" Trường Sơn xa xanh" - Truyện ngắn của Xuân Tuynh, ủy viên TV Hội TS tỉnh Khánh Hòa

Ngày đăng: 12:14 21/05/2018 Lượt xem: 802
TRƯỜNG SƠN XA XANH
Truyện ngắn của Xuân Tuynh


Chân dung tác giả

Trường Sơn xa xanh đã cho ta một sức mạnh, niềm tin; một tình yêu đẹp!
 
         1. Tháng Giêng năm hai ngàn không trăm lẻ chín, mẹ tôi đã bước sang tuổi chín mươi tư, cụ đột nhiên đổ bệnh nặng, chị gái điện cho vợ chồng tôi. Trong điện thoại, chị nói ngắn gọn: “Cả tuần nay mẹ ốm nặng, huyết áp tăng cao, uống thuốc không hạ. Mẹ chẳng ăn uống được gì. Cậu mợ lo thu xếp công việc về ngay!”. Nhận điện vợ chồng tôi bay ra ngay.
        Vừa bước chân về đến nhà đã thấy bà con cô bác trong họ, ngoài có mặt đông đủ. Người cho sữa, đường, quà cáp, trái cây chất đầy trên chiếc bàn đặt ở góc phòng mẹ tôi nằm. Không biết do thuốc của bác sĩ hay sự có mặt của con cháu mà sau một tuần nằm mê mệt, bỗng dưng mẹ tôi tỉnh lại, uống được non nửa cốc sữa, mắt mở nhìn mọi người, tay chân cử động được. Thấy mẹ tôi tỉnh ai cũng mừng!
      Một buổi chiều trời lạnh do có đợt gió mùa về hồi đêm. Sau mấy ngày quanh quẩn trong nhà cùng mọi người trong gia đình chăm sóc mẹ, tôi lấy xe đạp đạp lên phố huyện mua mấy thứ đồ dùng cá nhân. Vừa đạp xe ra tới đầu ngõ, gặp một người đàn bà đã luống tuổi, tay xách một túi ni lông to, màu hồng vào nhà. Người đàn bà cúi đầu chào, giọng nhỏ nhẹ nói:
         - Chú về khi nào?
         Tôi chưa kịp nhận ra chị là ai, bởi nhẽ tôi xa quê cả ba bốn chục năm, lại ít có dịp về. Trung bình mỗi năm về thăm quê một lần vào dịp Tết. Nhưng có nhiều khi công việc bận, hai ba năm mới về thăm quê một lần. Mỗi lần về ở nhà chừng đôi ba ngày nên không có điều kiện gặp mặt hết bà con trong xóm làng. Vì vậy nhiều người tôi không còn nhớ mặt, nhớ tên. Tôi chưa kịp nhận ra người đàn bà này là ai, nhưng biết chắc một điều bà là người thân với gia đình. Tôi niềm nở nói:
         - Dạ. Tôi về được mấy hôm rồi. Mời chị vào nhà, tôi có chút việc lên phố...
         - Chú có công việc cứ đi đi, tôi vào thăm cụ.
         Tôi lên phố huyện chừng hai giờ đồng hồ sau mới về. Lúc này người đàn bà đã ra về. Tôi hỏi chị gái:
         - Này chị cả, người đàn bà đến thăm mẹ, em gặp ngoài đầu ngõ là ai vậy?
         Chị tôi cười, nói:
        - Ô hay. Thím Thanh, cậu không nhận ra à? Thím ngồi chơi với mẹ mình cả hơn tiếng đồng hồ, có ý chờ cậu về chị em trò chuyện. Mãi cậu không về, thím sợ trời tối, không đợi được, đành ra về.
         - Trời! Chị Thanh, thế mà em không nhận ra. Giờ trông chị già mà khác trước nhiều quá! Dễ có tới hơn ba chục năm chị em mới gặp lại nhau.
