Ký sự “Những người mở đường ngày ấy” của Nguyễn Khắc Phê
CHƯƠNG IV: Những đêm Cha Lo giữa bãi bom nổ chậm
Trên đoạn đường từ Bãi Dinh lên đèo Mụ Giạ, qua Cổng Trời - nơi con đường “chui” qua hai tảng đá vôi khổng lồ gối đầu vào nhau - là đến Cha Lo. Ở đây có hai chiếc cầu bắc qua hai dòng khe nhỏ, đồn Công an biên phòng và khu nhà ở của Hạt giao thông 11. Bây giờ, nhắc đến Cha Lo, người ta nghĩ đến một cửa khẩu khá sôi động, ngày đêm những chiếc xe công-te-nơ kềnh càng liên tục xuôi ngược, nhất là từ khi đường 12A trở thành một phần tuyến đường xuyên Á, đi suốt sang Thái Lan; còn hàng ngàn vạn công nhân, TNXP, bộ đội từng qua đây thì thỉnh thoảng vẫn nhẩm hát theo ca sĩ khi ca khúc “Đêm Cha Lo” của nhạc sĩ Phạm Tuyên cất lên từ màn hình vô tuyến. Nhưng hẳn là ít ai biết ở đây đã diễn ra trận chiến đấu sinh tử lần đầu tiên bên bom nổ chậm - những cái bẫy giết người thầm lặng mà đầy sức uy hiếp, trận đấu còn gay go hơn cả khi không quân Mỹ cũng chọn đây là nơi thí điểm dùng B.52 đánh miền Bắc, một năm sau.
Đó là những ngày giữa tháng 5/1965, khi hầu hết những chiếc cầu lớn đã bị đánh sập, không quân Mỹ chọn một khúc đường quanh co (còn gọi là “cua tay áo”) ngay dưới chân đèo Mụ Giạ, dội bom tan tành, rồi rải bom nổ chậm xung quanh. Lúc này, đội quân giao thông vẫn chưa tổ chức lại. Ở “thượng tầng”, mấy bạn trong cơ quan đi Hà Nội về mới chỉ “nghe đồn” rằng Cục Kiến thiết cơ bản sẽ giải thể, sẽ lập Cục Nam, Cục Bắc và Ban Miền Tây… Còn ở đường 12A thì vẫn “anh” nào biết việc anh nấy; thậm chí, ngay trước trận bom nổ chậm ở Cha Lo một ngày, công nhân phân đội 3 (Đội Cầu 4) và đội “Thống Nhất” (Công trường 12A) hằng đêm vẫn ra đầu cầu Bãi Dinh đắp đất, hoàn thiện nốt vài việc vụn vặt của công trình. Và tôi vẫn có thể viết những dòng như sau:
Trích Nhật ký ngày 9/5/1965:
Một chiều hè. 6 giờ 30. Trời chưa tối hẳn. Từ Bãi Dinh nhìn lên đèo Mụ Giạ, thấy một chiếc T.28 lượn vòng quanh đón tìm xe; nó bay rất chậm, gần như ngay trước mắt, thỉnh thoảng ánh mặt trời chiếu vào trên thân óng ánh. Rồi một chiếc phản lực bay nhanh, luồn qua những đám mây nhuốm hồng vì ánh mặt trời.
Gió Lào khô nhưng vẫn mát. Dãy núi trước mặt sẫm lại và đã thoáng thấy bóng sương chiều nhưng bầu trời trên đó và “sau đó” đẹp kỳ lạ. Nền trời như một nan quạt, những vệt hồng, vàng xanh lơ, xanh nhạt kế tiếp nhau, hòa lẫn vào nhau và dần về tối thì đồng hóa thành màu tím sẫm. Những tảng mây nhuốm màu hồng trôi về phương Bắc. Đã thấy xuất hiện một vài ngôi sao nhỏ. Nửa vành trăng trên đỉnh đầu, mãi bây giờ mới để ý đến.
