" Chẳng ngại vết thương tái phát" - Bài dự thi "Hào khí Trường Sơn" của Nguyễn Trọng Tạo - Phó CT Hội TS tỉnh Hà Nam

Ngày đăng: 09:27 26/05/2018 Lượt xem: 798
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM DỰ THI " HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"
 

------------------------------------------------------------------------------------

CHẲNG NGẠI VẾT THƯƠNG TÁI PHÁT
Tác giả: Đại tá NGUYỄN TRỌNG TẠO
 
        Tôi và anh thường xuyên gặp nhau trong những lúc đi bộ, tập thể dục quanh bờ hồ Chùa Bầu thành phố Phủ Lý. Không chỉ đi buổi sáng mà cả buổi chiều. Nhiều ngày trời mưa phùn, chúng tôi vẫn cầm ô và “hành quân!” vừa đi vừa chuyện trò. Những lúc như thế, có biết bao kỷ niệm như ùa về…
        Bẵng đi 2-3 ngày tôi không gặp anh. Khi gọi điện mới biết anh bị ốm! Thế rồi tôi đến thăm anh- đúng lúc một ông bạn đo huyết áp giúp anh. Nó lên tới 160 trên 90. Và đã giảm nhiều so với hai ngày trước…Tôi đến, anh vui hẳn lên. Bên ấm trà nóng hổi, anh nói với tôi:- Lẽ ra tôi phải vào viện. Nhưng cái bệnh gần như thâm căn này cứ thời tiết thay đổi là nó lại rở quẻ. Mà cũng tại mình thôi, mấy ngày qua do uống thuốc không đều. Mình đã xác định là sống chung với lũ! Việc uống thuốc phải đúng quy định theo chỉ dẫn của bác sỹ thì cũng chẳng ngại…
        Từ ngày anh và tôi biết nhau, và gần gũi hơn khi tôi được đồng đội giao nhiệm vụ để cùng anh và các đồng chí Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành Tỉnh hội kề vai sát cánh bên nhau để đưa các mặt hoạt động của Hội từ tỉnh tới các huyện, thành phố duy trì, củng cố tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động…Đi lên!
        Với anh, cả cuộc đời ngay từ tuổi thanh xuân đã trọn vẹn trong quân ngũ, từ binh Nhì, binh Nhất…cho tới cấp hàm Đại tá. Anh đã hành quân dọc chiều dài đất nước từ Hà Giang tới Nam Bộ, anh tâm sự với tôi: Con người ta cao quý nhất là ý chí, nghị lực và quyết tâm đi tới đích. Sống với nhau cái “tâm” trong sáng còn quý hơn vàng! Thế rồi anh kể nhiều về đồng chí, đồng đội của mình một thời là lính! Riêng anh, hai lần nhập ngũ- không biết có giống ai không? lần một vào tháng 6 năm 1967, rồi trong 3 tháng huấn luyện tân binh anh bị ốm lên, ốm xuống, sức khỏe giảm sút và phải ra quân! Trở về quê hương vừa điều trị bênh tật, vừa tiếp tục học phổ thông, một năm sau, vừa tốt nghiệp cấp III, sức khỏe dần được hồi phục anh lại tình nguyện lần thứ hai và rời quê hương Đạo Lý- Lý Nhân lên đường đánh Mỹ.
         Vừa tâm sự anh Trương Đình Tiến vừa dùng các ngón của đôi bàn tay ấn vào hai bên thái dương, xoa xoa ở đỉnh đầu, anh bảo: - Tưởng chừng đánh Mỹ xong đất nước sẽ thanh bình để đắp xây Tổ quốc! Nào ngờ chiến tranh biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc lại xảy ra. Anh bị thương vào đầu trong khi chiến đấu ở Vị Xuyên- Hà Giang với quân Bành Trướng! Vậy là cuộc đấu tranh sinh tồn, cuộc chiến đấu bảo vệ non sông bờ cõi lúc nào cũng thiêng liêng, cao cả. Tổ quốc là trên  hết! Và không có cái nhục nào bằng cái nhục mất nước, cái nhục làm nô lệ!
