Hương cỏ mật,truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 02:29 19/04/2018 Lượt xem: 907

                                                 HƯƠNG CỎ MẬT
 
                                                         
                                                                     Truyện ngắn của Xuân Tuynh



            - Bộ đội các anh chúa ở bẩn. Đời thuở nhà ai ăn cơm xong, bát đũa không rửa, về dắt trên mái hiên tới bữa lại mang đi ăn.

            - Ai nói với em vậy? Bếp ăn của bọn anh rất vệ sinh. Trước khi ăn phải tráng đũa bát qua nước sôi, sau đó mới được ngồi vào bàn ăn. Ai không làm vệ sinh, trực ban phát hiện ra không cho ngồi vào bàn, tối về còn bị Tiểu đội kiểm điểm, cuối tuần mất điểm thi đua. Cả Tiểu đội phải nhận cờ vàng.

            - Em không tin điều đó.
 
          - Không tin hả? Mai đến ăn cơm tập thể với các anh một bữa cho biết.

           - Thôi đi. Em đâu phải là lính mà đi ăn cơm lính. Người ta cười cho.

            - Không phải là lính thì... là người yêu của lính không được sao?

                Cúc đỏ mặt, chạy lại đấm vào lưng tôi thùm thụp. Cả hai cùng cười khúc khích. Tiếng cười tươi giòn trong nắng trưa.

                Tháng 2 năm 1969, tôi đang công tác ở Tiểu đoàn 18 Thông tin Quân khu 3 thì được lệnh của trên điều động về E30, đơn vị khung huấn luyện đi B, đơn vị đóng quân tại Gia Viễn, Ninh Bình. Đại đội 1 của tôi đóng ở xã Gia Thanh, cách phố Me chừng 1 cây số. Tôi, anh Đàm và Hồng ở trong nhà anh Ngạn. Anh Ngạn khi ấy làm Trưởng ban Thương nghiệp xã. Gia đình có hai vợ chồng và một cậu con trai 8 tuổi tên là An. Vợ chồng anh Ngạn rất vui tính, quý mến chúng tôi như con em trong nhà. Cháu An tối về quấn quýt lấy chúng tôi, nhờ chúng tôi bày cách làm toán. Cúc ngày ấy làm kế toán trưởng cửa hàng thực phẩm của huyện ngoài phố Me. Cúc rất thân với gia đình anh Ngạn, nhận vợ chồng anh Ngạn là anh chị nuôi. Hàng ngày, hết giờ làm việc Cúc lại về ở trong nhà anh Ngạn. Từ đó tôi quen biết Cúc.

              Cúc có gương mặt chữ điền, đôi mắt tròn, đen láy như hạt nhãn, hai má lúm đồng tiền mỗi khi em nói, cười rất có duyên. Quê Cúc ở vùng gần biển, có cái tên thơ: thôn Chấn Lữ, xã Ninh Vân, cách phố Me hơn 10 cây số về phía Đông. Ở gần nhà nhưng Cúc rất ít khi về, vì thời chiến, đoạn đường từ phố Me về thị xã Ninh Bình phải qua hai cây cầu, cầu Dán và cầu Đoan Vĩ, hai cây cầu nằm trên trục đường quốc lộ 1, con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam địch cho máy bay bắn phá quyết liệt, suốt ngày đêm.

              Tình cảm giữa tôi và Cúc nảy nở từ khi nào tôi cũng chẳng hay. Chỉ biết sau một ngày đi luyện về không được nhìn thấy nhau là tôi thấy bâng khuâng, rất khó diễn tả bằng lời. Nhà anh Ngạn có chiếc giếng ở góc sân, cạnh cây táo lớn và hàng cau cao vút. Tôi và Cúc thường gặp nhau ở đấy sau mỗi ngày đi làm về. Chúng tôi ra giếng múc nước rửa mặt mũi tay chân. Giếng sâu khó múc nước nên tôi có cơ hội trổ tài, múc nước phục vụ em. Một hôm đi làm về, Cúc mặc chiếc áo cổ tròn khá rộng. Lúc ra giếng cúi xuống rửa chân, bất chợt tôi nhìn qua cổ áo thấy được bộ ngực nõn nà và căng tròn của em, mặt tôi đỏ bừng, khắp người như có kiến bò râm ran. Đang múc nước tôi bỏ chiếc gầu rơi tõm xuống giếng, chạy vội vào nhà. Cúc không hiểu vì lý do gì tôi bỏ đi, liền chạy vào nhà tìm:

            - Bắt đền anh đấy. Ra lấy gầu lên cho em - Cúc nói như ra lệnh rồi cầm tay tôi kéo đi. Trong nhà lúc này chỉ có tôi với Cúc.
 
