Chị Thuyên, truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 07:47 11/05/2018 Lượt xem: 484

                                                                     Chị Thuyên


                                                    Truyện ngắn của Xuân Tuynh


            Trung tuần tháng tám năm hai nghìn mười, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Khánh Hòa có chuyến đi thực tế sáng tác ở các tỉnh phía Bắc. Ngày về, theo nguyện vọng của anh chị em thành viên trong đoàn, chúng tôi không theo Quốc lộ 1A mà đi đường Hồ Chí Minh để có dịp về nghĩa trang Trường Sơn, một địa danh từ lâu tôi khao khát được tới thăm viếng.

            Một buổi sáng mùa thu, Trường Sơn còn ngủ trong màn sương trắng mênh mông, chúng tôi đã có mặt ở nghĩa trang Trường Sơn. Đã liên hệ trước, Ban quản lý nghĩa trang mở cửa cổng từ sớm đón đoàn chúng tôi. Sau ít phút chào hỏi xã giao, Ban quản lý cử người hướng dẫn chúng tôi đến dâng hoa, thắp nhang lên tượng đài Trường Sơn và lần lượt đi thắp nhang lên các phần mộ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn trong suốt những năm dài đánh Mỹ.

             Nghĩa trang Trường Sơn được chia thành hai khu. Khu A và khu B. Trong mỗi khu đều được chia ra theo địa danh từng tỉnh. Liệt sĩ quê quán ở tỉnh nào được quy tập theo tỉnh đó. Tôi quê ở Hà Nam, trước tiên tôi tìm đến địa phận của tỉnh Hà Nam thắp nhang và cũng để tìm kiếm xem có người quen thân không. Phần mộ của tỉnh Hà Nam ước chừng ngót một nghìn mộ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh tôi có hàng vạn thanh niên nam, nữ ra mặt trận. Trong số đó nhiều người có mặt ở Trường Sơn ngay từ những năm đầu ra đời con đường. Riêng xã tôi cũng có cả chục người từng chiến đấu và hy sinh ở Trường Sơn.

              Cầm trên tay một bó nhang to khói bay nghi ngút, tôi vừa bước chân tới khu mộ tỉnh Hà Nam thì có một con bướm vàng bay trước mặt rồi nhẹ nhàng đậu vào vai áo tôi, rồi lại bay lởn vởn trước mặt, tôi có cảm giác con bướm muốn dẫn dắt, mách bảo cho biết một điều hệ trọng. Tôi đi theo hương con bướm bay. Đến ngôi mộ thứ mười, đột nhiên con bướm đậu vào một bông cúc quỳ nở vàng trên mộ, mắt tôi bỗng nhòe đi, tim đập mạnh khi nhìn vào dòng chữ màu đỏ khắc sâu trên bia mộ: “Nguyễn Thị Thuyên, sinh ngày... tháng... năm, quê quán... hy sinh ngày... tháng... năm... thuộc đại đội... Tiểu đoàn... Tôi không tin vào mắt mình, vội lấy khăn lau mắt kính, nhìn gần vào tấm bia. Đúng rồi, đúng mộ chị Thuyên rồi! Tay tôi run run cắm cả bó nhang lên mộ phần chị Thuyên và thầm kêu: “Chị Thuyên! Chị Thuyên ơi! đã hơn ba chục năm nay em đi tìm kiếm, dò hỏi tin tức về chị. Không ngờ chị lại nằm ở đây”. Tôi thầm cảm ơn bướm vàng đã mách bảo, dắt tôi đến phần mộ chị Thuyên. Tôi đã ngồi lặng trước phần mộ của chị Thuyên rất lâu và thiếp đi cho tới khi mặt trời lên cao, màn sương trắng trên những ngọn cây tan hết, ong bướm bay lượn rập rờn trên các ngôi mộ, thì nghe tiếng anh em trong đoàn gọi, tôi mới bừng tỉnh đứng lên, chào tạm biệt chị Thuyên, ra về cùng đoàn.


