Dự thi Hào khí Trường Sơn
Hồi ký của Võ Khắc Mai
Bài 1:Một bệnh xá bất đắc dĩ
Tháng 6/1968 Bộ điều vào cho ban 67 một số cán bộ kỹ thuật có chất lượng, trong đó có các đồng chí ở viện thiết kế như anh Khiết, anhh Khổng,và anh Lưu Bân,anh là 1 kỹ sư cầu giỏi, học ở Liên Xô về, đang làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Giao thông. Ban xây dựng 67 quyết định thành lập một lực lượng khảo sát thiết kế, trực thuộc phòng Kế hoạch kỹ thuật, tôi phụ trách lực lượng này.
Chúng tôi có nhiệm vụ:
-
Khảo sát thiết kế đường tránh Thanh - lạng – Mã -Lầu để tránh các trọng điểm ác liệt: Khe Hà, Khe Hương, Ca Tang, Trọng điểm 668, Ngã 3 Khe Ve
-
Khảo sát lại tuyến Rào Te- Khe Trạ để tránh phà Xuân sơn, Cửa rừng ,Vĩnh sơn, Phòng kế hoạch kỹ thuật bổ sung cho tôi Ông Hoàng Huy Tuấn, Đảng viên, 1 kỹ sư cầu lâu năm.
Chúng tôi chia làm 4 tổ, 2 tổ ở tuyến Thanh Lạng – Mã lầu, 2 tổ phụ trách tuyến Rào Te_ Khe Trạ.Hai tổ Rào Te- Khe Trạ do 2 đồng chí ở viện thiết kế có kinh nghiệm lãnh đạo. Anh Hoàng Huy Tuấn chỉ huy mũi này. Tôi phụ trách tuyến Thanh Lạng_ Mã Lầu. Tuyến này hoàn toàn mới, chưa ai vạch tuyến, cấp trên chỉ cho điểm đầu và điểm cuối, tôi phải tự vạch tuyến trên bản đồ rồi triển khai.
Tổ 1 gồm anh Lưu Bân làm tổ trưởng anh Sĩ Chiểu tổ phó, tổ 2 anh Khổng làm tổ trưởng, 1 anh kỹ thuật làm tổ phó.
Lúc đó anh Lưu Bân thú thật với tôi: “Tôi dạy Đại học, nhưng chưa từng biết công việc của một tổ khảo sát như thế nào cả, anh hướng dẫn tỷ mỷ cho tôi, tôi sẽ ghi chép, nghiên cứu trình tự từng công việc rồi làm theo”. Tôi để ra một buổi nói tỷ mỹ cho anh từng việc phải làm, anh chăm chú ghi cẩn thận. Không ngờ anh thực sự cầu thị, không dấu dốt, nhưng lại rất thông minh, chỉ nói 1 lần là anh hiểu và làm theo rất nghiêm túc, thật là 1 con người cẩn trọng, khiêm tốn, tỷ mỹ, sau này anh là Phân viện trưởng Phân Viện khoa học kỹ thuật giao thông phía Nam.
.
Chúng tôi được bổ sung mỗi tổ 2 tiểu đội TNXP và 1 trung đội trưởng làm tổ phó lo hậu cần .
Tôi đưa tổ anh Khổng vào chính giữa tuyến, nơi mà tôi đã vạch trên bẢn đồ cho 2 tổ nối nhau giữa rừng, chỉ cho Anh những điểm khống chế, rồi ra tổ anh Bân cùng anh đi tìm vị trí cầu cáp Thanh Thạch mà tôi đã dự kiến trên bản đồ. Đấy là điểm mấu chốt của tuyến. Chúng tôi lần mò vào đến nơi thì mừng quá. Đã có người trước đây cắm mấy cọc tuyến, nay đã mục gần hết, nhưng với kinh nghiệm khảo sát, tôi nhận ra ngay. Đã có người chọn vị trí này từ lâu. Đây chắc là của Viện thiết kế. Thế là tôi yên tâm cùng anh Bân lội dọc tuyến. Cách vài ba trăm mét lại thấy một vài cọc còn lại. Không nghi ngờ gì nữa, tuyến mình vạch là đúng.
Trời bắt đầu mưa lũ, phía tổ anh Bân đã cắm xong bước sơ bộ, bắt đầu cắm tuyến kỹ thuật. Tôi được tin tổ Anh Khổng cầu cứu, tôi vào đến nơi thì mới biết: Mấy hôm mưa lũ, anh cho người ra Binh trạm 12 lấy gạo, khi đi về nước lớn, mưa như trút, nên gạo ướt hết, mấy ngày không có ánh nắng nên không phơi được. Nay hạt gạo đã bị trương, nấu cơm không chín, chỉ chín phần ngoài còn trong ruột vẫn sống nguyên. Tôi cho nhiều cô nấu thử đều thế. Tôi vội viết báo cáo, cho người đem gạo ra Binh trạm 12 xin phòng hậu cần cho đổi số gạo này, phòng hậu cần có thể xay bột làm bún cho bộ đội. Sau đó tôi dẫn anh Khổng lên đỉnh đèo, điểm khống chế mà mấy ngày anh tìm không ra. Tôi hướng dẫn anh lấy bản đồ ra vạch hướng xong, xác định vị trí mình đang đứng và điểm mình cần đến trên bản đồ, theo địa bàn mà đi . Sau 3 giờ chúng tôi đã đến đỉnh đèo, điểm cần đến. Tôi lại bày cho anh cách triển tuyến từ đỉnh đèo đến chân, rồi bắt vào tuyến của mình.
Vừa xong thì lại được tin tổ anh Bân bị sốt rét nặng. Tôi ra đến nơi, thì toàn tổ 22 người, sốt nằm 10 người,: Anh Bân, anh Chiểu, cô Chiên tổ trưởng và tổ phó đều sốt nặng. Anh Bân nôn ra mật xanh, mật vàng vì tạng người anh yếu. Có hôm anh nói với tôi: “Anh Mai, anh có nhổ răng được không? nhổ cho em 2 cái, em nhức quá!”Tôi lắc đầu chịu. Hôm sau tôi và 5 anh nữa lăn ra sốt. Tối hôm đó, tôi đang ngủ bổng nghe lắc cắc như có ai đang bò trong lán, ngồi bật dậy hỏi “Ai đấy ”. “Em! Kiệt đây” –“ Cậu làm gì đấy” – “Dạ sốt rét khát nước quá, em định bò xuống suối uống”. Chết thật, tôi đánh thức cô Liên y tá và mấy anh khoẻ dậy, quây chăn kín lại, nhóm lửa đun cho anh ca nước ,vì sợ nữa đêm, ánh lửa dễ bị máy bay phát hiện. Uống nước xong mọi người lại ngủ. Độ 3 giờ sáng tôi lại nghe uỵch một tiếng, bật dậy, té ra Kiệt lại khát nước, sợ phiền anh em, nên bò ra suối uống xong bò về, trượt chân ngã. Tôi cho anh em khiêng Kiệt vào. Hôm sau tôi bảo cô Liên đem túi thuốc cùng 4 anh còn chưa sốt, khênh Kiệt ra bệnh xá đội 89. Đến chiều 2 anh về báo tin :Anh Kiệt đã vào bệnh xá, cô Liên cũng bị sốt nằm lại, 2 anh trên đường về bị sốt đang đi sau còn 2 anh về được, báo tin. Tôi lo quá, túi thuốc cô Liên mang theo nay đã nằm lại bệnh xá, lấy ai, lấy gì để điều trị cho anh em đây. Hôm sau anh em sốt hết cả, chỉ còn lại anh Dong, cán bộ trung cấp và cô Son, Thanh niên xung phong là còn khoẻ, nấu cháo, chăm lo cho 19 anh em khác nằm la liệt như một trạm xá bất đắt dĩ.
Để anh em đỡ buồn và mất tinh thần, tôi cố gắng ngồi dậy, tựa lưng vào vách, kể đủ thứ chuyện: Tam quốc, Đông chu liệt quốc, Thuỷ Hử, Thất quốc chí, nhớ đâu kể đấy, hết chuyện Tàu đến chuyện ta: Trọng Thuỷ - Mỵ Châu, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…Hàng ngày tôi chống gậy ra đường giao liên chờ xem trên đường quân ra vào, có ai đeo túi y tế nhờ họ vào khám bệnh, phát thuốc cho anh em, có người thương hại nghỉ lại một đêm để theo dõi, nhưng rồi vì nhiệm vụ, họ phải ra đi. Mấy hôm sau được tin anh Kiệt lên cơn sốt ác tính qua đời. Uất ức, đau đớn, thương xót quá, nhưng chiến tranh biết làm sao được.
