Trường ca Trên con đường ấy,Trường Sơn của Lê Quang Trang

Ngày đăng: 02:19 10/05/2018 Lượt xem: 6.406
 
Trường ca  TRÊN CON ĐƯỜNG ẤY, TRƯỜNG SƠN của Lê Quang Trang


“Cách mạng tháng 8-1945 phá tan xích xiềng nô lệ và Mở đường Trường Sơn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là hai kỳ tích vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX” (Sử gia T.)

  “Đường Hồ Chí Minh là một chiến công chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng.” (Lê Duẩn)

   “Năm tháng qua đi nhưng Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong thế kỷ XX ”(Võ Nguyên Giáp)





Chương 1. TIỀM THỨC
 

 
Đã nhiều đêm về trong giấc mơ tôi
gặp lại Trường Sơn những năm tháng cũ
gặp rừng đại ngàn mùa khô lá đổ
gặp lại chiến tranh một thuở gian lao
 
Gặp lại trưa hè rộn tiếng ve kêu
gặp đồng đội xanh gầy leo dốc đá
gặp các em đợi qua sông mùa lũ
gặp tiếng bom gầm nơi trọng điểm nóng rang.
 
Tất cả hiện lên rõ rệt, thân gần
ngỡ trước mắt giơ tay là nắm được
rồi tất cả bỗng tan ra như nước
chan hòa cùng cảnh sắc hôm nay.
 
Đường cao tốc như dải lụa trong mây
vắt qua núi rừng, vắt qua sông suối
bản nhỏ năm xưa nay thành phố núi
sắc áo quần chen lẫn sắc xanh cây.
 
Những cô gái Vân Kiều, Ba Na, Gia Rai
đôi mắt sắc trong veo và tinh nghịch
phảng phất hoang sơ, chứa nhiều ngơ ngác
đã từng làm rung động lắm con tim.
 
 
Như ngọn lửa hồng làm ấm lại màn đêm
như nguồn nước làm dịu đi cơn khát
những ánh mắt lặn vào trong ánh mắt
là niềm tin của bao cuộc chia ly.
 
Rừng ơi rừng có nghe tiếng thầm thì
của tình yêu như mạch ngầm trong đất
của ý chí hiện lên trong ánh mắt
nói bao điều với thế hệ mai sau !
 
Nghĩ suy chợt dừng vào năm 1954
ngày 21 tháng Bảy
giữa mùa hè bỏng cháy
ngày Hiệp định Giơnevơ
về cuộc chiến Đông Dương
được ký kết.
 
Ôi Việt Nam!
Tổ quốc mang dáng hình chữ S
một đất nước bao đời thống nhất
giờ bị phân đôi
ranh giới chuyển quân tạm thời
không phải vĩ tuyến 13 mà là 17[1]
cái vĩ tuyến trùng với dòng Bến Hải
chia cắt đất nước tôi
như cắt chia cơ thể con người
thành miền Nam, miền Bắc
như một vật vô tri vô giác.
 
Giới tuyến như lưỡi dao khắc nghiệt
lách vào tim ta
cắt vào thịt vào da
để lại vết thương nhức buốt
bắt đầu chỉ là vùng tập kết
nhưng dần dần mỗi miền một thể chế khác nhau
thành bàn đạp, đầu cầu
cho các thế lực kìm nhau và phô trương sức mạnh.
 
Vùng đất ấy bình thường và bình dị
cây xanh vươn trên cát bỏng quê hương
nước đổ về từ triền núi Trường Sơn
bên ni và bên tê
chung giọng nói, xóm giềng ruột thịt.
 
Có điều ta ngây thơ theo, có điều ta đã biết
những gì trong Hiệp định này bất lợi cho ta
nhưng bàn cờ thế giới
còn chi phối nhiều bởi các nước to
thế của ta và lực của ta
thời điểm ấy chưa thể nào làm khác
ta cắn răng nén chữ nhẫn vào lòng và lau nước mắt
để chiến tranh tạm dừng, bớt xương máu nhân dân.
 
Có lúc ta đã nghĩ và đã tin
chỉ hai năm đất nước sẽ hiệp thương và tiến hành tuyển cử
tin vào lương tri, lòng dân và lẽ phải
sẽ cho ta một chính quyền thật sự của nhân dân
thống nhất nước nhà, thống nhất Bắc Nam
toàn dân chung tay xây hạnh phúc.
 
Nhưng với tim đen kẻ thù trở mặt
thêm ngoại bang tiếp sức hà hơi
đạp chữ tín mà đi, thất hứa với nuốt lời
lấy đàn áp để cản ngăn thống nhất
lấy chém giết để cắt chia đất nước
lấy răn đe hòng khuất phục lòng người.
 
Thời gian trôi và cơ hội dần trôi
cho đến lúc ta nhận ra sự thật
con đường phải đi, con đường duy nhất
có áp bức,
cần đấu tranh!
 
Sau rất nhiều ý kiến nêu ra, cân nhắc, luận bàn
một Nghị quyết [2] mở đường cho bão nổi
là phương hướng cho con đường đi tới
hoàn thành giải phóng miền Nam.
 
Và Trường Sơn, mở đường Trường Sơn
kết nối hậu phương tiền tuyến
là năng lượng làm nên chiến thắng
cho ngày vui thống nhất nước nhà.


 



Chương 2.  ĐỤNG ĐỘ
 

Cuộc sống cho ta một chân lý hiển nhiên
trước xâm lược đừng khi nào khuất phục
mặc đối phương có quân hùng tướng mạnh
giặc đến đây, không hèn nhát đầu hàng
chúng ta, một quốc gia nhỏ bé bình thường
phải đương đầu với siêu cường hùng mạnh
bên thô sơ và bên kia hiện đại
kinh tế gấp nghìn lần theo thu nhập quốc dân
nếu đem so về máy bay, đại pháo, xe tăng
khác nào voi với kiến
cuộc đụng đầu xưa nay quá hiếm
quá lạ lùng trong lịch sử chiến tranh
nếu cứ theo suy nghĩ bình thường
nghĩ kết cục chắc khó ngoài quy luật
chiến thắng bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh ?
 
Cả dân tộc một lời thề: quyết đánh!
không đầu hàng, không dao động, hoang mang
trong tay buổi đầu chỉ giáo, mác, tầm vông
với ý chí và quyết tâm sắt đá
lấy lịch sử anh hùng làm điểm tựa
vì mục tiêu giành độc lập tự do
bạn bè thương yêu không khỏi âu lo
đất nước sẽ điêu tàn trong đạn lửa
chiến tranh chưa qua, lại chiến tranh đến nữa
Việt Nam ơi, khổ cực đến bao giờ !
 
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”
lời nguyện thề trên bước đường đi tới
mỗi chiến công như một lời kêu gọi 
đánh thức lương tâm và thu phục lòng người
bạn bè gần xa khắp bốn biển chân trời
hiểu chính nghĩa Việt Nam và chia sẻ
sức mạnh ấy như một lời cổ vũ
cùng ta đi qua lửa đạn chiến tranh.
thực tiễn như người thầy dạy thông minh
cho ta hiểu những điều cao hơn quy luật.
 
Thế hệ sau không dễ gì hiểu hết
ngọn lửa ấy bắt đầu từ đâu ?
con đường ấy bắt đầu từ đâu ?
sức mạnh ấy bắt đầu từ đâu ?
 
Ấy là thời kỳ đen tối nhất
ấy là khi giữa sống và chết
giữa cắt chia và thống nhất
giữa ươn hèn và tiến lên
giữa ánh sáng và bóng đêm
cần trái tim và bàn tay thắp lửa
để hội tụ những đốm hồng bé nhỏ
từ khắp nơi về
cho ánh sáng bừng lên
thắp sáng những đêm đen.
 
Từ vết cắt ngang chia đất nước hai miền
nỗi đau thấm dần, thấm dần
trở thành giác ngộ
trở thành khát vọng
trở thành hành động
phải làm gì
và làm thế nào đây
những câu hỏi không nguôi day dứt.
 
Có không ít người tin ngày thống nhất
từ những lời trong Hiệp định Giơnevơ
một niềm tin không hẳn ngây thơ
dòng sông con sẽ được nối liền bờ
đất nước liền một dải
dân tộc một niềm vui
chung một bóng cờ xây dựng tương lai
không có chiến tranh để xóm làng xơ xác
máu không đổ giữa đồng bào một nước
lịch sử còn nguyên bài học nhớ đời.
 
Nghĩ xa hơn trong lịch sử loài người
vì tham vọng mà nảy sinh chết chóc
kẻ lớn mạnh muốn đi áp bức
kẻ yếu hèn muốn núp bóng kiếm ăn
gây chiến tranh nối tiếp chiến tranh
để đục nước béo cò, để dân lành thua thiệt
từ đó nảy sinh chém giết
con người như hạt cát nhỏ nhoi
vào năm đất nước giao thời
Việt Nam trở thành miếng mồi tranh chấp.
 
Và như vậy những sống - còn, được - mất
ta đâu còn chủ động nắm trong tay
nỗi đau thấm sâu từng tháng từng ngày
âm thầm tích để làm nên ngọn lửa.
 
Tia lửa ấy là niềm khắc khoải
người tập kết và người ở lại
theo thời gian tan như khói, như mây
cả cơ đồ từng thu giữa lòng tay
sao có thể như bong bóng xà phòng, tan vỡ ?
 
Càng nhẫn nhịn, kẻ thù càng càn rỡ
lê máy chém khắp nơi để giết hại dân lành
bắt bớ những ai yêu chuộng hòa bình
ai yêu nước, đều cho là Việt cộng
người lương thiện như chẳng còn đất sống
thà giết nhầm hơn bỏ sót, ghê thay !
 
Tức nước ắt vỡ bờ
chân lý ấy xưa nay
giờ nghiệm lại đúng thời kỳ đen tối
phải vùng lên, tìm con đường đi tới
vẫn câu hỏi đặt ra nhức nhối
hướng đi nào
và bằng cách nào đây?
 
Những bàn tay xiết chặt những bàn tay
răng nghiến lại thề một lời quyết tử
Hiệp định ư?
những điều khoản không dùng cho máu đổ
kẻ thù phản bội rồi không lẽ cứ khoanh tay.
 
Những hờn căm nung nấu bao ngày
âm ỉ tích cho một ngày bùng nổ
quyết tâm chất chồng, hy vọng chất chồng
mong đất nước được tự do độc lập
mong non sông một dải liền thống nhất
dân tộc ngẩng đầu xây đắp tương lai.
 
Trí tuệ lớn gặp nhau
mục đích lớn gặp nhau
đêm ngày hoài thai, hoài thai
hướng đi dần rõ hình hài
không chấp nhận ngồi nhìn
mà cần hành động.
 
Đấu tranh ư?
rất đúng
nhưng chỉ là chính trị thôi ư?
sức mạnh ngôn từ
không đủ thành sức mạnh
không đủ ngăn những gian manh, hiểm độc
người hy sinh cứ ngày một nhiều thêm.
 