                                                                                          *


               Chị Thuyên nhiều hơn tôi hai tuổi. Lớn tuổi hơn nhưng chị đi học muộn hai năm, nên tôi và chị học chung một lớp. Nhà tôi ở xóm trên, nhà chị ở xóm dưới. Sáng nào đi học tôi cũng xuống nhà rủ chị đi cùng. Chị Thuyên năm mười lăm, mười sáu tuổi rất đẹp gái. Gương mặt tròn, nước da trắng nõn, đôi mắt đen lay láy ai nhìn cũng yêu. Thú thực ngày ấy tôi cũng rất yêu chị, yêu cảm tính của tuổi học trò. Vào những đêm trăng sáng, lũ trẻ chúng tôi thường kéo nhau ra sân kho hợp tác xã, dưới bóng đa cao rộng chơi trò bịt mắt bắt dê. Nhiều lần tôi bịt mắt đi vòng quanh tìm bắt dê, tôi đã vô tình chạm vào bộ ngực thanh xuân của chị Thuyên. Tôi đã run bắn người lên. Tôi kéo mảnh vải bịt mắt ra, nhìn thấy mặt chị Thuyên đỏ bừng. Tôi mắc cỡ bỏ đi. Chị chạy theo túm lấy tay tôi kéo lại, hôn vội lên má tôi một cái rồi lủi vào tốp con gái đang đứng cười khúc khích. Cái cảm giác rất lạ ấy nó cứ làm tôi nhớ mãi đến giờ, mỗi khi nhớ tới chị Thuyên. Giá như chị Thuyên không phải là họ hàng gần gũi thì tôi đã yêu chị rồi. Chị học giỏi, hát hay, giờ văn nghệ của lớp mỗi khi chị Thuyên cất lên tiếng hát: “Ăn một miếng trầu, gặp đây ăn một miếng trầu...” một làn điệu dân ca Hà Nam quen thuộc trong lớp, bạn trai, bạn gái chỉ biết há hốc mồm ra mà nghe:

               Năm một ngàn chín trăm sáu sáu, khi ấy máy bay giặc Mỹ đã đánh phá ra khắp miền Bắc. Cái làng Thong nhỏ bé của tôi ngày đêm chuyển rung bởi bom đạn Mỹ. Thanh niên trong làng nô nức tòng quân. Tôi cũng lên đường nhập ngũ năm ấy. Nhập ngũ được hai năm, tôi nghe tin chị Thuyên thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm, nhưng chị không đi, tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Chị em tôi bặt tin nhau từ đó. Mãi đến cuối tháng mười năm một nghìn chín trăm sáu chín, đơn vị tôi được lệnh chi viện cho chiến trường miền Nam. Chiều ngày hai tám tháng mười, một chiều mùa thu, trời trong xanh, đơn vị hành quân từ Gia Viễn xuống ga Ninh Bình, để đi tàu vào Vinh. Ngày ấy máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhưng ngành đường sắt vẫn đứng vững, đêm đêm từng đoàn tàu vẫn hối hả vào Nam. Thời điểm đó ra đời một bài hát tụi lính chúng tôi rất yêu thích, thường hay hát đó là bài: “Cây lúa Hàm Rồng” của Đôn Truyền. Trong ca khúc có đoạn ca từ sâu lắng: “... Ơi! đêm đêm nghe nao nức, nghe tiếng con tàu hay tiếng tim em. Ơi! Sông Mã núi Rồng kiêu hãnh biết bao...”.

             Đơn vị của tôi vào chiến trường, nhiều anh em trong đơn vị có người thân đưa tiễn. Riêng tôi không có ai đưa tiễn, trong lòng lúc bấy giờ thấy buồn. Một nỗi buồn mênh mang, khó tả. Nỗi buồn vì một phần không có người đưa tiễn, một phần nhớ miền Bắc, nhớ mẹ, nhớ bạn bè người thân; nhớ cây đa mái đình...

