Nữ thần Trường Sơn,truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 02:30 11/06/2018 Lượt xem: 567

                                           NỮ THẦN TRƯỜNG SƠN


                                                     Truyện ngắn của Xuân Tuynh


            Những năm còn đang làm việc, chức danh là một chủ nhiệm khoa Mỹ thuật ở một trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia, họa sĩ Lê Huynh không có nhiều thời gian để vẽ. Đặc biệt mảng đề tài về Trường Sơn mà anh ấp ủ từ lâu. Mãi cho tới ngày nhận quyết định về nghỉ hưu, họa sĩ Lê Huynh mới có thời gian thực hiện ước mơ của mình.

            Ngay sau khi nhận tháng lương hưu đầu tiên, Lê Huynh hăm hở, phóng xe máy vào phố mua sơn, toan, dành hết tháng lương hưu đầu tiên mua những típ sơn vẽ ngoại, loại tốt; thuê thợ đóng liền một lúc cả trăm chiếc khung tranh đủ kích cỡ về chất đống trong nhà để vẽ dần. Vợ cùng bạn bè đến chơi nhà thấy Lê Huynh suốt ngày miệt mài trong phòng tranh căng toan, mắc bóng đèn, dựng giá vẽ... trong cái không khí nóng nực của mùa hè, người ướt đẫm mồ hôi ai cũng nói:
- Mới về hưu, nghỉ ngơi đi du lịch đây đó cho khỏe, già nửa cuộc đời làm việc rồi. Giờ là lúc hưởng lạc tuổi già, vẽ vời làm chi cho mệt?

           Lê Huynh, ngừng tay từ trong phòng tranh bước ra ngoài sân, lấy điếu thuốc lá găm lên môi, quẹt lửa mồi, kéo một hơi dài, thở khói bay lên cao, giọng nhỏ nhẹ:
- Làm công chức thì có hưu, làm cái nghề sáng tác mỹ thuật như tụi này thì làm gì có hưu. Chỉ khi nào mắt không còn sáng, tay không còn cầm được cọ vẽ mới nghỉ. Cái bệnh nghề nghiệp nó là vậy, muốn nghỉ cũng chẳng được. Tôi mong bà xã và bạn bè thông cảm.

          Nói xong, Lê Huynh dụi mẩu thuốc đang hút dở vào gốc cây mồng tơi ở trong mảnh vườn trước sân. Vào nhà mang ra ba, bốn tập sổ ghi chép đưa cho mọi người xem:
- Mời mọi người coi. Tôi còn cả đống ký họa suốt năm, sáu năm ở Trường Sơn mà chưa có thời gian dựng thành tranh khiến lòng day dứt. Đây là món nợ với đồng đội, Trường Sơn mà tôi chưa trả được.

         Mọi người xúm lại, cầm những quyển sổ đã úa vàng, có những trang đã rách, lần mở từng trang chăm chú xem. Những bức ký họa bằng bút chì rất chân thực và cảm động. Cô giáo Tuyết Mai, vợ của Lê Huynh, nhìn những bức ký họa của chồng, xúc động, hai hàng nước mắt ứa ra, nói với mọi người:
- Mình vô tâm quá! Hai vợ chồng chung sống với nhau hơn hai chục năm, mà có bao giờ mình để ý đến những trang ký họa quý giá của anh ấy đâu. - Quay sang nói với chồng: - Anh cứ dành hết thời gian mà vẽ. Mọi công việc gia đình em lo toan hết.

         Nghe vợ nói vậy, Lê Huynh mừng lắm! Cười nói:
- Anh cảm ơn em. Bà xã của anh.

 

*
*    *


               Lê Huynh sinh ra và lớn lên ở miền Trung du Bắc bộ. Ngay từ khi còn nhỏ Lê Huynh đã yêu thích hội họa. Hàng ngày đi học trên lớp, giờ nghỉ bạn bè ra sân chơi bóng, đánh chắt, nhảy dây... Huynh ngồi một mình ở trong lớp, lấy giấy nháp ra chăm chú vẽ. Nét vẽ của trẻ con, những con vật, nhành hoa, ông mặt trời... trông rất ngộ nghĩnh. Năm học lớp sáu trong một cuộc thi vẽ: “Chúng em yêu chú bộ đội” của Ty Giáo dục phát động. Lê Huynh đã đoạt giải nhất với bức tranh: “Chú bộ đội kéo pháo vào Điện Biên”. Một nhà báo đã về trường gặp, phỏng vấn Lê Huynh:
- Khi giải phóng Điện Biên, cháu mới ra đời, sao cháu biết được các chú bộ đội kéo pháo vào Điện Biên mà nay cháu vẽ được bức tranh sinh động thế này?

