Con nhện giăng mùng ,truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 02:22 28/05/2018 Lượt xem: 1.031
                                                 
                                       Con nhện giăng mùng
(*)
                                     
                                                           
                                                                                     Truyện ngắn của Xuân Tuynh


                   Tôi vừa băng ngang đường sắt, đi ngược một đoạn đường bê tông chừng vài trăm thước là tới nhà chị Hạnh.
 
                 Vừa bước chân vào đến đầu ngõ thì đã nghe tiếng đờn, tiếng hát chèo từ trong nhà vọng ra; điệu đào liễu quen thuộc: “Ai xui con nhện nó mới giăng í hi mùng là giăng mùng/ Đêm nằm trống canh một mình thiếp tôi chịu hỡi chàng, chàng ơi!...”.

                Tiếng đàn nhị hòa quyện vào giọng nữ ngọt ngào tha thiết, mới chỉ thoạt nghe tôi đã nhận ra ngay đó là giọng hát của chị Hạnh, mặc dù vài chục năm chị em xa cách, tôi không được nghe giọng hát chèo của chị, nhưng tôi chẳng thể nào quên giọng hát của chị. Đặc biệt là bài: “Con nhện giăng mùng”. Từ ngày xưa khi mười bốn, mười lăm tuổi tôi đã được nghe chị hát.

                 Nghe xong bài hát tôi mới đưa tay bấm chuông. Kính coong, kính coong!
- Ai đấy? - Tiếng chị Hạnh từ trong nhà hỏi vọng ra.
- Em đây. Thanh đây chị Hạnh ơi!

              Chị Hạnh vận bộ đồ bộ màu hoa cúc từ trong nhà bước ra. Thoạt nhìn thấy tôi chị đứng lặng ít phút mới reo lên:
- Trời. Cậu Thanh, cậu ra khi nào. Sao không điện cho chị trước, mà ai chỉ đường cho cậu đến được nhà chị?
- Dạ. Em ra được mươi hôm rồi, nhưng bận lu bu công việc ở nhà hôm nay mới sang thăm anh chị được. Anh Biên đã cho em địa chỉ nhà chị.

             Chị Hạnh tay run run mở khóa cổng. Vừa mở, đầu ngoảnh vào trong nhà gọi to:
- Anh Ngàn ơi, cậu Thanh ở Nha Trang ra thăm vợ chồng mình đây này.

            Anh Ngàn, hai tay chống nạng gỗ từ trong nhà bước ra, xúc động nói:
- Dễ có đến vài chục năm rồi anh chị em chúng mình mới gặp nhau. Mừng quá! Anh chị nhớ cậu nhiều lắm! Vào nhà đi...

           Tôi bước chân vào nhà, một ngôi nhà cấp bốn đơn sơ. Trong phòng khách chật trội chỉ vừa đủ đặt một bộ bàn ghế sa lông làm bằng gỗ thẻ, loại bàn ghế phân phối cho cán bộ thời bao cấp. Trên tường, đối diện với cửa ra vào là một chiếc tivi thùng hai mươi mốt in hiệu Sony cũ kỹ. Trên ba bức tường của phòng khách treo bằng khen, giấy khen và nhiều bức ảnh đen trắng phóng lớn lồng trong khung kính trang trọng. Những bức ảnh kỷ niệm của anh chị trong các buổi biểu diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong ở chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ. Nhìn anh chị là nghệ sĩ, cựu bộ đội Trường Sơn mà về hưu lại ở trong một căn nhà bé nhỏ, cũ kỹ này tôi thấy nhói lòng; thương anh chị quá! Xung quanh khu này đa phần là nhà cao tầng khang trang, sao anh chị vẫn ở trong căn nhà nhỏ bé thế này.

          Như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, chị Hạnh vừa pha trà vừa nói:
- Thiên hạ người ta có nhiều tiền của, con cái làm lớn có tiền xây nhà cao cửa rộng. Nhà mình hai vợ chồng là thương binh, là nghệ sĩ, tiền ăn, tiền nuôi con ăn học chẳng đủ cậu bảo lấy tiền đâu xây nhà lớn. Còn sống mà về được, ở thế này là sướng rồi, còn bao anh chị em ngày hòa bình rời Trường Sơn về bây giờ lương hướng chẳng có, trên mình còn mang đầy thương tật, những ngày trái gió, trở trời lại đau nhức nhối. Người có gia đình có vợ con, đẻ con ra lại mang chứng bệnh khèo chân, hở miệng, mắt mù, mắt tỉnh... Trông cám cảnh lắm!