             Tàu chuyển bánh khỏi ga Ninh Bình chừng một tiếng đồng hồ thì các nữ giao liên đến từng ghế phát cơm. “Mời đồng chí nhận cơm, nước uống”. Trong lúc lim dim, mơ màng theo nhịp lắc lư của con tàu, bỗng nghe giọng con gái quen quen, tôi mở choàng mắt ra dưới ánh sáng đèn ne-on trên trần tàu hắt xuống, bất ngờ tôi nhận ra gương mặt thân quen. Đó là chị Thuyên. Tôi kêu lên: “Chị Thuyên, có phải chị Thuyên không?” - Chị Thuyên tay cầm nắm cơm run run, giọng nói như nghẹn lại:
- Chị... đây, chị... Thuyên đây. Cậu Thanh, cậu vào Nam ư? Trời ơi! Ba bốn năm rồi chị em không gặp nhau. Chị thấy cậu khác nhiều quá!...

            Chị Thuyên đi phát cơm xong, quay lại ngồi tâm sự với tôi. Hai chị em ngồi nói chuyện với nhau suốt chặng đường từ ga Thanh Hóa vào đến ga Vinh. Chúng tôi xuống tàu để vượt sông Lam. Trước khi chia tay, hai chị em ôm nhau bịn rịn. Từ đó tôi vĩnh viễn xa chị.

            Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi về quê, xuống nhà chị, hai bác đã mất, ngôi nhà trống trải không còn ai. Hỏi hàng xóm người ta bảo, cô Thuyên năm sáu tám đi bộ đội. Từ đó không có tin tức gì. Chẳng hiểu sống chết thế nào. Giấy báo cũng không có hoặc có mà bị thất lạc, không về tới gia đình. Ông bà Thuyên mòn mỏi đợi chờ tin con trong nỗi tuyệt vọng. Thiệt tội nghiệp, gia đình có mỗi một cô con gái.

            Từ đó tôi quyết tâm đi tìm chị Thuyên. Người chị họ thân thương của tôi, người con duy nhất của bác họ tôi. Lợi thế là nhà báo, tôi có điều kiện đi đến nhiều nghĩa trang khắp mọi miền đất nước, đến đâu tôi cũng tìm kiếm thông tin về chị Thuyên. Không ngờ chị lại cùng chiến đấu với tôi trên một chiến trường mà tôi không hay biết.

           Tôi vô cùng xúc động khi gặp được chị Thuyên, người chị họ của tôi giữa Trường Sơn một sáng mùa thu thanh bình đầy nắng gió. Dù cho chị chỉ còn là nấm mồ. Thế với tôi cũng vô cùng quý giá. Còn may mắn hơn rất nhiều gia đình, cuộc chiến lùi xa bốn mươn năm vẫn chưa tìm kiếm được hài cốt người thân. Nhiều người mẹ, người vợ vẫn mỏi mòn đợi chờ.


                                                                                 *


              Buổi trưa hôm đó, đoàn chúng tôi nghỉ ở nhà khách của Ban quản trang Trường Sơn. Khi ngồi ăn cơm, chuyện trò với các đồng chí trong Ban quản trang. Tôi chú ý một người đàn ông, chừng ngoài năm mươi tuổi, tóc muối tiêu, gương mặt chữ điền, đôn hậu, mang quân hàm thượng tá. Qua tìm hiểu các cán bộ làm việc trong Ban quản trang, được biết ông tên là Quang, Võ Văn Quang, phó ban quản trang. Tôi còn được biết Thượng tá Võ Văn Quang, một cựu chiến binh Trường Sơn được nhiều người quý trọng. Sau ngày giải phóng miền Nam, Thượng tá Quang được chuyển ngành về làm việc ở một cương vị cao trong Bộ Thương binh Xã hội. Nhưng ông đã khước từ, xin được trở lại Trường Sơn công tác. Ông từng chia sẻ với đồng đội: “Trường Sơn là một phần máu thịt của mình. Nơi đây mình đã sống và chiến đấu suốt mười năm trời. Rất nhiều đồng đội thân yêu của mình đã ngã xuống trên Trường Sơn, nhiều người chưa tìm được hài cốt. Mình không thể rời bỏ đồng đội về hưởng một cuộc sống yên bình, đủ đầy vật chất, bổng lộc. Mình phải trở lại Trường Sơn, góp phần dựng xây nghĩa trang, tìm hài cốt đồng đội mang về quy tập trong nghĩa trang. Khi ấy mình mới yên lòng. Đây là món nợ lớn với đồng đội”.