Những thảm sát ở Vĩnh Trinh, Chợ Được, Hướng Điền
ở Bình Thành hay Ngân Sơn - Chí Thạnh[3]
bộc lộ đủ trò giết người man rợ
mổ bụng, moi gan, cắt cổ, chặt đầu
xâu kẽm gai dìm xuống nước sâu
bất kể người già, trẻ em, phụ nữ
sự tàn bạo ghê gớm hơn thú dữ
dã man này không thể dã man hơn.
 
Đứng lên
vùng đứng lên
lấy vũ lực để cản ngăn vũ lực
cuộc chiến đấu biết rằng không cân sức
nhưng kinh nghiệm ở đời dạy ta phải đứng lên.
 
Máu chảy ruột mềm
cơ thể liền Nam - Bắc
tim đập cùng một nhịp
chung sắc máu, màu da
nỗi đau chung của hết thảy chúng ta
sao có thể vô tình.
 
Tiền tuyến - hậu phương
ngăn cách bởi một dòng sông
dòng vĩ tuyến cắt đôi
nghe tiếng gọi không dễ gì chia sẻ
chỉ Trường Sơn là mạch ngầm chia lửa
tiếp sức cho ta trên dặm đường dài.
 
Nghị quyết 15 như ngọn đuốc sáng soi
chính trị kết hợp vũ trang
là phương châm hành động
đồng mục tiêu mà hai thái độ
một quyết tâm mà lại chia đôi
những sắc thái khác nhau trong nghĩ, trong lời
làm chậm nhịp phong trào đi tới
nhưng chỉ thế cũng đủ cho ánh sáng
mở đường ta đi
băng qua hy sinh, băng qua đen tối.
 
Quả không dễ tìm ra lẽ phải
khi mỗi con tim,
mỗi quốc gia có lý lẽ riêng mình
thi đua hoà bình,
chung sống hòa bình
hay
chính quyền đẻ ra từ nòng súng
phải khá lâu ta mới tìm ra chỗ đứng
khai thác sức mạnh từ liên minh.
 
Sự sáng suốt vững vàng của đội ngũ tiên phong
của những người chèo lái
tìm được cân bằng
tìm được đường đi
không hữu bên này không tả bên kia
cũng không là người “ba phải”
cuộc tranh luận còn theo ta đi mãi
chỉ rõ trắng đen
mười lăm năm sau
khi toàn thắng về ta
và đất nước hòa bình.


 
 

 
Chương 3. MƯA NẮNG TRƯỜNG SƠN
 



Dấu chân năm tôi đi Nam đặt ở cửa rừng
tại Làng Ho, tỉnh Quảng Bình
một địa danh bình thường
không phải ai cũng biết
rừng dưới chân ẩm ướt
đầy trời pháo sáng treo
tiếng máy bay rú rít trên đầu
bãi khách người vào, người ra nhộn nhịp
ánh sáng mờ soi những hố bom toang hoác
như vết thương lở loét trước cửa rừng
nỗi kinh hoàng không ngăn nổi bước chân
của đoàn quân đi tới.
 
Rừng đón chúng tôi thân quen và hồ hởi
vẫn những gương mặt trẻ trung
mũ tai bèo và quần áo màu xanh
hòa lẫn trong bạt ngàn cây lá
mỗi ngày một đơn vị lạ
chỉ có giao liên là người của hôm qua
tất cả ra đi
với tình yêu lý tưởng nồng nàn
cùng những xôn xao mới mẻ.
 
Có người lần đầu xa gia đình, cha mẹ
rừng hoang vu rờn rợn cả giấc mơ
giữa không gian vắng lặng như tờ
từng giọt trăng sáng xuyên kẽ lá
náo nức nhịp tim tươi trẻ
chờ thử thách ngày mai.
 
Ngay những trạm đầu tiên
đường hiểm trở như đi vào đất Thục[4]
qua Cổng Trời là dốc Nghìn lẻ một
những làn mây ướt sũng dưới chân người
gió thênh thang không quạt ráo mồ hôi
ba lô nặng xiết những cơn thở dốc
vách đá xám giăng hàng ngang dọc
bốn bề lũy đá bủa vây
dưới thung sâu sông như sợi chỉ gầy
miệng đắng ngắt và đôi chân rời rã
mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ
ai biết rằng mới là chặng đầu tiên.
 
Còn rất nhiều những bắt gặp đầu tiên
trên con đường hành quân ngàn dặm
với em, đêm đầu tiên ngủ rừng, mưa dội
bỡ ngỡ với gian lao nên võng ướt nước tràn
lục sục cùng đêm đen
tủi thân và cô đơn
thoáng nghĩ đến một lời khuyên của bạn
chiến tranh không phải là đi hội
không phải đường đi của phụ nữ đàn bà.
 
Đơn vị tôi chịu trận bom đầu nơi trọng điểm Ta Lê[5]
năm lượt B.52 bừa khi qua ngầm chật hẹp
chân chưa kịp khỏa trong nước mát
tiếng ì ì vọng đến từ xa
có tiếng hô : B.52 ! B.52 !
rồi tiếng nổ chồng lên tiếng nổ
đất đá tứ tung, ngổn ngang cây đổ
cả vùng trời mù mịt khói bom
dứt tiếng bom, rũ bụi đứng lên
dồn đội ngũ lại hành quân tiếp
màu máu đỏ loang trên mặt nước
bước chân không dừng lại giữa đường.
Cua chữ A bom đạn đánh tan hoang
rừng trơ trụi chỉ còn cây cháy xém
bụi đỏ mùa khô rực lên trong nắng
con đường quằn quại dưới mưa bom
bùn đất mùa mưa quấn chặt bàn chân 
xe hai cầu rồ ga nhích lên từng chút
trọng điểm gối nhau đêm ngày khốc liệt
không chuyển lay được ý chí con người
như trong tim có một mặt trời
niềm khao khát hướng về phía trước[6]
trên sợi dây giáp ranh sống chết
vô vàn hiểm nguy rình rập con người
gian khổ tột cùng
mà tràn ngập niềm vui
dường như đấy là môi trường đặc biệt
nảy sinh những nghĩ suy đặc biệt
cho yêu thương và tình nghĩa con người
cho ta niềm tin và thấy yêu đời
ngay cả lúc gian lao căng thẳng nhất.
 
Tuy vẫn có những bước chân lạc nhịp
giành về mình từng viên thuốc, miếng ăn
đùn đẩy cho đồng đội việc khó khăn
tìm cách lẩn khi cần giao nhiệm vụ
rồi giả bệnh, B quay, tìm đường đào ngũ
gieo rắc hoang mang chuyện chết chóc trên đường
đầu óc bi quan, mất khí thế tiến lên
tăm tối nghĩ về “đường đi không đến”[7]
tất cả hợp thành bức tranh đen trắng
phẩm chất người trước thử thách khó khăn
từng ngày, từng giờ, từng phút hiện lên
dù che đậy bằng ngôn từ hoa mỹ nhất
và cao thượng - tầm thường, anh hùng – hèn nhát
được phân ra dưới nắng thực cuộc đời.
 
Nghiệm suy từ trung đội của tôi
bốn mươi người là bốn mươi cảnh ngộ
trung đội trưởng, bí thư chi bộ
quê miền Nam, tập kết ra làm cán bộ nông trường
để lại người vợ trẻ ở quê hương
địch do thám biết chị là Việt cộng
chúng o ép đủ trò làm tình làm tội
chị không nghe, quyết một mực không theo
hết rủ rê, ngon ngọt, yêu chiều
dùng tiền bạc khiến người sa ngã
hết đồn trưởng giở những trò giả lả
để bôi lem danh dự trước nhân dân
lũ “an ninh” đến dọa nạt hằng đêm
sáng rửa mặt đánh răng trước bàn dân thiên hạ
vũ khí độc của trò hèn hạ
gieo tiếng oan để lối xóm nghi ngờ
có đảng viên vì đố kỵ, ngây thơ
sa vào bẫy kẻ thù tàn độc
nhìn đồng chí với cái nhìn hằn học
lạnh nhạt dần, bỏ mặc chị cô đơn
để chị xa dần đồng chí anh em
anh nghe chuyện thấy tim mình nhói buốt
càng nghĩ càng thấy lòng day dứt
thương vợ hiền trước đường kiếm mũi dao…
 
Trung đội phó của tôi, nhà báo đảng viên, tóc sớm ngả màu
con còn nhỏ tránh sao nheo nhóc
đêm chia tay, chị đầm đìa nước mắt
sáng bình tâm tiễn anh bước lên đường
nhớ và thương chị nén chặt trong lòng
ai thấu hiểu phía sau điều bình thản…
rồi nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, những nhà văn trẻ
những tinh túy của hậu phương chi viện miền Nam
rời giảng đường họ tựa những cánh chim
tương lai rộng trước cánh đời rộng mở
nhưng lý tưởng cháy trong hồn tuổi trẻ
tạm gác ước mơ để đến với chiến trường
họ hiểu rằng ở nơi ấy tiền phương
cuộc chiến đấu đang hồi khốc liệt
nhưng ở đấy lời gọi mời tha thiết
từ những má già, những em bé yêu thương
cần những bàn tay, cần những mái trường
cần con chữ mang trong mình sức mạnh
chia sẻ với nhân dân, những người cha, người mẹ
con chiến tuyến này và con ở bên kia
lấy lương tâm và sinh mệnh sẻ chia
lấy cái đẹp khích lệ người chiến sĩ
lấy tri kỷ đáp lại tình tri kỷ
mà nhân dân đã nuôi lớn tâm hồn
người nghệ sĩ xa tháp ngà cô đơn
để được trầm mình trong lửa khói
nhập cùng đoàn quân, trèo đèo lội suối
vượt qua bom đạn
mượt mà lời ca
những gót chân son người nghệ sĩ ba lê
tưởng chỉ có nơi thánh đường nghệ thuật
cũng hiện diện trong đoàn quân tấp nập
hòa niềm vui cùng dân tộc trường chinh
đem món ăn cao đẹp tinh thần
đến với dân nghèo vùng giải phóng
cả em nữa
đôi mắt tròn to ấp ủ nhiều mơ mộng
em nghĩ gì mà có mặt nơi đây
thôi thúc nào mà em lại vô Nam
dù nụ cười xinh và trí tuệ đủ làm nền cho em hạnh phúc
nơi thủ đô thênh thang nhịp bước
nơi hậu phương thanh bình.
 
Sau đêm đầu tiên ngủ rừng
thêm một trạm là thêm điều biết mới
mỗi ngày là một lần tự hỏi
vượt núi, vượt đèo
hay ta vượt chính ta.
 
dẫu biết rằng đích đến còn xa
bao gian khổ đang đợi chờ phía trước
những câu hỏi ẩn giấu nhiều đau xót
ai người còn gặp lại ở ngày mai
như lá xanh rơi rụng suốt đường dài
chào tạm biệt mà trở thành vĩnh biệt
đoàn thu dung bạn mới vừa quen biết
đã chia tay nằm lại trạm dọc đường
vừa tâm tình cùng bạn gái đồng hương
đã nghe tin lũ cuốn trôi mất tích
những nghĩa địa đơn sơ và u tịch
rải rác nằm khắp các ngả Trường Sơn.
mỗi nhớ thương cho ta một lớn khôn
hiểu đất nước, bạn bè, đồng đội
bắt gặp đóa hoa nở vô tình bên suối
đường hành quân đủ rung động lòng ta
những con tim lạnh lẽo buổi xa nhà
cùng xích lại cho giàu thêm sức nóng
ngọn lửa nhỏ truyền sang nhau hơi ấm
thêm nghị lực vượt đường trường đi đến ngày mai.
 