         Rồi anh kể cái thời “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ!”. Đơn vị anh gắn bó với Trường Sơn từ năm 1968 đến cuối năm 1971. Anh ở Binh trạm 33 và Binh trạm 37 của Đoàn 559. Có thời gian đóng quân ở vùng Atôpư nước bạn Lào…Bốn năm ròng đương đầu với mưa bom bão đạn của kẻ thù, trực tiếp là phụ xe sau đó là lái xe để chở vũ khí, lương thực, thuốc men và chở những đoàn quân vào mặt trận nhiều lần ngồi trên xe ôm vô Lăng đánh võng khi máy bay địch săn đuổi, đã trực tiếp chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội hy sinh mà đau sót! Thế rồi anh xúc động kể về giờ phút thiêng liêng ở Trường Sơn, tháng 9- 1970 anh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng! Rồi được đi đào tạo sỹ quan, rồi được giao nhiệm vụ Đại đội phó, Đại đội Trưởng, Tiểu đoàn Trưởng xe ở Quân Đoàn Một…Rồi từ Tam Điệp- Ninh Bình Thủ phủ của Quân Đoàn Một, đơn vị anh hành quân trở lại Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh và cùng các đoàn quân tiến vào Tây Nguyên, và vào chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 chiến đấu cho đến ngày Đại thắng!
         Theo lời anh kể, tôi hình dung như mình đang được xem bộ phim tài liệu về “Bước chân người lính!”. Hình như trí lực trỗi dậy đã át đi cái đau đớn của thể xác. Đúng như vậy, gần hết một buổi sáng ngồi bên nhau, từ lúc khuôn mặt anh uể oải, ủ rũ! Giờ đây đã tươi tỉnh, đôi má anh đã ửng hồng- Đó là tinh thần chiến thắng bệnh tật của người Cựu chiến binh, người Thương binh- Thương tật 41% vì mảnh đạn của quân thù xuyên vào hộp sọ! Có lần vết thương tái phát và huyết áp tăng quá cao anh bị đột quỵ! Phải khoan 2 lỗ ở hộp sọ để hút máu đọng ra! Vì vậy, cứ thời tiết thay đổi vết thương lại hành hạ! Và anh kể: -Khi anh vừa ra viện đồng đội đã ập đến vừa thăm anh vừa đề nghị anh làm Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn của tỉnh vì ông Trưởng ban cũ không làm nữa mà lý do chính là làm không lương! Vậy là anh đã vì đồng đội mà nhận “chức”. Rồi trong Đại hội thành lập Hội anh được bầu là Chủ tịch tỉnh hội cho tới nay…
         Có lẽ tôi và anh có nhiều điểm tương đồng! Đều là hai con “chuột”, đứng mũi chịu sào trong 12 con giáp và đều đã bước sang cái tuổi “Xưa nay hiếm”. Tôi cũng được đứng trong hàng ngũ của Đảng ở Trường Sơn vào những năm tháng nóng bỏng đạn bom- mùa xuân 1972, tôi cũng bị thương vào đầu- chấn thương sọ não! tưởng là đi đứt!…Khi hoàn thành nhiệm vụ được quân đội cho chuyển ngành sang lực lượng Công an nhân dân, được học hành tử tế và làm công tác chính trị ở Công an tỉnh suốt 35 năm liên tục, phục vụ qua 7 đồng chí làm Giám đốc! Cũng tương tự qua 7 đồng chí làm Bộ Trưởng ở Bộ Công an…Vậy là 43 năm liên tục trong hai lực lượng vũ trang. Trong tâm thức của mình chỉ biết làm việc phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân- Đó cũng là sự thấm nhuần, nhuần nhuyễn quan điểm của Đảng, của Bác Hồ là nói đi đôi với làm, đừng nói đằng Đông  đi đằng Tây! Cho đến giờ phút này mình vẫn tự hào là chưa làm điều gì trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Giờ đây được đồng đội, đồng chí tín nhiệm bầu là Phó chủ tịch Thường trực, Hội Trường Sơn của tỉnh, để cùng ghé vai gánh vác trong công tác hội, một Hội có biết bao khó khăn! Nhưng mỗi khi nghĩ về đồng chí, đồng đội còn nhiều người gian nan vất vả phải gánh chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, còn bị nhiều thiệt thòi!...Bởi vậy làm được gì để giúp đồng đội vơi đi những nỗi đau, nỗi buồn đó, hãy gắng bảo nhau mà làm!