              Lê Huynh đứng trầm ngâm, tay gãi đầu nói:
- Cháu nghe bố cháu kể, bố cháu là bộ đội pháo binh Điện Biên. Và cháu còn được nghe bài hát: “Hò kéo pháo” của ông Hoàng Vân. Cháu và các bạn cháu yêu thích bài hát ấy lắm. Để cháu hát cho chú nghe nhé.

            Nói dứt lời, Huynh khom người làm động tác kéo pháo, căng phồng hai má như hai quả táo, hát:
“Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo
“Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi...”
Chú nhà báo vỗ vỗ nhẹ vào vai Huynh khen:
- Cháu ngoan lắm, cháu giỏi lắm!

           Học hết phổ thông trung học, Lê Huynh có nguyện vọng theo vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhưng lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn quyết liệt, Mỹ đã cho máy bay ra bắn phá miền Bắc. Nghe theo tiếng gọi của non sông, hầu hết học sinh, sinh viên “xếp bút nghiên” tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Chàng thanh niên Lê Huynh mười tám tuổi, nước da bánh mật, cao to đã bỏ ý định vào Đại học Mỹ thuật, tình nguyện đi nhập ngũ. Vào bộ đội Lê Huynh được biên chế về binh chủng Công binh. Sau một năm huấn luyện ở Sơn Tây, nắm vững được kỹ chiến thuật của binh chủng, Lê Huynh được biên chế về một Trung đoàn Công binh thuộc Đoàn 559 mở đường Trường Sơn, con đường vận tải chiến lược. Chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của miền Bắc chi viện cho miền Nam.


 
*
*    *



             Vào Trường Sơn, Trung đoàn của Huynh có nhiệm vụ mở đường, xây dựng cầu cống, giữ vững mạch máu lưu thông trên cung đường Nam Lào. Đây là một cung đường trọng yếu của Trường Sơn.
Trung đoàn của Huynh có cả một tiểu đoàn bộ đội nữ, hầu hết tuổi còn trẻ, từ mười tám đến hai mươi quê ở Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh... Tinh thần của các cô làm việc rất hăng say, không quản ngại gian khổ vất vả và cả sự hy sinh máu xương. Dứt tiếng bom, hàng trăm các cô bộ đội, thanh niên xung phong tay súng, tay cuốc, tay dao tỏa ra mặt đường. Suốt những năm dài ở Trường Sơn lúc nào cũng giống như một công trường lớn. Tiếng xẻng, tiếng cuốc, tiếng mìn nổ, hòa vào tiếng nói cười, tiếng hát vang dậy cả núi rừng.

              Lê Huynh, được biên chế vào trung đội kỹ thuật, không phải trực tiếp làm những công việc nặng nhọc nhưng Huynh ngày nào cũng có mặt trên mặt đường, đo đạc, hướng dẫn bộ đội Công binh và thanh niên xung phong đào đất, đắp đường, xây dựng cầu cống... Hàng ngày đi làm, mang theo thước dây, dụng cụ, máy móc đo đạc, Huynh còn luôn mang theo bên hông chiếc túi, trong đó đựng một quyển sổ và chiếc bút chì. Lúc rảnh công việc, Huynh lại tranh thủ ngồi ký họa. Những bức ký họa sinh động, chân thực về các cô bộ đội, thanh niên xung phong làm đường được các cô rất yêu thích. Các cô rất tự hào thấy có hình ảnh của mình và đồng đội ở trong các bức ký họa. Nhiều cô yêu cầu Huynh tặng cho riêng mình một bức làm kỷ niệm. Các cô coi Huynh là thần tượng của mình. Hàng ngày kiếm được thứ hoa quả như ổi, sung, khế... đều để dành, tối mang về cho Huynh.

               Trong Đại đội 1 của Huynh có Lý, một cô gái ngoài hai mươi tuổi. Người nhỏ nhắn, làn da trắng hồng, hai mắt tròn như hai hạt nhãn, đôi má lúm đồng tiền. Miệng cười có duyên. Đỗ Thị Lý quê ở Hà Nội, cũng giống như Huynh cùng bao người khác, học xong phổ thông trung học, trúng tuyển vào Đại học Sư phạm nhưng Lý tình nguyện đi bộ đội. Lý vào Trường Sơn trước Huynh một năm.
Trong những năm sống chung trong một đại đội, Huynh trở nên quý mến Lý lúc nào không hay. Huynh quý mến Lý, một cô tiểu đội trưởng dũng cảm, luôn có mặt ở trọng điểm. Không nề hà bất cứ nhiệm vụ nào, dẫu biết có những nhiệm vụ nguy hiểm đến tính mạng như tháo gỡ bom mìn. Lý đã có sáng kiến phá bom bi của địch.