Từ con đường rừng hôm nay
lại nhớ lớp cha anh mở con đường ngày ấy
mệnh lệnh ngắn mà thiêng liêng ít thấy
mở đường xuyên Trường Sơn
chi viện cho miền Nam
bí mật và an toàn
nhiệm vụ giao có vậy
bao quan hệ mở ra từ đấy
những suy nghĩ làm sao dựng dậy
đại ngàn hoang sơ tự ngàn năm
bước chân tiếp nối bước chân
đưa nhân lực về Nam
chuyển vũ khí vào Nam
đường biển và đường rừng
trí tuệ đổ ra
và xương máu
làm sao tránh khỏi ?
 
Người đầu tiên đời sau không bao giờ quên nhắc nhớ
là thượng tá Võ Bẩm,
một người con xứ Quảng, một tấm lòng miền Nam
được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ mở đường
trái tim đập như bật tung lồng ngực
niềm xúc động khiến đêm ngày thao thức
bắt đầu từ đâu khi mối dây như rừng rậm ken dày
nghĩ đến miền Nam
nghĩ đến con đường
nghĩ đến cánh rừng
Trường Sơn xen cả vào giấc ngủ
vinh dự và khó khăn
náo nức tim anh
và bao con tim thế hệ.
 
Những đồng đội cùng chung trăn trở
tâm huyết và quyết tâm
thành đơn vị đầu tiên xoi đường vô Nam
với phương châm
“đi không dấu
nấu không khói
nói không tiếng
không chỉ che mắt quân thù
phải giấu cả bạn bè thế giới
ai hiểu hết nỗi niềm day dứt ấy
việc quang minh mà phải lén lút làm
động cơ sáng trong mà chịu âm thầm
nén chữ nhẫn vào tim để làm điều cao cả.
 
Trong khi ấy giữa chiến trường gian khổ
nhiều khát khao chắp nối các vùng
Nam Bộ đêm ngày mong nhớ miền Trung
Khu V muốn được nối liền Nam Bộ
Khu VI, Tây Nguyên không nguôi trăn trở
mong chiến trường liên thông
và trái tim tìm đến trái tim
dù kẻ địch tìm mọi đường ngăn cản
vượt gian nguy những bàn chân quả cảm
tìm đến nhau trong kín đáo rừng già
nước mắt rơi trong hạnh phúc vỡ òa
trong soi mói của quân thù dò xét
trong hy vọng nhỏ nhoi và khốc liệt
để phối hợp, hiệp đồng từ đó mở ra
để đồng khởi bùng lên từng đợt sóng vỡ òa
xô về từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
 
Ôi Trường Sơn, có những điều tưởng như không thể
lại là chuyện thường bắt gặp ở Trường Sơn
mùa mưa, mùa khô trải nghiệm với con đường
không đi qua làm sao mà hiểu hết
cơm vẫn nấu cả những khi vượt dốc
hành quân đêm có thêm thịt thú rừng
trạm dừng chân vẫn trà lá tưng bừng
nét vẽ, vần thơ vẫn đầy trang nhật ký
thuốc lá thiếu có lá rừng thay thế
đêm liên hoan ta vẫn hát tình ca
dưới tăng xanh như một mái nhà
nơi bày tỏ những điều sâu lắng nhất…
 
Trời đang nắng bỗng mưa ào như trút
dưới tán rừng đêm tối xuống nhanh hơn
nước ở đâu đổ xuống vai em
nón tai bèo làm sao che kín mặt
tấm ni lông làm sao cho khỏi ướt
ba lô đè lưng thiếu nữ mảnh mai
lá mục dầy trộn bùn nhão dưới chân
dễ lạc bước giữa rừng già nguyên thủy
lũ vắt xanh nghe hơi người xa lạ
búng rào rào trên những lá cây
tiếng mưa đêm giữa những cánh rừng dày
tiếng mối cắn rào lên từng nhịp
không khí hoang vu lạnh như cõi chết
chỉ đồng đội bên nhau rải kín rừng già.
chia tay nhau lưu luyến ở Khe Ve
hơi thở dồn vượt đèo Phu La Nhích
phà Xuân Sơn bom rơi như không ngớt
và bạn tôi ngã xuống tại Lằng Khằng
nghe tiếng bom nổ ở Xeng Phan
quen chiến trận bạn thấy như rất nhỏ[8]
qua Tây Nguyên mùa khô bụi đỏ
phủ tóc dày và phủ cả giấc mơ
kỷ niệm xanh không phai nhạt bao giờ.
 
Vượt dốc leo đèo trật dép cao su
nghe tiếng lũ gầm gào bên suối vắng
quần áo chưa kịp khô sau khi qua trảng trống
hang sâu mưa dầm hơi ẩm ủ mốc meo
bàn chân son từng sước đá tai mèo
lội bùn lầy chẳng thể nào kín miệng
tiếng mưa rừng hòa cùng lũ thét
con suối con cũng đủ sức hại người
đầu đoàn quân nghe rộn tiếng nói cười
cuối đoàn quân đã kẹt vì nước lũ
kính xe vỡ nhìn mưa giăng vần vụ
buồn bã nghe mưa lòng thoáng u sầu
đường Trường Sơn còn mãi đến muôn sau
chiến trường đợi mà nghe lòng day dứt
quần áo ẩm mục nhanh như lá mục
hơi ẩm tấy dần làn da
lấy hơi người làm sức nóng hong khô
mùa mưa kế tiếp mùa mưa
mái tóc em cứ ngày thêm thưa thớt
mái tóc ấy từng đen dài óng mượt
hoàng hôn về từng hong ở chân đê
hương bưởi, hương chanh thoảng gió trưa hè
khiến trai làng thả hồn vào mơ mộng
giờ ngồi đếm từng sợi dài tóc rụng
nghe thời gian trôi trong ẩm mốc rừng già.
 
Trường Sơn ơi! Trường Sơn yêu mến của ta
khắc nghiệt làm chi cho em khổ cực
mưa làm chi để xe anh trượt dốc
vách đá gầy chặn đứng khúc đường quanh
bom như mưa vặt trụi cả thân cành
và chết chóc như lá rừng lả tả
những thủ đoạn bạo tàn, hung dữ
kẻ thù đem ra thử suốt Trường Sơn
những trái bom trăm cân nghìn cân
nghiền đồi núi thành bãi lầy bùn đất
những vũ khí tối tân bậc nhất
chúng đưa ra giết hại con người
hàng triệu lít đi-ô-xin rải xuống núi đồi
cây trụi lá và con người nhiễm độc
nơi thử nghiệm những cơn mưa nhân tạo
cùng mưa rừng cản bước hành quân
chặn con đường chi viện miền Nam
bằng tất cả những gì có thể
ẩn phía sau là nụ cười ngạo nghễ
đầy thách thức và tự tin
lan trên các phương tiện truyền thông
chiến thắng bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh !
thử thách mùa mưa như gánh nghìn cân nặng
qua Trường Sơn sao có thể bỏ qua.
 
Mùa khô về khi vừa tắt cơn mưa
đất khô khát dưới chân như đốt lửa
dép cao su xiết bàn chân máu ứa
suối cạn khô không còn nước nấu cơm
rừng khộp, rừng le sỏi đá khô rang
bạn giỗ mẹ nén hương không dễ có
nơi quê nhà mẹ linh thiêng phù hộ
chỉ rau rừng, cá suối, sắp mâm cơm
và tấm lòng thành kính của con
như sợi chỉ kéo bạn bè gần lại
bạn mồ côi thấy ấm tình đồng đội
dù mùa khô một chút nước cũng khan.
 
Những tâm tình trong nắng lửa chang chang
làm dịu lại trưa mùa khô nhức mắt
thương cây, thương người chắt chiu giọt nước
để bước chân không dừng lại giữa đường.
mồ hôi ướt lại khô đọng vệt trắng sau lưng
vai áo ướt, quai ba lô cũng ướt
nắng xiên khoai đôi má hồng bỏng rát
nước vắt ra thiêu lả sức con người.
 
Mồ hôi chồng mồ hôi
không nước giặt, nghe mùi chua khó chịu
những thiếu nữ nông thôn hay tiểu thư thành thị
quen sạch sẽ hằng ngày
mà bây giờ không giọt nước trong tay
làm sao gạt được hơi người tích tụ
mồ hôi chua len vào giấc ngủ
len cả vào những tình tự gái trai
ngại gặp anh vì thiếu tự tin
hương thiếu nữ bị mồ hôi ngăn lối
mong ngày mong đêm cho mùa mưa tới
có nước về, người thư thái hơn lên.
 
Sợ vắt mùa mưa, sợ ve mùa khô
cả người đi, người giữa rừng trụ lại
thứ côn trùng bé teo mà gây bao tác hại
bám vào cổ, vào tai, vào cơ thể con người
cảm thấy đau là chúng đã no rồi
cơn sốt rét cũng bắt đầu từ đó
chúng giấu mặt trong lá rừng, cây cỏ
thấy hơi người như ma quỷ hiện ra
hành hạ mùa mưa, hành hạ mùa khô
ám ảnh mãi trong lòng người lính trẻ.
 
Những khắc nghiệt từng ngày như thế
cứ đi qua và hủy diệt sức người
sốt rét rừng, đi và đến khơi khơi
mà đã cướp đi bao sinh mạng
ai qua Trường Sơn mà không sốt rét
lính vẫn đùa là “nộp thuế” Trường Sơn !
 
Người bất ngờ giữa cuộc hành quân
lên cơn sốt như người “giả bộ”
mặt đỏ tía, toàn thân như cục lửa
rét ào về như rét tự trong ra
chăn đắp bao nhiêu cũng chẳng thấy vừa
rét và rét, thấu tim gan đầu óc
rồi khát nước, ôi chao là khát nước
không chỉ bình tông mà muốn cả giếng làng
sốt cắt rồi, tiếng huýt sáo lại vang
ai biết được vừa qua trận đòn tơi tả
có người giữa đường hành quân mệt lả
tạt ven đường mắc võng nghỉ chân
định một chút thôi mà thiếp đi luôn
đồng đội gặp, trên võng là hài cốt.
 
Từng chứng kiến dọc đường bao cái chết
nhói lòng những nỗi thương đau
vì yêu thương chờ đợi dắt dìu nhau
rồi sốt rét cả hai đều nằm lại
rắn độc cắn đôi mắt trừng mở mãi
chờ bàn tay vuốt mắt của bạn bè
mùa mưa về bạn bị lũ cuốn đi
lòng chết lặng mà không thể cứu
đang hành quân bị bom thù đánh trúng
đoàn xe đi bị địch phát hiện ra
máy bay trút bom và pháo tầm xa
tập trung sức đánh vào trọng điểm
đất với đá, thi thể người trộn lẫn
sau bom rơi không nhận được bạn bè
máu xương hòa cùng đất đá suối khe
biết mất người nhưng người không thể chết!
 