         - Cậu bảo sao thím Thanh không già được. Thím ấy kém chị có hai tuổi. Nay cũng xấp xỉ bảy mươi rồi... - Ngưng một lát, chị tôi chép miệng - Cuộc đời của thím ấy cũng lận đận, đời chồng trước lấy nhau được chưa đầy năm thì chồng bỏ, thím ấy tình nguyện đi Thanh niên xung phong, vào Trường Sơn mở đường, hòa bình về làng, dắt theo một đứa con gái, chẳng biết là con nuôi hay con đẻ. Thiên hạ đồn rằng: đó là đứa con hoang, đứa con không có bố... Chẳng biết thực hư ra sao. Thím ấy kín như bưng, chẳng nói ra với ai. Mà thiên hạ thì lắm người ác mồm, ác miệng, thêu dệt lên đủ chuyện. Chị thì chị chẳng tin, đứa con đó là đứa con hoang. Thím Thanh là người chín chắn, người phụ nữ hiền lành, con nhà gia giáo làm chi có chuyện vụng trộm...
         - Em cũng tán đồng với nhận xét của chị. Năm một ngàn chín trăm bảy mốt, em gặp chị Thanh ở Trường Sơn, đơn vị pháo cao xạ của em đóng gần đại đội Công binh của chị Thanh. Chị Thanh khi ấy có người yêu anh Mãi, đại đội phó đại đội Công binh, quê ở Hải Dương. Ngày ấy, những lúc không có máy bay địch đánh phá, thời gian rảnh, em thường sang đơn vị chị Thanh lại gặp anh chị ngồi trò chuyện với nhau. Chừng hai tháng sau, đơn vị pháo của em có lệnh di chuyển vào sâu phía trong tuyến đường. Từ đó em không còn gặp lại chị Thanh, anh Mãi.
         2. Chị Thanh khi ở tuổi đôi mươi đẹp gái. Người cao, gương mặt trái xoan, da trắng hồng, mũi dọc dừa. Bộ ngực thanh xuân rất gợi cảm. Các chàng trai trong xã chỉ cần gặp chị một lần đã yêu thầm, nhớ trộm. Tôi với chị ở cùng xã, chị ở làng Hạ, tôi ở làng Thượng. Năm vừa tròn hai hai tuổi, chị về làm dâu con trai bà cô họ tôi, nhà cô ở cách nhà tôi một cánh vườn. Chị Thanh rất quý mến chúng tôi. Tôi kém chị chừng mười lăm, mười sáu tuổi.
         Chị Thanh lấy con trai thứ hai của bà cô họ tôi tên là Sang. Hai người cưới nhau được vài tháng thì anh Sang bỏ vợ, bỏ nhà đi công nhân ở tận trên Lai Châu. Lý do sao anh chị bỏ nhau, ngày ấy còn bé không hay chuyện. Chị Thanh tuy chồng bỏ đi nhưng chưa làm thủ tục ly hôn, chị vẫn ở nhà chồng, làm lụng, chăm sóc gia đình nhà chồng. Chị không hề tỏ ra buồn, vẫn thường sang nhà tôi chơi. Vào mùa hè, trăng sáng chị sang rủ chúng tôi ra sân kho hợp tác xã ở giữa làng chơi. Chị thường mặc chiếc áo may ô lụa trắng muốt lộ ra nét cong mềm mại của thân thể làm cho ai nhìn cũng thèm khát. Ở cái tuổi vị thành niên như tôi lúc bấy giờ nhìn bộ ngực chị cũng có cảm giác thinh thích. Chị Thanh rất quý tôi, mỗi bận chị em gặp nhau chị thường ôm tôi, áp bộ ngực vào đầu tôi làm tôi thấy thổn thức trong lòng.
         Năm một ngàn chín trăm sáu sáu, chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra khắp miền Bắc. Không làng xóm nào không nghe tiếng bom đạn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lên tới đỉnh cao. Thanh niên nam, nữ nô nức lên đường tòng quân. Nam vào bộ đội, nữ vào thanh niên xung phong vào Trường Sơn mở đường. Chị Thanh xin phép cô bác tôi đi thanh niên xung phong. Chị Thanh đi được hai năm, tôi cũng bước sang tuổi mười tám, làm đơn tình nguyện đi nhập ngũ.