                 Giữa năm một nghìn chín trăm bảy mươi, khi ấy máy bay Mỹ thả xuống tuyến đường Nam Lào rất nhiều loại bom lạ. Sau các chuyên gia nghiên cứu, tìm ra loại bom này có tên là bom bi. Bom bi rơi xuống không nổ ngay, chỉ khi nào có vật tác động vào nó mới nổ. Trong mỗi quả bom to bằng quả ổi lớn, chứa có cả ngàn viên bi nhỏ như bi xe đạp. Bom bi có độ sát thương cao. Khi ta vấp phải bom bi, bom mới nổ, những viên bi găm sâu vào trong da thịt rất nguy hiểm. Những ngày đầu chúng thả xuống, Công binh và thanh niên xung phong của ta chưa biết cách phá hủy, nhiều đồng chí đã hy sinh vì vấp phải bom bi trong khi làm đường. Lý cùng với các chuyên gia tháo gỡ bom mìn đã có sáng kiến dùng những cành cây lá xum xuê, bó lại, buộc vào một sợi dây điện, hoặc dây rừng dài khoảng hai chục mét, kéo dọc trên những trục đường quan sát thấy có bom bi, khi bó lá kéo, tác động vào bom, bom nổ, bảo vệ an toàn cho bộ đội và thanh niên xung phong làm việc trên mặt đường.

              Ở Trường Sơn thường bị sốt rét. Ai sống ở Trường Sơn đều phải trải qua một trận sốt rét rừng. Hầu hết các cô gái mới vào Trường Sơn da trắng hồng hào, sau một trận sốt rét, nước da bủng beo, vàng nhợt, môi thâm. Riêng Lý, suốt hai ba năm ở Trường Sơn, Lý không bị sốt rét. Bạn bè thường nói: “Con Lý mạnh mẽ quá, bom đạn không quật ngã, mấy cái con vi trùng sốt rét nhằm nhò gì đối với nó”.Huynh với Lý, cứ sau mỗi ngày làm việc hai người lại ngồi cùng nhau ôn tập bài vở nuôi hy vọng sau này hòa bình về đi học tiếp Đại học. Huynh rất giỏi hình học. Lý giỏi hóa, hai người bổ trợ kiến thức cho nhau. Vào những buổi chiều đẹp trời, không có tiếng đạn bom, Huynh và Lý lại kéo nhau ra bờ suối, cách xa đơn vị chừng hai trăm mét, Lý cởi đồ xuống ngồi ngâm mình dưới dòng nước trong xanh làm mẫu cho Huynh vẽ. Việc làm của hai người cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần. Theo Huynh là phải vẽ ở nhiều góc độ mới tả được hết nét đẹp của Lý. Huynh đặt tên cho bức ký họa là: “Nữ thần Trường Sơn”. Không ngờ việc làm của Huynh và Lý bị chính trị viên trưởng tiểu đoàn phát hiện. Ông chính trị viên này tên là Vũ Viết Mãi, sống nghiêm khắc lắm. Anh em chiến sĩ trong đơn vị ai có tư tưởng lãng mạn, yêu đương, hát những ca khúc mùi mẫn là ông phê phán gay gắt. Bức ký họa Nữ thần Trường Sơn của Lê Huynh, ông đã phản đối mạnh, chỉ thị cho chi đoàn Đại đội 1 họp, kiểm điểm. Ông nhận xét đây là thứ tranh ảnh đồi trụy; biểu hiện một lối sống không lành mạnh, cần phải có kỷ luật thích đáng. Cuối cùng Lê Huynh phải thuyên chuyển công tác sang tiểu đoàn khác, sống cách ly với Lý.

                 Cuối năm một ngàn chín trăm bảy tư, Trung đoàn có lệnh trên điều động vào chiến trường Tây Nguyên mở đường vận chuyển vũ khí, lương thực cho trận đánh Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch tổng tiến công. Trong một đêm trời mưa, trận mưa cuối mùa ở Tây Nguyên. Mưa lớn, nước lũ đổ về, sông suối ngập, xe tăng, xe kéo pháo, xe chở hàng vượt qua đường ngầm rất nguy hiểm, chỉ cần chệch đường một chút là xe bị nước cuốn trôi. Tiểu đội nữ công binh của Lý có nhiệm vụ đứng ở hai bên đường ngầm làm hoa tiêu. Bỗng có một tiếng nổ lớn như tiếng bom, mặt đất rung chuyển, một vách núi cao sừng sững phía sau lưng đổ sập, lấp cả một đoạn ngầm dài hàng trăm mét. Cả tiểu đội hy sinh, hai chiếc xe chở hàng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ hung dữ. Hai hôm sau Huynh mới biết tin Lý cùng đồng đội hy sinh.