Một hôm tôi thấy anh Bân nằm bên cạnh bấm tôi và đưa cho tôi 1 viên thuốc màu đỏ, bảo “Sâm Liên Xô đấy”. Tôi đem theo 1 lọ, không có cho hết anh em, biếu anh mỗi ngày một viên vậy. Tôi cảm động vô vùng. Hôm ấy đang chống gậy ra đến đường giao liên, thì thấy 1 người quen quen đeo túi thông tin, tôi nhìn kỷ: À cậu Bì, quân cũ của tôi ở công trường 13C vào tuyến lửa cách đây 3 năm, tôi hỏi:” Bì phải không” ? –“ À anh Mai, anh cũng vào đây rồi đấy à.”
- Cậu làm gì ở đây
- Em phụ trách đường dây đoạn này
- Thế cậu có thể nối máy cho mình nói chuyện về Tổng cục tiền phương không?
- Được thôi, anh chờ đấy.
Bì mở túi, lấy máy điện thoại ra, nối với đường dây dọc tuyến, quay máy bắt liên lạc một lúc rồi trao máy cho tôi. Tôi xin gặp ông Phan Trầm, Tham mưu trưởng cầu đường, tôi báo tin cấp cứu cho ông, 1 chiến sĩ đã chết, nếu không kịp thời sẽ có người chết nữa. Ông bảo: Tôi sẽ cho giải quyết ngay.
Ngay tối hôm ấy, anh Trịnh Chí Cao, thư ký của ông Trầm, đi xe con, lấy 16 TNXP ở đội 89, băng rừng , đem theo đường sữa thuốc men và cáng vào để khênh tôi và những người ốm nặng ra. Tôi không ra được vì nhiệm vụ chưa xong và một trung đoàn bộ đội đã cho tiền trạm vào chuẩn bị thi công.
Chuyến đầu tiên tôi cho đem anh Bân, anh Chiểu, cô Chiên và 1 TNXP bị nặng nhất ra trước.
Năm đêm liền đem hết bệnh nhân ra bệnh viện 24 ở xã Phúc Trạch Hà Tĩnh.Tôi, anh Dong và cô Son ở lại hoàn chỉnh hồ sơ.Hôm sau, ông Hoàng Đạc Phó Ban Xây dựng 67 kiêm Binh trạm phó Binh trạm 12 và 1 số cán bộ của 1 đơn vị bộ đội vào nhận tài liệu. Tôi làm không kịp, đành bảo họ đi theo tôi, dọc tuyến, đến đâu phát tuyến thi công đến đấy, hồ sơ tôi sẽ làm sau.
May sao, lúc ấy có một tổ khảo sát mạnh của Viện thiết kế vừa ở Miền Nam rút ra. Có anh Đàm râu, học trước tôi 2 khoá, được lệnh ở lại giúp tôi hoàn chỉnh hồ sơ.
Khi tôi đưa bản đồ vạch tuyến ra, Anh Đàm nói ngay. “Ồ Anh đi đúng vào tuyến đường mà chúng tôi đã vạch và đang cắm dỡ dang thì được lệnh hành quân vào Nam cách đây gần 10 năm.”
-Thảo nào trên tuyến thỉnh thoảng tôi gặp phải một số cọc khảo sát không biết của ai.
-Thế thì tôi sẽ hoàn chỉnh hồ sơ cho anh nhanh thôi, bộ đội sẽ làm đường được ngay.
Tôi yên tâm về Hương- Đô điều trị. Một tuần sau tôi được anh Đàm báo ra là có một trung cấp kỹ thuật sốt rét sắp chết, cần giúp đỡ gấp. Tôi vội báo ông Trầm, đề nghị cho xe con đưa y sĩ Yết ,một chuyên gia trị sốt rét ác tính vào ngay. Đến nơi người ta vừa đưa bệnh nhân từ hầm lên để chờ chết . Anh Yết vào khám xong ,lấy một ống thuốc tiêm ngay và nói:”Trường hợp này có thể cứu được,đưa ngay ra xe, tôi sẽ hộ tống ra bệnh viện Quân y ở Hương long.”
Thế là bệnh nhân được cứu sống nhưng bị nói ngọng.
Bài 2: Tìm đường tránh đèo Mụ Dạ
Bệnh sốt rét của tôi vẫn dai dẳng trở thành bệnh sốt rét định kỳ, cứ đến 15 giờ - 16 giờ hàng ngày là sốt rét, 21 giờ - 22 giờ thì cắt cơn, y tế điều trị mãi không được. Đã làm mọi thủ tục để tôi ra tuyến ngoài.Thế là mình phải về tuyến sau sao ? Mới vào tuyến lửa chưa được 1 năm.Tôi đang dùng dằng thì giặc Mĩ xuống thang ngừng ném bom Miền Bắc để chuẩn bị cho hội nghị Paris, nhưng chúng đánh chặn các cửa khẩu đường 12 và đường 20. Tư lệnh Tổng cục tiền phương lúc bấy giờ là ông Lê Quang Đạo yêu cầu: “Dồn ngay lực lượng khảo sát lên 2 cửa khẩu để tìm đường tránh.”
Tổ Anh Khiết và anh …. ở đường Rào Te- Khe Trạ, kéo lên cửa khẩu đường 20 tìm đường 20K, bộ phận ở đường Thanh – Lạng Mã – Lầu bị sốt hết nên phải tổ chức 1 lực lượng khác để lên tìm đường tránh đèo Mụ Dạ. Các kỹ sư khác đều không có chuyên môn khaỏ sát nên Ông Trầm yêu cầu phòng y tế vực tôi dậy, Tôi báo cáo: “Tôi không từ chối nhiệm vụ, nhưng chỉ sợ nữa chừng sức khoẻ không bảo đảm sẽ ảnh hưởng, vì hiện nay ngày nào tôi cũng sốt.”.Ông Trầm cử thêm 7 cán bộ kỷ thuật, 2 tiểu đội bộ đội, cùng y sĩ Bỉnh, mang túi thuốc đi theo tôi, sốt ở đâu nghỉ ở đấy, tất cả tư trang tôi đều do bộ đội mang, tôi chỉ đi không.Trước khi lên đường tôi đã vạch sẵn tuyến trên bản đồ – Theo đường 12 qua khỏi đồn công an Cha – lo, rẽ trái vòng qua mỏm đồi Foutocvou, đi men theo đường đồng mức lên biên giới Việt Lào, cách Mụ Dạ 1km về phía nam, qua biên giới, đổ theo đường đồng mức, bắt vào đường 050.Thế nhưng không biết thực địa có gì khác không ?Tôi nghỉ: Ta vào đồn công an Cha lo, các đồng chí đó đi tuần tra dọc biên giới nhiều, biết rõ địa hình, trao đổi thêm, nếu được nhờ các đồng chí đó giúp đỡ.Đồn đóng trong một hang đá rộng lớn, 1 tiểu đoàn Anh hùng bám trụ, từng tiêu diệt nhiều toán biệt kích từ Lào xâm nhập sang. B52 ném ra Miền Bắc đầu tiên là ném chính vào hang đá này, nhưng không gây bất cứ một thiệt hại gì.
Khi nghe tôi trình bày mọi việc trên bản đồ. Đồng chí thiếu uý công an phụ trách khu vực ấy nói. Các anh chọn đúng tuyến rồi đấy, khu vực này chúng tôi đi nhiều lần, thuộc như lòng bàn tay, có thể làm đường ô tô chạy tốt; Tôi mừng quá xin giúp đỡ. Đồn trưởng cử ngay đồng chí Thiếu uý công an và mấy đồng chí nữa đi dẫn đường, vừa bảo đảm an toàn cho chúng tôi vì khu vực này vẫn hay có biệt kích. Nhờ đó mà chúng tôi nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Một hôm đang đi thì tôi bị sốt phải mắc võng nghỉ lại, 12 giờ đêm tôi hết sốt, đang mơ màng, bổng nghe đồng chí công an nhẹ nhàng vổ khẻ vào từng võng: Xuống võng, nằm sát đất ngay, chúng tôi răm rắp làm theo. Bổng nghe đồng chí Thiếu uý quát: Ai ? Đối phương cũng hỏi lại: Ai ? !! Lặng độ mấy phút, bổng đồng chí Thiếu uý lên tiếng:-“ Bảng phải không ?”
