NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
Hàng ngày, cứ chiều về người dân trong khu phố Nhà Ga lại nhìn thấy cặp vợ chồng già dắt tay nhau thủng thẳng đi bộ quanh công viên Võ Văn Ký nhìn rất tình tứ, giống hệt một cặp vợ chồng trẻ, vừa đi vừa nói chuyện thân mật, vui vẻ.
Cặp vợ chồng già đó là ông Nguyễn Đình và bà Lê Thị San. Ông Đình là cán bộ ngành đường sắt, bà San là giáo viên tiểu học. Cả hai ông bà đều đã nghỉ hưu về sống ở khu phố Nhà Ga được vài năm, cả hai ông bà sống cởi mở với mọi người trong khu phố nên ai cũng biết ông bà. Căn nhà nhỏ của ông bà ngày nào cũng có bà con trong khu phố tới chuyện trò, trà thuốc thân mật, vui vẻ.
Ông Đình là người Nha Trang, năm một ngàn chín trăm năm tư theo ba má ra Bắc tập kết. Ra Bắc học xong phổ thông trung học, ông Đình tình nguyện đi bộ đội. Qua một năm sống trong quân ngũ do có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện ông được đi học sĩ quan. Ba năm học ở trường sĩ quan lục quân ông được phong quân hàm thiếu úy về công tác ở một đơn vị pháo cao sạ. Đầu năm 1964, xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, giặc Mỹ đưa tàu chiến và máy bay ra xâm lược miền Bắc, đơn vị pháo của ông được điều vào Quảng Bình chiến đấu bảo vệ biển trời Quảng Bình, tuyến đầu của miền Bắc. Đơn vị ông đóng quân ở Nhật Lệ, ông Đình ở trong nhà bà San. Bà San khi ấy là cô giáo làng, một cô gái trẻ đẹp nhất nhì trong làng. Cô San có gương mặt trái xoan, đôi má lúm đồng tiền, đôi mắt đen lúng liếng mơ màng ưa nhìn đã lọt vào mắt chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Đình, một thanh niên vóc người cao to, đẹp trai nhất đại đội. Đình có giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp cuốn hút người nghe. Qua một thời gian sống trong nhà San, Đình và San đã yêu nhau và trở thành vợ chồng. Đình và San là một cặp vợ chồng ý hợp tâm đầu, hai người sống với nhau rất hạnh phúc. Dân trong làng ngoài xã ai cũng khen. Nhiều cặp vợ chồng trong làng mỗi khi có chuyện cãi cọ, người vợ thường mang chuyện vợ chồng Đình - San ra so sánh, khuyên bảo nhau sống cho tốt, giữ gìn cho gia đình hạnh phúc.
Đầu năm một nghìn chín trăm sáu sáu, đơn vị của Đình có lệnh điều vào chiến trường Trường Sơn chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược. Trước lúc chia tay, hai người đã giao ước với nhau mỗi tuần phải viết cho nhau một lá thư. Thư không cần viết dài, chỉ cần viết ngắn gọn, thông báo cho nhau về tình hình sức khỏe. Điều cốt yếu để được nhìn nét chữ của nhau, luôn nhớ về nhau, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Nguyễn Đình chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn, hàng ngày phải thường xuyên đối mặt với đạn bom của đối phương, gian khổ, ác liệt nhưng hàng tuần Đình vẫn dành chút thời gian viết thư về cho vợ thực hiện lời giao ước trước lúc đi vào chiến trường. Lê Thị San ở hậu phương công việc dạy học thời chiến, trường học phải đi sơ tán vào sâu trong vùng núi, vừa công tác vừa vất vả nuôi cha mẹ già và cô con gái nhỏ bé nhưng đều đặn hàng tuần vẫn tranh thủ thời gian viết thư gửi ra chiến trường cho chồng. Những lá thư đi, lá thư về do hoàn cảnh chiến tranh đôi khi bị thất lạc nhưng đa phần nhận được bởi những người lính Quân bưu thời chiến rất giỏi và có trách nhiệm. Các anh coi mỗi lá thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến và mỗi lá thư từ tiền tuyến gửi về hậu phương là sợi dây tình cảm thiêng liêng, người lính Quân bưu quyết bảo vệ không để thất lạc. Bởi vậy đã có những ca khúc hay viết về lính Quân bưu: “... Quân bưu là tôi từng đi khắp nơi, đi khắp chiến trường như én báo tin Xuân về mọi nơi...”. Những lá thư đi, lá thư về cứ nhiều theo năm tháng. Nguyễn Đình mỗi lần nhận được thư của vợ ở hậu phương gửi vào, xem xong lại gói vào trong túi ni lông cất kỹ dưới đáy ba lô. Lê Thị San ở nhà, mỗi bận nhận được thư của chồng, xem xong lại cất kỹ trong rương.