                  Từ khi biết Lý hy sinh, Lê Huynh buồn lắm, cả tuần lễ lòng dạ cứ bồn chồn. Huynh lao vào chiến dịch, tình nguyện đi vào những nơi gian khó, ác liệt nhất, cùng đồng đội chiến đấu để trả thù cho Lý, cho bao đồng đội đã hy sinh.

                  Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên. Huynh cùng với mười anh em trong Đại đội 1 tìm về nơi Lý và đồng đội của Lý hy sinh. Mười người đã hái hoa rừng kết thành mười vòng hoa lớn thả xuống dòng sông Sêrêpôk trong chiều thu nắng vàng, ong bướm bay dập dờn hai bên bờ sông. Huynh cùng đồng đội đứng lặng, một hồi lâu, Huynh thầm gọi: “Lý ơi!”. Hai dòng nước mắt Huynh trào ra, nhỏ xuống sông trôi theo dòng nước trong xanh đang cuộn chảy. Xa xa có tiếng quân reo hò vọng lại!

 
*
*    *


                 Lê Huynh suốt ngày ngồi say mê vẽ, vẽ quên cả thời gian. Nhiều hôm bỏ cả ăn. Lê Huynh có sở thích ăn thịt chó. Trước đây dù bận mấy, cuối tuần Huynh cũng kéo mấy người bạn trong khoa ra quán Cầy bảy món ở đầu đường Điện Biên Phủ làm một chầu, uống vài ly rượu đế mới về. Nhưng từ ngày về hưu, Huynh bỏ hết mọi thói quen trước đây, ngay cả cà phê sáng Huynh cũng không uống, tập trung vào vẽ. Vẽ như chạy đua với thời gian.

               Lần lượt hàng trăm bức tranh sơn dầu đủ kích cỡ về đề tài Trường Sơn, về đất nước quê hương ra đời.Tranh của Lê Huynh vẽ chân thực, tươi mới. Mỗi bức tranh gửi gắm đầy ắp tâm tư, tình cảm của tác giả. Người xem tranh của Lê Huynh thấy gợi lại những năm tháng hào hùng của Trường Sơn yêu thương, về những miền quê yêu dấu.Trong số hàng trăm bức tranh về Trường Sơn, người xem và bạn bè đồng nghiệp yêu thích nhất là bức: “Nữ thần Trường Sơn”. Hình ảnh một cô gái đẹp tựa nàng tiên, uốn mình trong dòng nước trong xanh, phía xa xa là bức phông Trường Sơn hùng vĩ, những tia nắng hoàng hôn chiếu lấp lánh trên bộ ngực tươi non. Nhìn vào bức tranh ai cũng trầm trồ khen ngợi.
Bức tranh “Nữ thần Trường Sơn” được một nhà sưu tập tranh người Pháp trả với một cái giá rất cao, mười nghìn đô, nhưng Lê Huynh không bán.

                Cuộc sống của Lê Huynh, một công chức về hưu mỗi tháng được khoảng năm, sáu triệu đồng, vừa phải chi tiêu hàng ngày, lại còn mua sơn, toan,... thuê người đóng khung tranh, kể như chẳng thấm thía vào đâu. Bạn bè đồng nghiệp bảo với Lê Huynh, bán bức tranh “Nữ thần Trường Sơn” đi lấy tiền mà lo cho cuộc sống. Thời buổi nay mấy họa sĩ có tranh được người nước ngoài mua với cái giá cao như vậy. Mười nghìn đô, một số tiền có nằm mơ cũng chẳng có.

                Mọi người nói vậy, nhưng Lê Huynh không bán. Vợ con nói Lê Huynh cũng không bán. Lê Huynh thường tâm sự với bạn bè thân thiết:
- Tiền nhiều tiêu cũng hết. Nhưng bức tranh là kỷ vật thiêng liêng không thể bán và không thể cho một người thứ hai sở hữu nó.

               Từ ngày hoàn thành bức tranh sơn dầu khổ lớn: “Nữ thần Trường Sơn”, Lê Huynh vui lắm! Huynh treo bức tranh ở nơi trang trọng trong nhà. Mỗi khi ngồi ngắm bức tranh Huynh lại nhớ về bao đồng đội, nhớ Trường Sơn da diết. Hằng đêm nằm ngủ, trong giấc mơ thấy Lý hiện về, Em vẫn trẻ trung, tươi tắn hồn nhiên đẹp như một nhánh lan rừng. Lúc tỉnh dậy Huynh ngân nga hát thầm bài hát Lý cùng đồng đội thường hát vang trong đêm khuya đi mở đường:
“... Dù bơm rơi, pháo sáng mịt mùng
Em vẫn mở đường cho xe thẳng tới...”

 
Nha Trang, tháng 6-2018
                     X.T
 
 
Địa chỉ liên lạc:          
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang                      
DĐ: 0908.625.369
tin tức liên quan