- Phải : Công an đấy à !
- Sao nữa đêm lặn lội đến đây !
- Chúng em đi nối đường dây bị đứt, lệnh phải hoả tốc thực hiện, chưa kịp thông báo sang bên các Anh ! Thật hú vía.
- Chúng tôi đóng quân lại trong 1 trạm giao liên.
Hôm ấy tài liệu sắp xong, tôi nhờ trạm giao liên nối điện thoại báo cáo Ban 67: “Chúng tôi xong việc sẽ kéo quân về sau mấy hôm nữa.” Ông Cao Xuân Can điện lên: “Tư lệch Lê Quang Đạo yêu cầu Anh tìm thêm 1 tuyến nữa về phía Bắc đèo Mụ Dạ.” Tôi trả lời: “ Phía Bắc đường 12 là dãy núi Dăng – Màn dựng đứng, ô tô lên thế nào được.”
- Đấy là mệnh lệnh, Anh phải đi thị sát, nếu không được phải có số liệu chứng minh.
- Không biết có phải mệnh lệnh hay không ? Hay là ý kiến cá nhân Ông Can ! Nhưng tôi phải chấp hành.
May một điều là bệnh sốt rét của tôi đã gặp một kỳ tích: Ở trong trạm giao liên có 1 anh bộ đội người dân tộc ở Thanh Hoá, thấy tôi vừa làm việc vừa ốm lên ốm xuống, Anh bảo: - Bệnh của Anh nặng lắm rồi, thuốc tây không chữa khỏi đâu. Dân tộc chúng tôi biết bệnh này phải ăn thịt khỉ mới lành.
- Khỉ ở đâu ra.
- Gần đây có rất nhiều khỉ, tôi sẽ bắn về cho anh. Thế là chiều hôm sau anh ta vác súng đi, lúc sau đã xách về 1 con khỉ. Anh bày chúng tôi lột da khỉ, lóc thịt ướp muối, đặc biệt anh làm sạch 2 chi trước cùng xương khỉ bỏ vào hầm, rồi nấu cháo, 10 giờ đêm anh múc cho tôi bát cháo có 2 chi trước của khỉ. Anh bảo: “Bao nhiêu tinh tuý trong con khỉ tụ cả vào 2 chi trước, anh phải cố ăn cho hết.” Rất khó ăn nhưng tôi vẫn cố. Ba lần như thế, bệnh sốt rét của tôi hết hẳn, không còn phải tiêm hàng ngày nên cánh tay trái hết phù nề. Anh còn bảo: “ Bệnh của Anh lành hẳn rồi, sau này có tái phát thì phải mật khỉ mới chữa khỏi” Anh lấy cho tôi 3 cái mật khỉ đã phơi khô. Từ đó đến nay, đã 50 năm tôi chưa từng bị sốt rét lại.
Hôm ấy tôi đem theo anh Bông, 1 cán bộ kỹ thuật trung cấp và 4 anh bộ đội mang súng đi theo, vì công an cho biết trên đỉnh Dăng – Màn hay có biệt kích.Tôi chỉ đem theo rất ít vì để anh em cán bộ ở lại trạm hoàn chỉnh hồ sơ.Khi vượt trở về bên này đèo Mụ Dạ, đến trạm Barie cửa khẩu, tôi đưa anh em vào nghĩ trưa, trong 1 hang đá của anh trạm trưởng, rộng gần bằng 1 phòng nhỏ, giữa đặt 1 chiếc bàn gỗ, 2 bên 2 sạp làm bằng tre rừng. Tôi, Anh trạm trưởng và Anh Bông nằm bên này, bên kia là 4 anh bộ đội.Chúng tôi vừa nghỉ vừa nghe trên đài tập bài hát :Nghe tiếng pháo Khe Sanh.13 giờ tôi gọi anh em dậy để đi. Tôi bảo” Đi lên núi Dăng màn có khả năng gặp biệt kích, các cậu bộ đội nạp đạn vào súng sẵn sàng”. Không biết loay hoay thế nào, anh bộ đội trước mặt tôi bị súng cướp cò, viên đạn K44 bắn lên trần đá, bật ngược xuống nền đá, nát ra rồi bật ngược về phía tôi. Trong tích tắc đó, không hiểu sao anh Bông ngồi ngoài quay người với vào lấy cái mủ ở kệ bên trong, người Anh che cả phần ngực và bụng tôi. Anh bị ngay 7 mảnh đạn vào lưng, 1 mảnh lọt qua khe hở, trúng ngay cổ của anh Thiếu uý Barie
Anh em trong trạm chạy đến, tôi vội nhờ anh em khênh 2 người bị thương vào trạm xá công an gần đấy, còn tôi và 4 anh bộ đội tiếp tục nhiệm vụ, đến 16 giờ chúng tôi mới leo được lưng chừng dốc đá, tôi nói, đi đến đây là các anh đã thấy rõ không thể làm đường ô tô lên đỉnh Dăng – màn, ta về thôi.
Chúng tôi đến trạm xá thì đã 18 giờ, anh Bông bị bảy mãnh đạn vào phần mềm, người ta gắp ra 4 mảnh, còn 3 mảnh quá nhỏ, lẫn vào mỡ không gắp ra được, tạm thời để lại. Anh Thiếu uý Barie bị một mảnh, nhưng nặng hơn nhiều, cạnh động mạch cổ, người ta đã gắp ra nhưng đầu Anh chưa trở lại bình thường, vẫn hơi nghiêng về bên trái.
Tôi làm thủ tục gửi Anh Bông ở lại trạm xá, đề nghị có xe gửi về Tổng cục tiền phương. Một tuần sau anh về đến Ban và chúng tôi làm thủ tục cho anh về hậu phương.Hai hôm sau tôi dẫn anh em về. Tôi bảo chúng ta sẽ đi Xuyên rừng, ra đến phía Đông đèo Mụ Dạ, bên ta nó không đánh nữa, chắc có xe chạy ban ngày, xin xe về Binh trạm 12. Tôi cùng anh tổ trưởng công đoàn (Anh Khuê), 3 anh kỹ thuật và 3 anh bộ đội, theo bản đồ và địa bàn phát đường đi trước, anh Xuân đội phó đôn đốc anh em dọn dẹp theo sau.Tôi băng theo đường rừng, phát đường ra phía đông đèo Mụ Dạ, chờ 15 phút thì có 2 xe ba cầu đi không trở ra, tôi đưa giấy giới thiệu xin đi nhờ, xe đầu mở cửa ca bin mời tôi lên xe còn anh em đi trên thùng, xe chuẩn bị chạy, tôi chợt nghĩ: Mình là Đội trưởng mà bỏ anh em về trước là không nên, tôi mở cửa xe bước xuống, dặn anh em về nhà khách Binh trạm 12, chờ tôi, tôi chờ đoàn sau: Hơn 1 giờ mới thấy anh em lục tục ra, Anh em dọc đường ham tìm dù và pháo sáng, .. Chờ 1 lúc không có xe, tôi dẫn anh em đi bộ gần 3km mới gặp xe, xin đi nhờ. Xe xuống hết Bãi Dinh thì gặp một đoàn xe kéo pháo đi ngược lên, xe tôi phải đậu lại bên lề để nhường đường. Khi xe về đến binh trạm 12 đã 20 giờ đêm, vào nhà khách không thấy mấy Anh đi trước, tôi vừa lo vừa bực.
23 giờ tôi đang đi lui đi tới không sao ngủ được. Bổng thấy Anh Em vác ba lô ướt lói ngói đi vào. Té ra xe bị lao xuống vực. Nguyên xe chạy được 1 lúc thì gặp cô cấp dưỡng của đơn vị, lên ngồi ngay chỗ tôi ngồi. Khi gặp đoàn kéo pháo, xe dừng lại, sau đó tài xể xuống quay ma ni ven, máy nổ và xe chuyển bánh,đường dốc, lái xe không lên kịp ca bin, không ai lái, xe lao xuống vực, gặp ngay đoạn nước sâu, Anh em ngồi sau thùng ôm lấy nhau, khi xe xuống nước các anh nổi lên.Hai lái xe thét lên : Trong ca bin có người, Hai anh lặn xuống, hơi đầu tiên, đập được kính cửa xe, hơi sau kéo được cô ta ra thì cô chết rồi. Không biết giá như mình vẫn ngồi đấy, vừa ốm khỏi, có đủ sức phá cửa xe mà ra không ?