         3. Sau một năm học tập, rèn luyện ở Tiểu đoàn 18 Thông tin Quân khu 3, tôi được điều về công tác ở Trung đoàn pháo phòng không Trường Sơn.
Mùa thu năm một ngàn chín trăm bảy mốt, Trung đoàn pháo của tôi vào chiến đấu ở Nam Lào. Ở đây tôi gặp được chị Thanh, đơn vị thanh niên xung phong của chị đóng ở cách Trung đoàn tôi có một cánh rừng khộp. Hai chị em gặp được nhau sau năm năm xa cách, chúng tôi mừng lắm! Vẫn như ngày xưa còn sống ở quê nhà, chị Thanh ôm chầm lấy tôi, nâng bổng tôi lên quay tròn làm tôi chóng mặt. Các chị em trong đơn vị của chị cũng vây quanh lấy tôi hỏi chuyện quê nhà, chuyện miền Bắc. Mới từ hậu phương vào chiến trường, chúng tôi mang nhiều quà của miền Bắc như trà, kẹo Hải Châu, xà phòng Hoa hồng... Tôi đưa cho chị Thanh một bị kẹo to và cả bốn, năm bánh xà phòng, tôi bảo chị mở bị kẹo mời chị em trong đơn vị và xà phòng để dùng chung.
         Lâu ngày gặp được các chàng trai trẻ ở miền Bắc vào, các cô gái thanh niên xung phong mừng lắm. Các chị, các cô phân công nhau vào rừng hái măng, xuống suối bắt cua, cá lên nấu cơm canh thiết đãi chúng tôi. Sau bữa cơm tối vui vẻ, tôi và chị Thanh ra bờ suối, dưới ánh trăng rằm sáng tỏ ngồi tâm sự. Tôi hỏi chị về mối quan hệ giữa chị và anh Sang. Chị thở dài nói:
         - Anh chị đã ly hôn, anh ấy đã xây dựng gia đình với một cô gái Thái ở Tây Bắc rồi.
         - Thế còn chị... Đã có... Anh nào chưa?.
         Chị Thanh cúi xuống bứt mấy bông hoa rừng bên bờ suối, ngắt từng cánh ném xuống dòng suối trong, từng cánh hoa nối đuôi nhau trôi theo dòng nước chảy lững lờ.
         - Có rồi. Anh ấy là Đại đội phó của chị. Tên là Mãi, quê ở Hải Dương. Bữa nay anh ấy về tập huấn ở Trung đoàn mãi tận Khe Tang. Mai mốt anh ấy về, chú sang chơi chị giới thiệu. Nhưng anh chị mới chỉ yêu nhau thôi. Hai người giao kèo với nhau đến ngày thống nhất đất nước mới làm lễ cưới. Anh ấy không đẹp trai. Nhưng người hiền lành, khỏe mạnh.
         Ba hôm sau anh Mãi về, chị Thanh báo tin cho tôi sang. Quả đúng như chị Thanh nói, anh Mãi là người hiền lành, cao to, có nước da bánh mật khỏe khoắn. Được chị Thanh nói trước với về tôi. Vừa mới gặp nhau anh đã chủ động làm quen:
         - Chú Tâm là lính thông tin hử. Bọn bộ binh chúng tớ thường gọi thông tin là “lính cậu”. Mình cũng thích cái ngành ấy nhưng tiếc một nỗi ngày nhập ngũ cấp trên lại biên chế về bộ binh.
       - Ở binh chủng nào cũng có cái sướng, khổ khác nhau. Ở thông tin được trực tiếp đối mặt với quân thù nhưng thường phải đi trước về sau, mang vác nặng cũng vất vả lắm anh. Nhưng mà thôi, nói chuyện nghề nghiệp làm chi, anh em mình là lính, quân đội phân công công việc gì thì làm việc ấy. Chẳng ai có quyền lựa chọn. Bây giờ nói chuyện của anh với chị Thanh đi. Anh có yêu chị tôi thực lòng không?
         - Tôi có yêu chị cậu thực lòng hay không thì thời gian sẽ chứng minh. Hôm nay cậu sang đây chơi, anh rể tương lai của cậu, sẽ thiết đãi cậu một bữa ra trò.
