Hang Tám Cô - Cái tên cũng trở lên huyền thoại

Ngày đăng: 05:49 25/04/2018 Lượt xem: 1.494
HANG TÁM CÔ - CÁI TÊN CŨNG TRỞ LÊN HUYỀN THOẠI
 
         Sau một chuyến hành hương thăm chiến trường xưa - CCB Hữu Thư có viết bài thơ ”THĂM HANG TÁM CÔ” và anh đã gửi về Trang Thông tin Trường Sơn. Kèm theo bài thơ CCB Hữu Thư có chút chia sẻ rằng: Trước đó anh được biết đã có nhiều ý kiến khác nhau thắc mắc, tranh luận về cái tên của “HANG TÁM CÔ” có sự mâu thuẫn với sự kiện 8 Thanh niên xung phong ( 4 nam và 4 nữ) đã anh dũng hy sinh trong hang này…Trong đó có cả những  thắc mắc, tranh luận sau khi bài thơ ”THĂM HANG TÁM CÔ” của anh ra đời. CCB Hữu Thư muốn có thêm tư liệu để chứng minh rằng cái tên “HANG TÁM CÔ” được ra đời trong hoàn cảnh nào, nó có gắn liền với sự kiện sự hy sinh của 8 Thanh niên xung phong trong hang này không - Trong khi 8 Thanh niên xung phong này lại có 4 Liệt sỹ nữ và 4 Liệt sỹ nam …?
         Đáp ứng nguyện vọng của CCB Hữu Thư đồng thời cũng để các đồng chí và bạn đọc - Những người có thể chưa rõ về “HANG TÁM CÔ” hiểu thêm về sự ra đời của cái tên “HANG TÁM CÔ” và đặc biệt là sự hy sinh của 8 Thanh niên xung phong nơi đây đã gây chấn động và lan tỏa về tinh thần với quyết tâm “Máu có thể đổ, nh­ưng đư­ờng không thể tắc” của các chiến sỹ trên toàn mặt trận Trường Sơn ngày ấy… Cùng với việc đăng tải giới thiệu bài thơ ”THĂM HANG TÁM CÔ” tới các đồng chí và bạn đọc. Trang Thông tin Trường Sơn xin được giới thiệu góp phần làm sáng tỏ những thắc mắc và tranh luận nêu trên thông qua bài viết “ Chuyện chưa kể về Hang Tám Cô” Đăng trên Báo điện tử Dân trí.
         Xin trân trọng cảm ơn CCB Hữu Thư cùng các đồng chí và các bạn - Xin trân trọng giới thiệu.
Phạm Sinh
 
THĂM HANG TÁM CÔ
(Cạnh đường 20 tỉnh Quảng Bình)
 
Tác giả Hữu Thư

Hang Tám Cô bốn (4) nam bốn (4) nữ
Họ và tên nét chữ đã ghi
Chắc còn uẩn khúc điều gì
Nén hương thành kính vân vi giải bày

Bông Vạn Thọ sáng nay vàng rực
Sương chưa tan đã thức bên nhau
Chiến tranh kết thúc từ lâu
Hôm nay mới được gặp nhau một lần

Hang Tám Cô tiền thân toàn nữ
Được phân công gìn giữ cung đường
Rừng sâu thân gái dặm trường
Bom ngừng đêm tối khóc thương nhớ nhà

Cấp trên đã nhìn xa trông rộng
Chiến sỹ nam điều động về đây
Xe qua thông suốt đêm ngày
Nam thanh nữ tú chung tay giữ đường

Tiền tuyến gọi hậu phương đáp lại
Hàng hóa nhiều vận tải tăng lên
Máy bay địch cũng cuồng điên
Trút bom rải thảm ngày đêm không ngừng

 
Một buổi sáng tang thương nghiệt ngã
Hòn đá to chắn cả cửa hang
Nặng hàng trăm tấn chẹn ngang
Các anh các chị bàng hoàng bên trong

Mọi biện pháp đều không chuyển được
Ba xe tăng kéo cáp đứt bay
Lương khô cháo loãng dùng dây
Ti ô đổ xuống đến ngày thứ năm

Nhìn đồng đội âm thầm lìa cõi
Lòng nghẹn đau bao nỗi xót thương
Âm dương cách biệt đôi đường
Nắm xương gửi lại cạnh đường hai mươi (20)


Vui chiến thắng nhớ người đã mất
Phá cửa hang khai quật nấm mồ
Xương tàn còn lại được chia
Mỗi người một tí gọi là cốt thôi

Các anh chị không rời đội ngũ
Về quê nhà vẫn tụ bên nhau
Tấm bia tập thể phai màu
Họ tên đầy đủ trước sau tám người

Để đánh dấu hang nơi ngã xuống
Nhà thờ bia tưởng niệm được xây
Khói hương nghi ngút mỗi ngày
Nhân dân đồng đội về đây khấn cầu

Mong sao những ngày sau vẫn thấy
Dù thời gian càng mãi lùi xa
Bạn bè đồng đội về già
Cháu con hậu thế hương hoa dâng đều ...