Anh em đội cầu bắt đầu làm việc. Trời tối nhưng vẫn sợ vì máy bay vừa lượn qua. Trong công việc vụn vặt cuối công trình cầu, có thêm một công việc đặc biệt: xây mộ cho Hưởng! Nghĩ đến cái chết của Hưởng, thật đáng buồn. Mới hôm nào, Hưởng còn tâm sự muốn xin về vì bố già ở một mình ở quê…
- Xem xong “Ngày và đêm”, tiểu thuyết của K. Xi-mô-nốp viết về cuộc chiến đấu ở Sta-lin-grat. Một cuốn sách hay…
Một sự ngẫu nhiên, nhưng đọc cuốn sách về trận chiến ác liệt nhất trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 vào lúc chúng tôi bước vào cuộc đấu không cân sức với không quân Mỹ, cũng có thể gọi là “liều thuốc” tiếp sức đáng kể. Chỉ khác, ở Sta-lin-grat, ta-địch đối mặt trong gang tấc, xe tăng đấu trực diện tóe lửa; còn ở đường 12A, kẻ địch ở tít trên mây với đủ vũ khí hiện đại mà chúng tôi thì chỉ có cuốc với xẻng và khi chiến đấu nếu có vung cao lên vài chục cen-ti-mét thì con người cũng chẳng đứng cao hơn mặt đất, thậm chí còn ở dưới mặt đất như khi lấp hố bom hay làm đường ngầm, nên chẳng thể chạm đến cái…lông chân của chúng! So sánh thế để thấy sự chịu đựng, gan góc của đội quân giao thông là phi thường. Trên đoạn đường quanh co ở Cha Lo mấy đêm giữa tháng 5/1965 thì còn phải thi gan với những quả bom nổ chậm lần đầu Mỹ đem dùng ở đường 12A.
Thoạt đầu, sau khi 4 chiếc T.28 và 4 phản lực, biết không có pháo phòng không ở đây, “ung dung” nhào lượn đánh nát đoạn đường, hơn chục công nhân Cung 2 (Hạt 11) trực bảo đảm giao thông ở đây, thấy rõ sức lực nhỏ nhoi của mình không đảm đương được, liền cử anh Trứ chạy hỏa tốc về Bãi Dinh cầu viện và điều thêm Cung 1 ở A Vi lên. Lúc đó, ở Bãi Dinh, một số cán bộ Ty Giao thông và Công trường đang dự họp với một tổ công nhân chỉ đạo việc đăng ký làm thêm giờ và hoãn nghỉ phép hàng năm trước tình hình mới. Lập tức, anh chị em đồng loạt xung phong đi cứu viện, mặc dù phản lực lại tiếp tục gầm rít bắn phá vùng Cha Lo. Chiều 15/5, từ A Vi, cùng với anh chị em Cung 1 được Hạt điều động lên tiếp cứu, tôi lên Bãi Dinh để “can thiệp” Đội “Thống Nhất” (Công trường 12A) mở kho mìn xuất cho đội quân cứu đường. (Kể cũng…kỳ quặc, cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt, nhưng vì các đơn vị chưa có chỉ huy chung, muốn lấy mìn từ kho đơn vị xây dựng cơ bản ra cứu đường, phải có anh giám sát viên Ban A “làm chứng”! Cũng vì thế mà tôi có mặt ở trận địa Cha Lo.)…
Trích Nhật ký ngày 17/5/1965:
Gần sáng ngày 16, nghe tiếng quân xôn xao. Mình tỉnh dậy. Trời mưa! Cha Lo -Mụ Giạ là vùng biên ải “ưu tiên” hưởng khí hậu cả Việt Nam và Lào. Đang mùa hè, nhưng mưa bên Lào tràn qua.
Anh em đi làm về bị ướt hết, nhưng vẫn vui vì đã thông xe, đã dám làm bên bom nổ chậm; rồi vì câu chuyện vui: Cậu Nhỏ, lúc tránh giờ bom nổ vào hang đá núp rồi ngủ quên, đến khi lò mò chui ra, công an vũ trang tưởng là biệt kích! Anh em nói thật là không ít người còn sợ, chỉ đợi báo “giờ cao điểm” bom nổ là tránh xa trận địa.