             - Tại em đấy! Em...

             - Em làm sao?

             Tôi nhìn vào ngực Cúc. Bộ ngực căng phồng dưới lớp vải áo. Cúc nhìn lên ánh mắt của tôi rồi nhìn xuống ngực mình, chợt hiểu ra điều gì đã làm tôi bỏ chạy. Đôi mắt Cúc nhìn thẳng vào mắt tôi. Chúng tôi nhìn nhau như ngây dại. Tôi tiến lại gần Cúc, rồi bất ngờ ôm choàng em vào trong vòng tay. Hai chúng tôi cứ vậy ôm lấy nhau giữa căn phòng trống vắng. Tôi ghì chặt thân hình em trong niềm khát khao cháy bỏng, đất trời như hòa làm một trong vòng tay của tôi...

             Cúc rất thích hương cỏ Mật, một loài cỏ thân to, mềm, mọc ở ven đê. Cỏ Mật có sức sống mãnh liệt. Chỉ cần vài cọng cấy xuống đất, sau tuần lễ mọc lên dầy đặc. Cỏ Mật có mùi thơm dịu ngọt. Nghe người ta nói, cỏ Mật còn là một vị thuốc Nam chữa bệnh tiêu hóa rất tốt. Ai bị đầy bụng, ăn khó tiêu chỉ cần lấy một nắm phơi khô, bỏ vào ấm sắc lên, uống hai chén là khỏi. Các cô gái ở vùng đồng chiêm thường rủ nhau ra bờ đê hái cỏ Mật về phơi khô làm ruột gối. Ruột gối cỏ Mật êm và có mùi thơm quyến rũ. Mùi thơm của cỏ Mật giữ được lâu. Đêm nằm ngủ gối đầu bằng gối cỏ Mật qua một hai ngày vẫn còn mùi thơm. Biết Cúc thích cỏ Mật, lần nào đi thao trường về, qua bờ đê tôi cũng không quên nhổ một nắm cỏ Mật đem về cho em. Cứ mỗi lần tôi đưa cỏ Mật cho Cúc, Cúc lại nâng niu trên tay, rồi đưa lên mũi ngửi một hồi lâu.

             Nhà tôi ở Thanh Liêm, chỉ cách nơi đóng quân có một dãy núi đá. Bên này là Gia Viễn, bên kia là Thanh Liêm nhưng đường rừng núi hiểm trở khó đi. Chủ nhật được đơn vị cho về thăm nhà lại phải đi đường vòng hơn chục cây số qua cầu Dán mới về được nhà. Phương tiện đi lại thời chiến rất khó khăn. Đi bộ mất hơn hai giờ đồng hồ. Ngày ấy Cúc được cơ quan phân cho một chiếc xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc. Những năm từ 1965 đến 1970 có được một chiếc xe Phượng Hoàng là cả một tài sản quý. Những cán bộ, công nhân viên tiên tiến nhiều năm hoặc là chiến sĩ thi đua mới được phân phối. Gia đình nào có được chiếc xe đạp Phượng Hoàng rất hãnh diện, cất giữ, nâng niu hơn thời nay có chiếc Đờ-rim. Bạn bè, người thân mỗi lần đi đâu xa mượn nhau xe đạp rất khó. Nhất là xe Phượng Hoàng lại càng khó hơn. Với tôi, Cúc để xe cho tôi sử dụng cả tuần. Nhiều lần đi về thăm nhà gặp trời mưa, xe dính đầy bùn đất, khi trở lại đơn vị Cúc một mình mang ra sông cọ rửa. “Anh đi về mệt, nghỉ cho khỏe mai còn đi tập. Em rửa có sao đâu”. Sự quan tâm của Cúc đối với tôi làm cho nhiều anh em trong tiểu đội phát ghen.