Thế rồi chúng tôi như chuyển “gam” chuyện trò sang chiều hướng cụ thể hơn là: Chuẩn bị cuộc họp của Thường vụ mở rộng có mặt của Chủ tịch các Hội huyện, thành phố để nắm được những kết quả hoạt động trong thời gian qua và kiểm tra, đôn đốc các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương hội tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh- ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
         Vậy là tôi và anh gần như cuộc hội ý bất ngờ. Bởi chúng tôi đều rất lo lắng làm sao- Năm 2018 phải là bản lề làm thay đổi diện mạo của Hội Trường Sơn Hà Nam và là dấu ấn để chào mừng sự kiện 60 năm là dấu mốc lịch sử quan trọng của Bộ đội Trường Sơn và của Hội Trường Sơn Việt Nam, cũng như Hội Trường Sơn tỉnh nhà. Hãy vượt qua khó khăn, chống tư tương ngại khó, ngại khổ, ỷ nại. Với phương châm mỗi người ít nhất cũng phải làm được một việc tốt trở lên cho Hội! Phương châm này trở thành “chỉ lệnh” và sẽ được kiểm tra, kiểm định, đánh giá trong thi đua! Phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, phát triển hội viên mới; củng cố và xây dựng tổ chức hội vững mạnh; chú ý phát động hội viên làm kinh tế, giúp nhau khắc phục khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Phát hiện điển hình, nhân rộng điển  hình của cuộc vận động. Chú ý làm tốt công tác thi đua chào mừng kỷ niệm “60 năm ngày Bộ đội Trường Sơn anh hùng”. Phải có những việc làm cụ thể, thiết thực. Tránh tình trạng cán bộ Hội “đánh trống ghi tên” chỉ nói mà không hành động. Cần “nói ít làm nhiều”, làm những việc thiết thực cho đồng chí, đồng đội! Các cấp hội chú ý phát động, khuyến khích hội viên tập hợp, viết thơ ca, hồi ký, bài phản ánh về kết quả hoạt động để gửi cho các cơ quan đài, báo chí, xuất bản để tuyên truyền. Trong điều kiện cho phép cố gắng có những ấn phẩm để góp phần vào công  tác lưu trữ về lịch sử, truyền thống cho hôm nay và cho cả mai sau! Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; “ăn quả nhớ người trồng cây”.
         Với những suy ngẫm và trao đổi với nhau mà tôi và anh như vạch ra kế hoạch chi tiết cùng chương trình hành động cụ thể và vẽ ra một bức tranh toàn cảnh mà tỉnh hội cùng các cấp Hội phải tô đậm thêm cho hình ảnh đường Trường Sơn xưa và nay hòa quện vào nhau để hội viên và mọi người càng thấy trân trọng tự hào về giá trị của con đường đã góp phần to lớn đem đến chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc! Và những người đã từng có mặt ở Trường Sơn càng thấy rõ mình hơn.

 
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Sinh ngày 25-8-1948
Nhập ngũ ngày 30-4-1966
Quê quán: Điệp Sơn- Yên Nam- Duy Tiên- Hà Nam
Nơi c­ư trú: Tổ dân Hồng Phú- P  Thanh Châu TP Phủ Lý- Hà Nam
Th­ương binh chống Mỹ (tại Tr­ường Sơn năm 1972)
Hội viên HVHNT Tr­ường Sơn Việt Nam
Phó chủ tịch Th­ường trực Hội Tr­ường Sơn Tỉnh Hà Nam
SĐT: 0913.067.471
tin tức liên quan