Đợt công tác này tôi có làm một bài thơ cảm tác:
Có phải nơi đây gọi “ Cổng trời”,
Sáng đầy sương núi tựa trùng khơi.
“Dăng Màn” một giãi in tranh vẻ,
Đất nước ta sao đẹp tuyệt vời.
“Mụ Dạ” là đây giặc chặn đường
Tiếp lương tải đạn tới tiền phương.
Làm sao ngăn được lòng yêu nước
Dân tộc Việt Nam chí quật cường
Rẻ trái vòng qua “Fou-tốc-vou”,
Xuyên qua rừng rậm đầy sương mù,
Đoàn quân khảo sát tìm đường mới,
Tải đạn vào Nam diệt giặc thù.
Giặc Mỹ thua đau phải xuống thang
Vào bàn hội nghị để hòa đàm.
Giang sơn thống nhất liền Nam-Bắc
Không để kẻ thù mộng cắt ngang.
Bài 3: Xin ở lại giữ trọng điểm,hết giặc mới đi học
Sáng mồng 1 tết năm Kỷ Dậu 1969 tôi được điện đưa toàn đội sang Ban làm lễ đón nhận lẵng hoa Bác Hồ. Khi đưa cho anh em sang làm lễ xong, thì tôi là chiến sĩ thi đua năm 1968 nên được chọn làm phó đoàn cùng Anh Dương Kim Thành, Thường vụ Đảng uỷ Bí thư Đoàn Ban xây dựng 67 làm trưởng đoàn hộ tống lẵng hoa của Bác lên cửa khẩu đường 20 trao lại cho đội Thanh niên xung phong 25 đang ngày đêm chiến đấu bảo đảm giao thông.
Anh Thành còn có nhiệm vụ lên đó chọn 7 nam, nữ thanh niên học hết trình độ cấp II đưa về học sư phạm.Khi gọi các cô cậu lên yêu cầu chuẩn bị đi học, các cô cậu đều nói: Các thủ trưởng ơi ! Chúng em xây dựng nên con đường này, nay địch đang đánh phá ác liệt, các thủ trưởng cho em ở lại giữ đường, khi yên ổn chúng em xin đi học.Anh Thành phải nói. Nhiệm vụ các đồng chí lâu nay là làm đường, giữ đường, nay Đảng giao cho các đồng chí học để sau này đem tinh thần phấn đấu của anh em đồng đội hôm nay truyền lại cho lớp con em mai sau. Nhiệm vụ ấy không kém phần quan trọng
Vậy đề nghị các thủ trưởng để đêm nay chúng em ra mặt đường thăm lại các kỷ niệm lâu nay.
Tối hôm ấy chúng tôi theo anh chị em chạy từ lán ra hiện trường vì phải qua một đoạn đường trống trải bị bom đạn cầy xới. Ra đến đường, các cô chỉ cho chúng tôi: Chỗ này con bạn em hy sinh, chỗ này em bị thương,…. Chúng tôi vô cùng cảm động.
Hôm sau trên đường về, qua khỏi trọng điểm, đến Cổ Giang, Hà lời thấy học sinh cắp sách đi học, các cô lại kêu nhau. Bây ơi! Ở đây có học sinh cắp sách đi học, đến Bùng thấy khói cơm chiều bốc lên các cô lại kêu. Bây ơi! Đây nấu cơm có khói kìa, chúng tôi không cầm được nước mắt, hơn 4 năm nay, các cô ở trong rừng không thấy bóng một học sinh, nấu ăn phải dùng bếp Hoàng Cầm, làm gì có khói.
Bài 4: Bảo đảm giao thông ở đường 20 Quyết Thắng
Tôi đến công trường 20 khi tình hình rất căng thẳng. Chỉ huy công trường là Ông Lam Chi (Nguyễn Trí Tuệ). Ông là phó Ban Xây dựng 67 kiêm Binh trạm phó Binh trạm 14, Trưởng ban chỉ huy công trường 20. Ông là người có đầu óc tổ chức tốt, cương quyết và rất gan dạ. Điểm yếu của ông là không có chuyên môn kỹ thuật. Tôi đã bổ sung được cho ông điểm yếu này. Mọi mặt kỹ thuật và bố trí tổ chức thi công ở công trường ông đều giao cho tôi giải quyết, tập trung cả công tác khảo sát thiết kế, điều độ thi công, v.v… Tổ chức 1 phòng đến 36 người, vừa kỹ sư, vừa trung cấp, vừa công nhân kỹ thuật.Vừa vào công trường thì tôi phải giải quyết ngay một trường hợp chống trơn trượt cho xe leo dốc. Hôm ấy trời mưa phùn, một đoàn xe vận tải leo dốc ở km 46 – 47 thì bị trơn trượt ở một đoạn dài 50m, bánh xe cứ quay tròn, không bám được vào mặt đường, hơn 100 xe đang đậu lại.Ngồi trên xe con vừa đi, vừa suy nghĩ. Làm cách nào để tăng ma sát mặt đường, để xe có thể vượt dốc trước 4 giờ sáng mới kịp đến vị trí dấu xe: Có mấy biện pháp.
- Rãi rông đanh. Phải huy động người chặt rông đanh, có kịp giải quyết không?
- Quấn xích quanh lốp xe. Các xe có đủ xích không ?
- Rãi đá mạt tăng ma sát, đá ở đâu ? Khu vực này rất xa mỏ đá, huy động xe chở đến thì đã sang, làm sao dấu được hàng trăm xe.
- Xe đến địa điểm, tôi phải đi bộ vào khu vực lầy. May sao, trên đường đi cách vị trí trơn trượt 50m, có mấy đống đá mạt từ xa xưa ai đổ ở đây. Sao lại may thế này. Tôi họp anh em lái xe lại và yêu cầu lấy mũ bộ đội xúc đá mạt rải lên khu vực lầy, mọi người hưởng ứng, đến 2 giờ 30 phút sáng thì xong, xe đầu tiên nổ máy vượt dốc, chiếc thứ 2, thứ 3 ….đến chiếc thứ 22 thì lại tụt. Tôi đề nghị các xe đã lên được trên dốc dừng lại nối cáp kéo các xe yếu lên: Đến 3 giờ 30 thì gần 100 xe lên hết và qua khỏi trọng điểm, sau đó tôi cho xe đổ vài chục xe đá hai bên đường để từ đó về sau đoạn này không bao giờ bị lầy nữa.
Việc thứ hai phải giải quyết là bảo đảm giao thông ngầm Bùng.Địch đánh sập cầu Bùng, xe không qua được, phía hạ lưu đã thiết kế và thi công một ngầm cho xe qua. Tuy nhiên ngầm Bùng bị ảnh hưởng của Thủy triều, quá nữa đêm Thủy triều thường dâng cao, xe không vượt được, nếu để chết máy giữa ngầm rất nguy hiểm.Tôi cho đặt trạm gác 2 bên ngầm, theo dõi mực nước, nếu nước lớn ngăn không cho xe qua.Hôm ấy quá nữa đêm thì 1 trạm gác ngủ quên, nước lên to nhưng không có người cảnh báo nên xe vẫn xuống ngầm, ra giữa ngầm thì xe chết máy, lái xe kêu cứu, trực ban điều ngay 1 máy ủi ra kéo, nhưng máy ủi ra gần đến nơi cũng chết máy. Loay hoay mãi không giải quyết được, trực ban báo về thì trời vừa sáng, phải giải quyết ngay trước khi máy bay đến .Tôi lên ngay xe, cho ngụy trang cẩn thận chạy ban ngày ra hiện trường, vừa đi vừa yêu cầu đội cầu 10 đóng ở Bồng Lai chuẩn bị tời, cáp, puli sẵn sàng bố trí kéo máy ủi và xe lên, chậm nhất là 12 giờ trưa phải xong, đến nơi thì đã hơn 8 giờ. Chúng tôi tạo hố thế đặt tời chuẩn bị luồn cáp thì không ngờ hôm ấy địch cho máy bay trinh sát sớm chứ không đánh buổi chiều như lâu nay. 9 giờ máy bay trinh sát đến và phát hiện ngay 2 mục tiêu lồ lộ giữa dòng sông. Hai mươi phút sau 2 chiếc cường kính bay đến, một chiếc bắt đầu quay vòng, càng lúc càng ổn định. Nhất định nó sẽ đánh bom điều khiển bằng lade rồi, không còn cách nào cứu chữa. Tôi đứng ngay trên bờ nhìn, vì biết nó sẽ đánh trúng mục tiêu. Quả thật chiếc thứ nhất quay vòng để phóng lade vào mục tiêu như cái phểu, chiếc thứ hai lao vào ném bom vào phểu, la de hút ngay bom vào mục tiêu, một tiếng nổ vang, chiếc máy ủi thành những mãnh vụn hay lên trời cùng đất đá, nước tung tóe. Bắt đầu thay đổi, chiếc thứ 2 định vị, chiếc thứ nhất ném bom, lại 1 tiếng nỗ, chiếc xe tải không còn bóng dáng.