Và sự sống dường như là bất diệt
với những người từng sống với Trường Sơn
sốt rét, đói ăn, khổ cực, gian nan
không thể giết những dòng nhựa sống
cắt sốt xong, bầu trời như lại sáng
màu lá xanh lại biếc ở trên đầu
lại kiếm rau rừng, bắt cá suối sâu
sức trai trẻ mỗi ngày hồi phục lại
gân lại săn để đi cùng đồng đội
chuyện lại vui như buổi mới lên đường
lại ước mong được trở lại hành quân
cùng đồng đội tiến lên phía trước
thầm lặng thế phải chăng cũng là kỳ tích?
 
Chia lửa với Trường Sơn là miền Trung gió cát
là hậu phương vĩ đại, kiên cường
tất cả vì miền Nam, vì sự sống con đường
là tấm lòng của trẻ già trai gái
vượt tổn thất hy sinh của chiến tranh phá hoại
sức mạnh kẻ giàu, nhiều tiền của, đôla
với đội quân lành nghề, thiện chiến, tinh ma
với kỹ thuật chiến tranh hàng đầu nhân loại
kẻ địch vẫn tin đối phương sao chịu nổi
sau tan hoang tàn chắc sẽ phải đầu hàng
nhưng chúng biết đâu rằng
dân tộc này chưa một lần khuất phục
dù vũ khí thô sơ nhưng tinh thần gan góc
trước kẻ thù, một ý chí đứng lên.
 
Từ khắp các miền quê, những tổ đội thanh niên
tập hợp lại, xung phong ra tiền tuyến
mong có mặt tại những nơi trọng điểm
để mở đường và san lấp hố bom
những Bến Thủy, Truông Bồn, Đồng Lộc, phà Gianh
trăm ngàn điểm trên con đường ra trận
bom đạn Mỹ gieo xuống bao cái chết
người trước hy sinh người sau lại tiến lên
cha anh hy sinh đến lượt con em
đội ngũ không bao giờ đứt mạch
vũ khí là xe, là choòng, xẻng, cuốc
phá núi, ngăn sông, vượt suối, xuyên rừng
ta lớn lên cùng chủ động tiến công
đánh địch mà đi, mở đường mà tiến
bất chấp khó khăn, vượt qua nguy hiểm
chiến đấu là niềm hạnh phúc mê say
địch đánh ban đêm, ta chạy ban ngày
lấp hố bom nhanh để đường mau thông suốt
trận địa giả để đánh lừa quân địch
làm cọc tiêu cho xe vượt màn đêm
đứng bên cabin chỉ xe chạy đường quen
có thể hy sinh khi bom đạn nổ
làm cột mốc qua ngầm nước lũ
địch có thể nhận ra sau ánh sáng đèn dù
có nhiều khi cái chết cận kề
đã trong cuộc không so đo hơn thiệt
nghĩ thương mẹ có đầm đìa nước mắt
nhưng lời thư vẫn cứng cỏi, đậm đà
xung phong ra san lấp mặt đường
đứng vững nơi tuyến đầu
để xe ra mặt trận.
 
Dẫu cuộc sống giữa muôn ngàn tất bật
mà gặp nhau vẫn rộn rã tiếng cười
câu  chuyện vui mà thấm đẫm tình người
lấy mận đào thay tỏ tình trực tiếp
lấy câu hát, điệu hò thân thiết
gửi tâm tình về hạnh phúc lứa đôi
từ cabin anh có tiếng gửi lời:
“Em ơi có lấy lái xe
Lên đây anh chở về quê… thưa với mẹ thầy”
giọng em trầm mà ngoa ngoắt lắm thay
là lời em đối lại:
“Bao giờ trạch đẻ ngọn tre
Thì em mới lấy lái xe làm chồng”
nghe dễ thương nên anh chẳng mất lòng
mặc dù em khích bác:
“Dại gì mà lấy lái xe
Cách ba cây số còn nghe mùi dầu”
 
Nói vậy mà không phải vậy đâu
sau đùa giỡn là tấm lòng chân thật
nhiều lứa đôi trở thành hạnh phúc
cũng bắt đầu từ đùa giỡn Trường Sơn.
 
Không chỉ lái xe, không chỉ giao liên
còn nhiều nữa những hoa rừng lãng mạn
những tâm sự đi qua bom đạn
thành tình yêu ngay giữa rừng già
những bữa cơm khi cơn lũ vừa qua
chỉ có mắm khô, rau rừng nhìn nhau đủ hiểu
đêm vượt lộ bàn chân nhức mỏi
không một lời oán trách, than van
trạm Anh hùng có lán khách khang trang
hay đêm khuya dưới vòm le ngủ tạm
như chất keo xiết chặt thêm tình bạn
như sức bền giúp ta vượt đường xa
vượt đầm lầy, ngấn bùn vẫn chưa khô
nhìn thấy em là thấy đời tươi lại
không trong cuộc dễ gì hiểu nổi
giá trị tình yêu trong gian khổ cuộc đời
cái niềm vui dù rất nhỏ nhoi
không dễ gì so sánh.
 
Nhìn phía khác như một điều đối chứng
những nỗi niềm buồn tủi cô đơn
không phải do người mà bởi núi rừng
những ẩn ức không một lần được nói
trái tim trẻ phải giấu đi sôi nổi
bao yêu thương không có dịp giãi bày
những nụ hôn ủ dưới lớp lá dày
không cơ hội được một lần bùng nổ
xe anh qua, nghe hương anh trong gió
không kịp dừng để tay ấm trong tay
không kịp nhìn với cảm xúc đắm say
kìm nén mãi thành nỗi niềm ẩn ức
thành tiếng vọng vang trong đêm hú hét
loang ra trong tiếng khóc, tiếng cười
trong mờ ảo ánh trăng những con thú mặt người
đau đớn lan tràn như dịch bệnh
ai đem đến cho em niềm hạnh phúc
xót xa này ai tính đếm cho em!
Trường Sơn ơi, Trường Sơn!
ai sẽ nhớ những ngày gian khổ ấy
những số phận của một thời sôi nổi
ai phục hồi nhan sắc trẻ trung xưa.
 
Hãy biết ơn thời khốc liệt Trường Sơn
từng có mặt những đoàn quân nghệ thuật
những đội văn công cất cao tiếng hát
át tiếng bom ngay trọng điểm mặt đường
giọng tâm tình nơi các lán thương binh
làm dịu lại những đớn đau da thịt
từ đỉnh Trường Sơn vang lên khúc nhạc
hòa gió rừng và sóng nước biển xanh
khúc tình ca lắng đọng dưới ánh trăng
khúc quân hành rầm rập mùa chiến dịch
những vở diễn gắn liền cùng đời thực
cổ vũ con người vượt ác liệt, gian lao
những bài thơ lắng đọng tự hào
những ký họa, sắc màu gợi núi rừng bom đạn
xây đắp yêu thương âm thầm khích lệ
cuộc sống thường ngày và gửi gắm mai sau.
 
Nhớ ngày qua lại mong ước bao nhiêu
thế hệ mới thêm một lần trở lại
cùng chiêm nghiệm về một thời kỳ diệu
cùng suy tư trên các nẻo rừng già
chuyện hôm nay hòa lẫn chuyện hôm qua
khơi gợi lại những ân tình, nghĩa cả
xanh như lá và nhiều như lá
để đất nước mình có được hôm nay
những cao thượng anh hùng tươi trẻ mê say
trong trái tim, tâm hồn bao thanh niên nam nữ
làm ấm lại những cánh rừng gian khổ
nơi con đường lan tỏa dọc ngang
để con người và rừng núi Trường Sơn
qua tác phẩm sẽ trường tồn mãi mãi.



 

 

Chương 4. CƠN LŨ
 


Dù Tây Nguyên không phải Trường Sơn
nhưng Tây Nguyên vẫn là một chặng đường cần đến
nơi đỉnh cao, thể hiểm
nơi nhiều vấn đề chiến lược nảy sinh
ai cũng khát khao chiếm lĩnh Tây Nguyên
để mở tầm nhìn chi phối
nơi chuyển động có thể làm thay đổi
không chỉ Việt Nam mà cả Đông Dương
đã nhiều lần trong lịch sử chiến tranh
Tây Nguyên được chọn làm nơi quyết chiến.
 
Ơi Tây Nguyên hào hùng và bí hiểm
mênh mông cao nguyên ba-dan đất đỏ mỡ màu
rừng đại ngàn xanh những đỉnh núi cao
nơi cư trú những con người chân mộc
yêu tự do và giàu khao khát
yêu khí phách anh hùng và lòng dạ thẳng ngay
lịch sử đi qua và để lại đất này
những trang hào hùng, giàu tinh thần quả cảm
những tâm hồn như trời xanh phóng khoáng
như anh hùng Ama Trang Lơn
âm thầm nuôi chí lớn chống bạo tàn
như Đinh Núp chốn buôn làng xa khuất
dẫu trong tay không mảy may tấc sắt
dám đương đầu với thế lực xâm lăng
đất rộn ràng với văn hóa cồng chiêng
ngọn lửa ấm những tháng ngày lễ hội
những đàn đá, bản khan[9], cất lên tiếng nói
là văn chương nghệ thuật góp cho đời
nói với hôm nay với tất cả loài người
nét truyền thống huy hoàng trong quá khứ
nơi con người, thiên nhiên, cỏ cây, muông thú
sống hài hòa trong ánh sáng tâm linh
người yêu ta, ta cũng rất yêu mình
tình yêu cháy từ cội nguồn trời đất
tình yêu ấm từ lòng người chân thật
không gian bao la và đậm đặc hoang sơ
thiện căn trong hồn và bản tính ngây thơ
không tính toán, chỉ hướng theo lẽ phải
sống có thể nghèo nhưng nghĩa tình để lại
luôn đậm đà và không thể nhạt phai.
 
Người Thượng, người Kinh
từng gắn bó với nhau bao tháng năm dài
chống xâm lăng và kiếm tìm hạnh phúc
niềm vui thực mà hôm nay có được
người dân thường cũng biết đến từ đâu
khi niềm tin đã bén rễ trong nhau
miệng kẻ xấu không dễ gì lừa gạt
chung gian khổ và từng chung mất mát
chung niềm tin thành đồng chí anh em
kháng chiến chín năm và gian khổ bao năm
yêu thương trước sau như một
như gió cao nguyên không bao giờ lặng tắt
như mưa rừng tưới mát đất ba-dan
dù cuộc đời có những lúc tối đen
vẫn chung thủy không bao giờ phản bội.
tình nghĩa thấm trong những lời không nói
cùng vùng lên để đạp bỏ xích xiềng
đánh đuổi kẻ thù đến tàn phá làng buôn
phá vỡ nghĩa tình Kinh - Thượng.
 
