiếc giường hoàng gia Anh, tậu xiêu xe trên 20 tỉ đồng, ăn một bữa ăn có dát vàng.... Đồng ý là có tiền có quyền, vì họ cũng đã trải qua những tháng ngày lao động cực nhọc thì việc họ tự tưởng thưởng cho mình là vô cùng xứng đáng, không có gì phàn nàn. Tuy nhiên sự lãng phí, xa hoa để lại rất nhiều hệ lụy mà người trong cuộc nên suy nghĩ lại. Nhiều nghệ sĩ sống cả đời sung túc trong cảnh như ông hoàng, bà chúa, đến khi vỡ nợ vì kinh doanh thất bại, vì cờ bạc và vì những lý do “tầm phào” thì lại “la làng” lên để nhờ công chúng thương tình giúp đỡ. Hay có nhiều đại gia, lúc đương thời thì phóng túng, nhưng đến khi dính dáng đến pháp luật thì mới hay họ giàu vì tham nhũng. Từ việc tiêu pha hoang phí, muốn được huy hoàng nên nô lệ đồng tiền, dẫn đến sa ngã, tiêu cực và bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích mà mình muốn có. Đó là kết quả của những ngày tháng không biết tiết kiệm, giữ mình.


 
   

             Nhìn ra thế giới, Thụy Sĩ là một nước nhỏ, dãy núi Alpes xuyên suốt đất nước, hầu như không còn mấy vùng đồng bằng. Không có tài nguyên khoáng sản gì đáng kể, lại không giáp biển, điều kiện thiên nhiên rất xấu. Một quốc gia như vậy mà rất nhiều năm qua được Ngân hàng Thế giới đánh giá là giàu nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người 537,6 ngàn USD/năm và 8,8% dân số là triệu phú (theo báo cáo Tài sản Toàn cầu - Global Wealth Report, của ngân hàng Credit Suisse, năm 2017). Nhưng không vì thế mà họ vung tay tiêu tiền, xa hoa lãng phí. Những người Thụy Sĩ giàu có đều rất tiết kiệm, giàu trong sự bình dị, cái gì cần thiết mới chi tiêu. Thậm chí họ thường xuyên đi làm bằng xe đạp. Đối với họ, chạy xe đạp đến cơ quan không có gì là đáng xấu hổ cả. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, giảm tai nạn giao thông, thì đi xe đạp là cách chống lãng phí xăng và bảo vệ môi trường.
    
              Lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Dân giàu thì nước mạnh” Vì vậy, mọi người nên học theo gương Bác Hồ, chung tay tiết kiệm, ngay cả những thứ nhỏ nhặt nhất để chính bản thân chúng ta, gia đình, xã hội và đất nước ngày càng giàu mạnh. Việt Nam phồ thịnh mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
 
 
                                                                                         NGUYỄN HOÀNG DUY

         (Số nhà 101/25 Nguyễn Chí Thanh, Phường 9, Quận 5, TP.HCM.Điện Thoại: 0987.170.864)
 

 
tin tức liên quan