Sáng, đội trưởng Lê Văn Soa về, quần áo ướt hết, một cánh tay bị đứt giơ lên, máu lẫn nước mưa chảy nhòe. Vào lán, Soa chỉ lắc đầu; một lát mới nói: Tình hình không có chi sáng sủa. Đoàn xe “ba cầu” đi lọt, đến đoàn xe thứ hai vì mưa, đường lầy, hai quả bom nổ chậm nổ tung hai xe, một đồng chí hy sinh, một bị thương. Mấy chiếc xe kẹt giữa hai xe bị hư, đành nằm chết dí ở đó. Cho hai chiếc xuống kéo, cũng sa lầy nốt! Trời gần sáng, máy bay vẫn bay thấp tìm xe. Dù nguy hiểm, đành phải liều để cả 6 chiếc xe nằm giữa quãng đường trống trải suốt ngày.
Trưa 16, liên lạc từ Hạt 11 lại chạy về báo thêm “sự cố”: Phía cuối đoàn xe bị kẹt, có hai tảng đá lớn đổ nhào xuống, chắn ngang đường! Hạt trưởng Doãn thú thật là luống cuống, không biết giải quyết ra sao. Lê Văn Soa liền cấp tốc cử tổ thợ quen phá đá khi mở tuyến Bãi Dinh lên tiếp cứu, đồng thời giao tổ “20-7” đi chặt cây để chống lầy. Thế là cùng với hai cô Kiệm, Hồng, mình lại phải xuống A Vi “can thiệp” Đội Cầu 4 xuất “đinh đĩa”(loại sắt to hơn chiếc đũa, bẻ quặp hai đầu) để đóng gỗ thành mảng chống lầy. Chập tối, chờ xe không được, đội quân tiếp cứu lại phải cuốc bộ lên. Trời tối, đường dốc mấp mô, mấy cô gánh đinh đĩa nặng thở phì phò một cách khó nhọc. Dọc đường, những chỗ còn bóng cây, rất nhiều xe ẩn nấp chờ thông đường.
Trong đêm tối mờ mịt, việc khôi phục con đường giữa bãi lầy nhão nhoét thật gian nan. Đặt chân xuống, nhiều khi rút không lên. Lại còn chạy tránh “giờ cao điểm” bom nổ chậm có thể nổ, nên công việc tiến rất chậm. Anh Trương Duy Thùy, Chỉ huy trưởng Công trường 12, từ La Trọng, cũng đã lên trận địa…
Đến sáng 17, mới chỉ kéo được mấy chiếc xe bị kẹt, đường vẫn chưa thông. Đội quân lại kéo về Bãi Dinh, đợi tối lại kéo lên. Mình và Nhỏ cuốc bộ lên chỗ nghỉ tạm của Công trường “050” để chiều tìm đường tránh. Bếp đã đỏ lửa nấu cơm sáng. Anh em cười đùa vui vẻ, rất tếu quanh chuyện đêm qua, Đoàn Văn công Công an vũ trang biểu diễn ở đây. Cuộc sống cũng lạ, bên cạnh bom đạn và cái chết vẫn không thiếu tiếng cười….
Mình ngủ một giấc đến 3 giờ chiều, rồi cùng anh Thùy, anh Mẫn (?) đi tìm tuyến mới. Không khó khăn lắm, quyết định sẽ cho làm ngay. Chiều tối, trước khi ra trận địa, nghe một tin thú vị qua Đài BBC:Vụ nổ ở sân bay Biên Hòa làm 154 tên Mỹ chết và bị thương, 42 máy bay bị phá hủy; sân bay phải đóng cửa vì 10 quả bom nổ chậm tung ra trên đường băng. Loại này là vũ khí bí mật, Mỹ mới tung ra, không gỡ được. Thật đáng kiếp! Mưu sâu, họa càng sâu!...