               Chị Hạnh pha trà xong, rót ra chén mời tôi, anh chị và tôi, ba người ngồi nhâm nhi tách trà nó bốc khói nghi ngút, xua tan đi cái không khí se lạnh của những ngày cuối đông. Uống một hớp trà nhỏ, đặt tách xuống khay trà, anh Ngàn nói với chị Hạnh:
- Em ra chợ mua đồ về nấu ăn, nhớ đi ngang qua nhà cô Tước, cô Tươi mời hai cô sang ăn trưa luôn, nhân có cậu Thanh ở Nha Trang ra. -  Anh quay sang nói với tôi - Cậu nhớ cô Tước, cô Tươi chứ?
- Em nhớ chứ, các chị đều là diễn viên của Đội văn công của huyện ngày xưa mà. Chị Tươi đóng Thị Mầu, chị Tước đóng Tiểu Kính trong Quan Âm Thị Kính rất xuất sắc ai chẳng nhớ.

 
*   
*    *

               Vào những năm từ năm một ngàn chín trăm năm lăm đến năm một ngàn chín trăm sáu lăm của thế kỷ XX, huyện Thanh Liêm của tôi có thành lập Đoàn chèo của huyện để phục vụ nhân dân trong huyện. Ở thời điểm đó cả tỉnh chỉ có duy nhất huyện Thanh Liêm có Đoàn chèo. Đoàn chèo có tới ba bốn chục diễn viên, các diễn viên đều là những người hát hay, đờn giỏi, trống giòn được tuyển từ các làng chèo của các xã trong tỉnh. Đoàn do anh Đinh Văn Biên, anh họ của tôi làm Trưởng đoàn. Chỉ sau một thời gian chừng vài tháng thành lập, Đoàn chèo của huyện đã dàn dựng được các tiết mục như: “Lưu Bình Dương Lễ”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Nhị Độ Mai” và đặc biệt là các tiết mục về đề tài hiện đại như: “Bà mẹ bên Sông Hồng”, “Cô Son” vân vân...

                Thanh Liêm cũng như cả tỉnh Hà Nam là vùng đồng chiêm trũng. Những năm một nghìn chín trăm năm lăm đến năm một ngàn chín trăm sáu lăm của thế kỷ XX, đường sá đi lại rất khó khăn. Mưa suốt từ tháng tám đến tháng mười Âm lịch nước ngập trắng đồng. Từ làng này sang làng kia phải đi bằng thuyền bè. Mỗi lần Đoàn văn công của huyện đi diễn rất vất vả. Nhiều lần đi diễn gặp gió bão, thuyền đắm, cả Đoàn uống no nước. Phông màn, phục trang, đạo cụ, cảnh trí ướt sũng, đến điểm diễn phải vào làng xin rơm rạ đốt hong khô mới diễn được. Mùa mưa đã vậy, mùa khô lại có cái vất vả của mùa khô. Đường sá nối liên thôn, liên xã nhỏ bé xe ô tô không đi được; mỗi lần Đoàn đi diễn phải vận chuyển bằng xe đạp thồ hoặc xe bò, anh chị em diễn viên phải gò lưng ra đẩy xe. Đến điểm diễn, chưa kịp nghỉ ngơi đã vội vã lao vào làm sân khấu để kịp biểu diễn phục vụ nhân dân.