              Nhận thấy ông cùng trạc tuổi với tôi, lại rất thân thiện, cởi mở, tôi đến ngồi gần hỏi chuyện:
- Thưa, thượng tá Quang quê ở tỉnh nào ạ? - Ông cười:
- Tôi quê ở Hà Nam. Còn đồng chí, quê ở đâu? - Tôi rất mừng gặp được người đồng hương ở giữa bạt ngàn Trường Sơn trong một ngày mùa thu đẹp trời. Tôi vồn vã:
- Trời. Tôi cũng quê ở Hà Nam này. Huyện Thanh Liêm. Thượng tá Quang quê huyện nào? - Ông Quang ôm ghì lấy tôi:
- Mình ở Kim Bảng, dân chợ Dầu đây. - Nghe nói đến chợ Dầu tôi rất xúc động. Nơi đây tôi đã từng sống và học báo vụ từ những ngày đầu nhập ngũ. Ở đây tôi có người chị kết nghĩa bán hàng bách hóa ở chợ Dầu. Chị tên là Ngọc, quê ở thôn Do Lễ, cách chợ Dầu chừng ba cây số. Mối quan hệ giữa tôi và chị Ngọc có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt hai năm sống, học tập ở đây. Nhưng thôi, chuyện đó để kể sau. Giờ tôi quay trở lại trò chuyện với vị thượng tá đồng hương xem ông có thông tin gì về chị Thuyên của tôi.
- Thưa anh Quang. Xin phép gọi anh cho gần gũi. Anh Quang làm cán bộ quản lý ở nghĩa trang này nhiều năm, anh có biết nhiều thông tin của các liệt sĩ quê Hà Nam quy tập ở nghĩa trang này không ạ? - Ông Quang cười:
- Biết chứ, biết khá đầy đủ đằng khác nữa. Đồng chí muốn tìm hiểu về ai, tên gì?
- Dạ thưa, tôi muốn tìm hiểu về Thuyên, Nguyễn Thị Thuyên ngôi mộ số 10, địa phận Hà Nam ạ. - Nghe nói tới tên Thuyên, nét mặt ông Quang đang vui bỗng trầm ngâm, giọng ngậm ngùi:
- Đồng chí hỏi ai chứ Thuyên tôi biết. Cô ấy là chiến sĩ của đại đội tôi. - Ông ngừng một lát, cầm tay tôi kéo ra một góc nhà ăn rồi nói tiếp:
- Chúng mình ra đây ngồi cho yên tĩnh để tôi kể về Thuyên cho đồng chí nghe. Trước tiên, tôi muốn biết đồng chí với Thuyên là thế nào, có phải người...?
- Thưa, không ạ. Tôi và chị Thuyên là chị em họ, là người cùng làng. Nhưng từ cuối năm một ngàn chín trăm sáu chín, chị em tôi chia tay nhau ở đến nay tôi không có thông tin gì của chị - Giọng trầm đục, ông Quang kể:
- Đầu năm một ngàn chín trăm bảy mốt, đại đội hai, tiểu đoàn mười bảy công binh của tôi đóng quân Bắc sông Xê-Ca-Máng, một tuyến đường trọng điểm, giáp ranh giữa hai nước Lào - Việt. Tuyến đường này vào những năm 70 đến 74 máy bay Mỹ đánh rất ác liệt. Mỗi ngày chúng trút xuống đây cả ngàn tấn bom đạn hòng dập tắt đường bộ, đường sông của ta chở hàng chi viện cho Khu 5. Vào một buổi sáng mùa đông năm bảy mốt, đại đội tôi tiếp nhận chiến sĩ mới. Mười chiến sĩ nữ, đa phần quê ở Hải Dương, Thái Bình. Trong đó duy nhất có Thuyên, quê ở Hà Nam (ngày ấy gọi là tỉnh Nam Hà). Thuyên là một cô gái hai mươi