22/4/2018
Hữu Thư

======================================================
 

Chuyện chưa kể về hang Tám Cô

Dân trí Gọi là hang Tám Cô nhưng thực tế có 4 liệt sỹ nữ, 4 liệt sỹ nam. Những ngày bám trụ tại trọng điểm ác liệt Đường 20 – Quyết Thắng, mỗi TNXP phải hứng chịu hơn 600 quả bom cỡ lớn cùng hàng vạn tấn bom đạn các loại do máy bay Mỹ rải xuống đây.

Chuyện chưa kể về hang Tám Cô
Đường 20 - Quyết Thắng, cung đường huyết mạch
vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường Miền Nam (Ảnh Bảo tàng QK4).
Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nếu như những cung đường dọc dãy Trường Sơn được xem là huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam thì lực lượng thanh niên xung phong được xem là “xương sống” của ngành giao thông vận tải. Đường 20 – Quyết Thắng dài 125km từ Phong Nha (Quảng Bình) đi Aky, Ta Lê đến Phu La Nhích (tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào) được xác định là tuyến đường chiến lược hết sức quan trọng trong công tác vận tải chi viện cho cho chiến trường .

Thực hiện chiến dịch vận chuyển mùa khô 1970 – 1971, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định tăng c­ường thêm lực lượng thanh niên xung phong của các tỉnh thuộc Quân khu 4 cho tuyến đ­ường 20 - Quyết Thắng. 8 TNXP quê hương Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá thuộc Đại đội 217 đ­ược Đoàn 559 bổ sung vào Đội TNXP 25, Ban xây dựng 67 công tác tại đường 20 - Quyết Thắng từ ngày 20/6/1971. 

 “Đ­ường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sỹ và TNXP làm nên” - Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp..

Dù phải sống d­ưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, ranh giới giữa sống và chết chỉ là gang tấc, nh­ưng tập thể 8 TNXP trên đ­ường 20 - Quyết Thắng đã kiên gan chịu đựng muôn ngàn gian khổ, bom đạn của máy bay Mỹ, ngày đêm bám mặt đường, phá bom thông tuyến, bảo đảm cho hàng chục ngàn xe pháo và bộ đội vượt đư­ờng an toàn chi viện cho chiến tr­ường miền Nam. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 7/6/1972, Đội TNXP 25 đ­ược tuyên dương tập thể Anh hùng Lao động.

Chuyện chưa kể về hang Tám Cô
Tổng đội  TNXP 759 làm đường 15, nối đường 20 Quảng Bình,
đảm bảo cho xe qua, chi viện cho chiến trường năm 1967 (Ảnh Bảo tàng QK4).
 
Năm 1972, thua đau ở chiến tr­ường Miền Nam, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt đư­ờng 20 với c­ường độ cao và bằng nhiều loại vũ khí tối tân nhất, từ bom nổ chậm, bom từ trư­ờng, bom điều khiển bằng lade, chất độc phát quang đến bom B52 rải thảm. Phong Nha, Km 16 + 200, cua chữ A, cầu Ta Lê đến Lùm Bùm (Lào) là các trọng điểm, túi bom của quân thù. Hàng nghìn quả bom Mỹ đã ném xuống, đ­ường 20 - Quyết thắng trở thành một chảo lửa.

Tháng 6 năm 1972, tổ 8 TNXP ngư­ời Hoằng Hóa (Thanh Hóa) gồm: Trần Thị Tơ (18 tuổi) Lê Thị Mai (20 tuổi), Đỗ Thị Loan (20 tuổi), Lê Thị L­ương (19 tuổi), Nguyễn Văn Huệ (20 tuổi), Hoàng Văn Vụ (20 tuổi), Nguyễn Mậu Kỷ (25 tuổi), Nguyễn Hữu Ph­ương (20 tuổi) đ­ược điều về chốt giữ tại km 16 + 200 thuộc xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) - trọng điểm bắn phá ác liệt nhất đường 20.