                   Thời đó, đời sống trong cả nước còn đói nghèo, có nhiều nơi, nhiều vùng quanh năm ăn cơm độn khoai, độn sắn; tháng ba, ngày tám phải ăn rau, ăn cháo. Đói khổ vậy nhưng bà con trong huyện rất yêu văn nghệ. Mỗi bận có Đoàn văn công về làng, bà con cô bác, già trẻ kéo nhau nô nức đi xem giống như đi trẩy hội. Trung bình tám giờ tối Đoàn mới lên màn biểu diễn nhưng năm giờ chiều, mặt trời chưa khuất núi mà bà con đã có mặt, ngồi đông ở sân đình. Ai nấy xem rất say sưa. Có đêm đang diễn thì trời đổ mưa bà con vẫn ngồi dưới mưa xem cho đến màn chót mới chịu ra về. Yêu chèo, quý mến nghệ sĩ là đặc trưng của người dân quê tôi. Nhiều làng, nhiều xã khi có văn công về làng là các giới phụ nữ, thanh niên đi đến từng nhà quyên góp gạo, tiền ủng hộ Đoàn. Ngày đó, mỗi bận Đoàn văn công của huyện về làng, anh Biên lại đưa các anh chị nghệ sĩ trong Đoàn lên thăm mẹ tôi. Thấy các anh chị đến nhà mẹ tôi mừng lắm. Dù bận rộn công việc đồng áng bà vẫn dành thời gian đón tiếp Đoàn, mời bằng được các anh chị ở lại ăn cơm dưa muối với gia đình. Ngày ấy còn nhỏ nhưng tôi rất yêu thích chèo. Mỗi bận Đoàn văn công về làng tôi lại đi theo Đoàn. Ban đêm xem biểu diễn, ban ngày nhờ các anh chị dạy hát chèo.

                  Chị Mai Hạnh nhận bác họ tôi là cha mẹ nuôi, là em kết nghĩa của anh Biên, vậy chị là chị họ của tôi. Chị có gương mặt khả ái, nói theo cách nói của giới làm nghệ thuật. Chị có một giọng hát trời phú, ngọt ngào, trong trẻo. Chị diễn được cả vai nữ chính và nữ lệch. Hát hay, múa mềm, mỗi khi chị xuất hiện trên sân khấu tiếng vỗ tay lại vang lên như sấm dậy. Cái giọng hát đào liễu ngọt ngào trong vắt, đằm thắm thiết tha của chị cứ bám riết lấy tôi suốt những năm tháng tuổi thơ “Ai xui con nhện nó giăng i hi mùng...” đã theo tôi cho đến tận bây giờ.

 
*  
*    *


                 Sang năm một ngàn chín trăm sáu tư, khi ấy giặc Mỹ đưa máy bay ra đánh phá Khu 4, Đoàn văn công của huyện giải thể, bởi theo quy chế của Bộ Văn hóa, cấp huyện không được thành lập Đoàn nghệ thuật. Mỗi tỉnh chỉ có một Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

                Đoàn chèo của huyện giải thể, anh Đỗ Thăng, chị Minh Chính... được chuyển lên Đoàn chèo Hà Nam, số còn lại chuyển về các đơn vị hành chính, các đơn vị doanh nghiệp của huyện, của tỉnh. Anh Biên chuyển về làm việc ở ngành đường sắt của Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Chị Hạnh, chị Tước, chị Tươi chuyển về công tác ở Ty Thương nghiệp tỉnh. Chị Hạnh làm việc ở một cửa hàng ăn mậu dịch ở thị xã Phủ Lý.

                Cuối năm một ngàn chín trăm sáu sáu, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đơn vị đóng quân ở thôn Phù Đê, huyện Kim Bằng, cách thị xã Phủ Lý chừng ba chục cây số. Đầu năm một ngàn chín trăm sáu chín, sau Tết Mậu Thân một tháng, tôi được lệnh đi vào chiến đấu ở Trường Sơn. Cấp trên cho về thăm nhà ít ngày trước khi lên đường. Được về thăm nhà, tôi mừng lắm. Tôi đi bộ suốt cả đêm, vượt qua cả một chặng đường dài ba chục ki lô mét dưới trời mưa rét, về đến thị xã Phủ Lý khoảng tám giờ sáng. Tôi vào hàng phở mậu dịch của chị Hạnh ở ngã ba Hồng Phú, thị xã Phủ Lý. Cửa hàng lúc này vẫn còn khá đông người, đa phần là cán bộ, công nhân làm việc trong các công sở đứng xếp hàng mua vé vào ăn phở. Thoạt nhìn thấy tôi, chị Hạnh, chị Tước mừng lắm! Hai chị ùa ra cửa đón tôi, người đỡ ba lô, người đưa khăn cho tôi lau mặt. Chị Hạnh ngắm tôi từ đầu đến chân, cười nói:
- Cậu em của chị chững trạc quá! Ra dáng anh bộ đội chưa nào.