              Đêm trước ngày đơn vị tôi lên đường đi B, tôi và Cúc dắt nhau ra chiếc cầu ngoài đầu làng ngồi tâm sự đến tận khuya. Chúng tôi ngồi bên nhau, dưới ánh trăng rằm vằng vặc, gió đồng mang theo hương cỏ Mật bay lên làm chúng tôi ngất ngây. Cúc gục đầu vào ngực tôi, nước mắt em thấm vào ngực tôi. Giọt nước mắt trước lúc chia ly.

            - Em đừng khóc. Kẻo mai anh không đi được. Anh đi một mai chiến thắng sẽ trở về!

            - Em tin như vậy. Ngày chiến thắng anh về. Em chờ, em chờ. Khi ấy em sẽ đưa anh về thăm quê em, miền quê có hàng phi lao cao vút, có đường làng lát gạch bổ cau êm ả. Chúng ta dắt tay nhau đi dưới hàng phi lao cao vút trong đêm trăng thanh bình.

            Sáng hôm sau đơn vị hành quân xuống ga Ninh Bình, lên tàu vào Nam. Trong đoàn quân đi vào chiến trường hôm đó duy nhất chỉ có tôi có người yêu đưa tiễn. Trước lúc lên tàu, Cúc đưa cho tôi túi vải trắng, trong đó đựng đầy cỏ Mật. Đoàn tàu lăn bánh rời khỏi ga. Tôi ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy Cúc đứng trên sân ga nhìn theo cho tới khi đoàn tàu khuất vào trong đám sương mù.

           Những ngày hành quân trên Trường Sơn, núi cao đèo dốc hiểm trở, ngày đi, tối nghỉ, nằm trên võng giữa rừng nhớ về Cúc tôi lại mang túi cỏ Mật ra ngửi. Hương cỏ Mật làm vơi đi nỗi nhớ. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn gian khổ ác liệt, đói cơm lạt muối tôi vẫn mang túi cỏ Mật bên mình. Túi cỏ Mật như lá bùa hộ mệnh, giúp tôi vượt qua hiểm nguy trước đạn bom của kẻ thù.

           Sau ngày giải phóng, đơn vị tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đi chiến đấu ở biên giới phía Nam. Đầu năm 1977 tôi mới được về thăm gia đình. Về nhà, điều trước tiên tôi phóng xe sang Gia Viễn thăm gia đình anh Ngạn và tìm Cúc. Lúc này anh Ngạn đã nghỉ hưu, cháu An đã đi bộ đội. Hỏi thăm về Cúc được vợ chồng anh Ngạn cho biết: "Chú đi B được một năm, đầu năm 1970 cô Cúc làm đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong vào Trường Sơn chiến đấu. Từ đó bặt tin". Tôi lại hỏi đường về quê Cúc, thôn Chấn Lữ, xã Ninh Vân. Làng quê Cúc quả là đẹp thật, đẹp hơn những gì năm xưa Cúc kể. Đi dưới hai hàng phi lao cao vút, hai bên đường là đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay. Gió từ biển thổi vào mát rượi. Tôi hỏi thăm vào được nhà Cúc. Nhà Cúc nằm trong một xóm nhỏ, sau lũy tre xanh. Một căn nhà ngói xinh xắn nhưng cửa nhà đã khóa. Trên ổ khóa màng nhện giăng đầy. Tôi biết là chủ nhà đã đi vắng nhiều ngày. Hỏi thăm bà con cô bác trong xóm, được ông chú họ của Cúc cho biết: “Chị Cúc, ngày về giải phóng miền Nam có về quê sống với mẹ được nửa năm, sau bà cụ mất, làm tang lễ cho mẹ chu tất rồi khăn gói ra đi. Chúng tôi cũng chẳng biết đi đâu, ở đâu. Cô em gái lấy chồng tít tận trên Thái Nguyên cũng không về. Căn nhà giờ bỏ không”.

             Tôi ngược lên Thái Nguyên tìm gặp em gái Cúc. Em gái Cúc tên là Hương, hai vợ chồng làm việc trong khu gang thép Thái Nguyên. Hỏi về Cúc, Hương cũng không biết chị gái mình giờ sống ở đâu. Đã lâu, chị em không liên lạc với nhau.