Hai chiếc máy bay quay hai vòng quan sát xong rồi cút thẳng, không gian im ắng, chúng tôi lội ào xuống ngầm, 2 hố bom lớn trúng ngay giữa ngầm làm thành 2 lỗ sâu 5m, đường kính mỗi lỗ khoảng hơn 10m, ngầm bị phá hoại hoàn toàn. Tôi nhẩm tính: Huy động xe ben toàn công trường từ cửa khẩu, cỏng đá xuống và huy động đá học từ các mỏ gần nhất cũng phải mất 3 đêm mới thông được ngầm. Vừa lúc ấy bộ phận thông tin đem máy bộ đàm đến báo: Binh trạm trưởng Binh trạm 14, trung tá Hoàng Trá muốn nắm tình hình và phương án bảo đảm giao thông ; Sau khi nghe tôi báo cáo ông ra lệnh: Hiện nay 2 đầu đang có hàng trăm xe chờ, lệnh cho anh trong 2 hôm phải thông ngầm, không được để đến hôm thứ 3. Tôi miễn cưỡng chấp hành nhưng nghĩ chưa ra bằng cách nào để thực thi mệnh lệnh đây. Tôi suy nghĩ rất lung.
Bỗng thông tin lại nối liên lạc cho tôi. Anh Lam - Chi đang họp ở Ban 67 điện về hỏi tính hình, tôi báo cáo tình hình và phương án giải quyết đồng thời mệnh lệnh của Binh trạm trưởng Hoàng Trá.
Anh Lam Chi nói ngay – sao anh không cho chở cát Bồng lai cách đấy chỉ 2 km đổ vào ngầm cho nhanh hơn ?.
- Bên kia ngầm ta không có lực lượng và xe.
- Được rồi ngoài phương án huy động toàn bộ xe ben từ cửa khẩu cỏng đá xuống sau đó tiếp tục lấy đá ở các mỏ đá gần như anh đã đề ra. Anh sang ngay cầu 10, đơn vị đang nhận danh hiệu anh hùng nhà nước vừa phong tặng, truyền đạt Mệnh – Lệnh của Ban: Huy động toàn bộ xe của cầu 10, lấy quân cầu 10 xúc cát ở Bồng lai đổ xuống hố bom – Anh cho xe chạy ban ngày, ngay từ chiều nay, địch đã quan sát thấy tắc ngầm, vậy trong 2 đến 3 ngày nữa nó sẽ không chú ý gì đến khu vực này đâu. Anh yên chí ! Với phương án ấy anh thấy bao lâu thì có thể thông ?
- Báo cáo anh ! phương án ấy có thể chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của binh trạm trưởng Hoàng Trá.
- Tôi thấy nếu cho xe chạy ban ngày năng suất sẽ cao hơn, có thể trước tối ngày mai, ngầm sẽ thông !.
- Tôi ngỡ ngàng và vui sướng, không ngờ có một phương án vừa táo bạo, quyết đoán ngay. Đúng là mình chưa đủ tầm cở.
- Báo cáo anh em cho thi hành ngay.
Tôi sang ngay đội cầu 10 truyền đạt mệnh lệnh của Ban, huy động hơn 15 xe ben chiều hôm ấy lấy cát đổ xuống 2 hố bom, điều tất cả xe ben của công trường chở đá ở các mỏ đá của công trường xuống. Mọi việc suôn sẻ, đúng như dự tính, 13 giờ ngày hôm sau ngầm đã thông. Tôi báo cáo với Binh trạm trưởng cho giải tỏa xe đọng lại hai bên ngay buổi chiều hôm ấy, để tranh thủ thời gian thủy triều thấp nhất.
Nghĩ lại đây là một bài học rất lớn trong cuộc đời tôi, mọi việc phải sáng tạo, chín chắn nhưng quyết đoán, không lùi bước trước khó khăn.
Bài 5: Xử lý bom mìn
Một việc đáng nhớ trong quá trình bảo đảm giao thông của tôi.Hôm ấy anh Lam - Chi triệu tập 1 cuộc họp khẩn cấp.Cụm H1 báo cáo vào công trường, tình hình khẩn cấp: “Địch đánh bom từ trường tại đoạn Xuân Sơn đi Hà Lời, hai xe vào đã bị bom nổ, hỏng 2 xe, chết 2 người, đề nghị công trường có biện pháp giải quyết ngay vì đường tắc tỵ, Binh trạm yêu cầu phải thông tuyến sớm nhất để giải phóng các đoàn xe bị tắc ở hai đầu”.Trong cuộc họp mọi người đều lúng túng vì không ai có kinh nghiệm phá bom từ trường.Tôi đề nghị để tôi ra giải quyết vì tôi có biết về tính chất của bom từ trường. Yêu cầu điều xe đi ngay, vì bom từ trường phải quan sát ban ngày, cụ thể vị trí mới tổ chức phá được, công trường cử thêm 1 đồng chí phó thư ký công đoàn, 1 bí thư đoàn cùng đi để động viên quân. Bữa cơm trưa hôm ấy cơm bị khê nên nhiều người e ngại. Tôi nói “Cơm cháy cũng phải đi chứ đừng nói cơm khê”.
Dù cố gắng tranh thủ sao cho ra hiện trường trước khi trời tối để quan sát chính xác tình hình, nhưng vẫn không được, ra đến nơi thì trời đã tối. Tôi bàn với đồng chí phó thư ký công đoàn và đồng chí Hồ Trọng Chinh bí thư đoàn thanh niên công trường.Hai đồng chí ra hiện trường bây giờ không giải quyết được vấn đề gì, vậy 2 đồng chí vào ngay chỗ đóng quân, ổn định tư tưởng cho anh em, động viên mọi người sẵn sàng dụng cụ, khi có sự điều động của tôi là phải thực hiện ngay.Tôi ra hiện trường quan sát toàn bộ đoạn đường đang tắc.Một hố bộc phá ngay giữa tim đường có đường kích 3,5m sâu 2m. Một hố bom lớn đứt 2/3 đường, hai bên đường là ruộng. Lúc ấy ở hiện trường đã có Đại úy Sở, người phụ trách giải quyết bom – mìn của Bình trạm 14, được cử đến để phối hợp giải quyết thông đường, giải phóng xe đang tập kết chờ đợi ở hai đầu, đồng chí Nguyễn Tiến Môn phó phòng kỹ thuật của tôi và anh đại đội phó kỹ thuật của Đại đội 1 công nhân.Tôi yêu cầu anh em họp bàn ngay tại hiện trường, mời đồng chí Sở tham dự.
Tôi hỏi: - Đồng chí nào trực quan sát bom, anh em đi tìm ngay đồng chí trực quan sát đến.
Tôi hỏi - Đồng chí quan sát thấy bao nhiêu quả bom, hiện tượng bom rơi nhanh hay chậm, có cánh không ? Phạm vi bom rơi ?
- Báo cáo đồng chí tất cả có 12 quả bom rơi xuống, bom không có cánh, rơi rất nhanh, phạm vi rơi chiều dài 200m và rải rác, chiều rộng khoảng 200m. Sau khi bom rơi không nghe thấy nổ. Lúc sau tôi ra hiện trường quan sát thấy có 2 lỗ bom sâu hun hút, 1 lỗ chính ngay giữa đường, một lỗ ở mép đường. Còn lại 10 quả rơi xuống ruộng nên không phát hiện được vị trí vì ruộng có nước và đất nhảo.