                   Tôi lúc đó là tâm điểm để nhiều người nhìn vào làm tôi ngượng đỏ mặt. Chị Hạnh kéo tay tôi ngồi vào bàn ăn rồi chị vào quầy mang ra cho tôi một tô phở to. Tô phở nóng bốc hơi nghi ngút, mùi hành ngò thơm phức. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được ăn phở. Phở thời bao cấp, thời đất nước chiến tranh. Sợi phở làm bằng gạo bầu (gạo có màu nâu) rất ít thịt, chỉ có nước là nhiều. Những miếng thịt nhỏ, thái mỏng dính nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Vậy mà tôi ăn thấy ngon quá chừng. Tôi ăn một lèo hết tô phở, thấy người tỉnh lại. Chị Tước ra ngồi bên cạnh, lấy quạt nan quạt cho tôi:
- Phở ăn được không em? Ăn tô nữa không?

                   Thú thực là lính, ăn một tô phở mậu dịch thấm thía vào đâu. Nhưng tôi đâu dám ăn nữa, phở sáng ở cửa hàng cũng phải phân phối. Mỗi người vào cửa hàng chỉ được tiêu chuẩn mua một tô. Tôi dù rất muốn ăn thêm tô nữa nhưng nhìn hàng chục người đang đứng xếp hàng trước quầy hàng, tôi nói với chị Tước:
- Dạ... Em ăn đủ rồi chị.

                 Ăn uống xong, tôi ngồi nghỉ ngơi cho lại sức. Đến mười giờ cửa hàng đóng cửa. Chị Hạnh, chị Tước quay vào ba chị em ngồi trò chuyện. Chị Hạnh hỏi:
- Em về phép hay đi công tác ghé thăm các chị?
- Em được về qua nhà ít ngày để vào Trường Sơn chiến đấu chị ạ.
- Thế thì trưa nay ở đây chơi với các chị, chiều tối hãy về quê. Chị em xa nhau lâu ngày mới gặp lại.

                Tôi gật đầu đồng ý.

            Cơm trưa xong, ba chị em ngồi tâm sự. Tôi nói:
- Chị Hạnh, chị Tước hát chèo cho em nghe đi. Em nhớ tiếng hát chèo của các chị nhiều lắm!

              Tuy bỏ nghề đã lâu nhưng các chị vẫn không quên hát chèo. Bởi chèo đã ngấm vào máu các chị, những người con gái làng chèo. Chị Tước vẫn còn mang theo bên mình cây đờn nhị. Khi tôi gợi ý chị Hạnh và chị Tước hào hứng, đồng ý ngay. Chị Tước chạy vào phòng mang cây đờn nhị ra, ngồi lên dây. Tôi lấy chiếc bát sắt, úp xuống mặt bàn làm trống. Chị Tước kéo nhị, tôi gõ trống. Chị Hạnh hát:
Ai xui con nhện nó mới giăng í hi mùng...”. Giọng của chị Hạnh vẫn ngọt ngào, đằm thắm: “Con nhện giăng mùng” một làn điệu chèo cổ ngoài tích trò. Nội dung nói về sự cô đơn của một người phụ nữ. Lời ca da diết làm xúc động lòng người. Đêm nằm trống canh một mình thiếp tôi chịu hỡi chàng, chàng ơi!...”.

               Những người đi ngoài đường nghe tiếng hát chèo cũng dừng chân nghe. Hát xong làn điệu đào liễu, chuyển sang hát nhịp đuổi, quân tử vu dịch, sa lệnh chênh... Hai chị đờn hát say sưa. Tôi nghe không muốn dứt ra. Ngoài trời đã hửng nắng, những tia nắng mùa xuân ấm áp, xua tan đi cái giá lạnh. Ngoài đường sắt tiếng còi tàu hối hả vào Nam.