Nhờ tạnh mưa, trời nắng, nên tối 17, thông xe được sớm. Cũng nhờ quyết định không nghỉ “giờ cao điểm” nữa. Lúc mới công bố lệnh, không ít người lo lắng, nhưng làm quen rồi cũng yên. (Mà thực ra, cái “giờ cao điểm” ấy, chỉ qua theo dõi mấy quả bom nổ, chứ ai đã dám quyết định đó là “quy luật”?) Đoàn xe thì liên tục giục giã cho thông đường. Các chiến sĩ vô tuyến rải dây dọc đường, liên lạc gọi “Hồng Hà” - “Cửu Long” rối rít. Nhìn đoàn xe đi thông suốt, lòng người giao thông thật vui sướng. Nhưng lúc về, đi nhờ chiếc xe chở thương binh bên Lào về cấp cứu, lại mất vui. Đồng chí bộ đội bị sốt cấp tính, đã hôn mê 4 ngày. Nếu đường không tắc thì anh đã đến được bệnh viện, may ra còn cứu được; nay giữa rừng sâu với một túi thuốc nghèo nàn, chỉ trợ tim với B1. Dọc đường, phải dừng xe tiêm hai lần. Anh nằm thở dốc, khò khè, cổ tắc đờm, bụng thì quặn dồn lên, người trắng nhợt, mướt mồ hôi. Thuốc tiêm B1 cũng đã hết, chỉ chờ thần chết gọi đi…”
Thật may là lúc đội quân giao thông lúng túng chưa quen ứng phó với tình huống tương tự, lại chưa kịp bổ sung và thống nhất chỉ huy (lúc ở Cha Lo đang phải đối mặt với những quả bom nổ chậm - những cái bẫy giết người giấu mặt có thể nổ tung bất cứ lúc nào, thì anh bạn Trần Văn Phúc, giám sát viên ở Đội Cầu 1 , lại rủ tôi về Y Leng xem chiếu phim!) thì không quân Mỹ cũng chưa có kinh nghiệm tập trung liên tục đánh phá vào một điểm xung yếu, nên đoạn đường qua Cha Lo đã được hồi sinh. Và đến đêm 19, công nhân mấy đơn vị lại đã có thể về Y Leng xem biểu diễn của Đoàn Văn công Công an vũ trang (nay gọi là Bộ đội biên phòng) mà tôi đã gặp lúc vượt qua Cha Lo hôm trước. Nói cho đúng thì chỉ là một tốp diễn viên được cử lên phục vụ nơi đầu sóng ngọn gió thôi. Thật đáng phục, anh chị em mới vượt 41 ki-lô-mét đường rừng, đến nơi ăn vội miếng cơm với món cá bồi dưỡng (nhờ ném mìn xuống khe mà có!) là lo “son phấn” để ra “sân khấu”. Trời tối, nhưng không dám thắp đèn sáng; chỉ một chiếc “măng-sông” đã che gần hết, còn úp thêm một cái thúng nữa! Cho dù vậy, ở một nơi quá thiếu thốn điều kiện giải trí, nhiệt tình biểu diễn của các diễn viên đã được anh em công nhân cổ vũ hết lòng …
Sau trận ở Cha Lo mấy hôm, ngày 27/5, tôi được gọi về họp Ban và lại phải cuốc bộ. Mấy lần phản lực bay qua, ẩn không kịp, may là nó chưa tìm bắn từng người trên đường; còn xe ô tô thì không còn dám chạy ban ngày nữa. Chuyến về xuôi có chi tiết đáng kể lại: Sáng ra đi, không kịp ăn, chỉ có một gói ngô rang trong túi và một bi đông nước. Gần trưa, ngả lưng xuống bóng một gốc cây, nhai ngô chống đói. Đặc biệt có “bạn đường” là con chó con “Lai-ca” thoát chết trong trận Bãi Dinh ngày 14/4/1965 và sau đó được tôi tạm gửi ở La Trọng, vì tôi không có chỗ “định cư”. Con chó thật khôn, xa cách hơn một tháng rồi, qua tay bao người, vẫn nhớ chủ cũ, lon ton chạy theo, vượt mấy chục cây số, mệt thở lè lưỡi vẫn cố theo sát chân tôi. Cuộc họp Ban lần này là lần cuối, nên tôi trích 2 đoạn Nhật ký đánh dấu thời khắc chuyển giai đoạn, không chỉ với riêng tôi, mà của cả ngành giao thông:
Trích Nhật ký ngày 28/5/1965:
… Về đến Ca Tang còn sớm, kịp báo cơm. Anh Mai (cán bộ kỹ thuật, người miền Nam) đã làm một túp lều con ở riêng với cô Yên (một công nhân trông khá dễ thương, quê ở ngay bên đường 12A), quyết xây dựng một góc hạnh phúc gia đình giữa nơi đầy bom đạn.