            Thất vọng, quay trở về tôi đi tìm gặp một số người bạn của Cúc cùng làm việc trong cửa hàng thực phẩm ở phố Me năm xưa hỏi nhưng cũng chẳng một ai biết. Không tìm thấy Cúc tôi định bụng không xây dựng gia đình. Nhưng họ hàng buộc tôi phải lấy vợ để có con nối dõi tông đường, vì tôi là con trai độc nhất của dòng họ.

             Lừng khừng mãi, 3 năm sau tôi mới quyết định lấy vợ. Vợ tôi là một cô giáo cấp hai ở xã bên. Một người vợ nết na hiền thục và rất yêu chồng. Chúng tôi chung sống với nhau có được hai con. Gia đình hạnh phúc nhưng trong sâu thẳm trái tim mình vẫn không nguôi nhớ về Cúc. Tôi có linh cảm như Cúc vẫn quanh quẩn đâu đây trên thế gian này mà tôi chưa tìm ra.

            Đầu mùa Thu năm 1985, tôi đưa một đoàn kịch lên biểu diễn ở Đắc Lắc. Ngay đêm đầu tiên về diễn ở một nông trường cà phê cách thành phố Buôn Mê Thuột 2km về phía Nam. Đêm đó khán giả tới xem rất đông. Đoàn phải huy động cả cán bộ, diễn viên ra cổng soát vé. Tôi cũng phải có mặt ở ngoài cổng. Đang đứng soát vé tôi nhìn thấy một người phụ nữ có gương mặt rất giống Cúc. Người phụ nữ đi cùng một cô bé chừng hơn 10 tuổi đang đứng bên cột đèn đường, chờ vào xem. Tôi đứng lặng một lúc, quan sát kỹ. Đúng là Cúc rồi. Gương mặt kia, đôi mắt kia có già đi đôi chút nhưng đích thực là Cúc của tôi. Không thể nào nhầm được. Tôi quay sang nói với mấy cậu hậu đài: “Các cậu gác cẩn thận, tớ đi đằng này có chuyện riêng”.

           Tôi đi đến đứng đối diện người phụ nữ nói nhỏ:

            - Cúc, Cúc phải không?
           Người phụ nữ giật mình, ngước lên nhìn tôi một lát sau mới reo lên:

           - Anh Tâm phải không?

           Cô bé lễ phép khoanh tay chào tôi. Cúc nói với cô bé:

          - Con vào xem với các bạn. Xem xong mẹ đón. Cô bé ngoan ngoãn chào mẹ và tôi rồi chạy theo chúng bạn. Tôi và Cúc đến một quán cà phê trong một khu vườn, bên phải cổng nông trường ngồi uống cà phê tâm sự.

         - Sao em lại chạy trốn anh, làm anh tìm kiếm cả hơn chục năm nay. Em... đã quên lời hẹn ước năm xưa sao?

          Đôi mắt Cúc ngấn lệ:

         - Em không quên. Hình ảnh anh lúc nào cũng ngự trị trong con tim em. Nhưng...

         - Nhưng sao? Em đã có...!

         - Không. Em không có ai ngoài anh.

         - Sao em chạy trốn anh?

         Cúc lấy khăn mùi xoa trong túi sách thấm nước mắt rồi nhỏ nhẹ kể:

        - Đầu năm 1970, em tình nguyện đi thanh niên xung phong vào Trường Sơn chiến đấu, hy vọng được gặp anh. Em được biên chế về một đại đội công binh đóng ở tận binh trạm 44, giáp với nước bạn Lào. Binh trạm cuối cùng đường Hồ Chí Minh, đoạn rẽ xuống chiến trường Khu 5. Thời gian đó máy bay giặc Mỹ đánh phá tuyến đường này vô cùng ác liệt. Có ngày chúng dội hàng nghìn tấn bom đạn xuống một đoạn đường ngắn chưa đầy 5km. Bọn em từng ngày, từng giờ đối mặt với bom đạn. Đại đội em hy sinh gần hết. Một đêm, trong khi tiểu đội đang chống lầy cho xe qua ngầm thì bị một loạt bom tọa độ đổ xuống. Tổ 3 người của em núp vội trong một hang đá nhỏ ven đường. Tưởng an toàn. Ai ngờ, tiếp loạt bom tọa độ thứ hai, một trong hai quả rơi đúng cửa hang. Hai cô bạn ở phía ngoài hy sinh. Em ở trong bị thương nặng. Sau trận bom được đồng đội đưa vào bệnh xá cấp cứu. Một mảnh bom đã cắt đứt hai bầu vú của em. Sau trận bom đó em được chuyển ra Bắc điều dưỡng. Mất đi hai bầu vú, em thấy mình không thể gặp lại anh.