- Các đồng chí đã xử lý những gì và 2 quả bom nổ như thế nào?-Đồng chí Môn phó phòng kỹ thuật báo cáo:
- Chúng tôi thấy có lỗ hút bom ở giữa đường và ở lề nên đã cho kích nổ quả bom ấy để cho xe qua, nhưng khi kích lỗ giữa đường bằng 5kg thuốc nỗ, vẫn không thấy nổ, lần thứ 2 chúng tôi cho xuống 15kg cũng không nổ, lổ bộc phá 15kg làm 1 hố sâu 2m đường kính 3,5m, chúng tôi nghĩ rằng bom không nổ nên điều 1 trung đội vào lấp lại để xe qua. Một xe 3 cầu chạy vào , chúng tôi cho anh em tạm sơ tán vì sợ bom từ trường bị kích nổ. Khi xe đi gần đến hố bộc phá, bổng một quả bom ở dưới ruộng cách xa hơn 100m nổ làm cho lái xe mất bình tĩnh, lạc tay lái, xệ xuống ruộng không lên được, lái xe bỏ chạy. Bom nổ xa nên không ảnh hưởng gì đường cả.Chúng tôi cho anh em vào lấp tiếp hố bộc phá, bổng 1 xe 3 cầu nửa chạy vào, anh em sợ bom nổ nên bỏ chạy.Lái xe thấy anh em bỏ chạy vội dừng xe lại cạnh lổ hút bom cạnh đường, 2 đồng chí trên ca bin xuống xe đến quan sát lỗ lộc phá. Quan sát xong, hai người quay đầu định đi về xe, thì quả bom cạnh đường, ngay sau đuôi xe phát nổ, xe tan tành, 2 chiến sĩ trên thùng xe hy sinh.
Tôi hỏi – Từ chiều đến giờ việc đi lại của dân trên đoạn đường này như thế nào ?
- Nhân dân vẫn đi lại thường, xe đạp vẫn qua lại, chúng tôi vẫn dùng cuốc xẻng xà beng vào lấp hố bộc phá bình thường.
- Ai báo cáo về công trường là bom từ trường, có biểu hiện gì nữa không?
- Tôi thấy 2 lần xe vào bom đều nổ nên đoán là bom từ trường, báo cáo về công trường xin ý kiến giải quyết. Vừa nói đến đây thì máy bay địch đến, ném pháo sáng, mọi người chạy vào hang đá cách 50m, máy bay vòng lại bắn mấy loạt bom lân tinh, trời sáng rực, những ánh lửa bom lân tinh nhảy như cóc. Anh Sở đại ủy công binh chạy theo tôi run cầm cập.
- Anh là người chỉ huy ở đây mà run như thế thì làm sao động viên được quân
- Tôi cố ghìm nhưng không thể ghìm được. Run từ trong bụng run ra.
- Anh hãy bình tĩnh, coi như không có việc gì.
Máy bay địch quay mấy vòng quan sát rồi đi thẳng.Tôi lại ra hiện trường gọi mọi người lại và phân tích.
- Theo tôi đây không phải bom từ trường vì bom từ trường khi rơi xuống phải xòe cánh ra, cản bớt lực rơi để bom không thể xuống sâu và cánh nằm trên mặt đất rất rõ.
- Có thể đây là bom từ trường cải tiến, anh Sở đại úy công binh nói.
- Không thể ! vì bom từ trường không thể xuống sâu, vì xuống sâu, bộ phận cảm ứng của nó sẽ mất tác dụng – mặt khác xe đạp và anh em vẫn dùng dụng cụ sắt thép ở hiện trường có ảnh hưởng gì đâu, nếu là bom từ trường khi xe đạp qua hay đưa dụng cụ sắt thép vào là nổ liền.
- Có thể đây là bom từ trường có bộ phận điều khiển, lúc tắt, lúc mỡ.
- Lại càng vô lý, vì như vậy biết lúc nào nó mở, nó tắt và tôi đọc tài liệu thấy trên đất ta, địch chưa thả loại bom nào như thế cả…
- Còn 2 trường hợp xe vào bom nổ thì sao?
- Đấy là bom nổ chậm, nó phát nổ ngẩu nhiên trùng hợp. Quả thứ nhất ở cách xa đường xấp xỉ 100m, bom từ trường không nhận được tín hiệu thay đổi từ trường xa như vậy. Còn quả thứ 2 lại càng không phải bom từ trường vì nếu là bom từ trường thì khi xe đi qua là nổ ngay, ở đây xe đã qua, đã dừng lại 1 lúc, từ trường không thay đổi nữa, tại sao bom từ trường lại nổ được, chẳng qua thời điểm hẹn giờ bom nổ chậm trùng khớp thời điểm xe đã đậu lại 1 lúc, nếu xe cứ chạy, chắc là khi bom nổ nó đã ở cách xa không gây thiệt hại gì.
Bây giờ cho quân và máy móc ra lấp 02 hố bộc phá và bom lại cho thông xe ngay, giải phóng các đoàn xe đang chờ hai bên trước khi trời sáng, nhưng để tránh bớt thương vong có thể xảy ra, tôi phân công: Anh Môn chỉ huy 1 trung đội công nhân lấp hố bộc phá, còn hố bom sẽ dùng máy ủi vì khối lượng quá lớn, sau khi hố bộc phá làm xong rút quân về, sẽ cho máy ủi ra, tôi sẽ chỉ huy, đồng chí lái máy ủi đâu ? – Có em đây, nhưng nếu là bom từ trường thì sẽ chết sao ? Anh Cao lái máy ủi nói.
- Không phải bom từ trường, tôi sẽ đi trước, xi nhan cho máy anh làm.
- Anh ơi ! ở đây địch thường đánh đến quá nữa đêm mới ngừng.
- Được Anh sẽ vào lán nằm ngủ cùng tôi, nữa đêm tôi sẽ thức anh dậy đi làm, anh đừng lo. Anh Môn tiến hành lấp hố bộc phá ngay, khi xong vào báo cho tôi để tôi điều hành lấp hố bom. Đề nghị anh Sở có ý gì khác không ? và đề nghị anh báo cáo ngay về đồng chí Binh trạm trưởng quyết định của tôi, nếu Binh trạm trưởng có ý kiến gì khác thì nói cho tôi biết ngay.
Tôi kéo anh Cao vào hang đá cách 50m để anh ngủ, tôi nằm cạnh không ngủ được, thấp thỏm không biết mình quyết định có đúng không ? Nhưng nếu không giải quyết ngay, chần chừ thì hôm nay sẽ không thông đường, ngày mai máy bay đến, 2 đoàn xe ở 2 đầu tránh đi đâu ? Trách nhiệm lớn quá, nếu có xảy ra việc gì thì thiệt hại cũng chỉ là tối thiểu, phải đặt lợi ích lớn lên trên hết. Tôi bình tâm lại và chờ đợi, vẫn không ngủ được, cứ bấm đèn pin nhìn đồng hồ, anh Cao bên cạnh đã ngủ ngon, tiếng ngáy đều đặn.
21 giờ - 21 giờ 30 phút – 22 giờ tôi nóng ruột định ra hiện trường xem thì anh Môn bước vào.
- Báo cáo anh ! Hố bộc phá đã lấp xong đầm kỹ, xe có thể qua được, em để lại 5 người trực còn cho về hết.
- Tốt, tôi đập anh Cao dậy ! Anh Cao ngái ngủ
- Mấy giờ rồi anh ?
- Quá nửa đêm rồi ! Dậy đi làm đi
Anh Cao yên tâm, lái máy ủi ra, tôi xi nhan cho anh từng đường ủi đất.Lầm lũi 2 anh em làm đến 23g30’ thì đã lấp gần hết, tuy nhiên đã đủ chiều rộng cho xe chạy thoải mái, tôi cho anh Cao dùng máy ủi đầm chặt đất, gọi công nhân trực đến lấy cọc tiêu chôn, hướng cho xe đi an toàn, cho anh Cao nghĩ, anh mừng quá, lái máy ủi chạy xa 2 km tìm nơi kín đáo dấu máy.Tôi kiểm tra lại hiện trường 1 lần nữa rồi rút súng lục bắn 3 phát lên trời, báo tin thông đường đồng thời yêu cầu thông tin báo về ngay cho trực ban ở Binh trạm là đường đã thông, báo cho các đoàn xe tranh thủ qua trọng điểm, đến địa điểm tập kết trước lúc trời sáng.20 phút sau đã nghe tiếng xe và ánh đèn gầm từ 2 đầu tiến vào, tôi đứng bên hố bom vừa lấp, quan sát mỗi bên hơn 10 xe qua lại an toàn tôi mới về ngủ.