 
*  
*    *


               Cuối mùa thu năm một ngàn chín trăm bảy hai, khi ấy đơn vị pháo cao xạ ba bảy ly của tôi đóng quân ở Khe Sanh, vào một buổi chiều nghe đơn vị thông báo, chiều nay đơn vị nghỉ tập, mỗi đại đội chỉ để lại một khẩu đội trực chiến, còn lại tập trung đi đến Tiểu đoàn Công binh xem chèo. Nghe tới hát chèo cả đại đội ai cũng háo hức. Điểm diễn ở trong một khoảng rừng già, cạnh bờ suối. Sân khấu dã chiến do các chiến sĩ công binh dựng lên buổi sáng. Nghệ sĩ biểu diễn chiều nay là Đội văn nghệ xung kích của Đoàn 559. Mọi người ngồi chỉnh tề trước sân khấu chờ xem biểu diễn. Vài phút sau hơn một chục diễn viên nam nữ xuất hiện. Khi tốp diễn viên nữ đi sau tốp diễn viên nam ra tới gần sân khấu, tôi nhìn thấy một cô diễn viên có gương mặt rất quen. Đưa tay lên đầu suy nghĩ giây lát, tôi nhận ra đó là chị Mai Hạnh, chị họ tôi. Không kìm nổi sự xúc động, tôi kêu lên:
- Chị Hạnh, chị Mai Hạnh!

                Chị Hạnh quay xuống nhìn thấy tôi. Chị chạy lại, hai chị em ôm chầm lấy nhau. Không để ý gì đến hàng trăm con mắt đang đổ dồn về phía chị em tôi.
- Không ai ngờ hai chị em mình lại gặp nhau giữa Trường Sơn. (Chị Hạnh xúc động nói). Chị Hạnh rời khỏi vòng tay của tôi:
- Thôi. Chị lên biểu diễn đã. Tối nay chị em mình trò chuyện.

              Thấy tôi gặp được người quen lại là văn công, mấy thằng bạn trong đơn vị chọc: “Gặp được người quen là nghệ sĩ nữa, sướng nhá!...”.

               Buổi biểu diễn bắt đầu. Một nữ diễn viên trẻ trung, duyên dáng trong bộ quân phục xuân hè, còn tươi mới ra giới thiệu chương trình. Giọng Hà Nội dịu dàng: “Xin chào các đồng chí! Hôm nay Đội văn công xung kích của Binh đoàn xin gửi tới các Thủ trưởng và các đồng chí hoạt cảnh chèo đặc sắc: “Đường về trận địa sáng tác của Tào Mạt và Hoài Giao do hai nghệ sĩ Mai Hạnh và Văn Ngàn biểu diễn”. Tiếng vỗ tay vang lên át cả tiếng gió ngàn.

               Chị Mai Hạnh đóng vai Tình, cô dân quân núi Ngạn - Hàm Rồng, anh Văn Ngàn đóng vai Nghĩa, anh bộ đội lạc đường tìm về đơn vị. “Con nai ơi con nai nhỏ, nó lạc mẹ ở trong rừng i hì ai, ai ơi i...” Giọng hát của chị Hạnh ngọt ngào, đằm thắm trong làn điệu quân tử vu dịch làm cho bộ đội ngồi há hốc mồm ra nghe. Hàng trăm gương mặt ngồi im chăm chú theo dõi. Nghe chị hát được mọi người mến mộ tôi cũng thấy hãnh diện. Hoạt cảnh diễn đến đoạn Nghĩa và Tình gặp nhau trong đêm tối giữa rừng thì nghe có tiếng máy bay phản lực từ xa vọng lại, đài quan sát trên đồi gần đó khua kẻng báo động dồn dập. Một tiếng nói dõng dạc của Tiểu đoàn trưởng Công binh: “Có máy bay, tất cả tản ra, vào hầm trú ẩn!”. Dứt lời Tiểu đoàn trưởng ít giây thì hàng loạt bom rơi xuống cung đường cách nơi biểu diễn chừng trăm mét. Mùi bom đạn khét lẹt, đất đá rơi rào rào. Hai chục phút sau dứt tiếng máy bay và tiếng bom. Mọi người quay về nơi biểu diễn. Lúc này chị Hạnh ra sân khấu, cánh tay phải đeo băng trắng, máu tươi ướt đẫm cánh tay áo. “Chị Hạnh bị thương!” Tôi vội kêu lên. Mọi người ngồi dưới cũng nhao nhao nói: “Chị Hạnh bị thương rồi!”. Chị Hạnh giơ cánh tay trái lên: “Bị thương nhẹ thôi. Không sao. Các đồng chí yên tâm. Tôi vẫn tiếp tục biểu diễn được. Âm nhạc nổi lên!”.