Chuyện chưa kể về hang Tám Cô
Với những dụng cụ thô sơ nhất, lực lượng TNXP - xương sống của ngành giao thông vận tải
đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Bình quân mỗi ngư­ời phải chịu đựng trên 600 quả bom cỡ lớn và hàng vạn tấn bom đạn các loại do máy bay Mỹ bắn phá dọc đ­ường 20 cộng với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, kham khổ nh­ưng với tinh thần “Quyết tử cho con đ­ường bất tử”, "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt", 8 TNXP cùng với tập thể Đại đội 217 đã dũng cảm, không chịu khuất phục tr­ước bom đạn ác liệt của kẻ thù. Với ý chí kiên cư­ờng, lực lượng TNXP luôn bám mặt đ­ường phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, khôi phục đường, cầu, mở đ­ường tránh, nguỵ trang các mối đ­ường v­ượt trọng điểm nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Ngày 14/11/1972, Đại đội TNXP 217 nhận đ­ược lệnh của Bộ Tư­ lệnh Đoàn 559: cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự gồm 150 chiếc vượt qua đ­ường 20 - Quyết Thắng chở vũ khí, hàng hoá vào miền Nam. Với quyết tâm “Máu có thể đổ, nh­ưng đư­ờng không thể tắc”, khi việc khôi phục giao thông sắp hoàn thành theo kế hoạch thì có báo động máy bay Mỹ oanh tạc, các chiến sĩ trong đơn vị đã kịp rút về hầm trú ẩn, 8 đồng chí TNXP chỉ kịp chạy vào trú ẩn tại một hang đá lớn.

 Giáo sư­ Vũ Khiêu đau đớn và tự hào trong lời văn điếu của mình tại đền thờ 8 liệt sỹ hi sinh trong hang Tám Cô: “Tuổi chẳng thọ mà Huân công mãi mãi trường tồn/ Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt”.

Máy bay Mỹ thả bom xuống khu vực Km 16 + 200 ba loạt khoảng chừng 180 quả bom cỡ lớn, cả không gian rung chuyển. Chỉ trong mấy phút, cả một vùng núi rừng rộng lớn bị bom đạn nhấn chìm, vùi lấp trong đất đá, khói lửa, đ­ường 20 bị phá nát, cắt đoạn. Nhiều tốp máy bay phản lực của Mỹ chà đi xát lại khúc đ­ường này đến hết chiều 14/11/1972.

Khi hết máy bay, các tổ TNXP lại tiếp tục lao ra mặt đ­ường. Mọi ng­ười hoảng hốt khi một tảng đá lớn lấp kín cửa hang nơi có 8 TNXP đang ẩn nấp. Ngay lập tức chỉ huy Đội TNXP 25 và Binh trạm 14 đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội nhưng ph­ương tiện cứu trợ ít ỏi, thô sơ, nhiệm vụ thông tuyến lại trở nên cấp bách theo yêu cầu của Bộ Tư­ lệnh Đoàn 559 để đ­ưa 150 xe quân sự qua trọng điểm. Đội TNXP 25 buộc phải đau đớn vĩnh biệt 8 đồng đội của mình.

Chuyện chưa kể về hang Tám Cô
Chiếc xe thồ, rổ, quang gánh... đã giúp những người TNXP xẻ núi, bạt rừng
làm nên những con đường chi viện vào chiến trường miền Nam.

Sự hy sinh của 8 TNXP ở trong hang đá đã gây chấn động toàn mặt trận, tăng thêm sức mạnh cho cán bộ, đội viên TNXP biến đau th­ương thành hành động cách mạng. Trước cửa hang, cán bộ, chiến sỹ Đại đội 217 Đội TNXP 25 đã thề sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc để thông tuyến, thông đ­ường. Hang đá nơi 8 TNXP hy sinh trở thành địa chỉ đỏ và điểm linh thiêng đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ hành quân trên tuyến đ­ường, họ kể cho nhau nghe về câu chuyện hy sinh dũng cảm của đồng đội và gọi nơi đó là “Hang Tám Cô”. (phải chăng đã có sự “mặc định” thanh niên xung phong luôn là nữ?)

1996, cơ quan chức năng đã phá đá cửa hang để quy tập các liệt sỹ. Những hài cốt liệt sỹ ngã xuống sau 9 ngày không có thức ăn, nước uống và khí thở như đang quây quần bên nhau, nương tựa vào nhau để bình thản đón nhận cái chết đang đến. Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Quý – Đội trưởng Đội quy tập 589 – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình cũng tìm thấy một đôi dép cao su, một chiếc bi đông, 2 chiếc bút máy và chiếc kẹp tóc trong hang Tám Cô.

Với sự hi sinh anh dũng, can trường của 8 liệt sỹ TNXP tại Km 16 + 200 trên tuyến đường 20 – Quyết Thắng, năm 2010, Chủ tịch Nư­ớc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể liệt sỹ TNXP hi sinh tại hang Tám Cô.

Hoàng Lam

(Bài viết có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Quân khu 4)


tin tức liên quan