Những tinh hoa của buôn làng
cùng cán bộ từng cởi trần đóng khố
từng về đây chịu chung gian khổ
hạt gạo chia đôi
than cỏ tranh ven đồi
thành vị mặn những ngày đói muối
hang sâu núi cao vẫn nghe hơi ấm
vẫn nghe bước chân, tiếng nói truyền về
để lòng dân nơi rừng khộp rừng le
thành cơ sở cho lòng tin trụ bám
và ánh sáng từ cội nguồn cách mạng
thành sợi dây cố kết dân làng
đất hoang sơ rộng mở những tấm lòng
nuôi lớn những cánh rừng, những địa bàn hoạt động.
 
Yêu quý dân, nên lòng dân ủng hộ
từ củ mì, hạt thóc, cân khoai
dân quá nghèo còn đứt bữa một hai
vẫn chiu chắt chung lòng nuôi bộ đội
qua đêm tối, qua những ngày đồng khởi
đời sáng thêm mà chiến thắng chưa về
những cơn lũ rừng từ trăm núi ngàn khe
vẫn tích tụ cho một ngày bùng dậy
hiểu cánh rừng, hiểu lòng người như vậy
những đoàn quân tiếp nối những đoàn quân
gắn cùng dân xây cơ sở vững bền
phá đồn bốt ngăn kẻ thù kềm kẹp
ngọn lửa ấm âm thầm vùi trong bếp
cho một ngày bừng sáng hội mùa xuân
cách mạng về gom sức mạnh nhân dân
thành năng lượng cho một ngày bão lớn
để Tây Nguyên xứng danh là chiến trường trọng điểm
quét sạch quân thù đưa Đất nước sang trang.
 
Và đấy là mùa xuân 1975
Tây Nguyên được chọn làm nơi tiến công chiến lược
trận mở đầu Buôn Mê Thuột
vào thượng tuần tháng ba
những ngày cuối mùa khô
tháng ba âm vang trong câu hát
“tháng ba mùa con ong đi lấy mật
mùa con voi xuống sông uống nước
mùa em đi phát rẫy làm nương
anh vào rừng đặt bẫy gài chông”[10]
tháng ba bây giờ cách mạng lớn lên
Tây Nguyên có sư đoàn, quân đoàn, xe tăng vào trận
địch vẫn biết đến ngày ta đánh lớn
nhưng mông lung còn chưa biết khi nào
ỷ quân đông lại dựa thế quan thầy
đủ đại pháo, chiến xa, nhiều quân đoàn cơ động
đám tướng lĩnh tự cao và tự đại
“cộng sản sức đâu mà chiếm được Tây Nguyên!”
 
Quyết đánh  rồi, ta cài thế nghi binh
nuôi lớn tính chủ quan khinh địch
chỉ khi đến giờ G những binh đoàn hợp đồng xuất kích
bộ chỉ huy địch mới bàng hoàng
lệnh cho nhau chống trả điên cuồng
nôn nóng chờ quân tăng viện
chúng đâu biết khi đánh đòn trúng huyệt
địch thất thần, hoảng loạn, rối bời
khi viện binh bị ta đánh tả tơi
địch hoảng sợ bỏ Tây Nguyên rút chạy
chọn lối cũ là con đường số 7
tưởng là khôn mà lại hóa không khôn
đang đợi chờ, ta nắm được thông tin
lập tức đưa bộ đội lên đường truy kích
cuộc tháo chạy trở thành bi kịch
quan với quân đều hỗn loạn, hoang mang
cuộc lui quân thành tháo chạy kinh hoàng
trước chốt chặn và phía sau đánh tới
dòng thác lính càng đông càng bối rối
cả đoàn quân kéo cờ trắng đầu hàng
bao nhiêu lời tuyên bô huênh hoang
giờ tất cả đều tan thành mây khói
bao vũ khí quân trang bỏ lại
cùng tàn binh rệu rã, tả tơi
chiến thắng Tây Nguyên như Phù Đổng vươn vai
một bước chuyển sang thời kỳ lớn mạnh
ta giải phóng cả một vùng lớn rộng
chiến dịch này xóa sổ cả quân khu
chiến thắng bung ra tạo một thế cờ
như lưỡi kiếm chém xẻ đôi quân địch
sợi dây nối các địa bàn chiến lược
tiến tuyến - hậu phương, rừng núi - đồng bằng
sau Tây Nguyên đến Huế - Trị Thiên
chưa kịp đánh địch đã lo co cụm
ta chuyển quân đánh cắt đường chiến lược
địch hoảng hồn bỏ Huế, rút về Nam
đường bộ không còn, đường biển cũng tan
dân và lính chồng lên nhau chạy trốn
càng rút chạy lại càng hoảng loạn
lộn xộn sắc binh mất hết chỉ huy
Đà Nẵng vô tình thành cứ điểm chơ vơ
khi Quảng Ngãi, Quảng Nam cắt đường rút chạy
xin cứu viện mà tàu chẳng thấy
lính với dân dồn cục đổ vào
bộ đội từ các cánh Bắc, Tây, Nam
dồn sức mạnh để tiến công Đà Nẵng
thế phòng thủ bị vỡ tan từng mảng
tướng với quân hoảng sợ chạy dài.
 
Ôi Trường Sơn chuẩn bị đã bao ngày
giờ là lúc rùng rùng chuyển động
như thác lũ và trào dâng như sóng
hướng về nam tiêu diệt quân thù
con đường thênh thang thiên lý năm xưa
cùng đường biển hợp đồng truy kích địch
địch phá cầu, công binh đến bắc
đất giải phóng ta mở rộng mỗi ngày
lòng rưng rưng nghe trong gió cờ bay
ta hiểu lòng dân đón chờ hồ hởi
đường đánh giặc rộn ràng như ngày hội
Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết, Phan Rang
Xuân Lộc tràn qua, trận chiến rất căng
“lá chắn thép” cũng tan thành mây khói
tiếng pháo, tiếng bom khiến chính trường bối rối
Sài Gòn rối ren trong trận chiến cuối cùng.
 
Năm cánh quân mang tên Người - Chiến dịch Hồ Chí Minh
năm mũi tên cùng nhắm về một đích
những chốt chặn bị quân ta tiêu diệt
cờ ta bay nơi sào huyệt quân thù
tiếng reo vui rung chuyển Sài Gòn vang vọng tới thủ đô
ai hiểu hết lòng người ngày vui ấy
chiến thắng về ta, non sông về một mối
đất nước tưng bừng khắp từ Bắc chí Nam
ngày vui này sao nước mắt mẹ chứa chan
cả người lính từng dạn dày trận mạc
gác thù hận mở rộng lòng hòa hợp
đất nước cất lên ca khúc khải hoàn.
 
Bao năm trôi qua vẫn chưa hết lạ lùng
trận chiến thắng đã đi vào lịch sử
những đoàn quân tràn về như thác lũ
bắt đầu từ gian khổ Trường Sơn
hãy lắng nghe những giọt nước đầu tiên
âm thầm chảy, âm thầm tích tụ
từ nhỏ bé gom góp thành sức mạnh
thành thời cơ và chớp lấy thời cơ
để chúng ta có cuộc sống bây giờ
vẫn không quên những tháng ngày gian khổ
để hạnh phúc thêm sinh sôi nảy nở
trong lòng người mãi mãi ở tương lai.

 
 

 
Chương 5. NHỮNG CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN
 


Thế hệ ấy là chú tôi, anh tôi
sinh ra và lớn lên giữa khúc quanh lịch sử
đời chìm nổi trong nỗi đau nô lệ
qua khổ đau mà nhận diện con đường
tuổi thơ không mấy ai được cắp sách tới trường
số rất ít được làm quen chữ nghĩa
nhưng chung nhau niềm vui giác ngộ
không cúi đầu khuất phục ngoại bang.
 
Thế hệ ấy lớn lên
gặp ánh sáng từ những người tiền bối
gặp lý tưởng mở ra niềm tin mới
dâng cuộc đời vì độc lập tự do
vượt gian nan tự nguyện đứng dưới cờ
nuôi chí lớn phá xích xiềng nô lệ.
 
Tháng Tám mùa thu, niềm vui òa vỡ
nước nhà độc lập, chính quyền về ta
dẫu có thể còn bữa đói bữa no
nhưng đã đủ là niềm vui bất tận
cuộc đời ta sẽ tự ta quyết định
trên con đường đi đến tương lai.
 
Nhưng kẻ thù đã câu kết cùng nhau
lấy sức mạnh và súng gươm trở mặt
chà đạp lương tri gây mầm chết chóc
nhân nhượng không thể lùi thêm, cả dân tộc lại lên đường
lớp thanh niên ngày nào là đội ngũ tiên phong
lấy rừng núi, bưng biền làm chiến khu kháng chiến
chín năm trường kỳ để vượt qua nguy biến
chín năm gian lao giành nửa nước hòa bình
chưa kịp nghỉ ngơi lại gươm súng lên đường
xong đánh Pháp giờ lại là đánh Mỹ
biết khó khăn khi đụng độ với siêu cường thế kỷ
giàu có hơn và bạo tàn hơn
vẫn chiêu bài chủ nghĩa thực dân
không trực tiếp nguyên hình như trước
dùng kế hiểm để cắt chia đất nước
mũi dao đâm vào giữa trái tim người
những tấm lòng yêu nước sục sôi
cháy lên thành những lá đơn tình nguyện
vào bộ đội và được ra hỏa tuyến
đến với khu Tư, đến với Trường Sơn
đến với tuyến đầu bom đạn miền Nam
thực sự được làm chiến sĩ
được trui rèn, được qua thử lủa
những cánh chim ngày một trưởng thành
kinh nghiệm dạn dày thêm
đất nước trông chờ vào lớp người tiếp nối.
 
Thủ trưởng của tôi có năm con từ năm lần về phép ngắn
sau những tháng năm biền biệt xa nhà
tất cả trông vào sự tảo tần
của người vợ nắng mưa gắn cùng đồng ruộng
cha mẹ già đã mắt mờ chân chậm
bổn phận làm con song không thể bên người
những nỗi niềm day dứt không nguôi
đấy trắc ẩn khi trở trời trái gió
thương mẹ cha, thương con và thương vợ
hết Biên giới, Đông Khê, Bắc Cạn, Điện Biên[11]
đêm ngủ rừng tiếng gió rít qua phên
nghĩ đến quê nhà nghe gió lùa mất ngủ
là trách nhiệm và cũng là chỗ dựa
của vợ con, của cả gia đình
về phép dăm hôm có bao việc linh tinh
rào lại cổng và đan thêm cánh liếp
ngoảnh lại ngoảnh đi thời gian đã hết
lại chia tay bịn rịn lên đường
nhìn đàn con nheo nhóc đến thương
chân đi đất, áo phong phanh đến lớp
vẫn thầm nghĩ mình vẫn còn hạnh phúc
hơn bao người ngã xuống bởi đạn bom
thịt xương vùi dưới lớp cỏ xanh
hay đá sỏi trên đường hành quân vội
thương và yêu kết thành tiếng nói
thành lời thề với Tổ quốc thân thương
thành niềm tin vượt qua lúc phân vân
thành nghị lực khi đụng đầu gian khổ.
 
Đến với Trường Sơn những ngày gian khó
các chú, các anh hiểu thế nào là vạn sự khởi đầu nan
thiếu thốn trăm bề từ giọt nước, bát cơm
sống xa lánh giữa rừng thiêng nước độc
trong soi mói của mắt nhìn thù địch
xa nhân dân nỗi đau đớn muôn đời.
 