Nói rồi, anh Mãi khoác khẩu AK rảo bước đi vào trong khu rừng già. Chị Thanh nhìn theo anh Mãi đi một đoạn xa rồi quay lại nói với tôi:
- Anh có tài trong cái nghề săn bắn. Đã xách súng ra đi thế nào cũng kiếm được con chồn, con cheo chẳng khi nào về tay không. Có nhiều bữa anh hạ gục cả con nai to như con bò, đơn vị phải cử cả bốn, năm người vào rừng khiêng về.
         Quả đúng như chị Thanh nói, khoảng hơn một giờ sau anh Mãi về, cầm trên tay hai con gà rừng to. Bữa tối đó tôi được thưởng thức một bữa thịt gà luộc, thịt gà rang rất tuyệt.
         Trung đoàn pháo của tôi đóng ở gần đại đội Công binh của anh Mãi, chị Thanh tròn một tháng thì được lệnh của cấp trên tiến sâu vào phía Nam. Trước khi đi tôi có tranh thủ sang chia tay với chị Thanh, anh Mãi. Cả hai anh chị bùi ngùi chia tay tôi, hẹn ngày thống nhất còn sống trở về cả ba gặp nhau ở quê hương. Chị Thanh ôm chặt lấy tôi, áp bộ ngực vào người tôi ấm áp như ngày xưa tôi còn là một cậu bé ở quê nhà. Hai hàng nước mắt chị rơi nóng bờ vai tôi. Tôi nghẹn ngào không nói thành lời. Gió thổi vi vu trên những ngọn cây xào xạc lá. Anh Mãi lại gần đưa cho tôi một bọc thịt nai khô:
         - Cậu cầm đi ăn cho vui, giữa chiến trường chẳng có chi làm quà!
         Ba người chúng tôi bịn rịn chia tay nhau dưới ánh trăng khuya bàng bạc, ngoài xa có tiếng máy bay và tiếng bom nổ vọng lại; tiếng chị em thanh niên hối hả gọi nhau ra mặt đường cùng với tiếng hát vang rừng: “Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng/ Em vẫn mở đường cho xe lao tới...”.
         4. Sau mười ngày, có sự chăm sóc của thầy thuốc và các con cháu, mẹ tôi đã tỉnh, bà ngồi dậy, ăn được cơm cháo. Chúng tôi mừng lắm. Tôi nói với mẹ và chị gái:
         - Hôm nay mẹ đã bớt bệnh. Con tranh thủ xuống làng Hạ thăm chị Thanh kẻo chị giận. Hôm trước chị lên thăm mà con không nhận ra chị, chuyện trò với chị.
         Mẹ tôi gật gật đầu, chị gái tôi nhỏ nhẹ nói:
         - Cậu nên xuống thăm mẹ con thím ấy. Có cậu đến thăm hẳn mẹ con thím vui lắm!
         Từ nhà tôi xuống nhà chị Thanh chừng ba cây số, đường sá sỏi lởm chởm, chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ của chị gái tôi xích nhão không đạp nhanh được. Tôi đạp vã mồ hôi trong tiết trời gió lạnh, phải mất gần một giờ đồng hồ mới tới được nhà chị Thanh.
        Làng Hạ xưa kia là một làng đói nghèo nhất xã. Cả làng không có được một ngôi nhà ngói. Đường sá bé nhỏ, mùa mưa lầy lội. Giờ đường ngang ngõ tắt rộng thênh thang, lại bê tông hóa vào từng ngõ. Nhà ngói mọc lên san sát, nhiều nhà xây cao hai ba tầng. Tất cả đã đổi thay, tôi phải hỏi thăm người làng mới tìm ra nhà chị Thanh. Nhà chị chẳng có gì khác xưa. Vẫn ngôi nhà tranh vách đất của cha mẹ để lại, một gian hai chái. Chỉ có khu vườn trước cửa được chị Thanh trồng nhiều cây trái như cam, quýt; trồng rau sạch đủ loại, su hào, bắp cải, cà chua... Mùa nào thức ấy. Theo chị nói, mẹ con chị sống nhờ vào vườn rau này.