tuổi, làn da trắng, gương mặt tròn khá xinh đẹp. Là người nhỏ tuổi nhất đại đội. Thấy Thuyên nhanh nhẹn, lại là người đồng hương, tôi phân công Thuyên vào tổ trinh sát, hàng ngày có nhiệm vụ ngồi trên đài quan sát ở trên một điểm cao, cách trọng điểm chừng chục mét, quan sát thấy máy bay địch đến cách trọng điểm hai trăm mét lập tức bắn pháo hiệu cho đơn vị biết để đối phó. Thuyên cùng với hai đồng chí nữa, trong đó có một nam, liên tục ngày đêm có mặt trên đài quan sát, mắt luôn tỉnh táo dõi theo máy bay địch. Nhiều ngày máy bay địch đánh phá căng thẳng, đơn vị không tiếp lương thực, nước uống lên được, tổ trinh sát phải nhịn đói, ăn rau rừng cầm hơi để chiến đấu. Sau khi bị thua đậm ở đường 9 Nam Lào, Mỹ Ngụy quay sang đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn. Trên toàn tuyến không một ngày nào ngớt tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Bom đạn chúng vãi xuống như mưa. Chỉ trong vòng một ngày, trong điểm Xê-Ca-Máng phải hứng chịu một trăm trận không kích. Nước sông sôi lên, từng cột nước dâng cao cả chục mét, tung lên trời trắng xóa, cá chết nổi trắng mặt sông. Cây rừng, đất đá san lấp kín cả một, hai cây số đường. Ngớt tiếng đạn bom cả đại đội lại lao ra giải phóng mặt đường để cho xe chạy. Ngày mười lăm tháng chạp năm bảy mốt, cả bầu trời Xê-Ca-Máng chìm trong khói bom đạn. Chúng bắn phá suốt từ năm giờ sáng đến tận mười giờ đêm. Đài quan sát bị trúng đạn. Chúng tôi ở dưới rất lo lắng nhưng không có cách nào lên. Đường dây điện thoại đứt không liên lạc được. Sau một loạt đạn rốc két trút xuống đài quan sát, tôi nghĩ ba đồng chí ở trên đó đã hy sinh. Dứt loạt bom chừng vài phút, thấy có pháo hiệu từ đài quan sát bắn lên. Chúng tôi mừng quá! Tin là tổ trinh sát còn sống. Liền cử hai đồng chí mang lương khô, nước uống lên. Hai đồng chí lên đến nơi thấy hầm trú ẩn của đài đã sập, hai người hy sinh, chỉ còn lại mình Thuyên. Thuyên bị thương nặng ở chân phải, nằm cách xa hầm trú ẩn chừng mười mét. Máu ra nhiều, lại đói cơm, khát nước nhưng Thuyên vẫn gắng gượng đối mặt với kẻ thù, dùng đôi tay tỳ người lên một tảng đá lớn bắn pháo hiệu. Đơn vị đưa Thuyên xuống hậu cứ điều trị. Sau nửa tháng, vết thương ở chân phải tạm ổn, nhưng đi lại rất khó khăn, tiểu đoàn quyết định đưa Thuyên về hậu phương điều dưỡng nhưng Thuyên một mực xin được ở lại chiến đấu cùng đơn vị. Thuyên nói: “Tôi còn sống, xin cấp trên cho tôi được chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Trước sự quyết tâm cao của Thuyên, tiểu đoàn trưởng đồng ý cho Thuyên ở lại, đơn vị thấy Thuyên chân đau, vận động khó