Cả những khi đường đã mở được rồi
bom đạn dội suốt đêm ngày ác liệt
có đồng đội giữa lằn ranh sống, chết
cảm thấy mình đơn độc với rừng xanh
trong nghĩ suy thoáng chao đảo niềm tin
giấu trong tâm những phút giây dao động
các chú, các anh là người xốc dậy
tạo niềm tin bằng chính trái tim mình
gặp hiểm nguy sẵn sàng chấp nhận hy sinh
nhường thuận lợi cho bạn bè, đồng đội
những cử chỉ ân cần thay tiếng nói
tình yêu thương cao hơn mọi lời ca
theo thời gian, theo năm tháng, hiện ra
tình đồng đội thêm ấm nồng, gắn bó.
 
Trước nhiệm vụ đêm ngày luôn trăn trở
làm sao có nhiều hàng chi viện miền Nam
làm sao những cung đường, những trạm hành quân
ba lô giảm bớt cân để sức người đỡ mệt
làm sao đường bớt lầy, đèo bớt dốc
máu bớt đổ vì những lý do cẩu thả, chủ quan.
 
Công việc gần và những dự định mênh mông
cứ trăn trở đêm ngày trong lòng Tư lệnh
cơ giới hóa thay người sẽ tạo ra sức mạnh
nhưng vận dụng ra sao, ở đâu, nơi nào
rồi phối hợp chỉ huy, binh chủng hiệp đồng
không hề dễ khi lần đầu tiếp xúc
để có một quyết tâm dứt khoát
là quan tâm, sâu sát con người.
 
Với chiến tranh, quy luật của muôn đời
mỗi quyết định đều đo bằng xương máu
thời cơ đến phải nhanh tay quyết đoán
tìm mọi đường đi đến thành công
chiến tranh nhân dân là sức mạnh vô song
là người lính hiện thân bằng xương thịt
là những tâm tư của bao số phận
đặt ra từ mái tranh xa tít tận quê nhà.
 
Chỉ tiến công, tư tưởng tiến công
là động lực cho con đường phát triển
nghĩ và nghĩ cho ta thêm sáng kiến
phòng tránh ư? phòng tránh đến bao giờ?
cơ giới ư? kẻ địch vẫn còn kia
độ nham hiểm ngày càng cao hơn trước
thời tiết địa hình Trường Sơn khắc nghiệt
chinh phục chẳng dễ dàng, ngày một khó khăn hơn.
 
Nhưng mệnh lệnh cao hơn là đòi hỏi của chiến trường
không thể cứ duy trì suy nghĩ cũ
phải tập trung cho con đường rộng mở
cơ giới tăng lên để giảm bớt sức người
muốn sản lượng tăng phải chạy đua với địch, với trời
đánh địch, tránh địch mà đi, mở đường mà tiến
khống chế máy bay để hàng qua trọng điểm
thêm đường tránh, đường vòng cho mọi chuyến xe qua
mở thêm trục dọc, nối liền trục ngang
che mắt địch bằng “đường khép kín[12]
bám trọng điểm để thêm nhanh quyết định
binh chủng hiệp đồng trên khắp ngả Trường Sơn.
 
Và thành công nối tiếp những thành công
càng sáng tạo càng tăng nhanh sản lượng
từ đường mòn lầy lội
tiến lên hành quân cơ giới hai chiều
mở đường quân đi, mở đường xe đi
cho đại pháo, xe tăng chuyển vào mặt trận
địch ngỡ ngàng khi xe tăng xuất hiện
không hiểu cách nào tăng vào được miền Nam
làm thế nào tăng vượt đỉnh cao nguyên
để bây giờ có xe tăng xuất kích
để đáp ứng nhu cầu chiến dịch
có xe cơ động cả quân đoàn vẫn đảm bảo thời gian
đường ống dẫn dầu leo qua đỉnh Trường Sơn
vượt suối, vượt sông vào tận những cánh rừng cao su Nam Bộ
những kho hàng chìm dưới tầng đất đỏ
khuất dưới những vòm cây lá xanh
nằm trong lòng yêu nước của nhân dân
tất cả sẵn sàng cho mùa chiến dịch.
nhiều người gọi đó là kỳ tích
nhưng đó là sự thật có trên đời
được xây nên bằng máu xương, trí tuệ, mồ hôi
của các thế hệ Trường Sơn bao năm dài gian khổ.
 
Kỳ tích ấy gắn với những ngả đường, với bao tên tuổi
những cánh chim đầu đàn
           Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính, Đồng Sỹ Nguyên…
và rất nhiều người có danh và chưa được lưu danh
làm sống dậy Trường Sơn bằng trái tim tuổi trẻ
những người bằng việc làm và địa bàn cụ thể
biến chi viện miền Nam thành những chuyến hàng
biến đường mòn thành trục dọc, trục ngang
đáp ứng nhu cầu mặt trận.
 
Là tướng lĩnh nhưng cũng là người lính
từ các chú, các anh sức nóng tỏa ra
xuống binh trạm, sư đoàn, trung đoàn, giao liên và chiến sĩ lái xe…
thành đội ngũ trải dọc dài đất nước
rộn rã suối khe, hình thành vẻ đẹp
của một thời lịch sử vẻ vang
để con đường Trường Sơn
đủ sức mạnh trong cuộc đụng đầu lịch sử
lưu dấu đậm dòng chữ vàng rực rỡ
của thời đại mình và dân tộc Việt Nam.


 

 
Chương 6. CHI NHÁNH / CHI LƯU
 

Đường trên biển
 
Khi ý tưởng hình thành mở đường Trường Sơn
nhiều phương thức được đưa ra thảo luận
xuyên núi rừng, là phương án một
con đường từng quen thuộc lâu nay
những dốc cheo leo, những cánh rừng dày
là cách thức dễ dàng che mắt địch
nơi hoang vu dễ giữ gìn bí mật
nhưng được bao nhiêu nếu chỉ sức gùi thồ
làm sao đưa nhanh hơn, nhiều hơn
năng suất cao mà thời gian lại ngắn
với đường biển có nhiều điều thuận
hiệu suất cao lại không tốn nhiều người
nhưng mặt biển phơi ra dưới ánh sáng mặt trời
trước con mắt của kẻ thù rình rập
thực không dễ tạo bức màn bí mật
phải làm sao tháo gỡ khó khăn này
lại trở về với nguyên lý xưa nay
dựa vào dân sẽ tìm ra cách vượt !
 
Lòng đã đồng và tâm đã quyết
những tiểu đoàn 301, 603 từ đó ra đời
603 lo đường biển, 301 lo đường rừng
tất cả đều lặng thầm, tất cả đều bí mật
nhằm một mục tiêu: chi viện chiến trường.
 
Có biết bao công việc âm thầm mà thật sự khẩn trương
được chuẩn bị trong những ngày tháng ấy
tuyển lựa người nhiệt thành cùng lý tưởng
hiểu biết biển sông, thông thạo lạch luồng
biết nghe gió trời trong, xem ráng đỏ, mây đen
biết xử lý khi ngặt nghèo gặp địch
biết bình tĩnh đối diện cùng cái chết
dám hy sinh để gìn giữ con đường…
 
Người và tàu tìm đều khó như nhau
phải nghiên cứu vùng miền để làm sao phù hợp
phải tính toán dáng hình và công suất
đạt hiệu quả cao và giải thoát thật nhanh.
 
Rồi bến bãi miền Trung, bến bãi miền Nam
sao kín đáo, giải phóng hàng nhanh gọn
sao thuận lợi ngụy trang che mắt địch
hàng lấy xong vẫn không lộ con đường.
 
Kẻ thù ư? Đâu thể dễ coi thường
trên mặt biển chúng là người chủ động
phương tiện ư? Chúng có thừa sức mạnh
nham hiểm, tinh ranh, kiến thức có thừa
lớp hàng không mẫu hạm ngoài xa
lớp khu trục và máy bay do thám
đồn bốt ken dọc cửa sông, cửa biển
suốt đêm ngày ở những điểm khả nghi
lũ tay chân có phương tiện tinh vi
rải hỗ trợ nắm thông tin chiến sự
chúng đinh ninh con chim bay khó lọt
tàu thuyền nào xâm nhập được vào Nam
chúng biết đâu voi chui được lỗ kim
nhờ lòng dân và tinh thần quả cảm
cuộc đấu trí nhiều năm dài trên biển
kẻ thù phải thốt lên: thật quá lạ lùng!
 
Chuyến đầu tiên tàu không số lên đường
mang theo bao niềm tin và hy vọng
nào vũ khí, thuốc men, đồ dùng thể nghiệm
sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra
giới tuyến nhòa cùng biển rộng bao la
đêm giao thừa năm 1960, tàu âm thầm xuất bến
điện vào Nam cho người ra đón
chân đèo Hải Vân, theo ám hiệu ánh đèn
người đi rồi bao ánh mắt dõi theo
ruột lửa đốt chờ một dòng tin báo.
 
Nhưng một ngày, năm ngày, rồi một tháng
không một dòng tin về tàu đã ra khơi
bao tình huống đặt ra, đều không được trả lời
tàu gặp địch hay vì sao mất tích?
các thủy thủ ai còn ai mất?
bí mật con đường có bị lộ hay không?
 
Cay đắng, đớn đau nén chặt đáy lòng
lại chuẩn bị, lại tìm phương án mới
mọi công đoạn đều được rà soát lại
từ luồng lạch, thuyền bè, bến bãi, thông tin
tìm thị trường mua dụng cụ, thuốc men
thêm vũ khí đề phòng khi đụng địch
nêu tình huống và đêm ngày luyện tập
chọn thời cơ để tiếp tục lên đường.
 
Tháng 10-1962, chuyến đầu tiên vào Vàm Lũng[13] thành công
gắn với những anh hùng Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một
những tấn vũ khí đầu tiên đến với miền Nam ruột thịt
như cánh tay ngăn tàn bạo quân thù
sức mạnh ngầm giữ vững đất chiến khu
và trang bị những trung đoàn, sư đoàn chủ lực
cho đồng khởi toàn miền thêm bền vững
cho mỗi ngày vùng giải phóng rộng thêm…
 
Những chuyến tàu vào Nam Bộ hanh thông
nhờ yếu tố bất ngờ và địa hình thuận lợi
Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre nhiều rừng dày và cửa sông rộng rãi
dễ đổ hàng và giấu tàu nhanh
nhưng miền Trung, cả dải đất miền Trung
nỗi mong đợi cũng vô cùng khẩn thiết
nhưng bãi cát dài và cửa sông chật hẹp
không dễ dàng cho tàu cập bến, rời đi
biết bao nhiêu phương án đặt ra
và tập dượt như là ra trận thật.
Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định
Bà Rịa - Vũng Tàu… khảo sát, sẵn sàng
không có bến sông ta lập bãi ngang
thả hàng xuống, tàu đi, rồi cho thuyền vớt lên chuyển tiếp
biển lớn rộng mà cũng là chật hẹp
cũng không ai tính được hết chữ “ngờ”
có biết bao tình huống xảy ra
thử thách bản lĩnh người chiến sĩ
gặp bão tố là mối lo thứ nhất
đụng kẻ thù cũng nhiều chuyến “đứng tim”
chuẩn bị “hủy tàu” khi thấy địch vây quanh
dây cháy chậm đã kết vào thuốc nổ
dù hồi hộp dâng lên cực điểm
vẫn bình tâm, không hoảng loạn xảy ra
lưới vẫn đan, vẫn nấu nước pha trà
vẫn đi lại không mảy may hoảng hốt
những giây phút có thể là khủng khiếp
trôi qua đi trong ký ức âm thầm
chỉ sau khi mọi chuyện đã yên hàn
được nhắc lại cùng nụ cười sảng khoái
ai hiểu hết những chiến công dữ dội
căng mình ra với biển, với quân thù.
 