         Tôi đến thăm chị Thanh vui lắm. Chị mời tôi vào nhà, sai con ra quán mua trà thuốc. Nhìn cô con gái xinh đẹp, nhanh nhẹn, có nhiều nét giống anh Mãi, tôi hỏi:
         - Cháu đây là con của chị và anh Mãi đúng không?
         Chú còn nhớ tới anh Mãi à. Mà chú tinh đấy. Cháu tên Mai, năm đó chú đi được chừng một năm thì anh chị có cháu Mai. Năm nay cháu đã mười bốn tuổi rồi.
         - Thế anh Mãi đâu, không về sống cùng mẹ con chị?
         Chị Thanh vuốt nhẹ mớ tóc xõa trước mặt ra sau gáy, trên nét mặt đượm vẻ buồn buồn, hai giọt nước mắt ngân ngấn. Giọng nhỏ nhẹ:
         - Anh Mãi hy sinh cuối năm một ngàn chín trăm bảy tư rồi, khi ấy cháu Mai mới tròn một tuổi.
         - Vậy mà em không hay biết. Anh hy sinh trong trường hợp nào?
         - Anh ấy hy sinh trong một trận chiến đấu với bọn biệt kích ở Đá Bạc. Mộ anh sau này được quy tập ở nghĩa trang Trường Sơn.
         Hai chị em đang ngồi trò chuyện thì cháu Mai mang trà về, chị pha trà, mùi trà Thái thơm phức, khói bốc nghi ngút lan tỏa trong căn nhà ấm áp.
         - Chú uống trà đi.
         - Em xin.
         Tôi cầm ly trà uống một hớp nhỏ rồi đặt ly trà xuống khay:
        - Thế chị đã cho cháu Mai về Hải Dương nhận họ hàng chưa?
       - Về rồi... Nhưng chuyện dài và đau lòng lắm. Hôm nay chú ở chơi ăn cơm với mẹ con chị rồi chị kể cho nghe.
         Chị Thanh quay vào nhà trong gọi con:
         - Mai ơi, mẹ con mình xuống bếp làm cơm thiết chú Tâm.
         Mai ở trong buồng nói vọng ra:
         - Thưa mẹ, vâng ạ!
        Nhìn chị Thanh ngồi vo gạo cạnh vại nước, dưới hàng cau trước sân, đôi vai gầy nhô lên, mái tóc đã có những sợi bạc bay phất phơ trong gió đông. Lòng tôi chợt se lại. Tôi thấy thương chị.
        Tôi là nhà báo, nhiều năm trở lại đây có dịp đi tìm hiểu viết bài về các nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ ở Trường Sơn. Còn nhiều người có hoàn cảnh tương tự như chị Thanh. Đa phần là nuôi con đơn chiếc, không ít chị không có chồng con, sống đơn côi lại còn bệnh tật nữa, thương lắm! Tôi nghĩ nhà nước cần phải có chính sách riêng đối với nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước mới phải. Đó là trách nhiệm, tình cảm của cả xã hội “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”.
         Bữa cơm đạm bạc, không có rượu bia nhưng rất đầm ấm. Thức ăn toàn cây nhà lá vườn nhưng tôi ăn thấy ngon hơn cả mâm cao, cỗ đầy. Cháu Mai ăn chừng hai chén rồi đứng dậy, vào buồng thay đồ, cắp cặp sách ra lễ phép chào mẹ và tôi:
         - Con xin phép mẹ và chú, con đi học kẻo muộn giờ ạ.
         Bé Mai cắp cặp tung tăng bước đi trên đường làng. Tôi nhìn theo cháu nhớ về thời tuổi trẻ của mình. Trong lòng nghĩ thầm, mừng cho chị Thanh có cô con gái ngoan hiền.
        Cháu Mai đi học, lúc này chỉ còn lại hai chị em, chị Thanh mới kể cho tôi nghe về chuyện về quê chồng. Giọng buồn, trầm ấm:
         - Cuối năm bảy chín, lúc này cháu Mai tròn sáu tuổi, cuộc sống sau chiến tranh đã ổn định chị mới đưa cháu Mai về thăm quê bố và cho cháu nhận ông bà, gia đình, họ hàng.
