“MỞ MẮT”
Truyện của Phạm Thành Long
Tôi có anh bạn thời học đại học, nay là một doanh nghiệp kha khá. Vợ chồng anh mở một công ty làm ăn rất được. Có thể nói, anh khá may mắn. Chỉ trong một thời gian không dài, vợ chồng anh đã tích lũy được một số vốn kha khá nhờ chăm chỉ làm ăn. Cuộc sống của họ thuộc loại khá giả trong vùng. Một hôm, anh về Hà Nội có ghé thăm tôi. Gặp Hải, tôi mừng lắm.
-Cơn gió nào đưa cậu đến nhà tớ thế? Tôi hỏi, vì lâu lắm chúng tôi chỉ giao lưu trên phây và điện thoại.
-Tớ về dự hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức. Chương tình kết thúc sớm. Tớ ghé thăm vợ chồng cậu. Lâu lắm rồi, chúng mình chưa gặp nhau.
-Thế thì hôm nay cậu phải ở lại nhậu một chầu nhé. Tôi nói như ra lệnh.
-Xin tuân lệnh! Nhưng đừng sĩ. Cậu có biết uống đâu mà bày đặt chuyện nhậu nhẹt làm gì! Hải cười lớn. Tiếng cười của nó vô cùng thoải mái, cứ y như chiếc xe đạp thả phanh xuống dốc vậy. Ngày còn học chung, chúng tôi đã tiên đoán: Thằng này số sướng. Nó sướng vì tiếng cười thoải mái của nó. Bây giờ ngẫm lại thấy đúng quá. Nó là thằng khá nhất về vật chất trong số bạn học cùng lớp chúng tôi. Nghe nó nói, tôi giải thích:
-Hôm nay tớ sẽ uống với cậu. Nhậu ít hay nhậu nhiều vẫn là nhậu… Tôi chợt hỏi lại nó:
-À cậu hội thảo về chủ đề gì vậy?
-Doanh nghiệp trước thời cơ hội nhập thời “Bốn chấm không”.
-Chà một đề tài thú vị đấy. Phải nói là Phòng Thương mại và Công nghiệp nhạy bén thật đấy! Mà này, cậu là dân làm ăn chắc là quan tâm tới vấn đề chính trị lắm nhỉ? Tôi hỏi. Hải tròn xoe mắt, nhìn tôi:
-Tớ chỉ biết làm ăn thôi, quan tâm làm gì đến chính trị. Thằng doanh nghiệp nào có tham vọng muốn khoác cái áo chính trị để vào Hội đồng Nhân dân tỉnh hoặc là Đại biểu Quốc hội thì chắc chắn họ mới quan tâm đến vấn đề chính trị. Tớ là dân làm ăn chân chất thì quan tâm đến chính trị làm gì cho thêm mệt. Thấy nó nói tưng tưng như thế, tôi vô cùng ngạc nhiên.
-Tớ không nghĩ cậu là dân làm ăn khấm khá mà lại có suy nghĩ lạ như thế?
-Cậu bảo tớ có suy nghĩ lạ ư?
-Đúng thế! Kinh tế và chính trị là “hai mặt của một vấn đề”. Về mặt lý luận, cả tây và ta đều khẳng định: Mục đích cuối cùng của chính trị là kinh tế! Thế mà… Hải cắt ngang lời tôi:
-Nhưng đấy là xét trên tầm vĩ mô thôi. Còn doanh nghiệp tầm tầm ở tỉnh lẻ của tớ thì quan tâm làm gì đến chính trị kia chứ!
-Cậu nhầm. Tớ hỏi cậu nhé. Tại sao Tổng thống Trump chỉ viết chừng 200 từ thông báo trên mạng Twitte hoãn cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ Triều thế mà chứng khoán của nước Mỹ và cả châu Á lao dốc ầm ầm!!! Tổng thống Trump tuyên bố từ bỏ Hiệp định Thương mại mà Hội nghị các nước Châu Á – Thái Bình Dương (A Bếch) ký kết trước đây. Ngay lập tức, chứng khoán cả thế giới lại ầm ầm giảm. Giá dầu thì tăng? Hoạt động của các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới tại sao lại làm ấm hoặc nóng nền kinh tế?