Bài 6: Những trận B52
.
Trận thứ nhất:
Hôm ấy đã tối, tôi đang ngồi giữa hầm chỉ huy.Hầm của tôi vuông vức như 1 phòng nổi lên trên mặt đất, chung quanh chôn những cây gỗ đường kính 20-30cm, trên gác cây cũng có đường kính từ 20-30cm, ngoài đắp đất dày trên 1m, bên cạnh có 1 hầm chữ A kiên cố. Bom có đánh đáo trúng vào giữa hầm mới có thể gây thương vong.Giữa hầm là 1 chiếc bàn và 6 ghế để làm việc, trên bàn luôn có bản đồ đặt đúng phương hướng, có vẽ đầy đủ cả tuyến đường, có địa bàn. Nghe tiếng 3 loạt B52, theo phương hướng tiếng nổ, đối chiếu với bản đồ tôi khẳng định: Nó đánh vào khu vực H1 ngoài Cửa rừng. Gọi điện thoại ra trạm thông tin H1 của công trường, đường dây bị đứt. Tôi gọi ngay ông Lam Chi, chỉ huy trưởng công trừơng.
- Báo cáo anh B52 đánh vào khu vực H1
- Tôi và cậu ra đó ngay.
- Đường vẫn thông, nhưng cạnh đường, phía trạm thông tin H1 cây cối gảy đổ ngổn ngang. Nó đánh vào khu thông tin H1 và trạm vô tuyến của Quân đội ở đấy.
Chúng tôi phát cây chui vào đến nơi : Khu thông tin H1 của chúng tôi bị đánh tan tành, tôi và anh Lam Chi chui tìm từng lán, từng hầm để tìm các đồng chí trực thông tin, không thấy ai, đến cuối cùng thấy một tử sĩ là một đồng chí bộ đội đang được đặt nằm ngay ngắn trên giường, bụng bị thủng, ngoài ra không thấy một ai nữa cả. Tôi bấm đèn pin tìm khắp nơi, bổng nghe từ một hang đá trên núi, nơi trạm vô tuyến quân đội gọi xuống.-“ Có phải người của công trường 20 đấy không ? Các đồng chí ở trạm thông tin của các anh chúng tôi đã đưa lên đây an toàn rồi, chỉ bị thương nhẹ .”
- Còn một tử sĩ ở đây ?
- Đồng đội của chúng tôi đã hy sinh, ngày mai chúng tôi sẽ làm lễ an táng, chúng tôi đang cho người vào thôn tìm ván làm quan tài.
Té ra hôm ấy có 2 sĩ quan ở trạm vô tuyến xuống chơi với mấy đồng chí thông tin của chúng tôi, B52 đánh, 1 đồng chí bị thương ở bụng được anh em cấp cứu nhưng không qua khỏi, đành để tạm lại đấy, còn 3 đồng chí thông tin của chúng tôi chỉ bị thương nhẹ cùng đồng chí sĩ quan còn lại dìu nhau lên hang đá ẩn trốn.
- Trận thứ 2.
Chúng đánh ban ngày.14 giờ chiều tôi đang kiểm tra hồ sơ kỹ thuật, bổng nghe tiếng bom rền 3 loạt liên tiếp. B52 rồi, theo hướng bom, căn theo bản đồ, tôi xác định nó đánh vào khu Chà-Ang. Khu vực cụm H2 của chúng tôi.Quay điện thoại cho H2, đường dây đứt.Quay điện thoại cho Anh Lam – Chi “– Báo cáo anh nó đánh vào khu vực Chà –Ang, H2 của chúng ta rồi, đường dây đứt không liên hệ được.”
- Tôi và cậu xuống đấy ngay.
Chúng tôi chạy lúp xúp từ công trường bộ xuống km15-16.Dọc đường, theo quy ước, đã gặp 3 đồng chí đại đội trưởng đại đội 222, 223 và 224 đang đứng ở mép đường chờ lệnh, tôi yêu cầu mỗi đại đội chuẩn bị ngay 1 trung đội đầy đủ dụng cụ, ra đầu đường chờ lệnh:Đến km15 đã gặp anh Võ Quang Tạo, cụm trưởng cụm H2, anh là kỷ sư khóa 7, hàng ngày anh rất nhát, anh vừa thở vừa run.
- Báo … Báo cáo Hai … Hai anh
- Bình tỉnh anh Tạo
- Nó đánh vào khu Chà-Ang chúng em. Chết hai lái xe, cháy 2 xe – Đường từ km 12 đến km 15 bị trúng 7 quả bom, đất đá cây cối đổ ngổn ngang, tắc 3km liền.
Anh Lam Chi phân công ngay.
- Tôi lo tử sĩ còn 2 cậu lo bảo đảm giao thông, phải thông đường trước lúc trời tối.
Tôi quay lại anh Tạo
- Anh đi ngược lên, có 3 đồng chí đại đội trưởng đang chờ lệnh ở đường, điều cho tôi 3 trung đội về đây nhận nhiệm vụ.
Tôi và anh Vân tiếp tục đi kiểm tra lại hiện trường, đúng có bảy quả bom trúng đường nhưng đều là bom phát quang nên hố bom nhỏ, 2 bên đường có hàng chục hố bom khác làm cho cây cối đổ xuống đường, kéo dài 3 km đúng như anh Tạo đã báo cáo. Tôi thầm nghĩ anh Tạo rất nhát, nhưng khi bom đánh ác liệt như thế, tuy rất sợ nhưng vẫn làm tròn nhiệm vụ, kiểm tra từng tử sĩ đếm từng hố bom, từng đoạn đường để báo cáo chính xác,giúp lãnh đạo có hướng xử lý đúng.
Vừa lúc ấy anh Tạo đã kéo về cả 3 đại đội, tôi nghĩ bụng: Nếu nó đánh lại ,tập trung đông như thế này thì gay go, nhưng anh em đã về đây sẵn sàng. Tôi phân công ngay: “Anh Tạo cùng đại đội 222, anh Vân cùng đại đội 223 tôi và đại đội 224 phụ trách mỗi đại đội 1km, mỗi đại đội lại chia ra 10 tiểu đội, mỗi tiểu đội 100m. Đại đội 222 km 12 – km 13, Đại đội 223 km 13- Km14. Đại đội 224 km 14-15. Làm gấp, tiểu đội nào xong báo ngay cho đồng chí Tạo, đồng chí Vân và tôi, kiểm tra được là cho rút về ngay, đề phòng địch đánh lại.”
Nhờ phân công rõ ràng và anh em tích cực nên 20 phút sau đã có tiểu đội xong, rút ngay, các tiểu đội khác càng gắng sức để rút, tránh giờ cao điểm. Đến 17 giờ thì mọi việc xong xuôi, 3 anh em kỹ thuật chúng tôi kiểm tra lại lần cuối, đường thông. Chúng tôi mệt nhọc nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ, cùng nhau về công trường. Trên đường gặp các đồng chí Thông tin đi nối đường dây bị đứt. Té ra không phải chỉ chúng tôi, lực lượng cầu đường gian khổ, mà có nhiều lực lượng, thông tin liên lạc, đường ống dẫn đầu cũng không kém.
Ba trận thứ 3, 4, 5 xảy ra ngay trong đêm 14-7-1972 :
Hôm ấy tôi triệu tập anh em kỹ thuật về họp sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra vào ngày 15-7. Nhân tiện anh em có nuôi một con lợn do một anh về nghỉ phép bắt lên. Lúc đầu nó chỉ bằng con chuột cống, nên anh em thường gọi nó là chuột, thành quen, mỗi khi gọi nó về (thả rông trong rừng) cho ăn, anh em chỉ cần gọi: Chuột ! chuột ! là cu cậu chạy về ngay. Bấy giờ nó đã được 70-80kg mập ú, định hôm sau thịt liên hoan.Tôi đang ngồi giữa bàn, hoàn chỉnh lại bản báo cáo , bên cạnh anh Môn phó phòng cũng đang hoàn chỉnh bản phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.20 giờ bom nổ liền 3 loạt, theo hướng tiếng nổ, nhìn bản đổ, tôi xác định ngay nó đánh tại km 47- km 49. Tôi gọi điện thoại lên đấy : đường dây đứt.