        Từ đây sang Chí Linh ngót bốn chục cây số. Lần đầu về quê anh Mãi, đường sá lạ lẫm, chị phải đèo con, đạp xe trên con đường xa cả bốn chục cây số suốt cả mười giờ đồng hồ dưới trời mưa phùn gió bấc mới tìm được nhà anh.
         Một dãy nhà gỗ năm gian, trước cửa nhà có sân gạch, vườn rau ao cá, nằm dưới chân núi Côn Sơn đẹp hơn rất nhiều những gì anh Mãi đã kể với chị ngày ở Trường Sơn.
         Nhà vắng vẻ, không có ai, cửa nhà đóng kín. Dừng xe, hai mẹ con ngồi bệt xuống bờ sân nghỉ. Chừng ba chục phút sau có một người đàn ông khoảng năm mươi, năm lăm tuổi, đầu húi cua, da đen, để hai ria mép lún phún, cằm bên trái có một nốt ruồi to như hạt bắp, mọc ra một chòm râu dài. Có lẽ đây là chú Mẫn, em trai của anh Mãi mà anh thường kể cho chị nghe ngày ở Trường Sơn.
         - Chào... Anh!
         Chị chủ động chào trước. Người đàn ông nhìn thẳng vào mặt chị, giọng cộc cằn:
         - Chị từ đâu tới, hỏi ai?
         - Xin lỗi, anh có phải là Mẫn, em của anh Mãi không ạ?
         Người đàn ông đưa ngón tay út lên gãi ria mép, vẫn cái giọng cộc cằn:
         - Đúng. Tôi là Mẫn, em của anh Mãi. Chị ở đâu, là ai mà biết anh tôi.
         - Tôi là vợ của anh Mãi, còn đây là cháu Mai, con của anh Mãi.
         Vẫn thái độ như ban đầu:
         - Anh tôi hy sinh lâu rồi. Có nghe ai nói gì về anh tôi có vợ với con cái chi đâu.
         - Thế trước đây anh Mãi không có thư từ gì về nhà sao?
         - Thư với từ gì. Chiến tranh làm chi có thư với từ.
         Mặc cho trời gió rét, lại có mưa nhỏ nhưng Mẫn vẫn không mở cửa mời chị vào nhà. Đúng lúc này có một cô gái còn khá trẻ về. Cô gái thấy khách không chào. Sẵng giọng hỏi Mẫn:
         - Người này là ai, đến nhà mình có việc gì anh Mẫn?
         Mẫn cười khểnh, giọng mỉa mai:
         - Chị dâu của cô đấy. Vợ của ông anh đã tử trận của nhà mình.
         Cô gái bĩu môi nói:
         - Vớ vẩn. Bằng chứng đâu nói là vợ anh Mãi?
         Chị lấy trong túi xách tay ra một tấm ảnh trắng đen, chị và anh Mãi chụp với nhau ở Trường Sơn do một nhà báo của Binh đoàn chụp.
         Mẫn liếc mắt nhìn qua tấm hình:
         - Chỉ một tấm hình đen thui này, tin sao được.
         Cô con gái nói:
         - Bà muốn sao. Định về đây nói là vợ anh Mãi, và đưa đứa con nhóc này về nhận tổ tiên chăng. Rồi gia đình tôi phải chia của, nhà cửa, đất đai cho mẹ con bà sao. Thời buổi này khó tin lắm.
         Nghe cô gái nói vậy, mặt chị nóng bừng, muốn vả vào miệng con nhỏ. Nhưng chị đã kịp trấn tĩnh, nói thẳng vào mặt cô ta:
         - Tôi cho cháu về đây để nó biết tổ tông, những người ruột thịt của bố nó chứ không có mục đích gì khác. Chúng tôi chẳng cần gì của cải, nhà cửa, đất đai của các người... Các người... Đừng...!
         Cháu Mai chạy lại túm gấu áo mẹ, phụng phịu:
         - Mẹ. Về đi, con đói bụng.