Cậu biết đấy. Thấy lãnh đạo của ta liên tục đi thăm các nước, nhiều người chả chịu nghĩ ngợi gì liền tung lên phây ta thán: “Đã nghèo mà các vị ấy đi “du ngoạn” nước ngoài lắm thế! Người ta có biết đâu. Từ Tổng Bí thư đến Chủ tịch nước, rồi Thủ tướng Chính phủ, mỗi chuyến đi của họ đều là dịp ký kết nhiều Nghị định, nhiều Chương trình hợp tác kinh tế hai bên. Rồi bao nhiêu chương trình hợp tác giữa nhiều bộ ngành và doanh nghiệp của Việt Nam với các nước ấy đã được ký trong chuyến đi của họ. Ông có thấy, lãnh đạo nước ta đi đâu cũng đề nghị nước chủ nhà tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp Việt làm ăn, đầu tư tại nước sở tại và kêu gọi các doanh nghiệp của nước sở tại đầu tư vào Việt Nam không? Và không thể thiếu việc đề nghị các nước sở tại tạo điều kiện thuận lợi để Kiều bào Việt làm ăn thuận lợi. Vân vân và vân vân… Cậu có thấy, các kỳ họp Quốc hội thì những người làm ăn họ quan tâm lắm. Vì việc Quốc hội thông qua các đạo luật và Pháp lệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện làm ăn của doanh nghiệp của họ. Luật pháp là sự thể hiện ý chí cụ thể của chính trị. Vì pháp luật là sự điều tiết các mối quan hệ xã hội một cách tối ưu nhất, mở ra cơ chế, điều kiện và cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp. Nhiều nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm, họ thường đón bắt và dự báo được hướng phát triển của kinh tế qua việc điều chỉnh pháp luật để có hướng làm ăn phù hợp cho doanh nghiệp của mình… Nhiều việc lắm. Bây giờ làm ăn mà không quan tâm đến sự “nóng, lạnh” của chính trị thì công việc làm ăn làm sao hanh thông được. Tớ lấy một thí dụ nhé. Ở TP. Bắc Ninh của cậu, đất đang sốt sình sịch. Trong khi ở Hà Nội thì “lạnh”. Rõ ràng là sốt ảo. Nếu một doanh nghiệp nào muốn đầu tư và Bắc Ninh vào lúc này ắt phải thận trọng. Vì chắc chắn, Nhà nước tất phải “ra tay” để dẹp loạn sốt đất…
Nghe tôi phân tích, Hải càng ngẩn người ra.
-Cậu nói đúng! Mình lâu nay đúng là mình ít quan tâm đến vấn đề chính trị thật.
-Đất nước ta đang đứng trước cuộc cách mạng “Bốn chấm không”. Nhà nước đã và đang có nhiều quyết sách tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với công nghiệp “Bốn chấm không”. Cậu không theo dõi diễn biến của đời sống, chính trị, doanh nghiệp để có sự điều chỉnh và đầu tư phù hợp thì doanh nghiệp của cậu sẽ bị bỏ lại trong cuộc cách mạng lần thứ tư của toàn thế giới đấy. Nếu không nhanh chân để có hướng phát triển phù hợp với xu thế của thời đại, cậu sẽ bị đào thải.
Tôi ngừng lời. Hải đăm chiêu suy nghĩ. Rồi nó ngẩng lên nhìn tôi, nói.
-Thiết bị của công ty mình đang bắt đầu lạc hậu rồi. Đúng là nếu không thay đổi thì chắc chắn mặt hàng mà công ty mình sản xuất ra sẽ khó mà cạnh tranh được trên thị trường, nói gì đến xuất khẩu. Cám ơn cậu đã mở mắt cho tớ. Đúng là không thể không quan tâm đến chính trị được cậu ạ. Cám ơn cậu. Nói rồi hải bắt tay tôi khá chặt và rất lâu, miêng nhắc đi nhắc lại câu: “Cám ơn cậu nhiều, nhiều lắm! Cậu đã mở mắt cho mình hôm nay”…
Tôi mừng vì thằng bạn “gần được” xếp vào hàng đại gia của tôi đã có những cái nhìn mới.