               Tuy bị thương ở tay phải nhưng chị Hạnh vẫn gắng diễn cho hết tiết mục hoạt cảnh; tiếng hát vẫn ngọt ngào.Sau buổi biểu diễn, tôi xin phép Thủ trưởng đơn vị tới chăm sóc cho chị Hạnh. Tôi đã nấu nước sôi cho y tá rửa, băng bó lại vết thương cho chị. Các chị em thanh niên xung phong nấu cháo, nấu cơm phục vụ anh chị em nghệ sĩ. Tôi và chị Hạnh, anh Ngàn trò chuyện với nhau cho tới khuya tôi mới về đơn vị. Tôi hỏi chị Hạnh:
- Chị đang công tác ở Ty thương nghiệp sao lại thành diễn viên Đoàn văn công Trường Sơn.
Chị cười, nói:
- Em chia tay chị vào chiến trường được một năm, đầu năm bảy hai Đoàn văn công Trường Sơn về tỉnh tuyển diễn viên, chị đã trúng tuyển và vào Đoàn. Ngày ấy Đoàn chèo huyện giải thể, cực chẳng đã chị mới về làm ở ngành thương nghiệp, đi bưng bê phở. Từ sâu thẳm trong lòng chị vẫn muốn được hát chèo, cái nghề đã yêu thích từ ngày nhỏ.
- Em ủng hộ sự chọn lựa của chị. Có vậy chị em mình mới gặp nhau ở Trường Sơn. Lúc chỉ còn lại tôi với anh Ngàn, chị Hạnh; chị Hạnh mới giới thiệu với tôi về anh Ngàn. Chị Hạnh cầm tay tôi đặt vào tay anh Ngàn, nhỏ nhẹ nói:
- Chị giới thiệu với cậu em, chị và anh Ngàn đã đính hôn. Anh chị có ý định sau đợt đi biểu diễn lần này sẽ về tổ chức. Anh Ngàn là người cùng tỉnh ta. Anh quê ở Bình Lục.
- Em chúc mừng anh chị; chúc cho anh chị hạnh phúc! Ngày mai Đoàn của anh chị đi diễn ở đâu?
- Đoàn chị theo kế hoạch của trên đi diễn trên toàn tuyến, dự kiến khoảng năm tháng mới quay ra.
- Ngày mai chị em mình chia tay rồi. Đêm nay em muốn chị hát cho em nghe điệu đào liễu. Chị Hạnh cốc vào đầu tôi, cười nói:
- Bài “Con nhện giăng mùng” chứ gì. Chị biết cậu chỉ thích nghe chị hát bài hát ấy.

               Chị Hạnh quay sang nói với anh Ngàn:
- Anh mang nhị ra đây đệm cho em hát.
Anh Ngàn quay về lán của mình mang nhị sang. Anh Ngàn kéo thử dây nhị rồi ra hiệu cho chị Hạnh hát.
 
              Chị Hạnh tay trái vỗ vào đùi hát:
Ai xui con nhện nó mới giăng í hi mùng là giăng mùng...”

             Tiếng hát của chị vừa cất lên, chị em thanh niên xung phong ở lán trại kề bên kéo nhau sang nghe rất đông. Ai cũng trầm trồ khen chị hát hay, hát tình cảm. Không ít cô gái nghe chị hát đã khóc.
- Chị hát giọng buồn làm cho các em khóc sao?

              Một cô gái tên Đào, nữ y tá đã chăm sóc, băng bó lại vết thương cho chị Hạnh, đưa tay áo lên quệt những giọt nước mắt còn đọng trên đôi gò má nói:
- Không, không, chị hát hay lắm. Có điều nghe chị hát Con nhện giăng mùng bọn em thấy tủi cho thân phận mình. Nếu chiến tranh còn kéo dài thì gái thanh niên xung phong Trường Sơn tụi em cũng giống như con nhện giăng mùng.

             Chị Hạnh đưa tay vuốt tóc Đào:
- Em lo xa rồi. Chị tin chiến tranh không kéo dài mãi đâu. Năm nay tuổi các em còn trẻ, chị hy vọng các em sẽ có hạnh phúc!

           Động viên các cô gái mà chị Hạnh nói những lời như vậy. Nhìn vào đôi mắt chị đang rớm lệ, tôi đọc ra được những ý nghĩ trong đầu chị. Tôi từng sống gần chị, tôi hiểu chị đang nghĩ nhiều về tương lai của các cô gái Trường Sơn. Chẳng những các cô mà ngay cả bản thân chị, chắc còn sống mà trở về quê hương hay không!