Không thể nào quên “sự kiện Vũng Rô”[14]
bước chân khựng của đường mòn trên biển
ba bốn chuyến tàu đi và đã đến
biển Vũng Rô đã quen thuộc hành trình
hàng đến Vũng Rô, thuận lợi an toàn
là dữ liệu cho tàu 143 lên đường xuất phát
đúng ngày hẹn, con tàu đến đích
chỉ có điều chậm một chút thời gian
đêm qua nhanh chưa kịp bốc hết hàng
không đúng với hiệp đồng
những phương án cần một lời giải đáp:
“- quay ra khơi hay ngụy trang nằm lại ?
“- đã lộ đâu mà cớ sao run sợ ?
“- thôi, ngày mai dỡ tiếp, vẫn an toàn !”
 
Nhưng một ngẫu nhiên (mãi về sau, ai biết, cũng bàng hoàng)
tên phi công tình cờ bay qua Vũng Rô phát hiện “mom đá lạ”
ảnh thám không được đưa ra kiểm nghiệm
lệnh cho bom xăng ném vào điểm khả nghi
ngụy trang cháy rồi, con tàu hiện trơ ra
tàu chiến, máy bay quây vào vây bắt
ta cố gắng hủy tàu mà không được
đánh bộc phá hai lần tàu chỉ vỡ làm đôi
số phận không theo ý muốn con người
đành nổ súng quyết một phen sống chết
cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt
một bên là kẻ thù đủ các sắc binh
một bên là hơn chục chiến sĩ trên tàu cùng du kích, dân quân
quần nhau suốt mười ngày đêm ròng rã
quá chênh lệch, ta rút về căn cứ
nhưng con tàu thì không kịp phi tang.
 
Hiện vật bị địch đưa về triển lãm tại Sài Gòn
làm ồn ã rùm beng dư luận
đau xót nhất với chúng ta là yếu tố bất ngờ bị lộ
không thể làm như cách những ngày qua.
 
Sau Vũng Rô ta gặp khó trăm bề
vòng vây biển cứ ngày càng xiết chặt
những mảng miếng đã không còn bí mật
cần tìm ra phương thức mới lên đường
những con tàu vẫn nhằm hướng tiền phương
chiến thuật mới theo thiên hà di chuyển
rồi đột ngột chuyển làn vào cập bến
địch bất ngờ nên khó thể tìm ra.
 
Lại những chuyến lên đường đến với những biển xa
những chuyến hàng âm thầm ra tiền tuyến
biển yêu thương ôm vào lòng biển
những trái tim và chí khí kiên cường
trải gian nan nên lắm lớn khôn
nhưng rủi ro tăng nhiều so với trước
tàu xuất bến không thể nào đi được
lại quay về, chờ đợi thời cơ
có chuyến đi không thể quay về
tàu đụng địch đôi bên giao chiến
thế địch mạnh không có đường thoát hiểm
ta phá tàu tìm mọi cách phi tang
ra quyết định cuối cùng là chính trị viên
cũng là người rời con tàu sau chót
người của đảng nhận về mình cái chết
để xây nên uy tín Đảng mình
dù tấm thân phải chịu hy sinh
nhưng ý chí được nâng thêm một bước
lẽ sống đẹp và tấm lòng bất khuất
mãi còn ghi trong sâu thẳm tim người
như vinh quang còn mãi với biển khơi
như chiến công khắc ghi vào lịch sử
đã có những con người, con tàu như thế
trong những ngày gian khổ khốc liệt kia.
 
Chiến tranh khác đi, phương thức cũng khác đi
kẻ thù buộc ngừng ném bom miền Bắc
đổi phương thức, ta chuyển hàng gián tiếp
theo biển tới Quảng Bình, rồi đi tiếp Trường Sơn
qua điều nghiên, cần tạo bất ngờ hơn
chuyển trực tiếp trên đường ra mặt trận
hòa với biển, ta công khai hoạt động
lẫn trong dân như tất thảy mọi người
cũng giấy tờ hợp pháp, công khai
cũng lưới cụ như người dân đánh cá
cũng chủ vựa, nhưng chỉ là “chủ giả”
che mắt quân thù, chở vũ khí về Nam
trên phương diện công khai ngỡ tất cả bình thường
nhưng hoạt động là tuyến đường bí mật
người lái tàu là người dân yêu nước
quy tụ về từ nhiều ngả quê hương.
dù còn nhiều vất vả gian nan
nhưng lòng dân là lưới che mắt địch
hàng và người vẫn đi về đến đích
góp sức vào sự nghiệp lớn nhân dân.
 
Mười sáu năm con đường, sáu ngàn ngày gian nan
chỉ có biển là người thấu hiểu
vì Tổ quốc bao người con trung hiếu
tâm lực đổ ra, xương máu đổ ra
cho một ngày toàn thắng nở hoa
cho đất nước có một ngày thống nhất
biển tự hào vì có mình góp sức
và dịu dàng xoa những vết thương đau
mặt biển xanh, xanh mãi đến mai sau
mấy ai hiểu độ nông sâu và những hy sinh trên biển?
 


Con đường không cần giấu nữa
 

Cùng biển xanh, trời xanh, còn những con đường quá cảnh
những yếu nhân, hay vũ khí thuốc men
công khai đi bằng đường thủy, đường không
qua cảng Sihanoukville, qua phi trường Pochentong[15]
dưới những “mã” không thể nào phát hiện
nửa công khai và nửa kia bí mật
tình báo địch dò mà không thể lần ra
theo giao liên trên kênh hay xuyên rừng già
về các chiến trường với biết bao công việc
dù xuất hiện trong thời kỳ đặc biệt
hàng trăm, hàng nghìn chuyến như thế đến và đi
cánh tay gần giảm bớt quãng đường xa
có cội nguồn từ nghĩa tình hữu nghị
từ suy nghĩ chân thành giản dị
chung một kẻ thù, chung tình nghĩa anh em
bạn độc lập hòa bình
cũng như mình hòa bình, độc lập
sợi dây vô hình mà bền chặt
góp cho chiến thắng một thời và cho cả tương lai.
 

Đường tiền
 

Không có tiền sẽ chẳng hoạt động được gì đâu
thời đánh giặc hay là thời xây dựng
nhưng kiếm tiền, tiêu tiền đều nằm trong quy luật
không dễ điều hành nếu không biết thu chi.
 
Khác với chín năm kháng chiến trường kỳ
không gian của chiến trường, thị trường là một
lần này thì rất khác
tiền tuyến hậu phương, nối liền mà cách biệt
chiến trường và thị trường xa cách không gian
thu một nơi mà chi lại một nơi
nửa công khai và nửa kia bí mật
tiền đến, tiền đi, như dòng nước xiết
không mấy ai hiểu hết cả con đường.
 
Đất nước còn nghèo phải chiu chắt từng đồng
cân chè, tấn than, thanh tre, củ lạc
chút viện trợ của bạn bè góp sức
dồn vào chi viện miền Nam
sống đói nghèo mà lòng dạ sáng trong
không gợn chút nghĩ suy vẩn đục
chỉ mong ước hàng nhanh đến đích
không một ai tính chuyện tơ hào
những tấm lòng vì lý tưởng lớn lao
rực sáng mãi trên bầu trời thanh khiết!
 
Vượt Trường Sơn dù đạn bom ác liệt
mặc bom tấn, bom xăng, bom phá, bom bi
vẫn những “chuyến hàng đặc biệt” chuyển đi
biết tổn thất không dễ gì bù đắp.
đường biển dù cũng nhiều bất trắc
tiền theo tàu không số vào Nam
dù đã lường mọi tình huống bất thường
cũng không tránh được nỗi đau tổn thất.
 
Trong khó khăn nảy sinh nhiều cách
“chế biến tiền”[16] từ ngoại tệ chi tiêu
nhưng rất nhiều những trắc trở không đâu
gây ách tắc thành lỡ bao công việc
những trăn trở để đồng tiền thông suốt
phải có tiền ngay nơi đất đứng chân
lại trở về với trí tuệ nhân dân
xây cơ sở ngay trong lòng địch
những thương gia chính là mắt xích
tiền qua đây chuyển đến, rút ra
táo bạo hơn giữa đường phố xa hoa
có “đại gia” trở thành cơ sở
theo đường dây, tiền chuyển vào căn cứ
nhận trả về từ tít tận trời xa
bao bạn bè vì sự nghiệp giúp ta
để tiếp cận những ngân hàng trên thế giới
cách chuyển khoản tạo ra phương thức mới
nhanh, an toàn và thất thoát ít hơn
qua đồng tiền không chỉ có lòng tin
còn lắng kết cả tấm lòng nghĩa khí
tiền chuyển đi rồi đợi chờ ngày trả
gửi lòng tin qua mảnh giấy bình thường
có thể cả cơ đồ sự nghiệp tan hoang
nếu sơ sẩy, nếu một lần trục trặc
nếu không may bị kẻ thù phát hiện
là khảo tra, bắt bớ, tù đày
là chấm dứt con đường đi tới tương lai
kết thúc cuộc đời, lao đao sinh mạng
nhưng vẫn có bao tấm lòng hào sảng
người Pháp, người Hoa, người Việt, người Lào
ở miền Nam và khắp bốn phương trời
lặng lẽ âm thầm góp sức cùng cách mạng
mỗi người một mảnh đời bí mật
để làm nên sức sống con đường
để làm nên sự sôi động đồng tiền
đến với chiến trường, với người chiến sĩ
con đường ấy ngày một dần hé lộ
để cho ta thấy kỳ diệu lòng người
để cho ta thấy muôn mặt một thời
làm nên Trường Sơn vĩ đại!