            - Thế còn cô bé...?

            - Đó là bé Hồng, con của Minh, người đồng đội, người bạn thân nhất của em. Minh có chồng là lính lái xe. Hai vợ chồng vào chiến trường trước em một năm. Khi bé Hồng được 2 tuổi thì cả hai vợ chồng Minh hy sinh trong một trận chiến với biệt kích ngụy ở sông Xê Ka Máng. Trước lúc hy sinh, Minh nói với em: “Tao chẳng còn ai thân thích ngoài mày ra. Mày gắng nuôi bé Hồng giùm tao!”. Em nuôi bé Hồng thay bạn. Bé Hồng trở thành con của em. Sau khi mẹ em mất, em đưa cháu Hồng vào đây nhờ bạn bè, đồng đội xin vào làm ở nông trường. Bé Hồng rất ngoan, học giỏi. Em cũng vơi đi nỗi buồn lỗi hẹn với anh...

             Nghe Cúc kể tới đây, tôi bàng hoàng xúc động. Tất cả nỗi giận dữ, oán trách bỗng dưng tan biến. Dành chỗ cho lòng thương cảm Cúc tận cùng!...

             Chúng tôi ngồi tâm sự với nhau cho tới khi đêm diễn kết thúc. Cúc và tôi cùng ra cổng đón bé Hồng, rồi Cúc đưa tôi về thăm nhà. Mẹ con Cúc ở trong một căn hộ tập thể, nhà tranh vách nứa, rộng khoảng 10m2. Đồ đạc trong phòng chẳng có gì ngoài một chiếc giường đôi và một chiếc bàn cho bé Hồng ngồi học. Tôi sững người nhìn thấy trên đầu giường có tấm hình của tôi và Cúc chụp chung, dưới chân tấm hình có ghi dòng chữ: “Phố Me, ngày... tháng... năm...”. Tấm hình đen trắng đã có đôi chỗ hoen ố.

            Tôi và Cúc đi dạo trong vườn cà phê ngắm trăng, ánh trăng trên cao nguyên bát ngát mênh mang khiến lòng tôi ngây ngất. Ánh trăng đẹp quá, tôi cảm thấy đời mình chưa đêm nào được ngắm trăng đẹp như đêm nay!

          Chúng tôi dắt tay nhau đi dưới ánh trăng vàng trên cao nguyên, một làn gió nhẹ thoảng qua mang theo hương cỏ Mật. Tôi bồi hồi thốt lên:

          - Hương cỏ Mật. Cúc ơi, ở đây cũng có hương cỏ Mật!

           Cúc ngước mắt lên nhìn tôi, vẫn đôi mắt tròn đen lay láy, cái nhìn đầy âu yếm như ngày xưa. Cúc gục đầu vào người tôi giọng trìu mến:

          - Ở cao nguyên không có cỏ Mật. Cỏ Mật chỉ mọc ở ven đê quê mình.

          - Đúng, mùi cỏ Mật. Anh không thể nhầm được. Cỏ Mật có mùi hương đặc biệt, không thể lẫn với bất kỳ mùi hương hoa khác.

         Cúc cúi xuống một vạt đất, cạnh giếng nước tập thể, nhổ một nắm cỏ đưa cho tôi.

        - Anh thính thật! Cỏ Mật đây. Em mang giống từ quê ta vào trồng đó.

        Hai chúng tôi đứng ngất ngây trong hương cỏ Mật, trong đêm cao nguyên mênh mang, sâu thẳm.


                                                                      Nha Trang, tháng 4-2018
tin tức liên quan