Anh Mai cho xem một quyết định không ngờ: chuyển toàn Ban Kiến thiết sang Công trường 12. Anh em không ai thích, vì thế là từ một đơn vị “trung ương” trở thành trực thuộc Ty - lại ở một địa phương xa tít, sẽ thiệt thòi nhiều thứ… Bên Đội cầu cũng sẽ chia đôi, một nửa giao về Ty Quảng Bình… Mình thì không thấy buồn chán vì nghĩ dù sao cũng phục vụ trên đường này đến ngày thống nhất…
Trích Nhật ký ngày 1/6/1965:
Lại có dịp gặp bác Tân, Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản. Bác vào dự họp Ban, báo cáo cho anh em quá trình, mục đích thay đổi tổ chức. Đã có ý định giải tán các Ban “A” từ lâu, nhưng Bộ Tài chính, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước không đồng ý. Khi Mỹ đánh giao thông mạnh, định lập ra 3 Cục Xây dựng Nam, Bắc, Tây. Sau khi đồng chí Bộ trưởng sang Trung Quốc, kết hợp kinh nghiệm Triều Tiên trong cuộc chiến chống Mỹ, nên phân khu vực chiến lược. Từ Sông Lam trở vào một vùng, từ sông Lam trở ra một vùng. Mỗi vùng, ngoài lực lượng xây dựng cơ bản riêng với một ít công trình, còn nữa, cả ba tổ chức Kiến thiết cơ bản (các Ban “A”), Công trình (các đội xây dựng cầu đường), Bảo dưỡng (các Hạt quản lý đường bộ) nhập làm một, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Bác nhắc các cán bộ kỹ thuật phát huy trí tuệ để làm sao địch phá, chúng ta vẫn đi được là ta thắng…
Trong khung cảnh Ban Kiến thiết 212 “tan đàn xẻ nghé” không lấy gì làm vui vẻ - một số anh chị em được điều ra các đơn vị ở phía Bắc (như Trưởng Ban Đỗ Hùng Trợ, các giám sát viên Trần Văn Phúc, Đồng Văn Chi, “tiểu thư” Võ Hồng Yến, bác Mạc lái xe…); một số khác đi nghỉ phép trước khi chuyển sang Công trường 12.. - thì một ông già 65 tuổi xin được trở lại để sống chết với con đường. Đó là bác Lê Đình Mỹ, nguyên Đội trưởng Đội Cầu 4. Từ đầu tháng 5, có dịp ghé thăm bác Mỹ nơi bác nghỉ hưu, bác không còn say sưa nói về những “công trình” mà bác đã dồn sức làm, góp phần đổi mới nhà anh Lương cũng như của xã Hương Hóa nữa, mà sôi nổi kể cho tôi nghe những năm tháng hoạt động gian khổ cùng cực trên đất Thừa Thiên - một làng chỉ cách Huế 7 cây số, thời kỳ chính quyền Diệm dồn sức truy lùng cộng sản…; rồi bác tâm sự muốn được trở lại chiến đấu bảo vệ con đường này. Bác Tân cũng như Thứ trưởng Hồng Xích Tâm đều là “đồng đội” với bác Mỹ thời “Bình Trị Thiên khói lửa”, hiểu tấm lòng bác, đã đồng ý để bác trở lại Đội Cầu 4.
Tác giả và đồng đội trở lại thăm Cổng Trời
Cửa khẩu Cha Lo hôm nay