         Lúc này chị mới giật mình nhớ ra, hai mẹ con chưa ăn cơm trưa.
         - Ngoan đi con. Lát nữa mẹ con mình ra phố ăn phở.
         Chị treo cái túi xách vào ghi đông xe, quay đầu xe:
         - Chào các người. Mẹ con tôi về.
         Chị lên xe đạp vội ra ngoài đường, mau chóng đi khỏi cái nơi xa lạ này.
         5. Về đến thị xã Phủ Lý thì trời tối, từ đây về nhà còn hơn chục cây số nữa, trời lại mưa nặng hạt. Chị đành phải vào nghỉ ở nhà Mận, con bạn thân ngày xưa cùng tiểu đội ở Trường Sơn. Vừa thấy mẹ con Thanh vào đến cổng Mận đã chạy ra đón, dắt xe cho Thanh, vồn vã nói:
         - Trời, lâu quá rồi mới gặp mẹ con nhà mi. Sao, đi đâu lại lạc đến đây. Về quê Mãi hả? Vui không?...
         - Vui, vui cái con khỉ. Đang buồn nẫu ruột đây!
         - Có chuyện chi. Gia đình họ...?
        - Chẳng có chuyện chi, gia đình Mãi vẫn bình yên. Chuyện buồn là... Nhưng thôi. Nghỉ ngơi chút đã, tối ta tâm sự.
        - Tối nay mẹ con mi ở đây. Để tao điện cho con Đào, con Hồng, con Mơ... Những đứa bạn trong đại đội ra nhà hàng nhậu một bữa cho đã. Tao bao. Đêm nay bọn mình hát hò cả đêm. Hai mẹ con chị Thanh vào phòng tắm, tắm rửa, Mận phôn cho các bạn. Khoảng một giờ sau bạn bè có mặt đông đủ. Đào, Hồng, Mơ... Nhìn thấy mẹ con chị Thanh mừng vui khôn xiết. Đào nói:
         - Con bé Mai đây hả. Càng lớn càng xinh, giống cha cái nụ cười, giống mẹ ở cái nước da. Con này lớn lên thông minh đáo để.
         Hồng ngắm nhìn Thanh một hồi lâu. Quay sang nói với Mận:
         - Con Mận đâu. Mày có bộ cánh nào mới mới mang ra cho con Thanh mặc, nó đẹp mà ăn mặc đồ ny coi sao được. Đã đi nhà hàng thì phải đẹp. Để cho thiên hạ biết thế nào là lính Trường Sơn chứ.
         Mận vào tủ lấy ra hai bộ cánh mới đưa cho Thanh.
         - Xem đi, bộ nào vừa thì mặc.
         Mơ ngắm nghía hai bộ đồ của Mận mang ra, hồ hởi nói:
         - Con Thanh da trắng, vận bộ đồ màu tím này nổi đấy. Vào thay lẹ đi.
         Chị vào nhà trong thay đồ, quay ra, cả hội kéo nhau ra nhà hàng Hoa Mơ ở đường Sông Châu, trung tâm thị xã. Mận nói với bà chủ nhà hàng vốn là chỗ quen biết:
         - Bà chủ, cho chị em chúng tôi một phòng riêng để chúng tôi hàn huyên. Có đồ gì đặc sản mang ra.
         Chủ hàng tươi cười, niềm nở:
         - Dạ. Mời các quý bà vào phòng VIP ạ.
         Đào liếc nhìn bà chủ nhà hàng nói:
      - Quý bà mẹ gì. Bọn chị là lính, lính Trường Sơn lâu ngày gặp nhau cần nơi riêng biệt để thoải mái hàn huyên...
         Tất cả kéo nhau vào phòng VIP số 05, một căn phòng rộng chừng 30 mét vuông, trang trí bắt mắt. Có màn hình và giàn âm thanh hát karaoke. Vào phòng chỉ vài phút sau nhân viên đã mang đồ ăn, nước uống ra phục vụ. Trong bữa ăn, chị mang câu chuyện hai mẹ con về nhà Mãi nói với mọi người. Cả hội chú ý lắng nghe không bỏ sót một lời. Chị nói xong, giọng buồn bã:
         - Tao không ngờ anh em nhà anh Mãi lại cư xử với mẹ con tao như thế?
