Hoang sơ biển Hải Hòa - Tác giả Bác sỹ Lê Lợi - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
HOANG SƠ BIỂN HẢI HÒA
Thanh Hóa quê tôi có nhiều bãi biển, có bãi nổi danh hàng trăm năm cả trong và ngoài nước như Sầm Sơn, có bãi mới nổi tiếng và đưa vào phục vụ khách du lịch được trên dưới chục năm như Hải Tiến (Hoàng Hóa) cách thành phố Thanh Hóa chừng 15 km. Còn ở huyện Tĩnh Gia nơi mà mấy chục năm trước khi tôi còn là anh lính tân binh được huấn luyện trước khi sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế, đã có lần đi cắt cỏ tranh về lợp doanh trại ở Các Sơn nhìn trăng nhô lên khỏi mặt biển tuyệt đẹp. Với chiều dài bờ biển đến 40 cây số mà Tĩnh Gia có tới 2 bãi biển, đó là Hải Thanh và Hải Hòa. Biển Hải Thanh có chiều dài khoảng 4 km, ở đây có nhiều di tích lịch sử như chùa Đót Tiên, đền Quang Trung và các nhà thờ thuộc giáo xứ Ba Làng có lịch sử khoảng 3 thế kỉ trước.
Còn Hải Hòa.
Đây là lần thứ 2, tôi đến biển Hải Hòa. Lần trước dễ chừng cũng 7-8 năm gì đó, khi ấy bờ biển mới có vài khách sạn nhỏ và một ít nhà nghỉ. Lần này trở lại đã thấy gần chục khách sạn lớn nhỏ với những nhà hàng nằm bên mép biển với thực đơn đa dạng phục vụ theo nhu cầu của du khách. Với bờ biển trải dài khoảng 15km, phía nam là mũi núi Thủi đâm ra ngoài biển Đông, nước trong xanh, cát trắng, mịn, nhìn ra ngoài khơi là Hòn Mê với khoảng 10 đảo lớn, nhỏ nối nhau.
Buổi sớm, khi hừng đông ló rạng, lẫn trong tiếng sóng là tiếng í ới gọi nhau của dân làng chài hò nhau ra kéo lưới. Ông già, bà cả, thanh niên ai nấy đẫm mồ hôi, chạng chân, gò lưng kéo những vùng lưới được con thuyền nhỏ bé rải khoảng 1 cây số từ biển vào. Mẻ lưới được chừng 2 tạ, cá đợt này chủ yếu là nục bởi mùa sinh sản từ tháng 2 cho tới tháng 5 hàng năm và thường sinh sống theo đàn với số lượng lớn ở vùng biển tương đối gần bờ nên rất thuận tiện cho việc đánh bắt. Lẫn vào mẻ cá là các loại khác như một ít sứa, mực ống và có cả 1 con cá nóc bụng to.
Mỗi khi có mẻ lưới vào gần bờ, đã thấy chừng 15-20 thương lái sẵn sàng tranh nhau mua rồi mang về các chợ bán.
Hai buổi sáng ở đây giúp tôi làm quen với ngư dân cùng một số dụng cụ đánh bắt cá. Đó là cái bè được ghép bằng những cây luồng, là vầng lưới, là thúng, là dây chão kéo lưới... Những người dân chài cực kỳ gần gũi và thân thiện, họ nói chuyện mộc mạc, bình dị, sẵn sàng bán những vật sản vừa kéo dưới biển lên một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, giá cả phải chăng.
Tắm ở biển Hải Hòa với độ dốc thoai thoải, bở biển trải dài, nước biển rất trong, sạch sẽ. Và sóng biển không quá to, không quá êm, những đợt sóng nối đuôi nhau như muốn kéo du khách trở lại....
Hy vọng biển Hải Hòa thanh bình và mến khách còn mãi vẻ nguyên sơ đừng bao giờ bị nhóm lợi ích nào đó bít hết đường xuống biển của ngư dân và du khách như ở một vài tỉnh đã và đang triển khai. Đó chính là tội ác với nhân dân và môi trường sống của tất cả chúng ta.
Từ bãi biển Hải Hòa nhìn ra đảo Hòn Mê
Mũi Thủy - Điểm đón những con sóng đầu miền Duyên Hải Tĩnh Gia
Ngư dân Hải Hòa kéo lưới
Thương lái tập trung chờ thuyền về mua cá
Tác giả Lê Lợi với rổ cá từ trên thuyền chuyển xuống
Con Sứa biển đang phơi mình trên bãi biển Hải Hòa
Bác sỹ Lê Lợi - Nam Định
( Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)