 
 
 

 
Chương 7.  HẠNH PHÚC
 


Lễ mừng công tổ chức giữa Sài Gòn
rợp trời cờ hoa, nghẹt đường xe cộ
đêm pháo hoa tím vàng xanh đỏ
xác pháo rơi phủ kín bến Bạch Đằng
lại nhớ về đất nước thuở tối tăm
từ bến sông này Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
bao năm bôn ba, bao điều chọn lọc
lý tưởng mang về là độc lập tự do
là nhân dân hạnh phúc ấm no
giờ hiện diện trong lòng tay có thực
bao trí tuệ mấy ngàn đêm thao thức
bao tháng ngày trải nghiệm gian nan
từ Xô-viết buổi đầu Hà Tĩnh, Nghệ An
qua đau thương Nam Kỳ khởi nghĩa
Bắc Sơn, Đô Lương chìm trong máu lửa
cho một ngày tháng Tám mùa thu
nghe rưng rưng giọng nói Bác Hồ
hào sảng đọc Tuyên ngôn độc lập
nhưng niềm vui chưa hề trọn vẹn
mới hơn hai mươi ngày
kẻ thù trở lại xâm lăng
chà đạp lên tự do độc lập
sau tuyên thệ “Độc lập hay là chết”
tiếng súng lại vang trên đường phố Sài Gòn
 
cùng quyết tâm tất cả đồng lòng
dù gánh chịu gian lao, vẫn lên đường kháng chiến
theo tiếng gọi non sông chẳng nề nguy hiểm
dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng[17]
lời thiêng liêng và quá đỗi hào hùng
thấm vào máu, vào tim, vào óc
thành ý chí trong nỗi niềm dân tộc
thành tấm lòng dám chấp nhận hy sinh
thành ngọn lửa hồng giữ vững niềm tin
thành nghị lực vượt qua gian khó
thành trăn trở mở đường trí tuệ
thành nghĩ suy công việc hằng ngày.
 
Đi bên em tay ấm trong tay
thấy hạnh phúc về một thời tuổi trẻ
thấy tự hào đồng hành cùng thế hệ
được dấn thân với đồng chí, đồng bào
được góp sức nhỏ nhoi vào chiến thắng hôm nay
như lẽ phải và lương tâm kêu gọi
hạnh phúc lớn được đi cùng thời đại
trên con đường mà ta sinh ra.
 
Ta hiểu thêm ánh mắt mẹ nhìn buổi sáng chia xa
mẹ không khóc mà lệ tràn ướt má
mẹ rất biết nơi chiến trường khói lửa
hòn đạn mũi tên đâu có mắt tránh người
những đứa con hạnh phúc lớn ở đời
giọt máu của mẹ cha, nếu chẳng may ngã xuống
trái tim mẹ làm sao không đau đớn
nỗi đau buồn đâu ngày một ngày hai
nhưng mẹ không muốn con bó hẹp cuộc đời
nghĩ nông cạn trong tầm nhìn ích kỷ
để con đi cùng bạn bè, anh chị
góp sức mình cùng sức mạnh nhân dân
khắp làng quê từ Bắc chí Nam
có biết bao mẹ già như thế
nuốt nhớ thương vào trong lòng mẹ
giấu hy sinh trong những cuộc chia ly
những đêm buồn lòng dạ tái tê
nếu con mẹ không bao giờ về lại
ai sẽ đến những vùng quê xa ngái
đem niềm vui hôm nay đến với mẹ, với cha
vui và đau trong tiếng khóc vỡ òa
tiếng khóc ấy đã làm nên đất nước.
 
Ai sẽ hiểu những nỗi đau nhức buốt
anh chị tôi và bạn bè tôi
gắn với Trường Sơn hàng chục năm trời
gắn với chiến trường tháng năm khốc liệt
từng đối diện nhiều lần cùng cái chết
giờ về quê vẫn chưa thể yên bình
thuốc khai quang địch rải xuống rừng xanh
chất độc thấm vào tận xương, vào máu
bao thế hệ vẫn còn kia di chứng
những đứa con không thể lớn thành người
những quái thai ám ảnh suốt đời
đau đớn lặn trong một cơ thể sống
giọt yêu thương mà trở thành gánh nặng
ai cưu mang khi cha mẹ qua đời
những nỗi đau không nói được thành lời
cứ dai dẳng và âm thầm tồn tại
ai hiểu hết mảnh đời người đang trải
vui chung nào xóa được nỗi riêng kia
xin mở lòng cùng gặp gỡ, sẻ chia
để gánh nặng đỡ đi phần chịu đựng
hiểu hạnh phúc mà ta đang hưởng thụ
có nỗi đau không nói được thành lời.
 
Vui hôm nay lại nhớ những con đường
từ nô lệ đến tự do độc lập
từ nghèo đói vươn lên ấm no hạnh phúc
bao bàn chân lớp lớp nối nhau đi
 
nhớ Trường Sơn ta đã từng qua
bước trên lối mòn ra tiền tuyến
bước ngoặt cuộc đời mở ra từ đấy
cũng từ con đường ấy lớn lên
con đường ấy tôi song hành cùng em
vượt gian khổ đi đến ngày hạnh phúc
trong thẳm sâu dễ gì hiểu hết
tầm cao và kỳ vĩ Trường Sơn
con đường không tên giữa trùng điệp núi non
khuất trong lá, lặng thầm và bí mật
đường của đạn bom, mưa rừng, sốt rét
của vách cao, sông rộng, rừng già
để tương lai từ đó mở ra
gần hai vạn cây số đường dọc ngang chằng chịt[18]
từ đường mòn giao liên chân đất
thành con đường hành quân đại pháo, xe tăng
nghìn cây số đường nấp dưới vòm xanh
thành “đường kín” giữa thanh thiên bạch nhật
hai triệu lượt người qua đây vào miền Nam đánh giặc
và qua đây ra miền Bắc học hành
hai triệu tấn hàng và vũ khí đến với chiến trường
hàng triệu tấn xăng dầu cho xe, cho máy
cái khối lượng khổng lồ vượt đèo vượt suối
trĩu đôi vai mang vác, gùi thồ
trên xe đạp, xe bò, voi, ngựa, ô tô
bùn lầy mùa mưa, bụi mù mùa nắng
bom pháo trên trời, địch càn dưới đất
khối lượng đạn bom dội xuống đây chưa từng có bao giờ
thám báo gian manh và phương tiện tinh vi
tất cả cho mục tiêu đánh phá.
có mất mát nhưng không sụp đổ
có đau thương nhưng vẫn vững tinh thần
và con đường ngày một lớn lên
nguồn lực lớn góp vào trận cuối cùng quyết định.
 
Cảm ơn rừng cho màu xanh che mắt địch
cảm ơn sông suối giúp đưa hàng đến đích
cảm ơn đồng bào Pa Kô, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai… che chở nuôi ta
cảm ơn các chị các anh trụ bám với rừng già
trong thiếu thốn, gian nan, khốc liệt
với dũng cảm, yêu thương, tâm huyết
bao tháng năm gắn bó với con đường
để nối liền tiền tuyến hậu phương
để Bắc Nam mạch máu lưu thông
dâng sức mạnh cho ngày chiến thắng.
 
Hai vạn người trong các chị các anh ngã xuống
xương thịt, linh hồn hòa với cỏ cây
hòa với suối ngàn, hòa với trời mây
hòa với lòng người, hòa cùng đất mẹ
biết bao người gửi một phần cơ thể
để lại cả quãng đời tuổi trẻ
với mưa nắng Trường Sơn, với đất đá con đường
để đến khi trở lại với đời thường
trái gió trở trời vẫn vết thương đau nhức
có đồng đội chỉ sống bằng tiềm thức
mà chẳng còn nhận thức của hôm nay
Trường Sơn ùa về cả trong giấc ngủ say
với tiếng thét xung phong diệt địch.
 
Không ít người lỡ một thời hạnh phúc
muốn tịnh tâm quên năm tháng bốn mùa
đã sang áo nâu sồng mà nghe tiếng chuông chùa
ngỡ tiếng kẻng ra mặt đường làm nhiệm vụ.
 
Sau tất cả và vượt lên tất cả
trong thẳm sâu là hạnh phúc tự hào
Tổ quốc cần, ta tự nguyện gửi trao
hết tâm sức cho niềm tin cao đẹp
biết hành động vì những điều hữu ích
cho hôm nay và gửi lại mai sau.
 
Dù các anh các chị ở nơi đâu
hãy về đây vui cùng đất nước
trong chiến thắng hào hùng hôm nay có được
trên con đường dân tộc đi qua
có máu xương các anh chị đổ ra
có nhiều lắm những hy sinh mất mát
như hạt cát cùng xây nên cột mốc
thành tượng đài của thế kỷ 20
để Việt Nam không hổ thẹn trước loài người
tồn tại mãi với hành trình dân tộc.
 
Hà Nội, 1984 và thành phố Hồ Chí Minh, 2015 - 2017
 


[1] Tại Hội nghị Giơnevơ, Trưởng phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng đấu tranh lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời, nhưng do sức ép và thỏa hiệp của những nước lớn, cuối cùng phải chấp nhận ở vĩ tuyến 17 (Theo Những cuộc thương lượng lịch sử thời đại Hồ Chí Minh, 2008)

[2] Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, khóa II, họp hai đợt (tháng 1 và tháng 5-1959), sau nhiều tranh luận ra Nghị quyết, nêu chiến lược về cách mạng miền Nam, trong đó nhấn mạnh phương thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
 
[3] Vĩnh Trinh, Chợ Được (Quảng Nam), Hướng Điền (Quảng Trị), Bình Thành (Đồng Tháp), Ngân Sơn - Chí Thạnh (Phú Yên).
[4] Liên tưởng tới thơ Lý Bạch trong bài Thục đạo nan.
 
[5] Một trong ba trọng điểm: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhich, (viết tắt  ATP) là cụm trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt.
[6] Ý thơ của Phạm Tiến Duật
[7] Đường đi không đến là tên một tác phẩm của nhà văn đào ngũ Xuân Vũ
 
 
[8] Ý thơ Phạm Tiến Duật
[9] Một hình thức diễn xướng sử thi anh hùng (trường ca) của người Ê Đê và nhiều dân tộc khác ở vùng Tây Nguyên
 
[10] Lời trong bài hát Tháng ba Tây Nguyên, nhạc Văn Thắng, thơ Thân Như Thơ
 
[11] Một số chiến dịch lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946- 1954
 
[12] Đường dưới rừng già và ngụy trang thêm để xe chạy được ban ngày mà địch không thể phát hiện.
[13] Một cửa sông thuộc xã Tân An, tỉnh Cà Mau
 
[14] Một vụng biển gần Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
 
[15] Sihanoukville, Thành phố cảng mang tên Quốc trưởng Norodom Xihanouk, nằm ở phía nam Campuchia bên vịnh Thái lan; phi trường Pochentong ở Phnom Pênh, thủ đô Campuchia
 
[16] Cách thức đổi các loại ngoại tệ mạnh thành tiền tại chỗ để chi tiêu
[17] Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
[18] Vài số liệu chủ yếu về Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh: Xây dựng hệ thống đường bộ dài 16.800 km, với 5 trục dọc và 21 trục ngang, trong đó có 800km đường kín ngụy trang bằng tán rừng tự nhiên, 600km đường sông. Xây dựng 1445km đường ống dẫn xăng dầu. Trên đường bộ, vận chuyển, tổ chức hành quân cho 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào ra; vận chuyển hơn 1,1 triệu tấn hàng hóa vật chất kỹ thuật;  đường biển vận chuyển 44.324 tấn, đường không 31.000 tấn, cùng nhiều nhân vật quan trọng. Đã có gần 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh và 32.000 bị thương trên tuyến đường này. (Theo Lịch sử bộ đội Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh; Lịch sử Lữ đoàn 125 hải quân)
 

tin tức liên quan