         Hồng vốn bộc trực, nóng nảy. Ngày ở Trường Sơn mọi người thường gọi là Hồng Lửa. Hồng Lửa đập tay xuống mặt bàn làm đổ ly bia, thét lên giận dữ nói:
         - Anh em nhà nó là lũ thấp hèn, coi của cải hơn tình cảm con người. Đ. má chúng nó không có sự hy sinh của chúng mình, của bao đồng chí, đồng đội thì làm gì chúng nó có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay. Lũ thối tha!...
         Không khí trong bữa tiệc nóng lên. Mọi người căm phận sau khi nghe câu chuyện chị thuật lại. Đào đứng bật dậy như lò xo bung.
        - Mai cả hội chúng mình kéo nhau sang dạy cho anh em chúng nó một bài học. Biết thế nào là lính thanh niên xung phong Trường Sơn.
         Mận bản tính điềm đạm nói:
         - Thôi. Bỏ đi chúng mày. Tao nghĩ con Thanh đã có được một mối tình đẹp với Mãi, lại có được một cô con gái đẹp như thiên thần thế này là hạnh phúc rồi. Hơn nhiều chị em, ngày hòa bình trở về, tuổi già, chồng con không có, có người còn chẳng có một chế độ gì, lại còn bị thương tật hành hạ. Bỏ đi, chấp làm gì với những chuyện nhỏ nhặt ấy. Cứ vui lên mà sống, vô tư mà sống.
         Chị đứng lên, nâng cao ly bia:
        - Mận nói đúng. Cứ vui lên mà sống. Bao nhiêu năm nay tao còn mang tiếng là nuôi một đứa con hoang mà tao vẫn bỏ ngoài tai. Đời bây giờ lắm chuyện nhiễu nhương lắm. Kẻ cơ hội, quan tham đầy ra đấy. Mấy người họ nghĩ đến bọn mình; đến những người đã ngã xuống trên Trường Sơn năm xưa. Cụng ly!
          Tất cả cụng ly. Cạch, cạch! Đào bật ti vi đúng lúc ca sĩ Anh Thơ hát bài: “Cô gái mở đường” của Xuân Giao.
“Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh
Tiếng hát em vang vọng cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát...”
         Tất cả sáu chị em cùng vỗ tay hát theo ca sĩ Anh Thơ. Tiếng hát làm tan đi cái không khí mùa đông rét buốt. Mấy vị khách ở phòng bên cùng hòa theo, gõ nhịp hát:
“Em đi lên rừng cây xanh mở lối
Em đi lên núi núi ngả cúi đầu
Em đi bắc những nhịp cầu
Nối những con đường Tổ quốc yêu thương...”
*
*     *
         Nghe xong câu chuyện của chị Thanh kể tôi ôm chặt chị trong vòng tay. Lúc này không phải chị khóc mà chính tôi đã khóc. Hai hàng nước mắt tôi ứa ra, cổ nghẹn ngào không nói thành lời.
         Tôi thương chị quá! Và thương cho bao những cô gái mở đường trên Trường Sơn năm xưa; những người đồng chí, đồng đội thân thương của tôi. Họ đã bỏ cả tuổi đời thanh xuân ở gốc cây, khe suối ở Trường Sơn mịt mùng. Tôi an ủi chị:
        - Thôi chị ạ. Dầu sao chị cũng đã có một tình yêu đẹp ở Trường Sơn; có được cháu Mai xinh tươi. Đây là một phần thưởng cao quý dành cho chị.
         Tôi lưu luyến chia tay chị Thanh khi cơn mưa chiều đã tạnh, một tia nắng vàng ánh lên phía dãy núi mờ xa. Đàn cò trắng đã bay về đậu trắng trên những lũy tre xanh phía cuối làng.

 
Nha Trang, tháng 5-2018       
Nguyễn Xuân Tuynh
( Ủy viên TV Hội TS tỉnh Khánh Hòa)                    
DĐ: 0908.625.369

tin tức liên quan