          “Đêm nằm trống canh một mình thiếp tôi chịu người ơi!”. Câu hát cuối cùng vừa dứt, nhìn đồng hồ trên tay đã mười hai giờ đêm. Tôi từ biệt anh Ngàn, chị Hạnh ra về. Tôi xa anh chị từ đó.

 
*  
*    *

                 Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên, ở mặt trận Trường Sơn ngoài chiến công của công binh, pháo binh, xe cơ giới, bộ đội xăng dầu, thanh niên xung phong ra còn có cả chiến công của giới văn nghệ sĩ. Những áng văn, thơ, những tiếng hát lời ca của các đoàn nghệ thuật của Trung ương, của các địa phương. Đặc biệt là Đoàn nghệ thuật của Đoàn 559 đã cổ vũ tinh thần cán bộ chiến sĩ trên toàn tuyến rất cao; tạo nên bao chiến công vang dội.

                  Trong những năm tháng ấy đã cho ra đời hàng trăm ca khúc hay sống mãi cùng năm tháng như: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”; “Nổi lửa lên em”; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; “Bài ca bên cánh võng”; “Sợi nhớ sợi thương”... Các văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng sinh ra từ Trường Sơn như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Du, Hoàng Nhuận Cầm, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Thu Hương...

                 Chúng ta mãi mãi nhớ về Trường Sơn thân yêu!

 
*  
*    *


                     Bữa cơm trưa hôm đó ở nhà chị Hạnh, có thêm chị Tước, chị Tươi, năm người chúng tôi ngồi vừa ăn vừa trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm thời xa xưa ở Đoàn chèo của huyện rồi đến những năm tháng gian khổ ở Trường Sơn; những chuyến đi lưu diễn gian nan vất vả của anh Ngàn chị Hạnh...
 
                    Hết nói chuyện rồi lại hát chèo, chị Hạnh, chị Tước, chị Tươi, anh Ngàn tuổi đời đã ngoại lục tuần, mái đầu đã muối tiêu, chị Hạnh anh Ngàn còn đau nhức các vết thương ở tay, ở trong mình nhưng tiếng đờn, tiếng hát của các anh chị vẫn còn đằm thắm ngọt ngào.
Ai xui con nhện nó mới giăng í hi mùng là giăng mùng
Đêm nằm trống canh một mình thiếp tôi chịu hỡi chàng, chàng ơi!...”.

                    Chị Hạnh hát xong, tôi hỏi:
- Ở Trường Sơn về sau anh chị có dịp nào gặp lại cô y tá Đào, người băng vết thương không?

               Chị Hạnh đang vui bỗng dưng ngồi lặng, nét mặt buồn buồn. Chị nghẹn ngào nói:
- Sau đợt biểu diễn dài ba tháng, đội của chị quay về có nghỉ chân ở Khe Sanh, ghé thăm đơn vị thanh niên xung phong trong cái đêm biểu diễn chị em mình gặp nhau thì được biết Đào đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên chốt.

                 Nghe tin Đào hy sinh tim tôi nhói đau!

                Tiếng hát của các anh, các chị làm cho tôi thổn thức. Trong lòng tôi bồi hồi nhớ về cái buổi biểu diễn của anh Ngàn, chị Hạnh ở Đường Chín năm xưa, anh Ngàn nói: “Đội văn nghệ của Cựu chiến binh Trường Sơn của tỉnh Hà Nam hoạt động thường xuyên. Anh chị em tuổi cao nhưng hoạt động hăng say lắm. Khi nào có dịp mời cậu về thăm”. “Em về chứ, thế nào em cũng còn về thăm anh chị, thăm Đội văn nghệ của các anh chị, nghe chị Hạnh của em hát: “Con nhện giăng mùng”; nghe anh đờn và hát điệu: quân tử vu dịch...”.

                   Tôi chia tay anh Ngàn, chị Hạnh, chị Tước, chị Tươi mà dư âm của “Con nhện giăng mùng” cứ văng vẳng mãi bên tai.


 
Nha Trang, tháng 5-2018

                       X.T
 
 
--------------------------
(*) Con nhện giăng mùng là điệu hát ngoài tích trò. Một làn điệu hay của nghệ thuật hát chèo cổ.
 
 
Địa chỉ liên lạc:          
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang                      
DĐ: 0908.625.369
tin tức liên quan