Tôi gọi: “Anh Đồng, anh Tuệ, anh Bài 3 anh phụ trách khu vực này lên ngay hiện trường, quan sát tình hình,có xe trực chiến ở cổng công trường đưa các anh đi, có gì khẩn cấp báo ngay về giải quyết.”Ba anh ra đi, một giờ sau, nghe điện thoại reo.
-“Em là Đồng đây, báo cáo anh địch đánh vào khu vực đấy nhưng cách đường 100m, cách lán trại đại đội 235, 100m nên không thiệt hại gì.”
- Anh đang ở đâu ?
- Em đã về đến cổng công trường
- Thôi anh vào đây ngay, giờ cao điểm không nên ở ngoài ấy.
Vừa đặt máy xuống, ngồi vào bàn, đọc được mấy câu thì ánh lửa đã loáng lên, chúng tôi vội nằm ép xuống mặt đất, hết loạt thứ nhất, tôi chui vội vào hầm chữ A, loạt thứ 2 ánh lửa lại gần hơn, cây cối đổ ào ào, loạt thứ ba. Tôi bật dậy:-“Cậu Đồng, Tuệ, Bài, nằm trong bãi B52 chắc là bị thương vong rồi, cậu nào đi với mình. – “Em đi”, Kiếm vừa ốm khỏi cùng bật dậy nói
– Cậu đã khỏe chưa?
- Khu vực này em phụ trách, em đi với anh.
Chúng tôi đội mũ, đi ủng vào rồi tìm đường ra ngay cổng công trường. Lửa đang cháy. Đi qua phòng Hành chính tôi gọi to: “Y tế, cáng thương mau ra cổng công trường, chắc chắn có thương vong rồi.”. Đi được nữa đường, bổng thấy một người đang lần mò giữa đống đổ nát tìm đường quay ra đường.
- Ai đó, Bài phải không ? Cậu không sao chứ?
- Thấy lửa chớp lên em vội nép vào kẻ đá nên tránh được mảnh bom và cây đổ.
- Thôi giữa bãi B52 mà cậu sống được, về đi, còn mọi việc bây giờ là nhiệm vụ của mình.
Đi được 15m nữa thì lại gặp Tuệ, cũng đang tìm đường ra đường.
- Tuệ phải không ? Có việc gì không ? Đồng đâu ?
- Em nép được vào 1 kẻ đá nên không sao, anh Đồng nói điện thoại nên đi sau.
-Cậu về đi, việc còn lại mình lo.
Đi một đoạn nữa lại gặp Đồng, tôi mừng quá.
- Đồng đấy à ? Thôi cậu sống được giữa bãi B52 thế này là hy hữu rồi, về đi, mình ra bảo đảm giao thông đây.Ra đến cổng công trường, chiếc ô tô trực chiến vừa về đang cháy, kho gạo cũng cháy. Đồng chí trực tại cổng báo cáo.
- Báo cáo anh: Loạt B52 đầu tiên trúng ngay xe và kho gạo Bốc cháy, đồng chí lái xe và thủ kho chết tại chỗ, em ở trong hang đá nhỏ nên tránh được mảnh bom và cây cối.
- Y tế và hành chánh đang mang cáng ra sẽ giải quyết tử sĩ, tôi phải ra xem đường dây.
Dọc 2 cây số đường cây cối, đất đá ngổn ngang, 3 hố bom nhỏ trúng đường, tôi kiểm tra kỷ rồi cho liên lạc đến ngay 2 đại đội đóng 2 đầu gần nhất điều ngay 2 trung đội bảo đảm giao thông ngay, đến nữa đêm phải thông đường.23 giờ 30’ bảo đảm giao thông xong, tôi bắn 3 phát súng lục báo thông đường . Chờ cho một số xe qua tôi mới về, anh em y tế hành chính cũng đã khâm liệm xong tử sĩ.Về đến hầm nổi, vừa nằm xuống lại nghe tiếng bom nổ rền ba loạt, theo hướng bom giống hoàn toàn như đợt đầu. Cứ yên chí là nó sẽ không gây thiệt hại gì như đợt đầu. Mặt khác đường dây điện đứt ngay từ cổng công trường, xe trực chiến bị cháy, không có cách nào đến hiện trường được nửa.
Sáng hôm sau, hội nghị sơ kết bắt đầu, tôi vừa lên chuẩn bị đọc báo cáo thì liên lạc đại hội 235 vào báo cáo.
- Đợt bom thứ ba đánh trúng đơn vị, một hầm chứ A bị một quả bom khoan, khoan trúng, 5 chiến sĩ hy sinh, xác không còn nguyên vẹn. Nhà bị sập cháy mất 3 chiếc, đường sá không việc gì.
- Sao bây giờ mới báo về. Anh Lam Chi hỏi
- Dạ đêm qua sau khi bom đánh, chúng em đi dập lửa không nghe ai nói gì cả, chỉ cử người ra kiểm tra đường, sáng nay tập thể dục, thấy máu ở trong 1 hầm chữ A chảy ra mới biết, 5 bạn trong hầm hy sinh ngay tại chỗ nên không ai biết cả.
- Đường không việc gì, các anh kỹ thuật cứ sơ kết, mình sẽ cùng bộ phận chính trị, y tế hậu cần lên ngay đơn vị giải quyết. Anh Lam Chi nói.
Chúng tôi họp mà lòng nặng trĩu, hôm qua chúng đánh ba trận B52 liến, làm 7 chiến sĩ hy sinh, cháy 1 kho gạo, 1 xe và 3 nhà …. Đau đớn quá.
Đợt B52 thứ 6 và thứ 7 cũng xảy ra trong 1 ngày và một địa điểm.
Hôm ấy Phó tư lệnh đoàn 559. Đại tá Phan Khắc Hy triệu tập cuộc họp thảo luận phương án đối phó phòng địch tập trung đánh phá trước khi ký hiệp định Paris. Vừa họp xong thì có tin báo B52 đánh vào khu vực Cửa rừng đầu đường 20, làm đồng chí phân đội trưởng cơ giới, đồng chí Nho, hy sinh, đường đang bị tắc.Tôi và anh Lam Chi về ngay hiện trường, có 7 hố bom, anh em đã lấp được 5 hố bằng máy ủi, có anh Môn phó phòng và anh Ân kỹ sư khóa 10 đang chỉ đạo 2 máy ủi bảo đảm giao thông ở đấy.Chúng tôi vào lán thắp nén hương trước di hài anh Nho đã được khâm liệm, mọi người không ai cầm được nước mắt trước sự ra đi của người bạn, người đồng chí đã sát cánh bên nhau ở nhiều trọng điểm.
- Đường xe con đã qua được. Anh Môn nói
- Thôi 2 anh về công trường bộ đi, ở đây đã có em và Ân, đề phòng đêm nay nó lại đánh vào vị trí khác.
Tôi dặn anh Môn khi xe vận tải đã qua được trọng điểm thì cho máy ủi sơ tán ngay và báo về cho tôi biết.Tôi và anh Lam Chi lên xe con về công trường bộ ngay, xe đang chạy gần về đến nơi thì tiếng bom lại rền vang. Lại 3 loạt B52 ở phía Cửa rừng.Vào đến hầm chỉ huy tôi gọi ra H1, điện thoại thông suốt, tôi hỏi.
- Anh Môn đã về chưa ?
- Dạ chưa
- Các anh cho trinh sát ra ngay hiện trường xem anh Môn, anh Ân và hai máy ủi như thế nào về báo ngay cho tôi.
Vừa lúc ấy thì anh Môn đã về và báo cáo
- Chúng tôi vừa bảo đảm giao thông xong, cho máy đi sơ tán, em và Ân đang kiểm tra lại đường và chờ xem xe tải qua có an toàn không, bỗng ánh chớp bom lóe lên, em và Ân vội lăn xuống hố bom cạnh đường tránh được tất cả các mảnh bom của 3 loạt B52, chúng đánh vào tọa độ cũ nhưng không trúng đường. Nên đường vẫn thông xe tải đã qua lại bình thường.
- Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Võ Khắc Mai : Cựu chiến sĩ Trường Sơn,sinh hoạt tại Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Đà Nẵng , Chi hội Quận Thanh Khê, hiện ở tại số nhà 693/61 Trần Cao Vân, Phường Thanh Khê Đông, Quận Thanh Khê Đà Nẵng. Điện thoại liên hệ 0903.594.179