Năm một ngàn chín trăm bảy mốt, đơn vị của Nguyễn Đình tham gia chiến dịch Đường Chín. Đơn vị pháo cao sạ của Đình bị máy bay địch dội bom trúng trận địa, hầm của Đình bị sập, may mắn Đình thoát chết nhưng anh bị thương nhẹ ở chân phải. Chiếc ba lô của Đình trong đó có những bức thư của vợ. Sau trận bom, vết thương ở chân còn chảy máu, ướt đẫm ống quần, Đình vẫn một mình đào bới những tảng đá to lấp kín miệng hầm, hai bàn tay bị đá cứa tứa máu Đình vẫn không bỏ cuộc, đào bới cho đến khi tìm lại được chiếc ba lô mới thôi. Tìm được chiếc ba lô cũng là lúc Đình đuối sức nằm lăn trên miệng hầm, đồng đội phải cáng Đình đưa về bệnh xá tiền phương cấp cứu.
Lê Thị San ở hậu phương cũng xảy ra một sự kiện dữ dội. Giữa năm một nghìn chín trăm bảy hai, một trận bão lớn đổ vào Quảng Bình, nhà bị sập, lũ cuốn trôi hết đồ đạc trong nhà, chiếc rương của San cũng bị trôi, trong đó có tiền bạc và những lá thư của chồng. Đối với San, tiền bạc mất không tiếc bằng những lá thư bị mất. Không sợ hiểm nguy, San đã lao ra, bơi theo dòng nước chảy, vớt bằng được chiếc rương. Rất may tiền bạc và những lá thư được bọc cẩn thận trong bao ni lông nên không bị ướt. Việc làm của San làm cho bao người trong làng phải lo sợ và cảm phục sự dũng cảm của San.
*
Sau ngày giải phóng miền Nam, Nguyễn Đình từ chiến trường trở về trong niềm vui hân hoan của gia đình, họ hàng làng xóm. Bữa cơm thân mật xong, mọi người ra về, lúc này chỉ còn hai vợ chồng và cô con gái, Đình và San mới mang những lá thư của cả hai người ra xem. Nhiều lá thư giấy đã ngả màu vàng, có lá còn dính cả máu và bùn đất chiến trường. Nhiều lá còn in đậm những giọt nước mắt.
Nhưng tất cả còn nguyên vẹn, nét mực còn rõ. Số thư của cả hai người viết cho nhau năm năm trời lên tới hơn một nghìn lá. Đình ngồi ôm đôi vai gầy của vợ, giọng tình cảm:
- Em này, trong số hàng trăm lá thư anh gửi về cho em. Em thích lá thư nào nhất? - San khẽ rùng vai, ngước mắt nhìn Đình trìu mến:
- Em yêu thích tất cả những lá thư của anh từ chiến trường gửi ra.
- Em yêu anh mà nói vậy thôi, nhưng chẳng nhẽ em yêu cả sao. Cũng phải có lá anh viết hay, có lá viết dở chứ?
- Nếu anh nói vậy thì em thích nhất lá thư của anh đề ngày năm tháng ba, năm một ngàn chín trăm bảy mốt. Lá thư anh kể về chiến thắng Đường Chín Khe Xanh. Đơn vị anh bắn rơi năm máy bay giặc Mỹ.
Em đã mang lá thư đó đọc cho các thầy cô trong trường nghe. Ai cũng khen thư viết hay. Trong thư đó anh còn chép cả lời bài hát: “Hát mừng Khe Xanh chiến thắng” nữa, em đã học thuộc và dạy cho học sinh của lớp em hát nữa. Thế còn anh, anh thích lá thư nào của em?
- Cũng như em, anh thích tất cả các lá thư của em từ hậu phương gửi vào. Trong số vài trăm bức đó anh tâm đắc nhất lá thư đề ngày mười lăm tháng chín năm một ngàn chín trăm bảy mốt. Trong thư em kể về trường em được Ty Giáo dục Quảng Bình khen về dạy giỏi, học giỏi. Em còn kể về nhạc sĩ Đức Minh về thực tế sáng tác ở Quảng Bình và có đến thăm trường em. Em còn chép cả lời bài hát: “Quảng Bình quê mẹ ta ơi” của nhạc sĩ Đức Minh. Anh yêu bài hát này, chỉ sau một đêm ngồi dưới hầm chữ A bật đèn pin tập hát, anh đã học thuộc và sáng lên trận địa trong lúc ngồi chờ máy bay địch tới anh đã hát: “Quảng Bình quê ta / Lòng dân son sắt câu ca hát rằng: / Ai đã vào đây chớ quên những cồn cát trắng / Trong nắng sớm mai em ngồi đan lưới hát vui...”. San đập vào vai Đình:
- Anh hát trật nhịp rồi. Để em hát cho anh nghe: “Quảng Bình quê ta...”. Giọng hát của San ngọt ngào vang lên trong đêm tĩnh mịch, Đình nghe thấy từng lời ca thấm vào tận đáy lòng.