khăn, cấp trên cho Thuyên đi học một lớp y tá ngắn ngày về phục vụ đơn vị. Thuyên là người thông minh, sau ba tháng học, được lớp chứng nhận loại giỏi. Về đơn vị Thuyên nhiệt huyết với công việc, hết lòng chăm sóc thương, bệnh binh. Tôi đã được Thuyên cứu sống sau một trận sốt rét ác tính kéo dài một tháng trời. Tôi ốm không ăn uống gì được, tóc rụng hết. Thuyên đã nhai từng hạt bắp rang mớm cho tôi. Đêm đêm thức trắng ngồi chăm sóc tôi. Chính đôi môi Thuyên đã mang lại sự sống cho tôi. Mặc cho chân phải bị tật, đi lại khó khăn nhưng Thuyên không một giờ vắng mặt trên trọng điểm. Áp Tết năm bảy mốt, đại đội nhận được lệnh bảo vệ một đoàn xe chở hàng chi viện cho Khu 5 để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 72. Đêm ngày hai lăm tháng chạp đoàn xe mười chiến qua sông Xê-Ca-Máng. Do có điệp báo, đoàn xe bị lộ, địch cho máy bay phản lực lên oanh tạc suốt từ bốn giờ chiều. Đoàn xe phải dừng cách bờ sông chừng năm cây số ẩn náu trong rừng. Chúng trút bom đạn dữ dội xuống hai bên bờ sông. Cả đại đội phải chống chọi với bom đạn suốt năm tiếng đồng hồ. Mặc đạn bom, pháo sáng chúng tôi vẫn có mặt trên đường, san lấp hố bom, chặt gỗ lát đường đợi đêm về cho xe qua sông. Đại đội tôi lúc bấy giờ có ba trung đội, mỗi trung đội có mười lăm người. Sau loạt bom đầu hy sinh mất một trung đội. Trung đội nữ hy sinh mất hai phần ba. Đến mười một giờ đêm hy sinh mất hai người nữa. Sau cùng chỉ còn lại ba người. Trong đó có Thuyên. Ba cô gái đứng làm cọc tiêu cho xe qua sông. Thuyên chân phải đau vẫn đứng vững dưới lòng sông nước chảy xiết lạnh buốt, chỉ đường cho xe qua. Chiếc xe cuối cùng vừa qua được chừng năm phút thì máy bay Mỹ lại lên dội bom tọa độ và Thuyên đã hy sinh. Dứt loạt bom tọa độ, tôi vội lao ra nhìn thấy Thuyên nằm vắt mình trên bờ sông, cả thân thể đầm đìa máu và bùn đất chỉ còn gương mặt vẫn tươi rói, Thuyên thanh thản ra đi, để lại nụ cười tươi tắn trên môi. Tôi bế Thuyên trên tay,  nước mắt trào ra, không khóc nổi thành tiếng. Vậy là tôi đã mất Thuyên rồi; mất một người đồng chí, đồng hương xinh đẹp, kiên cường dũng cảm. Tôi kêu lên vang vọng rừng núi: “Thuyên ơi!, Thuyên ơi!, Thuyên ơi!...”.
 
           Chúng tôi mai táng cho Thuyên trong nỗi tiếc thương vô hạn.

           Nghe xong câu chuyện của thượng tá Quang kể, hai người chúng tôi ôm lấy nhau, cổ nghẹn ngào - Tôi thầm gọi: “Chị Thuyên ơi!”.

 
Nha Trang, thu 2017
                X.T
 
 
Địa chỉ liên lạc:          
(Nguyễn Xuân Tuynh.
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang - Khánh Hòa.DĐ: 0908.625.369)
tin tức liên quan