- Em của anh hát hay quá! Biệt tài này của vợ mình mà hôm nay mới biết.
- Anh này, em hát dở ẹc à...
Sáng hôm sau Đình mang tất cả số thư đó đóng thành một tập dày hơn một nghìn trang, đóng bìa cứng cẩn thận. Ngoài bìa viết dòng chữ bằng bút dạ, màu xanh: “Những lá thư từ trong máu lửa”. Nguyễn Đình và Lê Thị San coi tập thư này là tài sản quý của hai vợ chồng.
Cuối năm một ngàn chín trăm bảy sáu, sau ngày giải phóng miền Nam được hơn một năm, Nguyễn Đình chuyển ngành ra công tác ở ngành đường sắt, Đình đưa vợ con về Nha Trang sinh sống và làm việc. Nha Trang là quê hương của Nguyễn Đình. Về Nha Trang, Nguyễn Đình làm việc ở Chi cục đường sắt, Lê Thị San dạy học ở một trường cấp một trong thành phố. Thường thường vào ngày chủ nhật hai vợ chồng lại ngồi với nhau mang tập thư ra đọc để nhớ lại những kỷ niệm xưa, kỷ niệm của một thời máu lửa.
Vợ chồng Đình và San có được ba người con, hai gái và một trai. Các con đều ngoan ngoãn, học hành tiến bộ và rất biết trân trọng những kỷ vật của cha mẹ. Cô con gái út tên là Nguyễn Hồng Ngọc học giỏi Văn. Trong một cuộc thi Văn của tỉnh, Ngọc được nhà trường chọn đi dự thi. Đề thi của Hội đồng thi ra: “Em hãy kể lại về những ký ức thiêng liêng của gia đình mình”. Ngọc đã kể về những lá thư của cha mẹ viết cho nhau trong thời chiến. Thông qua những bức thư của cha mẹ nói lên tình cảm của hậu phương và tiền tuyến. Bài thi đoạt giải nhất. Ngọc rất phấn khởi đã mang giải thưởng về khoe với cha mẹ, anh chị em. Cả nhà vui lắm!
Khi hai vợ chồng về hưu, các con đã lớn và có gia đình riêng, còn lại hai vợ chồng già hàng ngày ở nhà chăm cây cảnh, chiều đến lại dắt nhau đi bộ. Lúc buồn hai vợ chồng lại mang tập thư ra đọc lại. Những lá thư làm sống lại một thời tuổi trẻ, thời máu lửa; một thời đẹp nhất của cuộc đời hai người. Tập thư đó được coi là báu vật của gia đình. Hai vợ chồng rất nâng niu trân trọng và cất giữ trong một chiếc hộp gỗ tử tế.
Vào một đêm tháng sáu trời mưa dông, lợi dụng đêm tối trời mát mẻ, hai vợ chồng ngủ say, một tên trộm đã cạy cửa vào nhà lấy đi một số đồ đạc, trong đó có hộp gỗ đựng tập thư để ở nóc tủ thờ, tên trộm nghĩ đó là hộp trang sức hoặc tiền vàng. Sáng hôm sau thức dậy hai vợ chồng mới hay đêm hôm nhà mình có trộm vào. Kiểm tra đồ đạc trong nhà thấy mất chiếc hộp, hai vợ chồng buồn lắm, bà San buồn đến nỗi mấy ngày liền không ăn, suốt ngày ra ngẩn vào ngơ. Bỗng một hôm có người hàng xóm nhặt được một chiếc hộp ở sau vườn, nắp hộp đã bật ra, bên trong còn nguyên vẹn tập sách, người hàng xóm cầm tập sách lên đọc, biết đó của vợ chồng ông Đình bà San đã vội mang sang cho chủ của nó. Hai vợ chồng ông Đình nhận lại được tập thư mừng lắm. Bà San khỏe hẳn lại.
Nói về những lá thư thời chiến, cũng như những trang nhật ký thời chiến tranh nhiều người có. Nhưng tôi tin ít có người giữ gìn được đầy đủ nguyên vẹn và nâng niu trân trọng như vợ chồng ông Nguyễn Đình. Đây quả là một điều hiếm thấy phải không các bạn.
Trại sáng tác Đà Nẵng tháng 9-2016
X.T
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh.06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang - Khánh Hòa.DĐ: 0908.625.369